Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Sáo Lý Luận Diệp Hoàng Mai - NGÀY ĐẦU NĂM MỚI CỦA THẦY TRÒ XƯA TRÊN QUÊ HƯƠNG TÔI

Wednesday, March 13, 20244:39 AM(View: 14069)
Sáo Lý Luận Diệp Hoàng Mai - NGÀY ĐẦU NĂM MỚI CỦA THẦY TRÒ XƯA TRÊN QUÊ HƯƠNG TÔI

NGÀY ĐẦU NĂM MỚI CỦA THẦY TRÒ XƯA TRÊN QUÊ HƯƠNG TÔI

 

Mùng Mười Tết Giáp Thìn 2024, Sáo lý luận đón hai chs.NGBH từ Hoa Kỳ trở về quê nhà thăm lại thầy xưa: Chị Tưởng Dung chs.k11 là người kết nối rủ ren Sáo đến với trang nhà, một người chị hết lòng với mái trường xưa mà Sáo vô cùng ngưỡng mộ. Và chị Nguyễn Thị Hồng chs.k9 cũng đồng thời là cựu Thiếu sinh Nguyễn Thị Tồn, thuộc đạo Trấn Biên - Biên Hòa từ hơn 50 năm trước… Dưới cái nắng nóng chói chang thất thường miền nhiệt đới, mấy chị em Sáo tận dụng tối đa thời gian có thể trong ngày đến thăm thầy cô giáo cũ trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa yêu dấu ngày xưa.

 
1_Tro Giang Nhan Dung

 


Lâm Tấn Văn là người thầy đầu tiên Sáo đưa hai chị đến thăm, theo hoài niệm rất dễ thương Sáo từng được biết. Hơn 50 năm về trước, trường NQBH có “cặp bài trùng” Ngọc Dung - Minh Thủy là học trò cưng của thầy giáo nổi tiếng dạy giỏi Lâm Tấn Văn. Độc đáo hơn nữa, Giang Nhạn Dung là biệt danh thầy Văn dùng gọi cô học trò “thơ hay chữ đẹp” Võ Thị Ngọc Dung. Có lần Sáo hỏi thầy Văn về sự kiện này, thầy tỉnh bơ đáp gọn hơ:

- Ờ! Thì tại cổ (cô học trò) ghiền tiểu thuyết Quỳnh Dao…

 

Ôi Trời! Học trò ghiền tiểu thuyết Quỳnh Dao thời đó không biết cơ man nào để đếm, có khi “thợ ghiền Quỳnh Dao” còn đông hơn quân Nguyên (?!…) nữa chứ! Ấy vậy mà, chỉ mỗi cô học trò Võ Thị Ngọc Dung là được thầy giáo Lâm Tấn Văn dùng tên nhân vật chính trong tiểu thuyết Song Ngoại của nữ sĩ Quỳnh Dao để gọi mà thôi…

 

Hèn gì năm 2017, khi Sáo đưa chị Dung đến thăm thầy Văn - sau hơn 40 năm dài chị Dung xa xứ - vậy mà thầy vẫn nhận ra. Phải có ấn tượng sâu sắc lắm trong ký ức thầy xưa, nên học trò xưa mới được thầy xưa nhớ lâu đến vậy…

 
2_Thay Lam Tan Van


Khuôn sân nhỏ xinh xắn nhà thầy Lâm Tấn Văn buổi sáng đầu năm hôm ấy bỗng dưng tưng bừng rộn rã, bởi học trò xưa khuấy động nhà thầy bằng những kỷ niệm thời niên thiếu rất đáng yêu. Tuy thầy Văn không khỏe lắm, nụ cười không được tròn môi… nhưng trong ánh mắt của thầy vẫn lan tỏa niềm vui ngày hội ngộ. Mấy chị em Sáo tíu tít quanh thầy Văn biếu quà chúc thọ, ước mong thầy luôn vui với tình nghĩa thầy trò bền bĩ hơn 50 năm dài không chút đổi thay. Chị em Sáo cũng được cô Nhung “lì xì” chiếc bánh chưng xanh, chữ Phúc màu đỏ duyên dáng tựa lời chúc an lành thầy cô dành tặng những học trò xưa ngày đầu năm mới…

