Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Ngọc Duy Hân: NĂM THÌN NÓI CHUYỆN RỒNG

17 Tháng Hai 20245:25 CH(Xem: 1745)
Nguyễn Ngọc Duy Hân: NĂM THÌN NÓI CHUYỆN RỒNG
NĂM THÌN NÓI CHUYỆN RỒNG
Nguyễn Ngọc Duy Hân

         Lại một năm nữa sắp trôi qua, dù trí thông minh nhân tạo ngày nay đã có thể viết văn, sáng tác thơ, làm phim ảnh một cách dễ dàng, nhưng tôi vẫn thích theo lối cũ, ngồi mò mẫm để viết chút tản mạn chuẩn bị chào đón năm Giáp Thìn 2024. Xin mời bạn chắp đôi cánh rồng, cùng bay lên non, đáp xuống biển mừng Xuân nhé.  
Theo truyền thuyết, rồng là loài vật linh thiêng, đứng đầu trong tứ linh Long, Lân, Quy, Phụng. Rồng có thể phun ra lửa hoặc nước, thăng, giáng, ẩn, hiện khôn lường. Đây là loài duy nhất trong 12 con giáp mà không có thật ngoài đời như chuột, gà, chó, mèo.....
Như người Nhật tự hào mình là con cháu của mặt trời Thái Dương Thần Nữ, người Việt ta cũng rất hãnh diện với truyền thuyết mình là Con Rồng Cháu Tiên. Ông tổ chúng ta tên là Lạc Long Quân, có chữ Long trong đó. Ông lấy bà Âu Cơ sinh ra 100 cái trứng, từ đó mới có dòng dõi Lạc Hồng của chúng ta ngày nay.
Người xưa tin rằng bốn biển lớn là Đông Hải, Tây Hải, Bắc Hải và Nam Hải mỗi nơi đều có một Long Vương ngự trị.
 
Năm Thìn nói chuyện Rồng
 
      Trong tiếng Việt, chữ long (rồng) gắn liền với vua chúa. Mặt vua thì gọi là “long nhan”, người của vua thì gọi là “long thể”, áo vua mặc thì gọi là “long bào”- thường có thêu hình con rồng uốn khúc phía trước - giường vua nằm thì gọi là “long sàng”. Người dân khổ cực thì gọi là long... đong!
Rồng đã được dùng để đặt tên cho các công trình kiến trúc như cầu Long Biên, cầu Hàm Rồng.... Nó cũng là tên của các địa danh như kinh thành Thăng Long, vịnh Hạ Long, Long Biên, Long Điền, Long An, Vĩnh Long, Phước Long, sông Cửu Long…... Các sản vật cũng được mang tên rồng chẳng hạn gạo nếp rồng, quả thanh long, quả đậu rồng, cây xương rồng, hoa móng rồng… Thậm chí râu rồng được coi là loại cao lương mỹ vị chỉ dành cho vua chúa: “Nem công, chả phượng, râu rồng”.
      Ngày xưa khi đi thi tiến sĩ, ai thi đậu sẽ được ghi tên lên “long bảng”.
Trong kinh sách Phật giáo cũng có ghi lại các chuyện liên quan đến rồng, chẳng hạn như chuyện chín con rồng phun nước tắm cho thái tử khi mới đản sinh. Tiếp tới là chuyện Long Vương nghe kinh Thập Thiện hoặc Long Nữ thành Phật… Câu chuyện Long Nữ thành Phật có ý nghĩa rất cao sâu, nhắc nhở rằng tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Khi hội đủ điều kiện nhân duyên thì có thể rũ sạch vô minh phiền não, trở thành bậc đẳng chánh giác hoặc tu thân.
rongmainha_3
Còn trong Thánh Kinh Công giáo, con rồng cũng được nhắc tới qua các câu như: "Liệu ngươi có thả câu bắt được con giao long, lấy dây buộc lưỡi nó..."(G 40, 25).
Thánh vịnh là những bài thơ tán tụng, tạ ơn Chúa trong Cựu Ước - cũng có nhắc tới  con rồng biển, tiếng Anh là sea dragon: "Này đây biển cả bao la, trong đó không biết cơ man bao vật li ti và vật khổng lồ. Có thuyền bè đi lại, Người đã tạo ra hải long ... (Tv 104, 25-26).
