Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nghiêm Thái Bình - CÁI CÂY MÍT

30 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 51814)
Nghiêm Thái Bình - CÁI CÂY MÍT

CÁI CÂY MÍT.


mit_thai-large

 

 Khi tôi trở thành cháu rể, bà ngoại của vợ tôi đã xấp xỉ thất tuần. Dáng người bà mảnh khảnh, nhưng rất dẻo dai. Bà luôn động tay động chân suốt ngày, thích lê đôi guốc mộc rảo loanh quanh trong mảnh vườn rộng khoảng hai sào, loáng thoáng vài loại cây ăn trái do chính tay bà trồng, bà loay hoay cố tìm những công việc nhè nhẹ vừa sức, rồi tẩn mẩn, tỉ mỉ như là thú tiêu khiển tuổi già. Vườn nhiều nhất là chuối, có lẽ chủ yếu chắn gió là chính, hoa lợi tính sau. Vì khu đất tọa lạc tách biệt trên một gò cao, như một ốc đảo, xa xa mới có xóm nhà độ mươi căn, ba mặt giáp ruộng lúa, chỉ phía trước dính liền với quốc lộ, bên kia đường cũng là ruộng, cho nên gió thổi lồng lộng tứ bề.

 Thỉnh thoảng vợ chồng tôi về quê dăm ba bữa, tôi thường theo cậu em vợ ra vườn chơi với bà, lúc thì phụ chặt những tàu lá chuối khô đem về để dành chụm lửa, khi thì đứng đỡ thay bà những buồng cau do cậu em vợ đang từ từ thả dây xuống, rồi thì dọn cây ngã, chất đống những cành củi khô vương vãi, cột thành từng bó đem vào chái bếp. Cậu Út mới tám tuổi mà giỏi lắm, chỉ cần cái nài bện vòng tròn bằng những sống tàu lá chuối khô tròng vào hai cổ chân, thoắt một cái là cậu ta đã trèo lên đến ngọn cau, chuối chỉ cần nhìn thân mới nhú, cậu đã biết loại chuối gì! Nghe kể cậu Út mới lẫm chẫm biết đi đã không còn thấy mặt cha, sau 75, ba vợ tôi cũng được nhắn nhủ chuẩn bị mùng mền, quần áo, lương thực dùng trong 15 ngày, nhưng rồi ông ra đi mãi mãi chẳng bao giờ trở lại, thân xác đã bón cây bón cỏ ở vùng núi rừng phía Bắc. Bà ngoại thương cậu Út lắm, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy bà vuốt vuốt những chiếc lá li ti vương trên tóc cậu, đôi mắt bà hoe đỏ, đượm buồn. Tôi đoán trong lòng bà đang dâng trào tình thương, tội nghiệp cho đứa cháu sớm mồ côi cha. Bà vừa làm vừa hay kể cho tôi nghe những chuyện ngày xửa ngày xưa, kể từ lúc bà theo chồng sống trên mảnh đất này. Bà kể rất mạch lạc và gãy gọn, bà nói về giai đoạn chiến tranh xảy ra như cơm bữa ngay trên đoạn quốc lộ cách nhà non cây số, súng bắn, mìn nổ, bom bay, đạn lạc, chuyện mấy năm bà phải ly hương, nhớ vườn nhớ cây, nhớ cả tiếng gà liu chiu dành ăn mỗi sáng. Rồi chuyện gia đình vợ, như rắn mất đầu, mấy năm vừa hồi hương, bị dè bĩu, đố kỵ, hắt hủi, mưu sinh cực kỳ vất vả. Tôi vẫn từng trực tiếp chứng kiến những tang thương, những mất mát, ly tan của cuộc chiến vừa qua, nhưng khi nghe bà kể lại vẫn thấy lòng mình ngậm ngùi nao nao một nỗi buồn khó tả. Bà chỉ tay phía cây mít gần ao rau muống sau nhà, cây mít độc nhất trong vườn. Bà nói cây mít đó không có ai trồng cả, ngày làm tang lễ cho ông ngoại xong, bà mới thấy cây mít này mọc lên. Bà lấy đó là cái mốc đánh dấu thời gian ông ngoại mất với niềm tin mãnh liệt là ông để lại kỷ niệm cho con cháu trước khi về thế giới bên kia. Sợ gà bươi, bà rào chắn cẩn thận, từ đó sáng dậy là bà ra cây mít thắp nhang, lâm râm cầu nguyện ông phù hộ an bình cho con cháu. Bà nói như có điều linh thiêng, cây mít lớn nhanh và sai trái vô cùng. Vợ tôi nói bà góa chồng lúc ngoài bốn mươi, ước chừng cây mít cũng đã hơn hai chuc năm. Bà kể có lần cậu Út còn bé, lần mò ra vườn một mình bị ngã xuống ao, khi bà phát hiện, chỉ thấy hai tay cậu Út giơ cao nhấp nhô dưới nước, bà quýnh quáng chỉ biết buột miệng gọi "ông ơi! ông ơi!", thời may! cậu ta bám được cành cây mít bị gió lốc hồi tối thổi gãy sà xuống mặt ao, bà càng tin rằng có bàn tay ông ngoại cứu cháu. Những năm tránh loạn lạc về phố, vườn tược gửi lại họ hàng, không thể trực tiếp thắp nhang dưới gốc mít mỗi ngày bà thấp thỏm không yên, như thể có lỗi với ông ngoại vậy đó.

