Nếp sống đạo một thời (I)
Tuy nhiên, có một điều tôi thật sự biết rõ là sau khi Tây về đóng bót tại nhà tôi làm bộ chỉ huy. Khoảng năm 1951-52, tôi từ Hà Nội về nghỉ hè. Nhà Nghị Năm ở trên tỉnh về sai tát ao cá. Lấy cớ tát ao chứ thực sự là họ về dọn của chôn dưới ao. Không biết có ai nhìn thấy chum vại đựng vàng bạc châu báu gì không? Nhưng tôi có đến xem từ phía bên nhà tôi nhìn sang. và thấy vớt lên các vại nhỏ. Đựng gì bên trong thì tôi không biết.
Tá điền thì đời sống cực khổ hơn nhiều. Cơm chỉ có cà muối là chính.
Các ông Nghị N, Nghị S. còn có nhà ở Hà Nội. Trong nhà có con nhài, sau này gọi là con sen hay chị vú. Phía đàn ông thì có anh phu xe và rất nhiều tá điền ăn ở luôn trong nhà. Tiền công chính là được nuôi cơm. Mỗi năm được gạt cho một số thùng thóc đủ ăn. Nên vì thế suốt đời chỉ đi làm thuê, làm mướn.
Nhà cao, cửa rộng với các bức tường xây cao ngoài vẻ trang trọng còn có mục địch ngăn ngừa trộm cướp như rươi.
Nghèo thì sinh đạo tặc. Vì thế đối diện làng tôi, chỉ cách một cánh đồng có hai làng chuyên môn làm nghề ăn cướp là Đồng Phú và Sáu Đống. Làng Đồng Phú đứng bên này cánh đồng, phía nhà tôi, có thể nhìn thấy bên kia. Nhiều khi một con bò bị đánh cướp nay đang nhởn nhơ gậm cỏ ở bên kia. Dân làng biết, cai tuần phu biết, Lý trưởng biết. Nhưng không ai dám làm gì. Sáu Đống thì xa hơn ở mãi bên kia Núi Đất. Cả hai làng đó có “truyền thống” đi ăn cướp truyền từ đời cha sang đời con. Người lớn việc lớn, người yếu như phụ nữ, trẻ con có việc của phụ nữ gọi là đi hôi của. Hồi nhỏ, khoảng bảy tuổi, tôi đã được chứng kiến cảnh đi ăn cướp ngay mấy nhà trung lưu gần đó. Chúng cho thuyền cập bến cả vài chục đứa. Đèn đuốc sáng choang. Đàn ông nhảy lên bờ, một vài đứa giải gai nhọn trên đường cái đề phong có tuần đinh tiếp cứu. Bọn còn lại dồn gia chủ và đàn bà con gái vào một chỗ, rồi tha hồ lục soát khuân vác. Đến lượt bọn phụ nữ lên vơ vét, có gì lấy nấy chuyển xuống các thuyền đinh. Chỉ trong vài canh giờ là chúng vơ vét sạch và rút về bên kia cánh đồng.
Gia đình tôi có chuẩn bị kỹ nên cướp không dám làm gì. Thứ nhất là trong nhà luôn luôn có các trai tráng canh giữ. Thứ hai có chuẩn bị cung tên, dao phay. Quan trọng hơn cả là bức tường đối diện với ao trước nhà. Thày tôi đã có sáng kiến kỳ diệu như một nhà quân sự là cho đổ đất đá rộng chừng 3 mét vuông dọc theo tường nhà như bức tường thành. Dưới bức tường cho cắm nhiều cọc tre, đầu vót nhọn rộng khoảng hai, ba thước dọc theo tường nhà. Thuyền cướp không dám đậu sợ lủng thuyền. Có đậu cũng không cách nào trèo lên được bức tường thành! Chỉ còn lối duy nhất là chiếc cầu ao nhỏ. Việc phòng bị hẳn là dễ vì có cổng gỗ đóng.
Vào được bên trong thì bát dĩa, nồi niêu nấu cỗ đều được chôn dưới hầm đất, che đậy bởi các cót thóc ở cửa xuống hầm.
Sau 1945 thì trai trang các làng này bỏ nghề đi ăn cướp theo Việt Minh. Một cách hợp thức hóa nghề ăn cướp của họ. Có lẽ họ cũng giống như quân lính Tây Sơn thời xưa bỏ nghề cướp đường, cướp chợ trở thành người lính của binh đội Tây Sơn.
