Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - BIÊN HÒA TRONG NỖI NHỚ

Wednesday, February 16, 202212:40 AM(View: 13636)
Nguyễn Thị Thêm - BIÊN HÒA TRONG NỖI NHỚ
BHTrong Noi Nho



- Cô ơi! Má con muốn nói chuyện với cô nè!

Với giọng thật vui, đứa cháu tôi gọi tôi trên messenger. Thằng em tôi kéo chị lại một góc và nói:

- Em hẹn bên VN hôm nay chị em mình gọi về thăm. Chừng 8 giờ bên này thì hai chị em mình lên nói chuyện.

Tôi vui vẻ gật đầu và đúng 8 giờ tối, hai chị em lên phòng, mở ipad nói chuyện với cháu ở VN.

– Cô Chín hả? Chị nè.

Tôi nhìn bà chị dâu trong màn hình Ipad.

– Chào chị! Chị khỏe không?

- Biết nói sao giờ. Cũng phẻ mà cũng rề rề.

- Thế hôm nay khỏe hay rề.

– Ha ha! Hôm nay thì phẻ. Nghe giọng cô có rề rề cũng thành phẻ thôi.

Chị dâu tôi cười thật tươi, nói chuyện thật nhiều với tôi trên màn hình ipad. Nhìn chị dù tươi vui nhưng thần sắc không được như trước. Chị than lúc này khớp chân tay có bớt đau nhức chút đỉnh vì nhờ chúng tôi đã gửi thuốc Glucosamine về cho chị uống. Nhưng chị hay bị cảm cúm mỏi mệt bất thường. Chị than:

– Bây giờ mình già rồi cô Chín ơi, bảy mươi rồi còn gì- .

- Ha ha! Bây giờ chị mới chịu già. Em nhận mình già lâu rồi. Em đã 74 thì còn trẻ với ai.. Tôi cười nói với chị dâu như vậy.

Anh tôi ông nào cũng khôn , toàn lấy vợ trẻ tuổi hơn cả tôi. Tôi gọi bằng chị lễ phép nhưng so ra thì tuổi tôi hơn hẳn các chị (trừ chị dâu lớn nhất). Các chị đối với tôi cũng rất thân tình không có kiểu em chồng chị dâu rắc rối. Nhưng dù có trẻ gì chị dâu tôi năm nay cũng bước vào thất thập.

……

Chị Tám tôi người Biên Hòa chánh gốc. Ba chị cũng có tiếng tăm ở Hóa An. Cho nên quanh quẩn Biên Hòa bà con chị nhiều lắm. Mỗi lần về đi chợ Biên Hòa thì y rằng khỏi phải trả giá hay kỳ kèo. Chị và đứa cháu gái cứ dẫn tôi ra mấy sạp quen. Sạp quần áo có mấy người quen,, sạp vải, sạp tạp hóa, sạp trái cây. Sạp nào cũng là quen biết, giống như người nhà.

Cứ đến coi hàng, thích cái nào thì lựa rồi chủ tiệm thiệt thà cho biết cái nào tốt, cái nào xấu giá cả ra sao. Khỏi cần trả giá vì các chị tính giá đặc biệt. Lấy một chút xíu lời cho vui còn thì tính giá vốn. Chọn hàng xong trả tiền rồi gửi lại đó. Đi một vòng chợ rồi trở lại lấy đem về. Về nhà không vừa ý đem ra đổi lại. Dễ dàng mà khỏi nhức đầu. Cứ như vậy, mỗi khi về VN là tôi đi một vòng chợ là xong xuôi những gì mình muốn mua sắm.

Tôi nhớ Tết năm ngoái cháu tôi ngắm nghía tôi một hồi rồi nói:

– Con chở cô Chín đi gội đầu , tụi nó cắt lại tóc cho cô.

Thế là cháu chở đến một tiệm bên đường kế chân cầu Mới. Vừa dừng xe cả mấy cô trong tiệm reo vui chào cô Chín mới về thăm nhà. Cháu Trang thả tôi tôi ở đó rồi đi chợ. Khi nó về lại để đón tôi đã có một mái tóc mới, vai được xoa bóp nhẹ nhàng và một buổi nói chuyện với các cô trong tiệm thật vui, nhưng trả tiền là mấy đứa không nhận. -Chị Trang la tụi con chết. Cô Chín cất lại dùm con.-

Tôi không chịu thì Trang đã nói ” Con cháu trong nhà không hà cô Chín ! Để đó con tính với tụi nó. Mình về nghen cô.

blank



Biên Hòa tuy lớn, nhưng người dân lâu năm ở đó quen biết từng con đường, từng góc phố , xóm nhỏ. Mọi người thân quen như người nhà thật ấm cúng.

Tôi nhớ sáng sớm chị dâu tôi hỏi “Hôm nay cô 9 muốn ăn gì?”. Thế rồi lên xe honda, hai chị em đội hai cái nồi cơm điện, chị chở tôi đi ăn bánh ướt. Tới nơi là bà chủ tiệm đã chị chị em em nói cười rộn rã. Ăn xong, chị ghé chợ nhỏ gần đó mua thức ăn về. Thức ăn tươi, tôm cá nhảy soi sói bắt mê. Chả bù bên này đa phần ăn đồ đông đá.

Có hôm một chị làm nghề lưới cá đem đến mấy con tôm thật to còn tươi sống tới nhà. Thì ra chị dâu tôi dặn người đi lưới có tôm ngon thì đem đến chị nấu cho tôi ăn. Chị luộc mấy con tôm đặt trong cái dĩa men trắng để trước mặt tôi:

-Cô Chín ăn đi. Tôm lưới từ sông Đồng Nai mình. Ngọt lắm.

Tôi nhìn mọi người ngồi quây quần bên mâm cơm. Trên bàn thức ăn không thiếu, nhưng mấy con tôm này chắc mấy đứa cháu nhỏ cũng thòm thèm. Không ăn thì phụ lòng chị mà ăn thì nuốt sao vô. Tôi cười cười đứng lên. Lấy một con ngắt đầu, bẻ càng rồi đem phần mình tôm đặt trong chén của tôi.

-Người ta nói nhất đầu, nhì càng. Em để phần này anh Tám nhậu. Em ăn phần mình tôm để biết hương vị quê hương. Còn mấy con tôm này, chị 8 chia cho các cháu, mừng bà cô về thăm nhà.

Anh Tám tôi là lính biệt động quân, anh quen chị khi đóng quân tại Hóa An. Sau 75 anh chọn nơi này làm quê hương. Hai vợ chồng bám ruộng và thổ do cha vợ để lại Các cháu tôi vừa học vừa làm, phụ cha mẹ trồng hoa màu đem bán cho các tiểu thương ở chợ Biên Hòa. Khi các cháu tôi đã lớn, có gia đình anh về phụng dưỡng ba tôi khi tôi đã đi Mỹ. Anh hoạt bát, rộng rãi và rất có hiếu. Khi ba tôi mất, anh về ở luôn ở nhà từ đường và chăm sóc vườn cây trái. Nhưng không ai ngờ anh Tám tôi cũng rời bỏ vợ con ra đi khi tuổi quá 60. Anh ngồi tiếp khách trong nhà, cô em họ ngoại của tôi đến mời anh làm chủ lễ trong đám cưới của con gái cô ấy. Anh cùng chị ngồi bàn tính phải làm như thế nào cho đủ lễ nghi. Đang nói chuyện, anh than mệt và đi nằm. Xong anh nằm yên như vậy không bao giờ thức dậy. Anh ra đi bình yên và nhẹ nhàng.

Anh tôi mất, chị tôi một mình quán xuyến vườn tược, ruộng nương. Lo cho con cháu mọi việc vuông tròn. Đối với bên chồng chị tận tình làm tròn nhiệm vụ.

Mỗi khi tôi về, con cháu chị dù bận mấy cũng chiều là tập trung về nhà mẹ. Mỗi đứa một món quây quần mừng cô về thăm. Ngày tôi đi mấy cháu còn nhỏ xíu vậy mà bây giờ đều trưởng thành, nên gia thất và thật giỏi giang.

Tình gia đình ngọt ngào như vậy nên tôi dù đi bao nhiêu năm vẫn nhớ thương Hóa An nơi chị dâu tôi sinh ra và trưởng thành. Bác Gái má chị dâu tôi là một bà mẹ tuyệt vời. Bác coi tôi như con gái. Mỗi lần về là bác rủ tôi ngủ chung phòng để hai bác cháu thức trò chuyện cả đêm.

