Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nghiêm Thái Bình - CÁI CÂY MÍT

30 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 52892)
Nghiêm Thái Bình - CÁI CÂY MÍT

CÁI CÂY MÍT.


mit_thai-large

 

 Khi tôi trở thành cháu rể, bà ngoại của vợ tôi đã xấp xỉ thất tuần. Dáng người bà mảnh khảnh, nhưng rất dẻo dai. Bà luôn động tay động chân suốt ngày, thích lê đôi guốc mộc rảo loanh quanh trong mảnh vườn rộng khoảng hai sào, loáng thoáng vài loại cây ăn trái do chính tay bà trồng, bà loay hoay cố tìm những công việc nhè nhẹ vừa sức, rồi tẩn mẩn, tỉ mỉ như là thú tiêu khiển tuổi già. Vườn nhiều nhất là chuối, có lẽ chủ yếu chắn gió là chính, hoa lợi tính sau. Vì khu đất tọa lạc tách biệt trên một gò cao, như một ốc đảo, xa xa mới có xóm nhà độ mươi căn, ba mặt giáp ruộng lúa, chỉ phía trước dính liền với quốc lộ, bên kia đường cũng là ruộng, cho nên gió thổi lồng lộng tứ bề.

 Thỉnh thoảng vợ chồng tôi về quê dăm ba bữa, tôi thường theo cậu em vợ ra vườn chơi với bà, lúc thì phụ chặt những tàu lá chuối khô đem về để dành chụm lửa, khi thì đứng đỡ thay bà những buồng cau do cậu em vợ đang từ từ thả dây xuống, rồi thì dọn cây ngã, chất đống những cành củi khô vương vãi, cột thành từng bó đem vào chái bếp. Cậu Út mới tám tuổi mà giỏi lắm, chỉ cần cái nài bện vòng tròn bằng những sống tàu lá chuối khô tròng vào hai cổ chân, thoắt một cái là cậu ta đã trèo lên đến ngọn cau, chuối chỉ cần nhìn thân mới nhú, cậu đã biết loại chuối gì! Nghe kể cậu Út mới lẫm chẫm biết đi đã không còn thấy mặt cha, sau 75, ba vợ tôi cũng được nhắn nhủ chuẩn bị mùng mền, quần áo, lương thực dùng trong 15 ngày, nhưng rồi ông ra đi mãi mãi chẳng bao giờ trở lại, thân xác đã bón cây bón cỏ ở vùng núi rừng phía Bắc. Bà ngoại thương cậu Út lắm, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy bà vuốt vuốt những chiếc lá li ti vương trên tóc cậu, đôi mắt bà hoe đỏ, đượm buồn. Tôi đoán trong lòng bà đang dâng trào tình thương, tội nghiệp cho đứa cháu sớm mồ côi cha. Bà vừa làm vừa hay kể cho tôi nghe những chuyện ngày xửa ngày xưa, kể từ lúc bà theo chồng sống trên mảnh đất này. Bà kể rất mạch lạc và gãy gọn, bà nói về giai đoạn chiến tranh xảy ra như cơm bữa ngay trên đoạn quốc lộ cách nhà non cây số, súng bắn, mìn nổ, bom bay, đạn lạc, chuyện mấy năm bà phải ly hương, nhớ vườn nhớ cây, nhớ cả tiếng gà liu chiu dành ăn mỗi sáng. Rồi chuyện gia đình vợ, như rắn mất đầu, mấy năm vừa hồi hương, bị dè bĩu, đố kỵ, hắt hủi, mưu sinh cực kỳ vất vả. Tôi vẫn từng trực tiếp chứng kiến những tang thương, những mất mát, ly tan của cuộc chiến vừa qua, nhưng khi nghe bà kể lại vẫn thấy lòng mình ngậm ngùi nao nao một nỗi buồn khó tả. Bà chỉ tay phía cây mít gần ao rau muống sau nhà, cây mít độc nhất trong vườn. Bà nói cây mít đó không có ai trồng cả, ngày làm tang lễ cho ông ngoại xong, bà mới thấy cây mít này mọc lên. Bà lấy đó là cái mốc đánh dấu thời gian ông ngoại mất với niềm tin mãnh liệt là ông để lại kỷ niệm cho con cháu trước khi về thế giới bên kia. Sợ gà bươi, bà rào chắn cẩn thận, từ đó sáng dậy là bà ra cây mít thắp nhang, lâm râm cầu nguyện ông phù hộ an bình cho con cháu. Bà nói như có điều linh thiêng, cây mít lớn nhanh và sai trái vô cùng. Vợ tôi nói bà góa chồng lúc ngoài bốn mươi, ước chừng cây mít cũng đã hơn hai chuc năm. Bà kể có lần cậu Út còn bé, lần mò ra vườn một mình bị ngã xuống ao, khi bà phát hiện, chỉ thấy hai tay cậu Út giơ cao nhấp nhô dưới nước, bà quýnh quáng chỉ biết buột miệng gọi "ông ơi! ông ơi!", thời may! cậu ta bám được cành cây mít bị gió lốc hồi tối thổi gãy sà xuống mặt ao, bà càng tin rằng có bàn tay ông ngoại cứu cháu. Những năm tránh loạn lạc về phố, vườn tược gửi lại họ hàng, không thể trực tiếp thắp nhang dưới gốc mít mỗi ngày bà thấp thỏm không yên, như thể có lỗi với ông ngoại vậy đó.