Phần gia đình thày mẹ tôi thuộc giới trung lưu nghĩa là có của ăn của để, có khoảng chừng hơn 10 mẫu ruộng, cộng thêm ao cá, vườn cây ăn trái. Đất ruộng đều cho cấy rẽ hay cấy thuê. Còn thầy tôi có tiệm thuốc Bắc trông ra mặt đường cái. Thầy tôi kiêm luôn làm ông Lang, bắt mạch, bốc thuốc. Mẹ tôi thì bán vải mỗi phiên chợ.
Sau này, tôi mời hiểu gia đình tôi là một hình thức kinh tế tự túc xã thôn. Lúc sống cũng như lúc chết, lúc vui cũng như lúc buồn, khi động chuyện là thày tôi có thể lo tươm tất mọi chuyện từ vật chất cũng như tinh thần. Người nghèo khi gặp cơn khó khăn có thể vay mượn đỡ trong lúc túng quẫn. Một lần, tôi sang một làng lân cận cùng với một hai nông dân đi hái nhãn, tôi mới biết cây nhãn đó của nhà tôi và mỗi năm đến mùa thu hoạch thì thuê người đi hái và vài phu nữ gánh về, bóc nhãn phơi khô trở thành một món thuốc bắc công hiệu.
Trong nhà tôi vì thế luôn luôn có một số người ăn, kẻ ở mỗi người mỗi việc. Chưa kể các anh em họ về phía thày tôi đến lo mọi chuyện, ngay cả chuyện phòng ngừa cướp bóc. Trong nhà, có hơn chục trai tráng thì bọn cướp bóc không dám dòm ngó. Chưa kể người nuôi heo, người lo hái dâu trong vườn để nuôi tằm khi đến mùa nuôi tầm mà vấn đề thời tiết là tối quan trọng. Vài trai tráng là thợ xẻ thì lo xẻ gỗ.
Nhưng tôi xin nói thêm cho tường. Để có gỗ lạt, tre nứa cho dân làng dùng khi hữu sự. Một số các anh con nhà bác theo chân thày tôi lên mạn ngược đi buôn gỗ từ mạn ngược về. Cách thức như thế nào, chuyện kể chi tiết thì quả thực tôi không rành. Có khi cả pho sách mới kể hết. Tôi chỉ có thể nói khơi khơi vậy thôi. Buôn bè thì thuê người chặt bương, nứa, luồng, vầu rồi kết thành bè thả về xuôi.
Tôi không mường tượng ra hết những nổi hiểm nguy do sông nước và trộm cướp gây ra dọc đường trong những chuyến đi buôn này. Nhưng tôi trộm nghĩ, thày tôi phải có óc phiêu lưu mạo hiểm ghê lắm, hay máu liều có thể mất mạng như chơi. Sau này, tôi nghĩ một trong những cái dở của tôi là không cố tìm hiểu xem cuộc sống của ông cụ để có thể viết đầy đủ cuộc sống của dân quê miền Bắc. Từ những cách làm ăn, sinh sống, văn hóa chửi đến cách sống đạo với các buổi rước kiệu, chầu mình Thánh, các buổi ngắm đứng, ngắm Thương khó, tổ chức các Phường Bát âm, Hội Trống, các hội đoàn như Nghĩa Binh Thánh Thể. Thày tôi hẳn là người tháo vát và cáng đáng.
Ra đời sống sinh hoạt làm ăn bên ngoài, từ những cơn lũ lụt, cánh đồng chiêm, con nước, đi cấy, đi cầy, đi gặt, đi lưới, từ những ngày gặt, ngày tát ao cá, từ những dụng cụ như con dao phay, dao nhựa, dùi đục, cái cũi, cái cưa xẻ, cái gáo, cái gầu, cái chum, cái niêu, nồi đất, cái bát chiết yêu, cái lồng ấp, cây đèn dầu đến cây đèn măng xông đến cái nhà xí. Biết bao điều lý thú mà lúc sống ở nhà quê tôi đã trải qua.
Sau này, vào đến trong Nam, thày tôi còn kiếm đâu ra được những thân tre, chẻ ra rồi đan rổ rá như một thứ hoài niệm quá khứ.
