KỶ NIỆM
Hôm rồi dọn dẹp lại những giấy tờ cũ, tôi tình cờ tìm lại được tấm thiệp mời do mình vẽ tay gần 40 năm trước khi còn ở trại tị nạn Galang. Kỷ niệm cũ tràn về, dòng thời gian như quay ngược lại. Hồi ấy chúng tôi sinh hoạt trong Đoàn Thanh Niên Công Giáo tại Galang, được Linh Mục Dominici hướng dẫn, hỗ trợ hết mình từ tinh thần tới vật chất. Khi ở trại, ngoài việc học ngoại ngữ chuẩn bị định cư ở nước thứ ba, chúng tôi rất thích làm việc thiện nguyện. Bọn tôi hô hào mọi người cùng làm vệ sinh trại, cùng nhau xây dựng phòng tắm công cộng, sửa đường đi trong các khu vực, làm công tác xã hội, thăm viếng người bệnh và người lớn tuổi neo đơn, học hỏi Kinh Thánh, chia sẻ Lời Chúa ....
Khoảng 1981-1982, Galang – 1 hòn đảo nhỏ thuộc Indonesia - có hơn 10 ngàn dân tị nạn, có báo Tự Do mỗi tháng ra báo một lần, có chợ búa, có chùa, có nhà thờ, có trung tâm sinh hoạt... đầy đủ như một quốc gia thu nhỏ. Hồi ấy còn trẻ, mộng ước đầy tràn, chúng tôi góp tay tổ chức những ngày Đại Hội cho Thanh Niên với các chủ đề như "Đoàn Kết", "Hy Vọng"... Cha Dominici cho khá nhiều tiền để mua bánh mì, thức ăn trong các ngày sinh hoạt. Mấy trăm người không phân biệt tôn giáo đã tham dự, có diễn giả thuyết trình, cùng nhau chia sẻ tâm sự, ước mơ, thi đua thể thao, văn nghệ... Vui lắm, kỷ niệm ấy chúng tôi còn nhớ mãi.
Hồi ấy chúng tôi cũng thực hiện "đặc san". Điều kiện ở trại Tị Nạn đâu cho phép, máy móc để in không có nên chúng tôi viết tay. Làm một cuốn thì không đủ để thanh niên Công Giáo chuyền tay nhau đọc, chúng tôi phải viết ra thành 4 bản để có 4 cuốn báo giống nhau. Viết mỗi bài 4 lần đã cực, mà phần vẽ trang trí còn cực hơn vì mỗi tựa đề, mỗi hình vẽ phải làm thành 4 bản. Tôi lãnh nhiệm vụ trang trí nên thật là mất thì giờ. Vẽ bản đầu thì hăng hái lắm, vẽ tới bản thứ tư phải giống hệt vậy thì bắt đầu chán. Ấy mà chúng tôi cũng làm được tới mấy đợt "báo". Bây giờ nghĩ lại mới thấy vui và ... phục cho sự kiên nhẫn của anh em trong nhóm. Ước gì xem lại được mấy cuốn báo viết tay ấy. Sau này khi cha Dominici tới Galang, báo Tự Do mới có được máy quay stancil. Cũng xin "thành thật khai báo" tôi và ông xã gặp nhau ở trại Tị Nạn, nẩy sinh mối "Tình Xù Galang"! Sau đó tôi đi Cali, anh Duy đi Toronto định cư, năm 1984 chúng tôi làm đám cưới ở Cali rồi tôi bỏ "đế quốc Mỹ" khăn gói sang Toronto sống tới bây giờ.
Những kỷ niệm ở trại Tị Nạn bây giờ nghĩ lại thấy thật là đẹp, thật đáng nhớ. Chắc ai cũng từng chắt chiu bao kỷ niệm, chuyện cũ. Nhớ thủa còn học sinh hồn nhiên tới trường, vui với lũ bạn nghịch ngợm, vâng lời thầy cô hết lòng. Lớn lên biết yêu thơ mến nhạc, biết mơ mộng và hẹn hò, biết bao kỷ niệm: Những tờ thư trao nhau, những con đường cũ đã từng đi qua, những sân ga, những quán ăn nho nhỏ, những cái thau, cái nồi dùng trong nhà... Sao mà nhớ quá, nhất là nhớ những lúc gia đình xum họp, anh chị em vui đùa, nhớ những ngày Tết được cho phong bao mừng tuổi, được làm bánh mứt, canh nồi bánh chưng...
Bài hát có tựa đề "Kỷ Niệm" của Phạm Duy chắc nhiều người còn nhớ:
Ϲho tôi lại ngàу nào
Ƭrăng lên bằng ngọn cɑu
Me tôi ngồi khâu áo bên câу đèn dầu hɑo
Ϲhɑ tôi ngồi xem báo...
Ƭrăng lên bằng ngọn cɑu
Me tôi ngồi khâu áo bên câу đèn dầu hɑo
Ϲhɑ tôi ngồi xem báo...
