SO SÁNH CUỘC CHIẾN UKRAINE VÀ CUỘC CHIẾN VIỆT NAM
Đã gần nửa thế kỷ trôi qua sau ngày sụp đổ của Việt Nam Cộng Hoà (30/4/1975), nhưng nổi đau mất nước của người dân miền Nam vẫn chưa nguôi ngoai.
Và cuộc chiến Ukraine xảy ra đúng hai năm trước lại khiến người ta lại suy nghỉ về nguyên nhân thất bại trước đây của quân lực VNCH.
Ta thử tìm hiểu sự tương đồng và dị biệt của hai cuộc chiến tranh đó.
Điểm giống nhau đầu tiên giữa hai cuộc chiến đó là Ukraine và VNCH bị một quốc gia khác xâm lược: Ukraine bị Cộng Hoà Liên Bang Nga tấn công và VNCH bị nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà gây chiến.
Điểm giống nhau thứ hai là Ukraine và VNCH là hai quốc gia dân chủ bị hai quốc gia cộng sản mưu toan xâm chiếm (dù hiện nay Nga tự xưng là một nước dân chủ nhưng ai cũng biết đó là một quốc gia cộng sản trá hình).
Điểm giống nhau thứ ba là Ukraine và VNCH đều phải nhờ sự viện trợ bên ngoài để chống trả quân xâm lược.
Điểm giống nhau thứ tư là quân đội Ukraine và quân lực VNCH đều chiến đấu kiên cường để bảo vệ tổ quốc.
VNCH mất 21 năm dài để chống trả quân Bắc Việt nhưng rồi đã sụp đổ. Còn Ukraine đã mất 2 năm chiến đấu chống Nga nhưng chúng ta tin rằng cuộc chiến này sẽ kéo dài lâu hơn nữa và cuối cùng Ukraine thắng hay bại chúng ta chưa biết chắc.
Vì vậy, chúng ta hãy tìm hiểu sự dị biệt giữa hai cuộc chiến nói trên để hy vọng tìm ra một kết luận về cuộc chiến ở Ukraine.
Sau thế chiến thứ nhứt (1914-1918), và sau cuộc cách mạng tháng 10 Nga, đã xảy ra cuộc chiến Sô Viết-Ukraine mà kết quả là nhóm Bôn Sê Vích Ukraine chiến thắng ở Kiev nên thành lập nước Cộng Hoà Sô Viết Ukraine, thành viên của Liên Bang Sô Viết ngày 30/12/1922. Năm 1930 Liên Xô tìm cách Nga hoá đất nước Ukraine. Nhưng năm 1991, Liên Xô tan rả và Ukraine trở thành một quốc gia độc lập.
Tham vọng tái chiếm Ukraine của Putin đưa tới cuộc chiến năm 2014 giữa Nga và Ukraine. Kết quả, Ukraine mất bán đảo Crimea.
Ngày 24/2/2022, Putin phát động cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” để tổng tấn công toàn bộ đất nước Ukraine. Cuộc chiến kéo dài đến ngày nay vẫn chưa ngã ngũ.
Sau thế chiến thứ hai (1939-1945), cũng như hai nước cùng trục: Đức và Ý, quân đội Nhựt bại trận trước quân đội Đồng Minh do Mỹ lãnh đạo. Trước đó, chế độ thuộc địa mà thực dân Pháp áp đặt trên nước Việt Nam từ 80 năm trước bị quân Phiệt Nhựt lật đổ ngày 9/3/1945.
Ngày 11/3/1945, hoàng đế Bảo Đại ra tuyên ngôn độc lập và xé bỏ các hiệp ước bất bình đẳng với Pháp và giao cho học giả Trần Trọng Kim thành lập nội các.
Nội các Trần Trọng Kim
Nội các Đế quốc Việt Nam của học giả Trần Trọng Kim được thành lập ngày 17/04 năm 1945 gồm toàn các trí thức: một giáo sư, hai kỹ sư, bốn bác sĩ, bốn luật sư.
Đó là các ông Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, Hồ Tá Khanh, Trịnh Đình Thảo, Vũ Trọng Khánh, Vũ Ngọc Anh, Trần Văn Chương, Trần Đình Nam, Vũ Văn Hiền, Phan Anh và Nguyễn Hữu Thi.
Thế chiến thứ hai chấm dứt sau khi hai trái bom nguyên tử được Mỹ thả xuống hai thành phố Hỉroshima và Nagasaki của Nhật khiến Nhật Hoàng phải ra lệnh quân đội mình phải đầu hàng quân Đồng Minh. Thay vì theo xu hướng trao trả độc lập các thuộc địa cũ như Anh, Mỹ, Hoà Lan…, quân Pháp theo chân quân Anh trở lại chiếm đóng miền Nam theo kế hoạch giải giới quán đội Nhật ở Đông Dương, trong khi quân Tưởng Giới Thạch tiến vào miền Bắc.
Ngày 15/8/1945 Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện quân Đồng Minh thì 2 ngày sau (17/8/1945), Việt Minh (tiền thân của đảng cộng sản Việt Nam sau này) lợi dụng cuộc biểu tình của công chức ở Hà Nội ủng hộ chính phủ Quốc Gia do ông Trần Trọng Kim làm thủ tướng cho người trà trộn vào đoàn biểu tình hô xen lẫn khẩu hiệu:”Hoan hô Việt Nam Độc Lập muôn năm” của mọi người với khẩu hiệu “Hoan hô Việt Minh”.
Ngày 19/8, Việt Minh tổ chức mít tinh để khích động quần chúng ủng hộ họ tại Hà Nội. Ngày 25/8/1945 Việt Minh cướp chính quyền tại Sài Gòn dưới sự lãnh đạo của Trần Văn Giàu. Ngày 28/8/1945 Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lậo. Ngày 2/9/1945 Hồ Chi Minh đọc bản “Truyên ngôn độc lập” tại vườn hoa Ba Đình, Hà Nội.
