Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thanh Dương - HỌC TRÒ THỜI NAY

27 Tháng Giêng 202411:05 CH(Xem: 1575)
Nguyễn Thị Thanh Dương - HỌC TRÒ THỜI NAY

 

HỌC TRÒ THỜI NAY


ThanhDuong

Thảo gọi phôn cho tôi và mở đầu bằng một câu than thở:

- Khiếp quá, nếu mình là cô giáo ở Việt Nam thời buổi nay là không yên thân với lũ học trò và cả phụ huynh  luôn. Nghề dạy học cao quý bây giờ xuống cấp rồi.

Thảo bạn học Trung học với tôi ở Việt nam. Trước 1975 nàng vào ngành sư phạm và  yêu nghề này lắm. Tôi hỏi:

- Chắc bạn mới đọc tin trên báo mạng Việt Nam vụ học trò ở Tuyên Quang nhốt cô giáo trong lớp và ném rác ném đồ vào cô giáo hả?

- Ừ, ở Đồng Tháp có vụ phụ huynh túm tóc đánh cô giáo giữa sân trường nữa cơ, hành xử “bạo lực” như giang hồ ấy.

- Vụ này mình cũng đọc. Bố và bà nội thể hiện ”tình thương con thương cháu vô bờ bến”, đến “xử tội” cô giáo vì dám tát con cháu họ dù cô giáo đã biết điều gọi phôn đến nhà xin lỗi.

- Cô giáo Tuyên Quang và cô giáo Đồng Tháp kia dù có sai trái, đám học trò và phụ huynh  tấn công cô giáo càng sai trái hơn…

Thảo kể thêm:

- Vì mình từng là dân sư phạm nên luôn quan tâm đến những gì liên quan mà buồn. Đấy là phần thày cô giáo là nạn nhân của học sinh, còn học sinh là nạn nhân của chính bạn học thì đếm không xuể, tại thành phố Hồ Chí Minh nam sinh bị bạn đâm dao thủng cổ. Tại Long An nữ sinh lớp 8 bị nhóm bạn lột áo, đánh bằng mũ bảo hiểm đến chấn thương phần đầu và cổ. Đứa thì đánh, đứa thì đứng quay video lát sau phát tán lên mạng. Chúng chẳng sợ gì ai, coi trời bằng vung.

Tôi cũng đã từng xem trên báo net Việt Nam những đoạn video nhóm  nữ sinh xúm vào đánh hội đồng 1 đứa bạn vì tội gì đó, các nữ sinh mặc áo dài mà “vũ phu” dơ chân múa tay “tung chưởng” tấn công đấm đá tới tấp vào người nạn nhân mặc cho nạn nhân bò lê bò càng ra chịu trận, khóc lóc và hết lời van xin tha tội. Ôi, tội nghiệp những tà áo dài Việt Nam dịu dàng tha thướt mà kẻ mặc nó tính cách hung dữ côn đồ mang danh là nữ sinh. Những học sinh này không biết đến “Tiên học lễ hậu học văn”  và môn công dân giáo dục là gì.  Dù đó chỉ là một thiểu số học sinh hư nhưng vẫn đáng lo đáng buồn cho ngành giáo dục nơi quê nhà.

Thảo tiếc nuối nhớ về quá khứ:

- Ngày xưa học trò tụi mình thật là ngoan, thày cô giáo là thần tượng của mình, một lòng yêu kính tin cậy và vâng lời thầy cô dạy bảo, tình cờ gặp thày cô ngoài đường mình còn rụt rè e ngại nào dám lại gần nói chi chuyện động tay động chân như học trò ngày nay.

Tôi bổ sung vào:

- Với bạn bè nếu có xích mích chỉ giận hờn nhau nhẹ nhàng như mưa bóng mây, chẳng mấy khi chúng ta giận dữ cãi nhau với bạn học chứ đừng nói là đánh nhau đấm đá túm tóc chảy máu bị thương như học trò ngày nay.

