Kỷ niệm họp mặt Tứ Hai khóa 1964-65 Ngô Quyền
Phan kim Phẩm & Nguyễn thị Tường Lynh
Dung, Lynh, Thuận, Sao, Hiệp, chị Mười, chị Bé
Lần họp mặt trùng phùng lần thứ hai và kỷ niệm 55 năm thành lập trường trung học Ngô Quyền đã đem đến tôi nhiều kỷ niệm nhớ đời. Những “nhớ đời” có thể kể ra như gặp lại thầy Phiên sau hơn 40 năm, gặp lại anh Đinh Cẩn Cấp, gặp lại hai em Lam và Thư, tiệm Lam Thư, và là hàng xóm của tôi, sự vui mừng khi gặp lại cô Nguyễn thị Thu kể từ lần 2006 và “sung sướng” vô cùng khi nghe cô bảo là “Phẩm, lâu không gặp thấy em vẫn còn đẹp trai” mà lúc ấy, do phản ứng tự nhiên, tôi đã trả lời cô là “còn Cô thì vẫn còn đẹp gái!” và cả Thầy trò rũ rượi cười thoải mái. Nhiều kỷ niệm đáng nhớ khác như gặp lại chị Mộng Quyên, chị Khương thị Nhung sau hơn 40 năm, etc… Tuy nhiên, lần họp mắt này có một dấu ấn quan trọng cho cá nhân tôi chính là gặp lại các bạn tứ Hai đến từ Việt Nam, Canada cùng các tiểu bang khác và tứ Hai mini reunion được tổ chức sau đó.
Như các bạn đã rõ, tứ 2 khóa 1964-65, ban Anh văn, có cái đặc biệt là trai gái học chung từ lớp đệ Thất đến đệ Tứ. Không hiểu vì trai gái học chung nên âm dương hòa hợp, tình cảm gắn bó nhiều hay vì những lý do khác nhau mà chúng tôi rất thân với nhau ngay cả từ trong lớp mà còn tiếp tục mãi đến 40 năm sau. Nếu có dịp là nhóm tứ Hai này lại tìm cách gặp nhau, ít thì gặp ở San Jose, hay Little Saigon còn đông thì gặp lại nhau ở Biên Hòa. Gặp nhau để kể những chuyện tuy rất cũ và tuy đã nghe rất nhiều lần nhung cứ gặp lại thì chắc chắn là sẽ kể lại và lại cười lại bàn cãi như chưa bao giờ được nghe đến!
Thành viên của tứ Hai gồm có ai? Tiện đây, tôi xin kể lại tên của một số bạn bè tứ Hai hiện đang còn ở Việt Nam hay hải ngoại, theo trí nhớ còn lại của tôi, nếu có quên đi thì xin các bạn tha lỗi cho và bổ túc dùm. Con gái thì có Nguyễn thị Dung, Lương thị Sao, Nguyễn thị Tường Lynh, Phạm thị Hạnh, Lê thị Thuận, Lê thị Kim Huệ, Phan kim Dung, Trần thị Hiệp, Trần thị Bé, Phan thị Đầm, Vũ thị Hiền, Trần kim Huê, Bạch thị Hồng, Nguyễn thị Lượm, Lăng thị Muối, Ngô thị Hoa, Lương thị Tuyết, Phạm thị Tường Thậm, Đặng thị Bạch Tuyết, Chu diệu Thi, Khương thị Nhung, Nguyễn thị Lượm, Huỳnh thị Thu, Huỳnh Ngọc Hoa, Nguyễn thị Ngọc Hoa, Nguyễn thị Kim Quang, etc. Con trai thì Huỳnh quan Minh, Phan kim Phẩm, Hoàng văn Việt, Bùi quang Hội, Nguyễn văn Lùng, Lưu văn Tánh, Nguyễn văn Úc, Đoàn văn Út, Ngô văn Bổn, Lương hồng Sơn, Đổ quang Tỏa, Hà duy Tại, Lê khoan Hồng, Phạm lê Tấn etc. Trong số các bạn trên nhiều người thì định cư ở hải ngoại và số còn lại thì vẫn còn ở Việt Nam. Theo như dân số của nhóm tứ Hai tụi này thì nữ thịnh mà nam suy nên bọn con trai chúng tôi lúc nào cũng sợ “các chị”, vẫn bị các chị ăn hiếp, bị sai bảo, vẫn thường kín đáo bày tỏ sự oán trách các chị và mong có ngày được “giải phóng” nhưng nếu mà thiếu “các chị” hay bị bắt buộc phải rời khỏi nhóm tứ Hai thì lại buồn vô cùng.
