Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Bùi Thị Lợi - UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN

22 Tháng Mười 201611:52 CH(Xem: 21596)
Bùi Thị Lợi - UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN

UỐNG  NƯỚC  NHỚ  NGUỒN

uong nuoc nho nguon

 

Tối qua nhận được email của Diệp Hoàng Mai báo tin Thầy Phạm Đức Bảo cựu Hiệu Trưởng trường Trung Học Ngô Quyền Biên Hòa vừa từ trần. Tang lễ tổ chức tại tư gia ở đường Trần Quang Diệu Quận 3 Saigon. Tôi thoáng bàng hoàng, thời gian gần đây biết Thầy ở tuổi gần 100, sức khỏe mong manh như ngọn đèn trước gió, bọn học trò đều lo lắng. Đến khi được nghe những lời nhắn nhủ chân tình của Thầy gởi đến Đại Hội Ngô Quyền tổ chức ở California vào đầu tháng 7, tuy ngắn ngủi nhưng bạn bè tôi an tâm bảo nhau rằng Thầy mình còn khỏe chắc sẽ sống đến bách niên. Vậy mà nay Thầy đã ra đi.

 

   Lần gần đây nhất tôi được gặp Thầy là 4 năm trước. Trong dịp cựu học sinh Ngô Quyền tổ chức tiệc Tri Ân Thầy Cô tại quán café Một Thuở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa Quận 1, Saigon. Đêm đó Thầy đến cùng với cô con gái, chúng tôi long trọng chào đón Thầy trong niềm hân hoan, bao nhiêu lớp học trò bao quanh, tôi còn nhớ có nghe tiếng bạn nào đó la lên: Anh chị ơi, dang dang ra cho Thầy có không khí để thở. Tôi và các bạn khóa 9 không kịp đến gần chỉ đứng xa xa nhìn Thầy, chúng tôi luôn thấy mình bé nhỏ trước Thầy giống như những cô học trò tỉnh lẻ ngày xưa. Hơn 40 năm rồi mới có cơ hội gặp lại, Thầy già đi rất nhiều nhưng vẫn còn dáng dấp uy nghi oai vệ của một Thầy Hiệu Trưởng.

 

   Tôi nhớ có đôi lần đọc bài viết trên mạng ngoquyen, Diệp Hoàng Mai kể những chuyến viếng thăm Thầy vào dịp lễ Tết hay có bạn bè ở xa về, những lúc ấy tôi thầm tiếc ước gì Hoàng Mai rũ tôi cùng đi. Hoàng Mai vô tình đâu biết tuy tôi học Ngô Quyền có 4 năm thất lục ngũ tứ, không được học với nhiều Thầy Cô nhưng riêng với Thầy Hiệu Trưởng tôi hân hạnh có được một kỹ niệm không bao giờ quên. Đó là năm tôi học lớp Đệ Tứ 3, lớp tôi có làm một cuốn Đặc San Xuân, thật ra cũng không lấy gì đặc sắc nhưng ếch ngồi đáy giếng mà, thấy người ta đi bán báo Xuân mình cũng tập tành đi bán báo, muốn vậy phải có giấy giới thiệu của Thầy Hiệu Trưởng mới có tư cách đem báo đi bán ở các trường bạn được. Đáng lẽ ra nhỏ Cúc (Thy Lệ Trang) là trưởng ban báo chí phải lên xin Thầy giấy giới thiệu nhưng không hiểu sao bạn đùn việc đó cho tôi, có lẽ vì tôi là trưởng lớp thường lên văn phòng lấy học bạ hay sổ đầu bài cho giáo sư hướng dẫn nên tôi thường gặp Thầy cô hơn. Nhiều lần tôi còn lén nán lại xem Thầy Hiệu Trưởng phạt mấy anh chị lớp đệ tam đệ nhị cái tội mặc đồng phục không nghiêm chỉnh. Mấy anh thì hay bướng bỉnh nghịch phá, mặc áo sơ mi không bỏ vào quần, mang dép lẹp xẹp kéo lê trên hành lang. Còn mấy chị thì duyên dáng điệu đà mặc áo dài trắng mỏng mà không mặc áo lá, Thầy nghiêm khắc bắt phải về nhà thay quấn áo chỉnh tề rồi mới cho vào lớp. Tôi thấy Thầy thường hay cầm cây roi mây nhịp nhịp nhưng chưa tận mắt thấy Thầy đánh học trò nào, các anh chị rất sợ Thầy nhưng không ghét, nhiều người gọi Thầy bằng “ Bố” nghe rất thân thương.

 

   Tôi thật lòng không nhớ đã trình bày với Thầy những gì về tác phẩm văn chương vụng về đầu tay của mình, chỉ nhớ lúc đó rất hồi hộp sợ Thầy cười rồi không cho phép. Nhưng sau một hồi lật qua lật lại cuốn báo mỏng manh, Thầy gật đầu. Tôi cầm tờ giấy có chữ ký của Thầy chạy như bay qua văn phòng đưa cho Thầy Cầm giám thị đóng dấu rồi phóng tuốt lên lớp khoe với các bạn. Lần đó Báo Xuân của Lớp Tứ 3 Ngô Quyền đã được giới thiệu đến tận các trường Gia Long, Trưng Vương. Sau nầy các bạn tôi vẫn nhắc kỹ niệm đi bán báo, riêng tôi không bao giờ quên ơn Thầy đã chắp cánh cho chúng tôi.

