Đỗ Vẫn Trọn
Cuối cùng rồi tôi cũng tiễn biệt Nhà Truyền Thông Lê Văn, cựu chủ biên Ban Việt Ngữ Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA)-Cây Đại Thụ của truyền thanh, là người anh khả kính của chúng tôi.
Anh Lê Văn, một nhà báo-một nhà truyền thông quốc tế, có một giọng nói âm hưởng miền Bắc, với giọng đọc đặc biệt trầm/bỗng, du dương thu hút người nghe từ bao thập niên qua. Người miền Nam từ thôn quê đến thành phố, những ai có radio đều đã từng nghe Đài Phát Thanh VOA và Đài Phát Thanh BBC mà Lê Văn và Đỗ Văn là một tiêu biểu.
Chủ biên Lê Văn tên thật là Lê Lai, sinh ngày 28 Tháng Tư, 1937, tại Nam Định, ra đi về miền đất mới lúc 6 giờ sáng 23 Tháng Mười, 2021, tại Houston-Texas, sau 85 năm tại thế.
Trước khi mệnh chung, anh đã tự làm cáo phó và dặn dò người vợ mẫu mực là chị Virginia Lê-Xuân Lan: “Đừng bao giờ đưa anh vô bệnh viện. Anh sống như vậy là quá đủ. Hãy để anh ôm giữ lấy em như níu kéo những ngày còn lại trong suốt 54 năm hạnh phúc-thủy chung mà chúng ta có được…”
Và anh Lê Văn đã có một giấc ngủ dài, ra đi trong thanh thản bên vòng tay yêu thương của người vợ hiền. Gia đình sẽ hỏa táng anh Lê Văn và Thánh Lễ được tổ chức vào Thứ Sáu 12 Tháng Mười Một, 2021, tại St Cyril of Alexandria Catholic Church, 10503 Westheimer Road, Houston, Texas 77042.
Chủ biên Lê Văn được học bổng quốc gia, du học tại Mỹ năm 1960. Anh theo học ngành Bang Giao Quốc Tế tại trường Đại học GEORGE TOWN-WASHINGTON D.C. Sau khi tốt nghiệp, người bạn của anh là Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng có ý mời anh về Việt Nam để tham chính, với một chức vụ quan trọng hàng thứ trưởng nhưng anh từ chối, tiếp tục dấn thân và cống hiến cho truyền thông.
Năm 1964, khi còn ở ghế nhà trường, anh Lê Văn đã cộng tác với Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), đến năm 1967 thì anh chính thức làm việc tại đây, giữ chức vụ chủ biên trong một thời gian dài. Năm 2001 thì anh về hưu. San Francisco, San Jose, Orange County, Bangkok, Paris… là những nơi anh đắn đo lựa chọn, nhưng rồi Houston là nơi ươm giữ phần đời của anh.
Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) được thành lập ngày 1 Tháng Hai, 1942, nhằm chống lại những mục kích tư tưởng trong chiến tranh với Nhật ở Thái Bình Dương-Trân Châu Cảng và Đức Quốc Xã ở Âu Châu.
Chủ biên Lê Văn đã có sáng kiến mở ra chuyên mục “Người Việt Hải Ngoại,” đáp ứng sự khao khát của người nghe. Từ đó, những sáng tác của văn nghệ sĩ, của những giọng ca quen thuộc được bay bổng về quê nhà như bài hát: “Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển” thơ Du Tử Lê – nhạc Phạm Đình Chương; Sài Gòn Vĩnh Biệt -nhạc Nam Lộc qua tiếng hát Khánh Ly…” cùng nhiều câu chuyện thương tâm vượt biển-băng rừng-vượt núi… được thuyền nhân-bộ nhân kể lại bằng máu và nước mắt khi vượt thoát.
Đại dương là một nấm mồ vĩ đại. Rừng sâu còn im ỉm những bóng ma hờn tủi. Cái bóng của đau thương, của biền biệt… vẫn còn trong tâm trí của giống nòi.
Chương trình ODP (Ra Đi Có Trật Tự), H.O (Cựu Tù Nhân Chính Trị) được chủ biên Lê Văn thông tin, hướng dẫn tỉ mỉ, cách làm thủ tục xin xuất cảnh trên làn sóng điện VOA đem lại hy vọng cho bao người.