Bác vừa mất năm kia đúng ngày mồng một Tết. Tôi chưa thấy một người già nào yêu đời như Bác. Lúc nào Bác cũng nở một nụ cười tươi. Ngày Tết các trò chơi bài cào, lắc bầu cua, chơi xì dách hay bài tứ sắc bác đều tham gia một cách nhiệt tình. Bác lại mê nhất môn đá banh, bà già trên 90 tuổi mà không có trận đấu nào bỏ sót. Bác có thể nhận xét lối đá của cầu thủ một cách rất dí dỏm và khá chuyên nghiệp. Nhưng đời người, không ai thoát khỏi vòng sinh tử. Bác đã lìa bỏ các cuộc vui trần thế để rong chơi ở cõi ta bà vào ngay ngày đầu năm mới.

Chị dâu tôi rất giỏi. Chị có thể leo cây nhanh không thua bọn trẻ. Chị đi cấy, đi cắt lúa giỏi hơn tôi dù tôi từng làm hợp tác xã nông nghiệp miền Bắc. Chị lưới cá dưới ao, xã đìa bắt cá lóc, cá trê rất rành nghề. Chị trồng hành, trồng bắp cải, xà lách và các loại hoa màu rồi bỏ mối các chợ. Chị nấu ăn ngon. Nghĩa là chị dâu tôi cái gì cũng có thể đảm đang cho anh trai tôi yên tâm … đi nhậu.

Tôi thương chị dâu tôi lắm. Một người phụ nữ tánh tình điềm đạm tận tụy với chồng con. Bao nhiêu năm rồi anh tôi mất, người con gái Biên Hòa như chị gánh vác việc gia đình đâu ra đấy. Con cái hiếu thuận, ăn nên làm ra. Chị còn phải lo cho phần nhà từ đường cha mẹ tôi để lại. Cứ bôn ba một kiểng hai huê chị đi đi về về để có thể chu toàn. Bây giờ mặc dù chị than đau bệnh nhưng thỉnh thoảng một mình lái xe hai bánh về quê chồng để coi sóc nhà cửa, vườn tược hương quả. Tôi nghe xong giật mình sợ chị lái xe đường dài nguy hiểm. Chị cười:

– Lái xe đi có mệt nhưng tiện lắm cô ơi! Đón xe đò rồi về nhà bó chân một chỗ có đi thăm viếng ai được đâu. Cô yên chí, bà già này coi vậy chứ vẫn còn gân.

Nhà tôi đông anh em trai, chỉ có mình tôi là con gái. Nhưng thật là phước báo, các anh và em trai tôi đều lấy vợ Biên Hòa. Những người con gái miệt vườn xinh đẹp và giỏi giang.

Năm 2019 tôi về Việt Nam ăn Tết và cúng giỗ ba tôi. Đó là lần đầu tiên tôi tham dự giỗ cha cùng các anh em, con cháu. Mọi người về đủ quây quần nấu nướng và làm lễ thật vui. Không khí ngày Tết gia đình ngay tại nhà từ đường sao mà thiêng liêng và đầm ấm quá. Tôi đã lên chức cố, bà cố ôm cháu vào lòng mà nhớ đến ông nội nó ngày trước mình bồng ẵm trên tay. Có đi xa mới thấy tình gia tộc ruột rà quý giá. Các cháu trai thay phiên nhau nấu món đặc biệt đãi cô. Các cháu gái dẫn tôi đi làm đẹp da mặt, mua sắm, đi chơi các nơi, ăn trái cây bằng thích.

Người ta sợ về VN sẽ phải ôm đồm chi tiêu vì hai chữ Việt Kiều. Riêng tôi, các cháu không cho tôi chi trả bất cứ thứ gì. Chúng nói: ” Cái thời khó khăn đã qua, bây giờ đến lúc tụi con phải lo lại cho cô Chín” Cám ơn các con, những người con dân Biên Hòa hiếu thảo.

Tôi về lại Mỹ đúng lúc dịch Coronavirus phát tán. Chính phủ Mỹ cấm tất cả chuyến bay của Tàu đến phi trường. Việt Nam sát biên giới Tàu nên tình hình lây nhiễm thật đáng sợ. Bên Mỹ tôi lo cho đại gia đình ở VN. Tới lúc Mỹ bị dịch tràn lan, ở VN lại lo cho chúng tôi bên này. Hai năm qua đi, biết bao nhiêu cái chết bi thương. Khi cận kề sinh tử con người mới suy nghiệm ra sự mong manh của cuộc sống của hơi thở của tình người. Vài ngày trước vẫn khỏe mạnh, lịch lãm. Đùng một cái nghe tin bị dịch, xe cấp cứu vội vã chở đi. Ngày về chỉ là một hũ tro cốt vô tri ôm vào lòng để khóc.

