Nhiều tháng trước tôi tình cờ đọc trên mạng aihuubienhoa.com bài viết về Một Dòng Sông Kêu Cứu. Tôi hết sức kinh ngạc, sông Đồng Nai quê tôi đang bị người ta lấp đi để qui hoạch xây dựng khu dân cư hiện đại. Tôi vội đọc thêm vài bài viết trên các nhật báo mới hay việc lấp sông đang bị ngăn chận. Tôi hoang mang thắc mắc không biết sông bị lấp ở đoạn nào? Lấp khoảng rộng bao nhiêu? Tôi rất muốn về ngay Biên Hòa để tìm hiểu xem nhưng rồi cuộc sống bận rộn với nhiều lo toan đã làm tôi quên đi nỗi đau của dòng sông.
Mãi đến hôm nay, nhóm bạn lớp Tứ 3 khóa 9 Ngô Quyền rũ tôi về họp mặt. Tôi mới có cơ hội tận mắt nhìn thấy một bãi sông bị lấp còn nham nhở đất đá trãi dài từ trên chùa Phụng Sơn Tự còn gọi là Hội Quán Phước Kiến đến khỏi khu vực nhà máy nước Đồng Nai trên đường Cách Mạng Tháng 8 (ngày xưa mang tên Nguyễn Hữu Cảnh.
Con đường nầy từng ghi dấu những bước chân thời thơ ấu của tôi. Những ngày còn học Tiểu Học trường Nguyển Du từ lớp 1, lớp 2 đến lớp 3 mới chuyển sang trường Nữ Tiểu Học trên dốc Cây Chàm. Sau năm 1975 con đường bỗng trở nên xa lạ. Những ngôi nhà của bạn bè thân quen ở hai bên đường đều đổi chủ. Mỗi khi có dịp về ngang nơi nầy lòng tôi man mác buồn khi nhìn những bảng hiệu các quán café Bờ Sông mọc lên rải rác.
Rạp chiếu phim Lido, điểm hẹn một thời vàng son của tôi giờ bị bỏ hoang. Hồi đó tôi có người bạn thân là cháu của chủ rạp, tôi đi học ở Saigon cuối tuần về cứ đến rạp xem phim thoải mái khỏi phải mua vé. Quán ăn Tuyết Hồng rộn ràng tấp nập cả ngày bây giờ cũng chỉ còn vỏn vẹn một xe hủ tiếu nhỏ lặng lẽ bán một chút buổi sáng...
Nhiều lần tôi cùng nhóm bạn Ngô Quyền hẹn nhau uống café ở quán Thủy Tùng sát bờ sông. Chúng tôi thường chọn bàn ở ngoài để đón gió mát. Ngồi ở đây có thể nhìn thấy xa xa những nhịp cầu Gành cổ xưa lấp ló, xa hơn nữa ẩn hiện dưới ánh chiều hoàng hôn êm ả là ngọn núi Châu Thới cheo leo với mái chùa vàng cong vút và tượng Phật Bà Quan Âm sừng sững trên đỉnh. Nhìn ngược về thượng nguồn là cây cầu Mới được xây sửa mấy lần cũng đã giải quyết được phần nào nạn kẹt xe trong giờ cao điểm cho các phương tiện giao thông qua cầu vào thành phố Biên Hòa.
Nhớ mấy chục năm trước tôi thường đi đò ngang từ chợ Biên Hòa sang lò lu Hóa An để thăm người chị theo chồng về bên đó. Những chuyến đò lúc đầu còn được người lái đò chèo bằng tay, sau đó được thay bằng máy đuôi tôm chạy dầu nổ xành xạch. Có lần ngồi trên đò qua sông tôi với tay vớt được một cành hoa Lục Bình rất đẹp, hí hửng định đem về cắm trên bàn học để ngắm cho thỏa thích. Nhưng loài hoa cánh mỏng mau héo tàn ấy đã dập nát ngay khi tôi chưa về đến nhà. Từ đó tôi không bao giờ hái hoa Lục Bình dù rằng tôi vẫn rất yêu màu hoa tim tím ấy.
