NHỚ THẦY LÊ QUÍ THỂ VÀ MỘT TRẬN CẦU.
Đời người nhẹ tênh như cơn gió thoảng, kỷ niệm là những hạt bụi li ti hòa lẫn theo gió, nhẹ nhàng vương vào trong mắt mình, trốn chui nhủi, nằm yên và ẩn náu. Đến một lúc, bỗng thấy xốn xang, đưa bàn tay da mồi nhăn nheo quẹt vội, mắt hoe đỏ, cay xè và ươn ướt. Tôi đã trải qua cảm giác như vậy, vui vui mà rưng rưng, khi nghe tin Thầy đã ghi danh dự họp mặt Ngô-Quyền lần thứ 12 tại Cali, USA. Mừng! Thầy còn khỏe! Tôi mong tin Thầy đã lâu, nhẩm tính mới đó mà đã 44 năm rồi không gặp! Cái diễm phúc vừa được học chữ vừa được học "nghề" cùng một ông Thầy đâu phải ai cũng có được. Những năm cuối đệ nhị cấp, có những ngày, sáng vừa ngồi nghe Thầy giảng bài trong bốn bức tường trắng xóa, chiều Thầy trò lại gặp nhau cùng tung tăng hít thở trên những thảm cỏ xanh: Thầy dẫn dắt mấy thằng tôi chơi đá banh. Cái dáng ông Thầy hao hao gầy, nụ cười hiền từ kèm chiếc răng khểnh, cái đầu hoi hói, mang dép suốt, lưng hơi khom khom, chân trước chân sau khoanh tay theo dõi học trò đang bay nhảy theo quả bóng tròn, lăn theo tôi đến tận bây giờ. Ai mà gần gũi, gắn liền với Thầy như vậy, mà không nhớ mới lạ! Thầy ơi!
Những năm ấy dưới sự chỉ đạo của Thầy, đội banh Ngô-Quyền hầu như không có đối thủ trong Tỉnh. Thầy được cấp trên tín nhiệm giao phó dẫn dắt đội banh học sinh Tỉnh nhà, tuyển học sinh Biên-Hòa với nồng cốt là trường Ngô-Quyền trở thành một thương hiệu đáng nể, tung hoành cả miền Đông Nam Bộ. Duy chỉ có Thị xã Vũng Tàu là tương đối đồng cân đồng lạng mà thôi! Không biết từ bao giờ, đã hình thành cái tâm niệm lan truyền trong giới học sinh mê đá banh thời bấy giờ: "Thua ai thì thua, không thể thua Vũng Tàu". Tôi đã từng chứng kiến những trận cầu nảy lửa giữa các đội của hai địa phương này trong và ngoài sân cỏ, đến nỗi hình như trận nào cũng phải nhờ đến sự can thiệp của cảnh sát mới tạm lắng dịu. Lâu dần, hình thành công thức bất di bất dịch: khi hai đội Biên Hòa-Vũng Tàu mà gặp nhau, dù cấp độ nào luôn luôn là hai đối thủ "không đội Trời chung". Cái hận thù "truyền kiếp" đó, kéo dài tận đến khi lớp đàn em cầu thủ Ngô-Quyền chúng tôi lên thay thế. Kể lể rõ lại "lương duyên không hạnh phúc" Biên Hòa-Vũng Tàu như vậy để sống lại cái cảm giác bồn chồn, nửa vui mừng, nửa âu lo khi Thầy thông báo: Toàn thể cầu thủ đội bóng Ngô-Quyền được đi cắm trại ở Vũng Tàu, và đá với đội bạn trên sân Lam Sơn một trận.
Đêm trước ngày thi đấu, chúng tôi tham dự đêm lửa trại ở gần Bãi Dâu Vũng Tàu. Sau phần nghi lễ và một vài tiết mục, giữa tiếng vỗ tay xen lẫn yêu cầu vang dội, nhất là phe nữ Ngô-Quyền, tất cả cầu thủ ai cũng mắc cỡ nhưng rồi cũng đành "bấm bụng" theo lệnh đội trưởng đang ôm quả banh chạy đầu, dàn thành vòng tròn quanh đống lửa cao ngất và to đùng, cúi rạp chào các trại viên, đồng điệu và đẹp mắt một cách chuyên nghiệp (dễ mà!như thủ tục trước trận đấu thôi!), thế là xong, thoát nạn. Sau tôi mới biết rằng tiết mục ngắn gọn, chữa cháy thông minh này đạo diễn chính là Thầy dẫn dắt đội bóng yêu quí của mình. Đêm đó Thầy đi từng lều nhắc nhở cầu thủ dưỡng sức, ngủ sớm để chiều mai xung trận, và nhắc nhở "gà nhà" đội Ngô-Quyền ở tại trại, không nên theo ủng hộ.
