Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Đỗ Thế Vinh - MỘT SỐ KINH NGHIỆM VỀ GIẢNG DAY MÔN KHẢI ĐẠO

Thursday, August 23, 20182:32 AM(View: 22025)
GS. Đỗ Thế Vinh - MỘT SỐ KINH NGHIỆM VỀ GIẢNG DAY MÔN KHẢI ĐẠO

Bài viết sau đây chỉ là kinh nghiệm của chính tôi khi làm khải đạo tâm thần, cá nhân, và hướng nghiệp tại thành phố Portland thuộc tiểu bang Oregon trong khoảng thời gian từ năm 1978 tới năm 2007. Tuy nói lên được một vài khía cạnh của những người tỵ nạn ở Mỹ trong những năm đó, nội dung bài viết có thể rất hạn hẹp, chủ quan, và đã bị lỗi thời.

 

Một vài kinh nghiệm khải đạo (counseling) qua lãnh vực tâm thần, cá nhân, và hướng nghiệp trong môi trường sức khỏe tâm thần và giáo dục tại Hoa Kỳ


image007
Cùng các em nữ sinh trường TH Long Thành (1969)   

image009       
Phát thưởng 1973-1974 tại TH Long Thành


Tôi làm giáo sư khải đạo tại trường Trung Học Long Thành cho tới 1975. Khi làm khải đạo tại Long Thành, tôi chú trọng và nhấn mạnh việc dành thì giờ cho giải trí vui chơi thay vì chỉ khuyến khích học sinh miệt mài học tập trí thức, coi nhẹ đời sống tình cảm, giải trí. Giả định (assumption) mới của giáo dục Mỹ này là có giải trí và cân bằng được lý trí với tình cảm sẽ dẫn tới học tập hiệu quả hơn, nhớ lâu hơn và nhanh hơn. Ngoài những buổi khải đạo cá nhân, tôi cũng tổ chức những buổi nói chuyện và hội thảo sau giờ học với những đề tài như "Điều hòa tình cảm", "Tình cảm lãng mạn trong thơ văn tiền chiến", "nhạc tiền chiến" v.v... Học sinh dù rất bận rộn đã hào hứng đến tham dự rất đông. (Chú thích 1: Khải đạo là gì?)

 

Khải Đạo Tâm Thần (Mental Health counseling)

 

Vào cuối năm 1978 tại Mỹ, tôi lại có "duyên" với khải đạo và may mắn được trở thành một trong những người trong phong trào khởi xướng khải đạo tâm lý xuyên văn hoá (cross-cultural counseling) cho những người tỵ nạn tại Portland, Oregon. Đây là một cơ hội và may mắn đặc biệt tôi có được ở Mỹ vì những duyên may sau đây: Trước hết là phong trào khải đạo chú trọng tới tâm lý và tâm linh con người đang ào ạt nổi lên tại Mỹ. Kế đến là khải đạo đa văn hóa và xuyên văn hoá (multicultural counseling and cross-cultural counseling) khởi đầu với tâm lý gia Wrenn (Wrenn, 1962) ở thập niên 1960's, với cụm từ sáng tạo lừng danh của ông "khải đạo viên thiển cận, chủ quan thành kiến trong vỏ bọc văn hoá của mình" (The culturally encapsulated counselor) trở nên rất quan trọng trong ngành tâm lý trị liệu và khải đạo. Những chuyên gia cung cấp dịch vụ khải đạo dòng chính (mainstream) cần được huấn luyện thêm về văn hoá và tâm tính của những nhóm dân thiểu số và phụ nữ để phục vụ tốt và hiệu quả hơn cho họ. Sau nữa là nhu cầu khải đạo cấp bách của những người tỵ nạn Đông Dương đang tràn đến Mỹ ngày một đông hơn. (Chú thích 2: "The culturally encapsulated counselor" là gì?)

Suốt trong năm đầu tiên, chúng tôi được huấn luyện 20 tiếng mỗi tuần và chỉ phải làm việc tập sự 20 tiếng. Chúng tôi được may mắn học và làm việc chung với bác sĩ tâm thần (psychiatrists), tiến sĩ tâm lý (psychologists), tiến sĩ nhân chủng học và chuyên gia huấn luyện khải đạo cho cơ quan Lutheran Family Services. (Chú thích 3: khác biệt giữa psychiatrists và Psychologists).

 

Chúng tôi cũng được học hỏi, bàn luận và thực tập một số học phái lý thuyết trị liệu tâm lý (psychotherapies) đang thịnh hành tại Mỹ dựa trên nhiều giả định (assumptions) khác nhau về bản chất con người, về nguyên nhân gây xáo trộn tâm lý, và về con người  phải thay đổi thế nào để vượt qua được những xáo trộn tâm lý đó. (Chú thích 4: Những trường phái điều trị tâm lý thịnh hành cuối thập niên 1970's)

 

Riêng tôi trong giai đoạn tập sự còn non trẻ này, khi giúp người tỵ nạn, tôi thường tìm cách tạo mối quan hệ gây niềm tin nơi thân chủ (counseling relationship) qua những hoạt động trợ giúp xã hội như thông dịch, giới thiệu chỗ học Anh ngữ, những cơ quan cung cấp dịch vụ cho người tỵ nạn, liên lạc với chủ cho thuê chỗ ở v.v... khi đã có uy tín và được tin cậy, tôi bắt đầu khải đạo dựa vào ba lãnh vực tâm lý tình cảm (emotional), lý trí (rational), và động thái (behavioral). Về tình cảm, tôi thường sử dụng phương pháp trị liệu Nhân vị trọng tâm (Person-centered) của Carl Rogers (Rogers, 1987; 1961; 1951); về lý trí, tôi dùng bảng trắc nghiệm stress (lý thuyết căng thẳng lo âu dẫn tới tâm bệnh) của Holmes và Rahe (Holmes and Rahe, 1967), và Beck (1976) để giải nghĩa tại sao thân chủ buồn nản mất ăn, mất ngủ hoặc nặng hơn là trở nên điên rồ hoặc muốn tự tử, đến từ những thay đổi đột ngột quá lớn lao thân chủ chưa  bao giờ có trước khi mất người thân, mất nước, mất nhà và mất tài sản, mất nếp sống quen thuộc, thậm chí đến mất tất cả. Về hành vi hoặc động thái, dựa trên thuyết thay đổi hành vi từng bước một (behavior modification) của Lazarus (1976), tôi tránh làm hộ, nhưng luyện tập và thực hành cùng với thân chủ những động tác để sinh tồn trong môi trường hoàn toàn mới lạ như đi kèm theo, chỉ dẫn và thông dịch để thân chủ  dần dần tự thực tập mua lấy đồ ăn ở siêu thị, tự ghi tên cho con vào trường học, tự tiếp cận với những cơ quan cung cấp dịch vụ cho người tỵ nạn v.v...  Ngoài ra, tôi còn làm biện hộ xã hội (social advocacy) giải thích cho người Mỹ dòng chính làm tại những dịch vụ xã hội và cơ quan từ thiện về những khó khăn của người tỵ nạn như hoàn cảnh xã hội lạ lẫm, ngôn ngữ và văn hóa bất đồng cũng như những mất mát to lớn gây ra căng thẳng tâm lý để họ hiểu và thông cảm người tỵ nạn Việt Nam mình hơn. Sau cùng, tôi cũng thổ lộ tâm tư tình cảm xáo trộn, buồn nản của chính mình (self-disclosure) để thiết lập quan hệ khải đạo (couseling relationship) nhằm giúp thân chủ thân mật hơn, gần gũi hơn với tôi khi thấy tôi cũng là người tỵ nạn có những khó khăn tương tự như họ.

 

Ngoài việc làm khải đạo trực tiếp cho người tỵ nạn Việt Nam, tôi đôi khi cũng phải ra tòa làm chứng với tư cách chuyên viên văn hoá và tâm lý (expert witness) tại tòa với những trường hợp như giết người, đánh đập để dậy dỗ con cái, cạo gió hiểu lầm là bạo hành trẻ con v.v...

Mỗi tuần tôi phải làm việc một ngày với những bệnh nhân tâm thần nặng như thần kinh phân liệt (schizophrenia), trầm cảm nặng đến độ muốn tự tử (clinical depression) v.v... tại bệnhviện tâm thần Dammash State Hospital. 


Tôi cũng phải phụ giúp nghiên cứu, phỏng vấn rất nhiều người tỵ nạn Việt Nam mình đến Mỹ từ năm 1975 đến năm 1980 cùng với một bác sĩ tâm thần, một tiến sĩ nhân chủng học và 2 người phụ nữ Việt nam khác để thiết lập một bản trắc nghiệm trầm cảm dùng cho người Việt tỵ nạn trên toàn nước Mỹ (The Vietnamese Depression Scale "VDS") vào đầu thập niên 1980's. Công trình nghiên cứu của chúng tôi đã được đăng trên đặc san chuyên môn toàn quốc "American Journal of Psychiatry " (Kinzie, Mansion, Do et al 1982).

Vì rất ít người Việt Nam ở tại Portland Oregon làm khải đạo tâm thần và tâm lý, tôi có cơ hội được làm rất nhiều lãnh vực chuyên ngành mà một khải đạo viên dòng chính phải học thêm để lấy giấy phép chuyên ngành mới được phép làm. Sau đây xin kể một số vấn đề khải đạo tâm thần và tâm lý cá nhân, có nhiều vấn đề rất chuyên ngành tôi phải trợ giúp người tỵ nạn Việt Nam trong thời gian khoảng gần 8 năm từ 1978 đến 1986:

- Làm khải đạo cho bố mẹ theo trát toà phải nhận khải đạo vì tội bạo hành con cái (child abuse). 

- Giúp thân chủ thà ngồi tù chứ không chịu ký cam kết thực hiện  án lệnh không được tiếp xúc với người phối ngẫu (restraining order) của tòa sau khi bị vợ ly dị.

- Phục vụ một số trường hợp uống rượu lái xe DUII (driving under the influence of intoxicants.) phải bắt buộc trả tiền và nhận khải đạo theo trát toà.

Ngoài việc làm khải đạo theo yêu cầu của toà án, vì thiếu chuyên viên tâm lý chuyên ngành thông thạo ngôn ngữ và văn hoá Việt, tôi cũng được yêu cầu bênh vực và hỗ trợ cho một số người tỵ nạn Việt Nam phạm pháp qua  những hoạt động chuyên ngành sau: 

- Làm chứng với tư cách chuyên viên văn hoá và tâm lý (expert witness) tại tòa với hai trường hợp giết người và một số trường hợp bố mẹ đánh đập để dậy dỗ con cái, cạo gió hiểu lầm là bạo hành trẻ con v.v...  

- Làm việc chung và trợ giúp Bác Sĩ tâm thần dòng chính tại toà khi cần bênh vực giảm tội cho người tỵ nạn Việt Nam phạm tội giết người trong lúc tâm lý và tâm trí xáo trộn cùng cực (forensic psychiatry). 

Tôi cũng có cơ hội trợ giúp một số không ít thân chủ bị xáo trộn tâm lý cùng cực, căng thẳng (stressed) quá độ do những thay đổi, mất mát không chịu đựng nổi như những trường hợp kể sau: 

- Trầm cảm nặng đến muốn tự tử (clinical depression) và mặc cảm tội lỗi vì sống sót trong khi chồng, vợ hoặc con bị hải tặc giết hại hoặc hãm hiếp.

- Trẻ em tỵ nạn vị thành niên Mỹ hoá quá trớn hoặc bị cha mẹ quá nghiêm khắc, kiểm soát, cổ hủ không muốn ở nhà với bố mẹ bỏ chạy (running away) hoặc muốn xin ở nhà với bố mẹ nuôi Mỹ (foster homes).

- Ly dị hoặc xung đột nặng vì cố gắng giúp đỡ gia đình mình (vợ hoặc chồng) ở Việt Nam, nhất là sau khi mất việc hoặc túng thiếu.

- Vợ chồng tỵ nạn Việt Nam hay chồng Mỹ vợ Việt bối rối và buồn nản khi đang quyết định ly dị, ly thân. 

- Vợ chồng bạo hành lẫn nhau vì bị quá căng thẳng trong cuộc sống hoặc vì con cái hư hỏng dẫn đến việc can thiệp của cảnh sát. 

- Vai trò đảo lộn giữa vợ và chồng do tiếng Anh và sự tiếp xúc với xã hội của đàn bà tốt và nhanh hơn đàn ông. Đàn ông vì mặc cảm tự ty và trầm cảm thường ghen tuông, hành hung dùng bạo lực với vợ con mình.

- Giới hạn vợ tiếp xúc với xã hội, ngay cả hạn chế việc học Anh Văn, vẫn giữ văn hoá "chồng chúa vợ tôi" cổ hủ.

- Khải đạo cho trẻ em tỵ nạn phạm pháp được giới thiệu bởi khải đạo viên của tòa án thiếu nhi (Juvenile Court counselors) hoặc của Phân Bộ Dịch Vụ cho Trẻ Em (Children Services Division).

Tôi cũng phải làm khải đạo gia đình về hiểu lầm văn hoá giữa cha mẹ nuôi Mỹ và con nuôi Việt Nam. 

Ngoài ra, tôi còn phải huấn luyện cho khải đạo viên mới vào chương trình về những lãnh vực chuyên môn như khải đạo tâm thần, những dịch vụ xã hội, truyền thông, nhạy cảm văn hoá (cultural sensitivity) v. v...

Năm 1984, ngân quỹ bắt đầu càng ngày càng bị cắt giảm cho đến đầu năm 1986 chương trình không còn được cấp ngân quỹ nữa. Rất may mắn, toàn bộ chương trình được Bệnh Viện Tâm Thần của Đại Học Y Khoa Oregon tiếp thu và nhận ngân quỹ trực tiếp từ Tiểu Bang. Bản chất công việc khải đạo của chúng tôi hoàn toàn thay đổi. Chúng tôi chỉ còn làm việc với những bệnh nhân bị bệnh tâm thần nặng, thường có nguyên do sinh hoá (bio-chemical etiology) cần bác sĩ tâm thần chữa trị bằng thuốc (medical treatment).

Để kết thúc phần này, xin đơn cử ba trường hợp trầm cảm căng thẳng khá nặng do thay đổi và mất mát quá đột ngột và lớn lao chưa thích ứng được với môi trường mới và một trường hợp tâm thần phân liệt nhẹ (schizophrenia) trong thời kỳ tôi còn làm việc tại Trung Tâm Đông Dương và Bệnh viện tâm thần của trường Y Khoa Oregon.

