Tôi từng có một thời niên thiếu như thế (4)
(Giai đoạn 1959 - 4/1975)
Một chút hoài niệm về nước giải khát trước 1975
Tôi đã trải qua thời niên thiếu hơn 10 năm dưới chính thể VNCH. Thời hoa niên ấy tuy ngắn ngủi nhưng cũng đủ để giúp tôi chiêm nghiệm được về một giai đoạn phát triển kinh tế huy hoàng của miền Nam VN.
Thời gian ấy, tôi cũng đã chứng kiến những thành tựu sản xuất đáng tự hào của nền kinh tế miền Nam, nhất là về mặt kỹ thuật - công nghệ, là minh chứng cho thấy trình độ của người VN chưa bao giờ thua kém các nước trong khu vực. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của giới doanh thương & kỹ nghệ gia VN thời ấy thậm chí đã từng cạnh tranh thành công và đánh bật các công ty ngoại quốc ra khỏi thị trường miền Nam. Thời ấy, ngoài dầu cù là Macshu lâu đời của Miến Điện, các mặt hàng của các nước khu vực ASIAN chưa bao giờ có vinh dự được nằm trong giỏ hàng đi chợ của người dân miền Nam, bởi đơn giản, chúng không thể nào sánh bằng các sản phẩm nội địa về chất lượng và giá cả.
Trong những thành tựu kinh tế ấy, đáng tự hào nhất là ngành công nghiệp nước giải khát, đã phát triển rực rỡ và gắn liền với đời sống thường nhật của người dân.
Công nghiệp nước giải khát trong giai đoạn này có các hãng chính là tập đoàn BGI, xí nghiệp Phương Toàn và hãng SEGI. Thời ấy, sản lượng rượu bia và nước ngọt do các doanh nghiệp này sản xuất đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước, chính phủ chỉ cho nhập thêm một số ít loại rượu khai vị, rượu mạnh, rượu chát từ nước ngoài để phục vụ thêm một số nhu cầu từ người tiêu dùng.
Gia đình tôi từng là một trong những đại lý của BGI và SEGI tại Biên Hòa, từ năm 1968-1975, nên đã giúp tôi có một chút ít hoài niệm cá nhân - dù trong phạm vi hiểu biết rất giới hạn - về lĩnh vực nước giải khát thời ấy.
Trước tiên xin đề cập đến tập đoàn nước giải khát BGI. Nhà máy USINE BELGIQUE được xây dựng năm 1952 thuộc tập đoàn nước giải khát BGI (Brasseries, Glacières d’Indochine của Pháp), trước năm 1975 là nhà máy sản xuất nước giải khát lớn nhất miền Nam Việt Nam với LOGO hình Con Cọp. Sản phẩm lừng danh của BGI là nước ngọt và bia Con Cọp, cùng với nước đá cây hiệu Kim Cương.
Thời ấy, đi đến đâu, tôi cũng thường gặp slogan quảng cáo của nước ngọt Con Cọp
"Nước ngọt Con Cọp ở đâu. Đó là khỏe mạnh sống lâu yêu đời "
Nước ngọt con cọp BGI có nhiều loại: Thứ nhất là xá xị, là sản phẩm nước ngọt chủ lực của BGI. Xá xị là loại nước ngọt màu nâu xẩm có ga , hương vị như rootbeer hiện nay. Ngày xưa, mỗi khi bị cảm cúm, mẹ thường nấu cho tôi một tô cháo hành gừng giải cảm kèm theo một chai xá xị uống để dễ tiêu hóa. Kế đến là các sản phẩm: Lemonade với vị chanh thanh nhẹ, hương vị như Seven Up ngày nay. Cream soda màu kem vàng nhạt, có hương vị ngọt ngào thoang thoảng mùi kẹo . Bạc hà: màu xanh vị the the, rất dễ sặc nếu uống nhanh vì có ép nhiều ga trong đó. Nước cam đỏ, cam vàng có ga nhẹ , vị cam tươi.
