Đây là bài số sáu trăm lẻ sáu (606) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo, Portland, Oregon.
Mùa Xuân đã về ở thành phố Portland thân yêu của tôi với hoa đào, hoa vàng nở rộ khắp mọi nơi. Tôi yêu thành phố Portland của tôi nhiều lắm, bạn ạ!
Tôi yêu màu xám nhẹ buồn của sương lam mờ đỉnh núi, màu vàng lãng mạn của những hàng cây khi mùa thu đến, màu trắng trinh nguyên của tuyết trắng mùa đông trên đỉnh núi Mount Hood, màu xanh tươi mát của những rừng thông thẳng tắp ngút ngàn, màu hồng rực rỡ của những đoá hồng ở các vườn hồng Portland, màu xanh hy vọng của đại dương bát ngát dọc theo quốc lộ 101 và yêu nhất là nụ cười hồn nhiên ngây thơ của những trẻ thơ bé nhỏ tuổi học trò.
Tôi yêu trẻ thơ, đó là một sự thật vì trẻ thơ ngây thơ vô tội, không biết tính chuyện “ân oán giang hồ”. Ai thương yêu chúng nhiều, thì chúng thương yêu lại nhiều, thật tình. Ai thương yêu chúng ít thì chúng thương yêu lại ít. Thế thôi. Thật bình thường! Thật giản dị!
Tôi thương các cụ cao niên vì họ tuổi già sức yếu, sống cô đơn buồn tủi. Họ sống trong một thế giới riêng biệt của họ, dù họ đang sống trong viện dưỡng lão hay đang sống trong gia đình với con cháu. Họ hoài niệm về những kỷ niệm của quá khứ đã qua. Họ lo lắng cho một ngày mai phải rời bỏ trần thế trong cô đơn tuyệt vọng. Tội nghiệp thay!
Cho nên tôi cố gắng đem lại cho những người bạn trẻ, bạn già của tôi những niềm vui nho nhỏ trong ngày trong phạm vi khả năng của tôi có thể làm được và đó cũng chính là niềm vui của tôi trong hiện tại.
Tôi rất thích viết về tuổi thơ và tuổi già vì Bạn và tôi đều đã trải qua tuổi thơ và sẽ sống với tuổi già. Tâm ý của người viết là mong đem lại một chút niềm vui, một chút nụ cười, một chút sự lạc quan yêu đời trong cuộc sống đến với mọi người nhất là đối với những vị cao niên.
Người viết may mắn có được nhiều bạn tốt. Họ luôn luôn chia sẻ với tôi những hình ảnh đẹp, những câu chuyện thiện lành, những lời khuyên hữu ích. Người viết cũng có những người bạn tin tưởng tôi để có thể chia sẻ tâm tình, thổ lộ những buồn phiền đau khổ mà họ đã phải chịu đựng vì “đồng bịnh tương lân” nên dễ dàng cảm thông hơn. Quý bà thích tâm sự với bạn bè hơn là quý ông nên nếu gặp được người chịu khó ngồi nghe họ tâm sự, họ vui lắm như là được trút đi một gánh nặng trong lòng.
Đời sống con người rất phức tạp và nhiều đau khổ. Nếu không thì người xưa đã không phải thốt lên:
“Chợt sinh ra thì đà khóc chóe
Đời có vui sao chẳng cười khì”
Và Đức Phật cũng đã dạy: Đời là bể Khổ và đã chỉ cho ta con đường thoát khổ với Tứ Diệu Đế. Chúng ta cũng đã cố gắng tu tập và thực hành lời dạy của Người để thoát khổ nhưng có mấy ai đã thoát được sự Khổ này?
Trong cuộc sống hiện tại, nhiều người trong xã hội chúng ta mất bị bịnh trầm cảm (Depression), nhất là người cao niên, đặc biệt vì dịch Covid 19 và mối hiểm họa chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra.
Bạn cũng thường nghe nhiều về hai chữ “Trầm Cảm” này và cũng muốn biết Trầm Cảm là gì? Người viết cũng thế. Tôi không phải là y sĩ nên tôi phải cố gắng đi tìm tài liệu về vấn đề này để ít ra cũng biết được vài điều căn bản hầu có thể giúp ích được gì cho người, cho mình.
Mời Bạn cùng đọc với người viết những tài liệu dưới đây được trích đăng trong mục Kiến Thức của diễn đàn tvvn.org. Người viết chỉ nêu ra những điều căn bản mà thôi vì tài liệu rất dài và có nhiều chi tiết chuyên môn.
Bệnh trầm cảm là gì?
