GIÁO DỤC THÂM ÂN
Biên Hòa (BH) quê tôi là một tỉnh lỵ yên bình, được dòng sông Đồng Nai hiền hòa xanh mát uốn khúc lượn quanh. Thấp thoáng xa xa có hai ngọn núi nhỏ Châu Thới và Bửu Long, tuy không hùng vĩ lắm, nhưng cũng góp phần tô điểm thêm cho phong cảnh thiên nhiên yên bình và đẹp như một bức tranh vẽ trên một vùng đồng bằng trù phú.
Có lẽ yếu tố phong thủy đặc biệt này đã giúp cho người dân BH có tâm tính hiền hòa, hiếu học và đặc biệt là có truyền thống Tôn Sư Trọng Đạo.
Thật vậy, ngay từ những năm học lớp vỡ lòng ở tiểu học, học sinh chúng tôi đã được Thầy Cô dạy ê a đánh vần các câu cách ngôn diễn giải về đạo làm học trò như “Nhất tự vi Sư, bán tự vi Sư"; "Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy"; "Không thầy đố mày làm nên" …
Rồi khi lớn lên học hành ở bậc cao hơn, tình cảm yêu quý và tri ân Thầy Cô vẫn được duy trì. Các học sinh BH với lòng kính trọng và biết ơn, đã thể hiện việc tri ân đến Thầy Cô bằng những việc làm thiết thực và dễ thương như rủ nhau đến chúc tết Thầy Cô vào dịp đầu năm, tổ chức thăm viếng Thầy Cô khi ốm đau, hoặc hiệp lực giúp đỡ Thầy Cô khi hữu sự.
Gần đây, truyền thống tôn sự trong đạo một lần nữa được thể hiện đậm nét hơn qua chương trình: “Về lại trường xưa “(VLTX) do anh chị Lam-Mai tổ chức trong lần về thăm BH vào cuối tháng 9/2023, với sự hưởng ứng nhiệt tình của một số anh chị em là cựu học sinh Ngô Quyền (NQ) các khóa. Một trong những nội dung cảm động của chương trình VLTX là nghi thức dâng hương trước tượng Vua Ngô Quyền, sau đó là phần dâng hương và mặc niệm trước Bia tri ân các Thầy Cô giáo đã có công khai sáng và dạy dỗ cho nhiều thế hệ học trò NQ. Quanh cảnh trang nghiêm, thành kính rất cảm động được ghi lại qua đoạn video clip ngắn. Giáo sư Tô Hoàn Lộc - nguyên Hiệu Trưởng trường Trung Học NQ - đã trang trọng giới thiệu tên của các vị giáo sư trong Bia Tri Ân, trong đó có nhiều Thầy Cô đã từng dạy tôi như Thầy Cảnh, Cô Còn, Thầy Đại, Thầy Thân, Cô Khang, Thầy Có, Thầy Tỵ, Thầy Cơ..., hình ảnh của các Thầy Cô đã quá vãng như đang tái hiện sống động trong tiềm thức của tôi, khi nghe Thầy Lộc xướng danh trong đoạn clip.
Việc tri ân, tưởng niệm quý Thầy Cô đã quá vãng không phải có mới đây mà đã hình thành từ rất lâu tại BH quê tôi. Ngay từ những năm 1940s, trường tiểu học Nguyễn Du đã lập bàn thờ tiên sư để thờ linh vị của các Thầy Cô giáo trong tỉnh BH đã quá vãng. Bàn thờ Tiên Sư được bài trí trang trọng tại một gian thờ cạnh phòng hiệu trưởng. Ngay chính giữa gian thờ, hai chữ "Tôn Sư" nằm dưới tấm hoành "Giáo dục thâm ân" được khắc bằng chữ Nho. Ngày 25 tháng chạp hàng năm được chọn là ngày giỗ Tiên Sư. Trong ngày này, rất đông các vị thân hào nhân sĩ của tỉnh, giới giáo chức, các thế hệ cựu học sinh khắp nơi về dâng hương, để tỏ lòng tri ân các Thầy Cô đã có công đóng góp trong lĩnh vực giáo dục của tỉnh nhà. Việc lập bàn thờ Tiên Sư và duy trì lễ giỗ hàng năm là một nét văn hóa độc đáo riêng có, tiêu biểu cho truyền thống Tôn Sư Trọng Đạo của BH, ít nơi nào có.
Tại California, hàng năm hội cựu học sinh NQ- BH hải ngoại vào dịp lễ độc lập 7/4, cũng tổ chức họp mặt với đông đảo cựu học sinh khắp nơi về dự. Trong những dịp hội ngộ như vậy, ban tổ chức đều trân trọng kính mời quý Thầy Cô về dự để vinh danh công ơn dạy dỗ của Thầy Cô, với tình cảm quý kính và trân trọng nhất.
Trong dịp về thăm quê ngắn ngủi, anh chị Lam-Mai đã tổ chức chương trình VLTX với những hoạt động rất độc đáo và ý nghĩa. Tình cảm của các anh chị cựu học sinh hướng về Thầy Cô hiện tiền cũng như đã quá vãng trên tinh thần “Giáo dục là thâm ân” thật đáng trân trọng và ngưỡng mộ.
Mong sao truyền thống Tôn Sư Trọng Đạo- Một nét đẹp văn hoá của dân tộc Việt Nam- sẽ mãi mãi trường tồn mọi lúc mọi nơi, để trở thành một trong những tiêu chí cho sự văn minh và tiến bộ của xã hội.
(Nguồn ảnh : FB Biên Hòa Quê Tôi)
Hiep Phan_ 10/2023