Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

MGTT 18 - Thầy trò NQ vĩnh biệt Cô Trần Thị Hương.

30 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 62847)
MGTT 18 - Thầy trò NQ vĩnh biệt Cô Trần Thị Hương.


MGTT 18- Thầy trò NQ vĩnh biệt Cô Trần Thị Hương


co_tran_thi_huong-resize-content


Cô Trần Thị Hương, nguyên giáo sư dạy môn Quốc văn ở Trung học Ngô Quyền từ năm 1966 đến năm 1973, đã đột ngột qua đời ngày 26 tháng 11 năm 2010 ở Santa Clara, California, để lại cho đồng nghiệp và học trò nhiều thương tiếc.

Một vài bài viết giới thiệu trên MGTT số 17 đã được viết bằng cảm xúc rất thật giữa bạn bè đồng nghiệp, và giữa thầy trò như là điếu văn tiễn Cô về cõi vĩnh hằng.

Trước khi ra đi, Cô Hương còn để lại cho học trò một bài thơ ghi lại cảm xúc của Cô sau khi đọc MGTT số 15. BBT xin được phép Cô cho phổ biến bài này trên trang nhà.

MGTT số 17 cũng xin thắp nén  hương lòng cho tất cả quý Thầy Cô, và các chs Ngô Quyền đã khuất bóng.

Cuộc đời vốn mong manh, vô thường… nay còn, mai mất, nên xin kính mời quý Thầy Cô và tất cả chs NQ khắp nơi trên toàn thế giới cùng về sum họp tại miền Nam California vào tháng 7 năm 2011 nhân dịp Hội ngộ trùng phùng lần 2 vì biết đâu "mai sau còn có bao giờ"...!

BBT


cotam-thumbnail

Chỉ sau một ngày trong bệnh viện, ra đi thực nhẹ nhàng, nhanh chóng! Những người quen biết, tiếp xúc với cô Hương có thể nào lẹ làng quên được cô ấy không nhỉ? Cuộc sống dồn dập với những diễn biến không ngừng khiến tâm hồn ta cũng phải mau lẹ quên đi nhiều thứ. Thời điểm có thể dễ dàng quên những cảm xúc với sự việc thì sao?.

Nếu tình cảm giữa người và người là duyên phận thì giữa cô Hương và tôi là thế đấy!.
Thời gian dạy chung ở Ngô Quyền ngắn lắm, chỉ một niên khóa thôi (1972-1973). Sau khi Bác Sĩ Hiệp mất, cô Hương về Sài Gòn dạy ở Lê Quí Đôn và rồi đất nước thay đổi, nhưng cô và tôi vẫn gặp gỡ nhau. Đến khi di chuyển lập nghiệp nơi đất mới, tôi kiếm lại được cô không lâu ngay sau đó. Làm sao mà kiếm được nhau? Tôi không còn nhớ, tôi chỉ nhớ lần gặp ấy, câu tình cảm cô đã nói với tôi: 

"Sau khi anh Hiệp mất, chị đã mất đi nhiều thứ lắm trong đó có cả nhiều tình cảm bạn bè nữa. Nhưng với em, mọi biến cố trong đời chị, em đều biết và đều kiếm được để đến thăm chị, chị vui lắm."

Đơn giản thế thôi! Nhưng câu nói của cô Hương cũng đã làm tôi quên mất hơn 2 tiếng lái xe từ San Jose đến Sacramento để gặp lại cô ấy.
Tại sao tôi phải lái xe một quảng đường dài để đến thăm cô Hương? Tôi nhớ mình đã trả lời câu tâm tình của cô Hương và cũng là câu giải đáp cho nguyên nhân chuyến đi đó. Giờ đây cô đã cách biệt và sau này sẽ chẳng thể gặp gỡ nhau ở cõi trần này nữa, tôi không ngại để nhớ lại tâm tình câu trả lời của tôi lúc đó:

"Chị không biết sao ư? Chị có ảnh hưởng nhiều đến cách sống của em nhiều lắm".

