Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Bùi Tuyết Mai - CHIM VỊT KÊU CHIỀU

24 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 36445)
Bùi Tuyết Mai - CHIM VỊT KÊU CHIỀU

Chim Vịt Kêu Chiều

 

 bachau-large-content

“Gió thúc cội thung nhánh tùng khua rúc rắc

Nhớ cha mẹ già ruột thắt gan teo”

 

 Những cơn gió se sắt vào đông đã chớm. Có chòm sao thắp sớm lên màn chiều chưa kịp lui bước, đêm viễn xứ buồn những vì sao như xuống thấp, chắc có lẽ vì mùa đã vào đông nên ngó sao sáng mà như vẫn rưng rức nỗi niềm.

 Khi những tờ lịch trên tường mỏng dần đi, cảnh gia đình sum vầy tròn vẹn, cảnh những phiên chợ tết đông vui lại dày lên trong ký ức, cho tôi lại thèm trở về để được tận mắt nhìn những lề đường quê nhà trở thành chợ rộn rịp, tất tả giữa người mua kẻ bán, tận mắt nhìn giòng sông cũ vẫn trôi chảy dịu dàng nhưng hôm nay như man mác hương thơm, chắc là nhờ những ghe hoa rập rờn thắm sắc dưới dãy nắng ban mai rưới rãi làm lấp lánh cả một khúc sông, lắng nghe tiếng ghe máy bình bịch chở đủ thứ hàng từ nhà vườn bên kia sông mang sang chợ bên này sông để bán tết, tận mắt thấy những người khuân vác (có cả phụ nữ) từng giỏ hàng xé củ kiệu, trái cây, bông hoa đủ loại từ ghe lên bờ, những con người ngó phiêu dạt bơ phờ vì áo cơm, nhưng vẫn ơi ới kêu gọi nói cười với nhau thiệt là vui vẻ. 

 Tôi thèm tận mắt nhìn thấy ánh lửa than hồng lao chao hắt lên vách, tiếng nổ lách tách từ bếp lò tỏa ấm trong chiều cuối năm bốc lên những ngọn khói trắng nối đuôi nhau uốn éo lượn lờ năm bảy lượt rồi mới chịu tan ra trong gian bếp nhỏ ngày xưa có một góc tường ám đầy muội khói, có bóng dáng má tôi neo mình cặm cụi tháng ngày, bếp của má ngày xưa nhỏ nhoi bình dị nhưng đầy lửa sống từ má chụm lên. Từ lưu lạc, lớp lớp thời gian khuất mờ tuổi nhỏ tâm tưởng đã xa xôi mất hút nhiều thứ, vậy mà lạ thay, cái mùi bếp núc của má tôi vẫn không quên, cái mùi hương của tình mẫu tử, cái mùi của sự quán xuyến đảm đang, mùi hương làm thấm ướt vạt áo nhọc nhằn, thấm ướt gấu quần má tôi xắn cao xắn thấp, cái mùi hương thơm tho thèm nhớ tôi biết rồi sẽ mang theo khắp nẽo đời mình... thèm được ngước mắt trẻ thơ dưới bầu trời đêm 30 tết, má tôi sụp mình cúi lạy Đất Trời cầu sự an khang, thèm cái nôn nao ôm gối ngủ chập chờn lơ mơ nghe từng tiếng bước lao xao của những người sau cúng giao thừa đi hái lộc... Trời, thèm muốn rớt nước mắt nghe tiếng gà gáy sớm trong ngày đầu năm ở quê nhà...

 Không có gì là bâng quơ hết! Khi những món ăn, những hoa trái trong chợ bên đây bắt đầu bày ra bán tết, những bài hát xuân xưa cũ nghe bao nhiêu bận rồi mà vẫn thổn thức sao đâu, lời đọc quảng cáo lập đi lập lại trên truyền hình, trên radio để đừng ai có thể quên khu vui chơi phục vụ tết ở nơi nào, bao giờ... thiệt mà, không có gì là bâng quơ hết kể từ lúc rời xa, mọi thứ quanh tôi có thể biến thành cảm xúc bất cứ lúc nào ... và lôi tôi đi!