Trầm cảm là một chứng bệnh ảnh hưởng đến cơ thể, tình cảm, ý nghĩ của người bệnh. Chứng trầm cảm ảnh hưởng đến bữa ăn, giấc ngủ, cách nghĩ, cái nhìn về bản thân và sự việc chung quanh. Chứng trầm cảm không phải là một nỗi buồn thoáng qua và cũng không phải là sự "yếu đuối" của tinh thần hay do "thiếu" bản lãnh mà người bệnh có thể tự luyện cho mình sự cứng cỏi và... hết bệnh! Người bị chứng trầm cảm không thể tự "điều khiển" mình hay tự "thay đổi" để khỏi bệnh. Không được chữa trị đúng mức, triệu chứng của trầm cảm có thể kéo dài nhiều tuần lễ, nhiều tháng và cả nhiều năm.
Triệu chứng: Người bị chứng trầm cảm có thể có vài hoặc nhiều triệu chứng, và mức độ trầm trọng của những triệu chứng thay đổi tùy theo hoàn cảnh thời gian và không gian:
- Buồn rầu (nhiều ngày), bất an (anxious), hoặc trống vắng (empty mood)
- Luôn có ý tưởng tuyệt vọng, yếm thế (cuộc sống không có gì vui)
- Luôn có ý tưởng "tội lỗi" (guilty), "bất xứng" (worthlessness), "chẳng có thể làm được gì" (helplessness)
- Mất hết sinh thú trong đời sống kể cả tình dục
- Mất khí lực, luôn cảm thấy mệt mỏi, mất sức
- Khó tập trung tư tưởng, khó quyết định công việc, trí nhớ kém
- Mất ngủ thường xuyên, thức giấc sớm (không thể ngủ trọn giấc) hoặc ngủ li bì
- Không muốn ăn uống, mất cảm giác đói, xuống cân hoặc ăn uống quá độ và lên cân
- Có ý tưởng tuyệt vọng, muốn tự tử
- Không thể nghỉ ngơi, dễ nóng giận
Làm thế nào để tự giúp khi ta bị trầm cảm?
Chứng trầm cảm khiến người bệnh cảm thấy mất hết sức lực, "không xứng đáng" (worthlessness), "không làm được việc gì" (helplessness), và tuyệt vọng. Những ý tưởng bi quan và yếm thế (negative thoughts) này khiến tinh thần họ suy sụp. Từ việc suy sụp về tinh thần đưa đến sự chán sống và tê liệt cả thể xác. Điều quan trọng cần nhớ là những tư tưởng bi quan yếm thế này có tính cách ngắn hạn, khi cách chữa trị công hiệu, các tư tưởng yếm thế bi quan này sẽ từ từ mất dấu.
- Bước 1: Tạo cho mình những mục đích có thể thực hiện được (realistic goals) và lãnh nhận trách nhiệm của mình
- Bước 2: Tìm một người tin cẩn để giải bày tâm sự, hỏi ý kiến; không nên trốn tránh thân nhân, xoay sở một mình hoặc giữ "bí mật"
- Bước 3: Làm những việc mà ta thấy thích thú
- Bước 4: Tập những động tác thể dục mà cơ thể kham nổi để giúp lấy lại khí lực
- Bước 5: Tham dự vào đời sống bên ngoài: đi xem cine (thay vì ngồi nhà xem DVD), đi chùa, đi nhà thờ...tham dự những hoạt động chung với một nhóm người
- Bước 6: Cần thực tế và chấp nhận rằng những ý nghĩ bi quan yếm thế chỉ giảm từ từ qua nhiều ngày tháng, không biến mất trong vài tuần lễ
- Bước 7: Không nên có những quyết định quan trọng (thay đổi công việc làm, kết hôn, ly dị...) trong khi đang buồn rầu phẫn chí, hãy chờ đến khi sức khỏe khả quan hơn. Hỏi ý kiến những người biết rõ mình trước khi bị chứng trầm cảm
- Bước 8: Không mấy ai "hết bịnh" trầm cảm qua đêm, họ chỉ cảm thấy dễ chịu hơn, mỗi ngày một chút.
- Bước 9: Sự lạc quan sẽ giúp ta lìa bỏ hoặc thay thế những ý tưởng bi quan buồn rầu của chứng trầm cảm, nhất là khi bệnh được chữa trị đúng mức .
- Bước 10: Hãy để thân nhân giúp đỡ ta.
(Nguồn: Trích trong tài liệu về Bệnh Trầm Cảm của Bác sĩ Trần Lý Lê trong tvvn.org- Xin cám ơn BS Trần Lý Lê)
Qua những điều trình bày ở trên thì tâm sự với bạn bè và thân nhân, sự lạc quan yêu đời, sự tham gia vào các công tác cộng đồng, chung vui với bè bạn sẽ giúp ta thoát hay bớt “bị” trầm cảm, phải không bạn? Bạn hãy vui lên nhé.
Mới quý bạn xem youtube vui vui dưới đây "Don't Worry Be Happy" đã được trên 19 triệu người xem, hy vọng Bạn sẽ hết trầm cảm ngay. Smile!
Youtube Don't Worry Be Happy
Playing For Change | Song Around The World
19,353,137 views
https://www.youtube.com/watch?v=uWXUWepSak4
Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.
Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam