Kỷ niệm lớp 9/8 (nk 1973-1974)
Phạm Anh Quân
Khi còn là học sinh tiểu học, tôi có dịp nghe lóm được cô chú tôi (gia đình bên nội) và bạn học cùng lớp đến nhà chơi chuyện trò (lúc đó đang học thi Tú tài) đại khái là... học lớp đệ tam (lớp 10) là năm dưỡng lão... tôi không hiểu gì hết!
Khi học lên trung học tôi mới hiểu... lớp 10 là năm dưỡng lão vì vừa qua kỳ thi Trung học đệ 1 cấp lớp 9 được nghỉ xả hơi 1 năm lớp 10... để chuẩn bị vất vả 2 năm liền với 2 kỳ thi Tú tài 1 và 2 (lớp 11,12).
Khi tôi học lớp 9 (1973-74) thì không phải đi thi nhiều như trước nữa, chỉ còn duy nhất kỳ thi Tú tài phổ thông hết lớp 12. Học sinh mà không phải đi thi nhiều thì khỏe quá rồi, ai học giỏi thì cứ học giỏi, ai học trung bình hoặc kém thì cố gắng làm sao đủ điểm trung bình để lên lớp là được rồi.
Trung học Ngô Quyền Biên Hòa, lớp 9/8 (73-74) chúng tôi học với các thầy cô:
Việt văn : thầy Lê Vân Giáp. Thầy chấm bài làm của học trò khắt khe lắm, có lần giảng bài thầy nói (không nhớ đúng nguyên văn): văn học, nghệ thuật không có giá trị chính xác tuyệt đối như môn Toán học... vì vậy bài làm môn Việt văn giỏi nhất lớp chỉ được điểm 16/20 của thầy.
Pháp văn : thầy Trương Hữu Chí
Công dân : thầy Nguyễn Văn Lục
(Lúc đó lớp 9/8 chúng tôi không biết thầy Lục, thầy Chí là giáo sư môn Triết lớp 12)
Sử Địa : thầy Lê Ngọc Ẩn
Vạn vật : cô Phạm Thị Khang (cô vừa từ trần tại Sàigòn ngày 27/9/2010). Cô là giáo sư hướng dẫn lớp 9/8, cô dạy môn Vạn vật lớp chúng tôi 2 năm liền từ lớp 8/8 (72-73)
Lý Hóa : cô Trần Thị Lý. Cô tự lái xe hơi đi dạy học (một số nữ giáo sư khác cũng đi dạy học bằng xe hơi nhưng do người nhà hoặc tài xế đưa đón). Một hôm, trong giờ học môn Hóa khi cô vừa đọc tên chất hóa học... hexaclorocyclohexan... cả lớp ồ lên... 1 bạn nói to: cô ơi, chắc là xích lô máy nên hết xăng... cả lớp cười... cô cũng cười giây lát rồi giảng bài tiếp. (nk 73-74, phu quân của cô Lý là Bác sĩ Quân y Không quân Võ Văn Lương ra ứng cử, tôi không rõ là ứng cử Nghị viên Hội đồng tỉnh hay Dân biểu tỉnh, tiếc là học trò của cô lớp 9/8 ở độ tuổi 14-15 chưa được đi bầu cử để bỏ phiếu ủng hộ cho người nhà của cô Lý)
Toán: thầy Nguyễn Phi Long (Đại số)
thầy Huỳnh Kim Hải (Hình học)
Thầy Long giảng bài và ghi bài tập trên bảng với hàng chục, hàng trăm phương trình đại số mà không cần xem tài liệu gì hết (tôi cũng nghe các anh chị học lớp trên kể thầy Lê Quý Thể dạy Lý Hóa lên lớp giảng bài không cần đem theo sách giáo khoa).
Cô Khang dạy lớp chúng tôi 2 năm liền môn Vạn vật (8/8 72-73,9/8 73-74) nên cô hiểu rõ từng học trò trong lớp, cô giảng bài chậm rãi, dễ nghe, dễ hiểu.
Với vị trí giáo sư hướng dẫn lớp 9/8, một hôm gần cuối giờ học cô nói với cả lớp: sang năm các em lên lớp 10 vì phải chia ban nên sẽ không học chung với nhau như 4 năm vừa qua, các em nên làm 1 tờ báo gọi là Đặc san lớp 9/8 để kỷ niệm quãng thời gian học chung với nhau từ lớp 6.
Lời gợi ý của cô Khang rất hay nên cả lớp đồng lòng làm tờ Đặc san, cô chọn ra nhóm Biên tập và kêu gọi cả lớp viết bài gửi đến nhóm biên tập. Bài viết nội dung nào cũng được, thể loại nào cũng được, nhóm BT sẽ biên tập lại theo sự hướng dẫn của cô và cô sẽ duyệt lại lần cuối trước khi đưa đi in ronéo.
Tôi không được chọn vào nhóm BT nên không biết khi làm tờ Đặc san lớp 9/8 cô Khang có phải xin ý kiến của thầy Hiệu trưởng hoặc thầy Giám học không ? và khi đi in ronéo có phải xin phép cơ quan chính quyền không?
Đặc san lớp 9/8 73-74 hoàn tất, mỗi bạn trong lớp được tặng 1 quyển để lưu giữ kỷ niệm, kính biếu các thầy cô dạy lớp 9/8, hình như có gửi tặng các lớp 9 khác trong khối lớp 9 73-74 thì phải? Không biết có lớp 9 nào trong khối lớp 9 73-74 có làm tờ Đặc san (hoặc hình thức khác) như lớp 9/8 không?
Bài viết của tôi, may mắn sao được chọn đăng trong Đặc san với tựa đề: Bài không tên. (Giờ đây 2010 có dịp nhớ lại kỷ niệm xưa thấy cũng vui cho sự ngô nghê của văn chương chữ nghĩa tuổi 14-15!)
Bạn Nguyễn Văn Thoại có bài: Tâm sự trưởng lớp
Bạn Quách Dân Hùng (đã mất năm 1976 vì tai nạn) có bài: 10 phút với thầy cô. Tôi nhớ bạn Hùng cứ gần cuối giờ học, bạn lên xin phép phỏng vấn thầy cô cho bài viết của mình.
Còn nhiều bài viết của nhiều bạn khác, tôi không nhớ ra hết được, mong các bạn thứ lỗi cho tôi (lớp 9/8 73-74 có 62 học sinh)!
Có dịp nào gặp lại bạn bè cùng lớp ngày xưa... ngồi bên nhau nhắc nhở về những kỷ niệm của Ngày xưa thân ái... bên ly cà phê, ly bia... thì vui biết chừng nào!
Một thời học sinh trong sáng... nhiều mộng mơ... nhiều ước vọng... đã qua...!
Sao năm 1973-74 nhạc sĩ Phạm Duy không viết những ca khúc về Tuổi dành cho nam sinh nhỉ? Lúc đó tôi rất thích nghe những bài hát về Tuổi nữ sinh của ông do ca sĩ Thái Hiền (con gái ông) hát như: Tuổi Thần Tiên, Tuổi Mộng Mơ, Tuổi Ngọc, Tuổi Hồng...
Xin được có một Lời Tạ Ơn gửi đến các Thầy Cô đã dạy chúng em học tại trường Ngô Quyền Biên Hòa ngày xưa...!
Sàigòn 23/10/10
Phạm Anh Quân
chs NQ khóa 15