Tự dưng, người bạn xóm cũ nhắn tin hỏi thăm tôi nhân dịp năm hết Tết đến. Rồi hai đứa nhắc tên những nhân vật trong xóm ngày xưa, những câu chuyện cũ rích, vui nhất là chuyện những người đẹp, và tại sao hồi đó tụi mình hổng lấy nhau.
Là xóm tôi đó, chỉ với diện tích chưa đầy cây số vuông, mà những mỹ nhân kể ra cũng khá nhiều.
Đẹp ở đây là đẹp thiệt, chứ không phải “coi được, có duyên, dễ thương” đâu nhé. Hồi đó, mỗi chiều Chúa Nhật sau giờ tan lễ Nhà Thờ, cả xóm được ngắm những chị đẹp thướt tha trong tà áo dài muôn màu. Riêng vài người đẹp nổi bật “nghiêng nước nghiêng thành” thì có Bích Thủy được chàng công tử nhà Bác Sĩ ngay chợ Gò Vấp mê như điếu đổ, là Mỹ Linh từng làm rung rinh bao trái tim các chàng trai khu xóm Z.751, là chị Hồng quán chè, chị Nữ xe nước mía. Đẹp trí thức thì có chị Hạnh (Nha Sĩ), chị Hà, chị Yến, đều là cư dân xóm Chùa Vĩnh Quang.
Đặc biệt xóm tôi có vài gia đình thuộc loại “đẹp đều”, nghĩa là cả cha mẹ đẹp, sanh ra các con trai gái cũng đều đẹp như nhau. Xóm Nhà Thờ có chị Kiêm, bốn đứa con chị đủ trai đủ gái thừa hưởng nét đẹp mạnh mẽ sắc sảo của chị, (chị Kiêm còn có các anh chị em cũng rất đẹp, đó là chị Hoài có đôi mắt mơ màng như nước hồ thu, em trai của chị là anh Đạt, đi chung chuyến tàu vượt biên với tôi qua Thailand). Kế bên nhà Cha Xứ, hai căn nhà của gia đình cô Ngọc cô Nga là hai chị em có chút nét lai Pháp từ ông bà ngoại nên các con của hai cô thuộc loại trắng trẻo, trai xinh gái đẹp cả nhà. Cô bé út nhà cô Nga năm nào cũng được chọn làm Đức Mẹ trong đêm Canh Thức đón Chúa Giáng Sinh.
Bên xóm Chùa có hai gia đình “đẹp đều” là nhà bác Đại và bác Kỷ. Nhà bác Đại, các con cao ráo, thanh lịch, trong đó có chị Hà từng đi với tôi một chuyến vượt biên hụt ở Miền Tây. Mấy đứa em trai chị xấp xỉ tuổi tôi, từng là “mơ ước” của nhiều đứa con gái trong xứ, vì đó là gia đình khá giả, lãnh đồ Mỹ đều đều. Nhà bác Kỷ, các cô con gái dịu dàng, ăn nói ngọt ngào, các cậu con trai cũng thế, nổi bật là chị Hằng, là cô giáo, với mái tóc dài mượt mà, khuôn mặt trái soan như Thanh Nga, được thầy Trần Văn Triệu, hiệu trưởng trường cấp 2 của tôi trồng “cây si” miệt mài một thời gian dài. Mỗi chiều thầy Triệu chạy xe đạp đến nhà chị Hằng, phải đi qua nhà tôi, vì nhà chị Hằng cuối ngõ, hễ Thầy thấy tôi đứng sớ rớ trước cổng là Thầy bối rối (hơi quê), nhìn qua chỗ khác, nhưng tôi luôn mau mắn... lập công:
- Thầy ơi, chị Hằng có nhà đó Thầy!
Dĩ nhiên, cuộc tình “một chiều” này cũng chẳng tới đâu, vì chị Hằng khôn ngoan, mơ ước cao hơn nhiều. Thầy Triệu chỉ là hiệu trưởng, đồng lương có là bao, cả đời chạy xiếc xe đạp, đã vậy suốt ngày chỉ biết viết lách, làm Thơ, sống như ở “trên mây”, là những thứ chị Hằng không cần.
