NHẬT KÝ "CẤM TÚC" TUẦN 39
Thứ hai 7 tháng 12
Là người yêu sách, cô Jennifer Martin có một thư viện nhỏ của riêng mình với hơn một ngàn năm trăm quyển.
Khi đại dịch hoành hành ở Hoa kỳ, các thư viện có lúc đóng, lúc mở cửa. Các em sinh viên hay học sinh Trung học biết cách “search online” để tìm tài liệu giúp cho việc học. Nhưng các em Tiểu học thì vẫn theo cách truyền thống, đến thư viện mượn sách.
Dạy Tiểu học đã hai mươi năm, Jennifer hiểu thư viện đã giúp các em mở mang trí óc rất nhiều, ngoài kiến thức học được từ cha mẹ, và thầy cô.
Từ ba năm nay, Jennifer dạy ở một trường Tiểu học ở ngoại ô thủ phủ Austin của Texas, thư viện gần nhất cách vùng có mật độ dân số khá thấp này đến 15 miles (24km). Nhiều người không có giờ chở con đi thư viện hàng tuần.
Học trò của Jennifer lúc còn đến lớp được bù lại bởi thư viện của trường, dù nhỏ nhưng có đầy đủ sách các em Tiểu học cần. Rồi "thuở trời đất nổi cơn... đại dịch", các em không còn được đến trường, phải học từ nhà, không còn có dịp đọc những quyển truyện tranh đủ màu, hay có thể làm bài tập từ những quyển sách Toán, hình nhiều hơn số dành cho các em Tiểu học.
Hiểu giá trị của sách vở đối với các em nhỏ, thương học trò không còn có đầy đủ sách vở như lúc đến trường, Jennifer đã biến cái garage ngôi nhà mà hai cha con cô đang ở thành một cái thư viện nhỏ có hơn 1,500 quyển sách.
Cái mini thư viện trong garage nhà cô giáo Jennifer mở cửa mỗi cuối tuần cho học trò đến đọc sách và có thể mượn về mỗi lần hai quyển sách.
Jennifer Martin và thân phụ trong "thư viện garage" nhà Cô - Courtesy of Jennifer & GMA
Đã ba năm nay, thay vì đi ăn ở ngoài, Jennifer tự nấu ăn ở nhà, để dành tiền mua sách hạ giá khi các tiệm sách cần có thêm chỗ để bày sách mới. Sách cho trẻ con lại khá rẻ nên nhiều khi chỉ cần hai mươi dollars, Jennifer có thể mua cả chục quyển sách on sale từ các quầy sách trong chợ, từ các tiệm sách lớn, nhỏ quanh vùng Austin.
Người dân địa phương thấy tấm lòng của cô giáo Jennifer, thương các em nhỏ ở vùng ngoại ô đã thiệt thòi nhiều trong đại dịch, đã đem đến tặng "thư viện garage" nhiều sách có giá trị cho học trò Tiểu học.
Nếu có nhiều cô giáo như Jennifer Martin, hai mươi năm nữa, con số tội phạm sẽ giảm nhiều. Và biết đâu nước Mỹ sẽ có thêm những Nhà Văn tài hoa như: Mark Twain, John Steinbeck, Ernest Hemingway....
Ngày xưa, còn đi học, tiền cha mẹ cho để đi xe lam đến trường, chúng tôi đã vác cặp đi bộ giữa trưa trời nắng chói chang, để dành tiền mua những tờ Thiếu Nhi, Tuổi Hoa chuyền tay nhau đọc. Lớn lên, sống đời lưu lạc ở khắp nơi, cả lớp chúng tôi luôn để lại hình ảnh một người Việt Nam đàng hoàng, hiểu biết, trong lòng người bản xứ nhờ công lao dưỡng dục của cha mẹ, thầy cô; và nhờ cả những câu chuyện trong "Tâm Hồn Cao Thượng". Một phần cũng nhờ những trang sách thời thơ dại, tương tự những quyển sách thiếu nhi cô Jennifer cho học trò đọc từ một góc nhà mình trong thời đại dịch.
***
Thứ ba 8 tháng 12
Hãy tưởng tượng bạn mua một ly white chocolate mocha ở Starbucks, khi trả tiền thì được cho biết đã có người trả giùm, hẳn là bạn rất ngạc nhiên. Nhưng niềm vui được uống cà phê mocha miễn phí sẽ biến mất khi bạn biết lý do tại sao bạn được một người không quen đã trả tiền trước cho ly white chocolate mocha của bạn. Vì đó là cách để bác sĩ Sharon Dunski Vermont nhớ đến mẹ của mình vừa qua đời ở tuổi 82 vì COVID-19 .