 Bà ngoại vợ tôi mất đi lúc đứa cháu cố đầu của bà là con gái tôi được ba tuổi, một cái dằm cây văng vào làm mắt bà bị nhiễm trùng, đề kháng tuổi già không chống chọi được, sức khỏe bà yếu dần. Biết mình không qua khỏi, nghe đồn khu mồ mả ông ngoại vợ tôi phải giải tỏa, bà trăn trối mẹ vợ tôi đưa bà về dưới quê ngoại của bà, tuốt miệt mấp mé cửa biển. Bà dặn cả nhà, có thăm bà chỉ việc ra gốc mít thắp nhang, bà sẽ cùng ông ngoại về với con cháu. Lúc bà mất, cậu Út ôm bà khóc như mưa, nghe cậu nhắn nhủ: "bà ngoại, ông ngoại, ba con ơi! nhớ về thăm cây mít nha!" cả nhà không ai cầm được nước mắt. 

 Rồi những năm kế tiếp, cứ đến mùa Vu Lan, chúng tôi cùng hẹn nhau môt ngày thuận tiện nào đó trong tháng 7 âm lịch, cả nhà tôi cũng kéo cả về quê. Hôm đó, mẹ vợ tôi chuẩn bị trước một mâm cơm chay cúng ở gốc mít, chúng tôi thắp nhang rồi quây quần ăn uống dưới những tàn cây, lần nào cũng vậy ai cũng thi nhau nhắc kỷ niệm bà ngoại, mẹ vợ tôi kể sơ sơ chuyện ông ngoại vì chỉ có mình bà biết mặt, có điều không nói ra tôi cũng hiểu, gia đình vợ cũng thương nhớ lắm mà không ai muốn nhắc đến ba vợ tôi. Ông chết trong cô đơn, hờn tủi, không mồ mả, không hương khói, lạnh lẽo quá, nhắc lại chỉ thêm đau lòng.

