THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
I. DẪN NHẬP
“Ai thấy Pháp người ấy thấy Ta, ai thấy Ta người ấy thấy Pháp”. Đây là lời dạy của đức Phật dành cho tỷ-kheo Vakkali. Lời dạy này được ghi lại trong Kinh Tiểu Bộ và Kinh Tương Ưng; do Hòa thượng Minh Châu dịch từ tiếng Pàli sang tiếng Việt. Trước khi tìm hiểu lời dạy trên của đức Phật, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về ngài Vakkali một chút.
II. “BÀ-LA-MÔN VAKKALI” XUẤT GIA THEO PHẬT
Kinh Tiểu Bộ tập III, Phẩm Trưởng Lão Tăng Kệ, có kể lại câu chuyện về tôn giả Vakkali. Tôn giả sanh trưởng và lớn lên ở Sàvatthi, thuộc dòng họ Bà-la-môn. Trước khi xuất gia, Vakkali đã là người nổi tiếng thuần thục ba tập kinh điển Vệ-đà. Trong một lần nghe đức Phật thuyết pháp, Vakkali bị hình tướng đẹp đẽ của đức Phật hớp hồn. Thế là Vakkali liền xin xuất gia theo Phật. Do mục đích xuất gia không phải tìm đến với Chánh pháp mà chỉ vì tâm hồn của Vakkali bị trói buộc bởi sắc pháp và thanh pháp của đức Phật, nên ngoài giờ ăn uống, tắm rửa, tôn giả Vakkali dành toàn thời gian để chiêm ngưỡng đức Phật chứ không tập trung vào việc tu tập để thoát khổ, giác ngộ, giải thoát.
Tuy bậc Đạo Sư biết rõ điều này, nhưng vì muốn chờ đợi công phu thiền quán của tôn giả được chín muồi thì tự dưng ông sẽ thay đổi nhận thức, nên Đức Phật đã không nói gì trong một thời gian dài. Thế nhưng, ngày này qua ngày khác, đức Phật nhìn thấy tâm tính của Vakkali vẫn không có chút gì biến chuyển. Cho nên Ngài nghĩ rằng: “Tỷ-kheo này, nếu không bị xúc động mạnh sẽ không thức tỉnh”. Vào một ngày cuối an cư mùa mưa, đức Phật gọi Vakkali đến, rồi nghiêm nghị bảo: “Này Vakkali, ông hãy đi đi”… Nghe đức Phật nói như thế, tôn giả Vakkali buồn rầu ra đi, mang theo trong lòng nỗi đau khổ tột cùng. Thâm tâm ông nghĩ rằng nếu không được gặp lại bậc Đạo Sư thì cuộc đời của ông không còn một chút ý nghĩa nào nữa. Ngay lúc đó, ông nuôi ý định gieo mình xuống vực núi Linh Thứu tự tử.
Đức Phật đọc được ý nghĩ của Vakkali, đương nhiên là Ngài không muốn tôn giả Vakkali tự mình phá hoại những điều kiện chứng được thánh quả trong đời này, nên khi tôn giả định lao xuống vực, đức Phật liền xuất hiện đưa tay về phía ông và nói: “Hãy đến đây, này tỳ-kheo, hãy đến!”. Nghe đức Thế Tôn gọi, tôn giả Vakkali rất lấy làm sung sướng. Bằng giọng thổn thức, tôn giả hỏi Ngài: “Như Lai không bỏ con”? Đức Thế Tôn trả lời: “Ta chưa bao giờ bỏ ông, chỉ có ông mới bỏ ông. Ta đã lập bày phương tiện giúp ông khai mở tâm trí đón nhận giáo pháp, nhưng ông không chịu mở tâm ra, tự giam mình trong ích kỷ si mê. Đó không phải là ý muốn của Như Lai.”
Bấy giờ Vakkali mới bừng tỉnh, ăn năn sám hối và từ đó thoát ra khỏi lưới ái, quyết tâm nghe lời Phật dạy, siêng năng tu tập thiền quán, sau cùng cũng thành tựu thánh quả.