……

Ông anh lớn nhất của tôi cưới chị dâu tôi là người quê ở Phú Hội Long Thành BH. Xã Phú Hội nổi tiếng con gái đẹp và giỏi. Tôi nhớ ngày đám cưới anh, tôi đang ở tuổi dậy thì. Ba tôi đãi tiệc lớn lắm, mời những người đứng bếp thật giỏi về nấu. Mỗi người phụ trách một món. Má tôi bận đi rước dâu, tôi lúc đó thay mặt má chạy lo mọi việc mỗi khi họ cần.

Chị dâu tôi mặc áo rộng, nón cụ quai thao, anh tôi mặc áo dài khăn đóng. Xe dừng ở đầu làng . Đám rước dâu đi vòng qua chợ rồi mới về nhà. Pháo nổ rền vang rước chị dâu tôi về, con nít đi theo sau đông như coi hát.

Anh chị lễ mễ lạy bàn thờ gia tiên và cha mẹ đúng theo phong tục. Anh tôi vì đã tập trước nên lạy lên xuống rất đều và đẹp. Ngày xưa lễ nghi khó khăn, anh tôi đi coi mắt chị, rồi đồng ý để ba má tôi trầu cau dạm hỏi. Từ đó đến ngày cưới là gần một năm hai anh chị chưa hề được đi chơi riêng với nhau một lần. Mỗi khi anh tôi đến nhà chị “làm rể” thì đều ngồi ở nhà trên nhậu với ông già vợ. Chị phải lo nấu nướng phục vụ và ở… nhà bếp.

Một lần khi anh tôi ra xe về, chị lén dúi vào tay anh tôi chiếc khăn tay chị thêu rồi bỏ chạy nhanh vào nhà. Chiếc khăn không tẩm dầu thơm mà thoang thoảng hương hoa lài . Đó là món quà định tình đầu đời của chị dâu tôi.

Ngày cưới là ngày chị dâu tôi đầu tiên đến nhà chồng . Đúng với câu ” Động phòng hoa chúc” đó là giờ phút hợp cẩn thiêng liêng của một người con gái nguyên trinh. Vậy mà thoắt cái anh chị tôi đã có với nhau 7 mặt con.

Anh tôi đã ra đi yên bình vào một buổi sáng đẹp trời. Ly cà phê anh uống chưa nguội, anh than mệt rồi đi nằm. Không ngờ anh nằm im mãi mãi không đứng lên. Ba tôi làm đám ma cho con nước mắt lưng tròng. Cha già khóc đứa con trưởng nam thật tội nghiệp. Chị tôi ngậm ngùi than thở: “Phải biết anh đi như thế này thì anh muốn gì chị cũng không bao giờ ngăn cản”. Chị dâu tôi bây giờ thật già, lại bị tim thòng hay mệt thình lình. Chúng tôi mỗi lần về thăm đều coi nhà chị là nơi tập trung để đoàn tụ và nhớ về người anh cả hiền hậu của mình.

Chị dâu cả tôi thật giỏi trong vấn đề nấu nướng, chị luôn đứng nấu trong những lần gia đình có việc kỵ giỗ hay đám cưới, đám hỏi. Cái tôi học được từ người chị dâu đầu là sự sạch sẽ ngăn nắp trong gia đình, sự khôn khéo trong cư xử và sức chịu đựng bền bỉ trong mọi hoàn cảnh.

……

Bà chị dâu thứ Sáu của tôi là người quê ở Phước Thiền, xóm Trầu Long Thành. Chị giỏi giang trong vấn đề buôn bán. Sau 75 anh chị tôi về ở trong phần đất vườn của cha mẹ. Chị tảo tần với đôi quang gánh phụ chồng nuôi con. Trái cây trong vườn nhà , chị chịu khó đi bán kiếm tiền chợ. Chị bặt thiệp để vườn cây trái bán ra không bị thiệt thòi, giá cả phải chăng. Chị có bí quyết nấu xôi bắp thật ngon. Bắp không nhão, xôi thật vừa. Nhờ gánh xôi bắp mỗi ngày kẽo kẹt trên vai, chị đã cùng anh tôi vượt qua bao nhiêu khó khăn trong đời sống.