Trong đời sống gia đình, tôi mới hiểu ra sau này thày tôi nghiện thuốc phiện cũng là do những chuyến đi mua gỗ trên mạn ngược mà vấp phải thói quen nghiện hút. Vậy mà đến khi di cư vào miền Nam, sau mấy chục năm nghiện ngập, khi chính quyền Ngô Đình Diệm ngăn cấm, thày tôi có đủ nghị lực từ bỏ nghiện ngập mặc dầu bị thiếu thuốc nó quật, nó hành. Tôi đã thấy những cảnh nôn mửa ra mật xanh, mật vàng, mặt mũi xanh lè. Ngồi như lắc lư lên đồng, nước miếng, nước dãi nhểu ra, thế rồi cuối cùng thày tôi cũng bỏ được.
Khi đến tuổi trưởng thành, tôi mới chợt nghĩ, mình đôi khi không phải với ông cụ. Để ông cụ sống những ngày tháng an vui với ngày đôi diếu thuốc phiện nào có nhằm nhò gì. Thầy tôi sống đến trên 90 tuổi mới mất.
Về chức vụ trong làng về mặt đạo thì thày tôi là ông Trùm, đứng đầu giáo đân, bên cạnh cha xứ lo phụ giúp cha xứ trong mọi việc từ lớn đến nhỏ trong nhà xứ. Về mặt đời, thày tôi vẫn còn chút lưu luyến và quý nể cánh nhà giàu nên họ có chuyện gì như ma chay, cưới hỏi là ông cụ sắn tay lên phụ giúp. Ông cụ vẫn nhớ cái ơn lúc ban đầu được họ cưu mang giúp đỡ.
Nhưng anh Cả tôi thì không hiểu như thế. Anh rất kỵ cánh nhà giàu nên khi về nghỉ hè không hề bén mảng đến nhà họ. Có một lần, anh mang về từ Hà Nội một chiếc săm ô tô để chúng tôi tập bơi tại ao nhà. Hàng xóm là nhà ông Nghị N. hẳn là thích lắm vì cả làng này không ai có, cho người làm sang mượn đỡ về. Ông cụ nể nang cho mượn ngay. Đến tối về, anh Cả tôi biết chuyện nổi điên lên, giận ông Cụ. Chiếc ca nhôm của Hướng Đạo mà anh tôi là một thành viên vẫn thường dùng. Anh quăng mạnh chiếc ca nhôm xuống đất rồi bỏ đi ra ngoài.
Tối đến, thày tôi đang hút thuốc phiện trong buồng. Anh tôi lẳng lặng bắt tất cả các em chúng tôi theo anh vào buồng xin lỗi thày tôi. Anh quỳ xuống chiếc phản lim. Bọn tôi quỳ theo. Ông cụ thản nhiên hút thuốc, phun khói lên trần như không có chuyện gì xảy ra. Mỗi phút trôi qua đi là một phút nặng nề. Bầu khí như nghẹt thở. Mẹ tôi ở đâu vào theo cách khôn ngoan của một bà mẹ, nhắc khéo thày tôi là: con nó đã vào xin lỗi thì cho chúng nó đứng dậy. Lâu sau, ông cụ mới nói. Thôi thày tha cho anh.
Bài học này làm tôi nhớ mãi buổi tối hôm ấy cho đến bây giờ. Tôi thắc mắc, anh tôi đã hành xử như vậy là với tư cách một người hướng đạo sinh từng được đi huấn luyện ở Nam Định khoảng hai tháng hay là với tư cách một chủng sinh đã mãn Tràng Hoàng Nguyên? Có nhiều phần cho phép tôi kết luận là do thời gian học sống theo tinh thần của Hướng đạo sinh.
Thỉnh thoảng theo thày tôi vào nhà xứ thì đây là một cơ ngơi có lẽ rộng chỉ thua cánh nhà giàu. Nhưng sang trọng thì không bằng.
