TỪ HỀ ĐẾN HÀI
Huỳnh Công Ân
Ngày xưa ở Việt Nam, người đóng vai chọc cười khán giả được gọi là anh hề, ngày nay người ta gọi là diễn viên hài hay nghệ sĩ hài.
Những anh hề của Mỹ
Anh Hề Charlot
Một anh hề được mọi người khắp nơi trên thế giới vinh danh “vua hề” là Charlie Chaplin (sinh năm 1889) thường được gọi là Charlot. Thời thơ ấu Charlot ở Luân Đôn, Anh Quốc rất nghèo khổ và khó khăn. Ông không cha và sống với người mẹ chật vật trong việc mưu sinh. Ông bị gởi vào trại tế bần khi chưa đầy 9 tuổi. Ông tham gia đóng kịch khi còn rất trẻ. Năm 19 tuổi ông theo công ty Fred Kano sang Hoa Kỳ, từ đó ông bước vào ngành điện ảnh. Năm 1914, Charlot xuất hiện trên màn bạc ở phim trường Keystone Studio.
Charlie Chaplin
Về sau, Charlot trở thành nhà đồng sáng lập công ty sản xuất phim United Artist, ở đó những loạt phim câm ông thủ vai chính lần lượt ra đời trong đó có các phim dài như The Kid (1921), A Woman of Paris (1923) , The Gold Rush (1925) và The Circus (1928). Trong những năm 30 ông từ chối phong trào phim nói mà vẫn sản xuất tiếp 2 cuốn phim câm: City Lights (1931) và Modern Times (1936). Ông chỉ bắt đầu sản xuất phim nói năm 1940 với cuốn The Dictator (1940) để chế nhạo nhà độc tài Hitler. Các cuốn phim cuối cùng của ông là: Monsieur Verdoux (1947), Limelight (1952), A King In New York (1957), và A Countess from Hong Kong (1967).
Thập niên 40, ông bị nghi ngờ có khuynh hướng thiên tả và bị FBI điều tra, ông bỏ sang sống tại Thụy Sĩ cho đến khi qua đời (1977). Ông được hoàng gia Anh phong tước hiệu Hiệp Sĩ (Sir) năm 1975. (Theo Wikipedia)
Lối chọc cười của Charlot khiến khán giả cười ra nước mắt không cần tiếng nói. Một anh chàng nhỏ bé phải đối đầu với một anh khổng lồ. Một kẻ nghèo kiết xác tìm cách kiếm miếng ăn. Một người độc thân lại nghèo nhưng vì tình nhân đạo phải nuôi một đứa bé bị bỏ rơi… Nhưng nhân vật Tram thông minh (vai trò của Charlot) đã thành công bằng những thủ thuật, mánh lới khiến đối thủ phải thua mà khán giả lại cười.
Ngoài ra, dáng đi, điệu bộ, lối ăn mặc của Charlot cũng đủ chọc cười khán giả. Có thể nói trong lịch sử nghệ thuật trình diễn, đến ngày nay người ta chưa bao giờ tìm được một người kịch sĩ đóng hài hay và sâu sắc như thế, xứng đáng với danh xưng “vua hề”. Ông thành công trong những phim câm hơn là phim nói.
Những anh hề khác của điện ảnh Hoa Kỳ
Nổi tiếng cùng thời với Charlie Chaplin trong các phim hài câm là Buster Keaton (1895-1966).Ông ta vừa là giám đốc, nhà sản xuất, người viết kịch bản và diễn viên. Ông diễn bằng điệu bộ và một gương mặt khắc khổ nên được mệnh danh là người “mặt đá”.
Buster Keaton
Những phim của Keaton được nhiều người xem nhứt là Sherlock Jr. (1924), The General (1926), and The Cameraman (1928). Orson Wells đánh giá phim The General là phim hài hay nhứt từ trước đến giờ.
Thập niên 1930, cặp Laurel và Hardy thành công trong cả phim câm và phim nói. Lúc còn nhỏ, tôi gọi phim của hai người này là phim “thằng mập và thằng ốm”
Laurel và Hardy
Hai người đóng chung 107 phim gồm: 32 phim câm ngắn, 40 phim nói ngắn và 23 phim nói dài.
Lối diễn chọc cười của hai người là dùng những cử chỉ quá lố, ngây ngô hay ma mảnh. Phim đầu tiên họ đóng chung là The Lucky Dog (1921), nổi tiếng nhứt là phim Babes In Toyland (1934) và phim cuối cùng là Atoll K. (1950).
Jerry Lewis
Trong các thập niên 1940, 1950, 1960 Jerry Lewis (1926-2017) và ca sĩ Dean Martin là một cặp hài nổi tiếng từ những hộp đêm, đài phát thanh đến phim trường. Họ gặp nhau năm 1950 và chia tay năm 1956. Jerry Lewis thường đóng vai trẻ con hay thằng khờ.