Cô Hương cười và sau đó chúng tôi chia sẻ những tình cảm, suy nghĩ, và kinh nghiệm về đời sống với nhau.
Cô Hương luôn giản dị trong cách suy nghĩ, trong cư xử, dùng tấm lòng trung hậu, và kiên trường trong bất kỳ mọi hoàn cảnh: Với 4 con còn thơ ngây, góa phụ ở tuổi 34; một mình mang con đến đất mới, tất cả đều chưa thành thân... Tôi chưa từng nghe cô thốt lời chán nản, buông xuôi.
Theo thời gian, những gì cô Hương muốn hầu như đã hoàn thành được hết. Con cái lớn khôn trở thành những người hữu dụng trong xã hội. Và ngay cái ước muốn khó nhất là: "nếu phải ra đi, chỉ muốn được lẹ làng" Cuối cùng, thì sao nhỉ? Cô Hương đã thực hiện, kỳ diệu thật, phải không nào?.
Ngày 26 tháng 11 năm 2010, cô Hương thực đã đi rồi, nhưng không ít thì nhiều cô đã, vẫn và sẽ là một động lực ảnh hưởng đến thái độ can đảm, đối mặt hoàn cảnh khó khăn, buồn nản vẫn thường đến trong đời sống của tôi.
Thật lẹ làng!, cô Hương đã biến khỏi thế gian và trong lần cuối này tôi lại không đến gặp cô được.
Tiếc thật! nhưng biết sao bây giờ? âu đó cũng là một phần của duyên mạng, phải vậy không?
Mặc dù cô đã lẹ làng ra khỏi tầm nhìn của tôi, nhưng cảm xúc giữa cô và tôi vẫn còn như đâu đây và nó sẽ bất diệt, tôi biết thế!
Sự bình an, thanh thản sẽ luôn ở với cô Hương. Tôi vẫn luôn là bạn và là một người em gái nhỏ của cô ấy.

Cô Trần Thị Minh Tâm


tdhoang-thumbnailHÀNH TRANG TRONG CHUYẾN VIỄN DU

Cô kính mến,

Mấy tuần qua khí hậu ở Sydney rất dễ chịu và hoa lá rực rỡ dưới nắng ấm của mùa Xuân, nhưng hai ngày nay bỗng dưng trời mưa tầm tả nên cảnh vật buồn thật buồn! Khoảng 5 giờ 30 sáng Chủ nhật em mở máy và ngồi chết lặng khi biết tin Cô vừa đột ngột ra đi! Em không tin ở mắt mình nữa vì ngày 21/11 Cô còn gửi cho em hai lá thư: (1) trả lời về hai tấm hình cũ em gửi cho Cô cách nay đúng một tháng, (2) lời hướng dẫn cách vào trang Web để đọc những tác phẩm của nhà văn (Ông) Bình Nguyên Lộc. Cô ơi, em đã đứng nhìn màn mưa giăng giăng ở ngoài trời, trên những ngọn cây trước nhà mà nước mắt ràn rụa và thấy thấm thía câu "đôi khi tôi muốn tin... tôi muốn tin những người khóc lẻ loi một mình!". Khi gửi hai tấm hình "Tìm đường ra khơi" năm 1981, em có hứa là khi nào có dịp, em sẽ kể cho Cô nghe chuyến vượt biên rất ly kỳ này nhưng bây giờ em không bao giờ có cơ hội để thực hiện điều này nữa!

Trong lá thư đầu tiên gửi cho Cô, em chỉ mong mình được sống như "cây mắm" trong truyện "Rừng mắm" của Ông để lo cho thế hệ sau (như các loại cây khác) được đơm bông kết trái sum xuê. Em đã gửi hai bài viết "Có những tấm lòng" và "Những tháng ngày lang bạt" để Cô biết cây mắm đã sống như thế nào sau cuộc đổi đời và được lời khích lệ của Cô "Và em nữa, cây mắm đã quen với nước mặn đồng chua vẫn sum xuê mặn mà trên vùng đất xa lạ. Tiếng nói con tim bao dung, ngọt ngào sẽ làm cho cuộc đời đẹp hơn phải không em?”. Em định gửi tiếp "Ngọt ngào hương trái thị" nói về chuyện đi cắm trại và cạo rửa, sơn quét tháp chùa Hội Sơn Tự ở gần Thủ Đức năm học lớp 12, vì trong lòng rất nôn nao muốn biết cảm nghĩ của Cô như thế nào nhưng hỡi ôi, em đã đi chậm một bước và làm sao nghe được lời Cô chỉnh sửa những đoạn văn còn vụng về!

