Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Huỳnh Công Ân - MỘT NGÀY TRÊN VÒM TRỜI AN LỘC NĂM 1972 - ĐI TÌM CÁNH CHIM RƠI TRONG LỬA ĐẠN

19 Tháng Hai 20239:56 CH(Xem: 4811)
GS. Huỳnh Công Ân - MỘT NGÀY TRÊN VÒM TRỜI AN LỘC NĂM 1972 - ĐI TÌM CÁNH CHIM RƠI TRONG LỬA ĐẠN


Một ngày trên vòm trời An Lộc năm 1972:

đi tìm cánh chim rơi trong lửa đạn

 

Bút ký của Huỳnh Công Ân

 


MOT NGAY

 

Ngày 21 tháng 6 năm 1972, tôi nằm nghỉ trưa trong phòng trên ngọn đồi ở cầu Đồng Nai. Đây là cây cầu chiến lược nằm gần cuối xa lộ Sài Gòn-Biên Hoà, cửa ngỏ vào thủ đô Sài Gòn từ phía đông bắc. Trấn giữ cầu này là đại đội 3/463 của tiểu khu Biên Hoà, đại đội trưởng là đại uý Nhuận, tôi, trung uý đại đội phó, các sĩ quan khác là thiếu uý Hoàng, thiếu uý Phước.

Phòng tôi đang ở trước đây là phòng của cố vấn Mỹ của đại đội, nay ông ta đã hồi hương theo kế hoạch rút quân của Mỹ. Bên trong phòng, tôi có đầy đủ mọi tiện nghi: giường ngủ, bàn ghế, tủ và máy lạnh tuy đó là đồ của nhà binh. Tôi mua thêm một TV nhỏ 9 inch và một máy cassette để thư giản khi rổi rảnh. Nhà đại uý Nhuận ở với vợ và hai con nằm đối diện với phòng của tôi.

Bỗng, có tiếng gõ cửa. Hạ sĩ Lý truyền tin bước vào nói với tôi: “Trình trung uý, đồn canh ngoài cổng gọi vào nói có bác gái của trung uý muốn gặp trung uý ở cổng vào”.

Linh tính cho tôi biết có chuyện chẳng lành, tôi vội vàng chạy xuống văn phòng đại đội lấy chiếc xe lambretta của tôi chạy lên dốc để ra đồn canh ngoài cồng. Bác dâu tôi đứng bên cạnh anh lính gác đang chờ tôi. Thấy tôi bác nghẹn ngào nói: “Thằng Quan bị bắn rớt máy bay”.

Quan, em kế tôi là phi công trực thăng của sư đoàn 3 không quân Biên Hoà. Năm 1970, nó đi Mỹ học khoá lái trực thăng. Trong chiến dịch giải toả An Lộc, sư đoàn 3 không quân Biên Hoà có trách nhiệm yểm trợ và đổ quân tiếp viện cho mặt trận An lộc. Em tôi là phi công chính cùng một phi công phụ, một trung sĩ cơ phi và một xạ thủ đại liên trên một trong hai chiếc gunship yểm trờ các hợp đoàn trực thămg đổ quân tăng viện cho chiến trường An Lộc.

Sau khi đi Mỹ về, em tôi cưới vợ và có một đứa con gái đầu lòng. Nó mướn nhà ở với vợ con trong một con hẻm đối diện với trường trung học Ngô Quyền, Biên Hoà.

Tôi chở bác dâu tôi về nhà bác ở đối diện cổng số 2 của phi trường Biên Hoà. Trên đường đi, bác tôi kể rằng ba tôi ở Sài Gòn được một người bạn tôi làm ở phi trường Tân Sơn Nhứt báo cho biết máy bay em tôi bị bắn rơi ở An Lộc. Ba tôi tức tốc đi xe lô lên nhà bác tôi và đã được anh tư Chữ, con bác tôi, thượng sĩ quân cảnh của phi trường chở vào văn phòng phi đoàn của em tôi để chờ tin tức.

Khi tôi vào đến phi đoàn thì thiếu tá phi đoàn trưởng tiếp tôi ân cần nhưng không dấu được vẻ ái ngại. Ông dẫn tôi vào phòng nghỉ của phi đoàn nơi ba tôi đang nằm trằn trọc. Ba tôi kể rằng thiếu tá Thiểm, bạn tôi làm ở phòng hành quân của bộ tư lệnh không quân ở Tân Sơn Nhứt nhận được báo cáo chiếc gunship của em tôi bị phòng không VC bắn hạ trong lúc yểm trợ đổ quân tiếp viện xuống An Lộc.

 

Sau đó, thiếu tá phi đoàn trưởng thuật cho tôi nghe diễn tiến việc trực thăng em tôi bị bắn rơi. Khi hợp đoàn trực thăng đáp xuống đổ quân ở An Lộc thì hai chiếc gunship trong đó có một chiếc của em tôi và thiếu uý Ẩn, copilot quanh về thì máy bay em tôi trúng phòng không của VC. Trực thăng bị tắt máy và đáp auto (đáp bằng trớn cánh quạt còn quay) xuống một bãi đất trống. Trực thăng bị lật ngang và bốc cháy. Chiếc gunship thứ hai đáp xuống để bốc phi hành đoàn trên trực thăng của em tôi thì chỉ tìm thấy thiếu uý Ẩn, cơ phi và xạ thủ mà không thấy em tôi. Chiếc gunship này khi bay lên cũng bị trúng đạn của cộng quân nhưng ráng lết tới một đồn địa phương quân gần đó và được trực thăng khác tản thương về tổng y viện Cộng Hoà.

 

Thiếu tá phi đoàn trưởng an ủi tôi: “Anh đừng lo, hãy chờ tới chiều hợp đoàn về sẽ có tin tức của Quan.”

Buổi chiều hợp đoàn của Quan về. Các anh phi công đi ngang qua chỗ tôi với phi đoàn trưởng cúi đầu, mặt buồn bã. Phi đoàn trưởng bảo tôi: “Trong khi bay công tác, hợp đoàn cố gắng tìm dấu vết của Quan nhưng chưa thấy. Từ ngày mai trở đi, hợp đoàn vẫn tìm Quan khi bay công tác, có tin gì tôi sẽ báo cho anh biết. Nếu anh cần rõ sự việc, anh đến thăm thiếu uý Ẩn đang nằm điều trị tại tổng y viện Cộng Hoà “.

 

Tôi buồn bã chở ba tôi về nhà ở Sài Gòn. Khi đi qua sân của phi đoàn, nhìn thấy chiếc xe Honda 66 với guidon cao của Quan, tôi không cầm được nước mắt.

Ngày hôm sau, ba tôi và tôi nhờ cha vợ của Quan hành nghề taxi chở chúng tôi lên tổng y viện Cộng Hoà thăm thiếu uý Ẩn. Ẩn kể lại khi trực thăng trúng đạn chết máy, Quan còn chỉ và nói với Ẩn điểm để máy bay đáp xuống. Khi máy bay chạm đất, lật ngang và bốc cháy thì Ẩn bất tỉnh. Lúc tỉnh dậy, nhìn qua chỗ ngồi của Quan thì thấy dây an toàn đã mở ra nhưng Quan không còn ở đó. Ngay sau đó chiếc gunship thứ hai đáp xuống bốc ba người còn lại đi. Ẩn nắm bàn tay tôi nói:”Em tin Quan còn sống, anh Hai cố gắng đi tìm Quan”.

Tôi được biết trong ba người được chiếc gunship thứ hai cứu thì anh cơ phi bị phỏng nặng nên đã từ trần.

Ngày thứ ba kể từ ngày trực thăng em tôi bị bắn hạ, tôi nai nịt gọn gàng lận khẩu súng colt vô lưng xin phép đại uý Nhuận đi tìm em tôi. Đại uý Nhuận cười nói:”Chiến trận An Lộc lớn như vậy,ông đem khẩu colt để làm gì ?”. Tôi không trả lời nhưng thầm nghĩ: “Để tự xử nếu lọt vào tay VC”.

Tôi vào phi trường và xin phép phi đoàn trưởng cho tôi theo trực thăng của một phi công cũng tên Quan. Trong phi đoàn có hai phi công tên Quan, em tôi là Quan ốm còn Quan này là Quan mập. Cả hai đều khoảng 24 tuổi và đều mới cưới vợ. Vợ của Quan mập bán cantine trong phi trường.

Quan mập và một copilot cùng hai thuộc cấp chở tôi bằng trực thăng đến bộ tư lệnh tiền phương của quân đoàn 3 tại Lai Khê. Cũng cần nói thêm quê nội và nơi sinh của tôi cũng ở gần đây: ấp Bến Đồng Sổ, xã Lai Uyên, quận Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

 

Suốt ngày hôm đó tôi theo trực thăng của Quan mập bay đi bay lại trên vòm trời An Lộc. Tôi thấy những cột khói cao bốc lên đây đó phía dưới trên một vùng rừng cây dầy đặc xen lẫn những trãng cỏ mênh mông. Có lúc trực thăng chúi xuống bắn hoả tiễn ở hai bên sườn vào vị trí nghi là của đối phương. Cứ sau một phi tuần thì trực thăng quay về Lai Khê đổ xăng và gắn hoả tiễn.

Đến trưa các phi tuần được tạm ngưng. Các nhân viên phi hành đậu trực thăng tại bãi và vào trong vườn cao su ăn trưa. Nơi đây trở thành một cantine lộ thiên mà thực khách lên đến hang ngàn. Tôi trông thấy ngoài không quân còn có các chiến sĩ sư đoàn 7, sư đoàn 9 và sư đoàn 21 lên tăng phái cho mặt trận An Lộc. Mọi người xếp hàng và lấy ga men đeo bên mình đi nhận phần ăn của mình.

Sau đó, các trực thăng bay đến chỗ đổ xăng và lấp hoả tiễn rồi tiếp tục công tác chiến đấu. Khi tôi bước lên phi cơ, Quan mập nói với tôi:” Hễ em thấy gương dưới đất rọi phản chiếu ánh sáng mặt trời lên trên thì dù ở đâu em cũng đáp xuống bốc Quan lên”. Nhưng ý chú quả cảm cứu bạn của Quan mập không thắng được số mệnh. Suốt ngày hôm đó, dù trực thăng của Quan mập đã bay quần nhiều lần trên vòm trời An Lộc nhưng không có đâu hiệu gì chứng tỏ Quan em tôi có mặt phía dưới.

Buổi chiều, hợp đoàn của Quan mập bay trở về căn cứ ở phi trường Biên Hoà với sự thất vọng của mọi người và sự tuyệt vọng của riêng tôi. Tôi đã vĩnh viễn mất đi người em trai của mình.

Sau hiệp định Paris, dù bị cấm không được tác xạ vào lính VC, mỗi khi trên đường bay công tác, hễ thấy lính VC đi khơi khơi trên quốc lộ 13 thì Quan mập chúi xuống rượt bắn chúng chạy trối chết. Về sau, tôi được tin Quan mập tử trận trên vòm trời Khiêm Hạnh, Tây Ninh khi một viên đạn do VC từ dưới đất bắn lên xuyên qua đầu.

Quan ốm được ghi là mất tích để lại vợ, một con vừa qua thôi nôi và một hài nhi còn trong bụng mẹ mà Quan vẫn chưa biết sự hiện hữu. Còn Quan mập tử trận để lại vợ và không biết có đứa con nào chưa.

Cả hai con chim bằng đã gãy cánh trên vòm trời lửa đạn miền Đông khi tuổi đời chưa đến 25. Thương cho những kiếp sống ngắn ngủi trong thời chinh chiến.
 

Huỳnh Công Ân

19/1/2023, một ngày cuối năm nhớ về quá khứ

10 Tháng Mười Một 2011(Xem: 124175)
... người viết thì mãi tận phương nào, không biết giờ này ra sao, còn lá thư đã được viết từ mấy mươi năm rồi! ... .
09 Tháng Mười Một 2011(Xem: 125478)
buổi ra mắt tác phẩm “Ngộ Nhận” của Thầy Kiều Vĩnh Phúc vẫn được đa số học giả, độc giả cũng như người hâm mộ đến tham dự
04 Tháng Mười Một 2011(Xem: 122131)
Hôm nay con ngồi đây viết những lời nầy thì cha con ta đã thực sự xa nhau hơn nửa tháng. 60 năm con sống với ba, cũng như 95 năm cuộc đời ba là chuỗi ngày bất tận.
03 Tháng Mười Một 2011(Xem: 99577)
Từ miền đất “Paris có gì lạ không em”, Ngô Càn Chiếu cựu học sinh khóa 13 Ngô Quyền đã sống định cư nhiều năm ở Pháp đã quyết định sang thăm Hoa kỳ,
02 Tháng Mười Một 2011(Xem: 106706)
Chỉ là rây rắc lá me bay. Chỉ là ngan ngát hương tình say. Chỉ là hoa mộng ngày xanh cũ. Chỉ là bóng mát quyện hình ai?
28 Tháng Mười 2011(Xem: 113274)
Mùa Thu là mùa lá rụng, nhìn lá rụng để nghĩ đến cuộc hành trình của Lá, và nhớ đến những tình cảm ắp đầy yêu thương của đời người.
19 Tháng Mười 2011(Xem: 140111)
TRÁI THÔNG KHÔ- Thơ Đào Duy Bình - Nhạc Đắc Thọ – Phạm Tấn Phước trình bày
14 Tháng Mười 2011(Xem: 131499)
Hoạt cảnh "Ngày xưa Hoàng thị" là một công trình của các chs NQ khóa 14 đóng góp
09 Tháng Mười 2011(Xem: 132114)
Rồi tôi sẽ phải sống cho quen dần với những ngày, những tháng đầy nỗi ngậm ngùi, trống vắng như thế này cho đến bao giờ?
07 Tháng Mười 2011(Xem: 123697)
Ôi nhớ sao là nhớ. Nhớ những mùa Thu ở Biên Hòa, tuy không nai vàng ngơ ngác nhưng rất vui và khó quên.
07 Tháng Mười 2011(Xem: 131603)
Khi những chiếc lá xanh bắt đầu đổi màu và những cơn gió lạ buổi chiều xô đi cái nóng hâm hấp của mùa Hè là chúng ta cảm nhận mùa Thu đã về.
01 Tháng Mười 2011(Xem: 107485)
Từ khoảng cách rất xa của nửa vòng trái đất, tất cả chúng em, những học trò của Cô xin gửi lời cầu nguyện cho Cô được bình yên ở cõi vĩnh hằng .
20 Tháng Chín 2011(Xem: 125099)
... mừng hôn nhân với hạnh phúc tuyệt vời luôn bền vững đến với hai cháu Đông Phương và Quang Vinh.
17 Tháng Chín 2011(Xem: 121155)
Màu tím man mác buồn của một loài hoa mộc mạc ngày nào không biết có còn vương vấn trong lòng ai một hoài niệm đã xa rồi hay không!?
10 Tháng Chín 2011(Xem: 103085)
Sau lễ cưới tổ chức ở nam Cali vào ngày 10/9/2011 xong, gia đình bạn sẽ tổ chức lễ ra mắt hai cháu với bà con, họ hàng, thân hữu ở quê hương Biên Hòa một tuần lễ sau.
31 Tháng Tám 2011(Xem: 104281)
Tôi viết mấy dòng này như là lời cảm ơn gửi đến Ban Chấp Hành hội Ái-Hữu cựu học sinh Ngô Quyền, ban Tổ-chức, và những khuôn mặt đầy nhiệt tình, thiện chí ...
26 Tháng Tám 2011(Xem: 104709)
Bài hát “Về lại trường xưa thân ái” của Trần Kiêu Bạc đã làm tôi mất ngủ. Đêm tiễn đưa đứng lên cầm bài hát, hát với các em, tôi được đọc từng câu ca thấm thía làm sao.
24 Tháng Tám 2011(Xem: 113892)
khi viết lại những dòng này, dư âm ngày hội ngộ vẫn ẩn hiện đâu đây , hình ảnh của bản nhạc "một thời áo trắng" vẫn còn đây...
21 Tháng Tám 2011(Xem: 102007)
giọng cười của anh Nguyễn Hữu Hạnh, dáng nghệ sĩ điêu luyện cũa anh Võ Đình đang bắt giọng cho thầy cô và các bạn cùng hát bản nhạc "Về lại trường xưa thân ái“
15 Tháng Tám 2011(Xem: 109382)
Mang “kỷ niệm trường xưa” chất chứa trong hơn hai trăm trang TTNQ 2011, chúng tôi đã tròn “nhiệm vụ” trao tặng quí thầy.