NHÌN LẠI NHỮNG DẤU CHÂN (2009)
Thế là tôi đã được dự Đại Hội Họp Mặt của Gia Đình Cựu Học Sinh Trung Học Ngô Quyền lần thứ 8 tại Nam Cali vào ngày 5 tháng 7 năm 2009 vừa qua. Những lần trước, dù có ước ao, tôi phải lỗi hẹn vì nhiều lý do khác nhau. Lần nầy tôi háo hức đến độ “ăn không no bụng, ngủ không thẳng giấc” với mong ước tham dự Họp Mặt Truyền Thống của trường xưa! Nhiều bạn đã viết thư hay gọi phone nhắc nhở, nhưng tôi còn phân vân vì sờ vào túi thấy trống không, nên trả lời theo kiểu chơi Tài Xỉu là 5 ăn 5 thua hay “không thể và có thể”. Tôi tưởng như mình lại lỗi hẹn rồi. Mà may mắn thay, giờ chót tôi vui như chưa lần nào được vui như vây: Tôi hốt được Hụi! Chuyện nhỏ như cái mỏ con thỏ mà hóa ra niềm vui lớn, oà vỡ và tràn vào tâm hồn tôi, ngập tới cổ lúc nào không biết! Tôi không thể lấy vé máy bay gấp vì giá vượt cao tới mây xanh. Thêm nữa, người bạn già ở Nam Cali không thể lái xe ra phi trường đón tôi dù là phi trường gần nhất. Thế là Xe đò Hoàng là phương tiện gần nhất và thuận tiện nhất mang tôi về với Thầy Cô và các bạn. Ngồi trên xe, đường dài, thời gian lâu, tôi lại có ý nghĩ liều lĩnh và bạo gan là nếu có thể tôi sẽ thử sửa lại câu văn nổi tiếng của Ông Nguyễn Bá Học như sau: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà tùy theo người có hốt hụi được hay không”. Tôi miên man với ý nghĩ ngộ nghĩnh đó mà xe đò đến chợ ABC lúc nào không hay!
Rồi cũng đến giờ họp mặt. 10 giờ 30 sáng ngày 5 tháng 7 năm 2009. Bạn tôi, Nguyễn Ngọc Ẩn E đến nơi tôi trọ và đưa tôi đi! Tôi hồi hộp lắm. Thắt cà vạt không ngay! Giày cột một dây, áo sơ mi tuột nút.
Khi tôi đến nhà hàng, đã có nhiều người ở đó. Mấy anh thì lo giăng bảng hiệu, mấy chị thi lo tiếp tân, lăng xăng túi bụi mà tôi thì cứ lan man như ở đâu đâu! Nhìn mấy cái Micro lặng im trên sân khấu tôi lại nhớ kỷ niệm cũ, hồi còn ở Trường Ngô Quyền năm nảo năm nao! Năm đó, chuẩn bị Văn nghệ Tất Niên, tôi có mặt trong ban văn nghệ phối hợp tập dượt với Ban Văn Nghệ của Trường bán công Trần Thượng Xuyên. Cũng xin nói rõ, tôi không có tài cán gì về ca hát. Với giọng ca như “cọp bị đạn”, tôi chỉ xứng đáng làm thợ vịn cho phần kỹ thuật âm thanh thôi! Cái Micro chắc thuộc ” Đời Cô Lựu” không chuyển âm thanh được. Tôi allo hoài, 1 2 3 4 hoài mà nó không kêu! Đến chừng nổi nóng, tôi xổ tiếng Đan Mạch (xin lỗi, trong đời tôi, cái sai lầm lớn nhất là đã nói tiếng Đan Mạch trong khi Trường mình chỉ dạy tiếng Pháp và tiếng Anh) “ĐM ! Sao kỳ vậy? …” thì cái Micro mắc dịch lại kêu to. Thầy Hiệu Trưởng Phạm Đức Bảo có mặt đúng lúc đó. Cũng may là đang lúc hân hoan chuẩn bị Tất Niên và Thầy Bảo nghiêm nghị nhưng bao dung nên tôi đã “được cứu một bàn thua trông thấy” …
Tôi về với Đại hội kỳ nầy, ngoài việc mong muốn gặp lại Thầy Cô và bạn bè, đã quen hoặc mới quen, còn háo hức muốn gặp ba người Thầy mà bấy lâu nay tôi hằng ngưỡng mộ: Đó là Thầy Nguyễn Xuân Hoàng, Thầy Hà Tường Cát, và Thầy Mai Kiến Phúc. Nhưng cuối cùng tôi đã thất vọng vì các Thầy đều không về …
Nếu gặp được Thầy Nguyễn Xuân Hoàng, tôi sẽ cúi đầu bắt tay Thầy, giữ tay Thầy trong tay tôi để nghe được cái cảm giác chắc là lạ lùng phát ra từ bàn tay của Nhà văn nổi tiếng.
Tôi sẽ mang cái cảm giác “thiên thần” ấy trao lại cho bạn bè tôi, những người không được may mắn như tôi trong Đại hội. Tôi đã có dịp bắt tay các Nhà Văn khác như Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam trong lúc mấy Ông ấy còn trẻ và tôi thì còn nhỏ. Cảm giác rất êm dịu làm tôi nghĩ sao những người viết văn tài giỏi, tay họ cho mình cảm giác lâng lâng kỳ lạ vậy? Tay Ông Bình Nguyên Lộc ấm, còn tay Ông Sơn Nam lạnh hơn. Dù sao, tôi vẫn muốn thấy lại cảm giác đó nơi tay Thầy dù cho ấm lạnh khác nhau. Chắc trong Đại hội, tôi không có thời giờ để nói với Thầy cảm xúc mình khi đã đọc các tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Xuân Hoàng như Bụi và Rác, Sinh Nhật, Căn Nhà Ngói Đỏ, Sương Mù và Ý Nghĩ Trên Cỏ hay không đủ lời để nói lên lòng cảm phục Thầy qua những gì Thầy làm lúc còn ở Phụ Bản Tiếng Việt của Tờ Mercury News ỏ San Jose! Tôi không học lớp nào của Thầy, nhưng tôi thấy gần gũi Thầy qua những dòng văn. Thế mà …
Nếu gặp được Thầy Hà Tường Cát, tôi sẽ đứng nhìn Thầy từ xa trước, cẩn trọng và không vồ vập. Tôi nhìn để thấy Thầy độ nầy ra sao, vóc dáng thế nào? Ở đâu đó, như trên các Đặc San Ngô Quyền mà tôi đã đọc, tôi vẫn thấy Thầy gầy nhom, như không còn gì để gầy thêm nữa. Cái dáng mỏng manh, “phọt” thân ván ép của Thầy là độc quyền của Thầy, không thể nhầm lẫn với ai. Bù lại, Thầy có sức dẽo dai, bền bĩ và giọng nói gây cảm tình với học sinh hết sức! Tôi sẽ xin phép Thầy được ngồi chung bàn với Thầy trong giây lát, để thưa với Thầy là Thầy là người đưa Toán học vào thực tiễn cuộc đời một cách tài ba mà tôi chưa từng gặp Thầy Toán nào như thế! Tôi còn nhớ như in rằng trong vài lần Thầy gọi tôi lên bảng để giải toán, tôi cứ run vì tôi biết mình rất sợ Toán dù đang bon chen học ban B. Thầy ngồi, im lặng, tay áo sơ mi dài tay thật rộng, và thỉnh thoảng nhắc: Cẩn thận đấy! Coi chừng vô nghiệm! Và y như vậy, bài Đại Số vô nghiệm thật! Sau nầy, trong cuộc đời gió bụi, dù ở quê nhà hay nơi xứ lạ, mỗi khi cần giải quyết một vấn đề hóc buá, tôi vẫn nghe lại lời Thầy vẳng bên tai: Cẩn thận đấy! Coi chừng vô nghiệm! Và cũng đúng y như lơì Thầy nói, cuộc đời không bao giờ có nghiệm số, là mãi mãi vô nghiệm như những bài toán khó mà tôi đã gặp. Tôi sẽ cảm ơn Thầy về những lời cảnh báo về cuộc đời đầy giá trị như thế! Thế mà …
Nếu gặp lại Thầy Mai Kiến Phúc, tôi sẽ chạy lại Thầy ngay, không cần suy nghĩ, tôi sẽ ôm Thầy như một người thân xa nhau lâu ngày nay mới được gặp. Có thể tôi sẽ khóc vì xúc động hay có lẽ tôi khóc vì thấy tóc Thầy vẫn dày mà tóc tôi đã di tản nhiều hơn Thầy sau nhiều năm xa cách! Tôi mong thấy Thầy không đổi khác, vẫn kính trắng gọng đen (như lúc đó), vẫn sơ mi trắng và quần sẫm màu. Đó là model mà hồi còn trong lớp tôi vẫn ái mộ. Không nói quá, cái hình ảnh Thầy đứng trước bảng đen, say sưa với từng công thức Vật Lý làm tôi cũng như say. Thú thật, tôi mê Thầy và ao ước một ngày nào đó tôi trở thành đồng nghiệp đáng tin cậy của Thầy trước đám học sinh! Sau nầy khi đọc bài viết của Thầy ở Đặc San Ngô Quyền 2004, tôi càng cảm phục Thầy hơn qua ý tưởng sắt đá với nghề dạy học. Xin trích dẫn: “Có đến thì có đi. Ngày vĩnh viễn ra đi có thể là ngày mai, tháng tới, năm tới, hay ngay cả đôi ba chục năm nữa thì cũng phải tới. Lúc đó tôi chỉ cầu xin Thượng Đế cho tôi được mang theo tất cả kỷ niệm của quảng đời dạy học và cho tôi được đầu thai trở lại trần gian nầy với nghề đi dạy trong một xã hội không buộc tôi phải nói ngược với niềm tin và suy nghĩ của mình” (ngưng trích). Thử hỏi còn giá trị nào cao hơn với nghề dạy học mà Thầy gắn bó?
