Anh Tư có một tật lạ, hễ ngồi vào chiếc bàn nào mà hơi rục rịch một chút là anh tìm dằm gỗ, cạc tông hay giấy… chêm lại ngay. Dù anh đang ngồi ở nhà mình, nhà bạn hay ngay tại nhà hàng sang trọng anh đều làm vậy. Anh thường nói, cái bàn có bốn chân, cũng như năm có bốn mùa. Nếu mưa không thuận gió không hòa thì làm sao yên nhà yên nước được.
Vậy mà số phận chẳng tha anh. Nhà anh mới đầu yên thắm lắm. Anh chị có một trai một gái. Cậu ấm đẹp trai, học giỏi, con nhà… không giàu nhưng cũng chẳng nghèo. Học xong Đại Học lại có việc làm ngay. Cô em thì hồi chưa ra trường đã có hãng mời nhưng chỉ đi làm đúng một năm là cô ta ở nhà sinh thêm một trự nên tạm thời ở nhà nuôi dạy con hai năm. Nói chung bốn cái chân bàn nhà anh chắc nịch, không cần chêm cũng không rục rịch.
Điều mà anh Tư không ngờ, cuộc đời có bao giờ bằng phẳng như anh nghĩ đâu. Bốn chân bàn bằng nhau nhưng cái nền nhà thì có chỗ cao chỗ thấp. Đời mà! Vậy là có chuyện. Sau một vài trận cãi vã chuyện này chuyện nọ không đáng vào đâu, anh chị quyết định ly thân nhau để… tuổi già sắp đến bớt phần căng thẳng, giảm cơn đau tim hay đột quỵ. Nghĩ là làm. Nhân nhà hàng xóm trong tòa nhà anh đang ở dọn đi, anh hỏi ngay chủ nhà thuê căn hộ kế bên và dọn ra ở riêng. Mới đầu cũng có chút… cô đơn, nhưng gần năm rồi thấy cũng quen. Anh tâm sự, dọn ra căn hộ kế bên có tiện lợi là, khi hai con và cháu ngoại đến thăm chúng có thể chạy qua lại thăm cả hai người. Chuyện gây gổ nhau là chuyện của anh chị chứ đâu liên hệ gì với vợ chồng hai đứa con và đám cháu.
Xem như cũng ổn – nhưng đâu có an được.
Ở gần nhau cũng có những điểm lợi. Chị không lái xe được nên khi cần mua món hàng gì nặng thì cũng nhờ anh chở giúp. Vả lại xe là của chung, mua từ hồi còn gió hòa mưa thuận. Thì cũng chỉ thỉnh thoảng thôi, một bao gạo, mấy két nước suối… hay vật gì cồng kềnh. Ngược lại lúc chị nấu nồi phở, nồi bún thì thêm chút nước… rồi để nguội múc ra mấy hộp nhỏ đặt trước cửa căn hộ của anh. Anh về nhìn thấy là hiểu ngay. Cuộc sống hàng xóm láng giềng tạm êm đềm như thế được gần hai năm rồi.
Đã nói, bốn chân bàn cần phải cân đối như đất trời có bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Vậy mà đất trời cũng chẳng cân đối. Năm nay mùa Hè thật đẹp, mùa Thu thật xinh mà sao đến Noel mùa Đông vẫn không chịu đến. Anh Tư quên chuyện trái đất đang bị hâm nóng nên cứ cằn nhằn mãi. Anh chỉ suy bụng ta ra bụng người. Anh chị sống mấy chục năm chung với nhau, từng cùng nhau nhịn đói nhịn khát trên chiếc thuyền nhỏ vượt biên ngày nào. Rồi tiếp theo bao nhiêu nỗi cực khổ nhọc nhằn trên đảo… cho đến ngày chân ướt chân ráo lập nghiệp trên xứ người mấy mươi năm nay. Đã vững như thế mà mấy chân bàn ấy còn rung rinh. Đời mà, ai biết trước được chữ ngờ.
Nhưng anh không ngờ thật. Đầu Tháng Giêng trời đổ tuyết tràn ngập. Phải chi tuyết đổ sớm hơn thì mọi người sẽ vui mùa nghỉ Giáng Sinh với một White Christmas. Khu anh ở thuộc miền Bắc Đức chưa đến nỗi nào nhưng khu vực miền Nam bị báo động. Có những vùng đã bị tuyết phong tỏa hoàn toàn, không ra vào được. Những cơ quan từ thiện đã huy động toàn lực mà vẫn không xuể, chính phủ phải huy động quân đội phụ giúp dọn đường di chuyển thực phẩm cho dân chúng. Họ cũng phụ dọn tuyết trên các mái nhà vì sợ tuyết chất chồng dày quá trên nóc nhà, có nơi đã cao cả hai thước, nhà sẽ bị sụp vì sức nặng quá tải. Tuy vùng anh chị sinh sống không bị nặng nhưng mỗi ngày đi làm anh phải tốn 10, 15 phút cạo tuyết bám chặt qua đêm trên tấm kính phía trước. Cũng may anh không phải đi làm sớm như người ta nên khi nắng lên thì tuyết đã tan bớt một phần rồi.