Trường hợp đầu là giai đoạn trầm cảm và tâm tình tỵ nạn của chính tôi (self disclosure). Trường hợp thứ hai là một bà thân chủ tỵ nạn Việt Nam, trường hợp thứ ba là một bà bác sỹ tỵ nạn người Romanian. Trường hợp sau cùng là một thanh niên bị tâm thần phân liệt nhẹ (schizophrenia).

1. Trường hợp đầu (First case illustration): Tâm sự của tôi.

Ngày 6 tháng 8 năm 1978, tôi quyết định trốn khỏi Việt Nam mong tới được thế giới tự do vì lúc đó tôi bị những người miền Bắc nghi ngờ, cải tạo, và tẩy não liên tục. Tôi biết rõ có thể bị bắt lại, chết đuối hay bị hải tặc tấn công lúc vượt biên nhưng trực giác thôi thúc tôi cần liều lĩnh chấp nhận rủi ro. Việc tôi quyết định bỏ trốn ra đi duờng như khá dễ dàng và nhanh chóng. Trong suốt 3 ngày đêm chịu đựng thời tiết rất xấu trong chiếc thuyền nhỏ mong manh trên biển Thái Bình Dương, thay vì sợ chết, tôi chấp nhận cảm giác lửng lơ, lo âu nhưng một cách nào đó vẫn thấy thoải mái dễ chịu.

Tuy nhiên khi tới Mỹ với tư cách người tỵ nạn, nội lực tâm lý của tôi hoàn toàn bị hủy diệt khi trải qua những thay đổi đời sống quá lớn lao. Khi phải đối phó với những thay đổi văn hoá và xã hội trầm trọng, tôi hoàn toàn không còn tự tin và ngay cả mất hẳn khả năng tự lo liệu cho bản thân mình được. Tình cảm nghi ngại, lo âu, luyến tiếc quá khứ và buồn nản luôn luôn tràn ngập hồn tôi. Những dòng nhật ký sau đây diễn tả tâm trạng của tôi như thế nào trong những ngày đầu là người tỵ nạn trên đất Mỹ.

Tôi tới Hoa Kỳ vào đầu tháng 9 năm 1978, để lại một người anh và gia đình ở Việt Nam. Tôi không bàn được với anh tôi về mưu tính tẩu thoát vì lúc đó anh tôi đang bị giam trong trại tù cải tạo. Khi rời Việt Nam, tôi quyết định ra đi rất dễ dàng không hề nghĩ tới họ nhiều.

Ngay khi tới Portland Oregon, tôi rất hoang mang khi thấy những giá trị Mỹ quá khác biệt và đôi khi  ngược hẳn với những giá trị truyền thống Việt Nam.

Trong những ngày đầu tiên khi chưa có việc làm, tôi luôn thấy tủi hổ, bất lực, và buồn nản. Đời sống ở Mỹ không dễ dàng như tôi tưởng. Trước khi rời Việt Nam tôi mơ tưởng nước Mỹ là một xã hôi dễ sống và khoan dung (permissive and tolerant) ở đó mọi người có dịp thăng tiến với những cơ hội đồng đều. Giờ đây, trong cái xã hội khổng lồ, kỹ nghệ hoá và vô ngã này, tôi cảm thấy mình bị tha hoá (alienated), cô độc và đôi khi hối hận. Sau khi bị chủ từ chối không cho việc làm nhiều lần, tôi bắt đầu càng ngày càng nghi kỵ người Mỹ. Dần dần tôi bắt đầu thấy hổ thẹn, không còn tự tin và tin tưởng vào khả năng (skills) của mình nữa. Với bằng tốt nghiệp dạy Anh Văn trung học đệ nhị cấp của ĐHSP và bằng cử nhân giáo khoa Triết học Tây Phương tại Đại Học Văn Khoa, tôi chẳng có một hướng đi nào để chọn nghề nghiệp có ý nghĩa tại Mỹ cả. Tất cả những điều tôi trải qua lúc đó chỉ là một viễn tượng  sợ hãi và tủi nhục. Tôi thấy bất lực, vô vọng, và vô dụng trong một hoàn cảnh nơi đó lòng tự hào luôn bị công kích hay ít khi được cổ võ tăng cường (reinforced). Tôi trở nên bi quan, sợ hãi và rất nhạy cảm với mọi bác bỏ từ chối không cho làm việc. Tôi hoàn toàn không muốn tiếp xúc với bất cứ người Mỹ nào nữa ngoại trừ người bảo lãnh (sponsor) và cũng là bạn của tôi.

Tôi được mướn làm phụ bồi bàn tại Denny's Restaurant và sau đó làm thợ dây chuyền chùi tay nắm cửa bằng đồng tại Winter Product Company. Trong thời gian này, tôi vẫn cảm thấy như bị bỏ rơi và bị bạc đãi. Tất cả những tài nghệ của tôi bị bác bỏ hoàn toàn trong xã hội mới. Tôi thấy mình chả là ai cả, chỉ là một bộ phận nhỏ bé trong chuỗi dây chuyền khổng lồ vô ngã. Tôi luôn mong muốn có sự thay đổi, không muốn chấp nhận hiện trạng ấy dù không thể quên nó đi được và  vẫn phải sống như vậy, buồn nản, cô độc, tha hóa trong không khí ngột ngạt, lạ lẫm và đáng ghét. 

 

Tôi phải làm công việc chỉ cần một động tác của người thợ dây chuyền suốt ngày tại công ty Winter Product Company.Lúc đó, tôi không biết cuộc đời còn lại của mình sẽ ra sao. Đôi khi tôi tự hỏi tại sao mình bị đẩy vào sống trong một tình trạng vô nghĩa không thoải mái như vậy. Nơi đây những hệ thống giá trị và viễn tưởng đối với tôi dường như quá lạ lùng, vô lý và phi nhân.Tôi không muốn cam kết làm điều gì ngoài tiếp tục làm cái việc nguyền rủa ấy, chẳng có mục đích gì cho đời sống mình cả. Tôi không dám làm kế hoạch gì cho tương lai mình vì chỉ nhận được những cự tuyệt và từ chối từ những người khác. Trong nhiều khía cạnh, tôi bối rối về chính tôi, về tương lai, cảm thấy chẳng có gì quan trọng cả trong giai đoạn khủng hoảng đó của đời tôi.Thực sự tôi không đủ khả năng đương đầu với những gì xảy ra cho tôi trong cái xã hội hoàn toàn mới lạ, máy móc, và vô ngã đó. Sống ở đây nhưng tôi luôn nghĩ tới nước Việt Nam trước năm 1975 với những điều tôi thụ hưởng và mọi giá trị tôi chia sẻ và tham dự. Tôi thường cảm thấy mình là người ngoại cuộc, ám ảnh bị ruồng bỏ bởi cả xã hội Mỹ. Dù tôi cố gắng hết sức, hình như tôi sẽ không bao giờ có thể hoà nhập vào "bình trộn sắc tộc" (melting pot) Hoa Kỳ được.

 

Tôi càng trải nghiệm những khó khăn và nghịch cảnh, tôi càng cảm thấy có lỗi. Mặc cảm tội lỗi đến bất ngờ không báo trước, chỉ vì tôi đã quyết định dễ dàng khi trốn khỏi Việt Nam. Tôi tiếp tục có những giấc mơ về anh tôi và những đứa cháu tôi bị bỏ lại ở Việt Nam, về những khó khăn và đau khổ đáng lẽ tôi có thể chia sẻ với họ nếu còn ở lại. Tình cảm tội lỗi này cũng ngăn cản không cho tôi hưởng một số ưu điểm của đời sống Mỹ và cũng không cho tôi có tâm hồn an bình nơi đất mới.Tôi không ngủ được vào ban đêm, thường thức giấc 1 hoặc 2 giờ sớm hơn khi trước và thấy rất khó ngủ lại được. Tôi chỉ nằm trong giường cảm thấy bất mãn, tức giận và hối hận.

 

Sau khi lập gia đình và có con khoảng một năm sau đó, vợ và con tôi trở nên những nguồn động viên quan trọng nhất của tôi. Họ tạo cho đời tôi một mục đích đầy ý nghĩa và một chuỗi bổn phận Khổng giáo. Ý nghĩa về những bổn phận này giúp tôi chịu đựng và vượt qua được rất nhiều khó khăn khi thích ứng vào đời sống mới.

 

2. Trường hợp thứ hai (Case illustration 2). Phụ nữ trầm cảm, buồn đau khổ đến muốn chết.

 Tôi được giới thiệu trợ giúp cho một một bà thuyền nhân tỵ nạn Việt nam vượt biên với hai đứa con trai, chồng còn kẹt trong trại cải tạo. Sau khi bị hải tặc cướp hai lần, bà mất hết tài sản, bị trầm cảm rất nặng, không ăn không ngủ được, và có ý muốn tự tử. Trong lần gặp đầu tiên, bà than phiền ăn không ngon, mất ngủ quá nhiều và mệt mỏi chẳng muốn làm gì. Bà hỏi tôi hai ba lần:" Ông Vinh ơi chả hiểu tại sao tôi chưa bao giờ bị như thế này cả. Ông có biết tại sao không? Nếu cứ như thế này thà tôi chết đi còn hơn!". Sau khi lắng nghe, học, và thấu cảm (empathy) được bà, tôi nói lại với bà những tâm sự bà mới kể cho tôi để bà sửa sai nếu có chỗ tôi không hiểu rõ. với lòng chân thành tìm hiểu (genuineness) hoàn cảnh khó khăn tâm lý "độc đáo" của bà và đồng thời biểu lộ được rõ ràng là tôi lúc nào cũng muốn coi bà như thân chủ tôi cần trợ giúp, dù cho bà có đúng hay sai, xấu hay tốt (unconditional acceptance). Tôi cũng chia sẻ hoàn cảnh khó khăn của tôi ở Mỹ trong hai tháng đầu tiên (self-disclosure) với bà để bà thấy gần gũi vì tôi có một số khó khăn tương tự như bà. Sau đó tôi chia sẻ với bà về thuyết căng thẳng (Stress theory), những ảnh hưởng tâm lý quá căng thẳng và buồn nản gây ra triệu chứng khó khăn, đau nhức khắp thân thể (psychosomatic symptoms). Tôi đề nghị bà thử làm bảng trắc nghiệm Trầm Cảm cho người tỵ nạn Việt Nam (Vietnamese Depression Scale). Bà đã đồng ý gặp bác sĩ K để được chữa trị bằng thuốc chống nhức đầu, đau nhức mình mẩy, và mất ăn mất ngủ khi kết quả trắc nghiệm của bà khá cao. Tôi thu xếp cuộc hẹn gấp cho bà và tôi gặp bác sĩ K. Trước khi chấm dứt buổi khải đạo, tôi hỏi bà lúc muốn chết bà có nghĩ ra cách nào để chết được không (suicide plan)? Bà im lặng một chút rồi nói bà cũng chưa biết nữa. Tôi nhấn mạnh tôi cần bà hứa với tôi là nếu buồn quá có ý nghĩ muốn chết bà phải gọi điện thoại cho tôi ngay và luôn luôn phải nhớ tới hai đứa con nhỏ rất cần bà sống để chăm sóc chúng (no-suicide contract).

Sau khi dùng thuốc và ăn ngủ khá hơn, trong những buổi khải đạo kế tiếp, vì nhu cầu trí thức muốn hiểu tại sao bà bị như vậy, bà tiếp tục bàn luận thêm với tôi về một số lý thuyết khải đạo khác như giả định bà trầm cảm là do bản ngã lý tưởng với vai trò làm mẹ, làm vợ như bà đã từng làm ở Việt Nam bây giờ không làm được nữa (split between ideal self and real self) khiến bà đau khổ. Một điều rất thích thú tôi học được ở bà thân chủ này là sau khi trao đổi bàn luận một số lý thuyết liên quan tới bệnh trầm cảm lâm sàng, bà không tin lắm vào thuyết căng thẳng (stress) và những thuyết khác. Chúng tôi đã đồng ý về sự giải thích của bà là những khó khăn tâm lý và xã hội của bà do nghiệp chướng từ những kiếp trước theo niềm tin Phật giáo. Tuy tôi thành thật nói với bà là tôi cũng theo đạo Phật nhưng không chắc chắn lắm về thuyết nghiệp chướng, bà vẫn không giận mà còn khuyên tôi nên đọc thêm Kinh Phật. Vào buổi khải đạo cuối cùng sau khi bà khỏe hơn, và bắt đầu đi học Anh văn, bà và tôi đồng ý là nếu bà tiếp tục sống dù đau khổ buồn nản mà trả hết được nghiệp chướng ở kiếp này, bà sẽ rất hạnh phúc và sung sướng ở kiếp sau. Hơn nữa, bà cũng phải cố sống nuôi con vì có thể bà cũng đang phải trả nợ chúng ở kiếp trước. Tôi không biết niềm tin của bà vào Phật giáo để hy vọng hướng về tương lai và của tôi vào những thuyết tâm lý, niềm tin và giả định nào là đúng. Tuy vậy, tôi tin và biết chắc là khi tôi thiết lập ba đức tính của khải đạo viên truyền đạt được tới thân chủ là thấu cảm, thành thật trong sáng, và chấp nhận vô điều kiện (empathy, genuineness, and unconditional acceptance) của tâm lý gia Rogers, thân chủ sẽ tự mình tìm ra lối thoát và giải quyết vấn đề cho chính mình bằng những kinh nghiệm và niềm tin của chính họ. (Chú thích 5: trầm cảm lâm sàng)

3. Trường hợp thứ ba (Case illustration 3) 

Tôi khải đạo bằng tiếng Anh cho một bà bác sĩ tỵ nạn người Romanian khoảng 50 tuổi, mới sang Mỹ một mình được hơn hai tháng, nói tiếng Anh rất khá nhưng chưa kiếm được việc làm, và đang hưởng trợ cấp xã hội. Bà rất buồn và nản vì thấy đời sống khó khăn và khó có thể hành nghề bác sĩ lại tại Mỹ. Sau khi lắng nghe tâm sự của bà, tôi chia sẻ với bà những khó khăn buồn nản của tôi trong hai tháng đầu tại Mỹ. Tôi cũng hỏi bác sĩ K2 thủ tục sửa soạn để thi lấy bằng hành nghề lại ở Mỹ và nói cho bà biết. Bà than không có bạn và người quen nên xin gặp tôi vài ba lần một tuần để tâm sự cho đỡ buồn. Tôi thú thật là tôi có nhiều thân chủ và chỉ có thể gặp bà hàng tuần thay vì hai tuần một lần như đã sắp xếp. Ít tuần sau vì khả năng tiếng Anh của bà, Welfare hối thúc bà phải nhận một việc làm lao động thủ công. Trong lần khải đạo cuối cùng tôi nói nhiều về thời gian làm việc lao động của tôi và những may mắn giúp tôi có được việc làm khải đạo dù ước muốn khi mới tới Mỹ của tôi là được đi dạy lại. Sau đó khi đi làm bà vẫn thường gọi điện thoại hỏi tôi những điều bà muốn biết ở Mỹ hoặc hỏi thăm tôi như một người thân. Mấy tháng sau, bà báo cho tôi biết bà sẽ dọn xuống nam California. Tôi chúc bà tiếp tục nuôi dưỡng "giấc mộng Mỹ" để có thể lấy lại được giấy phép hành nghề bác sĩ và hoàn tất việc học thực tập (internship) càng sớm càng tốt. Từ đó tôi không nhận được tin tức bà nữa (thời đó gọi điện thoại xuyên tiểu bang rất đắt tiền). Tôi không biết bà có hành nghề bác sĩ lại được chưa nhưng tôi tin bà sống thoải mái hơn khi có một hy vọng rõ ràng từng bước để theo đuổi. Ngay cả nếu ước muốn của bà không thành sự thật, bà đã có đủ thời gian để thích ứng dần dần với đời sống mới mà không bị quá căng thẳng, tràn ngập, và choáng váng khi đương đầu với những thay đổi, mất mát quá to lớn của người tỵ nạn.