 Cái tết sum vầy đích thực chỉ còn trong tâm tưởng!

 Tôi nhận ra với sự trải nghiệm của tuổi tác, của thời gian, của xa cách của bao biến đổi thăng trầm đã làm tôi đôi khi da diết thèm người, thèm được nói chuyện, thèm được chia sẻ nỗi cô đơn, và lại quẩn quanh với bao ký ức trở về tạt ngang trang viết, tôi lại ngược về quê nhà theo cách của tôi, bằng mường tượng…

 Và có phải là tôi đó không sáng ngày mồng 1 vòng tay cúi đầu lí nhí trong miệng chúc tết ba má, anh chị rồi cứ làm bộ lấp ló lãng lờ quanh quanh gian nhà trước, lòng thầm mong cái ngoắc tay kêu ra để được tiền lì xì của mấy người khách đến nhà chúc tết đầu năm, tối đến tụm nhau hết lắc bầu cua cá cọp lại chơi dích hình, chơi đổ cá ngựa, chán rồi rủ nhau chơi "chi chi chành chành", chơi oản tù tì cải nhau chí chóe quên mất lời ba má dặn gia đình luôn phải hòa thuận vui vẻ hôm nay...

 Sáng mồng 2 được nhà dắt đi lên chùa lạy Phật, xong rồi ghé thăm bà con họ hàng, chiều về được đi chơi hội chợ, nhớ lại mắc cười, thấy mình nhỏ xíu còn ráng cúi mình thấp tè để chơi thả vòng vịt, mà lỗ tai con nít vẫn ráng dõng nghe bài hát lô tô quen thuộc rồi trong đầu lẫm bẫm hát theo "... con số gì đây con số gì đây, mà cờ ra con mấy, con mấy gì đây ...", thấy mình mỏi hết chân rồi mà vẫn tiếc ráng đòi đi lòng vòng ghé đủ gian hàng ngó chơi, rồi mới chịu về nhà với bên tay này là cây kẹo bông gòn ngọt tan trong miệng, tay kia là cây mía ghim, mía được chặt nhỏ đều đặn rồi ghim vào một cây đủa tre chẻ nhỏ thành nhiều ngọn bẻ bung ở đầu, nhìn đẹp lắm, nó giống cái cây mà nở ra bông mía...

 Sáng mồng 3 là nhân dáng của má đứng chắp tay vái lạy ông bà, trên bàn ngon ơi là ngon với gà luộc vàng ươm, heo quay da giòn đỏ lựng, bánh hỏi trắng phau phết mở hành xanh ướt rượt, rồi bánh bò bánh ít bánh ú... không cần biết má cầu xin điều gì với tổ tiên, chỉ nhớ mình nuốt nước miếng chạy ra chạy vô, níu áo má hỏi hoài : - "nhang tàn con mới được ăn hả má?" (giờ làm má rồi tôi mới biết, không phải chỉ dành lời cầu xin khi có dịp, mà là mỗi ngày mỗi giờ đều cầu mong sao cho gia đình con cái của mình được may mắn bình yên) ba tôi nằm trên ghế bố kê gần gần bàn thờ ông nội, mở radio nghe mấy bài hát hò vui tết, thấy tôi lát lát đi ra đi vô ngó hoài mấy cây nhang cắm trong lư hương, con nít chờ hoài hổng thấu, tôi ghé xuống ngồi với ba : -"sao nhang nhà mình lâu tàn quá vậy ba?" (nhớ không, cây nhang hồi đó người ta làm dài bằng cả hai gang tay chứ bộ) ba tội nghiệp nói với ra : -"có cái bánh ít bánh ú nào cho con nó cái đi bà!"