 

   Sáng nay Saigon mưa tầm tả, tin báo áp thấp nhiệt đới, bão lớn ngoài biển đông ảnh hưởng bầu trời thành phố lúc nào cũng âm u nặng trĩu nước. Tôi gọi điện thoại về cho các bạn khóa 9 ở Biên Hòa, Bạch Tuyết đi vắng, Mỹ Châu trả lời rằng chưa hay tin vì các bạn không xử dụng mạng internet, nhưng mưa gió quá chắc không đi Saigon thắp hương cho Thầy được, bạn nhờ tôi đại diện. Nhà Thầy không xa nhà tôi, sở dĩ tôi còn chút do dự vì không có ai cùng đi.

 

   Buổi trưa, Phạm thị Hữu Hạnh mail cho tôi bài thơ của chị Nguyễn thị Thêm viết tưởng nhớ Thầy Phạm Đức Bảo đọc rất cảm động. Hữu Hạnh hỏi tôi có đi viếng Thầy? Nghe như một lời thôi thúc, tôi không chần chừ nữa.

 

  Buổi chiều, tôi xếp sẵn cái áo mưa để vào giỏ xe Honda, bầu trời vẫn vần vũ mây đen không biết lúc nào sẽ trút nước xuống. Đi thì phải đi thôi. Nhà Thầy ở trong một con hẻm rộng, tôi đẩy xe vào chỗ gởi, thoáng nhìn thấy rất đông khách đến viếng hy vọng sẽ được gặp một vài anh chị cựu học sinh Ngô Quyền quen biết cho đỡ lạc lỏng, nhưng rất tiếc.

 

  Tôi lặng lẽ xếp hàng sau một toán người đứng chờ lần lượt vào thắp hương trước linh cửu của Thầy. Tôi đưa mắt nhìn lên di ảnh của Thầy trên bảng Cáo Phó rồi nhìn quanh những vòng hoa tang trang trọng của các đơn vị, tập thề, cá nhân kính viếng. Tôi thoáng thấy những người mặc tang phục tôi đoán là con trai, con gái, con rể của Thầy, tôi không nhìn thấy cô, tôi đoán cô đang nghĩ trong nhà.

 

  Đến lượt tôi vào làm lễ, thắp nén hương tôi thành tâm khấn nguyện, tin rằng Thầy sẽ chứng giám cho lòng thành kính của tôi, đại diện cho nhóm bạn khóa 9 Ngô Quyền nguyện cầu cho vong linh Thầy siêu thăng tịnh độ.

 

  Lễ xong một người mời tôi ra bàn ngồi uống nước, anh tự giới thiệu là con rể của Thầy, anh ân cần lịch sự tiếp chuyện tôi, tôi cũng xã giao vài câu thăm hỏi rồi cáo từ ra về vì trời chuyển mưa, mà mưa thật. Tôi về chưa đến nhà thì trời mưa to, cái áo mưa mỏng manh không bảo vệ được tôi may mà không bị nạn kẹt xe ngập đường nhưng cũng ướt như chuột lội nước. Tuy nhiên tôi không thấy lạnh lẽo, như có một cảm giác ấm áp an ủi tôi. Tôi bỗng nhớ đến lần đi viếng lễ tang cô Hà Bích Loan. Hồi đó tôi chưa có điều kiện theo dõi sinh hoạt gia đình Ngô Quyền trên mạng nên khi biết tin cô mất thì đã muộn . Dù vậy tôi cũng một mình tìm đến nhà cô (cảm giác nầy tôi cũng từng chia sẻ với các bạn trong một bài viết ). Hôm nay tôi cũng một mình nhưng tôi biết bên cạnh tôi luôn còn có các bạn khóa 9 dõi theo.

 

 Truyền thống muôn đời Uống Nước Nhớ Nguồn. Công ơn Thầy Cô luôn ghi khắc trong tâm hồn những người học trò xứ Bưởi. Chúng ta hôm nay dù có thành danh hay chỉ thành nhân vẫn không quên. Một lần nữa xin cung kính cúi đầu đưa tiễn Thầy Phạm Đức Bảo, Thầy Hiệu Trưởng của chúng ta.