Hoặc câu trong Thánh vịnh 74, 12:  "Lạy Thiên Chúa vua của tôi, từ ngàn xưa, chính Người đã làm bay đầu hải long".
Đặc biệt là việc tiên tri Daniel giết rồng. Chuyện rằng thời bấy giờ có một con rồng lớn, cả dân Babylon sùng bái nó, nên vua cũng bắt Daniel phủ phục thờ rồng. Tiên tri trẻ nói với vua:
- Tôi chỉ thờ lạy Thiên Chúa của tôi. Nếu ngài cho phép, tôi sẽ giết con rồng mà chẳng cần đến gươm đao hay gậy gộc.
Rồi Daniel lấy dầu chai, mỡ và lông thú làm thành bánh cho rồng ăn, quả nhiên rồng nứt bụng ra chết, chứng tỏ thần rồng này không đáng để tôn thờ.
4_trongkinhthanh
 
      Kinh Thánh cũng có ghi lại khi Đức Mẹ sanh ra Chúa Giêsu, thì có một dấu lạ xuất hiện trên trời là một con rồng khổng lồ màu đỏ có bảy đầu, mỗi đầu có bảy triều thiên.
Thôi bây giờ xin mời bạn bay trở lại trần gian. Rồng được coi là linh vật nên các vua Việt xưa đã xâm hình lên đùi mình, mãi đến đời vua Trần Anh Tông (1293-1314) mới chấm dứt tục xâm hình rồng đó. Ngày nay dù văn minh nhưng phong trào xâm mình cũng rất phổ thông, nhiều người xâm kín cả người, thậm chí trên mặt với đủ hình dạng, chắc là cũng có hình rồng trong đó.
Những nơi thờ phụng như đình, chùa, nhà thờ, văn bia, bình phong, chuôi kiếm… đều có điêu khắc hình rồng.
Rồng Việt Nam còn gần gũi trong những buổi hội, đình đám như có múa rồng, bơi thuyền rồng… Tôi xin mở ngoặc ngày nay khắp thế giới cũng có "dragon boat", thi đua thể thao bơi thuyền rất nổi tiếng. Hồi 2 con trai tôi còn ở trung học, chúng cũng vào đội "dragon boat" của trường, tập luyện, thi đua rất vui.
       Trong phong thủy, những mạch đất tốt gọi là long mạch. Người sống thì mong chọn được thế đất “Rồng chầu, Hổ phục”, để dựng nhà cửa. Nếu chết thì mơ tìm được huyệt đất “mã táng hàm rồng”, để phát tài phát lộc cho con cháu về sau.
Rồng là biểu tượng của sự cao quý và sức mạnh nên hình tượng rồng được sử dụng nhiều trong kiến trúc cung đình, chùa chiền, trang phục vua chúa. Trong dân gian rồng có nhiều loại và nhiều màu: Thanh long (rồng xanh) qua câu "Tả thanh long, hữu bạch hổ". Hoàng long (rồng vàng) được biết tới với câu “Rồng vàng tắm nước ao tù”. Hắc long (rồng đen) và Bạch long (rồng trắng) được nhắc tới qua câu "Rồng đen lấy nước thì nắng, Rồng trắng lấy nước thì mưa".
Cũng thế, trong ngũ hành, ông bà ta cho rằng Thanh Long tượng trưng cho mộc, Xích Long tượng trưng cho hỏa, Bạch Long tượng trưng cho kim, Hắc Long tượng trưng cho thủy và Hoàng Long tượng trưng cho thổ.
Rồng thường ở những nơi có nước nên có câu “Long đàm Hổ huyệt” hay “hang Hổ, đầm Rồng”.
XIN BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ XEM TRỌN BÀI
 
Bây giờ mời bạn cùng tôi điểm qua trong ca dao, cha ông ta đã có nhiều câu nhắc tới giống linh vật này: "Nhớ chàng như vợ nhớ chồng, như chim nhớ tổ, như rồng nhớ mây”. Hoặc “Thiếp xa chàng như rồng nọ xa mây". Người phụ nữ thì đặt nặng tình cảm nhớ thương thế đấy, còn một số quý liền ông thì lại thấy ngày "vắng nàng" là ngày "nắng vàng" tuyệt đẹp, tha hồ bay nhảy!