Cho đến bây giờ em vẫn còn nhớ cô mình với mái tóc mềm như tơ trời, ánh mắt và nụ cười thật từ ái, khoan dung. Dù qua biết bao nhiêu năm, Cô vẫn không quên học trò của mình "Cho dù cô không nhớ rõ tên và dáng dấp của từng học sinh trong thời niên thiếu, nhưng những hình ảnh của những cô cậu học trò thân thương vẫn còn đậm nét trong những người mang nghiệp nhà giáo như cô trên miền đất tạm dung này". Ngay cả khi bị bịnh Cô vẫn nghĩ đến cậu học trò nhỏ này (dù bây giờ tóc em đang trắng dần như bông mận!) "Hơn tháng nay cánh tay mặt cô bị đau nên mỗi lần thấy con "mouse" đâm ra sợ. Cô đang điều trị theo kiểu phisical therapy, hy vọng sẽ đỡ rồi cô sẽ viết nhiều cho em". Cô ơi, viết đến đây không hiểu tại sao em thấy mấy dòng chữ cứ nhảy múa rồi nhòe nhoẹt dần qua màn nước mắt!

Em cám ơn lời dặn dò của Cô: "Cây mắm" vùng nước mặn sẽ còn nhiều gắn bó với quê hương". Cô biết không, ngày vượt biên khi chiếc ghe từ từ ra cửa biển, nhìn lại cảnh vật xa dần... xa dần... em nghe lòng rưng rưng và không cầm được nước mắt! Dù tính ra thời gian lưu lạc nơi xứ người dài hơn lúc còn ở quê nhà, nhưng lúc nào em cũng khắc khoải nhớ từng kỷ niệm xưa.

Trước đây em từng nghĩ: "Chà, không biết chừng nào mình mới có dịp gặp lại Cô đây?!" (vì Cô đã dặn em: "Khi nào có du lịch Mỹ cô mời Hoàng ghé qua nhà cô chơi. Diệu Hương biết chỗ cô ở") và viết cho Cô: "Đối với em, bây giờ còn được nghe những lời nhắn nhủ ân cần của Cô là diễm phúc rất lớn ở cuối đời mình", nhưng giờ đây ý nghĩ này đã trở thành vô vọng và hạnh phúc nhỏ nhoi cũng vuột khỏi tầm tay!

Hôm trước sau khi đọc tiểu sử của Ông và biết Thầy mất năm 1973, em đã chân thành chia buồn với Cô về sự mất mát quá to lớn này dù muộn màng. Cô ơi, em nghĩ Cô không còn phải giữ "nỗi buồn dai dẳng suốt 37 năm trời" như Cô từng viết cho em nữa, vì Cô sẽ có dịp ra biển như ước vọng của mình để về "Quê hương, khung trời cũ" và về với Thầy!

Cô kính mến, bây giờ em có cảm tưởng Cô đang từ từ bay lên... cao dần và xa dần... đến một phương trời nào đó, và tình thương bao la của Cô đang hòa vào đại dương và vũ trụ. "Cây mắm" vùng nước mặn ước mong lá thư này như là hành trang trong chuyến viễn du để Cô yên vui ở cõi vĩnh hằng.

 

Em kính,

Trương Đức Hoàng



Phụ Đính: Lá thư và bài thơ cuối cùng của cô Trần Thị Hương.


co_tran_thi_huong-_edit-large-content


Date: Sat, 23 Oct 2010 12:18:47 -0700
From: huong_hiep@yahoo.com
Subject: Fw: Cam on
To: hoangtruong55@hotmail.com

Em Hoang than men,
Co xin goi em bai tho nho, nhu mot loi cam on cua co giao cu ve bai viet cua em tren Web NQ. Mong em doc duoc bai tho khong dau nay.
"Cay mam" vung nuoc man se con nhieu gan bo voi que huong.
Chuc gia dinh em an binh va suc khoe

--- On
Sat, 10/23/10, Huong Thi <huong_hiep@yahoo.com> wrote:


From: Huong Thi <huong_hiep@yahoo.com>
Subject: Cam on
To: huong_hiep@yahoo.com
Date: Saturday, October 23, 2010, 12:01 PM

Cam on em, nguoi hoc sinh nam cu
Viet goi co ky niem vui buon

Truong xua, thay cu that than thuong
Ke con xa cach, nguoi vang bong
Mang theo nghiep chuong, kiep vo thuong.

