
Hồng bưng cà phê ra. Một gói ba số năm vàng rực. Khói cà phê thơm phức làm ruột tôi cồn cào. Cà phê thứ thiệt. Trời ơi, cà phê thứ thiệt. Tôi cúi xuống cái phin, giở cái nắp ra.
“Cà phê xịn đó,” Nam tiếp, “Chỉ ở đây mới có thứ thiệt. Hồng ơi, anh Phước mấy bữa nay có tới không?”
Hồng bước tới, tự nhiên kéo ghế ngồi xuống.
“Tuần trước ảnh có tới, cũng hỏi cái câu giống câu vừa hỏi. Em không biết ảnh có chuyện gì mà buồn lắm.”
Nam bóc gói thuốc, đẩy một điếu ra khỏi bao đưa về phía tôi.
“Anh Thăng làm một điếu đi,” và quay sang Hồng, Nam tiếp, “Có tin tức gì của anh hai không?”
“Chị hai đi ra Bắc, thăm anh hai chưa về. Bữa đi chỉ khóc sưng mắt. Có tin nói anh hai chết, chỉ phải ra ngoài đó nhận xác chồng.”
“Còn má đâu?”
“Má đi thăm anh Tư ở trại cải tạo Xuyên Mộc.”
Hồng nói nhưng mắt nhìn tôi dò hỏi.
“Không sao. Anh Thăng là người anh mới quen, nhưng anh có biết...”
“Anh biết gì?” Tôi cười, cầm một điếu thuốc, đập đập lên lưng bàn tay. “Tôi học được bài học là không biết gì, không tin gì, không thấy gì hết...”
“Sao anh bi quan dữ vậy? Cũng có cái phải tin chớ. Cái gì cũng nghi ngờ hết lấy gì sống? Hồng,” Nam nhắc, “Em cho anh mượn cái phích nước sôi. Này, sao hồi đó, em nói anh Tư ở trại cải tạo Hàm Tân Z30C?”
Hồng mang nước ra. Cái bình thủy lớn, nắp bị móp méo.
“Sau Hàm Tân, ảnh bị chuyển qua trại cải tạo Xuân Phước, Phú Khánh. Bây giờ Xuyên Mộc, tỉnh Đồng Nai...”
“Cho tôi một cái nâu, cô Hồng.” Một người khách đứng ở cửa nói chõ vào.
“Mời anh vào!” Hồng đứng dậy.
Người khách là một thanh niên trẻ, ăn mặc kiểu bộ đội. Khách kéo ghế ngồi xuống, cái cặp da quàng vai bỏ xuống mặt bàn. Anh ta ngồi quay lưng vào trong, mắt ngó ra đường.
“Cô Hồng mở nhạc vàng nghe đi.”
“Có ngay!”
Tiếng Hồng nói từ phía trong và tiếp liền đó là tiếng hát của Khánh Ly. “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ...” Tôi nghe tiếng người khách ư...ư... hát theo.
“Tay này là công an khu vực đấy. Uống cà phê không phải trả tiền, nhưng cho phép nghe nhạc vàng. Hắn mê Phạm Duy lắm. Bài tủ của hắn là bài Mùa Thu Chết. Để anh coi...”
Nam nói chưa hết câu, tôi đã nghe tiếng người khách.
“Cô Hồng ơi, Mùa Thu Chết đi!”
Hồng mang cà phê ra đặt lên bàn khách.
“Đây là cà phê sữa của anh. Còn Mùa Thu Chết thì sẽ có ngay.” Hồng nhìn Nam cười.
Tôi hít một hơi thuốc dài, chiêu một ngụm cà phê.
“Tôi muốn về. Anh Nam có thể cho tôi xin địa chỉ được không?”
“Sao anh không ngồi chơi thêm một chút? Tôi muốn chờ thằng Phước. Tôi cũng muốn giới thiệu anh với thằng bạn tôi. Không biết tại sao gặp anh có một lần mà tôi thích ngay.”
“Cám ơn anh Nam. Có lẽ bữa khác mình gặp nhau lâu hơn. Bữa nay vầy là đủ rồi. Anh có thể cho tôi cái địa chỉ không?”
Tôi nhắc lại và xé tờ giấy biên cho Nam mấy chữ.
“Đây là địa chỉ của tôi!”
Nam cầm tờ giấy ngó chăm chú.
“A! Phải chỗ này là khu Mã Lạng không?”
“Đúng.”
“Vậy thì tôi có biết. Có lần tôi chở thằng Phước tới đây.”
“Tới nhà tôi?”
“Không. Tôi đâu biết thằng Phước tới nhà ai. Mà tôi đâu có biết nhà anh. Nó bảo tôi chờ ở đầu ngõ. Có một quán cà phê. Nó đi bộ vô trong.”
Tôi giật mình nhớ tới bữa Phước đến thăm tôi, hỏi mượn tiền vượt biên.
“Mà anh đến lúc đó ban ngày hay ban đêm?”
“Chạng vạng tối. Tôi nhớ tay chủ quán cà phê đã đốt đèn hột vịt. Ngay đầu hẻm tôi còn thấy có một ông thợ sửa xe đạp.”
“Ông bạn anh có nói đến xóm Mã Lạng tìm ai không?”