Hoàng đế Bảo Đại
Về phần hoàng đế Bảo Đại, sau ngày Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội (19/8/1945) thì ngày 22/8/1945 một sĩ quan Nhật đến yết kiến Ngài hỏi ý kiến Ngài có muốn nhờ quân đội Nhật dẹp bọn Việt Minh không, nhà vua từ chối. Ngài nói việc nội bộ Việt Nam để người Việt tự giải quyết. Hôm sau (23/8/1945) Trần Huy Liệu đến ép vua Bảo Đại thoái vị và giao ấn, kiếm cho Việt Minh. Chế độ quân chủ ở Việt Nam nói chung và triều đại nhà Nguyễn chấm dứt vào ngày đó.
Tham vọng lập lại ách đô hộ của Pháp ở Việt Nam gây ra cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhứt giữa Việt Minh và Pháp từ 1946 đến 1954 chỉ kết thúc sau khi Pháp bại trận ở Điện Biên Phủ và hiệp đinh Genève 20/7/1954 ra đời chia đôi Việt Nam theo vỹ tuyến 17. Miền Bắc là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và miền Nam là Quốc Gia Việt Nam sau đổi thành Việt Nam Cộng Hoà.
Theo các điều khoản của hiệp định Genève, quân đội Liên Hiệp Pháp (gồm quân đội Pháp và quân đội quốc gia Việt Nam) rút về phía nam và quân cộng sản tập kết về phần đất phía bắc sông Bến Hải. Nhưng cộng sản lén lút để một số cán binh ở lại miền Nam sau khi chôn giấu vũ khí. Chúng còn đưa những cán bộ cộng sản nồng cốt xâm nhập vào miền Nam để gầy dựng và lãnh đạo lực lượng tại chỗ hầu lật đổ chính quyền miền Nam.
Ngày 20/12/1960, cộng sản dựng lên cái gọi là Mặt Trận dân tộc giải phóng miền Nam để đánh lừa nhân dân trong nước và dư luận hải ngoại tưởng đó là phong trào nổi dậy của nhân dân miền Nam chống chính quyền VNCH. Chúng đưa những nhân vật trí thức bù nhìn như luật sư Nguyễn Hữu Thọ, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm chậu kiểng cho tổ chức đó trong khi thực quyền trong tay những đảng viên cộng sản cao cấp như Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt…
Như vậy, sự khác biệt thứ nhứt giữa hai cuộc chiến là Ukraine chống lại ngoại tộc cho nền độc lập của mình, còn VNCH chống lại người anh em đồng chủng miền Bắc mưu toan áp đặt chủ nghĩa cộng sản lên miền Nam tự do. Như vậy hai cuộc chiến có nguyên nhân khác nhau.
Thứ đến, không có quốc gia đồng minh nào trực tiếp tham chiến ở Ukraine mà chỉ viện trợ vũ khí và tiền bạc trong khi Hoa Kỳ, Đại Hàn, Thái Lan, Úc và Tân Tây Lan gởi quân chiến đấu bên cạnh quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Do đó, như tổng thống Ngô Đình Diệm đã yêu cầu Mỹ không nên đưa lính sang VN, chỉ viện trợ cho chính quyền VNCH, nhưng Mỹ đã cho giết ông Diệm để trực tiếp điều hành cuộc chiến khiến miền Nam mất chính nghĩa.
Tổng thống Zelensky
Sự khác biệt thứ ba là Ukraine có một người lãnh đạo can đảm và giỏi xoay sở là tổng thống Volodymyr Oleksandrovych Zelensky. Khi Putin mở chiến dịch tấn công Ukraine, ai cũng tưởng quốc gia này sẽ bị Nga chiếm trong vòng vài ngày vì Nga là một trong những siêu cường hàng đầu trên thế giới. Tổng thống Mỹ Joe Biden đề nghị đưa Zelensky ra nước ngoài nhưng ông từ chối để ở lại lãnh đạo cuộc kháng chiến. Về điểm này chúng ta phải lấy làm buồn về việc bỏ ngũ ra đi của các vị lãnh đạo của chúng ta. Tuy nhiên, riêng tôi không trách họ vì ai không quý mạng sống của mình khi biết rằng ở lại cũng không thể đảo ngược thế cờ. Mọi người hãy nhìn lại 17 năm tù của các tướng lãnh VNCH để thông cảm điều này. Zenlensky đã xông xáo ra thăm các mặt trận và công du đến các nước đồng minh để thuyết phục quốc hội chấp thuận cho các chính quyền đó tiếp tục viện trợ cho Ukraine vì “môi hở thì răng lạnh”. Trái lại các lãnh đạo VNCH không lobby được các nhà lập pháp Mỹ nên viện trợ bị cắt đứt hoàn toàn đưa đến sự sụp đổ của miền Nam.
Dù vậy trong thời gian gần đây, vì chiến tranh bất ngờ giữa Israel và Hamas, ngoại viện bị chậm lại trong khi Nga ra sức tấn công, một vài thành phố của Ukraine bị Nga chiếm khiến mọi người lo lắng có thể Ukraine sẽ thất thủ như VNCH gần 50 năm trước. Hoàn cảnh của Ukraine hiện nay gần giống như VNCH ngày xưa khi mối bận tâm của Mỹ đặt vào cuộc chiến ở Trung Đông. Nhưng may mắn thay tên đao phủ thủ Kissinger đã bị đày xuống địa ngục, Ukraine có cơ hội không bị bức tử như VNCH.
Ngày 24/2/2024
HCA