DUYÊN DÁNG ĐÔ THỊ VEN SÔNG
Biên Hòa (BH) quê tôi là một thành phố nhỏ xíu nhưng yên bình với dòng sông Đồng Nai (ĐN) hiền hòa bao quanh.
BH không ồn ào náo nhiệt như Sài Gòn (SG), không có những thắng cảnh đẹp như Đà Lạt, Đà Nẵng, Nha Trang… nhưng thành phố của tôi có những góc nhỏ duyên dáng và dễ thương khiến người dân bản địa sẽ nhớ hoài như: con đường đẹp dốc tòa, con đường Nguyễn văn Trị (NVT) dọc theo bờ sông, Đình Tân Lân, Cù lao phố, di tích Thành Kèn, Công trường Sông Phố, con đường Trịnh Hoài Đức, Đài Kỷ niệm, Cầu Gành hay chỉ đơn giản là con dốc Trường Ngô Quyền đã đi vào văn chương tuổi học trò (Con dốc cổng trường) của nhà văn Nguyễn Thái Hải ... Những góc nhỏ duyên dáng ấy đã góp phần làm nên bản sắc văn hóa của BH và là suối nguồn cảm xúc trong tâm hồn những người con BH nặng lòng với quê hương xứ sở.
Trong những góc nhỏ duyên dáng ấy, tôi có ấn tượng nhiều nhất là dòng sông ĐN chảy qua trung tâm BH, nổi bật nhất là chiếc Cầu Mát với kiến trúc xinh xắn và tao nhã vươn thẳng ra sông trên đường NVT. Ngày xưa những năm 60s, vào những đêm cuối tuần sáng trăng, Ba Mẹ tôi thường đưa cả nhà đi hóng mát tại đây. Tôi thích đứng trên Cầu Mát ngắm cảnh bờ sông bên phía Chợ Đồn-Hoá An lung linh huyền ảo dưới ánh trăng, ngắm nhìn những chiếc thuyền câu chầm chậm khua nước lướt trên mặt sông và đón làn gió sông mát dịu. Những kỷ niệm ngọt ngào ấy đã len lỏi vào tâm hồn tôi ngay từ lúc còn thơ bé và tôi đã cảm thấy yêu mến dòng sông ĐN vô cùng. Nhờ tọa lạc bên cạnh dòng sông hiền hòa này, BH đã trở nên trở nên đẹp và quyến rũ hơn.
Gần đây, trong một lần về thăm quê, tôi thật sự đã choáng ngợp trước sự thay đổi quá nhanh của BH: đường sá mở rộng và thêm nhiều con đường mới, phố xá khang trang sạch đẹp. Hàng quán mở ra nhiều, ẩm thực đa dạng với những món ăn đặc sắc… BH đã trở thành một đô thị náo nhiệt, sầm uất không kém gì SG. Với tốc độ đổi mới quá nhanh, BH giờ đây trẻ trung và hiện đại hơn, nhưng với góc độ của một người con BH sống tha hương và có chút hoài cổ, tôi cảm thấy dường như những góc nhỏ duyên dáng vốn là niềm tự hào riêng của BH sẽ dễ bị quên lãng trước sự phát triển nhanh chóng của một đô thị năng động, nếu không có kế hoạch bảo tồn tốt.
Xét về địa thế, trung tâm BH nằm bên cạnh dòng sông ĐN thơ mộng, là một đô thị gắn liền với dòng sông, nên có thế mạnh tự nhiên để phát triển du lịch gắn liền với sông nước. Tiềm năng du lịch này nếu được quan tâm khai thác đúng mức sẽ thu hút được khách du lịch trong và ngoài nước, đặc biệt là hấp dẫn giới trẻ đến với BH nhiều hơn.
Tôi được biết trung tâm SG cũng có địa thế ven sông như BH và gần đây, các nhà quản lý du lịch đã đánh giá đúng mức tiềm năng của dòng sông, họ đã tổ chức lễ hội Sông Nước, lễ hội “ Trên bến dưới thuyền” để vinh danh dòng sông. Đặc biệt, SG đã có tour Bus Sông (Waterbus) để đưa khách đi ngao du ngắm cảnh dọc theo sông SG, ngoài ra còn có các hoạt động thể thao dưới nước và sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian ở Bến Bạch Đằng và các công viên ven sông với mục đích truyền cảm hứng du lịch cho du khách đến thăm SG.
Tôi hy vọng trong tương lai, BH quê tôi cũng làm được như vậy để đánh thức dòng sông ĐN, như có thêm những tour Bus Sông đường dài để đưa khách du lịch ngắm những cảnh đẹp hai bên bờ sông ĐN, các bến cảng, phố chợ, ghé thăm Cù Lao phố - nơi từng là thương cảng sầm uất thuyền bè qua lại tấp nập, là nơi giao thương buôn bán của cả vùng Gia Định xưa, ngày nay trở thành một vùng cù lao xanh tươi giữa lòng BH với cảnh trí nên thơ hữu tình, với những cánh đồng lúa trải dài, những vườn cây trái xum xuê …, ghé thăm Làng bưởi nổi tiếng Tân Triều, thăm Bến Gỗ nơi có đội đua ghe nổi tiếng khắp miền đông, thăm khu Công Nghiệp đầu tiên của BH, rồi ghé thăm các làng nghề làm gốm, làm lu truyền thống của các vùng đất ven sông Bửu Hòa, Tân Vạn, Hoá An…
Bên cạnh đó, BH còn có con đường ven sông và công viên NVT tuyệt đẹp với điểm nhấn là cây Cầu Mát duyên dáng, là địa điểm lý tưởng để tổ chức các hoạt động lễ hội, hoạt động nghệ thuật và vui chơi gắn liền với sông nước như lướt ván, dù lượn, flyboard, đua thuyền…
Tôi tin rằng Biên Hòa có đầy đủ tiềm năng về tài lực, địa hình, di sản… để trở thành một đô thị giàu bản sắc văn hóa, một điểm du lịch sông nước hấp dẫn.
Ngày xưa, cũng dòng sông này, tiền nhân BH thời khẩn hoang lập ấp đã nhìn ra tiềm năng lớn lao của dòng sông, họ đã biến vùng đất hoang sơ dọc theo bờ sông thành một thương cảng Cù Lao Phố lẫy lừng của xứ Đàng Trong. Sự phát triển thương mại dựa vào dòng sông vào thời ấy, đã kích thích những ngành nghề thủ công khác của BH phát triển theo, như làm gốm, dệt chiếu, đóng thuyền, đúc đồng… Thuở xa xưa, dòng sông đã từng đem lại sự thịnh vượng, sung túc cho cư dân BH.
Tôi mong sao tiềm năng lớn lao của dòng sông ĐN đi qua BH sẽ được đánh thức, để có thể khai thác tốt nhất các giá trị kinh tế, du lịch, thương mại …
Và tôi cũng ước mong những góc nhỏ duyên dáng khác của BH xưa sẽ được gìn giữ, bảo tồn tốt để thành phố sẽ phong phú thêm về giá trị văn hoá, lịch sử, tăng khả năng thu hút khách du lịch và hội tụ nhân tài khắp nơi về, góp phần xây dựng BH thành một đô thị ven sông duyên dáng, phồn thịnh và phát triển.
(Ảnh sưu tầm)
Hiep Phan_ SJ - 01/2024