Tôi cũng cần phải nói cho rõ là tại sao làng tôi hầu như thuần thành theo đạo chỉ có một số nhỏ xóm trong là không theo Đạo? Trong khi các làng lân cận thì đều không có đạo? Theo ông nội tôi kể lại cho các dì tôi, họ Phạm có nhiều chi. Chi thứ năm là chi Mậu. Đứng đầu chi là cụ Phạm Duy Trung chỉ đẻ được một người con trai duy nhất là Phạm Đình Huyên. Cụ Trung có xuống Nam Định làm ăn có ở trọ một gia đình theo đạo công giáo. Còn ông Huyên lúc đó mới được năm, sáu tuổi. Nhưng được cái dáng người khôi ngô, đĩnh ngộ. Một hôm có một ông cố đạo đến thăm gia đình người chủ nhà thấy cậu Huyên, cố ngỏ ý xin làm con nuôi và hứa sẽ nuôi ăn học đến thành tài. Cụ Trung đã đồng ý giao con cho Cố đạo Tây. Ông này đã gửi cậu Huyên đi học tràng Chủng viện, rồi sau lên Đại Chủng Viện. Nhờ học giỏi và hạnh kiểm tốt nên được chọn để đỗ cụ. Nhưng trước khi chịu chức linh mục, phải điều tra gia thế xem có điều gì trắc trở. Điều chắc chở và gây khó khăn là cậu Huyên lại là con một mà theo tục lệ người Việt là phải lấy vợ để nối dõi tông đường. Nhà không có ai nối dõi là vô phúc, tuyệt nọc rồi huống hồ đây có người nối dõi mà lại bỏ đi tu?
Theo sách thầy Mạnh Tử trong ba điều đại bất hiếu, không con nối dõi tông đường là tội nặng nhất: bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại(1). Điều đại bất hiếu là không có con nối dõi tông đường. Không con, thiếu người nối dõi, đứt quãng, dòng họ ngưng tụ lại là có tội với tổ tiên. Cha mẹ trở thành oan hồn lang thang, không lối về.
Cho nên, người xuất gia, tu hành được coi là người bất hiếu.
Và vì để nối dõi tông đường, cậu Huyên đã được trả về gia đình để lấy vợ. Kể từ đó, tất cả con cháu họ Phạm chi thứ năm, tức là chi Mậu đều theo đạo công giáo. Làng Yên Phú theo đạo công giáo là từ con cháu cụ Phạm Đình Huyên mà ra, rồi lây lan sang các chi khác cũng theo.
Việc xây nhà thờ làng Yên Phú (1914)
Khu vực nhà thờ An Phú (Kẻ Tâng), 76 mét sau QL1A (phía tây), 280m trước con lạch (phía đông) nhìn từ cao. Nguồn: Google Maps.
Lịch sử xây nhà thờ làng Yên Phú là một lịch sử đầy oan trái. Những cánh đồng lúa của bổn đạo mới trong làng – như những luống cầy vỡ đất mà mỗi luống cầy hằn lên những đau thương, tủi nhục và mồ hôi nước mắt. Phần lớn bổn đạo xuất thân nông dân, đã vấp váp phải những trở ngại mà người đời sau, con cháu chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Cho đến nay, người viết bài này không biết phải mất bao nhiêu năm, bao nhiêu công sức lao động của các bổn đạo mới với mồ hôi nước mắt đổ ra để xây dựng được ngôi Thánh đường nguy nga và đồ sộ như thế! Thật quá sức người. Thật không hiểu được. Cần gì cứ phải xây những Kim Tự tháp?
Thế hệ thày tôi cũng chỉ là thế hệ con cháu của những người đi khai phá. Và cũng thế, con cháu của những gia đình giàu có trong làng cũng chỉ là hậu duệ. Sau này họ đã nhận những hậu quả nhãn tiền mà mọi người bổn đạo đều tin rằng có bàn tay của Chúa: “Chúa phạt”. Chúa phạt là một từ ngữ thông dụng của những người bổn đạo mới. Cái gì làm sai trái thì sợ Chúa phạt mà những tòa án giải tội không có cách nào gỡ rối và giải oan được. Tôi viết những dòng này ai tin thì tin ai không tin cũng đành vậy.
Số là khi lập đồ án xây dựng nhà thờ thì vị trí từ cuối nhà thờ nhìn thẳng ra đường Quốc lộ. Đây là một vị trí đẹp nhất, nhìn thông suốt ra quốc lộ và phía bên kia đường cái là đồng ruộng mênh mông. Cây Thánh giá trên tháp nhà thờ sẽ ngự trị trên cao, nhìn ra mọi phía. Bây giờ thì không biết được nguồn gốc mảnh đất này từ đâu? Nhưng phía đằng sau nhà thờ là nhà xứ xem ra còn nhiều đất trống rộng rãi. Tai sao đồ án không kéo lui nhà thờ lại để tránh cảnh chật chội phía trước nhà thờ? Đó chỉ là những câu hỏi bây giờ không có câu trả lời.