 

Lúc học trò chào tạm biệt, thầy Văn hỏi han Sáo về thầy Trịnh Hồng Hải:

-  Thầy Hải lúc này ra sao rồi Mai? Lâu quá thầy không gặp Hải? Hải có khỏe không?…

- Thầy ơi, thầy Hải lúc này “điếc” lắm. Chắc vì tai nghe không rõ, mà thầy Hải lười đến thăm thầy…

-  Gặp Hải, cho thầy gửi lời thăm…

 

Những năm trước đây, nhóm bạn 12B3 của Sáo thường xuyên đón hai thầy cafe ăn sáng cuối tuần. Và trong những chuyến đi thăm viếng thầy cô giáo cũ hằng năm sau này, Sáo đều đón thầy Hải cùng đi với Sáo. Thầy Văn không hề hay biết, người bạn đồng nghiệp thân thiết của thầy đang từng ngày đối đầu với căn bệnh thế kỷ oái ăm. Mặc dù không khỏe lắm, thầy Văn vẫn không nguôi nhớ đến bạn mình…

 

3_Thay Trinh Hong Hai

 

Sáo cảm thấy nhẹ nhõm khi thầy Trịnh Hồng Hải đã “chịu”… hạ san sinh hoạt nơi tầng trệt, không thể khác được…. Sáo được biết thầy vừa thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong gang tấc, vì vậy phần việc “chống lũ cancel” của thầy sẽ vất vả rất nhiều. Cô Hương đặt giường nằm của thầy phía sau chiếc bàn lớn xoay ngang nơi phòng khách, che khuất tầm nhìn để thầy thuận tiện nghỉ ngơi.

 

Trông thầy Hải có vẻ tươi tỉnh hơn so với lần gần nhất Sáo đến thăm, thế nhưng quan sát chút xíu Sáo nhận ra ngay, sinh hoạt cá nhân của thầy sẽ rất bất tiện nếu học trò kéo dài thời gian thăm viếng. Do vậy chị em Sáo thăm hỏi thầy Hải thật nhanh, rồi xin phép kiếu từ thầy cô cũng thật nhanh…

 

Đã từng chiến đấu với căn bệnh thế kỷ vào những năm trước đó, Sáo vô cùng khâm phục ý chí kiên cường hiếm có của cô Hương. Khi Sáo đến thăm, cô không chút ngại ngần tháo khăn “khoe” với Sáo chiếc đầu nhẵn tóc. Đó là hậu quả của những liệu trình hóa xạ trị ung thư, từng nạm tóc dày của cô rơi rụng mỗi ngày không sao tránh khỏi. Câu nói “kinh điển” thể hiện tinh thần lạc quan của cô Hương trong suốt quá trình điều trị, khiến Sáo nhớ mãi nhớ hoài:

- Nếu nó (căn bệnh) sống, là mình chết. Còn nếu mình sống, thì nó phải chết. Mà mình nhất định phải sống, đúng không Mai?…

 

Với ý chí vững vàng cùng đức tính chịu thương chịu khó của cô Hương, Sáo chắc chắn năng lượng và niềm tin của thầy Trịnh Hồng Hải sẽ nhân lên gấp nhiều lần. Nhất định thầy tôi sẽ vượt nhanh qua cơn lũ lớn, cũng giống như người vợ tào khang của thầy đã kiên quyết vượt qua….

 

Thăm thầy Lê Hoàng Long và thầy Đoàn Viết Biên, Sáo đề nghị bỏ vào phong bao màu đỏ nhiều tờ tiền mới Sáo đổi sẵn mang theo, phần biếu thầy uống thuốc chị em Sáo sẽ gửi người nhà của thầy cất giữ. Hai bà chị cười, bảo rằng Sáo chu đáo quá! Thì Sáo đã quen tính ý tăng dần theo tuổi của thầy xưa rồi:

- Thầy bây giờ không phân biệt mệnh giá tiền to hay nhỏ nữa đâu, chỉ cần nhiều tờ mới tinh như vầy để thầy đếm qua đếm lại là thầy vui lắm…

 