Tôi còn nhớ là sau đảo chánh 1963 thì trường có giám học mới là thầy Đặng văn Thềm với ý tưởng cổ hũ “nam nữ thọ thọ bất thân” và con trai, con gái phải học riêng, không chung đụng để “nhở có chuyện gì thì nguy lắm”. Quan niệm “nguy hiểm” ấy đã làm bọn con trai chúng tôi bất mãn và cả nhóm đồng loạt đến văn phòng thầy Bảo để xin được ở lại với “các chị”. Sau lưng chúng tôi, “các chị” có lẽ cũng ủng hộ hành động này của chúng tôi dù là ngoài mặt thì “vô tư” “chả thèm bọn con trai chúng mầy!”. Tụi này như thế đấy, dù bị ức hiếp nhưng đi xa thì lại nhớ các chị và vẫn muốn ở lại với các chị để còn “đùm bọc lẫn nhau”. Sau sự “tranh đấu” ấy thì con trai lại được ở lại với “các chị” cho đến hết năm đệ tứ. Thầy Nguyễn Thế Văn, giáo sư hướng dẫn tứ Hai, chính là người có công đem tất cả chúng tôi về cùng một mái nhà. Thầy khuyến khích chúng tôi nên gặp lại thường xuyên ngay cả khi không còn ở trong trường Ngô Quyền nữa. Thầy cũng đã tập cho chúng tôi hát bản nhạc “Ngày về” của Hoàng Giác và muốn chúng tôi xem bài hát nầy như là bài hát tủ của nhóm tứ Hai 1964-65 để nhắc nhở chúng tôi phải tìm về với nhau khi có dịp và có thể. Thậm chí đến bậy giờ, dù tuổi già, sức yếu, thầy Văn không bao giờ bỏ lở dịp để gặp lại các học trò tứ Hai mà thầy đã hướng dẫn vào năm 1964.
“Tha thiết mong tìm về bạn cũ
Như bóng chim mịt mùng bạt gió
Vắng tiếng chim xanh ngày vui hót trong mây
Mờ khuất xa xôi nghìn phương…”
Có lẽ vì những tình cảm “bất thường” ấy mà chúng tôi rất gần gủi nhau và tìm mọi dịp để tứ Hai tìm về với nhau. Hội ngộ Trùng Phùng Ngô Quyền lần thứ Hai lại là một cơ hội để bạn bè tứ Hai đến với nhau nhất là khi có sự tham dự của Trần thị Hiệp, chị Trần thị Bé đến từ Việt Nam. Ý định của các bạn ấy cho chuyến Mỹ du đã hình thành từ hơn một năm và đã phối họp liên lạc với bạn bè ở đây để cuộc gặp mặt được thành công. Từ hơn một năm, bạn bè ở hải ngoại thông tin với nhau về chuyến đi của chị Bé và Hiệp và cùng thảo luận về chương trình gặp nhau tại Cali còn ở VN thì các bạn ấy bận rộn với những thủ tục nào là chụp hình visa, phỏng vấn đi Mỹ cũng như mua sắm các thức cần thiết cho cuộc hành trình Mỹ du ba tháng. Cuối cùng chúng tôi quyết định là sẽ tổ chức một mini họp mặt tứ Hai tại nam Cali nhưng câu hỏi nan giải là sẽ tổ chức ở đâu và vào lúc nào? Trước hay sau ngày Trùng Phùng? Ớ nhà hàng hay tư gia?