Có lần, tôi chứng kiến một gia đình H.O chờ chủ biên Lê Văn ở sau sân khấu để được gặp anh bày tỏ lòng biết ơn. Khi họ còn ở quê nhà, chính nhờ những bản tin mà anh Lê Văn loan tải đã giúp họ thôi ý định quyên sinh.
Chỉ một ngày được tin chủ biên Lê Văn mất, nhiều người thương tiếc chia xẻ trên facebook:
– Một Giòng Sông: “Giống như người ở địa ngục được nghe lời an ủi của thiên thần…”
– Diễm Duyên: “Vô cùng thương tiếc. Một người cả đời phục vụ cho tiếng nói của cả triệu con tim. Chúc Người an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng…”
– Trịnh Vĩnh Phúc: “Ông là một nhà báo quốc tế kỳ cựu, là nhân chứng của lịch sử dân tộc trong hơn nửa thế kỷ…! Vẫn nhớ giọng đọc đầy cuốn hút của ông…”
– Thanh Nga: “Em thường nghe chú đọc lúc chiều và tối từ năm 1990, lúc đó em 11 tuổi. Toàn nghe lén và hai cha con cùng nghe…”
Không những thính giả bày tỏ sự kính mến đến chủ biên Lê Văn, mà giới văn nghệ sĩ cũng nợ anh một ân tình. Nhờ anh mà những tác phẩm, nhạc phẩm được đến sâu rộng với thính giả ở quê nhà.
Tôi may mắn được thân quen với chủ biên Lê Văn 40 năm qua. Năm 1982, tôi rất cảm động và ngạc nhiên khi anh Lê Văn từ Hoa Thịnh Đốn bay đến San Jose để dự buổi ra mắt sách của tôi. Và từ đó, hai anh em càng gắn bó thân thiết với nhau hơn. Dù ở rất xa nhau nhưng hai anh em đều tạo điều kiện găp nhau. Gần như, những buổi ra mắt sách, những buổi văn nghệ, những chuyến Hội Ngộ Trùng Dương… do tôi tổ chức, anh chị Lê Văn có tham dự.
Anh Lê Văn làm việc ở Orange County nhiều hơn San Jose, nhưng mỗi lần về Orange County, anh rủ nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Du Tử Lê, nhạc sĩ Phạm Đình Chương lên San Jose chơi với tôi một vài ngày.
Ngôi nhà của anh chị Lê Văn ở Virginia, ở Houston, tôi và nhà văn Mai Thảo, tài tử Kiều Chinh đã lưu lại ở đó nhiều lần. Căn nhà của tôi vẫn còn phảng phất bóng dáng anh. Một Lê Văn nhân cách, đôn hậu, lịch lãm, tử tế, thủy chung với bạn hữu. Một Lê Văn ngoại hạng trong cách sống. Một Lê Văn: “Món Quà Của Thượng Đế” đằm thắm như cuốn sách anh viết: “Rượu Vang-Món Quà Của Thượng Đế.”
Nếu nói về tài thử rượu vang, anh Lê Văn là một chuyên gia thượng thặng xuất chúng. Chỉ cần ngửi mùi rượu bốc lên, anh thẩm định được loại rượu này ngon/dở/giá cả/sản xuất năm nào/ở đâu… Anh phân tích rất chi ly. Anh hài lòng với loại rượu vang mà nhà tôi mới sản xuất năm nay.
Những lần ngồi uống rượu với anh, tôi học được từ anh rất nhiều. Khó tìm thấy Lê Văn giận dữ. Lúc nào cử chỉ của anh cũng thân mật và giọng nói từ tốn, âm vực cao thấp như diễn tả trước máy ghi âm. Tôi hay nói: “Anh Lê Văn nói chuyện như là hát vậy, mà khi anh hát còn hay hơn…” Tôi nghĩ, nếu anh chọn nghề ca hát chắc chắn anh phải là một ca sĩ nổi tiếng…
Rất nhiều người ngưỡng mộ và yêu thích giọng đọc của anh. Những chỗ ngắt quãng từ dấu chấm-phẩy-hỏi-ngã rất mạch lạc, rõ ràng. Nên mỗi khi viết bài cho xướng ngôn viên đọc Radio thì tôi dùng nhiều dấu phẩy, tivi thì tôi dùng dấu chấm ngắn gọn, cô đọng… để xướng ngôn viên khỏi bị vấp váp.