Mà cái xóm gì kỳ lạ, ngay cả người rũ áo bụi trần để khoác áo nâu sòng cũng... đẹp hơn người thường đó đa. Sư cô Huyền, nay là trụ trì Chùa Vĩnh Quang, cũng là người trong xóm vào Chùa tu từ bé. Hồi tôi còn ở Việt Nam, sư cô Huyền dù là trong tấm áo cà sa, mái tóc không còn, nhưng khuôn mặt vẫn đẹp đậm đà, nên thường bị đám thanh niên ăn không ngồi rồi quanh xóm Chùa tụ tập ở khu gò mả kế bên Chùa, đờn ca các bài nhạc vàng bolero chọc ghẹo sư cô, đại loại như: “Em tôi xinh đẹp hơn người thường, không áo xanh áo đỏ thơm hương, nhưng trong vườn Chùa lá thu bay, ôi ngọc ngà nhan sắc thơ ngây” (nhái nhạc Trần Thiện Thanh).
Nói đến “gái sắc” thì cũng nên kể về “trai tài” cho đồng đều, phải không quý vị?
Ở đây, tôi chỉ xin nói về “tài” học vấn thôi nhé, còn các chàng có những tài khác trong xóm, như tài chơi nhạc, ca hát, họa sĩ, kể cả tài “phá làng phá xóm” cũng có luôn nha, xin hẹn dịp khác.
Mở màn cho nhóm trai tài, tui xin được “ưu tiên” giới thiêu bốn ông ... anh ruột của tui, chớ cần gì kiếm đâu xa. Ngoài ông anh Hai vào Đại Học trước năm 1975 khi Miền Nam chưa lọt vào tay Cộng Sản Bắc Việt, thì ba ông anh kế tiếp lần lượt đậu Đại Học trong vinh quang, khi mà lý lịch gia đình còn vướng “ngụy quyền”, nhưng vì điểm đậu quá cao không thể bị đánh rớt. Riêng người anh thứ Năm, mùa thi Đại Học năm 1979 căng thẳng chiến tranh phía Bắc và Tây Nam, sợ bị gọi đi “nghĩa vụ quân sự”, anh liền thi hai trường Đại Học, một trường Cao Đẳng, kết quả đều đậu điểm cao, nhưng vẫn bị nhận giấy nhập ngũ. Gia đình tôi bèn lập kế hoạch cho anh đào ngũ từ quân trường, rồi phiêu bạt nơi sông nước Miền Tây mấy tháng trời, trước khi vượt biên trót lọt qua Songkla, Thailand.
Xóm Chợ có nhà ông Y tá Long, có 5 người con trai đều học giỏi, trong đó có Điền học trên tôi hai lớp, sau đó đậu vào Bách Khoa, và em kế là Hiệp vào Y Khoa dễ như ...ăn cháo. Kế bên nhà bác Long, cũng là gia đình có mấy cậu con trai học hành siêu đẳng, có bán quán tạp hóa, mà hễ ai đi ngang thấy cậu trai nào ngồi canh hàng giúp gia đình, là y như rằng trên tay họ cầm cuốn sách, đọc đọc, ghi ghi chép chép, cặp kiếng dày cộp, bảo đảm có bị ai lấy trộm hàng cũng chả biết, có người ngồi coi hàng cũng như không.
Xóm Chùa có gia đình cô Kết, cô giáo mẫu giáo của tôi hồi bé, ngoài chị Hạnh là con cả làm Nha Sĩ, các cậu em của chị cũng thuộc nhóm hiền lành, ngơ ngác “chỉ biết ... học thôi, chả biết gì!”. Tôi nhớ nhứt anh Tư có biệt danh là “Tư Bác Học”, nghe tên là đủ biết rồi nha, khỏi nói nhiều.
Là “gái sắc” thì sẽ có nhiều “cây si” theo đuổi, là “trai tài” cũng sẽ có nhiều bóng hồng ái mộ, mếm tài. Anh Hai tôi, dạy học ngoài Cần Thơ, mỗi lần về thăm nhà vội vàng, thời “Cả Nước Xuống Hố”, đem theo quà Miền Tây, nào xoài, nào chuối khô, cốm dẹp, bồi dưỡng đám em nhỏ trong nhà, rồi dẫn chúng tôi đi trám răng nhổ răng... miễn phí (của nhóm bạn học chung Đại Học Khoa Học thuở xưa, nay họ làm Nha Sĩ, Bác sĩ), rồi chiều tối anh bắt chúng tôi đem bài vở ra để anh dạy kèm, nên anh chẳng có thời gian đi chơi trong xóm. Có lần, một chị hàng xóm đến thăm anh, hai người ngồi nói chuyện đến khuya, khi tiễn chị ra về, đi ngang qua chiếc giường tôi nằm ngủ ngay phòng khách, nên nghe được câu trách móc dỗi hờn của chị (không phải tôi nghe lén đâu á):
- Mỗi lần anh về xóm chắc là bận đủ điều, em đợi hoài chẳng thấy bóng anh sang nhà chơi, nên hôm nay em phải ... hạ mình đến gặp anh đó, anh biết chưa!
Nào phải anh là gỗ đá mà hổng có trái tim, có điều, sau hai mối tình không thành với hai cô gái vùng “gạo trắng nước trong”, anh đã ấp ủ con đường vượt biên để lo cho gia đình, chuyện tình cảm tính sau.
Có một thời gian, căn nhà của gia đình tôi trở thành “Xóm Học” vì các bạn chung trường Đại Học của mấy ông anh, kẻ ở Miền Trung xa lắc, người ở Hốc Môn, người ở Miền Tây, đều tá túc ăn ngủ nhà tôi. Thỉnh thoảng vào cuối tuần, ông anh Ba nhóm họp bạn có máu văn nghệ tại nhà, đờn địch ăn uống vui vẻ. Trong nhóm có anh Tiến, cao ráo, nước da sạm màu phong sương, đang quen biết với chị Cẩm, tiểu thơ con gái nhà giàu. Bữa đó, mấy anh đang ca hát rộn ràng bên trong nhà, thì chị Cẩm chạy chiếc Honda Dam dừng ngay cổng, tôi đi ra chào, chị mừng rỡ:
- Có anh Tiến ở trỏng không em? Chị muốn gặp ảnh chút xíu!
Tôi hớn hở:
- Dạ có, để em vô kêu ảnh nha.
Vào trong, vừa báo tin có chị Cẩm kiếm, anh Tiến xua tay:
- Thôi, em ra nói hổng có anh ở đây.
- Ủa, sao được! Em lỡ nói có anh rồi?!
- Bữa nay anh không muốn gặp, em ra nói sao thì nói, cho chừa cái tật ... tài lanh!
- Anh ác lắm nghen anh Tiến! Người ta là con nhà lá ngọc cành vàng, chạy xe từ Cầu Chữ Y xuống vùng mút chỉ cà tha Gò Vấp này thăm anh, mà anh nỡ lòng nào ...
Tôi đành mặt sưng mày sỉa, ra ngoài nói với chị Cẩm là anh Tiến đã về hồi nãy, nhưng nhìn vào mắt chị, tôi biết chị biết tôi nói dối, tôi áy náy lắm, nhưng biết làm sao hơn.
Thực tình mà nói, trong chuyện tình yêu, tôi đồng ý với trường phái “ai tỏ tình cũng được”. Không nhất thiết con gái phải thụ động, chờ chàng trai lên tiếng trước. Có khi chàng hiền lành, vụng về, hoặc vì lý do nào đó chưa dám thổ lộ, mà nàng cứ chờ, chờ mãi, sẽ vuột mất cơ hội cho cả hai, sau này lại ca bài “Tình Lỡ” . Chi bằng, nàng cứ mạnh dạn bày tỏ, như hai trường hợp tôi vừa kể trên, cho “người ta” biết tình cảm của mình, để còn biết kết quả sớm sủa, đặng nếu thất bại thì đi tìm... mục tiêu khác, khỏi mất thời gian.
Giờ đến chuyện “tên trùng tên” của xóm tôi. Chị Thanh Dương có viết bài “Con Đường Mang Tên ... Thanh” vì chỉ với con đường vài trăm mét mà có đến 4-5 nàng tên Thanh, nhưng cũng chưa nhiều bằng tên Vân đâu nhé. Một trong hai nhỏ bạn thân của tôi trong xóm là Bích Vân. Ngay bên chợ Đức Tin có nhỏ Vân Củi (vì nhà bán củi). Nhỏ này, nhìn kỹ thì rất đẹp, mũi nhỏ, môi xinh, mắt to tròn, nhưng nó bị điểm trừ rất lớn là nước da đen thui (gái Cambodia còn ... trắng hơn nó luôn đó đa!), mà khổ nỗi, đàn ông ít ai chịu nhìn kỹ nên nó hơi bị ...ế, và vì người Việt mình cũng khoái “nhất dáng nhì da”.
Xích lên khu trại gia binh thì có Vân Gà, con của bà Năm bán gà. Nhà thầy giáo Đăng cũng có cô con gái làm cô giáo tên Vân. Chị này luôn luôn đeo đôi bông tai hình tròn bự tổ chảng nên xóm gọi là Vân Khoen Tai. Bên hông nhà thờ có nàng Vân (Tấu) là con của bà Tấu. Nàng Vân Tấu và nàng Bích Vân hiện nay là hai ca trưởng của hai ca đoàn nhà thờ Đức Tin, vẫn còn kèn cựa, cạnh tranh nhau trong việc hát ca phụng vụ, thậm chí Cha xứ phải ra tay mà vẫn chưa có... hòa bình, chỉ bằng mặt chớ chưa bằng lòng, (hỏi xem Chúa trên tòa cao có dzui!?).
Ngõ hẻm Đất Đỏ thì có Hồng Vân bán thuốc là trước cổng Z751, nhỏ này xinh xắn miệng nói không lành da non nên lấy chồng cũng rất sớm là chàng cầu thủ của Z751! Ngoài ra còn có Vân Bún Măng Vịt con ông bà Đông chuyên bán bún vịt.
Tới đây tô xin mở ngoặc, kể chút chuyện. Một anh bạn học chung ngoài Sài Gòn có lần hỏi tôi:
- Ủa, sao xóm em mang cái tên Z751 giống như... bí số, nghe như phim hình sự, phim 007 vậy cà, hổng lãng mạn thơ mộng chút nào.
Tôi cười:
- Anh đến đấy, coi chừng bị giật mình, vì kế bên xóm Z751 của em sẽ là các xóm mang các “bí số” khác nữa: Xóm C30, X28, X32, đó là chưa kể phải ngang qua... Ngã Năm Chuồng Chó nữa nghen! Hết hồn chưa nà?!
Quả thật, trước năm 1975, nơi đây là khu quân sự của quân đội VNCH với các trại Quân Cụ, Quân Nhu, Quân Trang, Truyền Tin, Quân Khuyển, và sau khi rơi vào tay Cộng Sản Bắc Việt, họ vẫn giữ các khu quan sự này với các tên toàn các chữ số khó hiểu.
Trở lại chuyện các tên trùng tên của xóm, tên KimLoan của tôi ngoài xã hội thì đại trà bao la, nhưng trong xóm chỉ trùng với một chị Loan. Nhưng có điều thú vị, cả tôi và chị chỉ xài tên Loan trên giấy tờ, trong xóm chẳng ai biết, vì họ chỉ biết tên của tôi ở xóm là Thoa, và chị Loan kia ở xóm gọi là Hương.
Bởi vậy, nếu có chàng nào ngơ ngác lạc vào xóm tui, hỏi nhà cô Loan, thì phần nhiều sẽ nhận được câu trả lời rất... chảnh, rất lạnh lùng rằng:
- Xóm này hổng có ai tên Loan hết á!
Ủa, đang yên đang lành, Tết đến mần chi, để tôi bỗng nhớ da diết xóm cũ thương yêu của tôi thế này!
Thôi, tui đi khóc đây.
Edmonton Feb 3/2024,
KIM LOAN
" Father, forgive them, for they do not know what they are doing"
-Luke 23:34-