Nếu tổ chức trước ngày Trùng Phùng thì sẽ trùng với tiệc tiền hội ngộ tại nhà anh chị Kiệt Chung mà chúng tôi rất muốn được tham dự. Đối với tôi và Lynh, anh chị Kiệt Chung được sự kính trọng của tụi này không những vì tuổi tác của anh chị nhưng vì tính “hy sinh cho bạn bè”, “xả thân cho Ngô Quyền”, làm tất cả để Thầy Cô bạn bè được vui, được có nơi rộng rải để ăn uống, chuyện trò và nói dóc. Có lần hop mặt nào mà không có bàn tay nấu nướng của chef Chung và cụng ly beer “vô, vô” với anh Kiệt đâu? Có một lần tôi nói với anh Kiệt là “có lẽ hưu trí tụi này dọn về gần anh chị để ăn nhậu với nhau!” thì anh vội vã cho tôi một tour về tình hình địa ốc ở Gardern Grove cũng như những nơi thích họp để cư ngụ khi tuổi già. Anh cố gắng thuyết phục bạn bè dọn xuống miền Nam Cali nắng ấm để trước là chống lại “tê thấp vì lạnh” và kế đến là để có nhiều bạn bè làm hàng xóm.
Vào ngày ấy, thứ bảy 7/2, thì anh em chúng tôi từ Bắc Cali lái xe xuống miền Nam và sau đó là phải tới ngay nhà chị Mỹ để tập hát nên không tiện cho tiệc tứ Hai. Mặc dù dân số anh em Ngô Quyền ở miền Bắc Cali ít hơn miền Nam nhưng có lẽ vì ở gần anh Minh có nhiều máu văn nghệ nên bọn này đã bị lây bệnh “ham hát, ham văn nghệ”. Vì lý do ấy mà chúng tôi đã chuyên cần tập hát bản nhạc “Trung Học Ngô Quyền Bài Ca Hội Ngộ” do anh Minh sáng tác, vào mỗi chủ nhật tại phòng mạch của anh ấy. Trong ban nhạc thì đã có tới ba người là tứ Hai (Minh, Lynh, Phẩm) và vài anh khác “thân hữu Tứ Hai” cũng trong ban hợp ca (Tuấn, Tới, Xương) đến tập hát ờ nhà Mỹ nên không thể nào tham dự tiệc họp mặt tứ Hai nếu tổ chức cùng ngày. Vì lý do ấy, chúng tôi đồng ý là tiệc sẽ tổ chức sau khi tiệc Trùng Phùng bế mạc. Nhưng mà tổ chức ở đâu? Bạn bè thì không thích ăn tiệc ở nhà hàng vì ồn ào, trò chuyện không thoải mái mà lại không ở chơi lâu được. Nhưng nếu tiệc ở nhà thì ở nhà ai? Đó là một ưu tư của chúng tôi nhưng chưa biết phải tính sao thì một cú phone bất ngờ của chị Thi đã giúp giải đáp cho bài toán khó khăn này.
Chị Thi ngày xưa rất to con mà bọn con trai chúng tôi thường đùa giỡn bảo nhau là chị Thi to con như vậy có lẽ là được bú “sửa voi”! Dù hay đùa với chuyện to con của chị Thi nhưng bọn này rất sợ chị ấy vì chị rất nghiêm khắc không thích đùa giỡn với bọn con trai “lắm chuyện” nầy. Sau khi ra trường và mãi đến năm 2006 thì chúng tôi mới gặp lại chị Thi cùng cháu gái. Chị Thi gọi Lynh để hỏi ý kiến về tiệc họp mặt tứ Hai và đề nghị là tổ chức ở nhà chị ấy. Lời đề nghị này mang đến bất ngờ cho chúng tôi vì làm sao mà một mẹ, một con bận rộn với sinh kế rồi con và cháu thì làm sao tổ chức được tiệc này, một tiệc mà tất cả anh chị em tứ Hai đều mong là sẽ hoàn hảo và đáng “nhớ đời!” Chị Thi hùng dũng bảo rằng “Thi sẽ lo được. Ăn là chuyện nhỏ, vui mới là chuyện lớn”. Thế là tiệc họp mặt tứ Hai đã được quyết đinh là chiều ngày chủ nhật July 3 và tại nhà chi Thi.
