I. DẪN NHẬP
Xưa nay, hành giả nào chọn cuộc sống tu hành theo chân Phật hướng đến giác ngộ giải thoát, đều phải học những lời Phật dạy, gọi là Pháp học. Song song với Pháp học, hành giả phải áp dụng những chân lý đã học vào chính bản thân của mình gọi là Pháp hành. Học mà không hành, kết quả tuy có giúp mở rộng kiến thức về Phật học. Nhưng nếu không khéo tu tập thì cái mớ kiến thức đó sẽ khiến bản ngã người học ngày một thêm lớn, đi ngược với đường lối Phật dạy. Còn tu mà không nắm vững giáo lý, không hiểu biết tường tận đường đi nước bước, xem như tu trong mù mờ vô minh, chỉ có hại chứ không ích lợi gì. Ngày xưa Đức Phật thuyết pháp giảng dạy cho đệ tử tùy theo căn cơ không theo bài bản nhất định. Sau khi Phật nhập diệt mấy trăm năm, các tôn giả là đệ tử của Ngài cùng nhau kết tập, trùng tu… ghi chép lại thành Đại Tạng Kinh gồm Kinh, Luật, Luận. Ngày nay chúng ta may mắn học Phật bằng Việt ngữ là do chư Thầy Tổ đã dày công chuyển dịch từ Phạn ngữ, Hán ngữ sang Việt ngữ. Các Ngài đã phân loại và sắp xếp theo thứ tự bài bản, gồm hai tạng Nam truyền (kinh Nikãya) và Bắc truyền (kinh A-Hàm hay Hán tạng) gọi chung là Đại Tạng Kinh.
Trong vô số những bài kinh cần học hỏi có rất nhiều thuật ngữ khó hiểu, chúng ta cần được đả thông để việc thực hành không bị sai lạc. Trong bài viết này chúng ta cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của phước hữu lậu và phước vô lậu hay là phước đức và công đức khác nhau như thế nào?
II. PHƯỚC HỮU LẬU, VÔ LẬU LÀ GÌ?
Phước hay phúc gọi đầy đủ là phước đức hay phúc đức, là những điều tốt lành gọi chung là kết quả tốt mà hành giả được thừa hưởng trong đời, nhờ những nhân duyên thiện lành đức độ mà người ấy đã tạo ra từ trước.
Lậu nói cho đủ là lậu hoặc, dịch theo âm tiếng Hán. Chữ gốc là Ãsava (Pãli). “Lậu” có nghĩa đen là sự rỉ chảy, rơi rớt, lưu lại, sót lại. “Hoặc” có nghĩa là dơ bẩn, ô uế. Trong giáo lý nhà Phật, hai từ “lậu hoặc” nhằm ám chỉ những chất dơ bẩn, như là dòng máu mủ hôi tanh dơ dáy, không ngừng tươm chảy làm ô nhiễm tâm trí của chúng sanh. Chất dơ bẩn đó là những đam mê ghiền nghiện, những hành vi xấu ác… huân tập từ nhiều đời và tiếp tục tạo thêm ở đời này thông qua sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Khi sáu căn này tiếp xúc với sáu trần, bị sáu trần lôi cuốn khiến con người dễ rơi vào cảnh sa đọa của ngũ dục tạo nghiệp, có xấu có tốt, nhưng đa phần là xấu ác nhiều hơn. Khi thân hoại mạng chung, tùy nghiệp nhân đã tạo, mà phải chịu nghiệp quả trầm luân, lưu lại nhiều đời trong ba cõi sáu đường không thể giải thoát nên gọi là lậu hay lậu hoặc.
Hữu là còn, là có, chỉ cho sự tham ái, dính mắc, chấp thủ, mong muốn có mặt trong đời sống này hay đời sống sau. Vì thế, những gì còn duy trì, còn lưu lại trong Tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới), cái đó mang nghĩa là hữu lậu.