Một lần chúng tôi ghé quán muộn, nắng chiều đã tắt, mây đen vần vũ che khuất cuối chân trời. Gió thổi mạnh, dòng sông như trở mình không còn êm ả lục bình trôi, cũng không còn rì rào hòa âm cùng tiếng nhạc vọng ra trong quán như mọi khi mà như dỗi hờn, tung những đợt sóng lớn vỗ mạnh vào bờ. Tôi chợt nhớ và kể cho nhóm bạn nghe một kỹ niệm vui vui về dòng sông quê tôi. Năm đó tôi theo Má về quê thăm Ngoại ở Cù Lao Bình Quới. Vào mùa mưa, lúc ấy dòng sông từ thác Trị An chưa bị đập thủy điện ngăn chặn xuôi chảy về ào ạt. Hai Má con đứng chờ đò, từ trong bến tôi nhìn ra khoảng sông rộng thấp thoáng nhiều nhánh cây khô bập bềnh theo dòng nước cuốn. Trong trí tưởng tượng tôi lại nghĩ đến cảnh hai vợ chồng quê chèo xuồng đi vớt củi trên sông mùa nước lũ trong truyện ngắn Anh Phải Sống của Khái Hưng. Câu nói của người vợ trước khi buông tay không bám víu để nữa để người chồng có thể bơi thoát vào bờ một mình vì đàn con dại đang chờ ở nhà mà tôi luôn thuộc nằm lòng: “thằng Bò, cái Nhớn, cái Bé, không, anh phải sống”. Tôi nhớ trong truyện nhà văn tả cảnh dòng sông Hồng nước cuồn cuộn chảy xiết, bỗng dưng tôi thấy dòng sông trước mặt mình cũng cuồn cuộn chảy xiết với những khúc gỗ to bị sóng đánh dồn dập. Tôi bỗng sợ hãi co rúm người lại không dám bước xuống đò làm Má tôi phải dỗ dành mãi hồi lâu.
Hôm nay nhìn lại dòng sông, một bãi đất đá được gia cố bờ đê vững chắc đã che lấp cả một khúc sông dài. Ngồi ở quán Thủy Tùng tôi không còn nghe tiếng nước vỗ vào bờ, tôi cũng không còn nhìn thấy những mảng lục bình trôi. Phía trên kia nơi bến sông của chùa Phụng Sơn Tự, cây đa cổ thụ vẫn còn đó nhưng không còn được soi bóng mình trên mặt nước sông. Dưới gốc đa ngày xưa tôi vẫn thường ngồi canh giữ quần áo cho anh trai và mấy thằng bạn trong xóm nghịch ngợm đi tắm sông, nhảy thi từ trên cành cây xuống nước. Bây giờ gốc đa cách mép nước khoảng gần 100 mét hay nhiều hơn nữa. Đất đá, bê tông đã che lấp tất cả, cảnh tượng khô khan nhìn thật đau lòng.
Tôi không biết nếu như dự án xây dựng khu dân cư mới với những tòa nhà cao tầng hiện đại trên mảnh đất lấp đoạn sông nầy hình thành thì cảnh quang nơi đây sẽ như thế nào? Dù có được nguy nga tráng lệ như trong những tấm áp phích người ta quảng cáo với nhiều sắc màu được dựng trước cổng công trình lấp sông đang bị đình chỉ thì liệu những người thụ hưởng công trình lấp sông sẽ nghĩ sao? Người dân xứ Bưởi sẽ nghĩ sao? Và nhất là dòng sông sẽ nghĩ sao?
Biết đâu một ngày nào đó sẽ lại có một dự án san bằng ngọn núi Bửu Long hay núi Châu Thới để xây dựng một công trình thế kỷ, thì Đồng Nai ơi xin hãy nén cơn đau mà xuôi dòng như vẫn tự bao giờ...
Bùi Thị Lợi
Tháng 6 năm 2015