4. Trường hợp thứ tư (Case illustration 4) 

Một thanh niên Việt Nam bị bệnh tâm thần phân liệt (schizophrenia), gia đình bị quấy phá không chịu nổi muốn đưa anh lên bệnh viện tâm thần để chữa trị nhưng anh không muốn lên. Gia đình phải đưa anh ra toà để xin bắt buộc anh nhập viện (involuntary commitment). Sau lần ra tòa này thành công, anh được cho uống thuốc, sau đó không còn nghe và thấy ảo giác (hallucination) cũng như không còn tin và sợ bị hại (delusional paranoia) nữa. Nhưng phản ứng phụ của thuốc làm anh khó chịu, anh bỏ không uống thuốc và lại bị bệnh lại (relapse). Khi gia đình đưa anh ra toà lần nữa, anh rất bình tĩnh và lý luận vững vàng, không muốn bị chữa trị. Quan tòa bác lời thỉnh cầu của gia đình và anh về nhà tiếp tục quấy phá gia đình. Khi người anh trong gia đình lên hỏi bác sĩ K và tôi  phải làm thế nào chứ gia đình không chịu nổi nữa, bác sĩ K khuyên chỉ còn cách khuyến dụ anh lên bệnh viện nhờ hai bác sĩ nếu cùng đồng ý với nhau có thể giữ anh lại tối đa 3 ngày, rồi lại phải ra toà nữa. Tuy nhiên, bác sĩ K nói nếu người bệnh ở nhà thương, hai bác sĩ tâm thần đồng ý với nhau có thể chích prolixin cho người bệnh mà không cần người bệnh chấp thuận. Sau khi có thuốc vào cơ thể, bệnh nhân tỉnh táo, thường sẽ chấp nhận chữa trị (voluntary commitment). Trong gần một tháng gia đình anh và tôi khuyên bảo, năn nỉ anh lên nhà thương chữa bệnh nhưng không được. Một buổi sáng anh mang một quyển tự điển y khoa bằng tiếng Anh mượn ở thư viện, ghé vào văn phòng tôi và nói:" Anh Vinh này, tôi thấy tôi có những điều giống như bệnh tả ở đây này". Vừa nói anh vừa mở tự điển rồi chỉ vào chữ "schizophrenia". Khi tôi nói chuyện với anh về bệnh thần kinh phân liệt, anh luôn luôn muốn tỏ anh biết rất nhiều, đôi khi sửa sai tôi nữa. Nhớ tới lời khuyên của bác sĩ K, tôi nói với anh:"Mình phải hỏi ông thầy tôi là bác sĩ K mới biết anh đúng hay tôi đúng." Anh đồng ý sẽ cùng tôi lên gặp bác sĩ K vào sáng hôm sau. Sau khi anh về, tôi thấy vô cùng áy náy vì đã không thành thật với anh. Tôi gọi cho cả bác sĩ K và người anh ruột của anh để xin ý kiến và hỏi tôi có thể làm như vậy được không? Cả hai người đều đồng ý nên làm và chịu trách nhiệm chung với tôi để "giúp" cho người bệnh. Sáng hôm sau khi chúng tôi lên, bác sĩ K đã đợi sẵn với một bác sĩ tâm thần nữa, nói chuyện với anh và tôi khoảng mười phút. Sau đó, họ giữ anh lại và chích cho anh một mũi prolixin với sự trợ giúp của người bảo vệ. Sau khi thuốc ngấm, anh đã vui vẻ đồng ý ở lại bệnh viện một tuần không đòi về. Từ đó thay vì cho anh thuốc uống như trước, bác sĩ K đã hẹn anh lên chích thuốc mỗi tháng một lần. Anh đã tiếp tục đi học và đi làm bán thời gian lại được cho tới khi tôi nghỉ làm đổi sang sở mới. (Chú thích 6: bệnh schizophrenia).

Sau 15 năm rời lãnh vực phục vụ sức khỏe tâm thần, tôi lại được mời trở lại làm chuyên viên tư vấn (consultant) tại Bệnh viện Chấn Thương trì hoãn cho trẻ em tỵ nạn quốc tế (chữ mới trong nước là "sau sang chấn") (Post Traumatic Stress Disorders). Tôi phải huấn luyên, giảng dậy, và tư vấn (consult) về văn hoá và khải đạo đa văn hoá cho những khải đạo viên tỵ nạn tập sự đến từ nhiều quốc gia Trung Đông và Nam Mỹ. Tôi cũng phải phụ giám sát (supervise) hai cô khải đạo viên tập sự chuyên làm việc với trẻ em bị chấn thương tâm lý trì hoãn. Dịp này tôi được học hỏi và đọc thêm rất nhiều về tiến trình phát triển của trẻ em cũng như bệnh tâm lý trì hoãn (sau sang chấn)  của trẻ em tỵ nạn đến từ những xứ có  chiến tranh. Tôi cũng được biết việc chữa trị bằng thuốc (medical treatment) cho những bệnh tâm thần nặng đã tiến bộ vượt bực, rất hữu hiệu và càng ngày càng có ít phản ứng phụ (side effects).

 

Trong suốt tám năm làm việc về sức khỏe tâm thần, tôi được huấn luyện và thực tập phải ngăn và dằn cảm xúc để có thể giúp đỡ thân chủ một cách khách quan chuyên nghiệp nên khi khải đạo thân chủ với những nỗi thống khổ cùng cực, nước mắt tuôn rơi, dù tôi có thể tỏ ra ưu tư chia sẻ nỗi buồn nhưng tôi vẫn phải đè nén không được biểu lộ quá cảm xúc. Sau khi về hưu khoảng 5 năm, không biết vì già hay vì hậu quả của 8 năm làm việc khải đạo tâm thần, tôi rất dễ cảm xúc quá độ, hay khóc khi nghe hoặc thấy những tình cảnh thương tâm. Tình cảm "méo mó nghề nghiệp"này tôi thật sự không biết là lợi hay hại cho đời sống tâm lý của tôi lúc về già.

 

Khải đạo tại khu học chính Portland

image015

 

Năm 1986 tôi được trở về môi trường giáo dục làm việc tại Khu học chính Portland (Portland Public Schools District) với chức danh là chuyên viên đa văn hoá (Multicultural specialist) làm việc khải đạo cho học sinh ESL. Tại khu học chính, tôi làm khải đạo rất khác với khải đạo tâm thần, công việc không đi sâu vào lãnh vực tâm lý và tâm thần nhưng chú trọng nhiều đến việc học; động lực học; thích ứng và khắc phục được những khác biệt lạ lẫm của ngôn ngữ, cách giáo dục, và văn hoá trong môi trường mới. Tôi là người đầu tiên được sắp xếp mời về làm công việc này. Tôi phải tự soạn chương trình làm việc phỏng theo công việc của giáo sư khải đạo dòng chính đồng thời sáng tạo ra những hoạt động "khải đạo" để đáp ứng với những nhu cầu mới của học sinh tỵ nạn. Tôi cũng phải tìm cách giảm bớt căng thẳng (stress) cho học sinh Việt Nam qua những buổi nói chuyện về hoàn cảnh khó khăn và tiến trình thích ứng với môi trường mới của các em với ban giám hiệu, hội đồng giáo sư, và với những em học sinh dòng chính để họ thông cảm và giúp đỡ hơn cho các em. Để làm công việc này, tôi phải nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi triết lý hệ thống giáo dục Mỹ tại trung học, những môn học cần và đủ để tốt nghiệp trung học và những môn học rất cần, những kỳ thi như "Scholastic Aptitude Test"(SAT) hoặc “American College Testing” (ACT) cũng như những sinh hoạt ngoại khóa để chuẩn bị cho các em xin và phỏng vấn vào đại học khắp nơi trên nước Mỹ. Sau một năm rất mệt mỏi vì phải làm tất cả từ đầu nhưng rất thành công, chương trình mới thành lập này được tuyển thêm một cô Việt Nam và sau đó một anh người Lào.

 

Ngoài việc làm khải đạo cá nhân và cố vấn về việc học và chuẩn bị đại học, tôi còn phải đáp ứng giải quyết những vấn đề tâm lý và xã hội khó khăn khác, ngay cả vấn đề kỷ luật liên hệ tới học sinh tỵ nạn Việt Nam.

Ngoài ra, tôi phải làm khải đạo tâm lý cho một số học sinh có vấn đề với cha mẹ, nhất là cha mẹ nuôi người Mỹ và giúp cho phó hiệu trưởng về kỷ luật cũng như thuyết trình những vấn đề đa văn hoá cho học sinh dòng chính (mainstream students). Bù lại, tôi không phải xếp lớp cho học sinh và chỉ phải làm khải đạo hướng nghiệp cho một số rất ít học sinh Việt Nam vì đa số các em không muốn và đã quyết định chọn ngành nghề ​theo hướng dẫn của gia đình và bạn bè. Tuy nhiên tôi lại phải cố vấn (advise) rất nhiều về chuẩn bị vào đại học cho các em lớp 12. Xin kể một số vấn đề chuyên môn tôi phải giải quyết sau đây vì tâm lý gia chuyên ngành dòng chính về trắc nghiệm tâm lý không giúp được học sinh ESL Việt Nam.

Giúp tâm lý gia trắc nghiệm dòng chính (school psychologists) lượng định và viết báo cáo mức độ phát triển trí thông minh, thương số trí tuệ (intelligence quotient) của học sinh Việt Nam khi tâm lý gia tại trường không làm được vì trở ngại ngôn ngữ và văn hóa.

Ngoài việc dùng trắc nghiệm tâm lý về phát triển trí tuệ và phỏng vấn xác định là chậm hiểu hoặc bị hiểu lầm là chậm hiểu, tôi còn phải làm việc, thảo luận với tâm lý gia trắc nghiệm dòng chính của trường để giúp nhiều học sinh Việt Nam bị xếp lầm (misplaced) vào chương trình học sinh chậm phát triển chỉ vì khó khăn về ngôn ngữ và không được đi học nhiều ở Việt Nam.

Xin kể hai trường hợp làm khải đạo tại khu học chính Portland và những kinh nghiệm thích thú khó quên khi làm khải đạo tại đó.

Trường hợp đầu (Case illustration 1)

Một nhóm học sinh Việt ESL trung học đệ nhất cấp  tại trường Mount Tabor,  đầu nhóm là một em Việt gốc Tầu Hải Phòng đánh nhau với nhóm học sinh da trắng to cao hơn gần gấp rưỡi thường bắt nạt lấn chỗ trên sân chơi . Tôi đã mời cả em học sinh gốc Tầu Hải Phòng và em học sinh thủ lãnh đám da trắng đi theo vài ba em trong cả hai nhóm lên nói chuyện với tôi cả bằng tiếng Việt và bằng tiếng Anh. Trong khi họp, tôi phải vừa làm khải đạo nhóm vừa thông dịch vì lúc đó học sinh Việt Nam mới sang chưa biết tiếng Anh nhiều. Sau đó tôi mời em Tầu Hải Phòng và em lãnh tụ nhóm Mỹ lên nói chuyện và khải đạo hai lần nữa và hoàn toàn giải quyết được xung đột và bắt nạt trong giờ ra chơi. Em học sinh Tầu Hải Phòng tuy hung hãn với mọi người nhưng rất quý mến và kính trọng tôi. Tôi chỉ tiếc một điều là sau khi tôi rời khu học chánh lên PCC làm việc, lúc đọc báo tôi được biết là em học sinh đó đã bị giết chết trong lúc canh sòng bài của những người Tầu ở khu Northwest Portland.

Trường hợp thứ hai (Case  illustration 2)

Một em học sinh lai Mỹ đen (black Amerasian) khác tại trường trung học Franklyn cũng đã để lại nhiều kỷ niệm êm đềm và khó quên trong những ngày còn làm khải đạo tại trường trung học. Tôi được gọi lên trợ giúp ông phó hiệu trưởng kỷ luật vì một em học sinh ESL đang chửi tục bằng tiếng Mỹ và có hành động hung hãn với mọi người tại văn phòng . Khi tôi gập em, em vẫn còn đang văng tục bằng nhiều tiếng Mỹ đến tôi phát ngượng với ông phó hiệu và mấy bà thư ký da trắng ở đó. Tôi mời em lên phòng khải đạo trong khi em vẫn lải nhải văng tục bằng tiếng Mỹ suốt dọc đường. Vừa vào phòng khải đạo tôi nói ngay: "Cháu nói tiếng Mỹ thầy không hiểu hết vậy nói tiếng Việt đi, mình là người Việt Nam mà". Điều xảy ra làm tôi rất ngạc nhiên và bất ngờ là em học sinh dịu hẳn dọng lại, nói với tôi:" Tụi Mỹ trắng nó ăn hiếp con thầy ơi, ông phó hiệu trưởng không phạt còn binh tụi nó". Sau buổi nói chuyện khải đạo với em, tôi học thêm ở em và thấu hiểu được văn hoá tràn đầy tình cảm tuyệt đẹp được diễn tả trong những đại danh từ Việt Nam dùng mỗi ngày từ lúc mới lớn lên cho đến khi ta chết. Tôi nhìn thấy rõ việc thay đổi thái độ, lễ phép và lịch sự hẳn lên của em qua chữ "con" em tự xưng với tôi và chữ "thầy" khi em gọi tôi. Phải chăng lúc đó chỉ vì những đại danh từ xưng hô trong tiếng Việt mình "con" thay vì "I" "thầy" thay vì "you" đã tự chúng thiết lập được yếu tố quan trọng nhất là "counseling relationship" trong buổi khải đạo thành công rất dễ dàng của tôi. Từ bài học do em học sinh cho tôi, tôi đã thuyết trình trong những bài giảng và thuyết trình khải đạo đa văn hóa nhiều lần, kể cả ở những lớp cao học khải đạo tôi có cơ hội giảng dạy ở PSU sau này. (Chú thích 7: Tình cảm trong Nhân Xưng Đại Danh từ trong tiếng Việt.)