Lần này ngoài những khuôn mặt “kỳ cựu tứ Hai” như Minh, Sao, Dung (Chicago), Huệ (Arizona), Huê (Georgia), Phẩm và Lynh còn có sự có mặt của chị Trần thị Bé và Trần thị Hiệp đến từ Việt Nam, chị Lăng thị Muối từ Canada, Lê thị Thuận, chị Khương thị Nhung. Ngoài ra còn có sự tham dự của Trương kiến Xương, Lê văn Tới, Nguyễn anh Tuấn từ Bắc Cali và anh chị Nguyễn huy Sinh từ Việt Nam. Xương, Tới và Tuấn là những thành viên nồng cốt của Ngô Quyền Bắc Cali và là những “cảm tình viên” của nhóm tứ Hai chúng tôi. Từ lâu Tới vẫn nhận mình là thành viên của nhóm tứ Hai và đã học chung với bọn trai gái tụi này nhưng “sổ sách” từ đầu óc còn ghi lại của chúng tôi cho biết là không có tên Tới trong nhóm tứ Hai. Tuy nhiên, năm này qua năm khác, Tới vẫn sinh hoạt chung với tứ Hai mặc dầu “lý lịch” thì có vẽ hơi bị nghi ngờ. Cuối cùng thì Hoàng văn Việt và Trần thị Hiệp khẳng định là Tới học lớp tứ Bốn và không là tứ Hai. Tuy nhiên, tứ Hai chúng tôi đã “cưu mang” Tới từ bao lâu rồi mà bổng dưng mất Tới thì cũng rất buồn. Tuấn thì học cùng thời với tôi nhưng trong nhóm Pháp văn và có cảm tình với nhóm tứ Hai từ lâu nhưng tôi thì không hiểu rõ lý do vì sao Tuấn lại “ưu ái” tứ Hai như thế? Đến lúc họp mặt ở nhà chị Chung Kiệt thì thắc mắc ấy đã có giải đáp. Vào chiều hôm ấy, Tuấn nhỏ nhẹ hỏi tôi “mầy, Sao là ai vậy? Mầy giới thiệu tao cho Sao đi”. Tôi hảnh diện đưa Tuấn đến giới thiệu với Sao và thắc mắc của tôi về lý do cảm tình của Tuấn dành cho tứ Hai đã có được đáp số từ cuộc gặp gỡ nầy! Xương thì hình như có lòng nhân ái, thích giúp người, nhất là các nữ sinh khi cần đến, nên được sự ưu ái của bạn bè. Ngày xưa, Xương nổi tiếng là hy sinh “khiêng gạo” giúp cho một bạn nữ ở cù Lao học khác lớp và cũng thường xuyên thăm viếng một bạn tứ Hai ở bến Gỗ. Cảm tình đặc biệt của Xương đến bạn bè tứ Hai nhất là bạn gái tiếp tục duy trì trong bao nhiêu năm nay và tốt đẹp hơn. Qua những lý do chính đáng trên, tứ Hai chính thức chấp nhận Tới vào với gia đình tứ Hai còn Xương và Tuấn thì được chấp nhận vào nhóm theo diện “đi theo”!
Tôi được chỉ định mở lời trước khi tiệc bắt đầu. Tôi thì “không có tài nói mà chỉ có tài ăn” và lại không thể nói nhiều nếu không có rượu vào mà rượu chỉ vào được khi tiệc bắt đầu mà tiệc chỉ có thể bắt đầu sau khi tôi nói! Đúng là một vòng luẩn quẩn. Cuối cùng thì tôi cũng khai mạc tiệc bằng lời cám ơn chị Thi và gia đình đã cho mượn nhà và nấu thức ăn cho buổi tiệc. Đồng thời, tôi mở lời chào đón bạn bè tham dự cũng như “mở rộng vòng tay” đón nhận những thành viện mới là Tới, Xương và Tuấn. Sau đó thì tôi đón nhận lời “xin lổi” của Huê và Huệ vì “các chị” đã hà hiếp khi tôi học chung với các chị. Lúc ấy, tôi rất ngây thơ lại “bụ bẩm” nên các chị Huê, Huệ, Thuận cứ tha hồ mà ăn hiếp, phá phách đến nỗi đã ảnh hưởng đến sự khôn lớn của tôi! Thậm chí, tóc tôi bạc trước tuổi cũng có thể là do ảnh hưởng