Sau ngày 30/4/1975, người dân miền Nam không được cho phép nghe loại nhạc mình đã nghe khi sống trong chế độ tự do trước đó. “Bên thắng cuộc” cho phổ biến khắp nơi loại nhạc đỏ: Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Trường Sơn đông, Trường Sơn tây, Năm anh em trên một chiếc xe tăng… với những lời nhạc ngô nghê “Cách mạng cần gạo để đánh Mỹ”, “Hết rau rồi em có lấy măng không?”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng, như năm ngón tay trên một bàn tay”…
Cái gì hay sẽ tồn tại mãi mãi còn cái gì dở sẽ sớm mai một. Ngày nay, ở khắp Việt Nam mở TV để xem ca nhạc thì những bản nhạc đỏ đã tuyệt tích trong khi nhạc vàng vang vọng khắp nơi và những ca sĩ hát loại nhạc đó làm giàu nhanh chóng như Lệ Quyên, Hà Vân, Lưu Ánh Loan, Phương Mỹ Chi…
Bây giờ chúng ta đã ở ngưỡng cửa của mùa thu. Ngày xưa, rất nhiều nhạc sĩ của ta đã cảm xúc cái mùa lành lạnh với lá vàng rơi rụng nhưng rất lãng mạn này và đã cho ra những tuyệt tác để đời.
Lam Phương với bản Thu Sầu:
“Mùa thu thưa nắng gió mang niềm nhớ
Trời chiều man mác buồn nát con tim“
Đó là tâm sự mùa thu của kẻ thất tình.
Còn Phạm Duy viết bản Mùa Thu Chết, phóng tác theo bài thơ L’Adieu của Guillaime Appolinaire:
J’ai cueilli ce brin de bruyère
L’automne est morte souviens-t’en
“Ta ngắt đi một cùm hoa thạch thảo
“Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi”
Mùa thu đã chết và người yêu cũng đã ra đi vĩnh viễn, còn nỗi buồn nào hơn?
Nhạc về mùa thu ở miền Nam là tiếp nối dòng nhạc lãng mạn miền Bắc thời tiền chiến như bài Thu Quyến Rũ của Đoàn Chuẩn và Từ Linh:
“Anh mong chờ mùa thu
“Tà áo xanh nào về với giấc mơ“
Người nhạc sĩ mơ mộng một tà áo xanh đến với mình!
Văn Trí với bản Hoài Thu nhớ đến kỷ niệm mùa thu đã trải qua ở xứ hoa đào:
“Mùa thu năm ấy
Trên đường đến miền cao nguyên
Đà Lạt núi rừng thâm xuyên
Thác ngàn nước bạc thiên nhiên”
Tiếc thay ngày nay Đà Lạt không còn vẻ quý phái, quyến rũ của ngày nào.
Bản Nước Mắt Mùa Thu của Phạm Duy đã đưa cố ca sĩ Lệ Thu lên tuyệt đỉnh nghệ thuật:
“Nước mắt mùa thu khóc ai trong chiều
Hàng cây trút lá, nghĩa trang đìu hiu”
Mùa thu và những giọt nước mắt chia lìa là nổi đau của người ca sĩ mất người yêu.
Nhưng đôi khi mùa thu lại đem đến cho người ta một mối tình say đắm như trong bản nhạc Mùa Thu Yêu Đương của Lam Phương:
“Mùa thu ơi Paris dệt mộng tình si
Khi nghe người đi vào đời
Thấy lòng như bớt đơn côi”
Người nhạc sĩ tài hoa sau thời gian đau khổ vì gia đình tan vỡ đã tìm lại một niềm vui ở mùa thu Paris.
Còn nhạc sĩ, giáo sư triết Phạm Mạnh Cương với bản Thu Ca đã nói lên nỗi nhớ nhung một tà áo của ai đó trong một chiều thu:
“Nhớ ai chiều thu
“Nhìn bao lá úa rơi đầy lối
“Nhẹ rung tà áo
“Làn môi cười thắm như cánh hoa đào”
Cuối cùng bản nhạc phim Đài Loan: Mùa Thu Lá Bay chuyển ngữ tiếng Việt đã được nữ ca sĩ gốc Hoa Kim Anh đưa vào lòng thính giã nỗi đau đớn về một cuộc tình tan vỡ:
“Mùa thu lá bay anh đã đi rồi!
“Vỡ tan ôi bao giấc mông lứa đôi
“Giờ đành lìa xa thế nhân sầu đau!
“Hẹn anh kiếp sau ta nhìn thấy nhau!”
Mùa thu đã được các nhạc sĩ miền Nam, qua sáng tác của họ, đem đến cho chúng ta những tình cảm có khi êm ái và lắm lúc đau đớn, nhưng đó là tâm trạng con người sống thật với lòng mình trong một xã hội tự do.
Montréal, 5/9/2023
Huỳnh Công Ân