Nhân lễ giỗ nhà văn Thảo Trường (1936—26 tháng 8 - 2010)
Ghi lại một vài kỷ niệm.
Nguyễn Văn Lục
Nhà Văn Thảo Trường
Thảo Trường, tên thật là Trần Duy Hinh, sinh năm 1936, tại Nam Định. Di cư vào Nam năm 1954, ông gia nhập trường Sĩ quan Thủ Đức, phục vụ ngành pháo binh. Cấp bậc sau cùng là thiếu tá, ông chuyển sang ngành An Ninh Quân đội được gửi ra vùng vĩ tuyến. Ngày 26 tháng 8- 2010, ông yếu nặng, biết mình không qua khỏi, vì bị ung thư gan sau một thời gian dài rồi ông qua đời thọ 74 tuổi. Vợ nhà văn mất cách đó hai năm và ông thường than thở với tôi: mình còn phải về lo chăm sóc bà ấy phụ với các con.
Nhân dịp này xin ghi lại một vài kỷ niệm với riêng ông như đôi dòng tưởng niệm, một nhà văn có tầm cỡ của một thời VNCH.
Theo nhà phê bình Đặng Tiến, truyện ngắn đầu tiên Hương Gió Lướt Đi đăng trên Sáng Tạo, năm 1960. Một vài truyện khác như Đò Dọc, Xác chết..
Nói chung cũng không lấy gì làm đặc sắc cho lắm.
Phần tôi, chỉ thực sự biết ông khi ông viết trên tờ Hành Trình và nhất là sau này có nhiều dịp gần gũi ông trên tờ Tân Văn.
Nhưng từ khi tờ Hành Trình, in ronéo do Nguyễn Văn Trung làm chủ bút thì ngay từ số đầu, Thảo Trường đã có mặt với: Thằng du Đãng. Số 2: Mặt đường. Nhưng một truyện rất đặc sắc và sau này làm nên tên tuổi ông trong số 3-4. Đó là truyện “Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng tháp.”
Tôi có dịp hỏi ông truyện nào ông ưng ý và tâm đắc nhất. Ông trả lời: “Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng tháp” và truyện: “Viên đạn bắn vào nhà Thục”.
Theo tôi, ông còn có truyện: “ Những Đứa Trẻ Đầu Thai Giữa Hàng Rào” cũng đặc sắc lắm!! Tôi có tham lam quá chăng?
Tiếp theo Số 5: Mặt đường.
Khi Nguyễn Văn Trung làm chủ bút tờ Đất Nước, ông cũng có mặt không thường xuyên Tôi chỉ tìm thấy một truyện: “Trong hầm trú ẩn”, số tháng giêng và tháng 10, 1968.
Một kỷ niệm riêng là sau này khi ông không được khỏe lắm. Ông hỏi tôi: mình còn viết được không? Tôi nói cứng: “được chứ tại sao không? Anh là nhà văn có tầm cỡ, xin cứ tiếp tục”.
Cũng trong dịp này, ông đã tặng tôi toàn bộ các số báo Đất Nước, đã đóng bìa cứng do vợ và con ông mang sang Mỹ. (gồm ba tập)
Phần Nguyễn Văn Trung đã nhận xét về truyện Thử Lửa: “Tôi coi Thảo Trường như một trong những người đang đi vào truyền thống của những nhà văn mà sứ mệnh là nhắc nhở con người những giá trị làm mgười.”
Tôi cũng có viết một bài đăng trên THế Kỷ 21 của Phạm Phú Minh: Thảo Trường- Nhà văn dấn thân và nhập cuộc- đi tìm con người qua chiến tranh và lao tù-.Nguyễn Văn Lục.
Thảo Trường trên tờ Tân Văn
Đây là dịp tôi gần gũi và trò chuyện với ông nhiều hơn. Đôi khi ông rủ tôi về nhà vì chị yếu mệt, chị cần được chăm sóc. Chị là người phúc hậu, nhưng dáng vẽ chững chạc. Còn anh có vẻ nông dân, thực thà và chất phác, ưa tếu và cười xòa.
Giữa anh và bà Hoàng Dược Thảo, tờ Tân Văn có một mối giao tình đặc biệt, vì chính anh là người mối lái giữa Du Tử Lê và bà Hoàng Dược Thảo nên vợ nên chồng.