Biết bao nhiêu ký ức, dĩ vãng của đời người, giấy mực, thơ nhạc nhắc tới không xuể. Nhất là bây giờ bắt đầu lớn tuổi, tôi lại càng hay nhớ về quá khứ, tiếc chuyện ngày xưa. Tôi cũng thích giở lại những tấm hình cũ để xem lại, mỉm cười hồi tưởng lại quá khứ, lúc đó ai nói gì, tánh tình ra sao, mình đã khờ dại như thế nào...
Thật thế, người ta ai ai cũng có và trân trọng các kỷ niệm, nào là tặng nhau quà lưu niệm, chụp chung một tấm ảnh, tổ chức lễ nhớ về những sự kiện quan trong xảy ra trong đời người như sinh nhật, lễ cưới, giỗ, kỷ niệm ngày Quốc Khánh, ngày Đức Phật/Chúa sanh ra, tưởng niệm ngày Quốc Hận tháng Tư Đen, ngày Quốc Tế Nhân Quyền.... hoặc xây dựng các tượng đài kỷ niệm thật công phu. Thật cảm động khi lưu lại dấu tích cho chính mình và nhất là để lại được cho cả mai sau.
Gần đây tôi vừa liên lạc lại được với người bạn thân thời Trung Học sau 40 năm bặt tin tức. Bây giờ anh đã trở thành Linh Mục, trao đổi email với nhóm bạn cũ mà thật bồi hồi, chúng tôi thi nhau nhắc lại thủa làm học trò ấy. Kỷ niệm ngày cắp sách đến trường thật không thể quên. Hồi ấy đồng lứa xưng tên, thậm chí mày tao với nhau, bây giờ phải gọi bạn bằng cha xưng con!
Ngày nay khoa học kỹ thuật tân tiến, giới trẻ ít cơ hội tụ họp chơi đùa với nhau theo kiểu nhà quê thân mật với các trò chơi dân giả của Việt Nam mình ngày xưa. Bây giờ mạnh đứa nào nấy bấm game, text phôn... sống trong thế giới ảo, thậm chí chẳng bao giờ biết mặt nhau. Nếu theo đạo Chúa thì trước khi ăn mình làm dấu Thánh Giá cầu nguyện rồi mới ăn, đám trẻ bây giờ đa số không tin đạo nữa, trước khi ăn chúng hớn hở chụp hình đăng lên Facebook rồi vừa ăn vừa dán mắt vào cái phôn xem coi có ai bấm "like" chưa! Bữa cơm gia đình truyền thống, cùng nhau trò chuyện bị mai một khá nhiều. Chị bạn tôi ước gì chị là cái phôn, để luôn được chồng ve vuốt như vuốt màn hình, đi đâu cũng mang theo, mất thì lật đật đi kiếm, tối nào cũng lo hết pin, hăng hái cắm pin charge!
Vâng, sống với nhau, dành thì giờ cho nhau, tạo cho nhau những kỷ niệm đẹp, quả là chuyện nên làm. Trở lại tấm thiệp vẽ tay ngày ấy ngồi xem lại tôi không khỏi bồi hồi. Thiệp được in bằng "stancil" tức là loại giấy đặc biệt dùng ngòi bút sắt để viết hoặc vẽ lên thành khoảng trống, sau đó dùng mực đen bôi vào các khoảng trống đó để in ra nhiều bản. Stancil này nếu lỡ tay viết sai, vẽ sai thì không gôm tẩy được. Hồi ấy tôi cố ý chắt chiu viết hai chữ "Đoàn Kết" dính với nhau không có khoảng trống ở giữa, hai chữ tuy hai mà một - ý nói không chia rẽ, không cách biệt. Tấm hình vẽ kiểu lập thể gồm những khuôn mặt và bàn tay nắm lấy nhau, những hoa lá tươi nở dưới ánh mặt trời. Tôi đã ráng thể hiện tâm tình tha thiết, ước mơ tràn trề vào một tương lai làm được điều gì cho quê hương, thoát kiếp sống lưu vong bằng những nét vẽ vụng dại, đơn sơ. Tiếc thay với kinh nghiệm và thời gian, đặc biệt trong sinh hoạt cộng đồng Việt Nam hiện nay hai chữ "đoàn kết" thật khó thực hiện, nhiều chuyện thật đau lòng đáng thất vọng. 45 năm rồi vẫn ở đậu trên xứ người, dù vật chất no đủ nhưng nỗi buồn mất nước vẫn luôn canh cánh trong lòng, nhiều đêm trong giấc mơ ngày tháng cũ ở quê nhà vẫn hiện về rõ mồn một.
"Cho đi lại từ đầu, chưa đi vội về sau" (câu kết của bài hát Kỷ Niệm): Mời bạn cùng hát với tôi và xin chúc mọi người luôn giữ được nhiều kỷ niệm đẹp, sống tốt sống vui, gắn bó yêu thương thật nhiều để tạo ra thật nhiều kỷ niệm cho nhau...
Nguyễn Ngọc Duy Hân