THÁNG TƯ
Lê Kim Anh
“Một năm người có mười hai tháng.
Ta trọn năm dài một tháng Tư.”
Nhà thơ Thanh Nam, trong tập thơ Đất Khách, đã viết lên tâm sự của mấy mươi triệu người Việt Nam.
Mỗi năm, tháng 4 đến và đi với nhiều trăn trở trong lòng.
Câu chuyện vượt biên, đến trại tỵ nạn, qua bao nhiêu năm, tôi chưa bao giờ kể lại. Những tưởng là ký ức đa vùi sâu dưới lớp bụi mờ, bỗng trở về trong tháng 4 như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua.
Xuất phát từ Hà Tiên, ghe tôi ra đi với tổng cộng 40 người. May mắn là gió êm, biển lặng. Sau hai ngày trên biển, chúng tôi gặp được một giàn khoan dầu và được cứu.
Một sự trùng hợp khó tin là giàn khoan dầu này, nằm ngoài khơi Thái Lan, thuộc về hãng dầu Unocal 76. Khi tôi tốt nghiệp Đại Học ở Mỹ, công ty đầu tiên đã phỏng vấn và mứơn tôi với công việc của một Kỹ Sư Hóa Học, không ai khác, cũng chính là hãng dầu Unocal! Một sự trùng hợp hy hữu. Tính ra tôi đã nợ cái hãng dầu hỏa này cả nợ tình (cứu vớt) lẫn nợ tiền (cho việc làm) !
Vậy là sau hai năm trời lận đận, với hai chuyến ra đi không thành, vào tháng 4 năm 1981, cùng với gần 100 thuyền nhân khác, chúng tôi được một tàu Hải quân của Thái Lan, với sự tháp tùng của nhân viên Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR), đón và đưa vào đất liền. Cuộc sống tỵ nạn bắt đầu ở trại tỵ nạn Songkhla, được xây dựng ở gần bãi biển, cuối miền Nam Thái Lan.
Khi các ghe vượt biên được nhận vào trại, để phân biệt, Trại lập ra căn cước cho ghe và căn cước cho cá nhân. Mỗi ghe được cho một căn cước gồm có bảng số ghe, tổng số người đã cùng “đồng hội, đồng thuyền” trên chiếc ghe đó, và ngày nhập trại.
Ghe tôi không có số. Tồng số người trên ghe là 40 người. Nên cái căn cước đầu tiên của tôi trên bước đường tỵ nạn là “tên, họ, ghe không số, 40 người, nhập trại ngày 15 tháng 4 năm 1981”
Mỗi người tỵ nạn được chụp hình, và được phát một căn cước cá nhân, có chữ ký chứng nhận của Trại Trường và Trại Phó. Căn cước này được dùng để lập hồ sơ đi định cư, để lãnh gạo, thực phẩm và nhu yếu phẩm do Cao Ủy phát, và cũng để lãnh thư và tiền do thân nhân từ ngoại quốc gửi đến.
Một tuần sau khi nhập trại, vừa ổn định chỗ ăn ở, tôi ghi tên, xin làm việc cho Ban Thư Tín của Trại. Nhớ lời Ba tôi hay dặn là bất cứ ở đâu, nên biết dùng thì giờ để học hỏi thêm cho mình và làm việc có ích lợi cho mọi người chung quanh. Bận rộn làm việc cũng giúp tôi bớt đi nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình còn ở lại, không biết rồi đây có ngày nào gặp lại.
Tôi được sắp cho công việc thông dịch tiếng Anh cho các nhân viên của Cao Ủy trong việc nhận và phát thư bảo đảm và phát tiền do thân nhân gửi đến cho các đồng bào trong Trại. Hầu hết các thư bảo đảm gửi đến Trại là có kèm theo tiền và ngân phiếu. Có nhiều trường hợp thư đến sau khi người có tên nhận đã chuyển trại. Buồn thay, đã có không ít những trường hợp có những người tị nạn mạo nhận danh tính người khác để lấy thư và tiền.