Ba muoi nam bo lop bo truong
Bo lai dong song ca yeu thuong

Phan trang bang den gio dau ta? 
Dong tho lang man cung bay xa.
42 nam ky uc da nhat nhoa
Dong doi lang le that phoi pha
Mai toc nam xua thanh di vang
Chi con mau trang dep rong reu

Que huong toi do, khung troi cu
Thoi danh quen lang voi thoi gian.

 

BBT xin được type lại với dấu tiếng Việt bài thơ của Cô:


Cám ơn em, người học sinh năm cũ

Viết gởi cô kỷ niệm vui buồn

Trường xưa, thầy cũ thật thân thương

Kẻ còn xa cách người vắng bóng

Mang theo nghiệp chướng kiếp vô thường.

 

Ba mươi năm bỏ lớp bỏ trường

Bỏ lại dòng sông cả yêu thương

Phấn trắng bảng đen giờ đâu tá?

Dòng thơ lãng mạn cũng bay xa.

42 năm ký ức đã nhạt nhòa

Dòng đời lặng lẽ thật phôi pha

Mái tóc năm xưa thành dĩ vãng

Chỉ còn màu trắng đẹp rong rêu

 

Quê hương tôi đó, khung trời cũ

Thôi đành quên lãng với thời gian.

 

Cô Trần Thị Hương

 


dieu_huong-thumbnailVĨNH BIỆT CÔ HƯƠNG

Cô vốn hiền lành như tất cả chs Ngô Quyền đã có dịp học Quốc văn với Cô ở lớp tám Ngô Quyền xưa còn nhớ. Cô là người rất dịu dàng, khiêm tốn như đồng nghiệp ở Ngô Quyền (Biên Hòa) và Lê Quý Đôn (Saigon) nhận xét. Với tôi, Cô là một người sống "lặng lẽ bên đời" nhưng đóng góp rất nhiều cho cả quê nhà lẫn quê người.

Là học trò Ngô Quyền, nhưng tôi chỉ biết Cô vài năm gần đây qua Cô Tâm, -GS Sử ở 7/1 năm xưa- ; và quý Cô như một người thuộc thế hệ các bậc sinh thành luôn cho tôi những lời khuyên cần thiết.

Ở tuổi bảy mươi, đã về hưu sau gần ba mươi năm làm công chức tiểu bang, Cô vẫn làm việc thiện nguyện hàng tuần vào mỗi mùa thuế ở Mỹ.

 Ước nguyện của Cô là không muốn làm phiền ai. Và Cô đã đạt được điều đó phải không, thưa Cô?

Ở Úc, "học trò cũ" đã khóc Cô bằng nước mắt chân tình. Ở Mỹ, "học trò mới"... vài năm gần đây, hụt hẫng vì không còn được nghe lời khuyên của Cô qua điện thoại mỗi tháng ít nhất một lần.

Cầu mong Cô ra đi an bình, thanh thản. Mỗi lần ra biển em sẽ nhớ đến Cô. Chắc là biển sẽ mang Cô về lại với quê nhà...

Nguyễn Trần Diệu Hương

viengcohuong-large

 Học trò Ngô Quyền, San Jose đến viếng tang cô Hương

 