Trận đấu khởi đi suông sẽ sau những cái bắt tay "thấm tình" giữa hai đội, đến lúc Ngô-Quyền mở tỷ số 1-0, trận đấu nóng dần lên với những pha vào bóng ác ý của đội Vũng Tàu. Cặp tiền đạo bài trùng Bình-Liễu đã được đội bạn biết đến nên chăm sóc kỹ lưỡng, tuy vậy trước lúc hiệp 1 chấm dứt, sau một pha phối hợp ăn ý của đội Ngô-Quyền tỷ số đã là 2-0. Chúng tôi rời sân tạm nghỉ với ánh mắt hậm hực của khán giả quanh sân.
Thầy liền tập họp tất cả cầu thủ lại, ngồi thành vòng tròn quanh Thầy, vừa giải lao vừa nghe Thầy nhỏ nhẹ nói rằng: "Đây chỉ là trận giao hữu, hiệp 2 chúng ta đá bảo toàn lực lượng, tránh va chạm, thậm chí đội bạn gỡ lại cũng không sao! Chỉ ráng đừng để thua vì tên tuổi của trường Ngô-Quyền chúng ta,Thầy thấy những dấu hiệu bạo lực''. Quả đúng như Thầy đã liệu trước, hiệp 2 đội Vũng Tàu tung vào sân vài cầu thủ mặt mũi bậm trợn, tôi nhớ có hai tên đầu trọc, tất cả trông có vẻ đã hết tuổi học sinh từ lâu, họ vào sân và sẵn sàng đá người hơn đá bóng. Vì tuân thủ "chiến thuật" của Thầy đề ra, toàn đội ai cũng lơi chân, đội bạn ép sân liên tục, nhưng mãi gần cuối giờ mới gỡ lại một trái. Lúc tỷ số 2-1 nghiêng về Ngô-Quyền, trong sân có vẻ ai cũng mừng thầm vì kết quả này giữ nguyên đội bạn cũng hạ hỏa phần nào, thậm chí gỡ hòa cũng chẳng phải thảm họa. Chỉ độ vài phút sau đó Sĩ (Hồ ngọc Sỹ, ngoại đạo NQ) vào sân thay thế một cầu thủ bên ta.Tôi nhớ rõ là tên Sĩ vì có anh ta trận đấu này mới lên đến cao trào làm tôi nhớ mãi. Chỉ ít lâu sau khi vào sân, quá hăng máu anh ta dốc bóng bên cánh trái rồi quên cả lời Thầy dặn, sút tung lưới đối phương nâng tỷ số lên 3-1. Không cầu thủ nào dám mừng cả, bàng hoàng, sợ hãi. Lúc trọng tài thổi còi hết giờ,Thầy lao vào trong sân hối thúc toàn đội nhanh chân lên chiếc xe lam đậu sẵn,tất cả thu mình ngồi nêm chật cứng, Thầy giục bác tài trực chỉ hướng Bãi Dâu. Đến nơi, bước xuống xe thấy "phe ta" đông đảo đón chào, mọi người mới thở phào, hoàn hồn rồi mạnh miệng hô to chiến thắng.
Sau một thời gian dài vô âm bặt tín đồng đội, tôi gặp lại Luận, Hòa (Vũ), những chiến binh Ngô-Quyền, đã chiến đấu cùng tôi trận đấu nhớ đời ở sân Lam Sơn Vũng Tàu ngày ấy.Trong một quán cóc ở Biên-Hòa, bên ly café, cả ba nhắc lại chuyện xưa, chuyện trong đội đứa còn đứa mất, chuyện đá banh, chuyện thầy xử lý tình huống tuyệt vời khi Vũng Tàu chưa kịp tổ chức chận đường gây sự, và nhất là khi nhắc kỷ niệm với Thầy, ba đứa đều trầm ngâm tư lự, mắt chớp chớp và... cay cay. Tôi quay qua hỏi: "Nhớ Thầy Thể hả?". Cả hai gật đầu. Ai cũng nhớ Thầy hết trơn, hết trọi vậy đó! Thầy ơi!
Nghiêm-Thái-Bình
Thầy Thể và các Nam Sinh