Ông bà ta cũng có nhận xét rất tinh tế: “Thế gian được vợ hỏng chồng,
Có đâu như rồng mà được cả đôi”. Quả thế, cặp vợ chồng nào cũng có những khiếm khuyết, cần bù đắp cho nhau, song bích hợp tấu thì cũng có xảy ra, nhưng có đâu cả hai người luôn luôn tài giỏi, hòa hợp mãi. Điều này để nhắc nhở chính mình đừng đòi hỏi quá đáng nơi người phối ngẫu.
Thật là buồn cười khi có người so sánh:
“Lỗ mũi em mười tám gánh lông
Chồng yêu, chồng bảo râu rồng trời cho”.
Quả là khi yếu tiếng Trung - trúng tiếng yêu - thì mù quáng, can ngăn thế nào cũng không nghe.
 
H_5H_5
 
         Trong hội họa, nhiều tranh cổ xưa đã vẽ cảnh hai con rồng ngậm một viên ngọc gọi là “Lưỡng Long Tranh Châu”, hoặc bức họa vẽ rồng với mặt trăng gọi là “Lưỡng Long Chầu Nguyệt”. Người ta phân biệt rồng đực và rồng cái, rồng cái đẻ ra trứng rồi trứng nở ra con. Không có vụ rồng lưỡng tính như con người ngày nay, nhiều nơi cỗ vũ quá đáng cho việc thay đổi giới tính, khuyến khích hôn nhân đồng tính....  
Trong Tam quốc chí thì có nhắc đến "rồng phụng Kinh Châu", chỉ bậc người tài giỏi trong thiên hạ như Khổng Minh Gia Cát Lượng, với tên hiệu Ngọa Long.
        Nói chung, rồng Việt Nam khác rồng của các nước trên thế giới, rất hoàn hảo về mỹ thuật. Thân rồng uốn lượn 12 khúc, đại diện 12 tháng trong năm, tượng trưng sự trù phú của nền văn hóa, nông nghiệp lúa nước.
Ngược lại rồng tây phương bị coi là quái vật với hình tượng hung dữ. Theo tự điển Larousse, rồng là một con vật hoang đường, mình như con rắn nhưng lại có cánh và có đuôi. Theo truyền thuyết Hy lạp, có một vị thần là Achilles, từ nhỏ Achilles được tắm máu rồng nên trở thành mình đồng da sắt, có sức mạnh vô song.
Trong truyện cổ tích Nga hay của một số dân tộc ở châu Âu, rồng thường được miêu tả như một loài bò sát có vảy, cổ và đuôi dài, có 4 chân và có cánh, thổi ra lửa và biết bay, đầu có sừng (tuy "đầu có sừng" nhưng cũng "đừng có sầu"!)
Đến nay ở các vùng ven biển của Đại Hàn, khi lên đồng cầu nguyện cho các vụ mùa, người Hàn vẫn hát bài cúng long vương Yongwanggut.
Trong thần thoại Ấn Độ thì nổi tiếng là loài thú gần giống rồng, có tên gọi là Naga. Naga có nhiều đầu, mỗi đầu là con rắn hổ mang.
rongdat
       Người Trung Hoa xưa căn cứ vào hoạt động của các loài động vật để sáng tạo võ công. Khi rồng bay, móng vuốt của chúng giương ra, nên có Long trảo công. Ỷ Thiên Đồ long kiếm của tác giả Kim Dung đã nhắc tới Long trảo công như một môn võ nổi tiếng của phái Thiếu Lâm.
       Ngoài ra Kim Dung cũng có Hàng long thập bát chưởng - gồm 18 thế của loài rồng, một thế đánh ra đã có thể làm nứt đất, vỡ đá. Bang chúa của Cái bang như Hồng Thất Công (Anh hùng Xạ điêu) hay Kiều Phong (Thiên Long bát bộ) đã dùng chưởng pháp loài rồng này mà thắng được kẻ địch.