Bậc thầy của ngành truyền thanh
Mặc dù tôi đang đảm trách bảy đài phát thanh và thời gian làm việc đã 40 năm, nhưng so với chủ biên Lê Văn thì tôi như một người học trò còn non nớt. Anh Lê Văn là bậc thầy của ngành truyền thanh.
Tôi giống anh Lê Văn một điểm là rời Việt Nam khi còn quá trẻ, thời gian sống ở Mỹ nhiều hơn nhưng chúng tôi đã cố gắng gìn giữ và thăng hoa tiếng Việt. Tôi bước vào truyền thông – văn chương lúc còn ngỡ ngàng với đời sống ở Mỹ. Vậy mà đã hơn 40 năm rồi.
Anh chị Lê Văn rất biết tận hưởng cuộc sống. Nhà hàng nào ngon, rượu nào tuyệt, cảnh nào đẹp… dù ở nơi nào trên thế giới, anh chị cũng muốn đến trải nghiệm.
Thật là một hồng nhan tri âm tri kỷ, với 54 năm hạnh phúc-thủy chung, chưa bao giờ có một sự rạn nứt. Đó là một mối tình tuyệt đẹp-lãng mạn, khi chàng mới ra trường gặp một sinh viên xinh đẹp từ Pháp sang Mỹ thực tập. Phải lòng nàng từ đó, chàng đã nhiều lần qua Pháp hẹn hò cùng với những đóa hoa hồng và nhiều lẵng hoa tình ái. Chàng đợi từng giờ, từng ngày để gặp được tiểu thư khuê các-gia đình danh giá. Và rồi, họ đã cùng nhau đến chân trời góc biển. Tình yêu của họ nồng thắm trên những đường phố, trên giòng sông Seine, sông Theme, sông Danube… từ Paris, London đến New York, San Francisco, Los Angeles, Virginia…
Cách đây ba tháng, ngày 6 Tháng Bảy,2021, anh chị Lê Văn từ Houston đến San Francisco để thăm cô con gái là Lê Lan Anh, định thể sẽ về San Jose lưu lại nhà tôi một ngày. Nhưng sau đó anh Lê Văn mệt, nên tôi chỉ đưa anh chị đi ăn ở một quán nhỏ nấu thức ăn miền Bắc ở San Francisco.
Quán ăn bình thường nhưng nhắc nhớ anh Lê Văn về nơi anh sinh trưởng là Nam Định, mà đã lâu anh không được về thăm lại quê cũ. Buổi trưa hôm đó, tôi có mời thêm vợ chồng Bác Sĩ Bùi Duy Tâm, vợ chồng Phương-Lưu, Nguyễn Hữu Cúc, Đinh Thùy. Anh Lê Văn lúc này cũng đã hơi yếu đi, giọng buồn buồn anh nói: “Anh đã xa Nam Định 68 năm, Sài Gòn 61 năm và bây giờ, anh sắp rời San Francisco, không biết ngày nào anh em mình còn gặp lại nhau.”
Tôi lặng người, San Jose-San Francisco-nơi tôi và anh có rất nhiều kỷ niệm. Những đêm khăn choàng, áo dạ cùng nhau thả bộ trên những con dốc, đến những nhà hàng trên đỉnh đồi nhìn toàn cảnh thành phố San Francisco chìm đắm trong màn sương dày đặc, nổi bậc cây cầu Golden Gate ẩn hiện mờ/ảo, một tuyệt tác của con người. Thành phố vừa yên bình, vừa rực rỡ những ngọn đèn hoa đăng. Dòng xe cộ bịn rịn không rời nối tiếp qua cây cầu Oakland, những thành phố mà chúng tôi lưu luyến, ở lại và in đậm tình thân.