Cũng xin kết thúc mẩu chuyện trên đây bằng một kết luận có hậu, thật vui. Khoảng giữa thập niên 1990's, tôi gặp lại em học sinh lai Mỹ đen ở siêu thị Fred Meyers, em cho tôi biết đang làm cảnh sát, em rất hãnh diện và hạnh phúc với công việc này. 

 

Khải đạo tại trường Đại Học Cộng Đồng Portland


image017

Vì không thể thành giáo sư khải đạo dòng chính tại khu học chính Portland, tôi đã xin sang làm khải đạo tại trường Đại Học Cộng Đồng Portland. Tôi hoàn toàn nhập dòng chính, phải dạy và khải đạo khoảng 80% sinh viên Mỹ trắng, chỉ khoảng 20% bao gồm cả sinh viên du học quốc tế, sinh viên da mầu đủ tất cả mọi sắc dân và một số ít sinh viên Việt Nam mình.

Tại đây cô giáo sư khải đạo gốc châu Mỹ La Tinh và tôi là hai người mới, thâm niên ít nhất. Tôi không còn được coi là có nhiều kinh nghiệm và đặc biệt như khi còn làm trong địa hạt khải đạo đa văn hoá và tỵ nạn nữa. Kinh nghiệm khải đạo cho người tỵ nạn cần rất ít, chỉ là một phần phụ nhỏ trong khi đó tôi phải học thêm khải đạo hướng nghiệp và cố vấn chương trình học, môn học và đại học chuyển tiếp là những lãnh vực tôi biết rất ít. Tuy cùng là môi trường giáo dục, khải đạo tại PCC cũng khác với vai trò giáo sư khải đạo tại trường trung học.

Giáo sư khải đạo (counselor) tại trường PCC thường có ba nhiệm vụ chính là khải đạo hướng nghiệp (career coun​seling), dạy học một hoặc hai lớp mỗi học kỳ, làm khải đạo tâm lý cá nhân (personal counseling), thẩm định sức khỏe tâm thần của sinh viên, khải đạo tâm thần khẩn cấp và giới thiệu ngay sinh viên bị bệnh tâm thần cho bác sĩ tâm thần (psychiatrists) hoặc những cơ quan điều trị bệnh tâm thần và tâm lý dài hạn. Vào những tuần lễ đầu hay cuối khoá khi rất nhiều sinh viên cần chọn lớp, xếp lớp giáo sư khải đạo phải làm cố vấn, phụ với chuyên viên cố vấn (advisor). Mỗi ngày nếu không dạy lớp, thuyết trình về PCC, ngành nghề dạy tại PCC hoặc hướng dẫn nhóm, tôi phải liên tiếp phục vụ khoảng 8 đến 10 sinh viên mỗi người 1 tiếng nếu khải đạo hướng nghiệp (career counseling) hay cá nhân (personal counseling), 30 phút nếu là cố vấn về học hành (academic advising). Ngoài những việc chính vừa kể trên, tôi còn đôi khi hỗ trợ làm bênh vực xã  hội (social advocacy) cho sinh viên qua những sinh hoạt sau đây:

- Làm việc với một số sinh viên, vị giám đốc chương trình hỗ trợ người thiểu số (Affirmative Action) và giáo sư liên hệ để giải quyết đơn khiếu nại bị sách nhiễu tình dục (sexual harassment), bị kỳ thị chủng tộc, giới tính, hay khuyết tật (racial, sexual discrimination or discrimination against handicapped people).

Một thí dụ thích thú là 6 em sinh viên Việt Nam trong 1 lớp của chương trình thợ tiện (Machine Manufacturing Program) lên phòng tôi khiếu nại là giáo sư kỳ thị người Việt mình, rất ghét và có thể đánh rớt họ vào kỳ thi cuối khóa. Khi tôi gọi làm hẹn cùng họ gập người giáo sư để giải quyết vấn đề, ông tỏ ra hơi lo ngại vì đã biết tôi trong những lần tôi cùng phái đoàn training của Affirmative Action đi huấn luyện khắp trường PCC. Buổi họp diễn ra rất tốt đẹp, sinh viên Việt Nam nói ra được những khó khăn và lo ngại của mình (đã được tôi giúp ý kiến và thảo luận trước khi đến). Vị giáo sư cũng rất thoải mái và hứa sẽ điều chỉnh cách dạy để giúp họ học có kết quả hơn. Sau buổi họp, vị giáo sư nói với tôi là khoa trưởng của ông muốn gập tôi vài phút. Tôi vui vẻ nhận lời cùng ông đến gập người khoa trưởng và cho biết mọi hiểu lầm đã giải quyết xong một cách tốt đẹp. Cuối khoá học đó, sáu em Việt Nam đến cám ơn tôi vì đều đậu được lên lớp. Qua kinh nghiệm vừa kể, tôi thấy rõ chính sách và luật liên quan tới quyền bình đẳng của người thiểu số và khuyết tật tại Hoa Kỳ rất quan trọng và cần thiết cho người tỵ nạn Việt Nam mình. Vai trò tư  vấn (consultant) cho (Affirmative Action) của tôi dù khó khăn, nhàm chán nhưng rất cần thiết để bênh vực xã hội (social advocacy) cho người Việt tỵ nạn tại xã hội Mỹ. (Chú  thích 8: Khải đạo và Cố vấn khác nhau ra sao tại trường Đại Học Mỹ)?

Sau đây là một số trường hợp tôi khải đạo tại PCC:

Trường hợp thứ 1: Sinh viên HO lớn tuổi đam mê kiến thức.

Ông sinh viên này khoảng trên 60 tuổi mới ở Việt Nam sang theo diện HO muốn đi học lại dù biết rõ khi tốt nghiệp cũng rất khó kiếm được việc làm. Tại PCC chúng tôi gọi những sinh viên từ 40 tuổi trở lên này là "Older than the average student". Thường thường những sinh viên lớn hơn tuổi trung bình dòng chính này là những người bị cho nghỉ việc do hậu qủa của chuơng trình Mậu Dịch Tự Do Bắc Mỹ (NAFTA "North American Trade Agreement") và được chính phủ cấp tiền cho đi học một nghề mới để đi làm lại trong khoảng thời gian bị thất nghiệp. Những sinh viên này sau khi được chúng tôi khải đạo và cố vấn thường chọn theo học những ngành kỹ thuật ngắn hạn từ sáu tháng tới hai năm hợp với khả năng sở thích của mình, dễ kiếm được việc tại địa phương họ đang sống. Ông sinh viên Việt Nam rất khác với mọi người Việt Nam HO khác và cả với những sinh viên dòng chính lớn hơn tuổi trung bình khi bàn về khải đạo hướng nghiệp với tôi. Ông cho tôi biết ông là trưởng khối giáo sư dạy tại trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt ở Việt Nam. Ông thông thạo Hán Văn, Pháp Văn, và khá về Anh Văn. Ông rất đam mê học thêm và muốn sau khi học xong PCC sẽ chuyển tiếp lên PSU theo đuổi lấy bằng cử nhân và có thể học cao hơn nữa vì đó là ước vọng của ông được đi du học Mỹ từ hồi còn ở Việt Nam. Trong tiến trình khải đạo, tôi chia sẻ với ông về việc đi học lại ở Mỹ của tôi và bàn với ông về hai ngành ông có khả năng và sở thích có thể chuyển hoá qua học tiếp để lấy cử nhân là khoa học chính trị (political science) và Pháp Văn. Ông mừng rỡ ra mặt và bắt đầu thi xếp lớp và học ngay những lớp ENNL (English as a Non-Native language). Sau đó ông rất thường hay xin hẹn gập tôi và chúng tôi tiếp tục chia sẻ đam mê học tập, tìm hiểu kiến thức mới với nhau. Tôi gọi ông là "Thầy" vì ông cũng có thể đã dạy tôi nếu tôi học trường Chiến Tranh Chính Trị. Ông cũng rất lịch sự và bao giờ cũng gọi tôi là "Giáo Sư". Sau gần hai năm trước khi lên PSU ông cho tôi biết sẽ chọn học Pháp Văn dù biết sẽ rất khó kiếm việc ở Mỹ với ngành học này nhất là ở tuổi của ông. 
Vài năm sau trước khi ông qua đời tôi được tin là ông đã học xong bằng Cao học Pháp văn tại PSU. Nhiều người không hiểu, nghĩ là ông cố học Pháp văn để tiếp tục được vay tiền "financial aid" sống. Tôi biết ông rất hạnh phúc và tôi cũng giống ông ở chỗ rất đam mê học hỏi thêm những điều muốn biết. Đối với ông và tôi, tìm tòi học hỏi thêm điều mình thích còn quan trọng và quý giá hơn địa vị và tiền bạc, nếu có được tiền bạc và địa vị thì rất may mắn và càng hạnh phúc nhưng nếu không được, thì tốt hơn là thực hiện được đam mê học hỏi của mình cũng đủ hạnh phúc rồi. Trong hai tháng đầu ở Mỹ, nếu tôi được đi học ngay trong khi tôi làm lao động, chắc chắn tôi đã không bị trầm cảm như vậy. Đối với ông giáo sư Đại Học Chiến Tranh Chính Trị và đối với tôi, cố gắng đi học để có thêm tiền hoặc để nở mặt nở mày, tự hào thì không bõ và không đáng làm.

Trường hợp thứ hai: Sinh viên người Bỉ nói tiếng Anh rất khá, dẫn hai đứa con đến phòng khải đạo xin làm khải đạo hướng nghiệp. Sang tới buổi thứ hai, bà cảm thấy tin cậy tôi hơn bắt đầu than phiền về người chồng Mỹ mới đem ba mẹ con bà sang sau khi cưới. Theo bà, người chồng Mỹ tuy rất thương yêu ba mẹ con bà nhưng rất ích kỷ và keo kiệt do đó bà phải cố học nhanh lấy một nghề để đi làm có tiền mua sắm cho hai đứa con bà. Sau khi lắng nghe và thấu cảm được nỗi thất vọng và bực tức của bà, tôi và bà đồng ý là phải giải quyết xong vấn đề khải đạo hướng nghiệp để bà yên trí sau đó sẽ nói chuyện về sự thất vọng và bực tức của bà với người chồng Mỹ. Sau bốn buổi khải đạo hướng nghiệp, giải thích trắc nghiệm hướng nghiệp, bà đã chọn học nghành Thiết Kế Đồ Họa (Graphic Design) vì dễ kiếm việc tại Portland và rất hợp với sở thích cũng như khả năng của bà. Ở những lần gập sau bà chuyển sang khải đạo cá nhân (personal counseling), nói nhiều về chồng bà và những thay đổi của ông so với lúc ông còn ở bên Bỉ. Tôi chỉ lắng nghe, hỏi lại cho hiểu rõ hơn và để bà tiếp tục nói nhũng bực tức, thất vọng của bà đối với người chồng Mỹ. Tôi có đề nghị bà mời cả người chồng đến để làm khải đạo gia đình nhưng bà không muốn. Sau đó tôi giải thích cho bà là bà và tôi chỉ có thể giúp cho bà thay đổi để bớt thất vọng và bực tức hơn nhưng không thể thay đổi ông chồng mỹ ""ích kỷ và keo kiệt" được nếu ông không muốn thay đổi và không muốn làm khải đạo gia đình. Qua những buổi khải đạo sau, tôi nhấn mạnh, nói lại và làm rõ nghĩa thêm về những điểm tốt bà nói về ông cả lúc còn ở bên Bỉ và nhất là hiện giờ tại Mỹ. Tôi tìm hiểu thêm, hỏi bà về tình yêu của bà với chồng bà ra sao mà bà và hai con bỏ nước Bỉ cùng chồng sang Mỹ. Bà và tôi đồng ý là vấn đề keo kiệt sẽ giải quyết dễ dàng khi bà đi làm có tiền. Tôi cũng chia sẻ với bà về những hiểu lầm của chính tôi với văn hoá Mỹ trong giai đoạn mới tới Mỹ của tôi, đặc biệt là quan niệm về trọng tâm "cái tôi" (self-reliance, Pilmgrim spirit, individualism) của văn hoá Mỹ.  Sau hai buổi khải đạo nữa, tôi không thấy bà làm hẹn gập lại tôi nữa nhưng khoảng gần hai năm sau tôi nhận được thiệp mời đi dự lễ tốt nghiệp của bà trong đó bà cũng nói đang sống rất hạnh phúc với người chồng Mỹ và hai con của bà. Rất tiếc là tôi không đi dự lễ được vì phải thuê áo mặc với tư cách giáo sư và thủ tục rất phiền phức ngược với tính huớng nội (introverted) của tôi.

Khi làm khải đạo, khải đạo viên không được khuyên thân chủ hay sinh viên nên quyết định hoặc làm những điều khải đạo viên nghĩ là đúng cho chính mình hoặc cho đa số mọi người nhưng trước hết phải lắng nghe đi sâu và tìm hiểu sinh viên và dùng những phương pháp tâm lý giúp cho sinh viên hoặc thân chủ tự chọn và quyết định phải học môn nào hay làm gì cho chính họ thích hợp với khả năng, ảnh hưởng giá trị văn hoá, gia đình, và chính cá nhân mình.

Nhiều sinh viên Việt Nam tôi khải đạo thường tránh né học những môn học đòi hỏi đọc và viết tiếng Anh nhiều và đồng thời mang tự ty mặc cảm tiếng Anh của mình dở ngay cả khi học những ngành học chỉ cần một số chữ tiếng Anh chuyên môn ở cấp cử nhân hoặc cao hơn như bác sỹ, nha sỹ, dược sỹ, điện toán, kỹ sư, hoặc những môn khoa học v.v... Những ngành nghề học ngắn hạn hơn ở đại học cộng đồng như thợ tiện, thợ hàn, thợ sửa xe hơi, xây cất,  lập trình điện toán (computer programmer), y tá v.v... Đối với những người Việt tỵ nạn thế hệ thứ nhất này, kể cả những người được may mắn như tôi, chúng tôi thường chỉ dùng 1 giá trị độc nhất trong lựa chọn nghề nghiệp ở Mỹ là phải có việc làm hợp với khả năng có sẵn của mình càng sớm càng tốt để sinh tồn (survive) trong xã hội mới. Tôi đã làm phụ bồi bàn, thợ dây chuyền trong hai tháng đầu tiên ở Mỹ tuy rất buồn vì không hợp với sở thích và khả năng nhưng vẫn cần làm để sống rồi sau đó tìm cơ hội vươn lên những việc mình thích làm và hợp với khả năng hơn.    