 "Mồ hôi cha đăm đăm nhỏ giọt

 Con níu giọt mồ hôi đứng dậy làm người"

... Mấy con chữ trước mặt mờ nhòe đâu mất khi tôi mường tượng tới đây, tôi nghẹn ngào đau thắt ngực, nước mắt thương ba day dứt chảy dài, chỉ thảnh thơi chút chờ ăn bữa cơm đón ông bà, ba tôi rồi lại bước ra tất bật với đời dù hơi hướm tết vẫn còn đầy trên khắp các ngã đường, ba ơi, thương biết là bao nhiêu ba vất vả sớm chiều... 

 Có thể bạn thấy tôi lẩn thẩn, tôi cũ kỹ, tôi quẩn quanh hoài trong những không gian hoàn cảnh quen thuộc có ba có má có đoàn tụ gia đình... Vì tôi không dám, bạn ơi tôi không dám mường tượng nữa theo thời gian, tôi sợ sự mường tượng trở về sẽ hất ngã tôi và trừng mắt hỏi chính mình: - "mày trả lời đi, vì đâu nên nỗi, hả mày?" Ràn rụa nước mắt mà tôi có trả lời được đâu, thì suốt một kiếp người này làm sao tôi có thể trả nổi tôi nợ ba tôi một vành khăn tang trắng? làm sao tôi có thể trả nổi tôi nợ má tôi một cái ngó mặt sau cùng? Dằn vặt đau quặn lòng cứ phải chi... phải chi... Mường tượng trong tôi lên tiếng : -"lỗi đạo là lỗi đạo, không có lý lẽ gì để giải thích biện minh!" 

 Và ẩn sau cái chùng chình níu kéo hạnh phúc ngày xưa kia là nỗi ân hận cũng lớn ngang bằng niềm tiếc nhớ cái không gian ấm áp sum vầy mà suốt cuộc đời này tôi không bao giờ còn có nữa, và chính tôi cũng nghĩ nó quá giản đơn không có giá trị gì với ai cả, nhưng có một điều gì đó xui tôi viết lên, vì ít nhất với tôi nó cũng có giá trị trải lòng giúp xoa dịu nỗi đau như muối xát kim châm, tôi viết để tự sưởi ấm tâm hồn mình, hồi ức hoài niệm là nơi chốn êm ái nhất cho tôi trở về nương náu sau những cơn va đập cuộc đời. Sao ký ức vô thanh mà lay động tôi lạ lùng ...

 Và nếu như có làm bạn nhàm chán, xin đừng phiền hãy lượng thứ cho tôi. Cô đơn và ước mơ là bệnh của con người, ai mà không một lần trải nghiệm nó? 


***

 

"Tôi không khóc khi trên ngực tôi cài hoa trắng
Vì trong hoa kia tôi thấy mẹ tôi cười..."

 Hôm nay là ngày giỗ má, lủi thủi quét dọn bàn thờ mân mê chùi lau lại hình của ba má, không có mâm cao cỗ đầy, bày biện trên đó chỉ có hai chén cơm, hai đôi đũa gác hờ lên dĩa cá kho thơm, tô canh chua thêm dĩa tép rang với thịt ba rọi và dĩa trái cây nhỏ cùng bình Huệ trắng dịu hương, những món mà lúc còn sống ba má thích ăn... Sóng mũi cay sè, nước mắt lại làm lòe nhòe hết mọi thứ khi đốt nhang cắm vào lư hương rồi giống như hồi con còn nhỏ, con cũng chỉ dám lí nhí trong miệng nói lời tạ lỗi rồi mời ba má về với con. Ba má ơi cũng giống như hồi xưa vậy, con cũng ra vô ngó hoài nén nhang đang cháy nhưng khác xưa là lòng chỉ mong cho nhang con thắp đừng mau tàn, con muốn hơi khói hương sẽ làm ấm áp thêm chút nữa cho ba má của con... đông đã vào mùa rồi nên bên này trời lạnh lắm... Bất chợt bật lên trong đầu bài thơ lâu lắm rồi con tình cờ đọc được đâu đó hồi còn ở quê nhà, lúc đó lòng con nao nao xúc động, nhưng giờ mới thiệt làm con nghẹn đắng nỗi tủi thân, con vẫn đang thì thầm mà lòng tự hỏi, ba má có nghe con không?