Trong thế giới giang hồ, nổi tiếng không kém cũng có các môn võ công Lưỡng long triều nguyệt, Bạch long xuất động, Giao long thám hải; về cú đá có Bàn long cước...
       Nhiều nhân vật chính trong tiểu thuyết võ hiệp cũng được đặt tên theo loài rồng. Chẳng hạn Tiểu Long Nữ, được miêu tả như nàng rồng rất ngây thơ trong sáng, còn Vi Tiểu Bảo trong Lộc đỉnh ký thì lại là con rồng khá láo cá, gian manh. Họ Vi không biết bơi lội nhưng xưng là Tiểu Bạch Long, con rồng này xuống nước là chết đuối. Để làm quan với chức Bạch Long sứ, Vi Tiểu Bảo từng phục tùng Thần Long giáo.
       Nói tới võ công Tàu, chắc không ai quên được người tài tử tài ba có tên Lý Tiểu Long, nổi tiếng trong các phim Kung Fu từ mấy chục năm trước, mà đến ngày nay cũng chưa có ai vượt qua được.
Bây giờ mời các bạn tìm dấu vết rồng trong tác phẩm Kiều của thi hào Nguyễn Du. Chuyện đã có các câu lục bát như: "Giọt rồng canh đã điểm ba, Tiểu thư nhìn mặt dường đà can tâm". Hoặc "Thưa rằng: Lượng cả bao dong, Tấn Dương được thấy mây rồng có phen. Rồi tới: "Trai anh hùng, gái thuyền nguyên, Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng. Và "Giữa dòng nước dẫy sóng dồi, Trước hàm rồng cá gieo mồi thuỷ tinh" chứng tỏ rồng rất quan trọng trong đời sống và trong văn hóa Việt Nam.
Tiếp tục tản mạn về rồng, thì xin nhắc tới âm nhạc. Câu hát có nhắc tới rồng mà tôi biết trong trường ca Con Đường Cái Quan của Phạm Duy là "Cửu long giang... uốn quanh như 9 con rồng..."
Trong bài Bạch Đằng Giang của Lưu Hữu Phước, đã có nhắc tới "giống lạc hồng, giống anh hùng Nam Bắc Trung..."
Hình như nhạc Việt ít nhắc tới rồng, bạn nào biết xin nhắc dùm nhé.
Về thơ cận đại thì có bài Qua Cầu Hàm Rồng Hứng Bút của thi sĩ Tản Đà, từng đăng trên An Nam tạp chí vào năm 1932:
"Hôm xưa chơi ở Dương Quỳ
Trắng phau ngựa trắng, xanh rì rừng xanh
Hàm Rồng nay lại qua Thanh"
H7 
        Múa và viết chữ đẹp thì được ví như “rồng bay phượng múa”, nổi tiếng như bài thơ
Ông Đồ của Vũ Đình Liên với câu "Hoa tay thảo những nét, như phượng múa rồng bay". Tiếc là lâu nay những nét viết chữ bằng tay, thư pháp đã mất dần người sử dụng. Nhất là bây giờ khi trí thông minh nhân tạo phát triển vượt bậc, nhiều nét văn hóa xưa, truyền thống cũ bị xóa dần. Thằng cháu nội của tôi lúc khoảng 3 tuổi, nói còn ngọng mà đã biết hỏi, biết ra lệnh cho Siri, Google rất nhậy, trong khi viết chữ thì như cua bò! Bản thân tôi lâu nay cũng ít cầm bút viết chữ, nếu phải dùng "hoa tay thảo những nét" thì đầu tiên là mỏi tay, sau đó là chữ rất xấu, trong khi hồi còn đi học chữ viết cũng được cho là khá đẹp. Việc tỉnh táo phân biệt thật ảo và bảo tồn văn hóa, đạo đức truyền thống là việc mà tất cả chúng ta đều phải tích cực góp tay.
Khi có khách tới thăm, chủ nhà thường hay khiêm nhường nói “rồng đến nhà tôm”.