Nhưng hôm nay thì khác. Hôm nay anh Tư và chị Ba (từ sau khi ly thân nhau thì chị không còn là chị Tư mà chị xưng là chị Ba như thứ tự trong nhà chị trước khi chị lấy chồng) có hẹn của Tòa để xử chuyện ly dị. Chuyện gọi Ba hay Tư này cũng từng làm anh chướng tai không ít. Thật ra chuyện ly dị của hai anh chị cũng không khó gì mấy, vì họ cũng không có tài sản gì nhiều nên cũng không tranh chấp gì lắm. Giai đoạn cãi cọ, căng thẳng thì cũng đã qua. Hẹn đến tòa cũng chỉ làm cái việc hành chánh cho xong. Mặc dầu anh chị cũng đã xin tòa dời lịch hẹn mấy lần rồi, khi thì vì lý do anh bị bệnh, khi thì chị phải về Việt Nam có việc gia đình. Lần này có thể là lần chót.
Bởi vậy, khi phải đứng trước quyết định tối hậu, bút sa gà chết thì cả anh chị cũng… thao thức lắm. Suốt đêm qua chị không hề chợp mắt được một phút. Liếc mắt nhìn sang “nhà hàng xóm” thì đèn vẫn sáng hoài và nghe tiếng truyền hình vẫn nói oang oang (nói cho lấp bớt khoảng trống đi). Giờ tòa hẹn là 8 giờ rưỡi, lái xe từ nhà thì cần chừng 45 phút nhưng anh quyết định 7 rưỡi là khởi hành vì còn phải tìm chỗ đậu xe. Và anh Tư cũng bằng lòng cho chị Ba hàng xóm đi quá giang. Cho chắc ăn vì tính bả hay đi trễ giờ lắm – Anh giải thích vậy. Nói vậy mà mới 7 giờ là anh đã ra xe vì phải lo cạo tuyết trên kính xe trước. Đêm qua tuyết lại đổ nhiều quá. Sáng sớm trời còn rất lạnh.
Anh dùng cây cào có chổi quét sơ đám tuyết mỏng ở mặt trên rồi dùng miếng cạo tam giác cạo sâu vào lớp đá đã đóng cứng bám chặt vào mặt kiếng. Bàn tay anh bắt đầu lạnh buốt, không còn cảm giác. Cứ chừng vài phút anh phải dừng lại xoa hai bàn tay vào nhau, phải nhờ hơi ấm trong miệng thổi vào cho nó ấm lại chút rồi cạo tiếp. Chị nhìn qua cửa sổ theo dõi thấy anh làm vậy nên cũng đi ra phụ sức anh để mong mau chóng đi cho khỏi trễ giờ. Rồi chị Ba góc này, anh Tư góc kia hai người yên lặng chăm chú vào công việc của mình.
Bỗng dưng chị lên tiếng:
– Lạnh muốn cóng tay. Tưởng như ngón út muốn rụng mất đi rồi.
– Tôi tưởng bà chị không biết lạnh. Tôi đã sắp rụng cả mười ngón rồi, chứ út áp gì nữa.
– Nhớ năm ngoái trong cốp xe có đôi bao tay sao anh không chịu mang vào để đỡ hơn không.
– Bà nói hay. Bao tay nằm cả năm nay trong xe. Xe đậu suốt đêm ngoài trời mười mấy độ âm. Nói nghe hay dữ ta!
– Thì sao?
– Nó còn lạnh gấp mấy mươi lần bàn tay mình nữa.
– Anh thử mang nó vào xem sao. Hay anh lấy đưa đây, tôi mang vào xe mở máy sưởi ấm nó vài phút trước đã.
– !!!
– Thôi, … phải ngồi vào xe đã, lạnh quá rồi. Hôm nay mặc không đủ ấm nên cóng cả người rồi. Anh đi lấy đôi bao tay đi.
Nói xong chị mở cửa xe rồi ngồi vào. Anh lẳng lặng mở cốp xe lấy đôi bao tay bên góc ra. Nhưng thay vì nhờ chị hơ cho ấm anh cứ mang đại vào và tiếp tục cạo tuyết. Đâu cần!
Sau khi đeo đôi bao tay vào anh bất ngờ khám phá ra một chân lý.