Phía bên trái nhà thờ là cơ ngơi một nhà Nghị chỉ có một cổng lớn mở ra. Phần còn lại là một bức tường dài xây bằng đá như một “ thành lũy” hay như một “ngục thất”. Trông đã mất cảnh quan nghiêm chỉnh. Phía bên mặt nhà thờ là một cái đầm lớn chiếm hầu hết diện tích mà bên bờ là lau sậy mọc hoang dại.
Sân nhà thờ chỉ còn là một mảnh đất hẹp rộng chừng 15 thước chạy dọc mà nếu sau này có dịp rước sách thì thật lúng túng nhiều bề. Sau khoảng sân nhà thờ là một con đường lát gạch bổ cau, rộng chừng hai mét, hai bên có đường rãnh thoát nước và lối đi cho trâu bò qua lại đi từ Xóm Trong ra Xóm Ngoài. Ra đến đường Cái thì không biết từ bao giờ có một cây Ngọc Lan cao chừng 20 met, cành lá xum xuê, rễ cây nổi hẳn lên trên mặt đất. Nhưng có ai dư thì giờ để đi hỏi tuổi một cây Ngọc Lan? Mà hỏi để làm gì cơ chứ! Nó có ở đó như một điều tự nhiên thân quen, một hiện hữu cần và đủ. Nó ở nơi đây được chứng kiến và nghe đủ chuyện đời, chuyện dân gian không thiếu. Những cành lá cây Ngọc Lan cúi nghiêng nghiêng, lòa xòa, la đà gần sát mặt đất như nghe chuyện thiên hạ hay như vỗ về ủi an? Mùi hương thơm của Ngọc Lan tỏa ngát một vùng với những đài hoa rơi rụng vàng mặt đất. Người ta không ngần ngại nhặt những cánh hoa thơm ấy dấu trong áo.
Nơi đây trở thành trạm dừng chân cho bất cứ ai đi vào Xóm Trong hoặc đi ra cánh dồng làm ruộng bên kia Quốc Lộ.
Cũng chính ở nơi đây sau này chứng kiến những cảnh tai trời mà con người không hiểu được.
Cánh nhà Hậu có người con gái tên Mến, tánh tình tai ngược xây một ngôi nhà Tây hai tầng ngay phía tay phải cây Ngọc Lan cũng là phía phải nhà thờ nhìn ra. Nghe đâu gạch ngói của ngôi nhà được rỡ ra từ một ngôi nhà do bắt nợ được rỡ ra từ tỉnh Nam Định, rồi chuyên chở bằng xe bò về để xây nên cơ ngơi này. Mỗi viên gạch là mỗi niềm tâm sự hờn oán của một gia đinh sa cơ lỡ vận?
Phần nhà thờ thì bắt đầu xây móng. Xin nói thêm, đảm trách công trình xây cất này là Cố Tế. Gọi là Cố vì là một người Pháp. Cố trên Cụ – đó là một điều phân biệt đẳng cấp không tốt đẹp gì. Cố được điều từ Sở Kiện về. Cố là người năng động, nhiệt tình và quả cảm, hiểu rõ trách nhiệm và công trình trước mặt là một thách đố không nhỏ.
Việc xây móng nhà thờ là việc thiên nan vạn nan. Vì móng nhà thờ vốn là vùng đất lở sau vụ vỡ đê. Cái ao trước mặt nhà thờ là do cơn xoáy của dòng lũ tạo nên, hệ quả bằng chứng dấu tích của vụ vỡ đê để lại. Nghe nói, cố Tế vận dụng dân làng ngày đêm, phải mất hai năm mới đóng xong móng. Để đóng móng, dân làng phải đi sùng lục những cây tre già trong làng và những làng lân cận to bằng bắp chân, cưa khúc từng đoạn cứ thế mà đóng xuống. Phải nện bằng vồ, nặng thì hai người một cái cứ thế nện xuống cho đến khi không nện được nữa. Không ai biết phải cần bao nhiêu gốc tre già như thế cho vừa. Giống tre già chịu nước không mục nên nhờ vậy nền đất đã không bị lún.
Đến thời tôi, không rõ là bao nhiêu chục năm, tôi đã thấy dấu hiệu sụt lở của sân nhà thờ cũng như bức tường nhà thờ.
Trong khi đó thì nhà của cô Mến cũng tiến hành xây cất sau đó, nhưng hiển nhiên là tiến độ thi công nhanh hơn so với nhà thờ.