Nhiều sinh viên theo cha mẹ sang trong chương trình HO thường coi giá trị của cha mẹ và cộng đồng tỵ nạn Việt Nam là quý giá đối với chính họ và thường mất thời gian, thất bại 1 hoặc 2 học kỳ mới biết khả năng mình không học được kỹ sư, bác sĩ, nha sĩ, hay dược sĩ  như cha mẹ mong ước. Lúc đó họ xoay ra học y tá (nurse), chuyên viên kỹ thuật (technician), hay phụ tá bác sĩ, nha sĩ hay dược sĩ với lòng tủi hổ và buồn bã. Hơn nữa có một số sinh viên Việt Nam đã tốt nghiệp hai năm những ngành kỹ thuật hay công nghệ học (technology), có việc làm rồi bị đình chỉ công việc, gửi trở về trường để học thêm Anh Văn trước khi được nhận trở lại. Trong số những người tôi khải đạo này, rất nhiều sinh viên đã tìm cách tránh né học Anh Văn đi tắt hoặc nhờ giúp đỡ nhưng  gần một phần ba bị dèm pha, cạnh tranh không chính đáng do những người Mỹ trắng đồng nghiệp than phiền là họ không hiểu nội dung thuyết trình của những người Việt Nam giỏi chuyên môn hơn họ này. (Chú thích 9: Làm việc với người Mỹ dòng chính:  Anh ngữ dùng như một công cụ áp chế trong cạnh tranh nghề nghiệp).


Trái lại, nhiều sinh viên dòng chính (mainstream) khi ra trường làm việc thấy việc làm chán quá, không thích hợp với sở thích của mình, hoặc khó quá không làm nổi thường quay về đại học cộng đồng xin khải đạo hướng nghiệp và làm những trắc nghiệm để chọn một ngành hợp với khả năng (aptitude test, basic skill test), sở thích (interest test), cá tính (personality test) và những giá trị đối với mình là quan trọng (value test).

 

Qua một số thí dụ kể trên, chắc nhiều cha mẹ Việt Nam rất thất vọng nếu con cái không cần nhiều tiền (giá trị "value") thích học nghệ thuật, âm nhạc (sở thích "interest"); học rất kém về toán lý hay sinh hoá (khả năng "aptitude, skills") sau khi được giải thích kết quả trắc nghiệm hướng nghiệp và khải đạo đã chọn ngành hoạt họa hay kịch nghệ. Tôi làm việc với rất nhiều sinh viên Mỹ sau khi lấy trắc nghiệm và gặp tôi khải đạo vài ba buổi, đã tự quyết định chọn những ngành nghề họ thích và có khả năng học được, đôi khi họ cùng tôi nghiên cứu tìm tòi rồi đổi sang những ngành nghề tương tự nhưng dễ kiếm việc hơn. Đối với đa số người Mỹ và những em sinh viên Việt Nam lớn lên ở Mỹ, hạnh phúc không phải chỉ là được người khác quý trọng và làm được nhiều tiền, nhưng quan trọng hơn là công việc hàng ngày có làm cho họ hứng thú, làm không biết mệt vì đam mê việc mình làm.

Dù là nghệ sĩ, nhiếp ảnh viên, hoạ sĩ, nhạc sĩ, lực sĩ hay đầu bếp (culinary training) v.v... đa số có thể làm phụ thêm việc lao động để sống, một số ít may mắn nổi tiếng có thể làm được rất nhiều tiền. Tất cả dù may mắn hay không khi họ được theo đuổi, thực hiện đam mê của mình dù là thành công nghệ thuật như Nguyễn Cao Đàm,  Phạm Duy, Trịnh Công Sơn và tài chính như Steve Jobs, Michael Jordan, Michael Jackson hay ngay cả thất bại phải làm thêm việc lao động để sống họ đều thoải mái và hạnh phúc. Một số không ít sau khi có nhiều tiền đã cho từ thiện hầu hết của cải của mình và tiếp tục theo đuổi đam mê (đôi khi vẫn là đam mê làm nhiều tiền) của họ. Tôi nhớ xem hoặc đọc được một bác sỹ Việt Nam đã nói là nếu làm nghề bác sĩ không có từ tâm, đam mê giúp và cứu người mà chỉ muốn nhiều tiền, được kính trọng và danh vọng cao thì  rất mệt, chán, không bõ và không thể có hạnh phúc được.

Giáo sư khải đạo thường giới thiệu sinh viên đi làm những trắc nghiệm hướng nghiệp, giải thích kết quả trắc nghiệm, sau đó bàn bạc làm khải đạo hướng nghiệp với sinh viên sao cho sinh viên có thể tự mình chọn nghề nào mình muốn. Sau đó, giáo sư khải đạo sẽ cố vấn cho sinh viên phải học những lớp nào để lấy chứng chỉ hay bằng cấp gì cho nghề mình chọn.

(Chú thích 10: Một số trắc nghiệm tâm lý hướng nghiệp chính và giải thích kết quả trắc nghiệm)

 


Kết luận


Trong bất cứ một buổi khải đạo nào dù cá nhân, hướng nghiệp, hay với một thân chủ khác văn hoá, tôi trước tiên thường tìm hiểu, học hỏi để hiểu biết thân chủ và những khó khăn, vấn đề không thể tự giải quyết được trong lúc đó. Tôi luôn luôn tự nhủ thân chủ không phải là mình do đó không bao giờ khuyên họ làm những điều tôi nghĩ nếu tôi là thân chủ sẽ làm như vậy. Tuyệt đối, tôi tránh hướng thân chủ tới ý nghĩ "Ai sao tôi vậy" hoặc "Giá như người ta, tôi đáng lẽ phải…" như những khuyên bảo phổ quát trong văn hoá và xã hội Việt Nam lúc trước.  Điều chính yếu khải đạo viên phải làm là sau khi hiểu hoàn cảnh, cá tính, giai cấp, văn hoá v.v... của thân chủ dựa vào đó giúp mở ra con đường (khải đạo) qua lăng kính của thân chủ chứ không phải của mình. Tuy mỗi khải đạo viên có thể chú trọng nhấn mạnh trên ba khía cạnh tâm lý là lý trí, tình cảm, và hành vi (rational, emotional, and behavioral aspects) khác nhau, đa số đều công nhận liên hệ khải đạo (counseling relationship) là yếu tố quan trọng nhất. Trong tiến trình này thông cảm tổng quát của toàn thể mọi người (sympathy) về những khó khăn , đau khổ tâm lý chung chung không làm được, phải đi sâu vào chuyên môn dùng cộng cảm hay thấu cảm (empathy) để nhận biết được đúng tâm lý và tâm tình độc đáo của thân chủ đó. Bước kế tiếp là sử dụng những lý thuyết trị liệu tâm lý (Psychotherapies) hay khải đạo với giả định về bản chất con người, nguyên nhân của khó khăn tâm lý, và làm thế nào để vượt qua được những khó khăn đó sao cho thích hợp với niềm tin, văn hoá, giá trị và giả định của thân chủ. Có thể ví khải đạo viên như một kiếm khách tu thiền có kinh nghiệm học hỏi đủ mọi lý thuyết và cách đánh kiếm (various counseling theories) khi lâm trận huấn luyện giúp đỡ một học trò (thân chủ) không cần nhớ từng cách đánh của từng lý thuyết đã học và thực tập nhuần nhuyễn mà chỉ trước tiên học, nhận định lối đánh và lý thuyết kiếm của người học trò (địch thủ) đồng thời đỡ và đánh ra những thế kiếm bằng chính lý thuyết kiếm của địch thủ.

 

Thêm vào đó, khi dạy đánh kiếm xuyên văn hóa cho thân chủ là người Mỹ, phản hồi cách đỡ và đánh cũng khác với thân chủ là người Việt Nam. Cuối cùng, cách phản hồi cũng phải uyển chuyển tùy theo lúc trời mưa hay trời nắng (môi trường văn hóa khải đạo ở Mỹ hay ở Việt Nam).

 

Khi làm khải đạo, tôi rất đam mê vì mỗi thân chủ đối với tôi là một kho tàng tâm tình và đời sống tâm lý độc đáo để tôi khám phá, học hỏi. Kết thúc bài viết này, tôi xin trích đoạn văn sau đây của Rosenblatt (1975, p.3) rất thích hợp với quan niệm về khải đạo của tôi:

"I want to assist you, individuals, persons, to become whole, to 'integrate your 'lives. To do this, I need assistance from you, from the individual himself. You become my teacher and I become your student, to learn who you are, how you live your ljfe. We become partners in an open-minded, free-wheeling venture to get to know each other, to assist each other". 

Xin phỏng dịch:

"Tôi muốn trợ giúp bạn, cá nhân, con người  trở nên toàn vẹn, nhằm hoà hợp thống nhất (integrate) đời sống bạn. Để làm được việc này, tôi cần sự trợ giúp của bạn, từ chính cá nhân bạn. Bạn trở thành thầy tôi và tôi thành học trò bạn. Tôi học hỏi tìm hiểu bạn là ai, bạn sống đời bạn ra sao. Chúng ta trở thành đôi bạn đồng hành cùng dấn thân vào một cuộc phiêu lưu trên cỗ xe thả dốc, không định kiến, tự do phóng khoáng để hiểu biết thêm về nhau, trợ giúp lẫn nhau".

 

Đỗ Thế Vinh, Ph.D.




Chú thích

 

Chú thích 1: "Khải đạo" là giúp mở con đường ra để thân chủ trong lúc rối loạn tâm lý, tối tăm bối rối không thấy, có thể thấy lại đường hướng và tự giải quyết khó khăn của mình như lúc khỏe mạnh bình thường. Hiện nay trong nước dịch là "tư vấn" thường bị hiểu lầm là cố vấn riêng tư. Theo quan điểm chủ quan của tôi, chữ "counseling" là một danh từ của Mỹ đượm mầu văn hoá Mỹ nhấn mạnh giá trị độc đáo , cá thể của từng người được quyết định cách sống và những quyết định quan trọng cho chính mình mà ngay cả toàn xã hội Mỹ hay bất cứ người nào khác không thể áp đặt lên được, bao lâu người đó không xâm hại đến người khác hay xã hội. Vì khải đạo thường liên hệ tới những niềm tin và giả định chủ quan của thân chủ nên khải đạo viên không thể "cố vấn riêng tư" dùng sự hiểu biết khách quan chung chung hoặc niềm tin và giả định của chính mình để khuyên hoặc khuyến dụ thân chủ làm theo được. Tuy khải đạo có nhiều trường phái với những niềm tin và giả định khác nhau, nhưng thân chủ phải đồng ý chọn và chấp nhận trường phái khải đạo viên đề nghị. Nếu không thích hợp khải đạo viên phải giới thiệu tới khải đạo viên khác để cung cấp dịch vụ thích hợp cho thân chủ. Khải đạo giả định là thân chủ đã từng sống và tự mình vượt qua, chế ngự được những khó khăn tâm lý từ trước tới giờ. Hiện nay, trước những khủng hoảng thay đổi quá lớn, tuy bị rối loạn nhất thời họ vẫn có tiềm năng sinh tồn, thắng vượt được những khó khăn đó nếu nhận được 3 đức tính thấu cảm, thành thật trong sáng và chấp nhận không điều kiện  như ánh đuốc soi đường để tự mình giải quyết khó khăn khủng hoảng của mình.

Chú thích 2: "Culturally encapsulated counselor" có thể hiểu vắn tắt là người khải đạo viên thiển cận chỉ biết có văn hoá "Mỹ trắng, đàn ông giai cấp trung lưu" của mình và không biết hoặc không cần hiểu gì về những văn hóa khác. Anh ta không hiểu hoặc không muốn hiểu về "diversity" thí dụ như giới tính, người đồng tính (sex, gay, and lesbian), giai cấp (class) v.v... hoặc về khác biệt văn hóa (multiculral differences) thí dụ như da đen, da đỏ, da vàng v.v... hoặc tệ hơn nữa là không muốn hiểu hoặc không cần biết Việt Nam, Tầu, Nhật Bổn và Ấn Độ đều là da vàng nhưng khác nhau. Anh ta luôn luôn giả định là họ cũng giống mình (trung lưu đàn ông da trắng). Trong thí dụ người phụ nữ trầm cảm tôi nêu bên trên, nếu tôi bị "culturally encapsulated" tôi sẽ tin là người đàn bà cũng giống như  tôi và tôi sẽ khuyên người đàn bà không nên mê tín dị đoan tin vào nghiệp chướng mà phải khoa học hơn, tin vào giả định và lý thuyết "stress". Việc này rất nguy hiểm vì có thể dẫn tới xung đột quyền lực (power struggle)  giữa hai niềm tin và liên hệ khải đạo (counseling relationship) hoàn toàn đổ vỡ.

Chú thích 3: Psychiatrists vs. Psychologists. Sự khác biệt giữa bác sỹ tâm thần (psychiatrist) và tiến sĩ tâm lý (psychologist) hay khải đạo viên tâm lý. Bác sỹ tâm thần là bác sỹ y khoa, học thêm chuyên khoa trị liệu tâm lý được quyền trị liệu tâm lý (psychotherapy) và cả trị liệu tâm thần dùng thuốc (medical treatment) cho những bệnh tâm thần nặng thường có nguyên nhân sinh-hoá (bio-chemical etiology) như thần kinh phân liệt (schizophrenia) trầm cảm lâm sàng (clinical depression) v.v... Tuy học về tâm lý sâu hơn và nhiều hơn, tâm lý gia hay khải đạo viên tâm lý không được phép dùng thuốc (medical treatment) mà chỉ làm trị liệu tâm lý (psychotherapy) hoặc khải đạo (counseling). Tiến sỹ tâm lý có thể chuyên môn về trắc nghiệm tâm lý hoặc về lý thuyết để dậy học. Tâm lý gia và khải đạo viên có thể làm khải đạo chuyên ngành hơn sau những khoá học thêm chuyên ngành như hướng nghiệp, gia đình, nhóm v.v... 

