ĐỜI SỐNG
CỦA NGƯỜI MỚI XUẤT GIA
I. DẪN NHẬP
Do duyên có một số thiền sinh yêu cầu chúng tôi nói về đời sống ban đầu của chúng tôi ở Tổ đình Tánh Không như thế nào sau khi xuất gia? Quý vị ấy nói rằng trong đạo tràng có vài vị muốn xuất gia, nhưng còn e ngại không biết họ có thể nhập chúng sống nổi hay không? Do vậy, nên hôm nay chúng tôi chia sẻ cùng đạo tràng đề tài "Đời Sống Của Người Mới Xuất Gia". Những chia sẻ này chỉ là những trải nghiệm của riêng cá nhân chúng tôi mà thôi! Ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh từ “mới” để giúp vị nào phát tâm muốn xuất gia, hiểu đôi chút về tâm trạng của người mới bước vào ngưỡng cửa thiền môn. Hy vọng bài nói chuyện này là một trong những yếu tố thiết thực, giúp quý vị có sự chọn lựa chính xác cho cuộc đời sắp tới của quý vị!
I. ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI MỚI XUẤT GIA
Đời sống của người mới xuất gia cũng giống như đời sống của một em bé mới sanh vài tháng. Ngoài việc được cho bú mớm, ăn, ngủ… Em bé cần phải tập theo thứ tự nhiều thứ lắm. Chẳng hạn như phải tập lật, tập bò, tập ngồi, tập đứng, tập đi, tập ăn uống, tập nghe, tập nói, tập nhận diện người thân, v.v…
Người mới xuất gia khi sống trong chúng, ngoài những giờ công phu hành trì, học pháp, hay những giờ chấp tác được phân chia nơi thiền viện… còn phải học cách giữ gìn Giới luật. Là Sa-di-ni thì phải tuân thủ 10 giới trọng, ngoài ra còn phải học hỏi nhiều thứ mà trong thiền viện gọi là“oai nghi tế hạnh” như đi đứng phải chẩm rải, không đi quá nhanh cũng không yểu điệu thục nữ. Khi nói cũng không lớn tiếng, giọng nói phải nhẹ nhàng, hoà ái, không được đứng một chỗ kêu gọi lớn tiếng người khác. Khi thọ trai, không được ngậm thức ăn hay cơm trong miệng mà nói chuyện, không nhai ra tiếng. Không nhìn qua ngó lại người khác. Khi ngồi không được tréo chân, không được nhịp cẳng, lắc lư v.v… và v.v…
Mục đích của người xuất gia là tự rèn luyện thân và tâm, bước đầu chủ yếu là tu tập giữ cho ba nghiệp là tâm ý, lời nói và hành động được thanh tịnh tức trong sạch. Chương trình tu tập bắt đầu từ bốn giờ khuya phải thức dậy. Mọi người đồng có mặt nơi chánh điện tụng kinh Lễ Phật Lễ Tổ; tiếp theo là công phu tọa thiền ít nhất là một tiếng đồng hồ, tập khí công, ăn sáng. Từ 9 giờ sáng đến 11 giờ trưa, tất cả mọi người đều phải vào lớp học Giới, học Giáo lý hoặc học kinh Nikàya. Đến 12 giờ thì dùng bữa trưa. Sau đó tịnh chỉ đến 2 giờ chiều bắt đầu công phu tọa thiền. 5 giờ chiều là bữa ăn nhẹ dành cho những vị nào cần. Trong Tổ đình cũng có vài vị không ăn tối như thời đức Phật còn tại thế. Đói thì chỉ uống nước lọc mà thôi. 7 giờ tối là thời khóa công phu tọa thiền cuối ngày. Đến 9 giờ thì tất cả về phòng của mình, không qua lại các phòng khác. Ngoài những giờ giấc được liệt kê ở trên còn có những công tác được phân chia cho mỗi người. Phận sự của người nào thì người ấy lo. Chẳng hạn như khâu nấu nướng, khâu rửa chén bát, khâu quét dọn, khâu hương đăng, khâu tưới cây, khâu quét lá, v.v… Quan trọng sống trong chúng là phải tôn trọng thanh quy, phải hài hòa, giúp đỡ lẫn nhau trong vấn đề tu học hoặc săn sóc nhau khi có người ngã bệnh.