Khi có người bày vẽ rườm ra quá đáng, người ta trách sao mà “vẽ rồng vẽ rắn” quá. “Ăn như rồng cuốn" là cụm từ ông bà ta ví von người ăn khoẻ, ăn nhiều.
       Trong dược học Việt Nam, có nhiều vị thuốc mang tên rồng như Ban Long (rồng có đốm) là một thứ cao được bào chế từ sừng hươu đốm. Địa long (rồng đất) được chế từ con trùn để chữa cao huyết áp, nhức đầu, sốt rét. Long nhãn (mắt rồng) là vị thuốc chế từ cùi nhãn phơi sấy khô dùng chữa bệnh suy nhược thần kinh và mất ngủ.
Cây xanh trong nhà thì luôn được khuyến khích chưng trồng, nhưng với cây xương rồng thì các chuyên gia phong thủy lại chê, có lẽ vì chúng có gai. Tôi cũng từng đi qua các khu sa mạc như Las Vegas bên Mỹ, thấy nhiều rừng cây xương rồng gai tua tủa rất đáng sợ.
H8
      Trẻ em có trò chơi gọi là «rồng rắn lên mây» rất vui, Hồi bé bạn có chơi qua trò này chưa? Nhắc tới thì chạnh lòng nhớ lại thời kỳ "bao cấp" hoặc sau 30 tháng 4, 1975, người dân đã phải xếp hàng "rồng rắn" mới mua được vài ký bo bo của chế độ Xã hội chủ nghĩa, thật là một khoảng thời gian đáng sợ. Rõ ràng bọn cầm quyền cộng sản đã bị chủ nghĩa "mác lê" làm cho "mê lạc", gây bao đau khổ cho người dân.
     Lại có câu ví von "trời long đất lở", chữ long này không biết có dính dáng gì tới rồng không, bạn nào túc nho xin chỉ dẫn dùm.
Vì con rồng thuộc loại động vật quý hiếm hơn so với 11 con giáp khác, nên nhiều cặp vợ chồng canh đến năm Thìn mới sinh con. Mẹ tôi tuổi rồng nhưng sống một đời đơn sơ, tôi cũng biết vài người bạn cầm tinh con rồng mà khổ ơi là khổ. Thế thì khi mang thân phận con người là khổ rồi, có sanh vào năm con gì thì cũng thế thôi.  
    Nằm mơ thấy rồng được cho là điềm hên, dân bàn số đề bảo rằng mua số 98 – 99 sẽ được trúng lớn!!!! Tiếc là tôi chưa bao giờ nằm mơ thấy linh vật quý hiếm này, nhưng hay nằm mơ thấy cá, thấy dế, chắc là điềm để nhắc thân phận bọt bèo của mình, "thường dân" chứ không phải "thần dương"!
H9
       Vì hình dáng rồng lạ đẹp, nên các công ty sản xuất xa xỉ phẩm đã đua nhau chào mời khách nhà giàu mua xe mang tên Dragon Phantoms, với những con rồng vàng vẽ bằng tay 2 bên hông xe và thêu rồng trên miếng tựa đầu bằng da. Hãng Versace thì tung ra một kiểu túi sách tay cũng với những hình tượng rồng vàng, dĩ nhiên giá rất mắc nhưng các đại gia Tàu đã tranh nhau mua quá chừng. Đại gia Việt ăn hối hộ kinh khủng nên cũng không ngần ngại mua những hàng "khủng" với giá mắc khó tin, miễn hàng độc lạ để khoe trên "phây book" là vui rồi.
H_10
Hồi xưa mỗi lần Tết đến, ba má tôi hay được tặng bánh đậu xanh hiệu "Bảo Hiên Rồng Vàng" rất quý, bây giờ được biết nhãn hiệu này vẫn còn hoạt động. Hôm rồi có người bạn đem từ Việt Nam sang tặng đúng hiệu bánh này, nhưng ăn không thấy ngon như xưa nữa. Có lẽ lý do chính là không còn không khí gia đình khi có ông bà cha mẹ nữa, mà cũng còn lý do khác là ăn uống bên đây đã dư đầy, không thèm khát thiếu chất đường như xưa.