Thảo tỉ tê kể:

- Mình nhớ hồi cấp hai lúc tan học có lần thày giáo nhờ mình giữ giùm thày cái cặp táp khi thày bận ôm một đống sách vở lên phòng học vụ. Ôi, mình đứng trước cửa lớp khư khư ôm chiếc cặp của thày với niềm sung sướng và hãnh diện vô biên, vì cả lớp có mấy chục đứa học trò má thày chỉ nhờ mình, thế mới oai. Giá ngay lúc ấy có kẻ cướp đến giụt chiếc cặp táp của thày chắc chắn mình sẽ gào khóc và bảo vệ chiếc cặp của thày đến….hơi thở cuối cùng luôn.

Tôi cũng có kỷ niệm để khoe với Thảo, những kỷ niệm mà tôi chẳng bao giờ quên:

- Còn mình hồi lớp nhất ban đầu mình học thày Muôn, thày bệnh mình và Tới nhỏ bạn cùng xóm đã lò mò đến Tổng Y Viện Cộng Hòa thăm thầy, sau đó thày Muôn nghỉ dạy, học cô giáo Bích, có một buổi chiều mình và Tới rủ nhau đến nhà cô chơi. Hai đứa đi bộ từ nhà đến hẻm chùa Huỳnh Kim, Hạnh Thông Tây, quẹo vào xóm nhỏ vừa đi vừa hỏi thăm đến được nhà cô giáo Bích hai đứa mừng như bắt được vàng. Thày cô vừa ăn cơm xong, thày đang nằm võng tòn ten nghe đài radio bên cạnh, cô Bích đang dọn dẹp bàn ăn, thế là mình và bạn cùng phụ cô, đứa rửa bát đứa quét nhà sạch sẽ, sạch hơn khi quét nhà mình nữa cơ. Nhà cô Bích có một cây chùm ruột trước sân, chẳng có gì làm quà cho hai đứa học trò cô bèn ra hái một rổ chùm ruột chín vàng trên cây vào chấm muối ớt. Chùm ruột chua mà hai đứa cùng hí hửng ăn, vì chua thì chua nhưng của nhà cô giáo vẫn quý và ngon hơn mua ở chợ.

Thảo cười khúc khích:

- Mình cũng thế, đi ngang nhà cô giáo, nhìn vào sân thấy con chó nhà cô cũng… dễ thương làm sao.

…………………..

Sau 1975  Hàng xóm tôi có gia đình bác Tâm, đời cha bác, đời bác đều là nhà giáo. Bác Tâm có 3 người con gái Lan Huệ Cúc, bác khuyên ba con thi vào sư phạm “nối nghiệp” cha ông. Ba cô Lan Huệ Cúc ngoan ngoãn vâng lời cha dù ngày nay không phải ai cũng quan niệm nghề giáo cao cả như suy nghĩ của cha mình, dù “ Nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà giáo. đều là nhà…nghèo.” có mấy ai giàu đâu, chưa kể nghề giáo phần nhiều là phái nữ ít đồng nghiệp nam, nên cô giáo thường bị…ế chồng.

Mỗi năm đến ngày nhà giáo học trò tặng hoa tặng quà cho thày cô. Nhà bác Tâm đầy hoa không biết cắm vào đâu nữa, bác gái bảo mấy nhà hàng xóm sang nhà bác lấy hoa về mà cắm cho bác bớt chật nhà. Thế là hàng xóm được hoa đẹp miễn phí, được “ thơm”  lây vinh dự ngày nhà giáo.

Tôi cũng có hai người em là nhà giáo nên thông cảm vụ này lắm. Thời bao cấp cả nước đói nghèo, học sinh nào tặng thày cô hiện vật hay hiện kim bỏ vào phong bì thì quý biết bao còn hoa thì đẹp đấy nhưng chỉ nhìn bằng mắt, nhiều hoa quá mà bụng đói thì thày cô cũng…. hoa cả mắt.

