Người phế binh già bán vé số ở những quán cà phê quận 4, Sài Gòn
Huỳnh Công Ân
Sau khi về hưu, để tránh cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông ở nơi mệnh danh “xứ lạnh tình nồng”: Canada, để hưởng không khí mùa Xuân trên quê hương và nhứt là để tìm lại những thân tình cũ, mỗi năm tôi thường về VN đôi tháng trước và sau Tết âm lịch.
Trong buổi hoàng hôn của cuộc đời, được gặp lại người thân trong gia đình, từ thằng em út ở tuổi thanh niên nay là ông già 60, đến những đứa cháu chưa sinh ra nay đã tay bồng tay bế kể từ lúc tôi ra đi, là một niềm vui bất tận. Lại còn họp mặt với bạn bè, đồng nghiệp cũ nay đã đến tuổi “thất thập cỗ lai hy” hay vui chơi với các học trò xưa, giờ tóc bạc như tôi cũng đem lại cho tôi sự ấm áp trong tâm hồn.
Ngoài những lần xuống Trà Vinh hay lên Biên Hoà thăm nơi chốn tôi từng dạy học và từng làm lính chiến, hay đi chơi xa, thường mỗi sáng tôi ngồi ở những quán cà phê ở quận 4, từ những quán có ghế nệm, trong phòng máy lạnh như Trung Nguyên, Góc, Thư Giản đến những quán ngoài lề đường 41, Vĩnh Hội, chung cư B3 ngồi ghế xếp, tán gẩu với các học trò cũ trường Nguyễn Trãi sống quanh đây.
Tại những quán cà phê lề đường đó, tôi thường bị quấy rầy bởi đội quân bán vé số liên tục đến thọc xấp vé số vào người tôi để mời mua. Tuy bực mình nhưng thông cảm sự khó khăn trong cuộc sống của họ nên tôi từ chối khéo viện cớ không quen chơi vé số. Việt Nam hiện có 63 tỉnh và thành phố, nơi nào cũng phát hành vé số mỗi ngày. Mỗi ngày, mỗi tỉnh cho ra một triệu vé số, thử hỏi số tiêu thụ được bao nhiêu? Cho là vài chục ngàn vé, như vậy phần chắc, 6 con số của vé trúng giải “đặc biệt” (độc đắc) 2 tỷ nằm trong hơn 9 trăm ngàn vé không bán được kía, giấc mơ trở thành tỷ phú chỉ là ảo tưởng.
Nhưng, tôi lại chú ý tới một người bán vé số đặc biệt. Đó là một người tàn tật cụt cả hai chân tới háng, anh lết đi bán vé số trên một miếng cao su cắt từ vỏ xe hơi. Anh nói giọng Quảng, khi tôi hỏi, anh cho biết anh là thương phế binh trước thuộc sư đoàn 2 bộ binh, bị thương ở Quảng Ngãi. Tôi cẩn thận hỏi tên các đơn vị trưởng của anh. Anh trả lời đúng, tôi tặng anh hai triệu mà không lấy tờ vé số nào. Tôi nghĩ dù số tiền ít ỏi đó không đủ bù đấp cho sự mất mát to lớn của tâm hồn và thể xác của anh cũng như không giúp anh thoát khỏi cuộc sống cơ cực và nhục nhằn của một người phế binh của bên “thua cuộc” trong xã hội của bên “thắng cuộc”, nhưng đó là tấm lòng của một đồng đội của anh đã may mắn còn nguyện vẹn sau cuộc chiến.
Sau lần đó, mỗi khi ngồi ở những quán cà phê lề đường tôi thường cố ý tìm người phế binh đó. Mỗi lần gặp, tôi giúp cho anh một số tiền nhỏ và lần nào cũng vậy,
Tôi cũng đã báo cho anh biết việc làm ý nghĩa của nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, đường Kỳ Đồng: chương trình “Bên nhau đi nốt cuộc đời” để anh đến nhận những món quà Tết do cộng đồng người Viêt hải ngoại và một số người có long trong nước gởi đến giúp các anh em thương phế binh VNCH. Gần đây, tôi mừng cho anh khi gặp lại anh thấy anh di chuyển bằng một chiếc xe lăn, chắc do một tổ chức hay nhà hảo tâm nào tặng cho anh.
Cầu xin cho anh cảm thấy ấm lòng với những đền ơn, đáp nghĩa của những người từng ở miền Nam trước năm 1975.