BÊN LỀ TRẠI THẲNG TIẾN 10
Ngày Văn Hóa Truyền Thống trại Thẳng Tiến 10
@ Buồn vui với Thẳng Tiến 10 …
Nóng, là ấn tượng đầu tiên của tôi khi nhập trại. Đã được báo trước về “cái nóng sa mạc ” Texas, nhưng tôi không ngờ cái nóng như thiêu khiến tôi có cảm giác … ngộp thở ngay ngày đầu đến trại. Lều của em Đặng Vũ Giang khá rộng, nhưng chỉ vài phút vào lều buổi trưa thôi, là trại sinh sẽ có ngay một trận… tắm hơi!!...
Ban tổ chức dành ưu tiên cho người cao tuổi, nhờ vậy tôi mới được nghỉ ngơi ở cabin dành cho nữ trưởng. Phòng có tám chiếc giường nệm êm ái, có máy lạnh và phòng tắm khá tiện nghi. Chỉ hơi bất tiện một chút, là nơi ở khá xa khu vực sinh hoạt chính của trại. Khu rừng thì rộng, nhiều đường ngang lối rẽ, nên các Trưởng niên khá lúng túng nếu phải cuốc bộ đi về. Ban tổ chức khá chu đáo, khi thông báo số phone của ba tình nguyện viên trong Ban vận chuyển. Để khi cần đi lại, các Trưởng niên có thể gọi các tình nguyện viên đưa đón.
Lịch sử và Văn Hóa dân tộc là chủ đề chính của các kỳ trại Thẳng Tiến, luôn diễn ra trong ngày khai mạc trại. Ngoài việc trưng bày hình ảnh, biểu diễn âm nhạc, hay bày bán các món ăn đặc sản địa phương… thì trang phục dân tộc ba miền Nam – Trung – Bắc được các trại sinh rộn ràng phô diễn. Tôi chọn bộ áo dài trắng đơn giản, cùng chiếc nón lá nho nhỏ xinh, để cùng hòa mình vào không khí sôi nổi của ngày Hội Làng truyền thống. Chỉ tiếc một điều, năm anh chị em cựu HĐS. Trấn Biên – Bửu Long không chụp được một tấm hình chung: Anh Huỳnh Quang Phước không dự full – time, anh Đỗ Quốc Tuyến tất bật với nhiệm vụ vận chuyển. Riêng Đặng Vũ Giang, em cứ như thoi miệt mài chạy khắp trại đổi trao huy hiệu …
*
* *
Chương trình sinh hoạt tiểu trại Trưởng niên Thẳng Tiến 10 khá phong phú, nên những Trưởng “mồ côi” như anh chị em tôi tha hồ “tung tẩy” bất cứ lúc nào. Chuẩn tiết mục ĐỂ tham dự sinh hoạt Trưởng niên, tôi đã mang theo cả trăm đóa hồng cho hoạt cảnh “Hỡi bạn ừ đường xa, hái hoa ừ cho khéo, hoa nào heo héo…”. Tôi đoan chắc, các Trưởng niên sẽ hòa nhịp cùng bài dân ca “Hái hoa” quen thuộc. Tôi trong trang phục áo dài trắng, với vòng hoa tỉ muội phơn phớt tím trên đầu, cùng lẵng hoa trắng đơm đầy những đóa hồng xinh… Tôi vừa hát múa, vừa lượn quanh khán phòng tặng hoa chúc mừng sinh nhật cho các Trưởng niên. Định như vậy, nhưng rồi khí thế hừng hực của “Hội Nghị Diên Hồng” đã “lôi” tôi trôi tuốt tuồn tuột …
Ngay khi đến tiểu trại Trưởng niên, tôi được anh Sóc Lanh Lợi – Lê Anh Dũng nhờ hát phụ cho hoạt cảnh “Hội Nghị Diên Hồng”. Gì chứ bài hát này tôi thuộc nằm lòng, nên tôi hăng hái phụ họa cho tiết mục văn nghệ của Nam Cali. Do thời gian luyện tập quá ít, mấy em nhỏ còn khá lúng túng, nên mấy anh lại đề nghị Trưởng Vinh và tôi … múa phụ các em. Ừ thì múa, Trưởng Vinh và tôi làm “ lính thú đời xưa”, cầm loa chạy trước “vẽ đường” cho các em chạy theo. Hoạt cảnh “Hội Nghị Diên Hồng” dù tập luyện tốc hành, nhưng mọi người “Quyết chiến” rất hăng say, biểu diễn hùng hồn trên sân khấu. Xong vai diễn “ lính thú”, mồ hôi mồ kê tôi tuôn như tắm. Tôi không kịp hóa trang cho hoạt cảnh “Hái hoa ” như dự tính, trong đêm Sinh Nhật Tập Thể của Trưởng niên.
*
* *
Không khí Đêm Sinh Nhật Tập Thể rất xúc động… Trưởng niên nào cũng có ngọn nến thơm, có vòng hoa Sinh Nhật đủ sắc màu tươi tắn quàng vai. Những Trưởng có cùng tháng sinh, lần lượt được mời đặt ngọn nến của mình quanh chiếc bánh Sinh Nhật khổng lồ. Một huynh trưởng đưa vội cho tôi chiếc xà – rông dã chiến bằng sợi nylon, và tôi nhanh nhẹn biến thành sơn nữ:
- Em người Biên Hòa, nhưng đến từ bộ lạc Pleiku…
- Ủa, sao nhiều người từ Pleiku đến vậy ta?...
Thì ra, nhưng Trưởng niên không kịp hóa trang như tôi, hầu hết tự nhận mình người miền núi. Khi tất cả đã cùng gửi gấm lời cầu nguyện an lành, mọi người cùng nhau thổi nến rồi hát vang bài ca Sinh Nhật “Mừng ngày Sinh Nhật Trưởng Niên, Mừng ngày Sinh Nật Trưởng Niên...”
Tôi được biết, dân làng Bách Hợp Dallas & Houston đã bỏ nhiều công sức đầu tư cho Tiểu trại Trưởng niên. Từ ý tưởng thiết kế, đến việc thực hiện chiếc cổng trại thật ấn tượng. Cho đến chủ đề sinh hoạt hằng đêm, chuyến đi thăm Cảng Houston, bữa ăn “hoành tráng” ở nhà hàng đặc sản Kim Sơn... đều được Ban điều hành Tiểu trại Trưởng niên chuẩn bị vô cùng chu đáo. Tôi – cùng các Trưởng niên khác – chắc chắn không thể nào quên sự tận tình chu đáo của các Trưởng trong Ban điều hành, cũng như sẽ nhớ mãi những ngày vui thuộc loại … để đời tại Quán Tê Tê (*)
Sinh Nhật Tập Thể Trưởng Niên
@ Những bất ngờ gặp gỡ ….
Tôi gặp chị Dương Thị Kim Sơn lần đầu tại trại Thẳng Tiến 9 – King City, San Jose, California – Thoáng nhìn bộ đồng phục tôi đang mặc, chị Sơn phán luôn:
- Nữ hướng đạo Việt Nam…
- Đúng rồi chị ơi!...
Chỉ có vậy thôi!...
Lần thứ hai gặp nhau ở kỳ trại 80 năm Hướng Đạo Việt Nam – Camp Tamaracouta, Quebec, Canada – chị Sơn chỉ hỏi tôi:
- Em xin visa đi Canada có khó lắm không?
- Chỉ hơi cực một chút, chứ không khó chị à!...
Cũng chỉ có … vậy thôi!...
Cho đến lần thứ ba, tại trại thẳng Tiến 10 này, hai chị em tôi mới có cơ hội sống chung và cùng chia sẻ với nhau nhiều chuyện đời Hướng Đạo.
Khi tôi đưa cho chị Kim Sơn xem hình ảnh trại họp bạn Nữ Hướng Đạo toàn quốc năm 1974 tại vườn Tao Đàn Sài Gòn, chị Sơn xúc động:
- Em còn lưu giữ được hình ảnh này à?...
Chuyện mới cũ, chuyện xưa nay về đời Hướng Đạo của hai chị em ào ạt tuôn trào… Từng là Ủy viên đối ngoại của Hội Nữ Hướng Đạo Việt Nam trước đây, chị Sơn như “kho tư liệu” sống, đã cho tôi những hiểu biết thêm về hoạt động Hội thời quá khứ.
Bất ngờ hơn, khi tôi được biết chị Dương Thị Kim Sơn là bạn đồng môn Sư Phạm với cô Phan Thị Tốt, giáo sư dạy tôi môn Anh Văn ở trường trung học Ngô Quyền – Biên Hòa. Chị Sơn cũng là đồng nghiệp với thầy Phan Thanh Hoài, cựu giáo sư trung học Ngô Quyền – Biên Hòa, thời thầy Hoài và chị Sơn cùng giảng dạy bậc đại học. Có lẽ nhờ những duyên cơ ấy, mà hai chị em tôi càng trở nên gần gũi, khăng khít với nhau hơn.
Sáng sớm ngày bế mạc trại, đưa chị Sơn ra sân bay mà lòng cảm thấy bùi ngùi, và cay cay khóe mắt. Khoảng cách địa lý quá xa cho lần gặp gỡ, nhưng tôi vẫn hy vọng ngày hội ngộ lần tới của hai chị em tôi sẽ gần thật gần, và chắc chắn sẽ vui thật vui …
*
* *
Tôi đến Lều Báo Chí của trại, gặp anh Hoàng Kim Châu để truy cập internet. Tiếc là đường truyền trong Camp Strake quá chập chờn, nên tôi ngồi lại lều để xem lại bài vở lưu trong laptop. Khi biết tôi là cư dân Biên Hòa, anh Hoàng Kim Châu hướng mắt nhìn về phía chị Phạm Thị Xoàn:
- Bà xã của tôi kia, cũng là dân Biên Hòa…
Tôi hỏi liền:
- Ở Biên Hòa, chị ở phường nào?
- Không, nơi chị ở bi giờ thuộc huyện Nhơn Trạch.