Ông anh thứ Sáu cũng ra đi nhẹ nhàng như người anh cả. Anh ra hái dừa vô cho chị dâu tôi nấu xôi. Con gái anh đi ngang thấy ba còn đứng đó. Cháu trở lại thì anh tôi đã nằm xuống đất yên bình giấc ngủ ngàn thu. Người không thương tích hay bị bất cứ dấu vết nào.

…….

Người em dâu Út của tôi cũng là người Biên Hòa. Ở ngay tại thành phố. Trước khi lấy chồng em không hề biết nấu ăn, chỉ đi học rồi đi làm. Mỗi khi nhà mẹ có việc, em chỉ phụ lặt rau hay dọn dẹp. Thế nhưng từ ngày lấy chồng, phải chăm chút cho mái nhà riêng tư em nấu ăn mỗi ngày mỗi giỏi. Bây giờ mỗi khi có tiệc tùng em là đầu bếp chánh. Ở chùa em cũng là người đứng bếp phục vụ ăn uống cho Phật tử mỗi khi Tết , lễ lớn hay có những buổi hành hương.

Nơi xứ người chỉ có hai chị em, em dâu tôi hiểu điều đó nên rất thương quý chị chồng. Có việc gì cần là em đến ngay. Những buổi nói chuyện tràn ngập tiếng cười vì em có khiếu nói chuyện, duyên dáng và pha trò rất vui.

Bây giờ nơi quê hương, ba người anh của tôi đã mất. Các chị dâu hiu hắt thân góa phụ cuối đời. Biên Hòa trong tôi mãi là nỗi nhớ khôn nguôi. Đối với các chị dâu, tôi thương như chị ruột. Mỗi khi chúng tôi về thăm quê hương, đại gia đình tập trung ở nhà từ đường, đoàn tụ sum vầy, yêu thương gắn bó. Các cháu tôi sẽ tiếp nối thế hệ chúng tôi duy trì tình gia tộc.

Các chị tôi giờ cũng lớn tuổi, người bệnh tim, người máu cao, tiểu đường, thấp khớp. Tôi cũng không còn trẻ, con đường đi không biết còn tiếp diễn suôn sẻ được bao lâu. Nhưng chừng nào trái tim còn rộn ràng yêu thương thì Biên Hòa và mái nhà chung vẫn là niềm nhung nhớ trong tôi.


Gửi đến Biên Hòa quê hương lời Chúc Mừng Năm Mới.

Chúc các bà chị dâu vượt bao bệnh tật để vui cùng con cháu.

Nguyện ơn trên gia hộ cho toàn gia tộc được bình an và hạnh phúc.

Nguyễn thị Thêm

 

