Tôi bị mất tự do, nhưng tôi không phải là người cô đơn. Những chấn song sắt kia, cái căn phòng giam hôi hám này, những bữa ăn nghèo nàn thiếu thốn trăm thứ... không đè ép nổi tôi. Những người bạn tù sống khốn khổ gấp trăm lần tôi, dạy tôi bài học kiên nhẫn. Và trái tim tôi luôn luôn ấm áp vì bạn tù và vì hình ảnh Quỳnh lúc nào cũng nồng nàn trong trí nhớ tôi.
Quỳnh không phải chỉ là cái phao của đời tôi. Quỳnh còn là cái mẫu ánh sáng duy nhất trong đêm tối của hồn phách tôi. Tôi ngã xuống đời Quỳnh. Cái lạnh lẽo của tôi tan trong khí hậu nhiệt đới của Quỳnh.
Chính là nhờ Quỳnh, tôi khám phá ra tôi, nhận ra sự yếu đuối và cả sức mạnh của mình... Nhưng mà bây giờ đây, nằm trong căn phòng của ông bà Ngô, tôi có cái cảm giác của một người bị té sông, tay chân quờ quạng, đập đạp lia lịa vào một thứ chất lỏng không có chi bám víu. Và nước cứ tha hồ chui vào mắt, vào mũi, vào miệng tôi, đẩy tôi xuống, xuống mãi. Tôi đã mất tấm ván, cái phao để bám lấy. Cũng không còn cái ánh sáng trong đêm để tôi trông theo mà sống, mà đi. Tôi run rẩy. Tôi lo sợ hãi hùng. Cái cảm giác lạnh lẽo chạy lan khắp cơ thể tôi, kéo tôi ra khỏi trạng thái mê man thần trí. Và tôi nghe tiếng tôi hét to. Tôi không rõ là mình la cái gì.
Cửa phòng mở. Ông bà Ngô chạy vào. Ánh sáng của ngọn đèn bỗng vụt chói mắt.
“Cậu Thăng! Cậu Thăng!”
Bà Ngô ngồi xuống mép giường nắm tay tôi.
Ông Ngô đứng ngay giữa cửa.
“Cậu làm sao vậy?”
“Thưa bác, không có gì!” Tôi để yên tay tôi trong tay bà Ngô.
“Cậu thấy trong người ra sao? Có đỡ không?”
“Thưa bác, tôi khỏe. Tôi muốn hỏi thăm bác, nhà tôi...”
“Cô Quỳnh, tôi biết. Mà cậu đã khỏe chưa?”
Bà Ngô đặt tay lên trán tôi.
Bàn tay bà ấm. Dưới gọng kính lão, đôi mắt bà hiền từ.
“Anh Tư, anh lấy dùm em lá thơ của cô Quỳnh.”
Bà nói với ông Ngô giọng ngọt ngào như hai người trẻ tuổi yêu nhau.
“Cô Quỳnh có để lại cho cậu một cái thơ, nói chừng nào cậu về đưa dùm. Cổ đưa nhưng mà cổ nói thêm
không chắc gì cậu trở lại đâu. Cổ nói cậu đã tới đảo gì gì ở Mã Lai rồi. Suốt mấy tuần nay, cổ ẵm con sang đây khóc lóc, nói với tôi là cậu tệ bạc quá, sao ra đi mà không nói với mẹ con cổ một lời...”
Những điều bà Ngô nói làm tôi sửng sốt. Tin đồn ở đâu mà kỳ quái. Nhị Hà, Sáu Phận, rồi Mười Tân... ai cũng hé cho tôi biết là đã gặp Quỳnh, đã cho cô biết rằng tôi đang ngồi tù. Ai cũng cho tôi cái cảm tưởng là tôi được Quỳnh đứng ra chạy chọt lo lắng. Vậy nghĩa là sao?
“Cô Quỳnh nói cậu đã bỏ hai mẹ con cổ. Ở tù Rạch Giá có một tuần là cậu được thả rồi, cậu ra bến xe tình cờ gặp một cô gì ở Sài Gòn xuống, hai người quen nhau từ hồi nào, bây giờ gặp nhau, cô ta rủ cậu, cho cậu một chỗ trên ghe, rồi đi luôn.”
“Trời ơi!”
Tôi xoay người lại, bước xuống giường. Tôi thọc tay vào túi quần. Tôi đi qua đi lại. Tôi nhìn bà Ngô, rồi nhìn xuống bàn chân không giày dép của tôi. Tôi gãi tóc, gãi đầu. Tôi cắn ngón tay trỏ. Tôi đan hai bàn tay vào nhau. Tôi vòng tay trước ngực. Tôi nghe lạnh run, lạnh từ trong xương tủy lạnh ra.
“Trời ơi! Sao đến cớ sự này?”
“Mà bác Tư ơi, mẹ con nó đi đâu?”
“Cổ nói cổ cũng vượt biên, cổ đi tìm cậu, cổ hỏi cho ra lẽ, tại sao cậu đi mà không nói với mẹ con cổ một tiếng. Cổ nói cổ tin cậu, nhưn cổ không ngờ...”
“Mà hai mẹ con Quỳnh đi hồi nào Bác Tư?”
“Mới hồi sáng này chớ mấy! Đi ngõ Phan Thiết. Cổ đã đình lại ba lần rồi. Lần này cổ đi thiệt. Cổ nói chắc là cậu cũng đã đi thiệt rồi, nếu cậu chưa đi thì hoặc là cậu còn ở tù, hoặc là cậu phải về nhà. Mà tù thì nói không có tên cậu. Vậy chắc là cậu đã đi.”
“Bác Tư à, bác có thể nào cho tôi mượn đỡ ít tiền.”
“Chi vậy? Bộ tính đi Phan Thiết tìm mẹ con nó hả?”
“Dạ phải. Tôi muốn đi tìm mẹ con nó. Tôi lo quá!”
“Mỹ Trân!”
Ông Ngô gọi bà Tư.
“Cái thơ của cô Quỳnh em để đâu anh tìm không ra.”
“Ở dưới tượng Phật Bà chớ đâu. Mà thôi, anh để em lấy cho.”
Bà Ngô đứng dậy trở ra phòng khách.
Tôi phải làm sao bây giờ. Một đồng xu dính túi tôi cũng không có. Tôi cho tay vào hai túi quần trống rỗng. Tôi tìm túi áo. Tờ giấy mỏng dính xếp làm sáu. Tôi nhớ ra rồi. Mình còn có cái lệnh tạm tha. Tôi ngồi dậy, lấy tờ giấy ra, mở rộng, trải xuống mặt giường. Giấy tạm tha có ghi rõ ngày tháng, và nhà tù nào giam giữ tôi. Không biết bây giờ là mấy giờ.
Tôi chợt thấy hình như căn nhà ông bà Ngô trống vắng, tịch liêu. Tôi nhận ra hai em Đạt và Vỹ không có ở nhà. Những gia đình ở Sài Gòn trong mấy năm nay “đầy vơi vơi đầy” là lẽ thường. Một buổi sáng tinh mơ dắt díu nhau đi. Một buổi tối chập choạng dắt nhau trở về. Đôi khi gia đình chia làm hai. Chồng và con lớn đi trước, vợ và con nhỏ ở lại chờ chuyến sau. Chồng con chẳng may không đi trót bị giam, vợ ở nhà thăm nuôi, chạy chọt, lo cho chồng con ra. Rồi mót máy, vay mượn, giật gấu vá vai, lại làm một chuyến hải trình khác. Cái nhà tù nằm ở trước mặt, mặt biển, sóng gió, vực sâu nằm ở sân sau nhà tù. Đến bến bờ tự do hay là chết, mọi người không nói ra lời đều thấy đó là châm ngôn của mình. Có lẽ Đạt và Vỹ đã đi. Hay là hai em đã đi cùng với mẹ con Quỳnh?
“Thơ của cổ đây, cậu Thăng!”
Bà Ngô bước vào phòng đưa lá thơ còn trong phong bì cho tôi.
Ông Ngô đứng ở cửa:
“Cậu Thăng ăn chút gì nghen! Nhà tôi nấu cháo rồi!”
“Thưa Bác Tư!” Tôi ngập ngừng, “hai em đi chơi đâu mà giờ này chưa thấy về?”