Trong số Tân Văn, số 15, tháng 10, 2008. Bà Hoàng Dược Thảo viết: “ Nhà văn Thảo Trường là một tên tuổi lớn trong văn chương mà còn do con người thực ông ở ngoài đời. Phải đọc những chuyện ngắn ông viết, những nhận định của ông về cuộc chiến, về 17 năm sống đời tù binh không bản án trong các trại tù cộng sản, mới thấy được con người hào kiệt của ông.
vợ nhà văn Thảo Trường vào nhà thương cấp cứu rồi qua đời vào ngày chủ nhật 14-9. Chị mang bệnh đã từ lâu, sự ra đi là một điều đã nhìn thấy trước, nhưng khi hung tin, tôi thật bàng hoàng”
(…) Lần khác, sau khi tôi làm báo Sài Gòn Nhỏ. Một buổi chiều, ba mẹ con tôi đi đưa báo thì gặp chị ở phòng mạch ra. Chị nhìn tôi bảo: Rõ khổ. Chị không nói gì thêm, nhưng tôi thấy chị rưng rưng nước mắt.” (…)
Sau này, anh em gặp lại nhau, nhà văn Thảo Trường vẫn đùa là anh còn nợ tôi một món nợ. Món nợ là đã không che chở bảo bọc tôi mà còn …gieo trứng cho ác khi cố tình che chở cho mối tình đầu của tôi trước sự chống đối của gia đình tôi thuở đó. Bà Thảo viết tiếp về sự ra đi của người vợ thân yêu của Thảo Trường: ” Nơi suối vàng, em biết chị đang mỉm cười. Nụ cười mãn nguyện của một người đàn bà khi biết mình đã đi qua cuộc đời với một người trượng phu, hào kiệt. Vì đó là điều mơ ước lớn lao nhất cho một người đàn bà.”
(Sự thân thương giữa hai người nên bà vợ Thảo Trường thường gọi bà Hoàng Dược Thảo là: Thụy Châu- tên thời con gái-.
Sự giao tình thân thương như anh em trong nhà và một cách nào đó có ba nhà văn là: Mai Thảo, Nguyên Sa Trần Bích Lan (Trần Bích Lan là thầy dạy của bà Thảo thời Tú tài II) và nhà văn Thảo Trường. Bài của họ thường được đăng một cách trân trọng trên Tân Văn.
Một kỷ niệm vui nhắc lại khi tôi làm việc trên tờ Tân Văn. Mai Thảo viết truyện thường nhớ trước quên sau do tuổi già và rượu trên báo chợ Sai Gòn Nhỏ. Có lần, ông cho đôi gái đang tình tự lâm ly, kỳ sau ông quên lại viết đang cãi cọ ly dị. Các nhân viên đánh máy thấy kỳ quá, gọi cho ông thì ông trả lời: Thì chúng mày tìm cách cho chúng nó nối lại với nhau đi. Chuyện dễ mà..
Các cô nhân viên bất đắc dĩ trở thành nhà văn.
Cũng không lạ gì, nhiều truyện ngắn của Thảo Trường ở bên ngoài nhiều người chưa có dịp đọc và không biết đến như: Trong hầm trú ẩn, số 21. Nước tiểu, số 22. Người nuôi tù, số 23. Trong Hang, số 29.
Trước khi chấm dứt bài tưởng nhớ Thảo Trường, ngoài những bài viết của những người như Đặng Tiến, Phạm Phú Minh phỏng vấn Thảo Trường còn có những nhận xét trân trọng của một số nhà văn khi ông ra mắt cuốn sách, “ Những Miểng vụn của tiểu thuyết” do Người Việt xuất bản.
Nhà báo Huy Phương nói: “ Thảo trường, tác phẩm và tác giả, đã là một phần của lịch sử mà thế hệ chúng tôi tự hào.” Nhà báo Đỗ quý Toàn nói:” Tác phẩm Thảo Trường luôn hừng hực sức sống, đầy tính nhân bản.”.
Nhưng bên cạnh đó, còn có những nhà văn đầy sức sống, năng động và không kém sâu sắc như Đặng Thơ Thơ trên Da Màu viết: “ Tôi đọc Thảo Trường như đọc một bản cáo trạng viết từ địa ngục. Một bản cáo trạng mỉa mai, chua xót, nhưng nhân bản. Một cái nhìn thấu đáo về chủ nghĩa cộng sản và tính chất” súc vật” của nó như Thảo Trường nhận xét.” .
Hay một người khác là cô Nguyễn Lệ Uyên trong bài: Chiến tranh dưới ngòi bút Thảo Trường. (Tân Văn số 41) với lời mở đầu trích dẫn Thảo Trường:
“ Chiến tranh hả? Chiến tranh là cái c. chó gì. (Thảo trường).
Xin ghi nhận như một lời chia sẻ về một nhà văn lớn đã khuất. Tôi nghĩ viết một nhà văn lớn không bao giờ là thừa, dù thời đã qua.