Như vậy, Phước hữu lậu là phước báo mà chúng sanh được hưởng trong đời này hay đời sau. Đó là sự giàu sang phú quý, khỏe mạnh, xinh đẹp, thông minh, quyền lực, được nhiều người yêu thương, kính trọng v.v… Sự hưởng thụ này tương đương với kết quả của những việc làm thiện lành, đạo đức, hiền lương, tử tế, giúp đỡ phục vụ tha nhân của người này từ nhiều đời trước. Những người này, được xem là những người có phước, phước đó gọi là Phước hữu lậu.
Ngược lại một người sanh ra đời với thân thể khiếm khuyết, hoặc vẹn toàn mà thường hay bệnh hoạn. Luôn sống trong hoàn cảnh khốn khó: Suốt ngày đầu tắt mặt tối mà cơm không đủ no, áo không đủ ấm, nợ nần ngày một chồng chất, con cái hư hỏng, gia đình luôn xào xáo phiền muộn v.v… Khi khổ sở quá, người này tự đấm ngực than rằng mình thiếu phước hay vô phước. Theo thuyết “Nhân Quả Nghiệp Báo” trong nhà Phật thì cho rằng đó là nghiệp quả xấu do đời sống không có đạo đức ở những kiếp trước, chẳng hạn như có hành vi độc ác hại người, hại vật v.v… nên đời này tái sanh làm người thiếu thốn khổ sở để trả nghiệp cũ. Làm việc tốt thì sẽ hưởng quả tốt tương đương hay nhiều hơn. Làm việc xấu ác thì nhận quả xấu tương đương hay nhiều hơn. Trong kinh dạy rằng “con người thừa tự nghiệp của chính mình gây ra” là như vậy!
Tóm lại, kết quả tốt mà con người được hưởng trong đời sống ở thế gian gọi là Phước hữu lậu. Phước hữu lậu có được là do hành động phục vụ tốt đẹp ích lợi cho đời nhiều hay ít của mình trước kia, mà được hưởng phước thế gian nhiều hay ít của đời này.
Vì là hữu lậu nên phước này vô thường, biến dịch. Nếu con người chỉ biết hưởng phước mà không lo tu tập tạo thêm phước, thì một ngày nào đó phước sẽ cạn, rồi hết phước. Lúc bấy giờ những quả xấu xuất hiện khiến mình chịu khổ. Cho nên muốn giữ được phước hữu lậu, hành giả vẫn phải tiếp tục tu tập theo lời Phật dạy: “Siêng làm việc lành, tránh việc ác, giữ tâm ý trong sạch” để không bị mất phước. Ví như mình gởi tiền vào nhà băng. Nếu không tiếp tục gởi tiền để dành vào trương mục của mình mà cứ rút ra xài mãi thì một ngày không xa, số tiền trong trương mục không còn nữa. Phước hữu lậu cũng thế. Dù là phước thế gian hay phước ở cõi Trời, nó không tuyệt đối vì bị giới hạn.
Người tu Phước vô lậu và Phước hữu lậu đều có những hành vi thiện lành giống nhau, nhưng tâm tư của mỗi hành giả lúc thực hiện thì khác nhau. Cùng một hành động, mà một đằng hướng đến tái sinh hưởng phước hữu lậu vật chất ở tương lai. Một đằng là công đức tu hành, làm lợi ích chúng sanh bằng tâm quảng đại. Khi cần thì làm. Làm xong thì thôi, không dính mắc gì cả. Vô lậu nghĩa là trong sạch, trong sáng. Vô lậu thuộc pháp xuất thế gian nên không bị giới hạn. Đó là cái phước của nội tâm an tĩnh, thanh tịnh không còn bị lậu hoặc (phiền não) quấy rầy.