 

Bần thần hương huệ thơm đêm

Khói nhang vẻ nẻo đường lên niết bàn

Chân nhang lấm láp tro tàn

Xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào.

Mẹ ta không có yếm đào

Nón mê thay nón quai thao đội đầu

Rối ren tay bí tay bầu

Váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa.

Cái cò... sung chát... đào chua...

Câu ca mẹ hát gió đưa về trời

Ta đi trọn kiếp con người

Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru.

Bao giờ cho tới mùa thu

Trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm

Bao giờ cho tới tháng năm

Mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao.

Ngân hà chảy ngược lên cao

Quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm ...

Bờ ao đom đóm chập chờn

Trong leo lẻo những vui buồn xa xôi.

Mẹ ru cái lẽ ở đời

Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn

Bà ru mẹ... Mẹ ru con

Liệu mai sau các con còn nhớ chăng.

Nhìn về quê mẹ xa xăm

Lòng ta - chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương ...

 

***

 

Đường phố ngoài kia đã bắt đầu cuộn mình yên ngủ... Có tiếng nước vỗ nhè nhẹ đâu đây... Tôi thức. Sông thức... rõ ràng tôi nghe thấy tiếng nước vỗ ì oạp, ì oạp vào thành ký ức, lạnh buốt... sông rất gần... nghe rất gần... xuôi tràn mênh mang...

 Những vạt gió đêm đầu đông sao gợn buồn hiu hắt, dù biết rằng lấp ló đâu đó Xuân đang ướm những bước chân vào mùa. Đêm nay tôi biết mình sẽ ngủ trong nỗi xốn xang, chợt dưng nghe tiếng thở dài bâng quơ trong tiếng gió lùa lao xao trên đám lá khô vỡ giòn ngoài vườn, nghe giống bước chân ai...

 Ngoài kia gió bấc lướt từng chập, đuổi trụi đám lá vàng còn cố níu mình trên cây lao chao rơi xuống, làm chú chim nhỏ trở về đậu trên tán lá quen thuộc ngơ ngác, sao đêm nay chỉ còn trơ lại cành?

 

“Chiều chiều chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau”

 

Bùi Tuyết Mai

chim_vit_keu_chieu-large-content

 