 Mẹ vợ tôi sau đó được đi định cư tại Mỹ theo diện chồng chết trong trại tù cải tạo, những người con còn độc thân được hội đủ tiêu chuẩn đi theo. Vườn tược nhà cửa dưới quê giao lại cho vợ chồng tôi trông coi. Cậu Út trở về VN lần đầu vào ngay mùa Vu Lan. Gia đình tôi đã có thêm rể và cháu ngoại đi cùng cậu Út về thăm mảnh vườn năm xưa, khu vườn này vợ tôi đang cho thuê một phần đất. Cây cối chặt bớt đi nhiều để người ta mở quán nước, riêng cây mít vẫn được vợ tôi dặn dò người thuê đất giữ gìn chăm sóc cẩn thận, nó sừng sững chỗ cũ, một nhánh to bên trái có dấu hiệu khô cằn. Vợ tôi đã sắp sẵn mâm cơm chay bày ra cúng như mọi năm. Cậu Út đứng thắp nhang khấn vái, xa xa tôi thấp thoáng thấy dáng cậu uy nghi đỉnh đạc như hình ba vợ tôi trong bộ đồ đại lễ mà mẹ vợ tôi còn lưu giữ. Chúng tôi lại ngồi dưới bóng mát cây mít dùng bữa chay với tổ tiên, tàn cây mít nay tỏa lớn ôm trùm lấy chúng tôi. Không như lúc mẹ và mấy dì em vợ còn ở đây, lần này vợ tôi nói chuyện với cậu Út rất nhiều về ông ba vợ. Cậu Út muốn tìm hiểu thêm thông tin, để sắp xếp lần sau về đi tìm hài cốt ba mình. Tôi thấy mắt vợ tôi và cậu Út đỏ hoe, tôi quay đi chỗ khác, đứa cháu ngoại tôi vẫn hồn nhiên tung tăng chạy nhảy bên bố mẹ. Gương mặt trẻ thơ sáng rực dưới bóng râm của cây mít. Tôi rùng mình chợt nghĩ, mình còn may mắn và diễm phúc. Ngoài kia nắng lên gần đến đỉnh đầu. Vợ tôi í ới gọi con, gọi cháu lên xe ra về, cậu Út đi giật lùi vẫy vẫy tay chào cây mít. Mắt cậu vẫn liên tục chớp chớp, vợ tôi lại gần đưa chiếc khăn tay cho cậu Út. Tôi lại quay mặt đi chỗ khác một lần nữa.

 Mùa Vu Lan 2013

Nghiêm Thái Bình

 

 

 

09 Tháng Ba 2024(Xem: 564)
Năm nay xuân Giáp Thìn cây anh đào tật nguyền lại nở rộ từ những ngày chớm tết cho đến giờ này. Ông dự định sẽ mời vài người bạn thân ghé nhà để uống trà thưởng hoa như dạo nào…
01 Tháng Ba 2024(Xem: 567)
Anh hùng chỉ là người của một thời, một giai đoạn. Nhưng người tử tế đòi hỏi sự hy sinh thiệt thòi cả một đời! Miền Nam Việt Nam có thể không có nhiều anh hùng, nhưng những người có một tấm lòng và người tử tế thì không thiếu.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 655)
Cũng đã khá lâu tôi có nghe vài người bạn kể rằng họ có xem một bộ phim Đại Hàn có tựa đề là “Bản Tình Ca Mùa Đông”. Tôi nghe rồi cũng bỏ qua chứ không quan tâm gì
01 Tháng Ba 2024(Xem: 445)
Tôi cám ơn bác sĩ rồi theo con ra khỏi phòng mạch. Mọi sự vật trong toà nhà như sáng hẳn lên và rõ ràng, khi ra ngoài, tôi nắm lấy tay con gái, reo lên -Mẹ đã thấy được chiếc lá cây rung rinh trong gió… từng chiếc lá, không phải một khối xanh lay động như trước nữa.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 602)
Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra.Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong ngôn ngữ thể hiện,
01 Tháng Ba 2024(Xem: 570)
Cây ngọc lan nhân chứng cuối cùng của nhà xứ Tâng đã chứng kiến bao nhiêu cảnh vật đổi sao rời không còn nữa. Cảnh vật và con người trăm năm cũ nay chỉ còn là chuyện kể khúc còn, khúc mất mà thôi.
24 Tháng Hai 2024(Xem: 705)
Người già tức là người lớn tuổi, còn gọi là người nhiều tuổi hay người cao niên… Thế thì bao nhiêu tuổi mới được gọi là người già, người lớn tuổi hoặc người cao niên?
23 Tháng Hai 2024(Xem: 716)
Tình yêu thật sự đã hiếm; tình bạn thật sự còn hiếm hơn”. Tình bạn giữa tôi và Cát Đằng quả là hiếm có. Cát Đằng, tên một loài hoa leo có màu xanh pha tím, mỏng mảnh. Bạn tôi cũng dịu dàng, mềm mại, quý phái như hoa.
23 Tháng Hai 2024(Xem: 957)
Khi hay tin một người bạn đồng nghiệp mới qua đời làm tôi hồi tưởng lại những kỷ niệm khi tôi mới bước chân vào nghề. Những kỷ niệm có vui có buồn đã theo tôi suốt cả cuộc đời dù muốn quên cũng không quên được.
17 Tháng Hai 2024(Xem: 1069)
Lại một năm nữa sắp trôi qua, dù trí thông minh nhân tạo ngày nay đã có thể viết văn, sáng tác thơ, làm phim ảnh một cách dễ dàng, nhưng tôi vẫn thích theo lối cũ, ngồi mò mẫm để viết chút tản mạn chuẩn bị chào đón năm Giáp Thìn 2024.
17 Tháng Hai 2024(Xem: 1000)
Làm sao quên được cái thời hoang sơ của thành phố Đà Lạt. Phong cảnh hữu tình và người thì dễ thương…
16 Tháng Hai 2024(Xem: 851)
Ý Như Vạn Sự là sự bùng vỡ của Trí Tuệ và Từ Bi cùng lúc. Trí Tuệ vì nhận chân bản tánh Như của vạn sự. Từ Bi vì sự bùng vỡ của tình thương yêu bình đẳng đối với vạn sự, cho phép vạn sự là chính nó, tự vận hành theo chu kỳ tuần hoàn sinh-trụ-hoại-diệt của chính nó.
16 Tháng Hai 2024(Xem: 989)
Hà ô Lôi là ai nhỉ? Chỉ được biết Hà Ô Lôi là một tiếng hát tuyệt vời, ảo diệu có thể làm mê hoặc lòng người. Nhưng vì cách đây đã năm thế kỷ nên không có cách gì ghi lại được tiếng hát đó. Người đời sau muốn nghe lại được nó, chỉ còn mỗi một con đường : nghe câu truyện kể về Hà ô Lôi
16 Tháng Hai 2024(Xem: 806)
Bởi vậy, nếu có chàng nào ngơ ngác lạc vào xóm tui, hỏi nhà cô Loan, thì phần nhiều sẽ nhận được câu trả lời rất... chảnh, rất lạnh lùng rằng: - Xóm này hổng có ai tên Loan hết á! Ủa, đang yên đang lành, Tết đến mần chi, để tôi bỗng nhớ da diết xóm cũ thương yêu của tôi thế này! Thôi, tui đi khóc đây.
07 Tháng Hai 2024(Xem: 1683)
Trong cuộc sống của chúng ta đôi khi có những cuộc gặp gỡ thật tinh cờ … dù ngắn ngủi nhưng cũng để trong lòng nhau những tình cảm quý mến chân tinh và trân trọng
06 Tháng Hai 2024(Xem: 765)
Phải chăng Tiếu ngạo giang hồ thể hiện được tính lãng mạn cao độ, khát vọng tự do của con người? Phải chăng đó cũng là tâm thức và nỗi khát vọng của chính tác giả Kim Dung?
05 Tháng Hai 2024(Xem: 708)
Các cựu học sinh nổi tiếng của trường này là hoàng đế Bảo Đại, quốc vương Sihanouk, tổng trưởng dân vận chiêu hồi Hoàng Đức Nhã, chuẩn tướng Dương Mộng Bảo…
03 Tháng Hai 2024(Xem: 1700)
Có thể nói đọc báo Xuân trong những ngày Tết là thú tiêu khiển tao nhã, là món ăn tinh thần lành mạnh, là nét đẹp văn hóa của cha ông đã có từ xa xưa,
29 Tháng Giêng 2024(Xem: 965)
Tết con rồng thứ ba của thế kỷ 21 sẽ bắt đầu từ ngày 10 tháng 2 – 2024. Mong rằng suốt năm con rồng đừng có thêm biến cố chết người để khỏi nghe các lời bàn của các nhà mê tiên tri