Chỉ chưa đầy một phút sau, tay của anh đã sưởi ấm cho bao tay và bao tay đã ấm hơn, rồi chính nó lại sưởi ấm lại cho đôi tay của anh. Nhờ vậy, anh chỉ cần thêm vài phút nữa là anh đã làm sạch sẽ tấm kiếng trước, rồi cả kiếng sau của xe. Bây giờ tay anh đã ấm nên mạnh dạn cạo tuyết rất nhanh.
Anh ngồi vào xe cầm tay lái với cả đôi bao tay (đôi bao tay mà mấy năm trước chị đã mua tặng anh làm quà sinh nhật).
Xe chạy chừng mấy phút, máy sưởi của xe thổi mạnh đã làm ấm áp anh mới bắt đầu nói với chị.
- Em biết sao không? Anh đang khám phá ra một điều rất hay. Cũng nhờ em nhắc đến đôi bao tay nằm yên lặng trong cốp xe cả mấy năm nay. Đôi bao tay mới đầu lạnh ngắt, lạnh còn hơn đá. Tuy tay anh cũng lạnh nhưng đỡ hơn. Anh mang bao tay vào vì không còn cách nào khác. Nào ngờ, mới đầu anh sưởi ấm cho bao tay để nó “sống” lại, và chỉ một phút sau anh cảm nhận bao tay trả hơi ấm lại cho anh. Anh và bao tay đã hỗ trợ cho nhau để cùng hoàn thành chuyện cạo sạch tấm kiếng xe.
– Dạ, hèn chi thấy anh dọn thật nhanh và gọn nhẹ.
– Mới đầu, không xài nó, nghĩa là không hợp tác chung thì cả bao tay và hai tay anh đều lạnh. Cùng dựa vào nhau thì cả hai cùng ấm áp.
– Da… ạ
– !!!
Anh ngập ngừng như muốn nói gì thêm, nhưng ấp úng chưa mở lời được. Thì tiếng chị nói lời nhỏ nhẹ hơn nhưng nghe rõ mồn một.
– Thì cũng như anh và em vậy hả?
– Em nói sao? Có phải, nếu… hai đứa mình dựa vào nhau, nương tựa nhau như hồi xưa thì chắc đời sẽ ấm áp hơn chứ. Sao mà… cứ làm mặt lạnh lâu nay.
– Em cũng nghĩ vậy, nhưng chưa dám nói ra.
– Nghĩ sao? Nói sao?
– Nghĩ tại sao mình không bỏ chấp bớt để nương tựa vào nhau thì sẽ ấm áp hơn, phải không? Rồi bao tay hay bàn tay đều ấm cả, khi nó biết sưởi ấm cho nhau. Hôm cuối tuần em đi chùa, Thầy có kể cho em nghe một câu chuyện hay lắm.
– Chuyện gì?
– Để chiều nay về nhà em sẽ kể cho nghe. Bây giờ lo tập trung lái xe đi.
– !?
Không biết phiên tòa hôm đó diễn tiến chi tiết ra sao và tòa xử như thế nào, mà sau đó người ta thấy căn hộ của anh đã trả lại cho chủ nhà, dù anh phải trả thêm 3 tháng tiền không có người ở. Và chị Ba nói với mọi người: Bắt đầu từ bây giờ xin gọi tôi thứ Tư như hồi xưa nhé.
2.
Có một ngôi chùa nọ, rất nghèo ở miền ven núi rất xa. Chùa chỉ có một Thầy một trò. Hôm nọ Thầy bận lo dọn dẹp trên chánh điện, sư chú thì cứ phải chạy qua chạy lại, từ nhà kho đến nhà bếp để lấy cái này, tìm vật nọ cho mấy bà mấy cô công quả đang phụ chùa nấu nướng chuẩn bị Tết. Sư chú nghe mấy cô nói với nhau rằng (chú nghe tiếng được tiếng mất) lâu nay thấy Phật Tử ít đến chùa hơn nên mấy cô làm cực quá.
Tối đến, khi bổn đạo đã về hết chỉ còn một thầy một trò, Sư chú mới hỏi Sư phụ:
– Bạch Thầy, con nghe mấy đạo hữu làm công quả hồi chiều nói với nhau rằng, chùa mình chỉ lo tu niệm, không lo săn đón khách thập phương như những chùa khác nên càng ngày người ta càng ít tới là vậy.
– !!!
– Mấy cô đó nói có lý lắm. Lễ lộc mà chỉ có vài người đến phụ chùa mình thôi. Không khéo có ngày chỉ còn hai thầy trò mình thôi đó.
Sau một hồi yên lặng, sư phụ mới từ tốn trả lời cho đệ tử:
– Tối hôm qua lúc đi ngủ con nói gì với Thầy con còn nhớ không?
– Dạ… không. À, con chỉ nói là cái giường và chăn lạnh quá.
– Rồi con chui vô chăn nằm một hồi con thấy ấm áp phải không?
– Dạ.