Monday, June 2, 2025(View: 978)
Bây giờ hai chân còn khỏe tí để tiếp tục những chuyến bay thăm con. Vài năm nữa không biết sức khỏe thế nào. Thôi thì trăm sông đổ về biển, cái gì đến sẽ đến, cứ vui những ngày ta làm - tỷ phú thời gian - tận hưởng những hạnh phúc ấm áp quanh ta.
Friday, May 30, 2025(View: 1172)
Sáng Chủ Nhật 5/25/2025 Nhóm cựu học sinh Ngô Quyền (NQ) bắc Cali đã tổ chức buổi họp mặt thường niên tại nhà hàng Ánh Hồng trong khu Lion plaza của thành phố San Jose.
Thursday, May 29, 2025(View: 814)
Memorial Day không chỉ là ngày tưởng niệm những người đã ngã xuống. Nó là một khoảnh khắc mở — cho những người còn sống, để không phải giả vờ quên,
Thursday, May 29, 2025(View: 918)
Nam thẫn thờ chân bước lang thang như một người không hồn. Bây giờ anh chỉ còn biết trở về chu toàn công việc của mình mà Thượng cấp giao phó. Lòng cố quên đi những tình cảm do mình làm đổ vỡ
Monday, May 26, 2025(View: 1033)
“Nguy hiểm của TikTok không phải là làm bạn mất thời gian — mà là làm bạn mất nhịp với sự sống. Mà không có nhịp, thì không còn hơi thở. Mà không còn hơi thở — thì không còn bạn.”
Saturday, May 24, 2025(View: 3285)
Tôi luôn luôn kính nhớ ơn Đức Thánh Trần đã ban cho chúng tôi phước lành, may mắn ra đi được trong ngày 30/4. Và giờ đây, chúng tôi là người cao tuổi, đang vui hưởng cảnh thanh nhàn và hạnh phúc của cuối đời một người.
Friday, May 16, 2025(View: 13475)
Vào Chúa Nhật 18 tháng 5 năm 2025 tới đây, Thánh lễ nhậm chức của Đức Giáo hoàng Leo XIV sẽ khai mạc lúc 10 giờ sáng tại tòa Thánh Vatican.
Friday, May 16, 2025(View: 1768)
Chuyện lạ có thật. Ai lên Đà Lạt (Lâm Đồng), đến đồi Mộng Mơ tất sẽ thấy người ta xây hẳn một đoạn Vạn lý trường thành chừng 300m vắt vẻo uốn lượn từ đầu đồi bên này đến cuối đồi bên kia.
Friday, May 16, 2025(View: 1611)
Ông xã, bà xã để chỉ chồng hay vợ là lối nói của người miền Bắc, sau này mới du nhập vào miền Nam, có lẽ từ cuộc di cư năm 1954.
Friday, May 16, 2025(View: 2475)
Tôi tìm lại những mùi vị của phở bò chín, của nước ngọt xá xị, của miếng cơm cháy không vì thèm thuồng háo hức như thuở bé thơ mà chỉ vì tôi nghĩ đến mẹ. -
Sunday, May 11, 2025(View: 1894)
Tóm lại nếu ta dựa trên chỉ số GDP thì Lào là một quốc gia nghèo nhất trong vùng nhưng có lẽ dân Lào không biết GDP là gì nên họ sống một cách vô tư...
Sunday, May 11, 2025(View: 1572)
Ngày 6/5/2025, một tin buồn đến với người dân và cựu quân nhân miền Nam: điêu khắc gia, đại uý Nguyễn Thanh Thu, tác giả pho tượng Thương Tiếc ở nghĩa trang quân đội từ trần.
Sunday, May 11, 2025(View: 1656)
Bá gật đầu cười nhưng trong đầu cứ nghĩ Quỳnh Hà nói cho vui vậy thôi...Con trăng sau ngày rằm càng lúc càng sáng giữa bầu trời trong vắt không một gợn mây khiến dưới mặt hồ cũng có một vầng trăng đang lung linh trên mặt nước
Friday, May 9, 2025(View: 3415)
Giải phóng đất nước xong, mọi người dân cũng giống như đàn cá trên sông bị lùa vào một chỗ và họ tung lưới tóm gọn hết thảy. Khổ biết bao nhiêu.
Tuesday, April 29, 2025(View: 4811)
Nửa thế kỷ trôi qua, chúng tôi đã tha thứ cho những người đã chia cách gia đình chúng tôi, đã đẩy chúng tôi ra biển lớn, sống đời lưu vong. Tha thứ từ rất lâu, nhưng quên thì chắc chẳng bao giờ quên những ngày u ám năm xưa
Monday, April 28, 2025(View: 2154)
50 năm quê nhà quê người, quá khứ và hiện tại, mất mát đau buồn và thành quả nhận được. Em yêu hiện tại tốt đẹp này và ước mong tương lai tươi sáng tốt đẹp nhiều hơn nữa,
Monday, April 28, 2025(View: 1770)
Là những người miền Nam hiện đang ở hải ngoại, sống cuộc đời tự do, sung túc nhưng lúc nào cũng đau đáu nhớ về quê hương với hồi ức về những năm tháng sống hạnh phúc dưới một chế độ dân chủ,
Monday, April 28, 2025(View: 3759)
Quá nửa đêm, mệt lã vì tắm gội liên tục Tôi lịm người đi. Qua hôm sau, Tôi giận đời giận mình tức tốc rời Subic Bay bằng C130 tới Guam để làm thủ tục I94 đi định cư Mỹ.
Sunday, April 27, 2025(View: 3380)
Rất may vài ngày sau tháng 5 năm 1975, Tổng Thống Phi cho phép đổ Việt tị nạn cộng sản vào quân cảng Subic Bay Philippine do quân đội Mỹ trú đóng. Đời Tôi từ nay bắt đầu chuỗi ngày lưu vong, mang nặng nỗi sầu ly hương...
Sunday, April 27, 2025(View: 2395)
Tại căn chòi này vào đêm hôm đó Lê Văn Té được đổi tên thành Trần Văn Thế với biệt danh là Ba Thế – cậu Ba Thế. Lê Văn Té cảm thấy vô cùng hãnh diện khi được ba cán bộ lần lượt thay phiên nhau ca tụng cái tên “Ba Thế”