Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

MGTT 35 - THẦY NGUYỄN HỮU TIẾN

22 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 13525)
MGTT 35 - THẦY NGUYỄN HỮU TIẾN

 

 MGTT 35 - THẦY NGUYỄN HỮU TIẾN


Năm 2012, Thầy Nguyễn Hữu Tiến từ trần ở Australia nhưng mới đây, Hội chs NQ mới biết là đã có thêm một ông lái đò ngày nào ở bến Ngô Quyền mãi mãi nằm xuống.

Anh Huỳnh Văn Huê- K8 xin được thay mặt cho Hội chs Ngô Quyền nhắc lại vài kỷ niệm thuở sinh tiền của Cố Giáo sư Việt Văn, Nguyễn Hữu Tiến xem như một nén hương lòng thành kính thắp lên nhân dịp giỗ đầu của Thầy. 

Thầy đã về cõi vĩnh hằng, trường xưa không còn, và học trò của Thầy cũng đã hai màu tóc nhưng lòng kính thương Thầy vẫn còn đó trong lòng các anh chị chsNQ khóa 6, 7, 8, 9.

Xin cùng đọc lại hồi ức của anh Huỳnh Văn Huê để thấy lại hình ảnh của một trong những Thầy Cô kính mến của chúng ta ngày nào.


 

NGƯỜI THẦY NĂM XƯA


thay_nguyen_huu_tien-large


 Quay trở về quãng thời gian làm người học trò, chúng ta ai ai cũng có biết bao kỷ niệm khó phai mờ nơi lớp cũ trường xưa. Rồi chính nơi ngôi trường thân thương nào đấy trong ký ức sẽ còn có hình ảnh những thầy cô yêu kính mà trọn suốt cuộc đời chúng ta không làm sao quên được. 

 Năm 1963, sau khi vượt qua thi cử vào lớp đệ thất, rốt cuộc tôi cũng được vinh hạnh là một học sinh Ngô Quyền, ngôi trường trung học duy nhất và lớn nhất của tỉnh Biên Hòa lúc bấy giờ. Qua năm sau, sang năm đệ lục có lẽ tôi đã phần nào lấy lại được quân bình. Vào năm ấy tôi có được lảnh thưởng cuối năm học - tuy không phải là học sinh đứng đầu lớp - và điều này đã góp phần không nhỏ giúp cho công việc học tập của tôi về sau được tiến bộ hơn lúc mới vào trường.

 Hồi ấy, các lớp khác thế nào tôi không dám chắc, riêng đám con trai lớp chúng tôi (trong đó đương nhiên là có... tôi ) hầu hết đều kém môn Văn! Vậy thầy cô nào đã phụ trách môn này ở lớp chúng tôi ? Xin thưa đó là thầy Nguyễn Hữu Tiến. Chúng tôi kém môn Văn là do "định kiến" sai lầm: con trai giỏi Văn là... yếu đuối (!?). Nam sinh phải là người giỏi các môn Toán, Lý, Hóa mới là đáng mặt nam nhi (!?). Chính vì vậy kém môn Văn là do chính chúng tôi không cố gắng chuyên cần học môn Văn chớ không phải do môn Văn hay do thầy (cô) dạy Văn.

Thầy Tiến là người miền Bắc, dáng người hơi thấp nhỏ, nhưng bước đi nhanh nhẹn và gương mặt thầy lúc nào cũng vui tươi, rạng ngời vẻ nhân hậu. Lúc thầy say sưa với bài giảng, gương mặt thầy xuất thần, tôi có cảm giác như chính thầy là tác giả của bài thơ hay bài văn mà thầy đang giảng vậy. Đối với học sinh không thuộc bài, thầy cư xử đúng như là một bậc... "văn nhân". Thầy chỉ nhắc nhở bằng những lời nghiêm khắc nhưng nhẹ nhàng, sâu sắc và ý vị khiến cho người học trò phải... "mang" nặng trong... đầu, theo về đến nhà, đến tận... bàn học (!). Không biết có phải chính vì vậy mà từ đó về sau và cho đến tận sau này, môn Văn đã "cảm hóa" được một số đông chúng tôi.

 Ngày đó, thầy-cô dạy Quốc Văn thường kiêm luôn môn Hán Văn. Đến môn này của thầy, trong khi các bạn đa số gồng mình, căng mấy ngón tay để tập viết từng nét chữ một. Riêng tôi nào phải giỏi giang gì, nhờ có chút hoa tay nên thay gì viết, tôi cố gắng... "vẽ" từng nét sổ, nét mác... .Miễn sao chữ thì giống như thầy viết trên bảng, còn nét thì giống nét của chữ trên mấy cái nhản... nhang ( mẹ tôi hay mua để thắp trên bàn thờ ). Nhờ vậy tôi là một trong số ít học sinh được thầy khen là viết khá chữ Hán.

Nhớ về thầy, tôi cũng không sao quên một kỷ niệm của thời đi học. Hôm đó như thường ngày, sau khi chấm dứt những lời giảng văn hoa - bóng bẩy, tiếp theo thầy cho cả lớp làm bài. Bỗng nhiên thầy gọi đúng tên tôi và bảo xuống văn phòng có việc. Tôi như rụng rời hết chân tay, hốt hoảng nhớ lại xem thời gian vừa qua mình có phạm lỗi gì đến nỗi bị gọi lên Văn phòng nhà trường. Tuy trong lòng bấn loạn như vậy tôi vẫn riu ríu đi theo thầy. Tràn đầy lo lắng, tôi kín đáo nhìn thầy, gương mặt thầy vẫn tươi vui, hiền hòa như khi khen chữ viết của tôi kia mà ?! Cùng xuống thang lầu, thấy thầy còn... vui vẻ hơn ngày thường nên tôi có phần yên lòng. Đến văn phòng rồi tôi mới biết mình xuống đây chỉ để ký tên nhận tiền học bổng ! Tôi còn nhớ số tiền tôi nhận được lúc ấy bằng cả tháng lương của ba tôi lúc sinh tiền. Đối với một đứa học trò nghèo, sớm mồ côi cha như tôi, số học bổng bằng hiện kim này đã giúp ích tôi rất nhiều. Khi về đến lớp, thầy một lần nữa lại thể hiện cái phong cách... "văn nhân" của mình khi ý tứ và tế nhị nói cho cả lớp biết vừa rồi tôi đi xuống văn phòng chỉ để... lảnh học bổng.

Cách đây mấy ngày, nhờ một người bạn học giới thiệu, tôi đến nhà một ái nữ của thầy hiện đang sinh sống tại thành phố Biên Hòa để biết thêm tin tức về thầy. Thông tin có được đã quá muộn màng và quá đau buồn! Thầy đã mãn phần năm rồi (2012) tại Úc, nơi thầy sống định cư đã được nhiều năm, hưởng thọ 89 tuổi.

 Thầy ơi ! Trên cõi đời này ai cũng biết " Nhân sinh tự cổ thùy vô tử... ". Tử sinh là lẽ thường tình, thế nhưng chuyện ngàn thu vĩnh biệt muôn đời vẫn là việc đau đớn khôn nguôi !... . Hôm nay, đứa học trò nhỏ ngày trước xin được viết lên mấy dòng đơn sơ để thành kính tưởng nhớ đến thầy. Đây cũng là ước nguyện để học trò cũ được tri ân công lao năm xưa thầy đã tận tụy giáo huấn về chữ - nghĩa của tiếng Việt muôn đời mến yêu...

 Huỳnh Văn Huê

Tháng 11 - 2013

(Xin được cám ơn bạn Hoàng Minh Chiếu, học cùng lớp NQ, đã tận tình hướng dẫn và giới thiệu tôi đến nhà Thuận- ái nữ thầy Tiến- để có thêm những thông tin cần thiết.)


Từ Australia chs K8 Nguyễn Huy Tiển cũng là thứ nam của Thầy Nguyễn Hữu Tiến đã chuyển tâm tình cũa mình đến bạn bè thân, sau khi đọc bài viết" NGƯỜI THẦY NĂM XƯA"  

Tôi đã đọc được bài viết của Huỳnh Văn Huê về ông cụ nhà tôi. Đọc xong bài viết tôi thật xúc đông. Xúc động về tình cảm cha con thì ít, nhưng xúc động về tấm chân tình của bạn Huỳnh Văn Huê trong tình cảm thầy trò thì nhiều.
Cũng trong cảm xúc đó, tôi không khỏi không nghĩ đến các bạn…

Cám ơn các bạn, cùng tất cả các anh chị em Ngô Quyền cũ, những người tuy cuộc sống bận rộn xứ người, nhưng vẫn một lòng nặng tình bạn cũ trường xưa, thầy trò một thuở. Các bạn đã bỏ bao công sức để gầy dựng một mái trường CHSNQ, để mọi học sinh Ngô Quyền cũ đang tam phương tứ hướng có nơi tụ họp. Ở đó những thầy trò bạn hữu bao ngày xa cách có cơ hội gặp lại nhau. Kẻ mất người còn sau một thời gian dài với bao biến đổi dâu bể thăng trầm, những mừng vui trào dâng trên khuôn mặt, nhưng cũng không thiếu những xót xa đau quặn đáy lòng.
Cũng nơi chốn này, công sức đó bao kỷ niệm thuở học trò được sống lại nhắc nhớ. Rồi thầy cô này ra sao? bạn hữu kia cuộc sống thế nào? Ôi quí biết bao và đẹp biết là dường nào, để giờ đây dưới mái đầu sương điểm chợt nghe lòng mình nặng trĩu những ân tình XIN CÁM ƠN ĐẾN TẤT CẢ CÁC THẦY CÔ VÀ CÁC BẠN.

