T H Ờ I T H Ơ Ấ U
Tôi tuổi Mẹo, sinh cuối năm Tân Mão nhưng đã bước sang tháng 1 năm 1952. Khi tôi mới được vài tháng tuổi thì thành phố Biên Hòa quê tôi nằm bên bờ sông Đồng Nai gặp phải nạn lụt Nhâm Thìn dữ dội. Má tôi kể lại đêm đó mưa thật to và nước dâng lên rất nhanh, Ba tôi chưa kịp đưa cả nhà đi sơ tán thì nước đã ào ạt dâng lên cao quá đầu gối rồi đến thắt lưng… Má tôi luống cuống vội vã ẳm tôi lội trong mưa ra đến đầu ngõ không may bà bị vấp ngã ném tôi xuống dòng nước đang chảy xiết. Không biết nhờ phép lạ nào đã giúp bà quờ quạng mò mẩm trong đêm tối mà vớt được tôi lên ngay chứ nếu không thì…
Tôi có tất cả 6 anh chị em. Khi đặt tên anh Hai tôi là Hoa, Má tôi nói muốn cho con mình tươi đẹp như hoa mặc dù nghe có vẻ giống con gái. Đến chị Ba tôi thì Ba tôi đặt chị tên Báu để theo vần với tên Má tôi là Quý (Quý Báu). Nghe kể anh thứ tư và thứ năm của tôi không nuôi được từ nhỏ nên không được đặt tên. Đến chị thứ sáu ra đời Má tôi dị đoan đặt tên Bảy để tránh mất mát thêm nữa, và người anh thứ tám của tôi cũng được đặt cho cái tên bình thường ông bà đừng quở cho dễ nuôi là Điểm. Đến lượt tôi thì Má có phần an tâm định đặt tôi tên Lan để cùng vần với tên anh Hai tôi ( Hoa Lan ) nhưng Ba tôi nói Bà Cố Nội của tôi tên là Lan rồi vì vậy Má tôi quyết định đặt tôi tên Lợi ( theo ý Má tên Lợi của tôi đọc theo âm tiếng nam bộ cũng cùng vần với tên anh Hai tôi là “đi qua đi lợi”. Nếu chỉ như vậy thì tên tôi thật chẳng ý nghĩa gì. May sao, Má tôi sanh thêm được thằng con trai út đặt tên là Danh. Bây giờ thì tên tôi mới thật có ý nghĩa ( Lợi Danh).
Tôi lớn lên trong một gia đình lao động. Ba tôi làm nghề khai thác gỗ mà người ta thường gọi là đi xe be. Ba tôi có những chuyến đi rừng dài ngày, lâu lâu Ba về đưa cho Má tôi một xấp tiền, tôi thấy Má bỏ vào hôp bánh LU cất vào tủ. Toàn bộ vật dụng nhà tôi đều được làm bằng gổ quý do chính Ba tôi đem cây trong rừng về thuê thợ đóng nào là bàn ghế, tủ giường. Đặc biệt nhà tôi có bộ ván gõ đỏ rất đẹp, lúc nào cũng được lau chùi bóng loáng, là con nít ở nhà quê, chị em tôi thường đi chân đất, chỉ khi tối mới rửa chân lên giường ngũ còn ban ngày mỗi khi leo lên bộ ván gõ thì hai bàn chân xoa vào nhau rồi đập đập mấy cái cho bụi rớt xuống mới được leo lên. Tuổi thơ của tôi lớn lên trên bộ ván gõ nhiều kỹ niệm ấy. Những buổi trưa hè Má tôi thường nằm ngũ trưa trên bộ ván nhờ tôi nhổ tóc sâu. Những sợi tóc bạc ngắn ngủn mọc lún phún phải dùng cái nhíp nhỏ nhổ tận gốc rồi gom một chỗ để Má tôi tính theo số lượng mà phát tiền thưởng. Thỉnh thoảng những hôm Ba tôi có nhà thì tôi và thằng em út thi nhau đấm lưng cho ông. Cũng không ít lần chị em tôi bị bắt nằm xấp trên bộ ván gõ để chờ đón những trận đòn vì những lỗi lầm trẻ con. Thường thì Ba tôi chỉ nhịp nhịp roi vào mông tôi cho có lệ chứ chẳng lẽ Má tôi mách tội mà Ba không trừng phạt thì không được chứ tính Ba tôi hiền lành nuông chìu con cái. Tôi muốn xin cái gì cứ đợi Ba tôi về nhà xin là được ngay vì một khi Ba đã OK rồi thì Má tôi không phản đối.
Những lúc Ba đi làm vắng nhà, Má tôi thường rũ những bà hàng xóm qua chơi đánh bài Tứ Sắc. Có nhiều hôm không có đủ 4 người thì Má tôi bắt tôi ngồi vào cho đủ tụ. Chơi cho đỡ ghiền chứ không ăn thua gì lớn lao. Mấy bà bạn già của Má thường khen tôi xào và chia bài rất nhanh, tôi đánh bài cũng không dở. Tuy vậy cho tới khi lớn lên tôi vẫn không biết chơi loại bài nào khác nữa.