 Bà ngoại vợ tôi mất đi lúc đứa cháu cố đầu của bà là con gái tôi được ba tuổi, một cái dằm cây văng vào làm mắt bà bị nhiễm trùng, đề kháng tuổi già không chống chọi được, sức khỏe bà yếu dần. Biết mình không qua khỏi, nghe đồn khu mồ mả ông ngoại vợ tôi phải giải tỏa, bà trăn trối mẹ vợ tôi đưa bà về dưới quê ngoại của bà, tuốt miệt mấp mé cửa biển. Bà dặn cả nhà, có thăm bà chỉ việc ra gốc mít thắp nhang, bà sẽ cùng ông ngoại về với con cháu. Lúc bà mất, cậu Út ôm bà khóc như mưa, nghe cậu nhắn nhủ: "bà ngoại, ông ngoại, ba con ơi! nhớ về thăm cây mít nha!" cả nhà không ai cầm được nước mắt. 

 Rồi những năm kế tiếp, cứ đến mùa Vu Lan, chúng tôi cùng hẹn nhau môt ngày thuận tiện nào đó trong tháng 7 âm lịch, cả nhà tôi cũng kéo cả về quê. Hôm đó, mẹ vợ tôi chuẩn bị trước một mâm cơm chay cúng ở gốc mít, chúng tôi thắp nhang rồi quây quần ăn uống dưới những tàn cây, lần nào cũng vậy ai cũng thi nhau nhắc kỷ niệm bà ngoại, mẹ vợ tôi kể sơ sơ chuyện ông ngoại vì chỉ có mình bà biết mặt, có điều không nói ra tôi cũng hiểu, gia đình vợ cũng thương nhớ lắm mà không ai muốn nhắc đến ba vợ tôi. Ông chết trong cô đơn, hờn tủi, không mồ mả, không hương khói, lạnh lẽo quá, nhắc lại chỉ thêm đau lòng.

 Mẹ vợ tôi sau đó được đi định cư tại Mỹ theo diện chồng chết trong trại tù cải tạo, những người con còn độc thân được hội đủ tiêu chuẩn đi theo. Vườn tược nhà cửa dưới quê giao lại cho vợ chồng tôi trông coi. Cậu Út trở về VN lần đầu vào ngay mùa Vu Lan. Gia đình tôi đã có thêm rể và cháu ngoại đi cùng cậu Út về thăm mảnh vườn năm xưa, khu vườn này vợ tôi đang cho thuê một phần đất. Cây cối chặt bớt đi nhiều để người ta mở quán nước, riêng cây mít vẫn được vợ tôi dặn dò người thuê đất giữ gìn chăm sóc cẩn thận, nó sừng sững chỗ cũ, một nhánh to bên trái có dấu hiệu khô cằn. Vợ tôi đã sắp sẵn mâm cơm chay bày ra cúng như mọi năm. Cậu Út đứng thắp nhang khấn vái, xa xa tôi thấp thoáng thấy dáng cậu uy nghi đỉnh đạc như hình ba vợ tôi trong bộ đồ đại lễ mà mẹ vợ tôi còn lưu giữ. Chúng tôi lại ngồi dưới bóng mát cây mít dùng bữa chay với tổ tiên, tàn cây mít nay tỏa lớn ôm trùm lấy chúng tôi. Không như lúc mẹ và mấy dì em vợ còn ở đây, lần này vợ tôi nói chuyện với cậu Út rất nhiều về ông ba vợ. Cậu Út muốn tìm hiểu thêm thông tin, để sắp xếp lần sau về đi tìm hài cốt ba mình. Tôi thấy mắt vợ tôi và cậu Út đỏ hoe, tôi quay đi chỗ khác, đứa cháu ngoại tôi vẫn hồn nhiên tung tăng chạy nhảy bên bố mẹ. Gương mặt trẻ thơ sáng rực dưới bóng râm của cây mít. Tôi rùng mình chợt nghĩ, mình còn may mắn và diễm phúc. Ngoài kia nắng lên gần đến đỉnh đầu. Vợ tôi í ới gọi con, gọi cháu lên xe ra về, cậu Út đi giật lùi vẫy vẫy tay chào cây mít. Mắt cậu vẫn liên tục chớp chớp, vợ tôi lại gần đưa chiếc khăn tay cho cậu Út. Tôi lại quay mặt đi chỗ khác một lần nữa.