Chú thích 4: Vào cuối thập niên 1970's, rất nhiều trường phái điều trị tâm lý thịnh hành nở rộ như Transactional Analysis therapy (Trị liệu qua phân tích tâm lý bằng quan sát trao đổi hành vi) của Berne (Berne, 1964), Gestalt therapy (Trị liệu tâm lý tổng thể, toàn bộ) của Perls,  Polster và  Rosenblatt (Perls, 1969; Polster, 1973, Rosenblatt, 1975),  Behaviorism (thuyết Động thái) của Skinner (1974) và Cognitive therapy (Trị liệu phân tích tri thức) của Beck (Beck, 1976), Rational Emotive Therapy (Trị liệu qua phân tích lý luận lệch lạc vì tình cảm) của Ellis (Ellis, 1989; 1962; 1962), Reality Therapy (Tri liệu dựa trên thực tế) của Glasser (Glaser, 1975; 1969), Existential Therapy (Trị liệu hiện sinh) của Frankl, Laing và szacz (Frankl, 1967; 1963; Laing & Szacz, 1985), Person-centered Therapy (Trị liệu nhân vị trọng tâm "lấy con người làm trọng tâm") lúc trước gọi là Client-centered Therapy (Trị liệu thân chủ trọng tâm) của Rogers (Rogers, 1987; 1985; 1980; 1977; 1973; 1959; 1951) để giúp thân chủ bị khó khăn tâm lý tùy theo giả định và niềm tin của mình.       
             

Chú thích 5: Bệnh trầm cảm lâm sàng, nhất là khi nặng đến muốn tự tử cần phải được chăm nom săn sóc và coi chừng. Khải đạo viên vì không thể ở sát thân chủ, phải tìm hiểu xem thân chủ có kế hoạch cụ thể (suicide plan) như nhẩy lầu, để xe ủi, dùng súng hoặc dao v.v... để tự sát không? Nếu có, phải tìm cách đưa ngay vào bệnh viện hoặc nếu không được phải thông báo cho gia đình ngay để coi chừng. Khi thấy bà thân chủ chưa có kế hoạch tự sát cụ thể và vì bà không có người lớn ở chung, tôi phải đề nghị bà gọi cho tôi ngay khi có ý muốn chết (suicide contract). Vào thập niên 1980's, nếu nói được tiếng Anh, tôi phải đưa số phone ngừa tự tử (suicide hotline) cho bà. Bệnh trầm cảm lâm sàng không giống như bệnh tâm thần phân liệt, nếu qua được giai đoạn nặng sẽ càng ngày càng bớt và khỏi hẳn.

Chú thích 6: Bệnh tâm thần phân liệt có nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau từ điên cuồng xé quần áo, ca hát, nghĩ mình là phật, là chúa (grandiose delusion) lúc nào cũng sợ công an, CIA, KGB theo rõi (paranoia) tới thụ động ủ rũ không làm ăn gì được (withdrawal). Nhẹ hơn nữa như trường hợp vừa kể bên trên, sự sợ hãi, nghi kỵ, thấy nghe những điều người thường không thấy và nghe được chỉ xảy ra khi bị căng thẳng (stress) lúc bỏ uống thuốc hoặc chích thuốc, nếu không vẫn có thể sinh hoạt gần như bình thường được. 

Chú thích 7: Trong tiếng Việt nhân xưng đại danh từ mà mỗi người Việt sử dụng hàng ngày tùy theo thứ bậc, địa vị, tình cảm xa gần, hoặc chung chung đôi khi rất uyển chuyển tế nhị và là một nét văn hóa rất đặc thù và độc đáo của chúng ta, ngay cả tiếng Tầu cũng không có. Những đại danh từ này được dạy cho chúng ta từ lúc mới sinh ra và lập đi lập lại hàng ngày từ sáng đến tối, hết năm này qua năm khác cho tới khi ta chết. Chỉ một đại danh từ "I" trong tiếng Anh, đứa bé Việt Nam mình được học ngay từ lúc lọt lòng mẹ là "con", "cháu", "em", "chị" "anh", "ông", "bà", rồi "tôi", "ta", "tao" v.v... đều có nghĩa là "I" của tiếng Anh tùy theo đứa bé Việt Nam nói chuyện với ai và tình cảm với người đó ra sao.  

Ngay cả với chúng ta. Đôi khi chính tôi cũng lúng túng khi gập lại một người bạn thân đã già lúc về Việt Nam. Tôi thường phải hỏi trước:" Mình rất thân hồi còn đi học, "tôi" gọi "ông" bằng "mày" xưng "tao" có được không?" Thường thì được, nhưng đôi khi có người nói: "thôi mình gọi nhau bằng 'ông', 'tôi' đi không con cháu nó cười".


Chú thích 8: Giáo sư khải đạo tại Portland Community College (PCC) giống như giáo sư khác phải có tối thiểu bằng cao học (M.A. hoặc M.S.) về ngành counseling hoặc psychology, chỉ phải làm việc 180 ngày mỗi năm (kể cả 4 ngày nghỉ lễ có lương) và 6 giờ mỗi ngày cộng thêm 1 giờ làm hồ sơ. Chuyên viên cố vấn không được hưởng quy chế giáo sư, phải làm việc quanh năm mỗi ngày 8 giờ và chỉ cần có bằng cử nhân (BA. hoặc B.S.) bất cứ ngành nào cũng được Nếu thiếu giáo sư dạy lớp, chuyên viên cố vấn chỉ được quyền dạy một lớp độc  nhất "College Survival and Success" Những lớp khác có nội dung tâm lý không được dạy.

Chú thích 9: (m việc với người Mỹ dòng chính:  "Anh ngữ dùng như một công cụ áp chế trong cạnh tranh nghề nghiệp").

Sau đây là một số nhận định chủ quan của tôi về làm việc chung với người Mỹ da trắng nguồn chính qua 29 năm làm việc tại Mỹ.

Trong thời gian làm việc lao động, tuy có một vài hiểu lầm văn hoá, tôi thấy những người Mỹ đối xử với tôi rất tốt và chỉ để ý tới việc mình làm có chăm chỉ hay không mà thôi. Tại Dennis restaurant, tôi đã được hai người bồi bàn chính chia cho tiền típ và rất thân mật với tôi dù mới gập lần đầu. Chỉ sau hơn hai tuần tại Winter Product Company, tôi đã được tăng lương 20 cents đưa lên chức đứng chạy máy. Một người Mỹ gốc Phi luật Tân đã tận tâm chỉ dẫn tôi cách sử dụng và bảo trì máy.

Khi làm việc tại Trung Tâm Đông Dương, bà giám đốc chương trình và tất cả những giáo sư người Mỹ nguồn chính quý trọng, huấn luyện, và bảo vệ tôi rất tận tình. Khi cô giám đốc mới thay thế bà giám đốc cũ, cô phải thuê thêm người mới vì lúc đó chỉ còn một cô Việt Nam và tôi ở lại chương trình. Cô giám đốc này bắt đầu kiếm chuyện để làm nản lòng tôi và nhất là cô Việt Nam để chúng tôi đi kiếm việc khác trong Trung Tâm Đông Dương hoặc bên ngoài như đa số những người trong nhóm đầu tiên của chúng tôi. Sau khi cô Việt Nam theo chồng sang miền đông, theo lời kể lại của một ông lãnh đạo cộng đồng tỵ nạn với tôi sau này, cô giám đốc đã lên thẳng ông giám đốc toàn bộ trung tâm Đông Dương đề nghị đuổi tôi vì tôi cứng đầu khó huấn luyện "An old dog can't learn new tricks". Rất may, lúc đó tôi đã bắt đầu có tiếng trong cộng đồng nhờ thông dịch cho mục sư S.  giảng đạo lần đầu tiên cho rất đông người tỵ nạn Việt Nam (gần 100 người) và những người Mỹ bảo lãnh, trong đó có cả ông giám đốc Trung Tâm Đông Dương trong dịp Giáng Sinh 1978. Ông đã không cho cô đuổi tôi vì sợ cộng đồng Việt Nam phản đối. Điều trớ trêu là sau khi tôi lấy được bằng cao học khải đạo năm 1981, chính ông đã bắt cô phải huấn luyện và dẫn tôi đi nhiều workshop về quản trị hành chánh để thay thế cô làm giám đốc. Cũng may là tôi đã nói thẳng với cô là bản tính tôi không thích làm quản trị và chỉ thích làm chuyên môn. Từ đó cô và tôi đã hiểu và thân thiết nhau hơn. Khi làm việc chung với bác sỹ K., Bác sỹ B., và tiến sỹ M., tôi luôn luôn kính nể coi họ như thầy tôi nhưng họ cũng rất quý trọng tôi và rất khiêm nhường. Đối với những vấn đề văn hóa và ngôn ngữ, họ luôn luôn tỏ ra thành khẩn lắng nghe tôi giải thích. Bên ngoài, khi làm việc với tòa án, luật sư, cán sự xã hội, cha mẹ nuôi Mỹ và những người chính nguồn khác, tôi luôn luôn được coi như nhà chuyên môn và được trọng nể.

Khi tôi dạy học bán thời gian tại chương trình ESL của trường PCC cũng ít gặp đồng nghiệp chính nguồn và học viên toàn là người tỵ nạn nên rất dễ dạy. Tại những buổi họp giáo sư, giáo sư chính nguồn thường hỏi tôi về cách ứng sử với học viên tỵ nạn, nhất là học viên Việt Nam. Họ rất coi trọng tôi vì biết tôi đã dạy ESL ở Việt Nam và đang làm khải đạo viên tâm lý, có bằng cao học Mỹ về khải đạo.

Khi sang làm tại khu học chính Portland, ban giám hiệu và giáo sư chính nguồn coi tôi như một chuyên viên và một giáo sư cho học sinh ESL. Khi họ cần làm việc với học sinh ESL họ thường tham vấn tôi một cách nể trọng.

Khi sang làm việc tại trường Đại Học Cộng Đồng Portland, những người Mỹ nguồn chính đối sử với tôi khác hẳn trong môi trường mới này. Ngay hôm đầu, tôi được biết là một giáo sư khải đạo dạy bán thời gian ở PCC đang kiện trường kỳ thị ngược (reversed discrimination) vì ông ta không được mướn làm toàn thời gian mà cô người gốc La tinh và tôi lại được. Sáu người giáo sư da trắng và hai người giáo sư da đen toàn thời gian đối xử với tôi rất tốt, nhưng một cách nào đó tôi cảm thấy tôi bị coi là "trẻ dại" chưa đáng là đồng nghiệp của họ nhưng được nâng đỡ lên làm như họ chỉ vì "Chính sách nâng đỡ  người thiểu số" (Affirmative action). Bà giáo sư da đen trước khi đắc cử dân biểu quốc hội tiểu bang bỏ PCC ra đi, thường nói riêng với tôi "Người thiểu số tụi mình lúc nào cũng phải chứng tỏ (prove) với đám da trắng là mình không bằng thì phải hơn họ, họ mới nể. Họ trái lại khi có việc và chức vụ rồi không cần phải chứng tỏ gì nữa cả. Xã hội Mỹ là bất công thế đấy".

Tuy mọi giáo sư khải đạo đều được sắp xếp số buổi hẹn gặp sinh viên như nhau, những người đồng nghiệp chính nguồn thường giới thiệu sinh viên thiểu số, nhất là da vàng cho tôi, viện cớ là tôi phục vụ những sinh viên này tốt hơn dù những sinh viên này đã được người thư ký làm hẹn dàn xếp gặp họ. Như vậy tôi thường phải ở lại trễ để khải đạo và cố vấn cho những sinh viên thặng dư này. Vài tháng sau khi bị về trễ nhiều lần tôi trình bầy vấn đề này trong hội đồng giáo sư và nói với người thư ký làm hẹn cho tôi gập sinh viên Á đông, nhất là Việt Nam trước cho đủ số người tôi phục vụ trong ngày, trừ phi họ đặc biệt muốn một giáo sư khác. Điều rất thích thú tôi biết được là sau đó người thư ký cho hay có một số sinh viên Việt Nam chỉ muốn gặp giáo sư khải đạo người Mỹ dòng chính mà không muốn gặp tôi (đúng là trăm người trăm ý. Có lẽ những sinh viên Việt Nam đó nghĩ rằng người Mỹ thì phải biết nhiều hơn tôi chăng?)!

Đối với sinh viên Mỹ chính nguồn, tôi cũng được đối xử bình thường và trọng nể giống như những giáo sư khải đạo khác. Tuy nhiên, tôi bị quấy phá và liên tục bị cố ý làm cho nản lòng bởi một số giáo sư khải đạo làm việc bán thời gian, có lẽ họ muốn tôi đi làm chỗ khác để họ có cơ hội xin vào làm toàn thời gian? Đôi khi họ loan tin là sinh viên than phiền tôi nói giọng nặng (heavy accent) khó nghe. Trong những buổi họp giáo sư, nhất là trong lúc tôi thuyết trình về tính đa dạng (diversity) của xã hội Hoa Kỳ qua những buổi huấn luyện cho toàn trường, tôi luôn luôn đề cập tới những người dòng chính phải tập nghe để hiểu không những tiếng Mỹ ở những vùng miền khác nhau trong nước, tiếng Anh ở Úc, ở Ấn Độ, ở Hongkong, mà ngay cả tiếng Mỹ có giọng nặng của những người di dân hay tỵ nạn. Trong nước Mỹ là một quốc gia đa văn hoá có nhiều di dân và tỵ nạn chủng tộc khác nhau mới đến, cố gắng cải thiện truyền thông phải ở cả hai phía, người nói lẫn người nghe. Khi có cạnh tranh nghề nghiệp, người Mỹ chính nguồn thường xử dụng tiếng Anh như một lợi thế, một khí cụ áp bức để thắng lợi.  Năm 2001 khi đa số giáo sư khải đạo thâm niên trong chương trình nghỉ hưu vì sự thay đổi của chính sách hưu bổng tiểu bang (PERS), tôi và một cô giáo sư khải đạo da trắng trở thành hai người thâm niên nhất của chương trình khải đạo tại PCC Sylvania. Ông giáo sư da đen trưởng ban khải đạo khi về hưu đề nghị cho tôi lên thay thế ông có lẽ ông thích tôi là người thiểu số. Khi đề nghị với khoa trưởng cho tôi làm trưởng ban ông lấy lý do là tôi có bằng Ph. D. Tôi từ chối làm vì thực sự tôi chẳng bao giờ muốn làm quản trị cả. Tuy vậy cô giáo sư khải đạo kia rất lo âu và nghi ngờ lời nói của tôi.  Cô luôn luôn lo sợ tôi muốn làm trưởng ban (chair) nên không ưa tôi dù lúc trước rất thân với tôi.