Tôi sẽ không bao giờ quên tư cách của Thầy trong lớp là nghiêm túc mà gần gũi học sinh cho nên không đứa nào xa cách hay sợ Thầy quá đáng. Có một thói quen của Thầy là trước khi chấm dứt giờ học, Thầy cần viên phấn nhỏ ném xuống đất. Là hết giờ! Bởi vậy khi gần cuối giờ Vật Lý, khi thấy mấy Cô bạn học Ban B là Hà Thị Nhung, Cao Thị Tốt, và Liêng Tuấn Tài vén vén tà áo dài, loay hoay với cặp sách và trước bảng đen, Thầy Phúc bẻ bẻ viên phấn cho nhỏ nhỏ, chuẩn bị, không biết cố ý hay vô tình, ném xuống đất, là tôi biết hết giờ học. Tôi ngẩn ngơ với bài học chưa hiểu hết hay ngẩn ngơ trước một phong cách thường nhật quá dễ thương của Thầy? Bây giờ tôi cũng chưa biết, nhưng mường tượng đó là lời chào tạm biệt hay câu hứa hen gặp lại lần sau như danh thủ Tennis Federer đã từng làm trước khán giả.
Tôi đã mong đợi gặp lại phong cách đầy cảm xúc đó! Thế mà …
Nói về những Người Thầy của Ngô Quyền, tôi phải tự thú là mình quá lỗi lầm khi không đến chào Thầy Hoàng Phùng Võ. Thật ra, tôi không học với Thầy nhưng lại có duyên gặp Thầy trong môi trường khác sau năm 1975. Vì thế tôi có thể xin phép gọi là Anh Hoàng Phùng Võ cho thân mật khi nhớ lại những năm tháng khổ đau sau khi đất trời Việt Nam dậy sóng. Lần nầy về Nam Cali, tôi nghĩ tạm nhà anh Trần Kim Thủy, là bạn cùng nghề trước kia và cũng là bạn hủ tíu bây giờ với anh Võ. Thú thật, khi Đại Hội khai mạc, người người vui vẻ trò chuyện quá nhiều nên tôi không thể theo dõi hết Thầy Cô hay Bạn bè đã được giới thiệu. Đến khi được thấy hình qua bản tin, tôi mới biết mình đã thiếu sót khi không đến chào Thầy (Anh) Hoàng Phùng Võ! Tiếc quá và hối hận quá!
Tôi không thể không nói về những người ban cũ cũng lớp ở Trung Học Ngô Quyền.
Nói là NHỮNG, nhưng thật tình chỉ có 2 thôi. Đó là Đỗ Hữu Phương, ngươì bạn vui tính, luôn có nụ cười trên môi và cả trên mắt , cùng vợ con có mặt trong Đại Hội. Phương đang là một doanh nhân thành đạt ở California Hoa Kỳ. Người thứ hai là Nguyễn Ngọc Ẩn E, một cây Toán của lớp Đệ Nhất B1, đậu Tú Tài hạng Bình, được du học ở Nhật Bản, sinh sống và làm việc ở đó, mới qua Mỹ vài tháng nay và rục rịch trở về với xứ của các nàng Gheisa và rượu Saké. Ẩn E mê Toán hơn mê Đào thành ra đến bây giờ vẫn là Tư Lệnh Phòng Không của lớp. Chúng tôi ngồi chung bàn và mọi người kêu gọi Ẩn E giúp vui văn nghệ bằng một bài hát Nhật Bản. Ẩn E từ chối, nói là quên, nhưng tôi nghĩ là chắc bạn cũng giống như tôi thôi! Ở Mỹ khá lâu mà tôi chỉ biết mỗi một bài hát Jingle Bell mà đã bị chế ra tiếng Việt rồi! “ Jingle Bell, Jingle Bell… Ta mua heo ta nuôi heo. Mua cám về cho heo …”
Tôi phải nói thêm ngay, kẽo quên thì mất điểm. Đó là những bạn mới gặp mặt dù đã biết qua ít nhất là ở WEB Ngô Quyền thân mến. Ma Thị Ngọc Huệ , Võ Thị Ngọc Dung và Nguyễn Thị Minh Thủy đều là những gương mặt mà ai cũng biết ngoại trừ tôi, mới gặp. Chúng tôi bắt tay, mừng nhau như đã quen mặt từ lâu. Xin cảm ơn những chân tình mà các em (xin được gọi thân mật như thế) đã dành cho người phương xa về như tôi. Tôi ngạc nhiên trước ba dung nhan khá ăn khách và ăn ảnh nầy. Dù nhan sắc của các cô không còn trên đỉnh cao của thời hoa mộng nhưng tôi tin mạnh mẽ rằng, với tình hình kinh tế đang hồi phục của Hoa Kỳ, các dung nhan đó vẫn tiếp tục tỏa sáng ít nhất là mươi mười lăm năm nữa! Tôi tiếc là mình không làm thơ được để ca tụng những nét đẹp vượt thờì gian như thế! Tôi cũng tỏ lòng thương mến anh Sinh, Ông Xã của Ngọc Dung, người mà tôi đã mạo muội nhận xét là quá dễ thương, không thương thì quá uổng!