III. “ TÔN GIẢ VAKKALI” BỆNH NẶNG
Kinh Tương Ưng, Phẩm Trưởng Lão, kể lại giai đoạn tôn giả Vakkali trong thời gian bị bệnh nặng. Tôn giả đã nhờ thị giả đến chỗ đức Thế Tôn đang trú tại Tu viện Trúc Lâm, thuộc thành Vương Xá đảnh lễ và thỉnh Ngài đến để tôn giả Vakkali có cơ hội được gặp lại Ngài lần cuối. Và đức Phật đã nhận lời. Nguyên văn đoạn kinh này như sau:
“ 1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Vakkali trú tại nhà một thợ gốm, đang bị bệnh, đau đớn, trầm trọng.
3) Rồi Tôn giả Vakkali gọi những người thị giả:
-- Đến đây, các Hiền giả! Hãy đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nhân danh ta cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và thưa: “Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Vakkali bị bệnh, đau đớn, trầm trọng; (Vakkali) cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và thưa: “Lành thay, bạch Thế Tôn, Thế Tôn vì lòng từ mẫn hãy đi đến Tỷ-kheo Vakkali”
4) Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Vakkali, đi đến Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Tỳ-kheo Vakkali, bạch Thế Tôn, bị bệnh, đau đớn trầm trọng. Vị ấy cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và có thưa như sau: “Lành thay, bạch Thế Tôn! Thế Tôn vì lòng từ mẫn hãy đi đến Tỷ-kheo Vakkali”.
5) Thế Tôn im lặng nhận lời.” (hết trích)
IV. ĐỨC PHẬT THĂM HỎI NGƯỜI BỆNH
Tôn giả Vakkali nằm trên giường, được đức Phật ân cần thăm hỏi bệnh tình của ông. Rằng là tôn giả có chịu đựng được không? Cơn đau có giảm bớt hay không? Tôn giả Vakkali cho Ngài biết là ông không chịu đựng được nữa vì căn bệnh của ông ngày một nặng hơn, đã khiến ông đau đớn kịch liệt. Nguyên văn kinh ghi lại như sau:
“6) Rồi Thế Tôn đắp y, cầm y bát, đi đến Tỳ-kheo Vakkali.
7) Tôn giả Vakkali thấy Thế Tôn từ xa đi đến, thấy vậy liền cố gắng từ giường ngồi dậy.
8) Thế Tôn nói với Tôn giả Vakkali:
-- Thôi Vakkali, Ông chớ có cố gắng từ giường ngồi dậy. Có chỗ ngồi đã soạn sẵn, Ta sẽ ngồi trên chỗ ngồi ấy.
Rồi Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ ngồi đã soạn sẵn.
9) Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với Tôn giả Vakkali:
-- Ông có kham nhẫn được không? Ông có chịu đựng được không? Có phải khổ thọ tổn giảm, không tăng trưởng? Có phải có những dấu hiệu tổn giảm, không phải tăng trưởng?
-- Bạch Thế Tôn, con không có thể kham nhẫn! Con không có thể chịu đựng! Khổ thọ kịch liệt tăng trưởng nơi con, không có tổn giảm. Có những dấu hiệu tăng trưởng, không có tổn giảm.” (hết trích)
Sau khi nghe tôn giả Vakkali cho biết căn bệnh của ông ngày một nặng hơn và ông không thể chịu đựng được nữa. Đức Phật mới hỏi tôn giả Vakkali có gì phân vân và hối hận hay không? Chỗ nầy chúng ta có thể hiểu đức Phật muốn tạo cơ hội giúp tôn giả Vakkali giải tỏa những nội kết phiền muộn còn dính mắc trong lòng. Quả thật, tôn giả Vakkali đã thú nhận với đức Thế Tôn là ông hiện có phân vân và hối hận rất nhiều. Đức Thế Tôn hỏi có phải tôn giả Vakkali tự trách mình đã phạm giới luật hay chăng? Tôn giả thưa với Ngài là không có. Đức Thế Tôn lại hỏi ông không có gì tự trách về giới luật thì điều gì làm ông phân vân hối hận? Tôn giả Vakkali trả lời nỗi phân vân hối hận của ông là vì thân mang bệnh nặng khiến ông không thể đến để được trông thấy đức Thế Tôn. Nguyên văn kinh ghi lại như sau:
“10) -- Này Vakkali, ông có gì phân vân, hối hận không?