Đến lúc đó, cố Tế mới nhận ra việc xây cất căn nhà của Mến che chắn mặt tiền của nhà thờ coi không được. Thánh giá của tháp chuông nhà thờ sau này không thể nhìn ra thông thoáng ra các cánh đồng lúa trước mặt cũng như các làng mạc bên kia cánh đồng.
Cố Tế đi gặp bố mẹ của Mến là ông bà Hậu để nói phải quấy. Ông bà Hậu nể nang cố Tế, tính phá căn nhà để xây ở một miếng đất khác. Ông Hậu không sợ gì Cố Tế, vì đó là đất nhà có bằng khoán muốn xây gì thì xây. Cho nên, thâm tâm ông là muốn nhượng nhà thờ, chịu thiệt thòi không phải vì bản thân cố Tế cho bằng cái thẩm quyền thiêng liêng đằng sau Cố Tế.
Chuyện nghe kể lại
Một người có đạo trước tiên là kính sợ Chúa qua cha cố. Cãi cha cố là cãi Chúa rồi còn gì?
Tưởng rằng như thế là phía nhà thờ với Cố Tế là xong. Không xong như người ta tưởng cũng như dân làng mong đợi. Cố Tế vận động đến Bề Trên ở Sở Kiện về can thiệp. Nhưng thời gian càng kéo dài thì việc phá căn nhà đang xây dở dang càng trở nên khó khăn, phức tạp. Mến tỏ ra “đanh ngược” cứ tiếp tục xây cất mặc dầu có sự can gián của ông bà Hậu. Cái đanh ngược của Mến là có lý do của nó.
Dân làng, từ trẻ đến già nay có chuyện để nói. Mọi mũi dùi đều tập trung vào Mến và ông bà Hậu. Mà câu chuyện đều bắt đầu từ cây Ngọc Lan cạnh nhà Mến. Chuyện nào cũng thành chuyện và được thêu dệt từ trong ra ngoài với nhiều người buôn chuyện và hóng chuyện. Nào là cô ấy:
“Ăn bận sang đến cô đầu nhà hát cũng không ăn đứt. Nó mặc áo cánh xát xít, nào yếm vải phin, nó tơ tuốt (diện) ghê lắm. Tính nết thì: nó chỉ nhong nhóng cả ngày, cơm bưng nước rót đến tận miệng. Theo tôi: Hơi đâu mà rỗi hơi, cứ vả vào miệng. Nó hỗn với cha cố thì tự nó bôi tro trát chấu vào bố mẹ nó. Bà truyền đời báo danh cho mày biết. Nói dại cái đồ như thế thì chửa hoang lúc nào không hay, v.v..”
Những lời bôi nhọ cứ thế mà gia tăng. Trong khi trong các buổi lễ buổi sáng, trong căn nhà nguyện tạm bằng tranh, Cha Tế yêu cầu con chiên cầu nguyện Chúa run rủi cho Mến đổi lòng. Cầu thì cầu, nhưng ngồi dưới gốc cây Lan thì mọi lời cầu xem ra đều vô bổ. Cầu nguyện và chửi bới là hai nhịp của cuộc sống của dân làng. Cố Tế quyền thế ở đâu không biết, nhưng trong làng này đến lúc Mến dùng chiến dịch chửi bới lại thì không ai đỡ nổi. Mến dùng ngay diễn đàn Cây Ngọc Lan để mở chiến dịch chửi.
Chửi là cách trả thù có “văn hóa”. Mến còn thuê người chửi, chửi ngày chửi đêm. Tay chửi hữu hiệu nhất là bà Phó Mới, một dân nhập cư, tứ cố vô thân. Dân nhập cư nên nghèo lõ đít, một thước đất cắm dùi cũng không có. Cái gì mà không làm. Bà tỏ ra có tay nghề. Bà dùng hai tay đánh chét vào nhau và xỉa xói về phía nhà xứ như vào một chỗ vô hình mà như có thật trước mặt bà. Có lúc tay chống nạnh như muốn ăn thua đủ. Đôi khi vỗ vào chỗ kín kêu đồm độp, nhãy tỡn lên hở hang mà không biết. Đàn bà con gái đứng nghe chửi xấu hổ quay mặt đi, cười tũm tĩm. Cái hĩm trời cho, nay là vốn quý bôi bẩn bắt nạn nhân chui qua hoặc ăn cả hĩm của mình nữa.