      Thôi rồng bay nãy giờ cũng đã mỏi cánh, tôi xin để rồng đáp xuống nghỉ mệt ở đây, để nghe tôi than hết một năm, chả thấy gì, chỉ thấy già! Càng già càng thấy nuối tiếc, trân quý các kỷ niệm và giá trị xưa. Nhưng nghĩ lại thấy mình thật may mắn, sống ở hải ngoại no đủ, nên thương cho những nơi còn nghèo khổ, ngày xuân phải đối mặt với vấn đề là ăn Tết hay bị Tết ăn, tức là ngày xuân lại thêm gánh nặng phải lo làm sao để có manh áo mới mừng tuổi con cháu, làm sao để sắm được cành mai, chút thức ăn để cúng kiến ông bà. Tết đến mong có miếng thịt nhưng chỉ có thịt .... lừa, vì chuyện lừa lọc luôn xảy ra ở Việt Nam, mơ hão chi cho hao mỡ!
     Cuối năm mạt Chạp, xin chúc bạn những điều tốt đẹp nhất. Chúc riêng các bà vợ ở xứ lạc hậu không bị ăn bánh đập, bánh tét! Chúc các ca sĩ uống được ly ca-cao để giọng ca luôn được cao. Chúc dù ngoài sân tuyết trắng không còn "lá xanh" nhưng không bao giờ "lánh xa" nhau. Ước gì điều tốt lành luôn nở hoa, điều xấu không nở họa. Ước gì chúng ta dù phải sống ảo với các phát triển công nghệ, sống ảo nhưng không sống ẩu! Ước gì hình ảnh con rồng với những biểu tượng cao quý sẽ mang lại cho bạn niềm vui, sức mạnh trong những ngày xuân mới.
Happy New Year, Happy New You.
 
Nguyễn Ngọc Duy Hân
03 Tháng Hai 2009(Xem: 80784)
  Trong những giây phút thiêng liêng ấy, tôi sực nhớ lại hình bóng người Ông khả kính: ông ngoại PHAN VĂN NGA, nguyên Trưởng Ty Tiểu Học tỉnh Đồng Nai (trong chế độ cũ).
03 Tháng Hai 2009(Xem: 74244)
  Tôi bắt đầu lên tỉnh học từ 1960. Ba mất sớm, nhà quá nghèo, anh chị em lại đông. Trong suốt thời gian đi học, tôi đã làm rất nhiều nghề để có tiền sinh sống, nổi bật nhất là nghề dạy kèm.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 65813)
  Tôi chỉ viết về những năm đầu tiên mà ký ức của tôi còn lưu giữ. Sau này, khi tập hợp được các anh em ở những niên khóa sau, lần lượt chúng ta sẽ đúc kết thành một bản danh sách hoàn chỉnh.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 78675)
  "Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi, rơi trên bục gỗ, rơi trên tóc thầy...” Tiếng nhạc từ phòng con gái của tôi vọng sang, làm tôi hồi tưởng lại những bàn ghế cũ, phấn trắng, bảng đen...
30 Tháng Giêng 2009(Xem: 68878)
Cũng nhờ vậy rất nhiều cánh chim NQ lạc loài ở phương trời xa tìm về liên lạc được quý Thầy Cô và bạn học năm xưa. Điển hình chúng tôi ở Âu Châu mừng quá khi nhận và đọc được 2 quyển báo học trò đó, tưởng chừng như thấy lại thời NQ xa xưa.   Đặc biệt tìm thấy trong đó có cả một vườn thơ Tao Đàn đủ sắc hoa rực rở.
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76292)
  Hỡi cô Cựu Nữ Sinh Ngô Quyền, hỡi cô bạn hàng xóm của tôi ơi!   Tôi rất cảm phục và trân quí cô.   Nếu giữa cô và tôi không có thứ tình cảm nào khác thì trong tôi sẵn có có một thứ tình keo sơn gắn bó với cô từ lâu, từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, kéo dài cho đến tuổi…sồn sồn bây giờ và tuổi già sắp tới, đó là tình bạn.   Còn cô thì sao?