Hầu hết các tu sĩ tu nơi Thiền Viện Tánh Không là bán thế xuất gia nên cái khổ cái khó của người mới xuất gia là khi còn sống ngoài đời, mọi sinh hoạt hằng ngày mình sống nhanh, sống vội, sống tự do, sống thiếu sự chú tâm. Ít khi nào mình quay lại nhìn để rõ biết hành động cử chỉ lời nói của mình như thế nào, có quá lố hay không? Bây giờ xuất gia rồi mình phải tu tập giữ gìn cả về giới tướng bên ngoài lẫn tướng bên trong là nội tâm.
Khi tu tập chưa có kết quả, thì cuộc sống nội tâm của mình là một sự đè nén, dè chừng, cố gắng như thế này, cố gắng như thế kia, để làm vừa lòng chư Tăng hay chư Ni trong chúng, để đến ngày “thỉnh nguyện”, mình không bị đem ra bầm dập. Thực sự trong Tăng đoàn, không ai phê bình cho điểm xấu ai cả. Nhưng lo ngại thì mình vẫn cứ lo ngại.
Một thời gian lâu chừng hai năm, tu tập kha khá rồi, đã quen với nếp sống thiền môn, quen với không gian tĩnh mịch nơi rừng núi. Tâm sinh lý dần ổn định nhờ miên mật công phu tọa thiền, dần dần tự làm chủ lấy mình, không còn dính mắc với những nỗi lo không cần thiết, do đó cuộc sống nội tâm của mình không còn bị đè nén, không còn tự làm khó hay khe khắt với chính mình nữa. Đó là nhờ mình biết và quen sống trong chánh niệm. Chánh niệm trong lúc nói, chánh niệm khi bước đi, chánh niệm khi uống nước, chánh niệm khi ăn, chánh niệm khi thay quần áo. Có chánh niệm thì mình mới giữ được tâm không cho nó chạy lung tung. Có chánh niệm mình mới rõ biết được những diễn tiến đúng đắn hay sai quấy đang xảy ra nơi thân tâm của mình. Đó chính là công phu tu tập đích thực của mình. Nhờ vậy mà cuộc sống hằng ngày của mình tự nhiên hơn. Mình sống thật với mình chứ không còn cố gắng giữ gìn, hay đóng kịch buồn mà làm ra vẻ vui, không thích mà làm như rất thích để tạo sự hài hòa trong chúng.
Tóm lại người mới xuất gia phải tu tập từng bước một, giống như một em bé mới vài tháng tuổi vậy đó. Nhờ vào sự trau dồi nghiêm túc hằng ngày, mà đời sống của mình sẽ dần thay đổi, mình không còn thói quen bộp chộp, ăn nói bừa bãi, mình không còn mong muốn có cuộc sống ồn ào, không còn nhớ đến những món ngon vật lạ, không còn dính mắc với những thú vui thế gian. Bấy giờ mình đã dần thích nghi với nếp sống tu hành giản dị, mới cảm thấy đời sống của mình không bị gò bó như lúc ban đầu mới vào thiền viện, mà cuộc sống của mình mỗi ngày một an vui hơn.
II. Ý NGHĨA XUẤT GIA
Xuất gia đi tu là tự mình muốn, tự mình nguyện sống với Giáo lý và Giới luật trong nhà Phật. Lìa xa gia đình, lìa bỏ nhà cửa, sự nghiệp, cha mẹ, cắt đứt đường ân ái, không còn thiết tha lưu luyến mùi đời thế tục để đi vào ở hẳn trong chùa hay thiền viện, sống đời độc thân, quy y thọ giới, hằng ngày tu thiền, tụng kinh, niệm Phật, học kinh, đọc sách để thanh lọc tâm ý.
Xuất gia có 3 ý nghĩa: Xuất thế tục gia, Xuất phiền não gia, Xuất tam giới gia.
1) Xuất thế tục gia: Khi phát nguyện cạo tóc xuất gia làm Sa-di hay Sa-di-ni, thì người đó phải rời khỏi nhà thế tục. Lý do là trong nhà thế tục phiền não lúc nào cũng vây quanh.
2) Xuất phiền não gia: Người tu, tâm phải thanh thản an vui, nếu phiền não thì không đúng với ý nghĩa xuất gia là tu giải thoát giác ngộ.
3) Xuất tam giới gia: Rời 3 nhà: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới. Còn ở trong ba nhà này thì vẫn còn bị xoay quanh trong vòng luân hồi sinh tử. Phải tu tập để hoàn toàn thoát ly sanh tử thì đó mới là xuất tam giới gia.
Dạy dỗ các đệ tử mới xuất gia, các bậc Thầy thường nhắc nhở có 3 dạng xuất gia:
1) Thân xuất gia, mà tâm không xuất gia: Người cạo đầu mặc áo cà-sa, thọ giới Sa-di hay Sa-di-ni, thân ở tự viện mà tâm còn mê nhiễm hồng trần.