Cố Tế có một mình không lại. Chẳng lẽ bắt giáo dân chửi lại. Cố Tế bèn đóng cửa nhà xứ im lìm không một ai lên tiếng. Chửi chán, khản cổ có lúc bỏ đi. Dân làng thụ động, chịu trận như người ngoài cuộc.
Phần Cố Tế mất ăn, mất ngủ, người rạc đi. Cố bèn xin Bề Trên đổi đi nơi khác.
Thời gian sau, có hai lính sen đầm từ tỉnh về hộ vệ cố Tế đi bộ từ cuối nhà thờ ra đến đường cái. Dân làng từ trẻ con đến người lớn đứng hai bên đường tiễn đưa cố. Nhiều người sụt sùi khóc. Tiếng lạy cố chỗ này chỗ kia. Cố không đáp lại, chỉ gật đầu.
Ra đến đường cái, tự nhiên cố dừng lại như có chủ đích. Cố ngước mắt lên phía căn nhà hai tầng của Mến đang xây cất dở dang, gạch ngói bừa bãi nói trống thật to cho mọi người cùng nghe thấy:
“Các người nghe đây, các người phỉ báng cha cố lỗi phép đạo, trái lề luật Chúa. Ta nguyền Chúa sẽ phạt các ngươi nhãn tiền. Con gái các ngươi sau này có nhiều điều chửa hoang trong làng này.”
Nói rồi cố lẳng lặng lên xe kéo về tỉnh Phủ Lý, theo sau là hai người lính sen đầm. Dân làng im lặng đến ngớ người ra. Chiếc xe tay của cố dẫn đường lắc bên này bên kia lảo đảo khi gặp ổ gà. Tiếp theo là chiếc xe tay chở hai lính sen đầm chậm chạp bò theo. Còn lại chỉ là một cai bóng mờ nhạt rồi một chấm nhỏ trước khi mất hút.
Quang cảnh còn lại trở thành hoang vắng hầu như vô nghĩa. Những tiếng chửi nay có vang lên nữa liệu có ích gì? Căn nhà hai tầng của Mến đứng trơ trọi. Phần cây Ngọc Lan làng Yên Phú như vẫn đứng trơ gan cùng tuế nguyệt!
Mến đang đứng trên lầu một lúc sau vội bỏ vào trong. Ông Bà Hậu mặt cúi xuống, xụ ra như một kẻ bại trận.
Còn dân làng chia nhau giải tán ai về nhà nấy mỗi người một tâm sự.
Phải ăn mòn bát đĩa Việt Nam, hiểu rõ căn cơ nếp sống tâm tình người mình mới có thể chúc dữ được như vậy. Cố Tế chỉ nhằm vào đàn bà, nhắm vào cái vốn quý vốn là thành trì của đạo lý Á Đông coi việc người phụ nữ trinh tiết là phẩm hạnh hàng đầu. Mọi cái khác chỉ là phụ. Phải chửa hoang mới được. Vấn đề còn lại là Chúa có nhận lời nguyền của cố Tế hay không?
Chửi đã hay mà chúc dữ như thế cũng không chê vào đâu được.
Phần bà Trùm làm dấu Thánh Giá xin Chúa rộng lòng thương xót cất tội cho mọi người.
© 2018 DCVOnline
Nguồn:Bài của tác giả. DCVOnline phụ chú và minh họa.
(1) 孟子:不孝有三,無後為大!Mạnh Tử: Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại!
注:於禮有不孝者三事:
謂阿意曲從,陷親不義
,一不孝也;家窮親老
,不為祿仕,二不孝也
;不娶無子,絕先祖祀
,三不孝也。」
Ư lễ hữu bất hiếu giả tam sự: Vị a ý khúc tòng,hãm thân bất nghĩa,nhất bất hiếu dã; gia cùng thân lão, bất vi lộc sĩ, nhị bất hiếu dã; bất thú vô tử, tuyệt tiên tổ tự,tam bất hiếu dã.
Tạm dịch: thuận theo phụ mẫu, thấy họ sai mà không khuyên bảo, ấy là điều ất hiếu thứ nhất; nhà nghèo phụ mẫu lại già, không chịu đi làm quan nhận bổng lộc về phụng dưỡng phụ mẫu, ấy là điều bất hiếu thứ hai; không lấy vợ sinh con, làm đứt dòng hương hỏa, ấy là điều bất hiếu thứ ba.
(Còn tiếp)
Nguyễn Văn Lục