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76878)
Từ chia tay ở Tân Mai, tôi không hề biết Th giờ ra sao? Cuộc chiến qua đi thật xa. Bao thăng trầm trãi xuống cho quê hương, cho đời người. Thì thôi, hãy là những lời cầu nguyện bình an cho nhau. Dẫu mai đời có thế nào?
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73918)
  “Muốn sang phải bắt cầu Kiều, Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy”  
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 74024)
( Tựa bài được đặt theo hai câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên “ Người muôn năm cũ bây giờ ở đâu?” để thành kính thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến các Thầy Cô đã về với “hạc nội mây ngàn”, và các Cựu học sinh NQ đã vĩnh viễn “bỏ cuộc chơi”).
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72751)
    Có lẽ mọi người đang thắc mắc tại sao lại gọi là đứa con nuôi của trường Ngô Quyền? Bởi vì hầu hết các học sinh được vào học bắt đầu từ lớp 6 và trưởng thành ở lớp 12 rồi vào đại học, nên được xem như con đẻ...
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72108)
    * Bài viết cho linh hồn thầy Nguyễn Phong Cảnh, một tinh thần đáng học hỏi cho toàn thể hội viên Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền Biên Hòa.      
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 75618)
  Qua những hình ảnh, các bài viết của thầy cô bạn bè, chúng ta đang thấy lại từng khuôn mặt, dáng hình, tính cách của các ân sư, đưa chúng ta trở về con đường phát triển của mái trường xưa. Qua đó, câu nói “Cơm Cha-Áo Mẹ-Công Thầy” càng mang ý nghĩa sâu đậm hơn!
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 74315)
Dẫu cho ngày tháng có phôi pha, buồn vui dù ít hay nhiều đều là những kỷ niệm đẹp của một thời áo trắng…Hy vọng những cuộc tương ngộ, trùng phùng của ngày hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta một quá khứ ươm bằng mật ngọt, và mãi cầu mong một tương lai đến cho vừa đẹp lòng người.
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 80568)
  Có những sự việc tình cờ suy gẫm lại hình như được sắp xếp sẵn. Y và tôi ngồi cạnh nhau, từ ngày học Thất 2 cho đến khi ra trường. Ban đầu tôi rất ghét cái tính thật thà   thẳng tánh của Y, vì nó dám nói rằng trường tiểu học Trần Quốc Tuấn ở Tam Hiệp, nơi tôi đi học, chưa hề nghe nói đến. Trái lại Y là học sinh giỏi của trường Nữ Tiểu Học Biên Hòa .
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 74156)
Học sinh Ngô Quyền ngày xưa, lưu lạc bốn biển năm châu, với đời sống rất riêng của mỗi người, nhưng hình như chúng tôi vẫn có một tập hợp giao, giống nhau ở chỗ chúng tôi vẫn kính trọng và biết ơn tất cả các thầy cô như từ thuở nào, chúng tôi còn nhỏ dại, ngồi ở ghế học trò của trung học Ngô Quyền.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 75926)
Thật ra, nói bạn tôi là bà mai không đúng mà cũng không sai. Không đúng vì làm gì có chuyện Ngọc Dung giới thiệu tôi với anh Nhiên. Nhưng không sai vì nếu không chơi thân với Dung thì không chắc tôi vướng lụy lưới tình...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69274)
  Những thằng bạn ấy bây giờ ra sao rồi nhỉ? Mới chỉ có hơn ba mươi năm, lớp Tứ Bốn giờ đây có bạn sắp sữa hồi hưu, có bạn đã làm ông nội, ông ngoại, có bạn đã vĩnh viễn ra đi, nhìn lại mình, mái tóc muối đã có phần nhiều hơn tiêu.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 73864)
         Ngày vui sao qua mau!   Cuộc vui rồi cũng đến lúc chia tay. Những ngày qua, bọn chúng tôi như sống lại thuở học trò vui vẻ, vô tư không chút gì vướng bận. Có lẻ không ai phủ nhận thiên đường học sinh trong mỗi chúng ta ai cũng có...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69444)
  Đến rồi đi, đó là lẽ vô thường sống động nhất của tạo hoá không dành một biệt lệ cho ai.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 66626)
  “Hãy đến với nhau một lần vì sợ rằng sẽ không còn được thấy nhau nữa” .