Người đầu tiên cho tôi hay rằng tôi đã được Sở Giáo Dục thành phố cho phép "thôi việc" là Sự, "hiệu phó" của Hiên. Sự người Nam, tập kết ra Bắc từ năm 54, lấy vợ Bắc. Cả hai đều là giáo viên cấp ba. Chồng dạy Toán, vợ dạy Việt văn. Sự nói tiếng Nam trăm phần trăm, chớ giọng không lơ lớ như những người tập kết đã "sống ngoài Bắc hai mươi nhăm năm". Chị Tâm thì khác hẳn chồng. Chị là người Bắc rặt. Hà Nội thứ thiệt. Chị là cháu cụ Ngô Tất Tố, chậm rãi, nhỏ nhẹ, dịu dàng, chị biết lắng nghe người khác nói và cũng biết nói điều gì khi cần nói. Sự thì xốc vác, năng động, cởi mở.
"Đơn xin thôi của anh đã được chị Sáu Nở, giám đốc sở Giáo Dục chấp thuận. Anh nghĩ sao mà xin thôi?"
Tôi nhìn Sự dò xét ý nghĩa câu hỏi của anh ta. Tôi chưa biết trả lời sao. Có nên nói rằng tôi không thể là loại người làm công việc xoay một vòng một trăm tám mươi độ trên chính nơi bục gỗ mà trước kia tôi đã từng đứng ở đó? Có nên nói rằng trước kia tôi chỉ là một người dạy học bất đắc dĩ, giờ đây việc đó còn bất đắc dĩ hơn, một triệu lần bất đắc dĩ hơn trước chăng? Phải chi tôi là người dạy Toán, Lý Hoá, Sinh vật,... thì có thể dễdàng cho tôi biết là bao nhiêu!
Đứng ở lan can hành lang, chúng tôi cùng ngó ra sân trường. Tôi thấy mình sao quá xa lạ ngay giữa khung cảnh quen thuộc với tôi từ bao nhiêu năm nay. Giờ đây, lòng tôi không bao giờ yên, trái tim tôi không bao giờ ngưng lo âu hồi hộp.
Tôi sợ những câu hỏi, và tôi thấy mình lúng túng khi tìm câu trả lời.
"Mừng quá phải không?"
Sự hỏi tiếp khi thấy tôi lặng thinh hơi lâu.
"Cám ơn anh đã cho tôi biết tin. Nhưng bao giờ thì tôi được chính thức nghỉ?"
"Giấy đã về chỗ ông Hiên rồi. Có lẽ nội sang nay ông Hiên sẽ đưa cho anh. Và từ ngày mai anh có thể... có thể..."
Sự không nói hết câu. Tôi không hiểu ý anh ta muốn gì. Tôi quay lại, nhìn anh. Một người đàn ông nhỏ con, đen và hơi thấp, da mặt sạm, nhưng hai con mắt sáng, giọng nói rổn rảng.
"Có một điều tôi muốn nói với anh, ông Hiên đã làm một bản báo cáo về anh cho Sở. Bản báo cáo không tốt về anh, nhưng có lẽ nhờ đó anh đã được cho nghỉ việc theo ý muốn của anh."
Bất ngờ, Sự mở cặp đưa cho tôi tờ "pelure"của bản lót giấy than đại khái viết rằng tôi là một người "phóng đãng", cuộc sống của tôi không thể thích ứng với một nhà giáo, và càng không thể thích hợp với một nhà giáo xã hội chủ nghĩa trong chế độ cách mạng. Nhà trường cách mạng không cần một nhà giáo kiểu Trần LâmThăng. Bản báo cáo còn ghi sự liên hệ của tôi với gia đình ông Phan, một nhân vật phản động của chính trị tại miền Nam. Tôi không chờ đợi những lời tốt đẹp của Hiên viết về tôi. Tôi hiểu tôi là "thứ" người gì. Nhưng tôi không ngờ y viết về tôi kiểu đó.
"Nếu không ở được thì nên tìm cách đi đến một chỗ tốt hơn."
Sự nắm cánh tay tôi giật giật rồi bước đi. Tôi nhìn theo anh không biết có phải thật là chính Sự nói những lời đó không. Tôi ngó xuống tay mình. Tờ giấy pelure vẫn còn đó.Thật tình tôi có mừng khi hay tin được nghỉ việc, nhưng đồng thời tôi cũng cảm thấy lòng mình xót xa, như thể có một con dao nào khá bén lịm đang cứa từ từ một phần thân thể mình.
Tôi đi chậm rãi dọc theo hành lang, trở lại phòng giáo sư. Tôi ngồi xuống chiếc ghế sát bên cửa hông. Đám đất nhỏ vừa được mấy thầy cô giáo xới lên trồng rau. Một chuồng heo vừa mới được rào giậu. Những cái đó thật xa lạ với ngôi trường mà tôi đã từng có mặt hơn mười lăm năm nay, từ một đứa "học trò nhưng không sách cầm tay" ngồi ở dưới bàn học kia, đến lúc đứng trên bục gỗ này nhìn lại tuổi trẻ của mình. Hai câu đối trước cổng trường, cây phượng trong sân che mát trạm của người gác dan, nơi có chú Phẩm một người Bắc hiền lành cục mịch như củ khoai mở cửa cho chúng tôi mỗi sáng. Phòng y tế nơi có bác Thư làm việc, người gầy nhom gầy nhách, nhưng lúc nào cũng tươi cười chăm lo sức khỏe cho cảtrường. Thầy Ái dạy Pháp văn ăn nói lưu loát hoạt bát, ông Tổng giám thị Chương ưa nói chuyện thời sự, và còn bao nhiêu kỷ niệm đang quanh quẩn ở góc sân, ở vòm cây, ở mái ngói, ở đợt nắng sắp vào hè, ở cơn mưa dầm, ở khói lựu đạn cay tỏa đầy sân trường khi các em xuống đường. Không, có thể tôi không phải là một người dạy học hội đủ những điều kiện của một người thầy tốt theo quan niệm Khổng Tử, nhưng tôi chắc chắn là lòng tôi tràn đầy niềm yêu mến công việc của tôi. Tôi hiểu tôi phải làm gì khi đứng trên bục gỗ. Tôi biết tôi cung cấp điều gì cho học sinh của tôi: những kiến thức tối thiểu cho việc thi cử và những bất đồng giữa trang sách và đời sống. Tôi yêu các bạn đồng nghiệp của tôi, các em học sinh mà tôi chỉ gặp mỗi năm một lần rồi đi qua ngưỡng cửa vào đại học, rất ít khi ngoái đầu lại. Chắc chắn các em đã mang theo trong lòng những điều đồng ý và bất đồng ý với tôi qua những gì tôi trình bày. Nhưng điều đó có hề gì. Điều mà lòng tôi muốn gởi đến các emlà con người và những giới hạn của nó: sự đau khổ, nghèo đói, dốt nát, bệnh tật và nhất là cái chết. Tôi muốn các em chia sẻ cùng tôi bài học làm người. Bài học ấy chúng tôi cùng học, không ai dạy ai.
Nhưng mà tôi vui, vì tôi biết rằng từ nay tôi sẽkhông còn phải đứng trên bục gỗ nói những điều hoàn toàn trái nghịch với những gì tôi đã từng nói trước đây. Tôi sẽ không còn phải đêm đêm chong đèn biên chép cái gọi là "giáo án" để sáng mai vào lớp đọc từng chữ như một cậu học trò không thuộc bài. Tôi sẽ không còn phải... không còn phải... không còn phải...