Bà cụ Harriet Dunski sống trong một nhà dưỡng lão ở Chesterfield, Missouri bị nhiễm cúm Tàu vào đầu tháng 11. Bà được đưa vào điều trị ở bệnh viện. Sau vài ngày điều trị, bệnh tình thuyên giảm, bà được xuất viện về nhà. Nhưng thấy bà Harriet vẫn còn yếu, gia đình đưa bà trở lại nhà dưỡng lão để được "physical therapy"(vật lý trị liệu) cho khỏe hẳn.
Không ngờ, vì một di chứng của COVID-19, bà cụ Harriet qua đời ở tuổi 82 ngày 29 tháng 11, chỉ vài ngày sau lễ Tạ ơn.
Dr. Dunski Vermont and her Mom - Courtesy of GMA White Chocolate Mocha
Để tưởng nhớ 82 năm sống trên đời của mẹ mình, bác sĩ Dunski-Vermont đã trả tiền mua 82 ly white chocolate mocha ở Starbucks, loại cà phê mà bà Harriet thường uống mỗi khi ghé ngang tiệm Starbucks. Bà yêu cầu nhân viên của một tiệm Starbucks ở Chesterfield (nơi lúc còn sinh tiền, mẹ bà hay đến, vừa đọc báo vừa uống white chocolate mocha) biếu 82 ly mocha mà bà đã trả tiền cho 82 người đầu tiên đặt mua cùng loại thức uống mà lúc sinh thời, mẹ bà rất thích.
Mỗi ly cà phê white chocolate mocha là biểu tượng một năm trong đời sống của cụ bà Harriet Dunski.
Bác sĩ Sharon Dunski Vermont còn cẩn thận yêu cầu nhân viên Starbucks kèm theo mỗi ly mocha một mảnh giấy nhỏ mà bà đã cẩn thận đánh máy, in, rồi cắt nhỏ ra.
Nội dung xin người nhận nhớ mang khẩu trang, và giữ khoảng cách xã hội sáu feet để giảm bớt số người bị Coronavirus lấy mất cuộc đời.
Hẳn là trong mỗi ly white chocolate mocha được biếu, không ngọt ngào như bình thường vì đó là biểu tượng một năm sống trên đời của một người bị Coronavirus cắt ngắn cuộc đời. Người nhận ly cà phê mocha miễn phí sẽ luôn luôn đeo khẩu trang, và giữ khoảng cách cần thiết trong giao tiếp hàng ngày.
***
Thứ tư 9 tháng 12
Trước khi bị nhiễm cúm Tàu, bà Rose Mary Kor, 70 tuổi, có thể đi bộ vài miles mỗi ngày. Ngay cả trong giấc mơ, bà không bao giờ ngờ có một ngày mình sẽ phải thở bằng một bình oxygen có thể là suốt phần đời còn lại.
Không ngờ vào ngày 2 tháng 11, bà chợt thấy khó thở. Bà Rose được đưa đến phòng cấp cứu của bệnh viện Monument Health Hospital ở thành phố nhỏ xíu Custer dân số chỉ hơn hai ngàn người thuộc tiểu bang South Dakota.
Tình hình sức khỏe của bà càng lúc càng xấu hơn. Lẽ ra bà được chuyển đến bệnh viện Rapid City Hospital, một bệnh viện lớn hơn chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19 nhưng vì Rapid City Hospital (cách nhà bà khoảng 40 miles) đã hết chỗ do số người nhiễm Coronavirus tăng cao khi nhiệt độ mùa đông đang hạ thấp.
Thoạt đầu bà Rose tưởng các bác sĩ đùa với bà. Nhưng đó là sự thật, một sự thật không tin nổi, chưa từng xảy ra ở Mỹ: nhiều bệnh viện hết chỗ vì đại dịch cúm Vũ Hán!
Ngay đêm đó, bệnh nhân Rose Mary Kor được máy bay tải thương chuyển đến một bệnh viện ở Casper, tiểu bang Wyoming, cách Custer (South Dakota) hơn 200 miles (321km) về phía Tây. Ở đây, bà được truyền huyết tương plasma (từ một người nhiễm Coronavirus đã lành bệnh) và được điều trị bằng thuốc Remdesivir. Một tuần sau, bà Rose có test COVID-19 âm tính và được đưa lại về bệnh viện ở gần nhà cũng bằng máy bay tải thương.