2) Thân không xuất gia, mà tâm xuất gia: Tuy không cạo đầu, thọ giới, mặc áo cà-sa, vẫn sống ngoài đời, mà tinh tấn tu học không bị đắm nhiễm cuốn hút vào cuộc sống trụy lạc nên tâm không bị phiền não. Những người này còn tốt hơn hạng thân xuất gia, mà tâm không xuất gia.
3) Tâm và thân đều xuất gia: Là người ngưỡng mộ Tam Bảo. Cả thân và tâm đều xuất gia. Họ giữ gìn phạm hạnh, tu tập dứt phiền não, quyết một ngày nào đó sẽ đắc quả Bồ-đề.
Sẳn đây chúng tôi cũng chia sẻ với quý vị nào có tâm muốn xuất gia tu thiền với Thiền Tánh Không. Theo như Thanh quy, những ai muốn xuất gia phải tuân theo một số điều kiện. Đó là có sức khỏe tốt, không bị những căn bệnh truyền nhiễm lây lan. Không đi tu để chạy trốn nợ vật chất, hay nợ tình cảm. Phải độc thân. Phải nhập chúng tu tập tại Tổ đình ít nhất ba năm. Sau đó tuỳ theo khả năng và đạo đức Thầy sẽ cho thọ Cụ-túc-giới. Tu thêm vài năm nữa, nếu Thầy thấy có đủ đức hạnh và có khả năng, Thầy sẽ cho xuống núi đi hành đạo. Ai cư ngụ ở Hoa Kỳ mỗi năm phải về Tổ Đình an cư 3 tháng. Ai sống ở nước ngoài vì lý do luật lệ cư trú của quốc gia đó không được rời xa quá một tháng, thì về an cư tại Tổ đình một tháng. Khi trở về trú xứ, các vị này phải tiếp tục an cư thêm hai tháng nữa cho đủ thời hạn. Trên đây chỉ là một vài điểm chính của Thanh quy. Ngoài ra Thanh quy còn đề cập đến những điều lệ khác nữa chứ không phải chỉ bao nhiêu đó!
III. BỔN PHẬN VÀ TRÁCH NHIỆM
CỦA NGƯỜI XUẤT GIA
Sống ở đời ai ai cũng có bổn phận và trách nhiệm. Trong gia đình, cha mẹ có bổn phận và trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ. Con cháu có bổn phận và trách nhiệm của người làm con làm cháu. Ở trường học thầy giáo, cô giáo có bổn phận trách nhiệm của thầy giáo, cô giáo. Học trò có bổn phận trách nhiệm của học trò. Ngoài cộng đồng xã hội, Bác sĩ có bổn phận trách nhiệm của một vị bác sĩ. Đứng đầu quốc gia, Tổng thống có bổn phận trách nhiệm của vị Tổng Thống. Cho nên, người xuất gia cũng có bổn phận và trách nhiệm của người xuất gia. Đó là phải lo học hỏi và tu tập. Phải tự mình kiểm soát thân tâm của mình. Siêng năng công phu để tự chứng trên thân và tâm, tự giải thoát mình ra khỏi những phiền não bằng cách thanh tịnh hoá tam nghiệp thân, khẩu, ý. Sau đó mang pháp học, pháp hành của mình truyền trao giúp người khác tu tập để họ cũng được như mình. Thuật ngữ trong nhà Phật gọi hành trình đó là: "Tự độ, độ tha" hay "Tự giác, giác tha". Đó là bổn phận và trách nhiệm của người xuất gia.
Đề tài "Đời sống của người mới xuất gia" nếu khai triển ra thì còn rất nhiều điều đáng nói, nhưng ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến vài điểm mà chính bản thân chúng tôi đã trải qua để làm quà tặng cho tất cả quý vị, dù quý vị là người sẽ xuất gia theo dạng "Thân xuất gia, Tâm xuất gia" hay quý vị tự xếp mình vào dạng "Thân không xuất gia, mà Tâm xuất gia" thì bài pháp này sẽ giúp cho quý vị mạnh dạn chọn cho mình một con đường đi, trong hai đường này đường nào cũng tốt cả.
Chúng tôi tạm chấm dứt đề tài "Cuộc Sống Của Người Mới Xuất Gia" ở đây. Chúc quý vị một ngày an vui.
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
(Giảng tại Trung Tâm Sinh Hoạt Hội Thiền Tánh Không Houston, Texas)