30 Tháng Tư 2024(Xem: 377)
Những ngày trống vắng ở trại tỵ nạn Mã lai chờ đi định cư, tôi suy nghĩ nhiều về nửa thế kỷ trầm luân của đất nước, và nhận ra một điều đơn giản rằng: trong xã hội Việt Nam người đàn bà mới chính là ...
30 Tháng Tư 2024(Xem: 218)
Đó là món nợ vật chất, còn cái nợ tình thân, Đức dìu tôi vào bờ biển Thái năm nào, và những kỷ niệm chia ngọt sẻ bùi của nhóm tàu 41 người, làm sao trả cho hết!
28 Tháng Tư 2024(Xem: 364)
Được tham dự buổi họp mặt cuối tuần thật vui và ý nghĩa, tôi xin cảm ơn các anh chị em trong ban tổ chức (Anh Liệu, Kim Hường, Quỳnh Thư, Chị Tâm, chị Hảo …)
23 Tháng Tư 2024(Xem: 451)
Thế là gia đình tôi đã tham gia vượt biên đủ cả đường biển và đường bộ, ngoài ra còn đi chính thức bằng đường bay.
22 Tháng Tư 2024(Xem: 330)
Vào tháng ba và đầu tháng tư năm nay, tôi đã đi du lịch 28 ngày bằng đường thủy và đường bộ. Chuyến đi kỳ này gồm hai giai đoạn:
22 Tháng Tư 2024(Xem: 413)
Về đến nhà với nỗi lo âu tột cùng, suốt ngày hôm đó, 30 tháng tư hình như tôi không có một hạt cơm trong bụng, tôi như người thất thần,
22 Tháng Tư 2024(Xem: 691)
Mong sao tiếng dạ lời thưa sẽ tiếp tục được duy trì và sẽ không trở thành một thứ “Cổ Ngữ” hoặc là hàng hiếm trong tương lai.
22 Tháng Tư 2024(Xem: 404)
Tôi không khóc trong những ngày 30/4 sao được khi biết mình và mọi người sẽ không bao giờ tìm lại được những ngày tháng hạnh phúc như trước ngày 30/4/75
12 Tháng Tư 2024(Xem: 760)
lúc ấy tôi còn trẻ lắm so với phần lớn các đồng nghiệp của tôi ở trường Ngô Quyền. Do đó tôi kết bạn với hai người bạn đồng lứa với tôi là anh Trần Văn Phúc dạy sử địa và Nguyễn Phi Long dạy toán.
11 Tháng Tư 2024(Xem: 574)
Tôi thích hai chữ “Xóm Đạo” từ thuở biết yêu “thơ” vào những năm đầu bậc trung học. Bài thơ có hai chữ “Xóm Đạo” tôi đọc dầu tiên là bài “Tha La Xóm Đạo” của tác giả Vũ Anh Khanh
10 Tháng Tư 2024(Xem: 653)
Tháng Tư lại về, nỗi buồn len lén con tim. Thương lắm người vì ngày này mà chịu nhiều khổ nạn tai ương, tủi nhục ngút ngàn, biết bao gia đình ly tán chia lìa, ngậm ngùi chua xót.
10 Tháng Tư 2024(Xem: 863)
Từ tháng 4/1975 đến nay, đã gần nửa thế kỷ rồi, nhưng mỗi lần đến tháng tư, tôi cứ hay trăn trở và hồi tưởng lại những sự kiện xảy ra sau thời khắc lịch sử ấy.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 1466)
Mỗi khi nghĩ về quê hương xứ sở, tôi lại luôn có nhiều cảm xúc và hoài niệm đẹp về những bữa cơm gia đình thơm ngon và đậm vị yêu thương như vậy.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 1021)
Hoàn cảnh của Ukraine hiện nay gần giống như VNCH ngày xưa khi mối bận tâm của Mỹ đặt vào cuộc chiến ở Trung Đông. Nhưng may mắn thay tên đao phủ thủ
31 Tháng Ba 2024(Xem: 946)
Bây giờ, tuổi đã nhiều, cuộc sống đã ổn định, tôi có thể tìm cho mình những bộ áo quần vừa ý, hợp thời, may cắt khéo léo. Tôi có điều kiện tìm hiểu trang phục thích hợp.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 906)
Năm nào cũng vậy, người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, dù đang ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều nhớ đến ngày tết âm lịch thường được gọi là tết Ta để phân biệt với tết Tây.
20 Tháng Ba 2024(Xem: 1748)
Cuộc vui kéo dài mãi cho đến bốn giờ chiều mọi người mới lưu luyến chia tay ra về mang theo hình ảnh của buổi họp mặt ấm cúng trong tình đồng hương Biên Hòa, đồng môn Ngô Quyền
19 Tháng Ba 2024(Xem: 1234)
Cuộc vui nào cũng tàn, điều thú vị là đã ghi lại kỷ niệm để tạo mong ước cho người tham dự sẽ có cuộc hội ngộ vui vẻ như vừa qua.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1435)
Với nền giáo dục nhân bản và khai phóng, trong gần 20 năm tồn tại cùng Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, Trường NQ sản sinh biết bao nhân tài cho đất nước.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1398)
Như vậy, ngay tại khuôn viên của trường, Đạo làm Thầy, Đạo làm trò và Tinh thần Tôn Sự Trong Đạo đã được đề cao và xem trọng, như là một tiêu chí căn bản mang đậm ý nghĩa giáo dục của trường THCT.