Đặc biệt có siro loại chai lớn bằng thủy tinh bên ngoài có hình các hạt gạo, một két 9 chai, đây là sản phẩm tiêu thụ rất mạnh trong dịp tết . Với một ly nước đá bào bằng tay, cho vào một ít siro hạt gạo là có thể tạo nên một loại nước giải khát hấp dẫn cho tuổi nhỏ chúng tôi trong mỗi độ Xuân về Tết đến.
Ngày ấy, nước ngọt Con Cọp hầu như hiện diện khắp nơi ở miền Nam, từ trên xe giải khát ven đường, trong các nhà hàng lớn nhỏ, cho đến các bàn tiệc cưới hỏi, tiệc liên hoan ...
Ngoài nước ngọt Con Cọp của BGI thì còn có nước ngọt Con Nai nổi tiếng của hãng nước ngọt Phương Toàn sản xuất trong Chợ Lớn, chủ là người Hoa. Nước ngọt Phương Toàn có hình con nai, có vị như Dr pepper + vanila . Nước ngọt Phuơng Toàn có vị the nồng thơm ngon hơn nước ngọt con cọp và có giá cao hơn. Có lẽ vì qui mô sản xuất nhỏ không cạnh tranh được với nước ngọt con cọp nên thị phần của hãng này bị thu hẹp, mức tiêu thụ ở mức độ chừng mực.
Những năm đầu thập niên 70s, Hãng nước ngọt Pepsi-Cola vào Việt Nam một thời gian, nhưng cạnh tranh không lại với Phương Toàn và con cọp BGI.
Sản phẩm bia Con Cọp bên cạnh hình con cọp trên nhãn, hai bên có hai chữ Pháp là Biere Larue. Larue chính là tên ông chủ hãng, phát âm theo tiếng Việt là la-ruy-ê đọc liền nhau, dân Việt đọc chệch đi thành la-de, rồi lâu dần bỏ luôn chữ bia, gọi la-de thôi và la-de cũng dần trở thành cách hiểu để nói về bia của người miền Nam. Bia con cọp có hai loại:
- Loại thứ nhất là bia xuất khẩu, gọi là bia nhỏ hay bia 33 Export, cái tên 33 đơn giản là đó nó đựng trong chai có đúng tích 0,33 lít. Bia này có độ cồn cao hơn nên vị uống đậm hơn. Trên nhãn bia ghi chữ bia theo nhiều ngôn ngữ khác nhau: Bière (tiếng Pháp), Beer (tiếng Anh), Bier (tiếng Đức)...
- Loại thứ hai phổ biến nhất là bia Con Cọp, còn gọi là bia lớn, đựng trong chai có dung tích 0,66 lít . Đây là loại bia phổ biến được đông đảo người tiêu dùng đón nhận, từ người lao động bình dân cho đến giới trí thức hay thương gia, từ nhà hàng đến quán cóc ven đường đều có hình ảnh của bia Con Cọp.
Ngày ấy, không biết là vô tình hay hữu ý mà trong mỗi két 12 chai bia lớn có 11 chai có nhãn con cọp màu vàng , đặc biệt có một chai thứ 12 có nhãn con cọp màu trắng . Các bợm nhậu sành bia thường kháo nhau rằng bia nhãn trắng có vị đậm đà và thơm hơn loại có nhãn vàng .Trên bàn tiệc nhậu, người nào là VIP mới được khui và thưởng thức chai này. Vì vậy , các bạn hàng đều yêu cầu đại lý khi giao bia cho họ, mỗi két bia phải có một chai nhãn cọp trắng. Khi bán lẻ, chai nhãn cọp trắng thường có giá cao hơn nhãn vàng.
Bia 33 cũng vậy, trong một két bia 33 tổng số 24 chai, có một chai dưới đáy (bottom) vòng ngoài tròn đều hơi lõm ở trung tâm và 23 chai còn lại có đáy bằng phẳng. Dân nhậu cho rằng chai đáy tròn là chai đặc biệt , ngon và đậm đà hơn chai đáy bằng. Không biết thực hư thế nào, nhưng mỗi khi đại lý nhà tôi giao bia 33 cho bạn hàng , họ đều hỏi xem có chai đặc biệt đáy tròn không !?