gián tiếp “bị đì” từ thời học tứ Hai với các chị. Có lẽ nhận thấy hành động ngày xưa của mình hơi quá đáng và đã làm “hỏng đời hoa” của tôi nên chị Huê muốn dùng cơ hội này để trước là các chị có dịp xin lỗi đã hà hiếp tôi và sau đó để lương tâm chị không bị cắn rứt. Làm sao mà tôi quên được lỗi của các chị khi mái tóc bạc trắng vẫn còn trên đầu nhưng tôi biết làm sao bây giờ khi các chị ấy đã có thiện chí. Thế là sau những ly rượu chúc mừng thì tất cả giận hờn đã tiêu theo men rượu! Sau tiệc thì đến phần ca nhạc do nhạc sĩ Minh điều khiển. Vì không có mang theo bản nhạc mà đa số lại có trí nhớ không tốt lắm nên chúng tôi chỉ hát được vài câu thì lại sang một bài hát khác. Sao đặc biệt là có trí nhớ rất tốt mà hầu như bài hát nào cũng thuộc nằm lòng nên Sao đã giúp rất nhiều trong phần văn nghệ bỏ túi này. Những bản nhạc của thời 60 như Giọt mưa trên lá, Việt Nam Việt Nam, Hạ Trắng, Diễm Xưa đã được trinh bày trong tối hôm ấy. Cuối cùng thì tiệc bế mạc khoảng 12:00 khuya trong sự bùi ngùi chia tay với các bạn và những lời hẹn hò gặp lại năm sau hay gặp nhau tại San Jose hai tuần nữa! Sao thì còn nhìn xa hơn nữa khi bảo là “hẹn gặp các bạn tại San Jose vào tháng 9 nầy!” Đúng là tứ Hai này có sự quấn quýt không thể dứt được! Hết họp mặt ở Nam Cali lại hẹn gặp nhau ở Bắc Cali!
Trong thời gian chị Bé và Hiệp đến San Jose, chúng tôi tổ chức tiệc đón mừng hai bạn cùng các bạn khác tại nhà Minh & Khanh và chúng tôi, Phẩm & Lynh.
Tiệc ở nhà Minh được tổ chức vào tối thứ sáu July 15 ngoài chị Bé và Hiệp còn có sự tham dự của anh chị Xương, anh chị An & Thúy Hà, Tuấn & Vân, Phẩm & Lynh, Trần hoài Ngọc. Như Minh tuyên bố trong thư mời “ăn là phụ, ca hát là chính” nên chúng tôi vội vã ăn để rồi hát. Dù “ăn là phụ” nhưng thức ăn quá nhiều nên các ca sĩ than phiền là “no bụng quá rồi làm sao hát được?”. Lần này bản nhạc đã được in ra trước và đem theo cùng một rừng những quyển nhạc do Minh sưu tầm nên tất cả tha hồ lựa chọn để “hát cho nhau nghe”. Trước khi bắt đầu phần văn nghệ thì anh Minh đề nghị là bản nhạc “Trung Học Ngô Quyền Bài Ca Hội Ngộ” sẽ là bản nhạc “bắt buộc” phải trình bày khi chúng tôi hop mặt và khi có sự hiện diện của anh Minh! Làm sao chúng tôi lại có thể làm phật ý anh Minh sau khi ăn uống no say ở nhà anh ấy? Thế là cả bọn cùng nhau hát bài hát này một cách hăng say và hùng dũng mặc dù thâm tâm thì rất muốn trinh bày bản nhạc tủ của mình! Anh An có lẽ quá xúc động đã quỳ gối kế bên vợ, chị Thúy Hà, để cùng hát bài ca tủ của hai người. Còn Xương thì hát nhạc tình qua bản nhạc “Linh Hồn Tượng Đá” mà đoạn chót có lẽ quá xúc động anh đã gào thét lên, đưa hai bàn tay hướng về vợ yêu là chị Nhung để giao trọn phần cuối của bài hát này đến cho chị.
“Chờ
ai đây đợi ai đây và tìm ai đây?
Nghe nuối tiếc gào thét giữa muôn sóng khơi
Nghe trái tim rung lên bồi hồi
Mong gì gặp lại lần thứ hai!!!!!!!!”