Những cây hài khác của Hoa Kỳ đáng nhắc đến kế tiếp là Bob Hope, Bill Cosby, Steve Martin, Bill Murray, Eddie Murphy, Jim Carrey, Robin William, Ben Stiller …
Jim Carrey
Những cây cười của điện ảnh Pháp
Fernandel (1903-1971) là một kịch sĩ hài nổi tiếng nhứt của Pháp. Ông sinh ra ở thành phố biển Marseille, trước khi trở thành diễn viên hài ông ca những bản nhạc hài ở những quán cà phê có nhạc sống. Sau khi mãn quân dịch, năm 1928 ông lên Paris trình diễn trên sân khấu kịch trước khi được tham gia cuốn phim đầu tiên “Le blanc et le noir” năm 1930. Từ đó ông tung hoành trong làng điện ảnh với những phim hài suốt 40 năm trong đó có những phim kinh điển như Le Schpountz, L'Auberge rouge, Ali Baba et les Quarante Voleurs hay La Cuisine au beurre. Đóng vai kẻ ngây ngô, thật thà với “hàm răng ngựa” Fernadel đã chọc cười hàng trăm triệu khán giả khắp nơi trên thê giới. De Gaule thú nhận Fernandel còn nổi tiếng hơn ông, mọi người ví ông như là Charlie Chaplin của Pháp.
Fernandel
Một cây cười khác của Pháp cũng rất nổi tiếng là Bourvil (1917-1970), ông thần tượng Fernandel nên thường đóng vai một nông dân thật thà, ngây ngô.
Bourvil
Nhưng phải nói một diễn viên hài khác của Pháp: Louis De Funès (1914-1983) để lại nhiều dấu ấn trong nền điện ảnh Pháp. Ông đã đóng trong hơn 100 vỡ kịch và hơn 150 cuốn phim. Vai cảnh sát của ông trong bộ phim Le Gendarme de Saint-Tropez và năm cuốn phim tiếp theo cũng như bộ ba phim Fantômas đóng với Jean Marais và Mylène De Mongeot không bao giờ phai mờ trong ký ức của thế hệ thanh niên chúng tôi trong thập niên 1960.
Louis De Funès thủ vai một người nóng nảy, ham cải cọ, nói thẳng, nói lung tung và có khi không nói mà diễn tả bằng nét mặt và hành động ma mãnh. Người ta chỉ thấy gương mặt của ông cũng đủ bật cười.
Mr Bean của điện ảnh nước Anh
Mr Bean là nhân vật trong loạt phim câm Rowan Atkinson (1955-) đến từ hành tinh khác, lười biếng, vụng về, nghịch ngợm và ma giáo. Ông chọn nhân vật Mr Bean khi còn đang học kỹ sư điện ở trường đại học Oxford. Mr Bean là bộ phim truyền hình gồm 15 tập được chiếu từ 1990 đến 1995.
Rowan Atkinson
Rowan Atkinson thành công lớn vớl bộ phim đó, có tập được đến hơn 18 triệu lượt người xem. Giống như Charlot, phim ngắn và câm của “Mr Bean” được khán giả tán thưởng hơn những phim dài có tiếng nói về sau.
Những danh hề miền Nam trước năm 1975
Quái kiệt Trần Văn Trạch
Trần Văn Trạch (1924-1994), tên thật là Trần Quang Trạch sinh ở Mỹ Tho, trong một gia đình có truyền thống giỏi về âm nhạc. Anh cả của ông là Trần Văn Khê và cháu của ông là Trần Quang Hải đều là giáo sư tiến sĩ về âm nhạc học bên Pháp, nhưng ông được người Việt Nam biết đến nhiều nhứt qua các bản nhạc hài của ông. Vì vậy ông được mệnh danh là quái kiệt.
Quái kiệt Trần Văn Trạch
Ông đã sang tác và tự hát những bài nhạc hài bất hủ như: Anh phu xích lô (1951), Chuyến xe lửa mùng năm (1952), Tai nạn tê lê phôn, Cái đồng hồ tay, Anh chàng thất nghiệp, Cây bút máy, Đừng có lo… Nhưng bài hát mà hầu hết mọi người ở miền Nam trước năm 1975 đều biết là bài Xổ số kiến thiết:
“Kiến thiết quốc gia
Giúp đồng bào ta
Xây đắp muôn người
Được nên cửa nhà…”
Mỗi chiều thứ ba, trước giờ xổ số, đài phát thanh Sài Gòn đều mở bản nhạc này ra cho mọi người nghe trong khi chờ đợi kết quả.
Ít ai biết ông chính là tác giả bản hùng ca Chiến xa Việt Nam mà các khóa sinh trong các quân trường thường đồng ca khi đi quân hành. Trần Văn Trạch ca tân nhạc lẫn cỗ nhạc đều hay. Ông đã song ca bản nhạc Chiều mưa biên giới của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông với ca sĩ minh tinh Khánh Ngọc. Ông cũng từng hoạt động trong địa hạt điện ảnh và làm đạo diễn hai cuốn phim: Thoại Khanh Châu Tuấn và Trương Chi Mỹ Nương. Ông là người đặt tên chương trình văn nghệ tạp kỹ ca, vũ, nhạc, kịch, ảo thuật, xiệc... là Đại nhạc hội.
Hồi tôi còn nhỏ, độ 10 tuổi, có hôm tôi đi qua vườn Bồ Rô (Tao Đàn) chơi, khi đi ngang Hội Kỵ Mã của người Pháp bên hông vườn Tao Đàn, phía đường Nguyễn Du tôi thấy một người Việt trên sân khấu hát một bản nhạc tiếng Pháp, ngồi bên dưới nghe toàn là các ông Tây và bà Đầm, họ vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt. Người ca sĩ Việt Nam đó là quái kiệt Trần Văn Trạch.
Năm vua hề
Tết năm 1975, một phim hài được chiếu tại các rạp xi nê ở Sài Gòn có tựa là Năm vua hề về làng. Đó là: Tùng Lâm, Xuân Phát, Văn Chung, Thanh Hoài và Thanh Việt. Cuốn phim này ra nhằm dịp tết và là phim vui nên khán giả đi xem rất đông.
Quái kiệt Tùng Lâm
Nhưng trước 1975, ngoài quái kiệt Trần Văn Trạch và năm vua hề trên, làng kịch hài miền Nam còn có Phi Thoàn, Khả Năng, La Thoại Tân, Minh Ngọc… Phi Thoàn và Khả Năng đóng chung những kịch ngắn Binh Méo Cai Tròn trên đài phát thanh quân đội. Mỗi danh hài còn được khán giả đặt thêm tên tùy theo hình dạng hay tính cách của họ, Phi Thoàn được gọi là hề Ốm, Khả Năng là hề Mập, Tùng Lâm là hề Lùn, Thanh Việt là hề Râu, Văn Chung là hề Dê… Thanh Hoài nói giọng Bắc ngọng dễ chọc cười khán giả, Minh Ngọc gốc Hoa đóng vai “xì thẩu” không ai qua.
Khả Năng, Thanh Việt và Văn Chung
Hề nữ
Về phía nữ, chúng ta phải kể đến bà Năm Sa Đéc, vợ của học giả Vương Hồng Sển. bà có giọng nói the thé. Ngoài ra còn có Mỹ Chi, Tường Vi.
Mỹ Chi
Hề cải lương
Nghệ sĩ Ba Vân
Ba Vân là một danh hề thuộc loại tiền bối của làng cải lương miền Nam Ông cũng có danh hiệu quái kiệt như Trần Văn Trạch. Những danh hề cải lương khác là: hề Tư Rọm, hề Kim Quang, hề Văn Hường, hề Sa… Văn Hường được mệnh danh là vua Vọng Cỗ hài. Bài hát nổi tiếng nhứt của ông là “Tư Ếch đi Sài Gòn”.
Văn Hường
Những danh hài miền Nam sau 1975
Bảo Quốc và Duy Phương
Bảo Quốc
Bảo Quốc (1949-) sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ cải lương cha là nghệ sĩ Năm Nghĩa, me là bà bầu Thơ chủ đoàn cải lương Thanh Minh, chị (một mẹ khác cha) là Thanh Nga, nữ hoàng sân khấu cải lương miền Nam. Ông từ vai diễn viên cải lương chuyển thành công qua kịch sĩ hài. Trong những năm 80 của thế kỷ trước cặp song tấu hài Bảo Quốc-Duy Phương làm mưa làm gió trên các sân khấu bên trong cũng như ngoài trời.
Duy Phương
Hồng Vân, Lê Vũ Cầu và Minh Nhí
Nghệ sĩ hài Hồng Vân
Hồng Vân tên thật là Ngô Đặng Hồng Vân (1966-) sinh ở Bắc Ninh, Bắc Việt. Lúc 9 tuổi (1975) bà theo gia đình vào Sài Gòn sinh sống. Khi song tấu hài với Lê Vũ Cầu với kịch bản “Ông mất gà, bà mất vịt”, Hồng Vân trở nên nổi tiếng. Sau khi Lê Vũ Cầu mất, Hồng Vân làm bạn diễn với Minh Nhí cũng rất ăn ý.