-- Bạch Thế Tôn, thật sự con có nhiều phân vân, có nhiều hối hận!
11) -- Này Vakkali, ông có gì tự trách mình về giới luật không?
-- Bạch Thế Tôn, con không có gì tự trách mình về giới luật.
12) – Này Vakkali, nếu ông không có gì tự trách mình về giới luật, vậy ông có gì phân vân, có gì hối hận?
-- Đã từ lâu, bạch Thế Tôn, con muốn đến để được thấy Thế Tôn. Nhưng thân con không đủ sức mạnh để được đến thấy Thế Tôn. (hết trích)
V. “AI THẤY PHÁP, NGƯỜI ẤY THẤY TA…”
Khi nghe tôn giả Vakkali cho biết đã từ lâu tôn giả ôm nỗi phân vân và hối hận vì không được nhìn thấy tôn nhan đức Phật. Ngài liền quở:
“13.- Thôi vừa rồi, này Vakkali, có gì đáng thấy đối với cái thân hôi hám này. Này Vakkali, ai thấy Pháp, người ấy thấy Ta. Ai thấy Ta, người ấy thấy Pháp. Này Vakkali, đang thấy Pháp là thấy Ta. Đang thấy Ta là thấy Pháp”
Sau câu nói quan trọng này, đức Phật liền giáo giới tôn giả Vakkali bài pháp “Ngũ Uẫn là Vô thường”. Ngài hỏi:
“ 14. -- Này Vakkali, Ông nghĩ thế nào, sắc là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, là khổ hay là lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: “Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi”?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Thọ… Tưởng… các Hành… Thức là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: “Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi”?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn. (hết trích)
Bài pháp “Ngũ Uẩn là vô thường” nhằm nhắc nhở tôn giả Vakkali khi nhìn thấy đức Thế Tôn, thấy ngay bài Pháp “Ngũ Uẩn là vô thường”, tức thấy Pháp thân của đức Thích Ca Mâu Ni chứ không phải thấy sắc pháp của Ngài, bởi vì dù cho sắc thân của đức Phật có 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp khác hẳn với người thường, nhưng cũng không tránh khỏi quy luật biến dịch. Cho nên, ai chiêm ngưỡng dung nhan, hình tướng của đức Phật, nhận thấy bài Pháp Vô Thường trên người Ngài, thì mới thật sự thấy Ngài. Đó là ý nghĩa câu: “thấy Pháp là thấy Ta”. Ta đây là đức Phật.
Ngoài ra, ở đây, chúng ta có thể hiểu, nếu tôn giả Vakkali nhận ra tấm thân ngũ uẩn của ông vô thường, khổ, chịu sự biến hoại và nhận ra nó không phải là của ông, là ông, hay tự ngã của ông, thì ông đã thấy Pháp, mà đang thấy Pháp tức đang thấy đức Phật, không cần phải đi tìm kiếm đức Phật bằng xương bằng thịt ở đâu xa! Tóm lại, những ai hiểu Pháp, thể nhập Pháp, người ấy đã nhìn thấy Phật! Những câu trả lời của tôn giả Vakkali ghi lại trong kinh cho thấy ngài đã thâm nhập những lời Phật dạy.
Đức Phật đi đến kết luận: “-- Do vậy, ở đây bậc Đa văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc, nhàm chán đối với thọ, nhàm chán đối với tưởng, nhàm chán đối với hành, nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán vị ấy ly tham. Do ly tham vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: “Ta đã được giải thoát”. Vị ấy biết “sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.” (hết trích)
Sau khi giáo giới bài pháp Ngũ Uẩn là vô thường cho tôn giả Vakkali, đức Phật rời nơi này đi về phía núi Linh Thứu.
VI. CHÚNG TA HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ THÁNH NGÔN
“… CÁI THÂN HÔI HÁM NÀY…” ?
Đức Phật quở tôn giả Vakkali rằng: “… có gì đáng thấy đối với cái thân hôi hám này… ”. Chúng ta hiểu rằng đức Phật nói thế là có ý nhắc nhở tôn giả Vakkali đừng mê đắm cái thân vật chất. Vật chất là một phần của con người. Con người không tự dưng mà có. Nó kết hợp bởi năm yếu tố: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Gọi chung là ngũ uẩn. Ngũ uẩn hay con người gồm hai phần: Vật chất và tinh thần. Vật chất hay sắc do đất, nước, gió, lửa hợp lại mà thành. Còn tinh thần hay tâm thì do thọ, tưởng, hành, thức kết hợp mà nên.
Con người do nhiều yếu tố hợp lại mà thành, nên nó không thực chất tính. Vì không thực chất tính nên nó không vững bền, nó thay đổi, biến dịch theo thời gian gọi là vô thường. Nếu chấp ngũ uẩn là của ta, là ta hay là tự ngã của ta, thì khi ngũ uẩn thay đổi, biến hoại… tâm khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não… trong kinh gọi là khổ uẩn.
- Tìm hiểu cụm từ “Cái thân hôi hám”, chúng ta sẽ thấy lời đức Phật phát biểu thật chính xác không sai trái một chút nào. Quán thân một cách tỉ mỉ chúng ta nhận thấy thân con người vốn cấu tạo bằng những chất không được sạch. Khi đứa bé mới sinh ra đời còn nằm trong nôi, ai đến thăm cũng khen bé xinh xắn thơm tho mùi sữa. Khi lớn lên những giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý dần dần điều hòa với các bộ phận trong nội tạng, tiết ra những chất thật là dơ bẩn, hôi hám. Nếu không tắm rửa, giữ vệ sinh sạch sẽ, thì không ai dám đến gần. Cụ thể như:
- Về mắt: Qua một đêm ngủ dậy, hai mắt tiết ra chất nhừ đóng thành cục ở khóe mắt gọi là ghèn trông thật gớm ghiếc.
- Về tai: Hai lỗ tai tiết ra chất dơ gọi là ráy tai, ráy tai khô còn đỡ, có khi bị ráy tai ướt, hay bị nhiễm trùng chảy mũ đương nhiên là hôi thối vô cùng.
- Về mũi: Hai lỗ mũi thường chảy nước, có khi đặc sệt trông thật gớm ghiếc.
- Về miệng: Nếu không súc rửa sạch sẽ thì cái miệng là nơi rất dơ, nước dãi, nước bọt, có khi bị đàm xanh, đàm vàng từ trên mũi chảy xuống thật hôi hám.
- Về thân: Trên thân (da) có nhiều lỗ chân lông thường tiết mồ hôi khi nóng nực. Có người hôi nách, nếu không thường xuyên tắm rửa và bôi dầu khử mùi thì không ai dám đứng gần. Ngay cả mái tóc trên đầu, nếu không gội đầu hằng ngày thì tóc hôi hám, dơ bẩn, là cái ổ của “gia đình chí” sinh sống.
Tóm lại, những chất vừa kể trên, không chất nào trong sạch, thơm tho. Đó là chưa kể những thứ khác như ruột, gan, phổi, mật, lá lách, đàm, mũ, dãi, nhớt trong nội tạng , còn “bất tịnh” đến cỡ nào?
Ở đây tuy kể ra sự hôi hám gớm ghiếc của thân nhưng không phải vì vậy mà chúng ta xem thường, hủy hoại nó. Trong kinh nói “được sanh làm người rất khó”, nên tuy thân dơ bẩn như thế nhưng bên trong còn có phần tâm rất quý giá. Vì vậy, chúng ta cần chăm sóc giữ gìn cho thân sạch sẽ khỏe mạnh, để tâm gá vào thân mà tu tập, hầu thoát khỏi luân hồi sinh tử. Bằng không, khi thân hoại mạng chung, tái sanh theo nghiệp lực mang cái thân khác, có khi không phải thân người, mà là thân thú vật, còn dơ bẩn đến cỡ nào?
VII. THỰC TẬP QUÁN “NGŨ UẨN LÀ VÔ THƯỜNG”
Khi cha mẹ sinh ra, rồi lớn lên, trưởng thành, vài chục năm sau bắt đầu già nua, bệnh tật và cuối cùng phải chết. Quá trình sinh, trụ, hoại, diệt ấy diễn ra trong từng sát-na, đó là vô thường. Quán thân thể vô thường như thế, không phải để thấy cái thân thể vô thường không bền chắc rồi mình bỏ bê hay hủy hoại nó. Hiểu như thế là hiểu sai về “giáo lý vô thường”. Theo quan điểm nhà Phật, nếu chấp thân này thường còn, thì đó là tà kiến, ngược lại nếu chấp thân này đoạn diệt cũng bị xem là tà kiến. Đức Phật dạy chúng ta hãy quán chiếu “ngũ uẩn là vô thường” vì nó rất dễ mất, để chúng ta đừng chấp thủ, mê đắm mà khổ đau.
Thực tập bài pháp “Ngũ uẩn là vô thường” bằng cách quán thân tâm này là huyễn, là giả, nó không phải của mình, là mình, hay tự ngã của mình, để khi thân hoại mạng chung, mình “rút tâm” khỏi “pháp ngũ uẩn”, ra đi bình thản không một chút tiếc nuối.
Muốn thực tập thành công bài pháp này để được thoát khổ, giác ngộ, giải thoát, chúng ta phải bắt đầu bằng bài học “Tứ Thánh đế”. Đó là bài học về bốn chân lý khổ, tập, diệt, đạo để biết cách tu tập. Và quan trọng hơn nữa là bài học về chính con người của mình. Đó là bài học “Vô ngã tướng”. Con người không thực chất tính vì nó kết hợp bởi năm nhóm sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nên đặc tính của nó là vô thường, khổ, vô ngã. Nếu không nhận ra bản chất vô thường, khổ, vô ngã của Ngũ uẩn, cho nó là thật, là thường hằng thì con người mãi mãi khổ đau vì bị cuốn trôi trong vòng luân hồi sinh tử không bao giờ thoát khỏi.
VIII. KẾT LUẬN
Sau cùng, trở lại đề tài “Ai thấy Pháp là thấy Phật…” chúng ta biết rằng, nhằm giúp tôn giả Vakkali không luyến ái với tấm thân ngũ uẩn bệnh hoạn đang hành hạ mình, đức Phật nhắc lại bài Pháp “Ngũ Uẫn là Vô Thường, là Khổ, là biến hoại”. Kết quả, tôn giả Vakkali đã xác nhận là ngài không một chút nghi ngờ gì về những bài pháp của đức Thế Tôn truyền giảng. Chính vì không nghi ngờ nên tôn giả đã nhàm chán, không còn lòng dục, lòng tham, lòng ái đối với năm yếu tố vô thường này, ngài đã dứt khoát không xem nó “là của Ta, là Ta, là tự ngã của Ta”. Tôn giả Vakkali thấy Ngũ Uẩn như thế là thấy Pháp, mà “thấy Pháp tức là thấy Phật, thấy Phật tức là thấy Pháp” vậy!
Tài liệu:
- Tương Ưng Bộ Kinh, Tập III; Chương I: Tương Ưng Uẩn; Phẩm Trưởng Lão : “Vakkali 1-16”; bản tiếng Việt do cố HT. Thích Minh Châu dịch từ tiếng Pãli.
- Tiểu Bộ Kinh, Tập III, Chương V; Phẩm Năm Kệ; Trưởng Lão Tăng Kệ: “Vakkali-205”; bản tiếng Việt do cố HT. Thích Minh Châu dịch từ tiếng Pãli.