Do đó, trong chuyện thư bảo đảm, các nhân viên Cao Ủy thân hành ra bưu điện ký tên nhận, và đem vào Trại. Trước khi phát ra, họ phải hỏi người đến nhận thư những câu hỏi liên quan đến tên tuổi, địa chỉ người gửi thư trước khi đồng ý đưa thư. Nếu có câu trả lời không đúng hoặc làm họ nghi ngờ thì thơ sẽ không được phát và phải gửi trả lại cho người gửi. Cũng nhờ những sự kiểm soát này, mà trong trại bớt đi tệ nạn ăn cắp tiền, ăn cắp thư.
Mỗi ngày, tôi làm việc vác ngà voi này một cách hăng hái. Cảm thấy vui vì thì giờ và khả năng của mình được dùng đúng chỗ để mang đến ích lợi cho mọi người. Thấm thoát, ngày đi định cư đã đến. Ngày cuối ở Trại, một đại diện Cao Ủy ở Trại trao cho tôi một lá thư với lời cảm ơn về sự đóng góp vô vị lợi.
Sau 4 tháng ở trại, hồ sơ định cư của tôi được chấp nhận với sự bảo lãnh của người chị thứ năm. Chị tôi sang Mỹ du học lần thứ hai vào năm 1970. Mùa hè năm 1975, Chị vừa hoàn tất xong hai bằng Cử Nhân và bằng Cao Học Ngân Hàng và Tài Chính. Chị đang sửa soạn hành lý để trở về thì miền Nam mất.
Nhờ giấy tờ bảo lãnh của Anh Chị, tôi được cho phép đi thẳng từ Thái Lan đến Mỹ. Trong khi đó, hầu hết các bạn đi chung ghe đều phải chuyển tiếp qua các trại tị nạn khác và phải ở thêm từ 3 đến 6 tháng nữa. Đến tận bây giờ, tôi cũng vẫn không biết lý do tại sao mình được đi thẳng đến Mỹ. Chắc chính quyền Mỹ hết tiền, không muốn chuyển qua trại khác lại phải tiếp tục nuôi nữa.
Trong thời gian còn ở trại tỵ nạn, tôi thừơng xuyên đến thăm viếng và giúp công việc lặt vặt cho một cái viện mồ côi trong Trại. Nơi đây tập trung các trẻ em dưới 17 tuổi, vượt biên một mình, không có cha mẹ và người thân đi chung. Các em được một tu sĩ người Mỹ là cha Joe Devlin gom lại để nuôi dưỡng và dạy học. Cha cũng theo dõi, giúp các em lập hồ sơ và điền, nộp giấy tờ để Cao Ủy cứu xét cho các em sớm được đi định cư.
Tôi rất xúc động trước sự hy sinh của Cha, là một người đến từ một đất nước xa lạ, không cùng chủng tộc, mà đã vui vẻ hiến cả cuộc đời để giúp đỡ cho các trại tỵ nạn. Cha tận tụy lo lắng và chăm sóc cho các em với tất cả tấm lòng.
Tôi tự nhủ với lòng mình là sau khi đến Mỹ, có phương tiện, tôi sẽ xin trở lại Trại. Tôi sẽ dành ra một vài tháng để phụ giúp Cha trong công việc cao cả mà Cha đã và đang làm.
Tháng 8 năm 1981, tôi đặt chân đến Mỹ. Ghi tên vào trường college, tôi bận rộn suốt ngày với trường lớp và hòa nhập với cuộc sống mới. Được bảo bọc, cho ăn, ở, không tốn tiền, Chị Năm tôi chỉ mong muốn tôi chú tâm học ra trường và xây dựng tương lai. Không muốn phụ lòng Anh Chị, tôi chăm chú vào chuyện học và cảm thấy ước mơ trở về Trại là một chuyện rất khó khăn. Dù vậy, tôi vẫn canh cánh bên lòng tâm nguyện của mình.
Dịp may đã đến. Trong một cuộc tranh cử cho ban đại diện ở trường college, tôi được bầu vào chức vụ Hội Trường Hội Sinh Viên VN để đại diện và làm việc với trường về những quyền lợi học tập và sinh hoạt của sinh viên người Việt.
Một trong những quyền lợi của Hội là được Trường ủng hộ cho các hoạt động phổ biến văn hóa Việt Nam bằng cách cho mựơn hội trường, rạp hát, bàn ghế không tính tiền.
Thừa thắng xông lên, với sự gợi ý của tôi, các bạn trong ban đại diện cùng đồng ý tổ chức một chương trình văn nghệ bán vé để gây quỹ giúp cho các em mồ côi vị thành niên ở các trại tỵ nạn ở Đông Nam Á.
Bây giờ nghĩ lại, đúng là điếc không sợ súng. Một nhóm tị nạn ngơ ngác, vừa trải qua những biến cố sống chết trên đường vượt biên, bằng thuyền hay đường bộ, rồi lại chân ướt, chân ráo đến Mỹ, không quen biết ai, tài sản không có cái gì lận lưng ngoài cái ba lô và đống sách học. Tiền sinh sống mỗi ngày đều là do Trường trợ giúp và đi làm thêm. Mỗi sinh viên VN trong trường lúc ấy là một hoàn cảnh, đến Mỹ bằng nhiều cách, có người vượt thoát cùng gia đình, đa số là đi một mình và trĩu nặng trên vai là bổn phận và trách nhiệm với gia đình còn bị kẹt lại ở VN. Dù khác nhau về tâm tình và hoàn cảnh, nhưng chúng tôi có chung nhau một điểm. Đó là nỗi niềm nhớ thương da diết bất cứ cái gì liên quan đến Việt Nam. Và giúp đỡ những đồng bào còn ở trại tị nạn lúc đó, với tôi và các bạn là một điều thiết thực.
Nói là làm. Tuổi trẻ với nhiệt huyết thì nhằm nhò gì những chuyện nhỏ (?) này. Mỗi ngày sau giờ học là họp hành, phân công. Nhóm thì đi xin quảng cáo, bán vé, nhóm thì lo chương trình, liên lạc nhà in, nhóm thì liên lạc với Trường để xin hỗ trợ.
Sau hơn 6 tháng làm việc cật lực, kết quả là một chương trình văn nghệ khá thành công với hơn 3/4 số vé bán hết. Vì địa chỉ của Trường nằm xa vùng Orange County nơi đa số người Việt sinh sống, nên có nhiều đồng bào mới qua, không có phương tiện để đi. Nhưng khi biết được mục đích, họ vui vẻ đóng góp mà không lấy vé.
Tôi xin ghi nhận nơi đây một lần nữa sự giúp đỡ quý báu của ca sĩ Khánh Ly, Hải Lý, và một vài ca sĩ khác đã đến hát không lấy tiền thù lao. Cố Nhạc sĩ Huỳnh Anh, tác giả của nhạc phẩm Rừng Chưa Thay Lá, đã cảm động trước sự van nài (!) của tụi tôi, đã đem nguyên ban nhạc đến để ủng hộ mà chỉ nhận tiền xăng. Chương trình còn có tiết mục các nữ sinh viên trình diễn thời trang áo dài, có ảo thuật và cuối buổi là chiếu một cuốn phim võ hiệp của Hồng Kông vào cuối chương trình. Trường college cho chúng tôi mựơn rạp hát không tốn tiền. Phim chiếu được rạp hát Triều Thành ở vùng Little Saigon giúp, cũng không đòi chi phí .
Nhóm sinh viên và Ban đại diện làm việc ngày đêm, không lãnh lương đã đành, mà còn tự móc túi trả tiền xăng. Rồi trải qua mất ăn, mất ngủ vì sợ chương trình trục trặc, sợ không bán vé được, sợ không đủ tiền để cho. Mấy Anh, Chị tôi cũng không yên, nghe con em kể lễ, chịu không nổi cũng nhào vô giúp một tay. Người thì lái xe đón đưa ca sĩ để chắc là họ sẽ … đến như đã hứa. Người thì vừa mua, vừa bán vé phụ. Đến ngày trình diễn, mấy bà chị, ông anh có mặt đông đủ để ủng hộ tinh thần em út thích làm chuyện … ngoài đường!
Kết quả là số tiền khá lớn vào lúc đó, xấp xỉ gần $10,000 được thu về. Vì không có nhiều chi phí, nên tất cả số tiền được trao cho Tiến Sĩ Nguyễn Hữu Xương, đại diện Hội Cứu Người Vượt Biển (Boat People S.O.S) có văn phòng trung ương ở San Diego, tiểu bang California.
Buổi tối sau khi tiễn quan khách ra về, cả nhóm mấy chục bạn bè mệt rũ nhưng vẫn rủ nhau đi ăn mừng. Một kỷ niệm vui của thời sinh viên tị nạn.
Nghĩ lại, đây là một thành công đáng hãnh diện cho hội Sinh Viên VN ở Pasadena City College. Bận rộn với việc học, sinh sống, lại không có một chút kinh nghiệm, các sinh viên chỉ có tấm lòng thương yêu đồng bào và nhiệt tình của tuổi trẻ.
Lương tâm của tôi tạm yên ổn là phần nào, tôi đã làm được ý nguyện. Với sự hợp sức của tất cả mọi người, từ nữa vòng trái đất, của ít lòng nhiều, chúng tôi đã gửi về các em ở Trại tấm lòng thương mến của những người Việt tha hương.
Một chuyện bên lề cũng vui vui. Một cuối tuần, khi ghé qua Nhà Sách Tú Quỳnh ở Bolsa để bán vé và xin quảng cáo cho chương trình văn nghệ , tôi tình cờ gặp lại thầy Dương Khải Hoàn.
Năm 1977, thầy Hoàn dạy tôi môn Anh Văn. Thầy cũng là thầy chủ nhiệm (trước 75, gọi là giáo sư hứơng dẫn) lớp 12C4 ở trường Ngô Quyền, mà khi đó tôi là Lớp Trưởng! Hai thầy trò nhìn ra nhau sau hơn 8 năm rời trường Ngô Quyền. Khỏi nói, thầy trò đều mừng rỡ. Sau một hồi chuyện trò, biết là tôi xuống đây để “xin ông đi qua, bà đi lại “ để giúp trại tị nạn, thầy rút bóp ra, “cúng” cho $20 và từ chối lấy vé tham dự. Thầy nói “tôi cũng mới qua, nên góp một phần khiêm nhường. Các cô, cậu để vé bán cho người khác, tôi chỉ muốn giúp thôi”. Trước khi chia tay, thầy nheo mắt, cười cười, ”giỏi nhỉ, lúc nào gặp cô cũng là lãnh đạo cả. Cố gắng lên nhé.” Lời khuyến khích của Thầy làm tôi nhớ mãi.
Cách đây khoảng 5 năm, đọc tin cáo phó trễ là Thầy đã qua đời. Với bài viết hôm nay, một lần nữa, em xin chân thành cảm ơn sự dạy dỗ và tấm lòng của Thầy.
Tháng Tư nhắc tôi những gian nan của một thời tưởng không thể vượt qua được. Và qua đó cũng nhắc đến những hy sinh, tình thương yêu sâu đậm của gia đình, Cha Me, các Anh Chị mà tôi đã nhận được để có được ngày hôm nay. Cảm ơn những người bạn với những trái tim nồng nhiệt, chỉ muốn làm những nghĩa cử giúp đời. Cảm ơn nước Mỹ cho tôi thêm một cơ hội để thấy lại tình người và để sống hữu ích.
Cùng với bài viết là vài tấm hình xưa với những kỷ niệm liên quan đến tháng Tư.
1) Sổ thông hành của ông Anh thứ bẩy lúc đó đang du học ở Nhật.
Để giúp các du học sinh miền Nam VN lúc đó có thể di cư đi đến các nước thứ ba, tòa Đại Sứ VN tại Nhật, trước khi đóng cửa vĩnh viễn, đã đóng dấu chứng nhận cho mỗi sinh viên.
Con dấu được đóng đúng vào ngày 30/4/1975.
2) Lá thư cảm ơn của Cao Ủy Tị Nạn LHQ.
3) Căn cước ở Trại Tị Nạn Songkhla.
4) Với Tiến Sĩ Nguyễn Hữu Xương, giáo sư trường Đại Học UC San Diego và đại diện cho Hội Cứu Người Vượt Biển (Boat People S.O. S)