Nguyễn Huy Tiển


17 Tháng Giêng 2015(Xem: 62034)
cuối cùng chúng tôi được "gặp" lại Thầy Dương Thanh Tùng, giáo sư Sử ngày xưa ở Ngô Quyền sau gần 40 năm.
20 Tháng Mười Một 2014(Xem: 27079)
Xin cảm ơn đời sống và những tình cờ đã cho chúng ta biết, quý mến nhau dưới mái trường Ngô Quyền yêu dấu ngày xưa. Hạnh ngộ đó đã trải dài theo bước chân lưu lạc của Thầy trò NQ ở khắp thế giới ...
22 Tháng Năm 2014(Xem: 13391)
Xin được mượn lời giới thiệu của nhà xuất bản Tam Vĩnh ở Luân Đôn giới thiệu về tác phẩm "Bóng ngày vui" để mở đầu cho MGTT 39 về Thầy Kiều Vĩnh Phúc, nguyên giáo sư Anh văn của trường Ngô Quyền.
19 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 25802)
Là cựu GS Vạn vật ở NQ xưa, ở tuổi ngoài 70, Thầy sáng tác nhiều bài thơ với tình bạn ấm áp và tình thầy trò ngọt ngào như những cái bánh kem Thầy vẫn tặng thầy trò NQ mỗi kỳ họp mặt.
06 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 14526)
Là một trong ba huynh trưởng lớn của Hướng Đạo Việt Nam ở Biên Hòa trong thập niên 60s, Thầy Phạm Ngọc Quýnh mang tinh thần "sắp sẵn" của một hướng đạo sinh vào nghề gõ đầu trẻ ở Ngô Quyền.
26 Tháng Mười Một 2013(Xem: 16385)
Ở một góc sâu nhất của tâm hồn là lòng biết ơn, vẫn được thắp sáng mỗi năm. Dù đã rời trường lâu lâu lắm rồi , xin về lại MGTT để cùng nhớ đến quý Thầy Cô đã uốn nắn chúng ta không chỉ về kiến thức mà còn về đạo làm người
01 Tháng Mười Một 2013(Xem: 18282)
Không phải chỉ ở trong khung cửa lớp của NQ yêu dấu ngày xưa, mà ngay cả bây giờ, nhiều anh chị đã nên ông nên bà (theo đủ mọi nghĩa) vẫn học được rất nhiều điều từ Thầy Nguyễn Thất Hiệp.
04 Tháng Mười 2013(Xem: 15430)
Với các anh chị K5 đến K10, Cô Trí là một cô giáo Việt văn tận tâm với học trò. Với tôi, qua Cô Trí tôi thấy hình ảnh Mẹ tôi, người luôn biết tôi cần gì và cần được nâng đỡ lúc nào.
27 Tháng Bảy 2013(Xem: 30553)
Thầy Phan Thông Hảo về trường Ngô Quyền dạy chúng tôi, lứa học sinh đầu tiên của trường từ giữa năm lớp đệ ngủ, năm học 1958-1959 môn Toán và Lý Hóa thay Thầy Trương Phan Nam Minh chuyển đi trường khác.
18 Tháng Giêng 2013(Xem: 53837)
Các cô cậu bé trung học đệ nhất cấp trí óc còn tinh khôi, khắc ghi lời dạy của cụ Nguyễn Đình Chiểu và lời giảng của Cô, mang theo suốt đời người. Học trò con gái nhìn Cô như một cô Tiên bước ra từ huyền thoại.
22 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 36388)
Thầy hiền và giảng bài rất nhỏ nhẹ nhưng lôi cuốn được sự tập trung chú ý của học trò từ xóm nhà lầu "chỉ biết học thôi, chẳng biết gì" ở hai bàn đầu đến xóm nhà lá hay thả hồn đi rong chơi tận cõi nào ở hai bàn cuối.
19 Tháng Mười Một 2012(Xem: 32040)
Trong cái lạnh cuối thu đầu đông của mùa lễ tạ ơn của Mỹ xin được sưởi ấm lòng nhau bằng hai chữ cảm ơn: ơn cha, ơn mẹ, ơn thầy… Xin tạ ơn dày sinh thành dưỡng dục, xin tạ ơn sâu dạy dỗ, bảo ban.
08 Tháng Mười Một 2012(Xem: 37996)
Có nhiều điều học được đã bị mai một theo năm tháng, nhưng tình nghĩa Thầy trò thì luôn luôn tồn tại không nhòa. Và mắt Thầy Trần Phiên của chúng tôi thỉnh thoảng vẫn long lanh vì niềm vui do "học trò già" mang đến...
18 Tháng Mười 2012(Xem: 31115)
Chừng như tất cả chs NQ (từ K1 đến K19) có sinh ngữ chính là Pháp Văn học vở lòng trong quyển "Le Francais Élementaire" đều là học trò của Thầy Đinh Văn Sái.
12 Tháng Mười 2012(Xem: 52807)
Khi thưởng thức một bài hát hay, có khi nào bạn nghĩ đến bảy nốt nhạc Do Re Mi Fa Sol La Si, căn bản của nhạc lý, nằm trên các dòng kẻ mà bạn đã được học từ thời mới vào Trung học?