– Vậy con sưởi ấm cho chăn nệm hay cái chăn nệm sưởi ấm cho con?
– Dạ mới đầu thì con sưởi ấm cho nó nhưng sau đó thì nó sưởi ấm cho con.
– Gần đúng, con giỏi lắm. Nhưng đúng ra thì con và nó cùng sưởi ấm cho nhau. Cuối cùng con ấm mà nó cũng ấm. Đúng chưa?
– Dạ.
– Thì mình với bổn đạo cũng vậy đó. Hơi ấm của mình là giáo pháp thì mình lo hướng dẫn họ chuyên tu tập giáo pháp. Bổn đạo đến tu tập và cúng dường hay phụ việc chùa cũng là cách sưởi ấm cho mái chùa. Mà mái chùa cũng sưởi ấm cho họ.
– Dạ… giờ con mới hiểu.
– Còn nếu đêm qua con không chịu khó chui vô mền ngay vì chê mền lạnh thì cuối cùng chăn nệm sẽ cứ lạnh mãi mà con cũng lạnh.
– Dạ.
– Mình và chư bổn đạo, cuối cùng là những khách đáp một chuyến xe đi vào cõi an lạc. Xe đủ rộng, đủ chỗ, miễn là cùng đi…
Đó là câu chuyện thiền rất ngắn mà chị Tư tháng trước đi chùa nghe Thầy kể trong bài giảng.
3.
Rồi hết Tháng Giêng đến Tháng Hai, tiết trời cũng vẫn còn mùa Đông. Nghĩa là ở miền Bắc Đức nơi anh chị Tư ở vẫn còn tuyết lạnh. Đến hết Tháng Tư thì Xuân mới đến. Anh chị Tư đã đề huề vui vẻ, con cháu cũng vui theo. Anh Tư lại nói: Tụi tui vui với nhau nên trời cũng vậy đó. Mùa Đông thì phải ra mùa Đông chứ. Bốn mùa như cái bàn bốn chân vậy mà, có thế mới đứng ngay ngắn, nghiêm chỉnh được.
Hôm nay là đúng Ba Mươi Tết âm lịch. Từ buổi chiều vợ chồng anh Tư đã lo cúng rước ông bà để đi chùa đón Giao Thừa. Bà con Phật tử gặp lại ai cũng mừng cho anh chị. Hơn hai năm nay, đây là lần đầu tiên anh và chị lại cùng sánh vai nhau lên chánh điện lễ Phật, rồi cùng ra phía lạy Tổ và lạy ông bà. Anh chị cứ liếc nhau như lúc mới biết yêu thuở nào.
Tan lễ, sau khi hái lộc Xuân, chúc Tết đạo hữu, bạn bè… anh chị chia tay bà con ra về. Đã khuya, trời đang mưa tuyết. Thì mùa Đông mà! Nhưng cả anh và chị không hề than phiền như mấy người khác. Anh chị đi thẳng ra xe và cùng dọn tuyết bám trên kính xe. Tháng trước chị đã chuẩn bị cho mỗi người ai cũng có một cặp bao tay nằm sẵn trong xe rồi. Hôm nay trời hơi gió nên anh Tư lo dọn tuyết kính phía trước còn chị nép phía sau xe tránh gió và nhân tiện dọn kính hậu. Phía đằng trước xe do gió tạt mạnh nên lạnh hơn. Cũng tại hôm nay là ngày Tết Việt Nam mình, chị xí xọn bận áo dài để đi chùa đón Giao Thừa. Anh đã nói chị vô xe trước để đó cho anh dọn, nhưng chị muốn phụ một tay.
Tuyết vẫn đổ. Anh liếc nhìn chị co ro trong chiếc áo dài truyền thống bỗng nổi máu văn nghệ cất lên câu hò (theo ca dao):
Hò ơ,
Trời mưa ướt bụi ướt bờ,
Ướt cây ướt lá, ai ngờ ướt em!
Trời mưa ướt bụi ướt bờ,
Ướt cây ướt lá, ai ngờ ướt em!
Phía đằng sau xe, giữa các tiếng cào xe rột rạt nghe giọng hò đáp lại hơi run nhưng vẫn nghe ngọt như đường phèn:
Hò ơ ơ ơ,
Trời mưa ướt lá trầu vàng
Ướt em (thì) em chịu (chớ) ướt chàng, ướt chàng em… thương!
Trời mưa ướt lá trầu vàng
Ướt em (thì) em chịu (chớ) ướt chàng, ướt chàng em… thương!
Anh vừa cạo tuyết, từng hạt tuyết bay tới tấp lên mặt nghe lạnh ngắt nhưng anh nhận ra có mấy hạt ấm ấm vừa từ trong khóe mắt lăn ra.
Nguyên Đạo - Văn Công Tuấn
Nguồn: Rộng Mở Tâm Hồn