 

   Saigon, chiều mưa tháng 10 năm 2016

            Bùi Thị Lợi

 

29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76184)
  Hỡi cô Cựu Nữ Sinh Ngô Quyền, hỡi cô bạn hàng xóm của tôi ơi!   Tôi rất cảm phục và trân quí cô.   Nếu giữa cô và tôi không có thứ tình cảm nào khác thì trong tôi sẵn có có một thứ tình keo sơn gắn bó với cô từ lâu, từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, kéo dài cho đến tuổi…sồn sồn bây giờ và tuổi già sắp tới, đó là tình bạn.   Còn cô thì sao?
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76772)
Từ chia tay ở Tân Mai, tôi không hề biết Th giờ ra sao? Cuộc chiến qua đi thật xa. Bao thăng trầm trãi xuống cho quê hương, cho đời người. Thì thôi, hãy là những lời cầu nguyện bình an cho nhau. Dẫu mai đời có thế nào?
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73825)
  “Muốn sang phải bắt cầu Kiều, Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy”  
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73924)
( Tựa bài được đặt theo hai câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên “ Người muôn năm cũ bây giờ ở đâu?” để thành kính thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến các Thầy Cô đã về với “hạc nội mây ngàn”, và các Cựu học sinh NQ đã vĩnh viễn “bỏ cuộc chơi”).
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72649)
    Có lẽ mọi người đang thắc mắc tại sao lại gọi là đứa con nuôi của trường Ngô Quyền? Bởi vì hầu hết các học sinh được vào học bắt đầu từ lớp 6 và trưởng thành ở lớp 12 rồi vào đại học, nên được xem như con đẻ...
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 71998)
    * Bài viết cho linh hồn thầy Nguyễn Phong Cảnh, một tinh thần đáng học hỏi cho toàn thể hội viên Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền Biên Hòa.      
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 75522)
  Qua những hình ảnh, các bài viết của thầy cô bạn bè, chúng ta đang thấy lại từng khuôn mặt, dáng hình, tính cách của các ân sư, đưa chúng ta trở về con đường phát triển của mái trường xưa. Qua đó, câu nói “Cơm Cha-Áo Mẹ-Công Thầy” càng mang ý nghĩa sâu đậm hơn!
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 74202)
Dẫu cho ngày tháng có phôi pha, buồn vui dù ít hay nhiều đều là những kỷ niệm đẹp của một thời áo trắng…Hy vọng những cuộc tương ngộ, trùng phùng của ngày hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta một quá khứ ươm bằng mật ngọt, và mãi cầu mong một tương lai đến cho vừa đẹp lòng người.
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 80490)
  Có những sự việc tình cờ suy gẫm lại hình như được sắp xếp sẵn. Y và tôi ngồi cạnh nhau, từ ngày học Thất 2 cho đến khi ra trường. Ban đầu tôi rất ghét cái tính thật thà   thẳng tánh của Y, vì nó dám nói rằng trường tiểu học Trần Quốc Tuấn ở Tam Hiệp, nơi tôi đi học, chưa hề nghe nói đến. Trái lại Y là học sinh giỏi của trường Nữ Tiểu Học Biên Hòa .
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 74061)
Học sinh Ngô Quyền ngày xưa, lưu lạc bốn biển năm châu, với đời sống rất riêng của mỗi người, nhưng hình như chúng tôi vẫn có một tập hợp giao, giống nhau ở chỗ chúng tôi vẫn kính trọng và biết ơn tất cả các thầy cô như từ thuở nào, chúng tôi còn nhỏ dại, ngồi ở ghế học trò của trung học Ngô Quyền.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 75829)
Thật ra, nói bạn tôi là bà mai không đúng mà cũng không sai. Không đúng vì làm gì có chuyện Ngọc Dung giới thiệu tôi với anh Nhiên. Nhưng không sai vì nếu không chơi thân với Dung thì không chắc tôi vướng lụy lưới tình...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69089)
  Những thằng bạn ấy bây giờ ra sao rồi nhỉ? Mới chỉ có hơn ba mươi năm, lớp Tứ Bốn giờ đây có bạn sắp sữa hồi hưu, có bạn đã làm ông nội, ông ngoại, có bạn đã vĩnh viễn ra đi, nhìn lại mình, mái tóc muối đã có phần nhiều hơn tiêu.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 73721)
         Ngày vui sao qua mau!   Cuộc vui rồi cũng đến lúc chia tay. Những ngày qua, bọn chúng tôi như sống lại thuở học trò vui vẻ, vô tư không chút gì vướng bận. Có lẻ không ai phủ nhận thiên đường học sinh trong mỗi chúng ta ai cũng có...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69332)
  Đến rồi đi, đó là lẽ vô thường sống động nhất của tạo hoá không dành một biệt lệ cho ai.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 66501)
  “Hãy đến với nhau một lần vì sợ rằng sẽ không còn được thấy nhau nữa” .  
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 73060)
Hãy cho Tôi lại ngày xưa ấy Tôi sẽ là Tôi của dạo nào, Để nhìn Em khuất sau khung cửa, Để làm lưu bút, mỗi Em ghi .  
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 65421)
Thắm thoát mà thời gian qua nhanh thật. Tôi tưởng như mới ngày nào đây thôi, bọn chúng tôi còn vô tư vui vẻ với những niềm vui bất tận của tuổi học trò ngây thơ...
17 Tháng Mười Hai 2008(Xem: 76737)
Những kỷ niệm đời xin mãi như ngọn nến hồng của ngày sinh nhật cứ thắp sáng lên để làm tươi thắm thêm tuổi đời chẳng còn được là bao!