Nói chung, người Mỹ chính nguồn đa phần là rất tốt đối với tôi, giúp đỡ tận tình khi tôi cần họ và nể trọng tôi khi cần sự giúp đỡ của tôi. Theo kinh nghiệm của riêng tôi, họ chỉ trở thành "người Mỹ xấu xí" khi phải cạnh tranh nghề  nghiệp với tôi. Họ có thể dùng đủ mọi thủ đoạn để đánh thua "đối thủ" nếu đụng chạm đến quyền lợi của họ. 

Như vậy, khi làm việc với người Mỹ chính nguồn khi có cạnh tranh công việc với người thiểu số rất căng thẳng và khó khăn nếu luật lệ không được rõ ràng. Rất may, những vấn đề, luật lệ và giá trị (issues, laws and values) liên quan tới  "Chính sách nâng đỡ  người thiểu số" "tính đa dạng", "đa văn hóa" (Affirmative action, diversity, multiculturalism) luôn luôn được người Mỹ chính nguồn tôn trọng và bảo tồn.  

Một số em sinh viên Việt Nam phải quay lại PCC học thêm Anh Văn tuy tiếng Anh khá tốt và  rất giỏi về khả năng chuyên môn, được đề cử lên làm trưởng nhóm (group leader). Các em  thường phải thuyết trình trước nhóm của mình về những dự án hoặc tổng kết từng giai đoạn hoạt động của nhóm. Những thành viên nguồn chính trong nhóm vì muốn tranh chức trưởng nhóm thường rỉ tai nhau than phiền với cấp trên là không hiểu vì trưởng nhóm nói tiếng Anh không rành. Khi khải đạo những em này, tôi thường chia sẻ những điều tôi giảng về sự đa dạng của tiếng Anh trên khắp thế giới và ngay cả ở Mỹ. Tôi cũng nhắc các em là ngay cả tiếng Việt mà một số người Việt ở nông thôn miền Trung nói mình cũng không hiểu. Đôi khi tôi xin phép một vài em nói chuyện điện thoại thẳng với supervisor của các em, đề nghị với họ rằng "than phiền không hiểu" có thể là do cạnh tranh nghề nghiệp và chức vụ. Tôi cũng đôi khi nhắc họ là trong truyền thông đa văn hoá như ở Hoa Kỳ, cả người nói lẫn người nghe đều phải cố gắng thích ứng vào sự khác biệt của người kia để hiểu nhau.

 

Để chấm dứt phần này, qua việc huấn luyện đi thuyết giảng về người thiểu số Mỹ da vàng với tư cách là chuyên viên tư vấn (consultant) cho chương trình "Chính sách nâng đỡ  người thiểu số" (Affirmative action) của trường Đại Học Cộng Đồng Portland, tôi xin thêm vào một vài quan sát và nhận định chủ quan như sau:

Con người dù là Việt Nam, Mỹ hay bất cứ ở nước nào khác mà tôi đã gập đều có lòng tự hào về những cái mình có sẵn như chủng tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, văn hoá, v.v... bao gồm cả cái "tôi" và  thường thấy mình độc đáo và khác với mọi người kể cả những người đồng chủng tộc và văn hoá với mình. Tâm lý thành kiến (prejudice) về chủng tộc này  khi ở  trong tay nhóm người đa số có  quyền lực (power) sẽ trở thành kỳ thị chủng tộc (racism).  Nước Mỹ khác với Việt Nam và nhiều nước thuần chủng  vì là một nước đa chủng tộc, đa văn hoá và đã qua một tiến trình tuy chậm những vững bền về phương thức dần dần xoá bỏ hẳn quan niệm kỳ thị chủng tộc "khác và hơn" của đa số đối với những chủng tộc thiểu số và quan niệm "khác và hơn" của giai cấp quý phái, trí thức đối với giai cấp lao động ít học. Tiến trình này xảy ra mạnh mẽ nhất trong thập niên 1960's với phong trào dân quyền bất bạo động của mục sư tiến sỹ Martin Luther King, sinh viên vào đại học nhờ "GI Bill" và những luật giúp đỡ giai cấp lao động nghèo khó ở Mỹ bắt đầu bùng nổ dưới thời Tổng Thống Lyndon Johnson và kéo dài cho tới hiện tại. Sau đó phong trào phụ nữ đòi bình quyền, khởi thủy từ quyền được bầu cử từ năm 1920 đã tiếp tục bành trướng khi Tối Cao Pháp Viện Mỹ giải thích Hiến Pháp Mỹ cho  phép phụ nữ được quyền phá thai trong ba tháng đầu sau khi thụ thai năm 1973 (Roe v. Wade), cho tới phong trào "Me too" mới đây. Luật bảo vệ người khuyết tật (The Americans with disability Act) đã được quốc hội Mỹ thông qua và Tổng Thống Mỹ ký năm 1990. Phong trào đòi bình quyền cho người đồng tính cũng đã càng ngày càng nổi lên mạnh mẽ hơn ở thế kỷ 21 này. Điều cần nhấn mạnh ở đây là chính những người da trắng cấp tiến nguồn chính Mỹ đã hy sinh rất nhiều và giúp những phong trào trên thành công qua giáo dục quần chúng để cuối cùng được đa số dân biểu và thượng nghị sỹ Mỹ làm thành dự luật cho những tổng thống Mỹ từ cuối thập niên 1960's ký thành luật. Một điều nữa phải nói là truyền thông báo chí chính nguồn Mỹ đã giáo dục được cho người Mỹ những đau khổ và bất công đối với thổ dân da đỏ Mỹ, người Mỹ gốc Phi Châu, người Tầu, người Nhật, người Do Thái, người Ái Nhĩ Lan, và người Ý. Người Mỹ nói chung rất "dân chủ" và trọng luật lệ của đa số do  đó ngay cả khi trong lòng họ không thích "Chính sách nâng đỡ  người thiểu số" (Affirmative Action), người di dân hay tỵ nạn đến quá đông hoặc luật phá thai, họ sẽ chỉ chống đối bằng tự do ngôn luận (free speech) và truyền thông để thay đổi chính sách qua bầu cử.

 Ngoài lãnh vực cạnh tranh, người Mỹ nguồn chính rất nhân đạo và tử tế. Tuy nhiên, theo quan điểm chính trị, có thể chia họ thành hai loại người: Bảo thủ (Cộng Hoà) và cấp tiến (Dân chủ).

Đối với người bảo thủ, khi tôi phải thuyết trình cho Affirmative Action, tôi thường nhấn mạnh tới những thành công và đóng góp cho nước Mỹ của dân Á Châu để họ nể trọng "nhóm thiểu số gương mẫu" (Model minority) mình. Ngược lại, với những người cấp tiến, tôi lại phải nhấn mạnh tới những khó khăn và thất bại của người da vàng, nhất là những người mới tới như những người tị nạn Đông Dương mình để tránh cho người Mỹ lầm tưởng mọi người da vàng là đều thành công giầu có không cần trợ giúp của chính phủ Mỹ nữa "Huyền thoại thành công của người Mỹ da vàng "(The myth of Asian American success). Đối với mọi người da trắng nguồn chính, tôi cũng phải nói tới "đặc quyền đặc lợi" của người da trắng (white priviledge) mà họ thường không  thấy  để họ hiểu thêm những điều họ đương nhiên được hưởng ở xã hội Mỹ trong khi những sắc dân da mầu đã và còn đang phải cố gắng, tranh đấu mới dần dần được.

Tại trường PCC cũng có hai loại giáo sư: Giáo sư dạy những lớp transfer lên đại học và giáo sư dạy nghề như sửa xe hơi, thợ tiện, thợ hàn v.v... Giáo sư dạy nghề thường chỉ cần có kinh nghiệm về nghề của mình mà không cần phải học nhiều như những giáo sư kia. Đa số giáo sư dạy nghề thường rất bảo thủ, bênh vực và bảo vệ sinh viên da trắng nguồn chính hơn những sinh viên thiểu số, ngược lại đa số giáo sư trí thức thường rất công bình, đôi khi còn nâng đỡ sinh viên thiểu số hơn sinh viên da trắng. 

Ganh đua trong đời sống và nhất là trong công việc rất gay go và đôi khi phũ phàng đối với những người thiểu số. Người Mỹ nguồn chính và văn hóa Mỹ luôn luôn đề cao người thắng cuộc vì thế họ dùng đủ mọi thủ đoạn để cạnh tranh dành thắng lợi. Tuy nét văn hoá này rất cần thiết để duy trì sức mạnh kinh tế và quyền lực của Hoa Kỳ nhưng cũng là một khó khăn cho những người thiểu số và tỵ nạn chúng ta.

Tôi tin rằng trong một nước có truyền thống dân chủ như nước Mỹ, những người thiểu số chúng ta phải tiếp xúc, tìm cách chứng tỏ và giáo dục người Mỹ nguồn chính là chúng ta cũng giống như họ, yêu tự do dân chủ, nước Mỹ, tôn trọng luật pháp và công bằng có cơ hội đồng đều để thực hiện "giấc mơ Mỹ" qua những đóng góp cụ thể của chúng ta cho nước Mỹ. Ngay cả những khi căng thẳng trong cạnh tranh nghề nghiệp với người Mỹ dòng chính, chúng ta vẫn phải bình tĩnh tránh cảm xúc quá độ, dùng giải thích, giáo dục, và luật pháp Mỹ để giải quyết vấn đề.

Chú thích 10: Trắc nghiệm tâm lý hướng nghiệp

Trắc nghiệm Strong Inventory test xác định sở thích cá nhân có hợp với lãnh vực nghề nghiệp hay không, xây dựng trên lý thuyết của Holland (1997; 1996;1994; 1987).

Holland sáu lãnh vực sở thích cá nhân và công việc (RIASEC) như sau:

1) Lãnh vực thực tế (Realistic) những việc sử dụng tay, mắt thực dụng như kỹ sư, thợ máy, thợ xây cất v..v..

2) Lãnh vực điều tra nghiên cứu (Investigative) như nhà nghiên cứu, thám tử, giáo sư đại học v.v...

3) Lãnh vực nghệ thuật (Artistic) như nghệ sỹ, nhạc sỹ, diễn viên v.v...

4) Lãnh vực xã hội (Social) như nhân viên làm việc xã hội, giáo viên, y tá thích giúp người khác v..v..

5) Lãnh vực thương mại (Enterprising) cũng thích làm việc với người nhưng để khuyến dụ người khác làm điều mình muốn có lợi cho mình hoặc đôi bên cùng có lợi như thương gia, chính trị gia, người quảng cáo bán hàng v.v...

6) Lãnh vực sinh hoạt đều đặn được dàn xếp chỉ định sẵn (Conventional) như thư ký, kế toán viên v.v...

Mỗi người sau kết quả trắc nghiệm thường có 3 lãnh vực sở thích nổi trội xếp theo thứ tự ưu tiên thành 3 chữ. Thí dụ như trường hợp kết quả của chính tôi là:

SAI (Social; Artistic; Investigative) với số điểm thứ tự (58, 52, 51), chỉ rõ cường độ và mức độ thích hợp sở thích.

Theo kết quả này nếu có được một việc làm giúp được người như thầy giáo, cán sự xã hội (Social) và trong nghề có những khía cạnh thẩm mỹ, nghệ thuật (Artistic) cũng như cho tôi cơ hội tìm tòi nghiên cứu học hỏi thêm (Investigative) tôi sẽ rất hạnh phúc.

Trắc nghiệm cá tính (personality test) Meyers and Briggs (1998) dựa theo giả thuyết của Jung (1971) con người có cá tính theo hướng đối nghịch nhau của bốn khía cạnh liên quan tới việc và những sinh hoạt hàng ngày như sau:

1) Hướng ngoại (extraverted) hoặc hướng nội (introverted)

2) Dùng lý trí suy nghĩ (thinking) hay cảm tính (feeling) để quyết định

3) Thanh toán công việc cho xong ngay (Judging) hay để đến gần hết hạn mới làm (Perceiving) 

4) Dùng giác quan thấy vấn đề trong hiện tại một cách phân tích rõ ràng (Sensing) hay dùng trực giác thấy được tương lai viễn tượng và tiềm năng của vấn đề (Intuition).

Kết quả trắc nghiệm của chính tôi về Trắc nghiệm cá tính (Personality test) là: INFJ (Introverted, Intuitive, Feeling, Judging) đối nghịch với cá tính của người: ESTP (Extraverted, Sensing, Thinking, Perceiving).

Có thể giải thích kết quả trắc nghiệm cá tính của chính tôi (INFJ) là tôi hướng nội (I: Introverted) không thoải mái nếu công việc phải xông sáo, tiếp xúc với nhiều người bên ngoài. Tôi có khả năng và thích nhìn xa, thấy được viễn tượng, khả thể (potentials) của vấn đề trong tương lai bằng trực giác (N: Intuition). Khi Quyết đinh làm gì quan trọng cá tính của tôi thích dùng cảm tính, trực giác để quyết định thay vì cân nhắc nặng nhẹ đong đo bằng phân tích lý trí. Sau hết khi bắt tay vào làm việc gì, tôi thường bắt đầu làm ngay càng sớm càng tốt cho xong (Judging) chứ không có cá tính của người (perceiving) đợi nước đến chân mới nhẩy, không thích và đôi khi không thể làm ngay được. Với cá tính này họ thường vẫn hoàn thành công việc khi vừa hết hạn và thấy người có cá tính như tôi có khuyết điểm là "Vội vàng có thể vấp phải đá có thể quàng phải dây".

Tóm lại hai người có cá tính đối chọi thường hay chủ quan chê bai nhau. Trong những công việc cần làm chung, hiểu và thông cảm cá tính tâm lý khác biệt của nhau rất cần thiết. Tâm lý gia Mỹ trong công nghiệp thường coi cá tính đối trọi của nhân viên rất quan trọng và cần thiết để hoàn thành những dự án lớn. Nếu hiểu và không dùng cá tính mình chê bai người khác cá tính với mình thì khi làm việc chung một dự án lớn, họ sẽ hỗ trợ, bổ túc cho nhau (complementary) để hoàn thành tốt đẹp hơn.