III. TU PHƯỚC ĐỨC VÀ TU CÔNG ĐỨC
Tu theo ý nghĩa trong nhà Phật là hành động có chọn lựa, là sự hành trì một pháp môn tu tập. Tu chính là sửa đổi thân, khẩu, ý của mình ngày một tốt hơn, chuyển đổi những ý nghĩ tiêu cực chán nãn sang tích cực vui vẻ. Từ tâm ý hay việc làm chưa lương thiện chuyển sang lương thiện. Biết kiềm chế lại hành vi trái với đạo đức làm khổ người, khổ mình, mà phải có suy nghĩ hành động đúng theo chân lý, tức đúng với chánh pháp. Tu ở đây không phải là ức chế tâm, hành khổ thân, không phải bắt buộc bản thân phải tuân thủ theo giáo điều này, giáo điều nọ, hầu mong sớm đạt được tiêu điểm đề ra, mà thực chất người tu hành phải có sự sống an lạc hơn, hạnh phúc hơn, lương thiện hơn nhờ vào sự quán chiếu, sửa đổi tâm tánh, buông bỏ những điều xấu ác nếu có của chính mình thì mới đúng.
Tạm hiểu tu là như thế, nhưng trong nhà Phật có đề cập đến hai loại tu. Đó là Tu Phước Đức và Tu Công Đức. Vậy thế nào là Tu Phước Đức và thế nào là Tu Công Đức?
Người tu đạo Phật, tùy theo pháp môn mà tu tập. Thí dụ một người quy y Tam Bảo, thọ và giữ giới, đó là tu. Hằng ngày tụng kinh, trì chú, niệm Phật đó là tu. Thực tập loại trừ tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến cho chính bản thân mình thì đó là tu. Giữ chánh niệm trong đời sống hằng ngày đó là tu. Thực hành thiền định hay thiền tuệ, đó là tu. Ngoài cộng đồng, xã hội thì tham gia làm các việc phước thiện giúp ích người nghèo khổ, thiên tai, bệnh tật bằng tiền bạc hay công sức của mình… đó là tu. Tóm lại, những việc làm mang lợi ích cho quần sanh hay tự thân minh, về mặt tinh thần hay vật chất đều được xem là “tu”. Tu tinh thần hay tu vật chất đều có phước.
Về mặt hình thức thì xem như mọi người có thể làm lành lánh dữ giống nhau, nhưng không phải người nào cũng thực hành với một tâm lý, một ý nghĩa hay một mục đích giống nhau. Do đó phước báo của mỗi người tùy theo trạng thái tâm lúc “tu tập” như thế nào để có Phước đức hay Công đức.
Dưới đây là câu chuyện đối thoại nổi tiếng được ghi lại trong Phật sử giữa vua Lương Võ Đế và Tổ Bồ Đề Đạt Ma về Phước đức hay Công đức mà hầu hết các thiền sinh ai cũng biết như sau:
“Vào năm 527 Tây lịch, khi Tổ Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ sang Trung Hoa hoằng pháp. Ngài được vua Lương Võ Đế tiếp kiến tại cung điện. Trong lúc bàn luận đạo lý, nhà vua hỏi:
- Trẫm một đời cất chùa, độ tăng, bố thí, cúng dường, đúc chuông, tạo tượng, ấn tống kinh sách, như vậy có công đức gì chăng?
Tổ Bồ Đề Đạt Ma trả lời:
- Những việc làm ấy thực sự không có công đức gì cả!
- Tại sao không công đức?
- Bởi vì những việc vua làm là nhân “hữu lậu”, chỉ có những quả nhỏ trong vòng nhân thiên, như ảnh tùy hình, tuy có nhưng không phải thật.
- Vậy công đức chân thật là gì?
- Trí phải được thanh tịnh hoàn toàn. Thể phải được trống không, vắng lặng, như vậy mới là công đức, và công đức này không thể lấy việc thế gian (như xây chùa, chép kinh, độ tăng) mà cầu được.”
Những lời nói của Tổ Bồ Đề Đạt Ma lúc đó thực sự khiến vua Lương Võ Đế không hài lòng, cũng khiến nhiều người thắc mắc, không hiểu tại sao vua làm nhiều điều lợi ích cho đạo Phật như vậy mà không có công đức gì cả!
Thời gian lâu sau đó, có người nêu lên vấn đề này và được Lục Tổ Huệ Năng dạy như sau: “Quả thực là không có công đức gì cả. Vua Lương Võ Đế vì không biết Chánh pháp, nên lầm hai chữ “Công đức” và “Phước đức”. Những việc làm của vua như cất hàng trăm ngôi chùa, độ tăng chúng tu hành rất đông, thiết trai cúng dường, bố thí, đúc chuông, tạo tượng, ấn tống kinh sách… Đó là những việc làm có lợi ích cho mọi người, nhưng là việc làm có trao đổi cầu phúc nên gọi là “Phúc đức” hay “Phước đức”.
Theo lời giải thích trên thì những việc làm của vua Lương Võ Đế cũng có phước, nhưng là Phước đức hữu lậu.
Phước đức có công năng giúp chúng ta ngăn ngừa nghiệp chướng, may mắn, tai qua nạn khỏi, công việc làm ăn được hanh thông, cuộc sống bản thân được hạnh phúc v.v… Phước đức giúp chúng ta giảm thiểu chướng ngại trên đường tu chứ không giúp chúng ta thoát ly khỏi vòng sinh tử luân hồi trong Tam giới. Đức Phật dạy: “Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường”, Phước đức gồm những phước hữu lậu (giàu có, xinh đẹp, thông minh, hạnh phúc…) còn gọi là hữu vi, nên vô thường. Vì thế, trong thời gian hưởng phước mà không lo tu tập để tạo thêm phước, thì khi hết phước sẽ thì bị đọa để trả nghiệp xấu.
Còn công đức là công phu tu tập, hành trì theo lời Phật dạy hướng đến giác ngộ giải thoát bằng cách giữ gìn giới luật, tinh tấn thiền định, phát huy trí tuệ. Công đức là con thuyền đưa hành giả vượt qua biển khổ tử sinh đến bờ giác ngộ. Đặc tính của Công đức là vô lậu tức vô vi, hướng đến quả Vô sanh, nó thường hằng và không còn bị trói buộc trong Tam giới nữa.
IV. KẾT LUẬN
Chúng ta tu tập, làm việc thiện lành như bố thí, cúng dường trai tăng, ấn tống kinh sách và nhiều điều ích lợi khác cho bá tánh với tâm cầu mong được hưởng quả báo lành sau này. Phước chúng ta được hưởng từ những việc làm đó gọi là Phước hữu lậu hay là Phước đức. Đó là Phước thế gian thuộc về Tục đế. Nhưng nếu chúng ta cũng làm những việc thiện lành trên với tâm không cầu mong được tri ân, báo đáp, mà hành động bố thí cúng dường với tâm từ bi vô ngã, chỉ để người được giúp bớt khổ, chỉ để chùa có thêm phương tiện sinh hoạt làm lợi ích cho chúng sanh. Ấn tống kinh sách cho mọi người nghiên cứu mở mang trí tuệ và ngay cả bản thân chúng ta cũng trì tụng học hỏi mở mang kiến thức Phật học, để việc hành trì tu tập của chúng ta đúng với chánh pháp, đúng theo lời Phật dạy. Như vậy việc làm của chúng ta quả thật vừa mang phúc lợi đến cho tha nhân, vừa có lợi cho chính tự thân mình trên con đường tu tâm linh. Đó là chúng ta vừa “Tu Phước Đức vừa Tu Công Đức” và kết quả trên đường tu, chúng ta được hưởng cả hai thứ Phước hữu lậu và Phước vô lậu. Phước hữu lậu sẽ hỗ trợ cho chúng ta trên con đường tu tập hướng đến Vô lậu, Vô sanh. Phước vô lậu là cái phước vượt ngoài hiện tượng thế gian, thoát khỏi Tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới). Vì vô lậu, vô vi nên nó thường hằng bất biến, thuộc về Chân đế. Đó chính là công đức mà hành giả có được. Công đức này chính là trạng thái nội tâm thanh tịnh, vắng lặng tỉnh thức, trí huệ khai mở, có chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn, tức giác ngộ giải thoát vậy!
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
(Thiền thất CHÂN TÂM- July 13-2022)