Đưa anh chị Lê Văn ra phi trường Oakland để về lại Houston. Tôi từ biệt anh bằng một nỗi buồn miên man. Tôi hứa sẽ qua Houston thăm anh chị. Sau đó tôi báo tin cho chị Lê Văn là ngày 23 Tháng Mười năm 2021 có mặt tại Houston. Hai ngày sau thì chị Lê Văn bảo: “Em qua sớm thì mới đi ăn với anh được, có lẽ em là người được gặp anh lần cuối…” Tôi vội vàng đi ngay.
Ngày 16 Tháng Mười năm 2021, vợ chồng Phạm Vinh (con Tướng Phạm Văn Phú) đón tôi tại phi trường. Mùa Thu ở Houston mềm mại, tơ tưởng những cơn gió buốt lạnh về, nắng vàng ngập cả những khu phố Việt Nam, sầm uất và đông đúc người Việt sau bao tháng im ỉm đóng cửa vì đại dịch, như những con đường có tên Việt Nam lừng lững bao nhiêu năm qua đã bị gỡ xuống, khi một thị trưởng mới lên nhậm chức.
Tối đó, chúng tôi đón anh chị Lê Văn, trông anh rất mệt nhưng cố gắng gặp tôi. Anh mang theo hai lon bia. Anh nói: “Mình ăn ở nhà hàng Tàu nên không uống rượu vang, và ở đó không bán bia nên anh mang theo.”
Tôi gắp thức ăn cho anh, lòng buồn bã, nước mắt tôi rơi từ lúc nào. Chị Lê Văn như đoán trước ngày ra đi của anh nên bảo tôi qua ngay. Có thể buổi ăn tối nay là bữa ăn cuối cùng mà anh Lê Văn dành cho tôi, dành cho một người em mà anh yêu mến.
Anh nhắc lại những kỷ niệm với nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Du Tử Lê, nhạc sĩ Phạm Đình Chương, tài tử Kiều Chinh, và tôi… Anh nói bài viết của tôi về Phi Nhung mang tính nhân ái của người viết. Và anh đọc hai câu thơ của thi hào Nguyễn Du:
“Đau đớn thay phận đàn bà,
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.”
Về đến nhà anh chị Lê Văn, tôi dìu anh vào. Bước đi của anh thật chậm, có thể quỵ ngã, bóng đêm đã đến gần… Anh ôm chặt lấy tôi, đôi mắt buồn u uẩn: “40 năm rồi em, 40 năm anh em mình có nhau, một thứ tình thân thiết, thủy chung và ở mãi đến ngày hôm nay…” Tôi thật xúc động. Tôi sợ ngày tiễn biệt.
Sáng hôm sau, Chủ Nhật 18 Tháng Mười, 2021, chị Lê Văn bảo tôi mua phở đem đến cho anh, nhưng anh không dậy nổi.
Sáng Thứ Hai 19 Tháng Mười, 2021, chúng tôi đặt thức ăn ở một nhà hàng Pháp nổi tiếng, với món soup Bouillabaisse mà anh Lê Văn thích, nhưng cũng không đến được. Anh Lê Văn đã rất mệt.
Tôi rời Houston trong nỗi buồn vô tận. Ngày trở lại của tôi sẽ là một ngày đau thương, chia lìa. Bóng dáng chủ biên Lê Văn sẽ không còn nữa. Trên những làn sóng phát thanh sẽ không còn giọng nói truyền cảm, thao thao bất tuyệt của anh.
Chị Lê Văn đã dự liệu và chuẩn bị ngày anh ra đi. Tưởng rằng, chị sẽ rất mạnh mẽ. Nhưng, chị đã khóc, khóc thật nhiều khi báo tin cho tôi. Chị tự an ủi bằng những lời nhắn gửi yêu thương từ bạn bè và thính giả dành những tình cảm trân quý đến anh Lê Văn.
Ngậm ngùi tiễn biệt anh. Tiễn anh một đoạn đường mà xa xôi vạn dặm. Mai này, có còn một Lê Văn nữa hay không? Lòng em buồn man mác nỗi nhớ anh.
***
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/tuong-nho/le-van-mon-qua-cua-thuong-de/