Tuy còn nhỏ nhưng tôi cũng nhận ra rằng đây chỉ là chiêu tâm lý tiếp thị của BGI để lôi cuốn sự hiếu kỳ của người tiêu dùng , nhằm gia tăng doanh số bán hàng, chứ thật ra các chai bia đều có chất lượng như nhau, không có gì khác biệt.
Bia con cọp lúc nào cũng hút hàng, sản xuất ra không kịp đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Vào mùa mưa, nước ngọt con cọp tiêu thụ chậm, nhưng la de và bia 33 thì vẫn hút hàng. Nên vào mùa này, BGI hay bắt chẹt các đại lý phải order hàng theo tỉ lệ 1:2. Nghĩa là, muốn mua 1 két bia lave hoặc 33, bắt buộc phải mua kèm theo mua 2 két nước ngọt Con Cọp . Việc này làm cho các đại lý gặp không ít khó khăn vì phải bán tháo, bán lỗ số nước ngọt thặng dư mới có được lượng bia đáp ứng theo yêu cầu tiêu thụ của bạn hàng.
Giới quân nhân Việt Nam Cộng hòa cũng rất ưa chuộng bia Con Cọp nhưng giá mua cao, nên Chính phủ đã ký hợp đồng với BGI sản xuất bia với nhãn riêng để bán lại cho quân đội, cảnh sát và viên chức, giá rẻ hơn, gọi là bia Quân Tiếp Vụ. Các đại lý không được phân phối loại bia này.
Nước đá Kim Cương nổi tiếng của BGI với slogan quảng cáo "Trong như kim cương. Bảo đảm vệ sinh. Rẻ vì lâu tan" với những cây nước đá trong suốt không nổi bọt khí, nhìn thật hấp dẫn, bao giờ cũng hút hàng nên giá cả cũng cao hơn nước đá thường. Vì là nước đá chất lượng cao, sản xuất ra không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ, nên tiêu chuẩn phân phối cho các đại lý cũng không được dồi dào, mỗi đại lý chỉ nhận tối đa là 2 cây / tuần. Tiêu thụ mạnh nhất nước đá kim cương là các nhà hàng lớn hoặc các câu lạc bộ.
Nếu nước ngọt con cọp BGI dành cho giới bình dân thì SEGI là nhãn hiệu nước ngọt cao cấp dành cho giới trung và thượng lưu ở miền nam trước 1975. Loại nước ngọt truyền thống lâu đời của SEGI là Bireley's. Đây là loại nước ngọt mầu vàng, vị nước cam vàng không ga (carbonated), mẫu chai thiết kế đẹp, mềm mại, thích hợp với phụ nữ. Nhược điểm của nước ngọt này là dễ đóng cặn dưới đáy chai nếu để lâu.
Tương tự như nước ngọt con cọp, Hãng SEGI cũng đưa ra thị trường dòng sản phẩm phong phú, mẫu mã đẹp đáp ứng với nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Sản phẩm SEGI ngày ấy bao gồm:
Các loại TOP : Top Orange cam vàng- Top Orange Squash cam đỏ--Top hương vị ổi (Guava) -Top Ananas hương vị thơm (Pineaple) giống như Mnt Dew Soda ngày nay ,Top hương vị Cà phê Moka .
Các loại FANTA : FANTA dâu --FANTA nho--FANTA cherry có hương vị thơm mùi kẹo giống như cream soda con cọp của BGI, nhưng ngọt ngào và có mùi vị đặc trưng của trái cây hơn.
Ngoài ra còn có Coca Cola - Sprite - Tonic water (một loại nước tăng lực) - Soda water - Vinasoy (Sữa đậu nành có hương vị vanila thơm ngon).
Ngày xưa vào những buổi trưa hè nóng bức, mỗi khi đi học về, mệt mỏi và bụng đói, tôi thường tự thưởng cho mình một ly nước Top trái thơm hoặc soft drinks FANTA của SEGI thêm vào một cục nước đá Kim Cương, kèm theo một tô mì ăn liền hiệu "Mì Vị Hương" nóng hổi, thế là bao nỗi mệt nhọc nhanh chóng tan biến và cảm nhận cuộc đời thật thi vị biết bao !
