VÀI GHI NHẬN VỀ GIÁO DỤC Ở MỸ
Nước Mỹ luôn được biết đến là một trong những quốc gia có nền giáo dục chất lượng hàng đầu được cả thế giới công nhận, là điểm đến mà hàng triệu du học sinh trên toàn thế giới hướng tới mỗi năm. Vậy cách giáo dục trong các trường học Mỹ có gì nổi bật?
Nhiều người đã đề cập đến những ưu điểm của nền giáo dục Mỹ như chất lượng giáo dục cao, chương trình đào tạo đa dạng, môi trường giáo dục thân thiện, học sinh có suy nghĩ độc lập và tự do nêu lên chính kiến, bằng cấp được thế giới công nhận...
Ở đây, với góc nhìn hạn hẹp của một phụ huynh, từng đồng hành, theo sát việc học hành của con tại Mỹ ngay từ bậc tiểu học và cũng đã từng đi học. Tôi có một vài nhận xét chủ quan về hai điểm nổi bật trong giáo dục ở Mỹ như sau:
Tôn trọng phẩm giá của học sinh
Gần đây, khi lướt qua các mạng xã hội, tôi cảm thấy ngạc nhiên khi biết một số nhà trường bên nhà vẫn thường vô tư xướng tên công khai học sinh học lực yếu kém hoặc nghịch phá vào các dịp chào cờ đầu tuần. Vẫn có tình trạng Thầy Cô kêu tên học sinh giữa lớp để nhắc nhở em đó đang còn thiếu tiền đóng vào quỹ trường, quỹ lớp. Không ít trường hợp có những em không được tham gia vào buổi sinh hoạt nào đó với các bạn vì gia đình khó khăn không có tiền để đóng góp. Thậm chí, có trường hợp một ai đó, đã đưa lên mạng XH hình ảnh một em học sinh lac lõng một cách tội nghiệp vì lý do gì đó chưa được giấy khen, trong khi cả lớp đều là học sinh xuất sắc (!) trừ mỗi mình em.
Tại các trường học ở Mỹ, thành tích học tập hoặc hoàn cảnh riêng của mọi học sinh đều được xem là những thông tin cá nhân mang tính chất riêng tư, cần được coi trọng. Điểm các bài thi hoặc bài kiểm tra khi Thầy Cô giáo chấm xong, sẽ trả tận tay học sinh, hoặc message riêng cho từng em, không để người khác nhìn thấy. Trừ khi học sinh ấy muốn share lại cho bạn, thì kết quả điểm của em ấy không ai có thể biết được. Khi cần góp ý nhắc nhở, Thầy Cô sẽ gặp riêng học sinh. Bởi vì ở Mỹ không ai có quyền công khai thông tin cá nhân của người khác. Người Mỹ cho rằng việc công khai thông tin, khiến một người nào đó vì không sánh bằng người khác mà cảm thấy buồn tủi, xấu hổ, bị tổn thương là một hành vi thiếu tinh tế và kém đạo đức.
Trong thực tế, chúng ta không thể trông mong vào hiệu quả giáo dục tốt, trong đó phẩm giá của các em học sinh được tôn trọng; khi mà những người làm công tác giáo dục không hề quan tâm đến nỗi tủi nhục, xấu hổ, đau khổ của học sinh khi bị bêu riếu công khai trước đám đông. Họ đã không hề nghĩ rằng những vết hằn về mặt tâm lý này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của học sinh ấy về sau như thế nào (!)
Không so sánh với người khác và nổ lực hết mình
Lúc còn ở VN, tôi từng biết rất nhiều cháu học sinh bậc Tiểu học/Trung học phải chịu nhiều áp lực tâm lý khi phụ huynh thường có thói quen tự hạ thấp khi đem con em của mình so sánh với con nhà người khác. Khi có một học sinh nào giỏi ở một mặt nào đó thường được tâng bốc quá mức, được lấy ra làm “Tấm gương điển hình” bắt con em mình phải “Học tập làm theo”, dù con em họ cũng có thể giỏi ở nhiều khía cạnh khác. Trong thực tế, có thể một học sinh kém về môn toán nhưng lại có khiếu về văn chương hoặc hội hoạ …. Có thể một học sinh rất ham chơi và hay nghich phá nhưng lại rất giỏi trong các môn thể thao, đồng thời em rất nhanh nhẹn, tháo vát với nhiều tài lẻ và hay thích giúp đỡ người khác.
Không giống như bên nhà, học sinh ở Mỹ ngay từ nhỏ đã được dạy có niềm tin vào bản thân, không cần phải đem mình so sánh với người khác, mà phải tự so với chính mình. Lúc nào cũng cần phải nỗ lực, khiến cho bản thân luôn được tiến bộ. Cố gắng để ngày hôm nay phải hiểu biết, tinh tế, giỏi giang hơn hôm qua. Ngày mai phải làm tốt hơn hôm nay… Phụ huynh ở Mỹ thường rất thấu hiểu sự khác biệt và giá trị bên trong của con em để khích lệ cho phù hợp, mà không đi so sánh với người khác. Ở trường, Thầy Cô luôn đề cao sự suy nghĩ độc lập và xem trọng tiềm năng cá nhân của mỗi học sinh.
Ngoài ra, tại các trường học Mỹ, “Không được từ bỏ -Làm hết sức mình” là phương châm của mọi học sinh. Những học sinh ở Mỹ đều được dạy rằng, chỉ cần cố gắng hết sức, cho dù thế nào cũng không được bỏ cuộc. Như vậy, dù được kết quả ra sao thì cũng đều là thành tựu của sự nỗ lực. Có học sinh giỏi đạt được điểm A hoặc A+ dễ dàng, có học sinh dù đã cố gắng hết sức mới chỉ đạt được điểm B-C-D.Trong mắt của các Thầy Cô giáo, cả hai trường hợp đều là OK nếu các em đã cố gắng, và động viên các em phải tiếp tục nỗ lực không được buông trôi. Ở Mỹ con người có thể giỏi hoặc không giỏi nhưng đều được đối xử công bằng, được ghi nhận và khích lệ từ những điều nhỏ nhất.
Chính bởi vì như vậy, hầu hết người Mỹ dù làm việc ở ngành nghề nào, làm công việc gì, vị trí trong xã hội như thế nào, cũng cảm thấy rất vui vẻ, hài lòng và được tôn trọng. Cuộc sống của họ không quan tâm nhiều đến dư luận xã hội hay điều tiếng thị phi bên ngoài, do vậy, họ cảm thấy nhẹ nhàng an lạc và có được cảm giác thành tựu, bất luận công việc của họ là gì đi nữa.
Nhiều lúc tôi tự hỏi, việc xem trọng phẩm giá học sinh và khuyến khích các em tự tin vào chính mình để khai thác tốt nhất tiềm năng cá nhân, phải chăng đó là những yếu tố căn bản đưa đến thành công của nền giáo dục xứ Cờ Hoa?
(Ảnh sưu tầm trên mạng)
Hiep Phan - SJ 11/2023