Hai bác Tâm luôn hãnh diện gia đình mình từ cha ông đến con cái nghề nghiệp trí thức. Ngày ấy cô Lan con gái lớn quen và yêu một anh công nhân trong xóm nhưng hai bác nhất định phản đối, chê anh công nhân không xứng với con gái cô giáo của họ. Vài năm sau anh công nhân lấy vợ có hai con rồi mà cô Lan vẫn ế chưa có một tấm chồng tương xứng. Lúc ấy bà giáo Tâm mới kinh nghiệm “xuống nước” để gả hai cô con gái còn lại kẻo …bị lây cái ế của cô chị.

Ba cô giáo Lan Huệ Cúc ở nhà hiền ngoan đến trường lại là cô giáo giỏi, tư cách đàng hoàng nên được học trò yêu mến, học trò các cô thường đến nhà chơi. Những thày cô tư cách như thế thì trò nào dám lờn mặt dở thói côn đồ cho được.

………………………………..

Ngày nay lứa tuổi học trò của mấy chục năm trước, các cựu học sinh trường lớn trường nhỏ, trường ở ngay thủ đô Sài Gòn hay ở những tỉnh thành xa hiện đang sống tại hải ngoại, dù tuổi đời những học trò đã cao , có “trò” đã lưng đau gối mỏi, cao mỡ cao máu ngày uống mấy loại thuốc nhưng các “trò” vẫn háo hức chờ mong ngày họp mặt hàng năm hoặc vài ba năm một lần để gặp lại thầy cô bạn bè, cùng nhớ lại những kỷ niệm đẹp thuở áo trắng học trò.

Không biết mấy chục năm sau những lứa tuổi học trò ngày nay tại Việt Nam họ cũng sẽ họp mặt trường lớp cũ, họ cũng có những kỷ niệm đẹp dưới mái trường xưa với thày cô, bạn bè, nhưng bên cạnh những kỷ niệm đẹp ấy họ có quên được không những vụ bạo lực học đường mà họ đã là nạn nhân hoặc nhân chứng một thời?


Nguyễn Thị Thanh Dương

( December 28, 2024)

 

24 Tháng Hai 2024(Xem: 1372)
Người già tức là người lớn tuổi, còn gọi là người nhiều tuổi hay người cao niên… Thế thì bao nhiêu tuổi mới được gọi là người già, người lớn tuổi hoặc người cao niên?
23 Tháng Hai 2024(Xem: 1296)
Tình yêu thật sự đã hiếm; tình bạn thật sự còn hiếm hơn”. Tình bạn giữa tôi và Cát Đằng quả là hiếm có. Cát Đằng, tên một loài hoa leo có màu xanh pha tím, mỏng mảnh. Bạn tôi cũng dịu dàng, mềm mại, quý phái như hoa.
23 Tháng Hai 2024(Xem: 1786)
Khi hay tin một người bạn đồng nghiệp mới qua đời làm tôi hồi tưởng lại những kỷ niệm khi tôi mới bước chân vào nghề. Những kỷ niệm có vui có buồn đã theo tôi suốt cả cuộc đời dù muốn quên cũng không quên được.
17 Tháng Hai 2024(Xem: 1631)
Lại một năm nữa sắp trôi qua, dù trí thông minh nhân tạo ngày nay đã có thể viết văn, sáng tác thơ, làm phim ảnh một cách dễ dàng, nhưng tôi vẫn thích theo lối cũ, ngồi mò mẫm để viết chút tản mạn chuẩn bị chào đón năm Giáp Thìn 2024.
17 Tháng Hai 2024(Xem: 1625)
Làm sao quên được cái thời hoang sơ của thành phố Đà Lạt. Phong cảnh hữu tình và người thì dễ thương…
16 Tháng Hai 2024(Xem: 1498)
Ý Như Vạn Sự là sự bùng vỡ của Trí Tuệ và Từ Bi cùng lúc. Trí Tuệ vì nhận chân bản tánh Như của vạn sự. Từ Bi vì sự bùng vỡ của tình thương yêu bình đẳng đối với vạn sự, cho phép vạn sự là chính nó, tự vận hành theo chu kỳ tuần hoàn sinh-trụ-hoại-diệt của chính nó.
16 Tháng Hai 2024(Xem: 1565)
Hà ô Lôi là ai nhỉ? Chỉ được biết Hà Ô Lôi là một tiếng hát tuyệt vời, ảo diệu có thể làm mê hoặc lòng người. Nhưng vì cách đây đã năm thế kỷ nên không có cách gì ghi lại được tiếng hát đó. Người đời sau muốn nghe lại được nó, chỉ còn mỗi một con đường : nghe câu truyện kể về Hà ô Lôi
16 Tháng Hai 2024(Xem: 1251)
Bởi vậy, nếu có chàng nào ngơ ngác lạc vào xóm tui, hỏi nhà cô Loan, thì phần nhiều sẽ nhận được câu trả lời rất... chảnh, rất lạnh lùng rằng: - Xóm này hổng có ai tên Loan hết á! Ủa, đang yên đang lành, Tết đến mần chi, để tôi bỗng nhớ da diết xóm cũ thương yêu của tôi thế này! Thôi, tui đi khóc đây.
07 Tháng Hai 2024(Xem: 2322)
Trong cuộc sống của chúng ta đôi khi có những cuộc gặp gỡ thật tinh cờ … dù ngắn ngủi nhưng cũng để trong lòng nhau những tình cảm quý mến chân tinh và trân trọng
06 Tháng Hai 2024(Xem: 1214)
Phải chăng Tiếu ngạo giang hồ thể hiện được tính lãng mạn cao độ, khát vọng tự do của con người? Phải chăng đó cũng là tâm thức và nỗi khát vọng của chính tác giả Kim Dung?
05 Tháng Hai 2024(Xem: 1222)
Các cựu học sinh nổi tiếng của trường này là hoàng đế Bảo Đại, quốc vương Sihanouk, tổng trưởng dân vận chiêu hồi Hoàng Đức Nhã, chuẩn tướng Dương Mộng Bảo…
03 Tháng Hai 2024(Xem: 2832)
Có thể nói đọc báo Xuân trong những ngày Tết là thú tiêu khiển tao nhã, là món ăn tinh thần lành mạnh, là nét đẹp văn hóa của cha ông đã có từ xa xưa,
29 Tháng Giêng 2024(Xem: 1487)
Tết con rồng thứ ba của thế kỷ 21 sẽ bắt đầu từ ngày 10 tháng 2 – 2024. Mong rằng suốt năm con rồng đừng có thêm biến cố chết người để khỏi nghe các lời bàn của các nhà mê tiên tri
28 Tháng Giêng 2024(Xem: 1459)
Trong phạm vi bài này xin chỉ nhắc đến một số trường trung học tiêu biểu ở các đô thị lớn như Sài Gòn, Huế , Cần Thơ...
27 Tháng Giêng 2024(Xem: 1464)
Tôi chỉ kể chuyện cá nhân chứng kiến (bên đây), và xem video ( bún chửi Hà Nội), chớ không vơ đũa cả nắm cho bất cứ nơi chốn nào.
26 Tháng Giêng 2024(Xem: 1783)
Thưa đó là những thành phần có ăn học, được các chính phủ thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa cho học bổng đi học tại Pháp, tại Mỹ,
15 Tháng Giêng 2024(Xem: 2787)
nhưng thành phố của tôi có những góc nhỏ duyên dáng và dễ thương khiến người dân bản địa sẽ nhớ hoài như: con đường đẹp dốc tòa, con đường Nguyễn văn Trị (NVT) dọc theo bờ sông
11 Tháng Giêng 2024(Xem: 1427)
Trong phạm vi bài này xin chỉ nhắc đến một số trường trung học tiêu biểu ở các đô thị lớn như Sài Gòn, Huế , Cần Thơ, Mỹ Tho.
02 Tháng Giêng 2024(Xem: 2025)
Nhìn cái mỏ chu chu của thằng con đưa ra chực chờ hôn phá mẹ, hai tay nó đưa ra lo le thọc lét, tôi tuột vội xuống giường chạy ra khỏi phòng: - Thằng khỉ gió đừng thọc lét mẹ, mẹ đầu hàng.