Trong năm 1972, hãng SEGI có độc chiêu marketing khi tổ chức một cuộc thi rất hào hứng là đưa ra một vài slogan quảng cáo ngắn, nhưng các mẫu quảng cáo ấy đều phải có một ký tự "M" . Chẳng hạn như :" Uống Coca Cola mang lại sức khỏe và hạnh phúc" ... Người tham gia thi phải tìm những nút chai Coca Cola mà dưới đáy nút có in sẵn các ký tự alphabet màu đỏ để ráp lại thành câu quảng cáo theo qui định. Các ký tự khác thì tìm dễ dàng , riêng ký tự M thì vô cùng hiếm hoi. Một kỷ niệm vui của tôi thời ấy là đi đâu cũng chúi đầu nhìn xuống đất để tìm nút chai Coca Cola, sưu tập được một bao lớn, ráp lại thành câu slogan theo đề thi, nhưng vẫn thiếu ký tự M . Sau một thời gian tìm kiếm vất vả, cuối cùng cũng tìm được độc nhất một M, và ráp thành câu, dán băng keo, đưa về hãng SEGI ở bến Vân Đồn, SG để dự thi bốc thăm. Hãng đưa ra 20 giải, trong đó giải đặc biệt là một TV Toshiba 9 inches. Lần ấy tuy chỉ trúng giải an ủi nhỏ, nhưng đã để lại cho tôi một kỷ niệm khó quên trong những ngày hào hứng đi tìm và sưu tập nút chai Coca Cola.
Xe hãng BGI giao hàng cho đại lý 2 lần tuần : Thứ hai / Thứ sáu. Xe hãng SEGI giao hàng Thứ ba / Thứ năm. Xe nước đá Kim Cương thường giao hàng vào trưa thứ bảy. Đại lý nhà tôi lúc nào cũng bận rộn vì phải thường xuyên nhận hàng về . Công việc mua bán vất vả nhưng rất vui vì đây là nguồn sinh kế chính của gia đình tôi.
Nhìn chung về tổng quan, nền kinh tế VN lúc ấy đã có nhiều bất lợi vì nghèo nàn tài nguyên thiên nhiên và trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt không một ngày lặng yên tiếng súng. Tuy vậy, nền công nghiệp miền Nam trong giai đoạn 1960-1975 vẫn đạt được nhiều thành tựu vang dội. Chính phủ vẫn luôn ý thức rằng chỉ có sản xuất mới tạo được nội lực cho kinh tế quốc gia để tự lực, tự cường không phải lệ thuộc vào ngoại bang. Qua đó , mỗi chính sách của CP đều tập trung vào việc khuyến khích ưu tiên sản xuất các mặt hàng tiêu dùng chất lượng cao để tiêu thụ trong nước và sau đó mới hướng đến xuất khẩu.
Vì thế, người dân miền Nam thời ấy hầu hết đều ưa chuộng và đặt niềm tin vào các sản phẩm Made in VN. Các mặt hàng nội địa vang bóng một thời như xà bông Cô Ba, kem đánh răng Hynos, Bột ngọt Vị Hương Tố, xe hơi La Dalat, dầu Nhị Thiên Đường, dầu khuynh diệp BS Tín, bia 33, bia La-de Con Cọp, xá xị Con Cọp, nước ngọt SEGI, Phương Toàn v.v... đã trở thành một phần trong đời sống người dân. Thậm chí có sản phẩm xuất khẩu và thành công vang dội ở các nước láng giềng như kem đánh răng Hynos, bia 33 export...
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng tôi không thể nào quên được những năm tháng vàng son ấy của Việt Nam nước tôi.
Thật vậy, vào thời niên thiếu, tôi đã từng có được một nước Việt Nam hưng thịnh, huy hoàng thông qua các chính sách khuyến khích kinh tế thị trường linh hoạt và đầy sáng tạo của chính phủ, với mục tiêu tiến đến tự lực tự cường làm cho dân giàu nước mạnh như thế trong quá khứ.Phan Phú Hiệp