17 Tháng Giêng 2015(Xem: 62051)
cuối cùng chúng tôi được "gặp" lại Thầy Dương Thanh Tùng, giáo sư Sử ngày xưa ở Ngô Quyền sau gần 40 năm.
20 Tháng Mười Một 2014(Xem: 27097)
Xin cảm ơn đời sống và những tình cờ đã cho chúng ta biết, quý mến nhau dưới mái trường Ngô Quyền yêu dấu ngày xưa. Hạnh ngộ đó đã trải dài theo bước chân lưu lạc của Thầy trò NQ ở khắp thế giới ...
22 Tháng Năm 2014(Xem: 13402)
Xin được mượn lời giới thiệu của nhà xuất bản Tam Vĩnh ở Luân Đôn giới thiệu về tác phẩm "Bóng ngày vui" để mở đầu cho MGTT 39 về Thầy Kiều Vĩnh Phúc, nguyên giáo sư Anh văn của trường Ngô Quyền.
19 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 25925)
Là cựu GS Vạn vật ở NQ xưa, ở tuổi ngoài 70, Thầy sáng tác nhiều bài thơ với tình bạn ấm áp và tình thầy trò ngọt ngào như những cái bánh kem Thầy vẫn tặng thầy trò NQ mỗi kỳ họp mặt.
06 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 14541)
Là một trong ba huynh trưởng lớn của Hướng Đạo Việt Nam ở Biên Hòa trong thập niên 60s, Thầy Phạm Ngọc Quýnh mang tinh thần "sắp sẵn" của một hướng đạo sinh vào nghề gõ đầu trẻ ở Ngô Quyền.
26 Tháng Mười Một 2013(Xem: 16392)
Ở một góc sâu nhất của tâm hồn là lòng biết ơn, vẫn được thắp sáng mỗi năm. Dù đã rời trường lâu lâu lắm rồi , xin về lại MGTT để cùng nhớ đến quý Thầy Cô đã uốn nắn chúng ta không chỉ về kiến thức mà còn về đạo làm người
22 Tháng Mười Một 2013(Xem: 13535)
Anh Huỳnh Văn Huê- K8 xin được thay mặt cho Hội chs Ngô Quyền nhắc lại vài kỷ niệm thủa sinh tiền của Cố Giáo sư Việt Văn, Nguyễn Hữu Tiến xem như một nén hương lòng thành kính thắp lên để tưởng nhớ Thầy
01 Tháng Mười Một 2013(Xem: 18299)
Không phải chỉ ở trong khung cửa lớp của NQ yêu dấu ngày xưa, mà ngay cả bây giờ, nhiều anh chị đã nên ông nên bà (theo đủ mọi nghĩa) vẫn học được rất nhiều điều từ Thầy Nguyễn Thất Hiệp.
04 Tháng Mười 2013(Xem: 15435)
Với các anh chị K5 đến K10, Cô Trí là một cô giáo Việt văn tận tâm với học trò. Với tôi, qua Cô Trí tôi thấy hình ảnh Mẹ tôi, người luôn biết tôi cần gì và cần được nâng đỡ lúc nào.
27 Tháng Bảy 2013(Xem: 30710)
Thầy Phan Thông Hảo về trường Ngô Quyền dạy chúng tôi, lứa học sinh đầu tiên của trường từ giữa năm lớp đệ ngủ, năm học 1958-1959 môn Toán và Lý Hóa thay Thầy Trương Phan Nam Minh chuyển đi trường khác.
18 Tháng Giêng 2013(Xem: 53930)
Các cô cậu bé trung học đệ nhất cấp trí óc còn tinh khôi, khắc ghi lời dạy của cụ Nguyễn Đình Chiểu và lời giảng của Cô, mang theo suốt đời người. Học trò con gái nhìn Cô như một cô Tiên bước ra từ huyền thoại.
22 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 36398)
Thầy hiền và giảng bài rất nhỏ nhẹ nhưng lôi cuốn được sự tập trung chú ý của học trò từ xóm nhà lầu "chỉ biết học thôi, chẳng biết gì" ở hai bàn đầu đến xóm nhà lá hay thả hồn đi rong chơi tận cõi nào ở hai bàn cuối.
19 Tháng Mười Một 2012(Xem: 32052)
Trong cái lạnh cuối thu đầu đông của mùa lễ tạ ơn của Mỹ xin được sưởi ấm lòng nhau bằng hai chữ cảm ơn: ơn cha, ơn mẹ, ơn thầy… Xin tạ ơn dày sinh thành dưỡng dục, xin tạ ơn sâu dạy dỗ, bảo ban.
08 Tháng Mười Một 2012(Xem: 38007)
Có nhiều điều học được đã bị mai một theo năm tháng, nhưng tình nghĩa Thầy trò thì luôn luôn tồn tại không nhòa. Và mắt Thầy Trần Phiên của chúng tôi thỉnh thoảng vẫn long lanh vì niềm vui do "học trò già" mang đến...
18 Tháng Mười 2012(Xem: 31166)
Chừng như tất cả chs NQ (từ K1 đến K19) có sinh ngữ chính là Pháp Văn học vở lòng trong quyển "Le Francais Élementaire" đều là học trò của Thầy Đinh Văn Sái.