DUNG KRALL:
NHÂN VẬT CHÍNH CỦA BI KỊCH MỘT GIA ĐÌNH GiẰNG XÉ VỀ Ý THỨC HỆ
Ngày 23/3/2023 bà Dung Krall thường được người Mỹ biết đến với tên Yung Krall, tác giả cuốn “Ngàn giọt lệ rơi” ( A Thousand Tears Falling) đã từ trần.
Nhiều năm trước đây tôi nghe nói đến tác phẩm đó của bà bản tiếng Anh nhưng với khả năng Anh ngữ hạn chế của tôi, tôi đành chờ bản tiếng Việt được phổ biến mới có dịp đọc cuốn truyện tự sự này của bà.
Thật ra trong cuộc chiến Quốc Cộng 1954-1975, hoàn cảnh gia đình có người thân ở hai bên chiến tuyến như gia đình bà thì rất nhiều. Như gia đình cô tôi, người con cả là một sĩ quan truyền tin của quân lực Việt Nam Cộng Hoà trong khi người con kế lại đi theo Việt cộng. Nhưng kết cục thật bi thảm: người con thứ đón xe đò thâu thuế bị lính biệt kích bắn chết trước 1975; còn sau ngày miền Nam thất thủ thì người con cả bị đi tù cải tạo và đã mất tích khi trốn trại. Cô tôi không hề nhìn thấy xác của cả hai người con.
Tuy nhiên, trong trường hợp gia đình bà Dung Krall thì sự giằng xé giữa những thành viên trong gia đình đó kéo dài suốt trong cuộc chiến và nhiều năm nữa sau khi cuộc chiến kết thúc. Ngoài ra, trái với thái độ thụ động của những người trong một gia đình có hoàn cảnh tương tự, nhân vật chính (tác giả) trong truyện đã (bắt buộc hay tự ý?) hợp tác với CIA và FBI Mỹ phá vỡ một âm mưu gián điệp của Cộng sản tại Mỹ.
Câu chuyện bắt đầu bằng quang cảnh của một vùng “giải phóng” ở miền tây Nam Việt. Một ông thầy giáo với lòng yêu nước, bản chất thật thà và tâm hồn lãng mạn đã đi theo kháng chiến với ước mong giải phóng quê hương khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Tôi biết trong hàng ngũ giáo chức miền Nam ngày xưa có rất nhiều người như ông thầy giáo Đặng Quang Minh, cha của Đặng Mỹ Dung (Dung Krall), đã bỏ bảng đen, phấn trắng dấn thân vào cuộc chiến chống Pháp này. Nhưng sau hiệp định Genève, với sự thành lập chế độ cộng hoà ở miền Nam và qua sự lộ mặt của cộng sản ở miền Bắc, rất nhiều người đã chọn ở lại với chế độ tự do miền Nam. Ông Minh thì không như vậy, ông vẫn tin vào chính nghĩa của cuộc chiến đấu dù lúc đó kẻ thù không còn ià thực dân Pháp mà là “đế quốc” Mỹ. Tiếc rằng ông đã mất quá sớm (1986) để thấy mặt thật của chế độ mà ông tôn thờ suốt cuộc đời ông.
Dù cố gắng thuyết phục những người trong gia đình theo ông đi tập kết ra Bắc sau hiệp định Genève 1954, nhưng ông chỉ mang theo được người con trai trưởng với ông và một vài người em vợ. Cha vợ của ông thuộc thành phần khá giả, từng giữ chức xã trưởng biết rõ bản chất cộng sản lợi dụng đám nông dân ít học để mưu đồ nhuộm đỏ cả nước nên không tán thành con đường chánh trị của con rể.
Những tưởng hai năm sau, chồng vợ, cha con sẽ đoàn tụ đâu ngờ cuộc chia ly kéo dài hai mươi mốt năm. Mỗi bên ở một miền đất nước. Hai cha con ông Minh ở miền Bắc, cha cúc cung tận tuỵ cho chế độ cộng sản còn người con trai lớn chán ngán cái xã hội bất công đó. Những người ở miền Nam thăng trầm theo vận mệnh của chế độ cộng hoà non trẻ vừa xây dựng đất nước, vừa chống đỡ quân xâm nhập miền Bắc và đám cộng sản miền Nam mai phục sau ngày tập kết, lại chịu áp lực của đồng minh giả trá sẵn sàng hy sinh chiến hữu cho quyền lợi của mình.
Cuối cùng ngày 30/4/75 đã đến chấm dứt cuộc sống tự do, no ấm của người dân miền Nam. Cả nước quy về một mối: mối trầm luân của cả một dân tộc dưới sự cai trị của đảng cộng sản.
Ông Đặng Quang Minh bằng lòng với thành quả của mấy mươi năm tranh đấu và được đảng trả công bằng chức đại sứ tại Liên Xô. Còn ba cô con gái của ông trước 1975 đã rời bỏ Cần Thơ, làm việc với người Mỹ và cả ba đều có chồng Mỹ. Họ theo chồng về Mỹ trước khi miền Nam sụp đổ.
Ngoài người em trai của bà Dung gia nhập không quân VNCH và tử nạn khi đang học huấn luyện lái máy bay ở Mỹ, trong những giờ phút hấp hối của miền Nam có ba người trong gia đình bà còn kẹt lại ở Sài Gòn: mẹ bà và hai đứa em gái.
Bà Dung nhờ chồng, một sĩ quan phi công của hải quân Mỹ, bay về Sài Gòn để tìm cách đưa mẹ và hai em di tản khỏi Việt Nam qua sự giúp đỡ của CIA sau khi cho cơ quan tình báo này biết bà là con của đại sứ MTGP tại Mạc Tư Khoa và sẵn sàng hợp tác với CIA để đổi lấy sự giúp đỡ của họ.
Cuộc gặp gỡ của hai cha con tại Tokyo nhân dịp ông Minh cầm đầu phái đoàn MTGP dự hội nghị quốc tế chống bom nguyên tử cho thấy lập trường đối nghịch của hai cha con: cha theo CS và con chống CS.
Dù rất thương cha, nhưng để bảo vệ quê hương thứ hai của mình bà lợi dụng thân phận con một cán bộ CS cao cấp, giả làm gián điệp cho CS để len lõi vào một tổ chức của nhóm “Việt Kiều yêu nước” trong đó một trong những người cầm đầu là Trương Đình Hùng, con trai của luật sư thân cộng Trương Đình Dzu và phá vở âm mưu đánh cắp tài liệu mật của bộ ngoại giao Hoa kỳ. Viên đại sứ cộng sản tại Liên Hiệp Quốc là Đinh Bá Thi liên hệ tới vụ gián điệp này bị Mỹ trục xuất về VN và sau đó mất trong một “tai nạn lưu thông”.
Cuối cùng, ông Minh là một người cô độc đi tiếp con đường lựa chọn sai lầm của mình đến cuối đời trong khi vợ và sáu người con còn lại đi theo con đường khác. Mọi người trong gia đình đều thương ông nhưng không chấp nhận việc ông phục vụ cho chế độ CS.
Ngàn giot lệ rơi của Dung Krall không chỉ khóc cho đất nước Việt Nam mà còn khóc cho một người cha đã đi lầm đường.
(Viết nhân sự ra đi của tác giả Dung Krall và mùa Quốc Hận 2023.)
Huỳnh Công Ân