“Không. Thằng Phước nói với tôi nó đi mượn tiền. Đó là chuyến nó định đi với tôi. May mà nó không mượn được tiền. Nếu không nó ngồi tù chung với tôi rồi! Thằng đó coi vậy mà hên.”
“Tại sao người ta không cho ông bạn anh mượn tiền.”
“Nó nói ông ta không có tiền. Vợ con ông ta đã đi vượt biên. Và ông ta mới vừa ở tù về.”
Tôi lại ngồi xuống lấy một điếu thuốc ba số châm lửa.
“Này anh Nam. Người mà Phước tới thăm hôm đó chính là tôi!”
“Thật sao? Là anh?”
“Tôi có nhiều kỷ niệm với Phước, anh có biết không?”
“Làm sao anh có kỷ niệm với Phước được? Nó đâu phải ở lứa tuổi với anh!”
“Kỷ niệm giữa hai con người đâu cần đòi hỏi họ phải có cùng lứa tuổi. Phải hông?”
“Nhưng mà chuyện khó tin quá. Bạn của Phước thì tôi phải biết chớ. Nó với tôi là bóng với hình mà!”
“Anh tin vậy sao?”
“Sao không chớ?”
“Tại vì anh nói anh và Phước xa nhau khá lâu mà. Phải không?”
“Ừ, trước bẩy lăm tôi đi Mỹ nó đi lính. Cái thằng đó ba trợn ba trạo đâu chịu học hành gì. Mới đậu trung học đã xung phong đi lính. Đánh lộn thì lanh lắm mà hễ nói chuyện sách vở học hành thì ngủ gà ngủ gật. Nó nói nó ghét cái bọn trí thức lắm. Gặp nó, nói chuyện gì cũng được chớ đừng nói chuyện bằng cấp. Nói chuyện bằng cấp là nó chửi thẳng tay. Khi nào cãi thua tôi nó nói ‘đồ trí thức chồn lùi.’ Nó hỏi tôi ai ra mặt trận đánh nhau với cộng sản để những thằng như tôi yên ổn đi học?...”
Hồng đã trở lại chỗ bàn chúng tôi, tự động kéo ghế ngồi.
“Làm gì to tiếng vậy anh Nam?”
“Đâu. Có to tiếng gì đâu. Nè Hồng, anh Thăng đây cũng là người quen của Phước. Tin không?”
“Anh nói thì em tin. Mà hai anh quen nhau làm sao?”
Hồng mím môi, mắt mở lớn dò hỏi, hai tay vòng trước ngực, hai cùi chỏ tì lên hai đầu gối!
Tôi uống một ngụm cà phê, châm thêm một điếu thuốc. Và tôi bắt đầu kể những lần gặp Phước. Một lần ở phòng giám thị kỳ thi, một lần Phước chở tôi ra Bến Tàu trong đêm giới nghiêm và một lần cách đây không lâu tại nhà tôi.
“Đúng là thằng Phước rồi! Cái thằng đó giang hồ lắm, anh chị lắm!” Nam đập tay lên bàn.
“Tôi đi cô Hồng nhé!”
Người thanh niên ăn mặc kiểu bộ đội đứng dậy, quàng cặp da lên vai.
“Mở nhạc vàng phiên phiến thôi nhé. Coi chừng đừng để quên cuộn băng có bài Người Ở Lại Charlie nữa đấy! Dáng Đứng Bến Tre đi. Này, mà bao nhiêu thế cô Hồng?”
“Xin anh cứ tự nhiên.” Hồng tiếp “Mai lại nghe Mùa Thu Chết nhá!”
Người thanh niên xốc lại sợi dây da quàng vai bước ra cửa, nói vói lại:
“Cô Hồng đọc xong cuốn Đa-ghết-tăng Của Tôi chưa?”
“Còn mấy trang nữa. Mai tôi trả được không?”
“Mai tôi sẽ cho cô mượn Con Tàu Trắng của Ai-ma-tốp. Tuyệt vời!”
Hồng đứng dậy tiễn khách ra cửa.
“Cám ơn!”
Chờ khách đi một đỗi xa, Hồng kéo cánh cửa sắt lại, quay về bàn.
“Thôi nghỉ một bữa không buôn bán gì Hồng nghe.” Nam nói giọng nghịch ngợm.
“Anh định bao giàn cả ngày hả?”
“Bao thì bao sợ gì. Hồng ơi mua cái gì cho anh Thăng với anh bỏ bụng đi!”
Và quay sang tôi, Nam nói:
“Anh nán lại chút, tôi muốn mời anh. Anh là bạn của Phước vậy thì anh cũng là bạn của tôi. Sài Gòn này nhỏ xíu mà phải không anh?”
Tôi sờ tay lên ngực áo. Bao nilông đựng giấy tờ tiền bạc vẫn còn nguyên. Tôi nói:
“Hôm nay tôi cũng vừa nhận được tiền của một người bạn cũ.”
“Trời ơi! Sao kỳ vậy! Vậy thì mình ăn mừng đi chớ! Mà anh có giấy bảo lãnh không?”
“Có. Có cả giấy bảo lãnh. Nhưng một người bạn bảo lãnh thì ăn nhập gì phải không?”
“Công an quận nó không chịu đâu. Phải cha mẹ bảo lãnh con cái hoặc con cái bảo lãnh cha mẹ anh chị em kìa!”
(Còn tiếp)