Như thế đó, mùa đông năm nay ở Mỹ, giao mùa Tết Nguyên Đán, các chs NQ quên nhiều thứ nhưng chưa bao giờ quên "công Cha, nghĩa Mẹ, ơn Thầy". Ở hai phía trời Đông và Tây của Mỹ, hai vị Thầy NQ xưa đã một thoáng chùng lòng, mắt long lanh vì tình nghĩa Ngô Quyền mà chúng ta đã mang theo bên đời lưu lạc.
ẤM ÁP NGÔ QUYỀN
Ngày mai là Tết Giáp Ngọ ở quê nhà. Ở quê người, (ngoại trừ Australia), chúng tôi đón Tết chậm hơn tùy nơi từ vài tiếng đến 15 tiếng. Và có đón Tết tha hương mới "thấm” được câu hát nhạc sĩ Quốc Dũng đã viết "Vì mình xa nhau nên em chưa biết Xuân về đó thôi".
Giữa trời mùa Đông lạnh và không có nắng ở quê người, chs Ngô Quyền đã làm mọi cách để đem một món quà Xuân tinh thần đến quý Thầy Cô không thể đón Tết ở quê nhà.
"Ấm áp Ngô Quyền" được kể lại bởi các chs NQ : Phan Kim Phẩm, Nguyễn Anh Tuấn, và Nguyễn Trần Diệu Hương.
1. Ở Salem, North Carolina, Thầy Phạm Tấn Bình nhận được quà Tết sớm từ chs NQ khóa 15 Trần Văn Chừng.
Thầy nhận được thùng thuốc suyễn (mà Thầy đã kể cho người viết bài này là nếu đi mua phải trả gần USD 1500) được giao tận cửa bởi nhân viên FedEx. Học trò xưa biết Thầy bị suyễn nặng nên Bác sĩ Chừng chịu khó làm "người đi trong mưa tuyết" ở Ontario, Canada gởi thuốc qua cho Thầy. Xin thay mặt NQ K15, dành cho lớp trưởng 8/8 năm xưa một tràng pháo tay giòn như pháo Tết.
Còn nhớ ở họp mặt truyền thống chs NQ lần thứ 12 ở Nam California, khi biết quý Thầy Cô đang ở giao mùa của "lão và bệnh" trong chu kỳ "sinh, lão, bệnh, tử" của đời người, phải uống một vài thứ thuốc mỗi ngày, Lê Minh Tâm(K15) có tình nguyện: “ khi nào quý Thầy Cô ở Nam Cali cần đến thuốc mà chính phủ Mỹ không chịu trả tiền, Chừng cứ gởi thuốc qua nhà Tâm, Tâm sẽ tự nguyện làm "delivery boy" giao thuốc tận nhà quý Thầy Cô ở Nam CA mà không “charge” BS Chừng shipping cost :) "
Cho đến giờ phút này, giao mùa của Quý Tỵ 2013 và Giáp Ngọ 2014, rất nhiều chs NQ ở Mỹ vẫn còn đi làm đóng thuế nghiêm chỉnh, đúng hạn, nên Uncle Sam, dù đã nghèo đi nhiều, vẫn còn tiền lo cho người già, em bé nói chung và quý Thầy Cô nói riêng đang phải sống đời tha hương. Nên Lê Minh Tâm chưa có dịp hành nghề "giao thuốc tận nhà" không tính tiền.
Thầy Bình được BS Chừng đặc biệt chăm sóc vì sau 3 niên khóa được Thầy Bình làm GS hướng dẫn, các anh lớp 8/8 ngày xưa đã "mục sở thị", biết Thầy bị asthma tấn công như thế nào (xin đọc lại MGTT 30) , nhất là mỗi độ Đông về. Năm nay, từ khi mùa Đông bắt đầu, Thầy Bình chưa phải thở oxygen, chắc là nhờ tình nghĩa Ngô Quyền, từ tấm lòng của học trò xưa hơn là nhờ thuốc. Mùa Đông bỗng ấm hẳn lên với Thầy Phạm Tấn Bình với ánh lửa nhỏ, nhen lên từ lớp 8/8 của "khi xưa ta bé" , lan từ Ngô Quyền Biên Hòa, qua Canada, Mỹ, và nhiều nơi trên thế giới rồi được chuyển về miền Đông Bắc Hoa kỳ sưởi ấm Thầy Pháp văn ngày xưa của chúng tôi.
2. Ở Milpitas, California, Thầy Nguyễn Xuân Hoàng cũng cảm nhận được ngọn lửa tình nghĩa thầy trò từ cả các chs Ngô Quyền, lẫn Petrus Ký.
Giữa bầu trời xám xịt giữa Đông, giữa chập chùng mê tỉnh của thuốc giảm đau, và những lần chemo, Thầy Hoàng phải dọn nhà vào lúc năm hết tết đến. Quý mến Thầy đã tay cầm phấn, tay cầm viết để lại trong lòng học trò xưa nhiều điều tốt đẹp theo các anh chị suốt đời, học trò cũ chia ra thành nhiều nhóm, thay phiên nhau đến giúp Thầy Cô dọn nhà .
Không biết các anh Petrus Ký ở San Jose có bao nhiêu nhóm, phe ta từ Ngô Quyền xưa có hai team. Gác lại mọi tất bật của những ngày cận Tết ở quê người, những sinh hoạt cuối tuần sau năm ngày dài quay cuồng với nợ áo cơm, chs NQ ở miền Bắc California đến giúp Thầy vào hai Chủ nhật cuối cùng của tháng giêng. Ở tận bên St. John's, Newfoundland , Canada, thương bạn phải dọn nhà khi vẫn còn là một bệnh nhân, Thầy Phạm Ngọc Quýnh cử Quỳnh Thư (con gái út của Thầy) thay Thầy, giúp Thầy Cô NX Hoàng dọn nhà.
Chủ nhật 19 tháng giêng, team 1 gồm 3 người đến giúp Thầy Cô dọn các cabinet đồ đùng nhà bếp. Phe ta làm theo kiểu dây chuyền: anh Lê Văn Tới lấy ly tách, chén dĩa trong tủ ra, lấy muỗng, đũa, nĩa từ các hộc nhà bếp ra; Quỳnh Thư bọc trong giấy báo; Diệu Hương sắp vào thùng, label các thùng đã được Quỳnh Thư dán lại kỹ lưởng trong vòng một tiếng rưỡi lao động với niềm vui đã ghé vai đỡ được một phần nhỏ gánh nặng dọn nhà cho Thầy Cô NX Hoàng. Thầy ngồi trên ghế, vẫn xanh xao, gầy yếu nhưng mắt đã long lanh niềm vui khi thấy bao nhiêu năm qua tình nghĩa Thầy trò vẫn còn nguyên. Team 1 vẫn còn sức tiếp tục vô thùng và khuân vác nhưng Thầy Cô bận việc nên phe ta về sớm hơn dự định.
Đúng một tuần sau, team 2 NQ gồm niên trưởng Bùi Đức Lương của K3, và các anh K6 Phan Kim Phẩm, Nguyễn Anh Tuấn đến nhà Thầy từ 10 giờ sáng chủ nhật, tưởng là cũng sẽ "lao động nhẹ nhàng" như team 1. Không ngờ để tránh dọn nhà vào ngày đầu năm âm lịch, Thầy Cô dọn vào nơi ở mới sớm hơn gần một tuần. Không dưng team 2 NQ và một team khác của Petrus Ký cũng gồm 3 anh đã thành một "moving company" rất chuyên nghiệp.
Thầy Nguyễn Xuân Hoàng khỏe hơn bao giờ hết từ ngày trở bệnh, thành một vị chỉ huy có hiệu quả, điều khiển học trò chất từng thùng đồ, từng valise lên xe truck, chở đến nơi cư ngụ mới, chỉ cách nhà cũ chừng vài block, hướng về phía núi.
Các anh "thợ khuân vác không chuyên nghiệp", tay chỉ quen gõ keyboard, và điều khiển mouse, nhưng với lòng quý mến cựu GS Triết ngày xưa ở Ngô Quyền đã hì hục khiêng lên vác xuống ròng rã 6 tiếng đồng hồ không mệt mỏi. Hình như các anh chỉ take break khi ngồi sau tay lái chở đồ qua lại “từ hai đầu nỗi nhớ" của Thầy Cô NX Hoàng trên một con đường nhỏ yên tĩnh ở Milpitas.
Anh Phẩm và anh Tuấn lãnh phần khuân vác, dành cho niên trưởng Bùi Đức Lương (và cũng là Thầy của các anh K8 ở NQ xưa) "job" nhẹ hơn và đòi hỏi "tay nghề" cao hơn: tháo các bức chân dung, tranh từ tường nhà Thầy và các phone jack trong nhà. Tưởng là chỉ lao động nhẹ hai tiếng pack đồ như team 1, anh Lương chỉ uống cà phê mà quên ăn sáng nên khi "trời về chiều", anh bị choáng váng.
Dù mệt nhưng vẫn cỏn energy để đùa dai, anh Tuấn đã "thỏ thẻ" với anh Lương:
"Anh Lương ơi , anh ngồi nghỉ đi , chưa dọn xong , mà lại phải chở anh đi nhà thương , thì. ..kỳ lắm đó".
"Chuyện bên lề" này là một cái cớ để anh Phẩm "la khéo" đàn em:
“Các em gái “hậu phương” như DH và Quỳnh Thư thì vui vẻ ở nhà dọn dẹp, lo chuyện bếp núc hay shopping, quên tiếp tế nên anh Lương vừa đói vừa mệt, bị choáng váng sau một chuyến dọn nhà.”
Anh Tới khi biết team 2 lao động cật lực như "dân khuân vác thứ thiệt" đã chắc lưỡi:
- “Sao Phẩm hay Tuấn không gọi phone để có "viện binh" NQ đến giúp.”
Thầy có bảo các anh ngừng tay đi ăn trưa nhưng phe ta vốn ham công tiếc việc, muốn "làm sớm nghỉ sớm", và quen với lối làm việc của white collar ở Mỹ "làm hết việc chứ không làm hết giờ" nên team 2 NQ làm 6 tiếng không ngưng nghỉ.
Dù không còn trẻ và mạnh như "khi xưa ta bé" nhưng bằng tấm lòng với một cựu GS NQ xưa, quý mến Thầy, team 2 NQ cùng với một team 3 người của Petrus Ký đã giúp Thầy Cô Nguyễn Xuân Hoàng rất có hiệu quả vào ngày moving. Phe ta hơi mệt một chút nhưng đã lại sức nhanh chóng với niềm vui thấy Thầy Hoàng tươi tỉnh hơn, dù vẫn phải nhờ baton nâng đỡ mỗi bước đi nhưng Thầy đã khỏe hơn trước nhiều, ra vào "điều chs Petrus Ký, khiển chs Ngô Quyền" rất hiệu quả.
Như thế đó, mùa đông năm nay ở Mỹ, giao mùa Tết Nguyên Đán, các chs NQ quên nhiều thứ nhưng chưa bao giờ quên "công Cha, nghĩa Mẹ, ơn Thầy". Ở hai phía trời Đông và Tây của Mỹ, hai vị Thầy NQ xưa đã một thoáng chùng lòng, mắt long lanh vì tình nghĩa Ngô Quyền mà chúng ta đã mang theo bên đời lưu lạc.
Nguyễn Trần Diệu Hương
Santa Clara 29 - Tết Giáp Ngọ 2014
Phụ Đính một vài hình ảnh các anh chị ChsNQ miền Bắc CA với Thầy Phạm Tấn Bình và Thầy Nguyễn Xuân Hoàng
Thầy Bình và Tâm, Chừng
Anh Đông, Tới, Minh, Phẩm va Tuấn
Diệu Hương, anh Minh, Phẩm, Lương, Long
Thầy Hoàng, Thầy Hiệp và các chsNQ Bắc CA