Những danh hài gốc cải lương
Bảo Chung, Kiều Oanh, Tấn Beo (con nghệ sĩ Tấn Tài)…đều xuất thân từ những vai hề trong các đoàn cải lương. Các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng trước 1975 như Ngọc Giàu, Hồng Nga…cũng chuyển sang tấu hài vì hình nghệ thuật này ăn khách hơn.
Nghệ sĩ hài Bảo Chung
Việt Hương, Thúy Nga… nghệ sĩ hài chân trong chân ngoài
Ngoài Kiều Oanh, Việt Hương và Thúy Nga là hai nữ danh hài trong nước kết hôn với người Việt ở Mỹ để được định cư ở đó nhưng vẫn thường xuyên về Việt Nam trình diễn. Cũng như Hồng Đào, Hồng Vân, Hoài Linh… Thúy Nga có năng khiếu nói được giọng các miền và các địa phương.
Nghệ sĩ hài Thúy Nga
Trấn Thành, Trường Giang: những danh hài “đại gia”
Ngày xưa, các anh hề trong những gánh cải lương là những người nghèo nhứt trong giới nghệ sĩ. Trong khi kép ca như Út Trà Ôn hay kép diễn như Thành Được ký những hợp đồng bạc triệu với các đại ban thì những anh hề như Kim Quang, hề Minh, hề Tư Rọm… phải bằng lòng với đồng lương ít ỏi và cuộc sống nghèo nàn vì vai chọc cười khán giả ít phút chỉ để câu giờ trong một tuồng cải lương dài nhiều giờ. Ngày nay, nghề chọc cười lại là nghề hốt bạc nhứt trong làng giải trí. Trấn Thành, Trường Giang… là tiêu biểu cho hiện tượng này. Cả hai đều có nhà biệt thự, xe “khủng” và vợ đẹp.
Nghệ Sĩ hài ở hải ngoại
Quang Minh và Hồng Đào
Sau biến cố 30/4/1975, theo làn sóng vượt biên của người dân miền Nam, phần lớn các nghệ sĩ cải lương, tân nhạc, diễn viên điện ảnh… cũng đi ra nước ngoài. Dần dần, miền nam tiểu bang Cali của nước Mỹ trở thành nơi tập trung nhiều người Việt vì khí hậu ở đây ấm áp. Các nghệ sĩ Việt Nam định cư ở khắp nơi trên thế giới cũng chuyển về đây hoạt động nghệ thuật. Hình nghệ thuật hài ở đây bắt đầu với những anh hề bất đắc dĩ như Ngọc Phu, La Thoại Tân, Hùng Cường, Việt Hùng và anh hề dê Văn Chung. Các trung tâm ca nhạc như Asia, Thúy Nga cũng cho xen vào các bản tân nhạc các vỡ kịch hài và người ta thấy xuất hiện cặp hài Quang Minh-Hồng Đào với những màn song tấu dù chỉ bằng lời nói cũng làm khán giả cười nghiêng ngã.
Vân Sơn, Bảo Liêm, Hoài Linh và Chí Tài
Trong thời kỳ hòang kim của nền tân nhạc ở hải ngoại (những thập niên cuối của thế kỷ 20 và thập niên đầu của thế kỷ 21), ngoài hai trung tâm Asia và Thúy Nga còn có trung tâm Vân Sơn do chính nghệ sĩ hài Vân Sơn sáng lập chuyên về hài hơn là tân nhạc. Ban đầu Vân Sơn song tấu với Bảo Liêm, sau này anh đóng cặp với Hoài Linh và về sau nhạc sĩ Chí Tài cũng tham gia.
Nghệ sĩ hài Vân Sơn
Khi hoạt động nghệ thuật ở hải ngoại xuống dốc, nhóm này về Việt Nam hoạt động. Nhưng Vân Sơn và Bảo Liêm không thành công mấy, duy Hoài Linh và Chí Tài thích ứng với cách chọc cười trong nước nên rất thành công. Chí Tài đột ngột qua đời cuối năm 2020 vì bị đột quỵ.
Những nghệ sĩ hài khác ở hải ngoại
Ngoài những tên tuổi kể trên phải kể đến một số nghệ sĩ hài khác của hải ngoại như: Kiều Linh, Bé Tí, Bé Bự, Út Mập, Giáng Ngọc, Trang Thanh Lan, Lê Huỳnh, Lê Tín, Bằng Kiều, Hoài Tâm, Hương Thủy… Hai anh hài nói giọng Bắc: Kiều Linh (đã mất) và Bằng Kiều gây nhiều tiếng cười cho khán giả nhứt. Kiều Linh được mọi người nhớ qua vai luật sư Trần Trừng Trị.
Nghệ sĩ Kiều Linh
Huỳnh Công Ân