Cũng xin nói rõ hơn về sự khác biệt giữa tính táo bạo kinh doanh (Enterprising) thích làm việc với người khác trong vai trò lãnh đạo hướng dẫn làm theo cách của mình để có lợi cho mình hoặc đôi bên cùng có lợi (win-win situation) và tính xã hội (social) tôn trọng và muốn giúp đỡ người khác, thích làm việc với họ trong vai trò giúp đỡ vị tha không muốn lợi lộc vật chất cho mình. Một số phân khoa tâm lý và khải đạo tại đại học Mỹ đã cấm sinh viên dùng sách "How to win friends and influence people" của Dale Carnegie vì sách nói nhiều về những thủ thuật lợi dụng, hướng dẫn (manipulate) người khác làm những điều có lợi cho mình tuy rất có ích và thực dụng trong kinh doanh nhưng theo quan điểm xã hội là không đạo đức (unethical) vì thiếu thành thật và trong sáng.

 

 

Sách Tham Khảo (REFERENCES)

            Ades, M., Do, V. T., Keopraseuth, K. O., Rath, B., & Bui, A. (1984). The Indochinese in America: Guidelines for counseling. Oregon Personnel and Guidance Journal, 7 (2), 25-   29.

          Ades, M., Do, V. T., Keopraseuth, K. O., Rath, B., & Bui, A. (1984). The Indochinese In America: Guidelines for Counseling, P/AAMHRC Research Review, Vol. 3, No. 3/4, July/October 1984.

            Beck, A. T. (1976). Cognitive therapy and emotional disorders. New York: International Universities Press.

            Becvar, R. J., Canfield, B. S., & Becvar, D. S. (1997). Group work: Cybernetic, constructivist, and social costructivist perspectives. Denver: Love Publishing Company.

          Bern, E.  (1977). Principles of Group Treatment, Grove press, Inc,, New York, 1977

Berne, E. (1964) Games People Play. Grove Press, Inc., New York, 1964.

            Bliatout, B. T., Do, T. V., Keopraseuth, K. O., Rath, B., Bliatout, H. Y., & Lee, D. T-T. (1985). Mental health and prevention activities targeted to Southeast Asian refugees. In T. C. Owan (Eds.),Southeast Asian mental health treatment, prevention services, training, and research.Washington, DC: U. S. Department of Health and Human Services.

            Bogart, M. (1991). The use of meditation in psychotherapy: A review of the literature. American Journal of Psychotherapy, 45 (3), 383-412.

Ellis, A. (1989). Rational-emotive therapy. In R. J. Corsini & D. Wedding (Eds.), Current psychotherapies (4th ed.) (pp. 197-238). Itasca, IL: Peacock.

          Ellis, A. (1962). Reason And Emotion In Psychotherapy. New York Lyle Stuart, and Citadel Press, 1962,

          Ellis, A. (1962). Rational- Emotive Psychotherapy, in D. Arbucle (Ed.), Co,, Counseling And Psychotherapy. New York: Mac Graw Hill, 1962

Frankle, V. (1963). Man's search for meaning. New York: Washington Square.

Frankle, V. (1967). Psychotherapy and existentialism: Selected papers on logotherapy. New York: Washington Square.

          Glasser. W. (1969).  Schools without Failure. New York  Harper & Row, 1969

          Glasser,lV. (1975). Reality Therapy, A New Approach To Psychiatry; iler,r, Newyork: Harper & Row, 1975.

          Glasser , Ld,; and Zunin, L. Reality therapy. INR Corsini (Ed,). (1973) Current Psychotherapies. Itasca, Illinois: peacock, 1973

            Hofstede, G. (1983). Dimensions of national culture in fifty cultures and three regions. In G. B. Deregowski, S. Dziurawiec, & R. C. Annis (Eds.), Expiscations in cross-cultural psychology (pp. 335-355). Lisse, the Netherlands: Swets & Zeitlinger.

            Holland, J. L. (1987). Current status of Holland's theory of careers: Another perspective. The career Development Quarterly, 36, 24-30.

            Holland, J. L. (1994). Separate but unequal is better. In L. M. Savickas & R. W. Lent (Eds.),Convergence in career development theories (pp. 45-51). Palo Alto, CA: CPP.

                Holland, J. L. (1996). Integrating career theory and practice: The current situation and some potential remedies. In M. L. Savickas & W. B. Walsh (Eds.), Handbook of career counseling theory and practice. (Pp. 1-11). Palo Alto, CA: Davies-black.

                Holland, J. L. (1997) Making vocational choice: A theory of vocational personalities and work environments (3rd ed.), Englwood Cliffs, NJ: Prentice-Hall.

                Holmes, T. H., & Rahe, R. H. (1967). The social readjustment rating scale. Journal of psychosomatic research, 11, 213.

            Katz, J. H. (1985). The sociopolitical nature of counseling. Counseling Psychologist, 13, 615-624.

            Kinzie, J. D., Manson, S. M., Do, T. V., Nguyen, T. T. L., Bui, A., & Than, N.P. (1982). Development and validation of a Vietnamese language depression rating scale. American Journal of Psychiatry, 139, 1276-1281.

          Lazarus, A. A, et al. (1976). Multimodal behavior therapy: I. Oxford, England: Springer.

          Laing, R. D. & Szacz, T. (speaker). (1985). Using phenomenology and existential philosophy in psychotherapy. The evolution of psychotherapy: A conference (Cassette Recording No., L 330-8). Phoenix, Arizona: The Milton H. Erickson Foundation, Inc.

          Maslow, A. (1971). The farther reaches of human nature. New York: Viking.

May, R., Rogers, C., Satir, V., Szasz, T. (speaker). (1985). The role of the therapist/client. The evolution of psychotherapy: A conference (Cassette Recording No. L330, P12). phoenix, Arizona: The Milton H. Erickson Foundation, Inc.

            May, R. (1983). The discovery of being: Writing in existential psychology. New York: Norton.

            May, R. (1977). The meaning of anxiety (rev. ed.). New York: Norton.

            Mikulas, W. (1981). Buddhism and behavior modification. Psychological record, 31, 331-342.

            Myers, Briggs I,. McCaulley, M.H., Quenk N., and Hammer, A. (1998) MBTI Handbook: A Guide to the development and use of the Myers-Briggs Type Indicator . P. 131 Consulting Psychologists Press, 3rd edition.

           Perls, F. (1969). Gestalt therapy verbatim. Lafayette, CA: Real Person Press.

            Polster, M., Sanford, R., & Rogers, C. R. (speaker). (1985). Rogers, Kohut, & Erickson: A personal perspective. The evolution of psychotherapy: conference (Cassette Recording No. L 330-23). Phoenix, Arizona: The Milton H. Erickson Foundation, Inc.

            Polster, E. & Polster, M. (1973). Gestalt therapy integrated. New York: Vintage.

            Ridley, C. R., Lingle, D. W. (1996). Cultural empathy in multicultural counseling: A multidimensional process model. In Pedersen P. Lonner W.J. and           Draguns J.G. (Eds.), Counseling Across Cultures. Honolulu: University press of Hawaii.

            Rogers, C. R. (1987). Comments on the issue of equality in psychotherapy. Journal of Humanistic Psychology. 27 (1), 38-39.

            Rogers, C. R., Sanford, R., & Polster, M. (speaker). (1985). Rogers, Kohut, & Erickson: A personal perspective. The evolution of psychotherapy: A conference (Cassette Recording No. L 330-23). Phoenix, Arizona: The Milton H. Erickson Foundation, Inc.

            Rogers, C. R. (1985). Toward a more science of the person. Journal of Humanistic Psychology. 25 (4), 7-24.

            Rogers, C. R. (1980). A way of being. Boston: Houghton Mifflin.

            Rogers, C. R. (1977). On personal inner strength and its revolutionary impacts. New York: De Lacorte.

            Rogers, C. R. (1973). The interpersonal relationship: The core of guidance. In John StewartBridges not walls. Massachusetts: Addison-Wesley.

            Rogers, C. R. (1959). The theory of therapy, personality, and interpersonal relationships, as developed in the client-centered framework. Vol. III in S. Koch (Eds.). Psychology: A Study of Science. New York: Mc Graw-Hill.

          Rogers, C. R. (1951). Client-centered therapy. Boston: Houghton Mifflin.

          Rosenblatt D. (1975). 0pening Doors What Happens in Gestalt Therapy, New York Harper and Row 1975.

          Sue, D.W. (1978). Eliminating cultural oppression in counseling. Toward a general theory.Journal of Counseling Psychology, 25, 419-428.

          Sue, D W: (1977) Counseling-the culturally different: A conceptual analysis: Personnel and Guidance Journal, 55,422-425.
          Sue, S., Sue, D. W., & Sue, D. (1975). Asian Americans as a minority group. American Psychologist, 30, 906-910.

Szacz, T. & Laing, R. D. (1985). (Speaker). (1985). Using phenomenology and existential philosophy in psychotherapy. The evolution of psychotherapy: A conference  (Cassette Recording No., L 330-8). Phoenix, Arizona: The Milton H. Erickson Foundation, Inc.

            Tart, C., & Deikman, A. (1991). Mindfulness, spiritual seeking and psychotherapy. Journal of Transpersonal Psychology, 23 (1), 29-52.

Van Kalmthout, M. A. (1995). The riligious demension of Rogers's work. Journal of Humanistic Psychology.

            Walsh, R. (1992). The search for synthesis: Transpersonal    psychology and the meeting of East and West, psychology and religion, personal and       transpersonal. Journal of Humanistic Psychology, 32 (1), 19-45.

            Wrenn, C. G. (1962). The culturally encapsulated counselor. Harvard Educational Review, 32(4), 444-449.

Yalom, I. D. (1980). Existential psychotherapy. New York: Basic.

Jung, C. G. (1971). Psychological types (Collected works of C. G. Jung, volume 6). (3rd ed.). Princeton, NJ: Princeton University Press.

 

 


Monday, August 26, 2024(View: 1975)
Và thế tôi xin mượn âm điệu bài hát 'NGÀN THU ÁO TÍM" của nhạc sĩ Vĩnh Phúc và Hoàng Trọng để diễn tả cuộc tình thật đẹp của những đôi tình nhân cùng học trường Ngô Quyền Biên Hòa.
Monday, August 26, 2024(View: 520)
Bước vào năm 2000 của thế kỷ 21 chúng tôi quyết định vào mùa hè đi thăm nước Mỹ bằng cách lái xe xuyên bang qua các vùng thuộc miền Trung và Đông Bắc của nước Mỹ ...
Sunday, August 25, 2024(View: 560)
Quả thực, Francoise Sagan là một hiện tượng văn học phổ biến một cách rộng rãi ở miền Nam. Sagan có lối viết thật ngắn, gọn.
Friday, August 23, 2024(View: 620)
Năm 1970, chiếu theo giấy phép số: 3343/GD/KHPC/HD/7 thiết lập Nữ Học Viện bậc Đại Học, áp dụng mô thức một Viện Đại Học Cộng Đồng
Tuesday, August 20, 2024(View: 639)
Ngày18/8/2024 tin tài tử đẹp trai huyền thoại của Pháp: Alain Delon không còn nữa khiến những người hâm mộ nghệ thuật thứ bảy không khỏi bàng hoàng, tiếc nuối.
Tuesday, August 20, 2024(View: 810)
Kể lại câu chuyện trên tôi nhớ lại thời gian ngắn ngủi làm việc thiện nguyện cùng với YMCA. Nhắc đến ông Ronald Luce tôi có hai điều đáng nhớ.
Monday, August 12, 2024(View: 1664)
Chào tạm biệt, và cảm ơn Paris. Bốn năm nữa, tháng 7 năm 1928, Thế vận hội Los Angeles sẽ mang màu sắc của "thành phố Thiên thần" .
Sunday, August 11, 2024(View: 761)
Ai nói mẹ chồng không thương con dâu. Bà mẹ chồng tôi viết ở đây là minh chứng cho tình yêu thương tuyệt vời của một người mẹ. Hãy mở lòng ra và yêu thương chân thật, ta sẽ nhận lại được nhiều hơn ta nghĩ.
Saturday, August 10, 2024(View: 826)
Tấm gương đạo hạnh uy nghi, và tấm lòng từ bi thương yêu chúng sanh của một vị Chân Tu mãi mãi hằng hữu trong lòng mọi người.
Friday, August 9, 2024(View: 636)
Ngoài việc xem “xi nê thùng” như đã kể, tôi còn được xem xi nê ở ngoài trời. Xem xi nê loại này không phải đi xa mà xem ngay tại khu vực nhà tôi ở.
Wednesday, August 7, 2024(View: 885)
Với tôn chỉ Dân Tộc, Nhân Bản và Khai Phóng, nền giáo dục Việt Nam Cộng Hoà trong 21 năm tồn tại đã đào tạo những công dân Việt Nam hoàn thiện
Wednesday, August 7, 2024(View: 722)
Sự tuyên truyền khéo léo, che dấu đã cho thấy nhiều thanh thiếu niên đã tình nguyện xông pha vào "cõi chêt" vì bom Mỹ bỏ ngày đêm.
Tuesday, August 6, 2024(View: 5145)
Hướng Đạo là một phần đời không thể tách rời khỏi cuộc sống Neil Armstrong, do đó những nỗ lực trong không gian....
Tuesday, July 30, 2024(View: 1669)
Thế vận hội mùa hè Olympics 2024 (2024 Summer Olympics/ Jeux olympiques d'été de 2024) kéo dài từ 26 tháng 7 đến 11 tháng 8 ở Paris.
Tuesday, July 30, 2024(View: 860)
Chiến tranh trước sau rồi cũng chấm dứt cách này cách khác như chúng ta đã thấy. Nhưng sau 1975, sự thật mới chính là sự thật được phơi bầy.
Monday, July 29, 2024(View: 851)
"Dòng Đời", tác phẩm thứ sáu của nhà văn Lê Lạc Giao, lấy cảm hứng từ sự tuôn chảy của một dòng sông để phác họa nhiều dòng chảy khác sâu kín, phức tạp, đa chiều...
Monday, July 29, 2024(View: 1065)
Bầy vịt ơi! Bà ngoại không cần các con giàu có. Không ép các con làm điều gì các con không thích. Bà ngoại chỉ muốn các con sống vui vẻ hạnh phúc, lương thiện và bình an.
Sunday, July 28, 2024(View: 8194)
Sáo Lý Luận chưa từng tưởng tượng, sẽ có ngày được thằng con hơn ba mươi tuổi sẵn lòng “dắt” mẹ già hành hương đến miền đất Phật.
Sunday, July 28, 2024(View: 843)
Trong tim Mẹ dâng lên niềm hạnh phúc, trong trí Mẹ sáng rỡ tấm hình đứa con yêu quý của Mẹ ra trường, vững bước trên đường đời.
Sunday, July 14, 2024(View: 1006)
The air was filled with laughter and the hum of excited conversations. It was clear that it wasn’t just any ordinary gathering-it was a meticulously planned event,