 Mùa Vu Lan 2013

Nghiêm Thái Bình

 

 

 

13 Tháng Bảy 2010(Xem: 97600)
Một tuần đã đi qua, nhưng dư âm ngày cũ, của Ngày Họp Mặt Ngô Quyền, của càri dê ở nhà Hóa vẫn còn đâu đây.
13 Tháng Bảy 2010(Xem: 96533)
Bài viết nầy của tôi như là một lời tạ lỗi gửi đến những người bạn đã quen thân từ bao năm nay cũng như những người bạn mới quen. Tạ lỗi vì tôi đã hứa với các bạn mà không thực hiện được lời hứa, tạ lỗi vì đã bỏ mất cơ hội để nói lời “chia tay”, “tạm biệt”, “good bye my friends” hay “Au revoir mon ami”.
12 Tháng Bảy 2010(Xem: 95738)
Gặp lại Võ Hải Vương, Đặng Văn Toản, Đỗ Cao Thông, Hóa và nhiều bạn cũ của lớp 1968, lòng tôi đầy những xúc cảm nghẹn ngào. Những hình ảnh của trường Ngô Quyền năm xưa bỗng đâu lại hiện về. Những kỷ niệm của ngày tháng cũ tưởng đã yên nghĩ trong một quá khứ xa xôi nào của tiềm thức.
29 Tháng Sáu 2010(Xem: 89410)
Vào hạ tuần tháng 5/2010, từ Cali em đã gửi email báo trước cho tôi biết tin em sẽ về thăm quê nhà ở Nha Trang khoảng hai tuần lễ kể từ ngày 23/05/2010, nhưng trong email em đã kín đáo không cho tôi biết là thân phụ em vừa mất và mục đích chuyến về Việt Nam lần này của em là để lo tang Cha.
18 Tháng Sáu 2010(Xem: 92338)
Một trong hai tai nạn lớn nhất đời người vừa xảy ra với chúng tôi khi Ba vĩnh viễn bỏ cuộc đời, bỏ Mẹ và chúng tôi, Những năm gần đây, nhiều người bạn cùng thời với Ba, những người sinh vào cuối thập niên 20s đến cuối thập niên 30s của thế kỷ hai mươi lần lượt bước sang thế giới vĩnh hằng, chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần cho ngày Ba về với ông bà, nhưng lòng vẫn đau như cắt.
12 Tháng Sáu 2010(Xem: 152723)
Cùng với Mẹ, Cha là người có công sinh thành nuôi nấng và dạy dỗ các con dù trải qua nhiều khó nhọc. Nhưng khác với Mẹ, Cha là đàn ông nên tính trầm lặng, ít biểu lộ tình cảm hay gần gủi con cái, nói chung, nên con cái thường ít cảm nhận lòng thương yêu từ Cha như cảm nhận tình thương từ trái tim người Mẹ. Xin bấm vào các tựa bài bên dưới để thưởng thức:
11 Tháng Sáu 2010(Xem: 91885)
chợt nhớ ba tôi đã qua đời hơn 23 năm qua, tôi chỉ là một đứa con bất hiếu để quảng đời còn lại của tôi bao ân hận và tiếc nuối vì chưa một lần nói với ba rằng “con thương ba lắm ” trong việc làm hay trong tâm tưởng…
05 Tháng Sáu 2010(Xem: 101287)
Tôi là học sinh trung học Ngô Quyền, BH từ NK 1970-71 đến nay, 2010, cũng 40 năm rồi, nếu có chi tiết nào sai sót về ngày tháng, họ tên xin các anh, chị khóa trước và các bạn cùng khóa 1970 -77 giúp sửa lại cho chính xác.
07 Tháng Năm 2010(Xem: 140387)
Mẹ là đề tài xưa cũ nhưng không bao giờ lỗi thời trong Thơ Văn; nhờ thế mà hôm nay, nhân Ngày Lễ Mẹ 9/5/2010, chúng ta có dịp giới thiệu trên Trang Web Nhà những bài viết ngắn qua lời văn chân thật, những vần thơ giản dị mà tràn ngập hình ảnh, hồi ức, kỷ niệm thân thương về Mẹ . Xin bấm các tựa bài bên dưới để thưởng thức:
07 Tháng Năm 2010(Xem: 91548)