Hồi đó Má tôi khéo dành dụm cũng dư chút tiền cho bà con ở quê mượn để cuối năm được trả bằng lúa. Tôi hay theo phụ Má đi xay lúa, xong chở về sàng sảy cho sạch bụi tấm mới ra gạo. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ hình ảnh Má tôi đứng kẹp hai chân giữ chặt chiếc chiếu xếp đôi, hai tay Má nắm hai mép chiếu giũ thật nhanh và thật mạnh để tạo ra gió phành phạch. Còn tôi đứng trên một cái ghế để có độ cao, bưng thúng gạo đổ nhè nhẹ xuống trước ngọn gió được tạo ra từ chiếc chiếu thổi bay những hạt bụi cám. Thường sau những lần làm gạo như vậy toàn thân tôi bị bụi bám trắng xóa. Sau đó, hai Má con dẫn nhau ra sông tắm gôi. Má tôi bơi rất giỏi, tôi chỉ dám lội bì bỏm trong bờ còn Má thì bơi ra giữa dòng, Má nói ra xa như vậy nước sạch hơn. Tôi nhớ Má bơi với cái quần lảnh đen không thấm nước nên người thì chìm dưới nước mà quần thì nổi bồng bềnh…
Mỗi năm Tết đến, Má tôi tự làm giá đậu xanh để ăn. Đầu tiên Má ngâm cho đậu xanh nẩy mầm rồi rải đều lên mặt cát ẩm, mỗi ngày tôi có nhiệm vụ tưới nước 3 lần, chỉ vài hôm là cây giá mọc lên 3-4 cm, bấy giờ nhổ lên đãi sạch cát rồi làm dưa giá ăn với thịt kho. Má tôi cũng được bà con ở quê thương mến nên nhà tôi thường nhận được nhiều món quà quê rất ngon như đậu xanh, đậu phọng, dưa leo, bầu bí. Đặc biệt là những trái bưởi vườn ngon ngọt khó mà mua được.
Tôi may mắn không phải giữ em như những đứa bạn cùng trang lứa vì nhiệm vụ nầy đã có chị Bảy tôi lo nên tôi rỗi rảnh ngoài giờ học tôi theo anh Tám tôi tham gia các trò chơi con trai như đá banh, đánh đáo. Dĩ nhiên tôi cũng chơi rất giỏi các trò con gái như đánh đủa, nhảy dây, nhảy lò cò… Sau xóm nhà tôi có ruộng rau muống rất rộng, vào mùa khô chúng tôi ra đó thả diều, có thể nói tôi làm diều đẹp và bay cao nhất xóm.
Tôi cũng hay chui rào qua vườn nhà ông giáo gần đó để hái trộm vú sữa. Có lần đang vắt vẻo trên cây thì bị ông Giáo bắt gặp, tôi hốt hoảng luống cuống chưa biết phải làm sao thì ông Giáo đã vội la lên: “Đừng nhảy xuống té chết, ông không bắt đâu” rồi ông đi vào trong nhà để tôi từ từ leo xuống. Từ đó tôi không dám leo hái trộm nữa, nhưng trong vườn nhà ông Giáo còn một chỗ hấp dẫn tôi hơn đó là chỗ đổ rác, tôi tìm thấy ở đó rất nhiều đồ chơi hư cũ của con cháu ông Giáo vứt đi, tôi nhặt về rửa sạch tân trang như mới. Có những con búp bê bị mất 1 tay hay 1 chân được tôi may cho những bộ quần áo mới che đi chỗ khiếm khuyết trông cũng tươm tất. Tôi thường chia sẻ đồ chơi nhặt được với nhỏ bạn hàng xóm rất tôi nghiệp, nhà nó nghèo, Ba nó làm tài xế xe đò mà say rượu đánh chửi Mẹ con nó suốt ngày. Có lần nó lỡ tay làm rớt cục xà bông giặt đồ xuống ao nước sau nhà, mới chưa đầy 10 tuồi mà sợ Ba nó đánh nó liều nhảy xuống ao mò tìm cục xà bông, tìm hoài không được nó không dám lên. Tôi phải chạy về nhà lén lấy cục xà bông đem qua cho nó. Biết ơn tôi từ đó về sau nó thường lấy trái cây Má nó bán đem cho tôi ăn. Tôi cũng hay làm bài tập ở nhà giúp nó nhưng nó cũng bị bắt nghĩ học rất sớm để đi làm thuê kiếm tiền phụ Má nó nuôi em. Sau nầy tôi đi học xa nghe nói nó đi làm sở Mỹ, lấy chồng Mỹ rồi theo chồng về Mỹ. Sau năm 75 nghe tin nó bỏ mạng ở xứ người vì một căn bệnh không đáng chết, bệnh bứu cổ.