“Hai đứa nó đi được rồi! Cả một tháng trời nay hai vợ chồng tôi ăn chay nằm đất cầu Trời khấn Phật...cháy ruột cháy gan, cậu Thăng ơi!”
“Hai em đã đi hơn một tháng rồi?”
“Phải, hơn một tháng nay. Gia đình của một người cùng đi chuyến với hai em đã nhận thơ, mà sao hai đứa nó vẫn chưa biên cho tụi tui chữ nào!”
Bà Ngô nói giọng lo lắng như sắp khóc.
Tôi cầm lá thơ của Quỳnh. Nét chữ tròn trĩnh mềm mại quen thuộc. Những chữ T, L, a và g rất đặc biệt của Quỳnh không giống chữ của bất cứ người nào. Tôi không mở vội thư. Tôi nhắc lại câu hỏi với bà Ngô:
“Bác Tư à, có thể nào bác cho tôi mượn đỡ ít tiền?”
“Bộ cậu tính đi Phan Thiết thiệt hả?”
“Dạ!...”
“Mà sao không đọc thơ đi, coi cổ nói cái gì ở trỏng!”
“Dạ!...”
“Chìa khóa nhà cậu tôi còn giữ đây. Cổ dặn tôi chừng nào công an khu vực có hỏi cứ nói cổ ẵm con đi thăm cậu làm việc ở dưới Minh Hải. Đừng cho chị tổ trưởng ở đầu hẻm biết. Chừng nào cổ đi trót lọt biên thơ về thì khai báo cũng không muộn...”
“Dạ!...”
Bà Ngô có vẻ bỡ ngỡ khi thấy tôi không nói gì hơn chữ “dạ!”, ngó tôi chăm chăm. Sau cùng bà đứng dậy đến bên tủ thuốc lấy chiếc chìa khóa to bản móc trên cây đinh gần đó.
“Cậu muốn về nhà thì về. Muốn đi đâu cũng được. Nhưng phải ăn một chút cháo cho ấm bụng.”
“Dạ! Chắc tôi xin phép bác Tư về bển...”
“Thì cũng phải bỏ chút gì trong bụng chớ!”
Bây giờ tôi mới nghe gan ruột cồn cào. Đói thật. Bà Ngô đứng dậy đi xuống bếp. Đúng vào lúc đó đèn trong nhà tắt phụt.
“Anh Tư ơi!”, bà Ngô kêu chồng, “In hình hôm qua nhà đèn cúp rồi mà phải không anh?”
“Phải. Nhưng bữa nay là thứ Ba mà! Đâu, anh tìm giùm em cái hộp quẹt coi!”
“Có liền! Có liền! Mà em đừng đi, cứ đứng đó anh đem xuống cho. Có lẽ bữa nay nó cúp đột xuất.”
Tôi nghe tiếng bật diêm quẹt, tiếng dép khua lết trên sàn nhà. Thoáng qua cánh cửa phòng tôi đang ngồi một ánh lửa lập lòe chực tắt trên tay ông Ngô. Mà lửa tắt thật. Tôi nghe tiếng ông Ngô càu nhàu. Lại quẹt thêm một lần nữa. Rồi một lần nữa.
“Hộp quẹt hồi này nó làm bằng đất sét chắc. Mười cây xài không tới một cây, mà phải mua chợ đen nữa chớ!”
Ông Ngô càu nhàu.
“Anh đưa cái hộp quẹt cho em. Sao anh nóng quá vậy!”
Tôi cầm chặt lá thơ của Quỳnh trong tay. Tôi muốn đọc ngay, nhưng tôi chỉ muốn đọc khi quanh mình không có ai. Tôi nhét lá thơ dày cộm vào túi áo. Tôi bước theo ông Ngô xuống nhà bếp.
Tô cháo bà Ngô giúp tôi tỉnh táo hẳn.
Tôi nuốt vội nuốt vàng.
Bà Ngô kín đáo đặt trên bàn một bao thư khác. Bà nói:
“Nếu cậu cần đi Phan Thiết tìm cô Quỳnh thì phải đi chuyến xe sớm nhất. Sợ không kịp.”
Tôi quyết định trở về căn nhà của chúng tôi, đốt nến đọc lá thư của Quỳnh chờ sáng.
Tôi nhất định phải đi tìm mẹ con Quỳnh.
(Còn tiếp)