Ngày nay, má tựa như ngọn đèn dầu trước gió, nếu một mai ngọn đèn tắt đi, e rằng cuộc đời còn lại của tôi sẽ mang nhiều ân hận và tiếc nuối. Ân hận vì không có những giây phút kề cận bên má lúc tuổi già, tiếc nuối vì không còn được một lần ăn lại món thịt nọng kho, cá trê chiên dầm nước mắm mỡ hành và nghe giọng nói của má với “ Hương vị ngọt ngào”.
06 Tháng Năm 2010(Xem: 80523)
Chúng ta hãy cài một hoa hồng cho những ai còn Mẹ! và một đóa bạch hồng cho những ai mất mẹ. Dù Mẹ còn hay mất, chúng ta cũng phải nên nhớ cho rằng, tất cả ai sống trên đời nầy, thân thể nầy cũng chỉ là một phần tách rời từ thân thể Mẹ mà ra.
25 Tháng Tư 2010(Xem: 93974)
Đầu thập niên tám mươi, trước những bế tắc không lối thoát, Mẹ thu xếp gởi anh chị em chúng tôi, từng đứa, vượt đại dương để đến một vùng đất tự do, ở đó không có khủng bố tinh thần, ở đó không có trại cải tạo giam giữ những người hoàn toàn lương thiện, và ở đó chúng tôi sẽ được học hành thành người.
11 Tháng Tư 2010(Xem: 73014)
Bài viết như một nén nhang tưởng niệm người đã khuất. Ở môt nơi bình an nào đó, tôi tin rằng anh đang mĩm cười. Không phải nụ cười khinh bạc, ngạo mạn mà là nụ cười hồn nhiên, vô tư của tuổi học trò...
06 Tháng Tư 2010(Xem: 84121)
Ngày đầu bước vào ngưỡng cửa Trung học của tôi không được đẹp và dễ thương như các nhà văn đã miêu tả. Tuy nhiên nó vẫn cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên.
31 Tháng Ba 2010(Xem: 94566)
Đêm qua thức giấc một mình, nhìn trăng sáng tôi chợt nhớ đến ánh trăng ở VN, nhất là trăng miền biển, trông rất hiền hòa và trong sáng, nơi tôi đã sống 2 năm với nghề “gõ đầu trẻ” sau năm 1975, khi tôi vừa tốt nghiệp trường Sư phạm Sài Gòn, thời gian này đã để lại trong tôi một dấu ấn khó quên.
30 Tháng Ba 2010(Xem: 84639)
Thế rồi hoàn cảnh đẩy đưa, vận người đưa đẩy, tôi xa luôn quê nhà, xa luôn cái bàn học con con cạnh cửa sổ đêm đêm được dỗ dành bởi một loài hoa quen thuộc, không vương giả, không quê muà, chỉ đủ làm xao xuyến lòng tôi khi nhớ đến.
02 Tháng Ba 2010(Xem: 65352)
Cái kinh nghiệm khổ đau của kiếp người có phải là một ấn chứng để tâm hồn vượt lên trên bão dông, để ngôn ngữ yêu nhau vẫn còn dù đã nhiều nghịch cảnh. Và, theo tôi, Nguyễn Tất Nhiên là một thi sĩ thực sự mang đời sống mình làm ví dụ cho một trường hợp của khoan dung và từ ái?
18 Tháng Hai 2010(Xem: 87669)
Xuân Con Cọp lại sắp đến rồi. Mà ở cái nơi "phong trần luân lạc" nầy, Tết nhất cũng chả có gì vui. Thôi thì xin mời bạn cùng tôi nhâm nhi dăm ba câu thơ cũ, để gọi là tạm "mua vui" trong khoảnh khắc chờ đợi đón giao thừa nơi xứ lạ.
16 Tháng Hai 2010(Xem: 80044)
Trước hết, bước qua năm mới, Thủy xin kính chúc mọi người được một năm an khang, hạnh phúc và thịnh vượng. Nhân đây, với tư cách là mẹ của hai đứa con của anh Nguyễn Tất Nhiên, Thủy xin trân trọng gửi đến quý Thầy, quý Bạn lời tri ơn chân thành sâu đậm nhất.
06 Tháng Hai 2010(Xem: 89889)
Xin tạm biệt Xuân xưa, ngày tháng cũ. Hy vọng những chồi non, lộc mới… mang hết những ưu phiền của tôi đi thật xa, đi vĩnh viễn. Tình yêu của tôi ơi, xin ngủ yên!