Có một đôi vợ chồng rất hiếu khách và dễ thân mật là anh Tô Anh Tuấn và Chị Hiền. Suốt buổi tiệc, anh tiếp chuyện tôi như người quen thân từ lâu. Cách nói chuyện dễ gây cảm tình của anh Tuấn đã theo tôi suốt buổi, và ngay trên đường đi và về đến khu NHÀ THỜ KIẾNG mà Anh Chị đã đưa tôi đi xem và chụp ảnh. Xin gởi ngàn lời cảm ơn đến Anh Chị Tuấn.
Có một nét đặc sắc mà chắc không ít người đã nhận ra, đó là cặp MC Ngọc Dung và Hữu Hạnh. Hai ngườì đã làm tròn vai trò một cách tự tin và cho Đại Hội một nét son khó lòng quên lãng. Bản thân tôi, cũng lặn lội học hỏi và tham gia nhiều nơi với vai trò nây, cũng vô cùng khâm phục tài ăn nói và sự quăng bắt tự nhiên của anh chị Dung và Hạnh. Đó là chưa kễ Ngọc Dung đã xuất sắc trong bài hát Bên Cầu Biên Giới của Phạm Duy và Anh Hạnh đã cho mọi người thấy tài ca Vọng cổ mùi mẫn dễ làm xiêu lòng người! Xin cảm tạ và vinh danh những tài năng như thế!
Không thể kể hết, không thể nói ra bằng lời những niềm vui mà tôi có được khi về dự Đại Hội năm 2009 nầy. Những gì tôi nhớ và viết ra chỉ là một ít trong số nhiều những ưu điểm có trong Đại Hội. Tôi không muốn kết thúc bài viết vì đâu đó vẫn còn nhiều điều đáng nói. Tôi nhìn lại mình và nhìn lại hay nhớ lại những Thầy Cô, các Anh Chị lớp trước, bạn bè cùng lớp hay đàn em lớp sau. Tất cả còn trong nhau là kỷ niệm mà kỷ niệm bao giờ cũng đáng quý vì khó tìm. Tôi như lang thang trên những con phố Biên Hoà, những con đường dẫn tôi đến sân trường cũ, ở đó lời Thầy Cô còn vang vọng, tiếng lao xao của bạn bè còn nghe rõ như in, tà áo dài ai trắng đến tinh khôi và tiếng guốc ai còn gieo vào lòng tôi niềm bâng khuâng khó tả. Tôi chưa về được Trường xưa để thấy lại một trời yêu thương và hoa mộng thời xa xôi cũ, để có dịp đi ngang Cù lao Phố hay tắm lại khúc sông Đồng Nai thơm ngát hương bưởi quê nhà, nhưng tôi thấy được, qua Đại Hội nầy, những dấu chân in qua lớp bụi thời gian của nhiều thế hệ. Tôi nhìn và thấy rõ những dấu chân đang bước tới cho một tương lai tươi sáng làm rạng rỡ hai chữ NGÔ QUYỀN.
Cuối cùng, nếu được hân hạnh đứng trước Đại Hội, tôi sẽ nghiêng mình và thưa rằng: Kính thưa Quý Thầy Cô và Quý Bằng Hữu, Cựu Học Sinh Đệ Nhất B1, dỡ Toán, học lực trung bình tên Trần Ngọc Danh, xin Cám Ơn Thầy Cô và Bằng Hữu đã bỏ thời gian đọc hết bài nầy .
California, ngày 17 tháng 7 năm 2009.
Trần Ngọc Danh