Khi liên lạc với cô Hoàng vợ thầy Lê Hoàng Long, Sáo mới hay cô đang ở phòng cấp cứu bệnh viện Trưng Vương do hen suyễn nặng. Có chút xíu trở ngại, bởi người cô Hoàng thuê chăm sóc thầy không dám mở cổng tiếp người lạ theo lời căn dặn của cô. Phải gọi điện lòng vòng, cuối cùng ba chị em cũng vào được bên trong nhà để thăm thầy giáo - nhạc sĩ Lê Hoàng Long…

 

4_Thay Le Hoang Long

 


Thầy Long đang nằm ngủ trên giường, nhưng nhìn thấy mi mắt của thầy chuyển động Sáo bèn gọi đại. Hên quá, thầy Long tỉnh giấc nhưng không hề tỏ vẻ khó chịu hay bực dọc chút xíu nào. Sáo nhờ em Nguyện đỡ thầy ngồi dậy, để học trò tặng quà chúc Tết thầy xưa. Bước qua năm mới thầy Lê Hoàng Long đã 95 tuổi, cao niên nhất trong tất cả thầy cô giáo cũ trường mình Sáo thăm viếng hằng năm.

 

Đang lúc chị em Sáo hỏi han Đoàn Tố Tuyết Mai - con gái của thầy Đoàn Viết Biên, người trực tiếp chăm sóc thầy - về sức khỏe của bố, bất chợt mấy chị em nghe tiếng reo vui rộn rã của thầy “Tiền vô như nước, tiền vô như nước…” vừa nói thầy Biên vừa giơ chiếc phong bì lên cao cười ha hả… Thì ra ngoài phong bì có ghi dòng chữ “tiền vô như nước” mà lúc mua, Sáo chỉ chọn màu chứ không để ý chữ ghi trên đó…

 

5_Thay Doan Viet Bien

 

Lần này thầy Đoàn Viết Biên có vẻ khỏe hơn, không đeo kính mà thầy vẫn đọc được chữ ghi trên phong bì. Thầy còn vui vẻ cười, vẫy tay “bái bai” học trò liên tục. Thiệt đúng là “Người già chẳng qua là đứa trẻ sống lâu năm…” thì thầy Biên đã “lâu năm tuổi” lắm rồi. Tết năm nay thầy 94 tuổi, chỉ kém thầy Lê Hoàng Long 1 tuổi mà thôi.

 

Tiếp tục hành trình chị em Sáo đến thăm cô Phạm Kiều Tiên, mà lần trước Sáo đã hẹn với cô nhưng trở ngại bất ngờ vào phút 89 khiến Sáo đành thôi không đi được nữa. Sức khỏe cô Kiều Tiên cũng vừa hồi phục, sau lần cô bị đột quỵ vì cơn nhồi máu não tháng 10 năm trước. Cô Tiên hiện sống cùng người em gái tên Liễu, nhà của cô bên cạnh đền thờ nên hai chị em cô Tiên có thể đi lễ mỗi ngày. Điều may mắn cho độ tuổi 85 không còn trẻ (?!…) của cô Tiên, người học trò năm xưa của cô hiện là bác sĩ giỏi thường xuyên ghé nhà thăm khám, theo dõi sức khỏe cô giáo cũ của mình rất tận tình  chu đáo…

 

Cô Kiều Tiên bảo rất mong gặp và chuyện trò với Sáo, chứ bây giờ cô không thể nghe và nói chuyện qua điện thoại được. Thêm nữa mắt của cô cũng kèm nhèm đọc không rõ chữ, nhớ trước quên sau nói năng lẫn lộn lung tung... Là cô Tiên kể mấy chị em Sáo nghe như vậy, Sáo cười:

- Cô ơi! Ai rồi cũng sẽ như vậy mà thôi. Ngay đến em bây giờ cũng lẫn lộn lung tung xèng rồi, có khi em còn lẫn nhiều hơn cô nữa đó…

Mấy chị em Sáo cười vang, khiến cho cô giáo Kiều Tiên cũng vui lây với đám học trò già khằn (?!…) đang xúm xít quanh cô giáo…

 

Co Kieu Tien

 


Điều đáng tiếc nhất trong chuyến đi này, là Sáo không đưa được hai chị đến thắp nhang thăm thầy hiệu trưởng Phạm Đức Bảo. Trước đó Sáo đã gọi điện cho cô Tồn:

- Cô ơi, có học trò xưa muốn đến thắp nhang thăm thầy hiệu trưởng và thăm cô. Có có ở nhà không cô?

- Mai đó hả? Cô không có ở nhà Mai ơi!…

Cô Tồn cho Sáo biết, cô có việc phải vắng nhà. Mà hiện giờ cũng không còn ai trông nhà để mở cửa cho Sáo vào thăm thầy hiệu trưởng. Lần về thăm VN năm 2017, chị Dung và Sáo cũng đã được đến thắp nhang cho Thầy Hiệu Trưởng rồi. Lần này thì không có cơ hội. Thế là mấy chị em Sáo đành thôi vậy, quay xe ra về lòng buồn biết bao nhiêu…

Thay hieu truong Pham Duc Bao - hinh sua lai

 

Trở lại xứ Bưởi Biên Hòa đã quá giờ trưa ngày hôm sau, Sáo chỉ kịp đưa anh Sinh và chị Ngọc Dung đến nhà thầy Nguyễn Viết Long, thăm thầy Diệp Cẩm Thu nữa mà thôi…

 

Có ba người thầy rất gắn bó với lớp Tứ 1 (nk 1969 -1970) của chị Ngọc Dung, đó là thầy Nguyễn Văn Phú - dạy Việt Văn,  Thầy Phú hiện ở Texas; Thầy Trần Văn Phúc dạy Công Dân (đã mất) và Thầy Nguyễn Viết Long dạy Sử Địa, là người thầy chị Dung rất mong được gặp lại trong chuyến thăm quê lần này…

 

Chị Dung còn kể Sáo nghe, năm đệ Tứ 1 lớp Pháp Văn của chị tổ chức rất nhiều hoạt động sôi nổi. Bởi đó là năm cuối của bậc trung học đệ nhất cấp, trước khi cả lớp chọn ban tách lớp chuyển sang bậc trung học đệ nhị cấp. Cũng đồng thời vào năm đó, lớp đệ Tứ 1 trung học NQBH kết nghĩa với Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức, dưới sự hướng dẫn sinh hoạt học đường của thầy Nguyễn Viết Long mà “trợ tá” đắc lực của thầy là chị Minh Thủy, người bạn thân thiết của chị Dung. Chính vì vậy mà bất cứ sinh hoạt nào của trường, lớp Tứ 1 của chị Ngọc Dung - Minh Thủy cũng  tham gia rất tích cực...

8_Thay Nguyen Viet Long (1)

 

Còn một câu chuyện thú vị khác về thầy Nguyễn Viết Long, mà đến giờ Sáo mới nghe chị Dung kể lại:

- Thầy Long chấm tử vi hay lắm nha Mai… Hồi đó chị Minh Thủy và chị cũng được thầy Long chấm cho mỗi đứa một lá số tử vi, lúc đó hai chị đang học lớp 9 mới chừng 15 tuổi rưỡi (?!…) mà thôi. Ở vào cái tuổi “nửa người lớn, nửa trẻ con” mà được thầy ưu ái nên hai chị khoái lắm. Thầy lại còn giải về “số mệnh” của 2 đứa theo các sao hạn trên lá tử vi với hai câu tóm thật quả quyết và độc đáo mà cho đến khi trưởng thành, trải qua biết bao nhiêu biến cố cuộc đời, cùng chiêm nghiệm lại thì chị Thủy và chị mới giật mình thấm thía những lời “phán” của thầy Nguyễn Viết Long khi xưa… Trời ơi! Sao mà… linh nghiệm vậy ta!

 

8_Thay Nguyen Viet Long (2) (3)

 

Về thăm quê lần này, chị Dung rất mong hội ngộ thầy Nguyễn Viết Long để cùng thầy nhắc nhớ “chuyện đời xưa” của hơn 50 năm trước. Nào ngờ thầy giáo “Ai - Đồ” năm nao của học trò xưa lại vắng nhà, khiến chị Dung cứ bồi hồi nuối tiếc mãi… Thời may chị kịp gặp lại chị Nguyễn Anh Đào - người bạn học cùng khóa 11 NQBH khi xưa của chị - để chụp hình lưu niệm. Và bây giờ, chị Nguyễn Anh Đào cũng chính là hiền thê của thầy giáo Nguyễn Viết Long…

 

Rời nhà Thầy Long, anh chị Sinh Dung và Sáo trực chỉ đến văn phòng làm việc của một Thầy giáo trẻ nhất trong các Thầy mà bọn Sáo đã đến thăm. Ngay khi Sáo vừa liên lạc báo tin, thì “ông anh cùng họ” với Sáo - thầy giáo Diệp Cẩm Thu - đã có ý định chiêu đãi học trò phương xa chầu cafe bên dòng sông Đồng Nai chiều lộng gió. Thế nhưng thời gian còn lại không nhiều, nên anh chị em không thể thong dong để vừa thưởng thức cafe vừa “tâm sự loài chim biển” được nữa. Hơn tháng rồi mới gặp lại, thầy Thu ngạc nhiên hỏi Sáo:

- Em làm gì bỗng dưng “phì nhiêu” dữ vậy hả Mai?…

 Sáo cười mà rằng:

- Em mà “bò” được tới đây thăm anh là “công trạng” của em đã lớn lắm rồi, chứ hơn tháng trước Tết em hết ăn rồi lăn ra nằm ngủ, hết ngủ lại ngồi ôm cái cẳng xi-cà-que... Em nghỉ ăn Tết luôn mà, suốt ngày lê lết dưỡng thương thôi…

 

Ái chà, một bình hoa hồng tuyệt đẹp - món quà sinh nhật nghĩa tình học trò tặng thầy giáo Diệp Cẩm Thu - vô tình trở thành đạo cụ cho “ba chàng ngự lâm pháo thủ” tạo dáng chụp hình tá lả, mà kiểu dáng nào của ba anh em Sáo cũng… xấu chình ình. Nhưng đổi lại, ba anh em Sáo đã có được những giây phút cười hồn nhiên vui hết lốc…

 

Tạm biệt quá vội vàng, thầy Diệp Cẩm Thu chỉ kịp gói ghém gửi hai chị em hộp kẹo cafe xinh xắn làm quà. Hương thơm hòa lẫn vị đắng cafe thoảng nhẹ, tan chảy ngọt ngào trong từng viên kẹo nhỏ xíu xiu nhưng dễ dàng gây nghiện (?!…) giống hệt nghĩa tình huynh đệ keo sơn của những cựu học sinh Ngô Quyền đã từng chung chiếc nôi xưa…

 

9_Thay Diep Cam Thu

 

Chị Hồng Nguyễn chs.k9 trung học NQBH cũng là cựu hướng đạo sinh thuộc gia đình HĐBH xưa, rất xúc động bày tỏ cùng em Sáo:

- Đi thăm thầy cô chuyến này, chị cảm thấy thương thầy cô của mình quá! Cảm ơn Mai và Dung đã “cho” chị có dịp đi cùng…

 

Ơi chị thân yêu, tại sao lại là “em cho chị, chị cho em” hả chị? Chị em mình đã từng chung trường, lại còn chung gia đình cựu hđs.BH nữa… Được dịp cùng chị “nhào vô đi…” làm những việc ý nghĩa thế này, em lại càng vui nhiều hơn nữa…

 

Đúng là chuyến đi này khá ngẫu hứng, bởi không ai định trước “kế quạch, kế quẹt” gì đâu. Ấy vậy mà mấy chị em mình tung hứng cũng “quành tráng” ghê héng chị? Nếu đã từng là cựu học sinh Ngô Quyền, lại là cựu hđs. Biên Hòa nữa, thì bất cứ anh chị em nào cũng sẽ hết lòng hết dạ với thầy cô giáo cũ trường mình như vậy chị ơi!...

 

Thầy cô giáo ngày xưa của chị em mình ngày nay đều già yếu, mà học trò xưa của thầy cô bây giờ cũng… già cũng yếu y hệt bún thiu. Cuộc đời của thầy lẫn trò cùng lúc thu ngắn lại dần, cho nên thời gian để thầy và trò được gặp nhau không còn nhiều nữa...

 

Chuyến đi thăm Thầy Xưa ngày đầu năm mới 2024 của chị em mình lần này thấm đẫm ân tình, vô cùng ấm áp đúng không chị? Em nghĩ tất cả những học trò xưa trường trung học NQBH đều như thế, bất kể lúc nào và bất kể nơi đâu anh chị em mình cũng ghi lòng tạc dạ ân sâu nghĩa nặng tình thầy, dưới mái trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa cũ kỹ thân thương…

 

Sáo Lý Luận Diệp Hoàng Mai

Tháng 03/2024

 

Sunday, September 8, 2024(View: 5365)
Những công trình tâm huyết đầy tính nhân văn mà thầy Thành đã dốc cạn trí tuệ, dốc cạn công sức và thời gian của cuộc đời nhằm mang lại nhiều lợi ích thiết thực...
Sunday, July 28, 2024(View: 9302)
Sáo Lý Luận chưa từng tưởng tượng, sẽ có ngày được thằng con hơn ba mươi tuổi sẵn lòng “dắt” mẹ già hành hương đến miền đất Phật.
Wednesday, July 3, 2024(View: 5460)
Đó là lần đầu Sáo biết đến món Tacos, nhưng thiệt tình Sáo cảm thấy Tacos… không ngon hơn bánh mì kẹp thịt của Việt Nam quê Sáo lắm đâu.
Monday, June 24, 2024(View: 6126)
Có lẽ khoảnh khắc được ghi lại trong những tấm hình xưa chính là những kỷ niệm ngọt ngào nhất, có giá trị nhất mà Sáo hằng tin, mỗi cựu hđs.BH sẽ luôn gìn giữ
Friday, June 14, 2024(View: 5542)
Anh Gấu Tận Tâm và em Sáo Lý Luận chuyện trò khá tương đồng tâm đắc, dù đó là lần đầu Sáo được “diện kiến” huynh trưởng già làng của đạo Lâm Viên.
Friday, May 10, 2024(View: 6912)
Không chỉ nổi tiếng là quê hương của tổng thống Mỹ Barack Obama, hình ảnh Kenya còn chiếm hơn 70% các cảnh quay về thế giới động vật hoang dã ở châu Phi,
Monday, April 1, 2024(View: 8636)
Dẫu biết cuộc sống không bán vé khứ hồi, hành trình vươn tới ước mơ cũng chưa chắc tạo nên điều kỳ diệu…
Friday, August 11, 2023(View: 8349)
“Bảo tàng Hướng Đạo thế giới (HĐTG) Paxtu vẫn được bảo đảm an toàn, ngay khi khách sạn Outspan được tiếp quản bởi chủ sở hữu mới…” đó là khẳng định của Trưởng Anthony Gitonga, ...
Wednesday, July 12, 2023(View: 11772)
chuyến đi Mũi Đôi - Cực Đông lần này rất ý nghĩa với tôi. Rằng thế giới này dù đảo điên hỗn loạn đến đâu, vẫn còn nhiều lắm những người trẻ tuổi có tri thức có ý thức, cư xử tử tế ...
Wednesday, June 28, 2023(View: 12043)
Suy cho cùng “trong nguy rồi cũng có cơ…” mà, ông bà xưa đã dạy vậy rồi. Chuyến đi Mỹ vừa qua của tôi có 16 ngày, thì vợ chồng bạn Trần Thanh Châu đã “cưu mang” tôi hết 9 ngày.
Sunday, June 18, 2023(View: 8055)
Ấn tượng về bác sĩ Vương Tú Toàn hình thành trong ký ức tôi, nhờ vào hình ảnh lung linh xinh đẹp của cô giáo Việt Văn lớp 10B4 trung học Ngô Quyền Biên Hòa của tôi ngày ấy.
Sunday, May 14, 2023(View: 8902)
Để rồi 48 năm sau cũng vào buổi trưa ngày 29 tháng 4 năm 2023 tại San Diego, tôi mất Mẹ. Tôi đang nhớ Mẹ, nhớ thật nhiều… Mẹ ơi con đã già rồi, con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ thơ… (*)
Monday, March 20, 2023(View: 8569)
Trao tặng đàn anh Nguyễn Đức Hiền Kỷ yếu SBTT của gia đình, trái tim thương tật của Voi Trầm Tĩnh bất chợt rưng rưng vì hạnh phúc.