- Vậy chị ở xã nào của huyện Nhơn Trạch?
- Xã Phước Thiền …
- Quê Nội của em cũng ở xã Phước Thiền, ấp Bến Sắn....
Thiệt bất ngờ, gia đình của chị Xoàn cùng quê với Nội của tôi. Nhưng chưa hết, khi tôi hỏi chị có học trường trung học Long Thành không? Chị Xoàn trả lời:
- Chị học trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa.
- Em cũng học trường Ngô Quyền Biên Hòa nè!..
- Vậy em học khóa mấy? Tên gì?..
- Em học khóa mười ba, tên Diệp Hoàng Mai…
- Úy Trời, chị vẫn thường đọc những bài viết của em…
Là người cùng quê, học cùng trường, chơi cùng chung sân “ Web” Ngô Quyền Biên Hòa, cùng là con cháu BP… Thế nhưng phải đợi gần nửa thế kỷ, hai chị em sống cách nhau nửa vòng cầu trái đất, mới tình cờ nhận ra nhau là … bà con. Anh Hoàng Kim Châu ngay lập tức xách chiếc máy ảnh, rồi … lùa hai chị em bước ra khỏi Lều Báo Chí:
- Ra đây mau, ra đây tui chụp liền cho hai chị em tấm hình, đánh dấu “sự kiện” hi hữu này…
Tôi được biết thêm, anh Hoàng Kim Châu cũng là dân du ca gạo cội, cùng thời với anh Nguyễn Đức Quang. Tôi nói với anh:
- Hồi đi học, em tham gia nhóm du ca “ Mùa Hạ” của anh Giang Châu. Khi anh Giang Châu qua đời, nhóm du ca tụi em rã đàn vì không người phụ trách …
*
* *
Ban đầu tôi gọi chị Nguyễn Thị Thu Minh là “Em” xưng “Chị” rất ngọt ngào. Đến khi biết tuổi của chị, tôi hoán chuyển vị trí ngay tức khắc, theo đúng tôn ti trật tự của gia đình hướng đạo sinh. Chị Minh trông rất trẻ so với số tuổi đời của chị. Chị là giáo viên nghỉ hưu, hiện cùng anh Phan Lạc Cảnh – phu quân của chị – sinh hoạt Hướng Đạo ở thủ phủ Brisbane, bang Quennsland nước Úc. Biết chị Minh là giáo viên, tôi khoe liền:
- Em cũng có ông anh ở Úc, là cựu huynh trưởng đạo Trấn Biên, cũng là giáo viên đã nghỉ hưu…
- Anh tên là gì?
- Phạm Phú Hòa chị ạ!...
Chị Thu Minh “Ồ” lên, nói như reo:
- Tưởng ai, chứ anh Phạm Phú Hóa rất thân với anh chị. Hồi đó, anh chị cũng có thời gian ở Melbourne mà! Hay thiệt, chị sẽ điện kể anh Hòa nghe gặp em ở TT 10, anh Hòa sẽ ngạc nhiên lắm!...
Tôi cũng cảm thấy lòng mình rộn rã vui, dưng cảm thấy thân thiết với chị Thu Minh hơn nhờ … anh Phạm Phú Hòa. Cuộc gọi gần đây nhất, giọng cười “sảng khoái” hỏng … đụng hàng của anh Hòa vang trong máy:
- Vợ chồng nhà Cảnh (Minh) này, tụi nó “nghiện” Hướng Đạo y chang Đặng Vũ Giang vậy…
Ngoài ba người chị có mối duyên xưa, chung phòng Nữ Trưởng với tôi ở Thẳng Tiến, còn có chị em khắp bốn phương trời hội tụ: Em Trần Thị Vân Hạc (LĐ Văn Lang) đến từ nước Pháp; Em Hân Vũ (LĐ Gia Định) đến từ Virginia; Chị Lưu Hà (Portland, Oregon); Chị Chu Bạch Yến (Dallas, Texas)…. Cả tám chị em, lúc nào cũng đùa vui nhộn nhịp. Vui đến mức, bà chị cả Dương Thị Kim Sơn cũng hồn nhiên “quậy” theo đàn em “già” … ít hơn mình chút xíu…
Các Nữ Trưởng (từ trái sang phải): Dương Thị Kim Sơn; Phạm Thị Xoàn; Lưu Hà; Nguyễn Thị Thu Minh; Diệp Hoàng Mai.
Tháng 07/2014
Sáo Lý Luận – Diệp Hoàng Mai
(*) Quán Tê Tê : Lều Thư Giãn, địa điểm sinh hoạt chính của Tiểu trại Trưởng niên. Ý nghĩa tên gọi Tê – Tê, tùy vào sự tưởng tượng phong phú của các Trưởng niên. Có khoảng 70 cái tên đã được các trưởng “ áng tác” và mang ra “so cựa”: Tương Tư; Tâm Tình; Tê Tái; Tòn ten; Te Tua; Tự Tin, Thủ Thỉ, Thì Thầm; Thoi Thóp, Thiệt Thà, Thư Thái, Thân Thương …