Courtesy of Rose Mary Kor and www.blackhillsfox.com
Di chứng của COVID-19 để lại vĩnh viễn ở người phụ nữ 70 tuổi này, bà Rose phải thở bằng oxygen có thể trong vòng một vài tuần, có thể là suốt phần đời còn lại. Bà được các bác sĩ giải thích "Một trong những thứ mà Coronavirus thường làm khi vào được cơ thể bệnh nhân là tấn công hai lá phổi của nạn nhân. Phổi của họ sẽ bị phá hủy tạm thời hay vĩnh viễn tùy theo hệ thống miễn nhiễm của từng người".
Chỉ sau một tháng, vì nhiễm COVID-19, cuộc sống của bà Rose đã hoàn toàn thay đổi. Bà muốn gởi một lời nhắn đến tất cả mọi người ở tiểu bang South Dakota nhỏ và bình yên của bà :
"Nếu bạn không tin COVID-19 có thật, bạn không cần đeo khẩu trang, bạn không cần phải cẩn thận khi giao tiếp, bạn đang sống trong một thế giới của riêng bạn, không phải là thế giới mà nhân loại đang phải chiến đấu với đại dịch"
***
Thứ năm 10 tháng 12
Lần đầu tiên trong lịch sử 70 năm hoạt động, tổ chức bảo vệ trẻ em quốc tế UNICEF (United Nations Children's Fund) của Liên Hiệp Quốc phải giúp đỡ trẻ em của một nước phát triển như Anh. Cũng là lần đầu tiên, nước Anh đã phải đi từ vị trí người cho sang vị trí người nhận vì đại dịch COVID-19.
Coronavirus không ảnh hưởng nhiều đến các em nhỏ về sức khỏe, về sinh mạng, như người lớn, nhưng rất âm thầm đã làm đảo lộn cuộc sống của các em bé trên toàn thế giới.
Khi đại dịch mới bùng phát, vào tháng 5 ở Anh đã có 2.4 triệu em bé (17% của tổng số trẻ con dưới 16 tuổi ) bị bữa đói, bữa no vì ảnh hưởng gián tiếp của cúm Tàu. Đến tháng 10, có thêm gần một triệu học sinh bậc Tiểu học lần đầu tiên ghi danh vào chương trình ăn trưa miễn phí ở nhà trường.
Các tổ chức từ thiện ở Anh đã làm hết sức nhưng "bàn tay không che nổi mặt trời" nên chính phủ Anh, lần đầu tiên, đã phải xin viện trợ từ UNICEF
UNICEF đã gởi ngay 25 ngàn Euro để cung cấp 18 ngàn phần ăn điểm tâm cho 25 trường học ở Southwark, phía Nam của Luân Đôn. Tưởng nên biết là ở khu vực này chưa bao giờ các em nhỏ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, đây là lần đầu họ phải nhận viện trợ từ tổ chức bảo vệ trẻ em của Liên Hiệp Quốc.
Viện trợ từ UNICEF cho các trường Tiểu học ở ngoại ô London - courtesy of www.theguardian.com
Những phần ăn sáng, đầy đủ dinh dưỡng cho cả ngày này để tặng cho các em vào hai tuần nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới, trường đóng cửa, các em không được ăn sáng miễn phí ở trường.
Hãy nghe một bà mẹ có ba con còn nhỏ ở thành phố Plymouth của Anh nói về một trong những ảnh hưởng của đại dịch với gia đình bà:
"Tuyệt đối là tôi không thể để cho các con của tôi bị thiếu ăn, nên đã có lúc tôi nhịn ăn trong hai ngày để dành thức ăn cho các con của tôi"
Ở Anh, quốc gia xếp hàng thứ 5 trong các quốc gia giàu nhất thế giới mà tình hình ngay ở ngoại ô Luân Đôn còn như vậy thì hẳn là không một ai nên phung phí thực phẩm, hoặc đi nhận thực phẩm cứu trợ khi không thật sự cần thiết. Xin dành các thực phẩm cứu trợ này cho những gia đình không còn khả năng mua thức ăn hàng ngày.
Tác hại của COVID-19 kéo dài, và nhiều hơn những mất mát về nhân mạng, và kinh tế mà chúng ta vẫn nghe thấy hàng ngày từ các phương tiện truyền thông.
***
Thứ sáu 11 tháng 12
Vào tháng 12 giữa lúc đại dịch đang hoành hành thế giới nhiều nhất vì có sự trợ giúp của nhiệt độ mùa đông, dù không thể họp mặt gia đình như những mùa giáng sinh bình thường nhưng người ta vẫn dựng lên những cây thông xanh lấp lánh đèn màu, và trang trí giáng sinh như bao năm qua. Với hy vọng ánh đèn lấp lánh muôn màu sẽ xua tan phần nào màu xám của đại dịch, và màu trắng lạnh buốt của mùa đông.
Nhà của bà Shelley Noble năm nay không dựng cây thông giả, trông giống như thật, có sẵn những ngọn đèn nhỏ đủ màu đính trên những nhánh lá. Mọi năm cây giáng sinh được dựng lên một góc nhà bà từ sau Thanksgiving và nằm ở đó cho đến hết tuần lễ đầu năm dương lịch. Nhưng năm nay bà Shelley tự phá bỏ truyền thống đó. Sẽ không có cây giáng sinh soi sáng nhà bà Christmas năm nay vì bà không chịu nổi hình ảnh cây thông mà không có những gói quà giáng sinh đủ màu nằm chung quanh.
Rất buồn, bà không có tiền mua Christmas gifts cho các con năm nay. Những đồng tiền ít ỏi mà bà có được được dè xẻn cho ba chi tiêu lớn và quan trọng nhất trong lúc này: mua thức ăn, trả tiền thuê nhà, và trả tiền góp mua xe hàng tháng.
Vậy mà bà Shelley vẫn còn nợ $600 tiền nước (water bill) và ba ngàn đồng tiền trả góp xe hơi bị đọng lại do bà không còn tiền để trả từ vài tháng nay. Mỗi tháng bà đau đầu cân nhắc khoản tiền nào phải trả liền, khoản nào có thể nợ thêm vài tháng. Bà chưa bao giờ bị khủng hoảng tiền bạc đến mức độ này. Đến độ mà bà phải tìm từng đồng 25 xu (quarter), đồng 10 xu (dime) tiền lẻ nằm đâu đó trong compartment của xe, dưới nệm ghế sofa, trong từng hộc tủ để có thể mua một gallon sữa tươi vài đồng cho các con.
Bà mẹ góa bụa 52 tuổi này bị nhiễm cúm Vũ Hán vào mùa hè. May mắn bà thắng Coronavirus nhưng con vi khuẩn ác độc này đã để lại những di chứng kéo dài đến tận bây giờ: bà luôn mệt mỏi, hơi thở ngắn đi. Bà Shelley mất một số công việc bán thời gian như dọn dẹp các nhà hàng, hay một số tư gia nhà giàu kể từ tháng 3 năm nay, khi Coronavirus đặt chân đến Mỹ.
Tiền an sinh xã hội mà người chồng quá cố để lại cho bà Shelley từ năm 2013 lại vừa bị cắt một nửa vì cô con gái áp út vừa đủ 18 tuổi trong tháng 11. Bà nhận công việc đi giao thức ăn cho Doordash để giữ một mái nhà êm ấm cho hai đứa con nhỏ nhất còn ở với bà, trong đó cậu con út 16 tuổi còn bị chứng down syndrome
Chính quyền liên bang sẽ mở ngân sách giúp cả trăm triệu người Mỹ đang bị ảnh hưởng của đại dịch lần thứ hai, nhưng có lẽ chưa đủ để Shelley giải quyết gánh nặng tài chính đè nặng trên vai bà.
Ước gì chúng tôi vẫn còn ở tuổi tin có ông già Noel đem quà đến cho trẻ con vào tối 24 bước sang ngày 25 để viết thư xin Santa Claus cho người mẹ góa bụa này một prepaid visa đủ để bà trả các món nợ còn thiếu.
***
Thứ bảy 12 tháng 12
Từ tháng 5 năm 2020, khi các công ty sản xuất thuốc chủng ngừa COVID-19 đang còn trong giai đoạn thử nghiệm đầu tiên, liên minh Châu Âu đã ứng tiền đặt mua hai tỷ liều cho các nước thuộc European Union (EU). Lượng thuốc này đủ để chủng ngừa cho 448 triệu dân của 27 quốc gia thành viên European Union, còn dư cả triệu liều để "cho không, biếu không" các nước nghèo. Trong số này có 300 triệu liều đặt mua from Pfizer/BioNTech ; 160 triệu liều đặt hàng từ Moderna (của Mỹ); 400 triệu liều đặt mua từ công ty dược phẩm của Anh và Thụy Sĩ Oxford/AstraZeneca; 405 triệu liều đặt mua từ Curevac (của Đức), 400 triệu liều từ Johnson & Johnson (của Mỹ), 200 triệu liều từ Novovax(của Mỹ), 300 triệu liều từ GlaxoSmithKline and Sanofi (của Anh và Pháp)
Courtesy of www.euronews.com
Vào tháng 12 khi thuốc chủng ngừa của cả Pfizer và Moderna được chuẩn thuận cách nhau chỉ một tuần, nước Mỹ sẽ có khoảng hai triệu người đầu tiên (của Mỹ và có lẽ của cả nhân loại) sắp được chích ngừa, ra khỏi đường hầm tối đen, dài hun hút của đại dịch, liên minh Châu Âu họp lại để lên chương trình phân phối thuốc chủng ngừa của 27 nước thành viên. Khi người Mỹ đầu tiên được chủng ngừa vào sáng thứ hai 14 tháng 12 thì EU dự kiến người Châu Âu đầu tiên sẽ được chủng ngừa vào ngày 27 tháng 12.
Riêng Anh, không gia nhập liên minh châu Âu EU, là nước đầu tiên chuẩn thuận thuốc chủng ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech vào ngày 2 tháng 12.
Hungary, một nước "cựu cộng sản" vẫn còn niềm tin le lói cuối ngày ở Nga, nên đã có dự kiến nhập thêm thuốc chủng ngừa Sputnik V do Nga sản xuất. Thuốc này chỉ được dùng ở Hungary vì Hội đồng Y khoa Châu Âu (EMA-The European Medicines Agency) không chuẩn thuận thuốc này.
Tuần này, sau khi FDA của Mỹ chuẩn thuận cho thuốc chủng ngừa của Moderna được dùng ở Hoa kỳ, để "chắc ăn", Đức cũng ký hợp đồng với Moderna để mua thêm thuốc chủng ngừa COVID-19, trong trường hợp một trong số các thuốc đã đặt mua của liên minh Châu Âu không được EMA chuẩn thuận, hay sản xuất không kịp. "Chữa bệnh như chữa lửa" nhất là chấm dứt đại dịch, phải làm bằng mọi cách, càng sớm càng tốt để người dân được thoát khỏi đường hầm COVID-19 tối tăm, dài thăm thẳm.
Dù vậy theo British Medical Journal, một phần tư của dân số thế giới (khoảng một tỷ chín người) sẽ không có đủ thuốc để chích cho đến cuối năm 2022.
May mắn là một người Mỹ, mặc dù không có một ưu tiên nào (cả về nghề nghiệp, tuổi tác, lẫn sức khỏe), chúng tôi cũng yên tâm tin là sẽ đến phiên mình được chích thuốc vào giữa năm 2021. Từ bây giờ đến đó thì khẩu trang sẽ gắn liền với khuôn mặt mỗi khi chúng tôi ra đường. Và nếu có ra khỏi nước Mỹ, thì khẩu trang sẽ là một phần hành trang cho đến cuối năm 2022.
Ai đó ở Mỹ nên nghĩ kỹ lại nếu vẫn còn lưỡng lự không biết có nên chích thuốc không? Có gần hai tỷ người sẽ phải ở lại trong đường hầm tối đen của đại dịch thêm hai năm nữa chỉ vì họ không may là công dân của một nước nghèo.
Chợt nhớ một câu văn rất hay (không còn nhớ là của ai):
"Cái nghèo đi đôi với cái buồn. Cái buồn đi đôi với âm thầm, lủi thủi".
Nếu được phép tác giả, xin thêm vào "Cái nghèo cũng làm cho người ta phải chìm trong bóng tối bệnh tật, đói nghèo của đại dịch thêm 24 tháng nữa."
***
Chủ Nhật 13 tháng 12
Không may cả ba mẹ con của bà Lisette LeJeune ở Houston, Texas đều bị nhiễm cúm Tàu. Không có những triệu chứng nặng, bà mẹ đơn thân và hai cậu con trai, 14 tuổi và 3 tuổi, tự cách ly ở nhà trong hai tuần.
Không thể ra ngoài, không dư tiền để thuê người khác đi chợ qua Instacart, cả ba mẹ con phải nhờ thân nhân, ở cách nhà bà đến 45 phút lái xe, mua thực phẩm và thuốc men cần thiết, mang để trước hiên nhà.
Cuối tuần lễ cách ly đầu tiên, cả Lisette và cậu con trai lớn rất mệt, gallon sữa đã dốc đến giọt cuối cùng, cả ba mẹ con đều cần thêm thuốc hạ cơn sốt. Như một phép màu, khi mở cửa để lấy thư vào buổi trưa, Lisette thấy một túi thực phẩm gồm những thứ mà gia đình bà đang cần : sữa, nước cam tươi, bánh crackers, bánh cookies…
Thoạt đầu Lisette nghĩ là một trong những thân nhân của bà mang đến, nhưng mỗi khi ai đó mua giúp, hay biếu thực phẩm cho ba mẹ con đều có báo trước bằng điện thoại, và hỏi ba mẹ con đang cần gì?
Khi Lisette mở túi đựng thực phẩm ra, bà tìm thấy một tờ giấy có vài chữ từ người nữ nhân viên Bưu điện vẫn phát thư trong khu phố này:
"Get well wishes. I hope you all are feeling better."
(Chúc mau lành bệnh. Tôi hy vọng là tất cả mọi người trong nhà sớm khỏe lại)
Courtesy of GMA
Người phát thư này rất quen thuộc với vùng này. Những người dân ở đây, kể cả Lisette vẫn vẫy tay chào bà khi thỉnh thoảng họ chạm mặt nhau trên đường phố hay qua khung cửa sổ nhà. Chỉ có một lần duy nhất họ nói chuyện gần đây, khi cả ba mẹ con Lisette có COVID-19 test dương tính. Lisette mang một cái thùng nhựa ra để ở hiên nhà, bên dưới thùng thư nhà bà, để người phát thư có thể bỏ thư vào mà không chạm tay vào thùng thư.
Đứng từ xa, đeo khẩu trang, Lisette dùng hết sức để hét lớn, báo cho người nhân viên bưu điện biết bà đang tự cách ly vì nhiễm cúm Tàu, xin hãy bỏ thư vào cái thùng nhựa này, thay vì chạm tay vào thùng thư để đề phòng bị lây lan COVID-19.
Người phát thư chỉ mỉm cười đáp trả "OK Thank you". Giao tiếp bằng lời giữa hai người phụ nữ chỉ có thế. Không ngờ người phát thư có tấm lòng đã tặng Lisette và hai em bé một số thực phẩm cần thiết trong lúc ba mẹ con đang cách ly giữa mùa đại dịch.
Giá trị của túi thực phẩm "cứu trợ trong thời gian cách ly" không lớn nhưng tấm lòng của người phát thư, và thời gian cùng công sức của bà đến chợ vào một buổi sáng mùa đông trước khi đến sở trước tám giờ sáng thì quả là vô giá.
Khi câu chuyện được Lisette chia xẻ qua các trang mạng xã hội, đài truyền hình địa phương Houston đến xin phỏng vấn người đưa thư tên Mary. Đúng với tính cách của một người làm việc nghĩa vì tấm lòng, không phải vì tiếng tăm, bà từ chối, thậm chí không cho biết họ của mình, chỉ nhờ một phát ngôn viên của Sở Bưu điện Mỹ, thay mặt bà, công bố một thư ngắn:
"Tôi chỉ làm một điều tử tế nhỏ nhoi. Một trong những khách hàng của Bưu điện đã quan tâm đến sự an toàn của tôi khi tôi và họ cùng chạm tay vào cái hộp thư mỗi ngày. Đó chỉ là cách bày tỏ lòng cảm ơn của tôi với sự quan tâm đó, không phải là chuyện lớn lao . Tôi cũng sẽ làm như vậy với bất cứ ai quan tâm đến sự an toàn của tôi” - Mary
Khi nghe câu chuyện qua chương trình "Good Morning America", niềm tin của chúng tôi về cuộc đời chợt dâng cao. Xin ghi lại chuyện này để chia xẻ món quà Giáng sinh tinh thần đến sớm với tất cả những ai đọc đến những dòng này, để thấy cuộc đời vẫn đẹp trong muôn vàn khó khăn do đại dịch cúm Tàu gây ra.
Nguyễn Trần Diệu Hương
Pre-Christmas Week 2020
Happy Birthday DEC 14/ H4
Happy Birthday DEC 19/ Cô TMT