Năm tôi học lớp Nhất, chiến
tranh đến hồi ác liệt, Ba tôi không còn vào rừng khai thác gỗ được nửa, kinh tế
gia đình bắt đầu khó khăn. Tôi phải phụ chị tôi đi gánh nước ở phông tên đầu
hẻm về nhà xài. Tôi lén Má tôi gánh nước thuê cho vài người trong xóm để có
tiền mua sách vở. Má tôi cấm không cho vì sợ tôi chểnh mảng việc học hành,
nhưng tôi lén gánh về nhà 1 đôi thì gánh thuê 1 đôi nên Má không biết. Nhiều
buổi trưa sắp đến giờ đi học mà xếp hàng chưa đến lượt được hứng nước, phải
đứng đợi. Tôi nhìn thấy cô giáo Lệ Hoa đang đi từ xa, tôi mới vội dẹp thùng dẹp
gánh chạy vôi về nhà thay quần áo ôm cặp chạy vội đến trường. Vậy mà chưa bao
giờ tôi đi học trễ và tháng nào tôi cũng lãnh giấy khen và mãi năm đều hãnh
diện ôm phần thưởng nhất nhì về nhà.
Hè năm đó, tôi tình cờ đi chợ nhìn thấy hàng bán cá cảnh, tôi mê mải ngắm nhìn những con cá đủ màu sắc bơi lội thì thấy có nhiều người ghé mua con lăng quăng về cho cá ăn. Tôi mon men làm quen hỏi ông bán cá có muốn mua lăng quăng không, gần nhà tôi có ao có nhiều lăng quăng lắm.Tôi sẽ vớt bán cho ông. Thế là tôi có được một nghề đặc biệt .Tôi lấy kẻm quấn thành vòng tròn rồi kiếm miếng vải mùng may thành cái vợt nối vào cây sào dài là xong dụng cụ vớt lăng quăng, mỗi ngày đi học về là tôi dạo một vòng quanh xóm vớt một bọc lăng quăng chạy ù ra chợ. Hàng xóm thấy tôi ngày nào cũng vớt lăng quăng theo hỏi tôi nói vớt về nuôi cá, nhưng lâu dần họ cũng biết và có người bắt chước tôi rồi thậm chí giành mối của tôi, giận quá tôi bỏ nghề luôn.
Năm đó tôi thi đậu vào lớp đệ thất trường Ngô Quyền, tôi tập trung chăm chỉ học tập nhưng một lần nữa tôi lại có cơ hội kiếm được tiền. Số là chị Hai Vĩnh của tôi ở Saigon thấy tôi lanh lẹ nên đưa cho tôi một số sản phẩm nữ trang vàng giả do cơ sở của chị sản xuất bảo tôi đem ra chợ Biên Hòa bày bán được thì chị cho tôi tiền huê hồng. Tôi một mình ra chợ, trãi miếng nylon ra đất rồi bày các loại vòng vàng dây chuyền cà rá xanh đỏ tím vàng… vậy mà cũng rất đông trẻ con người lớn bu quanh và tôi bán được rất nhiều hàng . Dĩ nhiên tôi kiếm được món tiền kha khá ngoài việc mua sách vở tôi còn may được mấy bộ áo dài mặc đi học. Đến cuối năm lớp đệ tứ, tôi nghe nói trường TH Nông Lâm Súc Bảo Lộc có chế độ nội trú thật thích hợp với sở thích muốn được đi xa học hỏi của tôi nên tôi nộp đơn thi tuyển. Ba Má tôi không muốn cho tôi đi học xa vì sợ thân gái dặm trường nhưng chú Năm tôi nói cứ để tôi đi thi vì chắc gì tôi thi đậu mà nếu tôi thi đậu thì chú sẽ cho tôi tiền đi học. Và chú Năm tôi đã giữ lời hứa, khi tôi báo tin trúng tuyển chú đã cho tôi số tiền lớn để đi học. Cuộc đời tôi bước sang một ngã rẻ quan trong khi rời ngôi trường tỉnh lẻ để bước vào ký túc xá một ngôi trường nổi tiếng có cảnh quang thơ mộng trên vùng cao nguyên mù sương lạnh lẽo. Tôi như chú vịt con xấu xí khoát lên người bộ cánh thiên nga. Thật vậy, tôi đã trở thành một con thiên nga siêng năng đúng như tên rừng của tôi trong sinh hoạt Hướng Đạo.
Tôi chập chững học 3 lời hứa và 10 điều luật ở Đạo Trấn Biên nhưng nhận tên rừng ở Đạo Hồi Nguyên và sau nầy lập liên đoàn nữ hướng đạo Trưng Vương đơn vị Biên Hòa trực thuộc Hội Nữ Hướng Đạo Việt Nam.
Sau nầy, khi đã thành nhân, dù không thành danh gì nhưng tôi vẫn mãn nguyện vì mình đã có một ký ức tuổi thơ thật tuyệt vời…
Trích Hồi Ký BTL
Bùi Thi Lợi