Tôi và Lynh thì song ca bản nhạc “Như Một Lời Chia Tay” như là lời chia tay gửi đến Hiệp, chị Bé cũng như các bạn ở xa đến tham dự họp mặt Ngô Quyền. Những lời trong bản nhạc vẫn còn vấn vương trong đầu tôi
“Tình
như nắng vội tắt chiều hôm
Tình không xa nhưng không thật gần
Tình như đá hoài nỗi chờ mong
Tình vu vơ cho ta muộn phiền
Tiếng
thì thầm từng đêm nhớ lại
Tưởng chỉ là cơn say
Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời
Như một lời chia tay”
Nhân dịp này, tôi đã trình bày bản nhạc “Một Cõi Đi Về” qua tiếng đàn của anh Minh. Tôi thích bản nhạc này vì nó đem đến tôi nhiều kỷ niệm nhất là kỷ niệm của lần đầu tiên trở lại Việt Nam vào năm 2001 và lần đầu tiên đến Hà Nội.
“Nghe
mưa nơi này lại nhớ mưa xa
Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà”
Đến thứ bảy, một ngày sau tiệc ở nhà Minh, thì Lynh Phẩm làm tiệc đón mừng chị Bé và Hiệp. Tiệc này còn có sự tham dự đặc biệt của thầy cô Nguyễn thất Hiệp và đó là một hảnh diện cho chúng tôi cùng bạn bè tứ Hai ngày hôm ấy. Hiệp tham gia chương trình AFS America Field Service (66-67) và Lynh, AFS 67-68 nên chúng tôi muốn dùng cơ hội này để vừa họp mặt cho tứ Hai đồng thời cho nhóm AFS San Jose. Bạn bè tham dự có vợ chồng Xương & Nhung, vợ chồng Tuấn & Vân, vợ chồng An & Thúy Hà, Hòa Phạm (em anh An và cựu học sinh Ngô Quyền), vợ chồng Trần hoài Ngọc (Ngô Quyền & AFS 67-68) cùng vài anh chị AFS từ các trường khác. Tiệc này thiếu sự tham dự của nhạc sĩ Minh và Khanh nên phần ca nhạc đã không có được nhưng không phải vì thế mà thiếu phần hào hứng. Nhạc đã được thay vào với phần nói chuyện tiếu lâm do Xương trình bày. Lời nói dí dỏm “thanh mà tục’ của Xương đã đem đến những tiếng cười không dứt của thầy cô cùng bạn bè. Cuối cùng thì tiệc cũng tàn và bạn bè chia tay nhau ra về. Tuấn, có lẽ là “party animal” nên đã quay lại nói khẽ với tôi “hẹn gặp lại ở nhà tao tháng 8 nầy”. Đúng là người có tinh thần party!
Sau gần một tháng từ lúc họp mặt Trùng Phùng và những lần gặp gở của anh em chúng tôi từ nhà chị Thi đến tiệc chia tay thầy Quýnh đến nhà Minh rồi nhà Lynh & Phẩm nay thì đến lúc chia tay và hẹn nhau là sẽ gặp lại khi có dịp và “hãy gặp nhau vì sợ là không còn có dịp gặp nhau nữa”. Chị Bé và Hiệp lại tiếp tục hành trình tham quan nước Mỹ và Canada còn bọn tôi thì trở lại với cuộc sống đời thường và tiếp tục “kéo cày trả nợ nhà băng”.
Dù chia tay nhưng chúng tôi hứa với nhau là sẽ lại gặp lại nhau để còn vui với nhau, hát cho nhau nghe, kể lại những chuyện xưa cả chục năm mà chúng tôi thường bảo là “xưa như trái đất” nhưng vẫn hấp dẩn người nghe. Chia tay rồi nhưng xin hãy cầu mong cho tất cả còn có sức khoẻ để rồi lại gặp nhau, gần thì gặp nhau hằng năm, còn xa thì hãy đến với nhau năm năm nữa, năm 2016, là 60 năm kỷ niệm thành lập trường Ngô Quyền.
Tôi xin chia xẻ với Thầy Cô cùng các bạn về họp mặt tứ Hai, July 2011 qua link kèm dưới đây.
Họp mặt nhà chị Thi:
Họp mặt nhà Minh:
Họp mặt nhà Phẩm & Lynh:
Tiệc chia tay thầy Quýnh tại nhà vợ chồng Liên thất Hùng: