San Jose trong những ngày bão rớt mùa đông. Trời se se lạnh với những con mưa rả rích, tình cờ nghe lại bài: "Hội nghị Diên Hồng" trong DVD Hùng ca sử Việt. Qua giai điệu trầm hùng bay bổng của bài hát, ký ức của 45 năm trước bỗng ập về trong tôi.
... Tháng 1/1974, bọn bành trướng Tàu cộng hung hăng xua quân xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, hải quân VNCH đã chiến đấu oanh liệt trước sự tấn công hung hãn của kẻ thù, để rồi cuối cùng vì sức cô thế yếu, 74 người lính Hải quân VNCH đã đền nợ nước và Hoàng Sa đã mất vào tay giặc. Không khí sôi sục căm thù bọn bành trướng Trung cộng đã lan tỏa vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội.
Lúc ấy, chúng tôi là những nam sinh lớp 9/9 của trường trung học nổi tiếng Ngô Quyền Biên Hòa .
Lòng yêu nước thiết tha thấm nhuần trong ý thức của chúng tôi - vốn đã được trui rèn qua việc học hành dưới nền giáo dục nhân bản, khoa học và khai phóng của VNCH - đã trỗi dậy mạnh mẽ và trào dâng một cách tự phát. Vào một ngày học gần tết Giáp Dần 1974 sau sự kiện mất Hoàng Sa, trong lúc tạm nghĩ tại chỗ để chờ đợi thầy cô cho giờ học kế tiếp, lớp trưởng Bùi Quang Liêm bất ngờ lĩnh xướng một đoạn trong bài Hội Nghị Diên Hồng:
"Toàn dân nghe chăng? Sơn Hà nguy biến.Hận thù đằng đằng! Nên hòa hay chiến ? Diên Hồng tâu lên cùng Minh đế báo ân. Hởi đâu tứ dân ?
“Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến ??"
Cả lớp 9/9 đồng thanh dõng dạc hô to “Quyết Chiến"
Rồi đồng ca tiếp:
“Quyết chiến luôn, cứu nước nhà , noi chí dân hùng anh “
Lớp trưởng Liêm, hỏi tiếp:"Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?"
Cả lớp hưởng ứng "Hy sinh". Rồi cùng đồng ca đến hết đoạn cuối, vang dội cả hành lang & dãy lớp lân cận.
Hào khí "Sát Thát" dâng lên ngút trời. Lòng yêu nước nồng nàn đã khơi dậy trong chúng tôi một tâm trạng háo hức noi gương tiền nhân, muốn làm một việc gì đó cho quê hương đất nước dù cho tuổi đời còn rất trẻ 14-15.
Thế là thành một thông lệ, cứ mỗi lần đổi giờ học, tạm nghỉ trong lớp chờ thầy cô, lớp 9/9 chúng tôi đều diễn lại trích đoạn của Hội Nghị Diên hồng. Thầy Tổng giám thị và thầy cô mỗi khi vào lớp, biết chuyện cũng vui vẻ không phàn nàn chúng tôi, còn tỏ ý ngầm tán đồng với kiểu sinh hoạt lớp có một không hai như vậy.
Lòng yêu nước dạt dào của tuổi trẻ chúng tôi thời ấy xuất phát từ trái tim được hun đúc qua các giờ học lịch sử, Kim văn, Cổ văn, Công dân giáo dục ... dưới nền giáo dục nhân bản của VNCH, chứ không phải do tuyên truyền nhồi sọ bởi bất kỳ một đoàn thể chính trị nào.
Chúng tôi thời ấy dù hăng say học hành với ý thức trách nhiệm "Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau", nhưng vẫn luôn quan tâm đến vận mệnh quốc gia dân tộc, chứ không vô tâm thờ ơ, hưởng thụ như đại bộ phận giới trẻ bây giờ. Sự cuồng nhiệt của tuổi trẻ chúng tôi thời ấy biểu hiện thái độ căm thù giặc ngoại xâm và muốn dấn thân trước cảnh nước mất nhà tan, chứ không như giới trẻ bây giờ là cũng có lòng cuồng nhiệt, nhưng là kiểu cuồng nhiệt la hét, lột áo quần, sẵn sàng xuống đường "đi bão" với chiến thắng của đội nhà trong một giải bóng đá nhỏ trong khu vực, nhưng lại vô cùng bàng quan, thờ ơ trước hiểm họa mất nước đã và đang đến thật gần .
Tuổi trẻ thời đại bây giờ sẽ không bao giờ có được hào khí của một hội nghị Diên Hồng tự phát như chúng tôi ngày xưa, và họ không thể nào biết được tinh thần hy sinh bất khuất của tiền nhân trước sự xâm lăng của giặc thù phương Bắc.
Xin cảm ơn lớp trưởng Bùi Quang Liêm cùng các bạn 9/9 ngày ấy đã để lại cho tôi một ký ức vô cùng đẹp về những ngày tháng học ở một trường công lập nổi tiếng của Biên Hòa mang tên vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền trong chính thể VNCH vào lứa tuổi đẹp nhất của đời người .
NQ K15 Phan Phú Hiệp
San Jose, January 20-2019
Thành kính tưởng niệm 74 quân nhân QLVNCH đã đền nợ nước
ngày 19 tháng 1 năm 1974
Viết cho các bạn 9/9 K15