Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - TRI ÂN THẦY CÔ

23 Tháng Mười Một 20226:39 CH(Xem: 5376)
Nguyễn Thị Thêm - TRI ÂN THẦY CÔ
Tựa Tri Ân Thầy Cô


Lễ Thanksgiving  đã tới, người học trò ngày xưa giờ đã già. Càng già càng lắng lòng mình nhớ về trường xưa, thầy cũ. 

Một người 75 tuổi ngồi nhớ về thời còn đi học, bàn tay nhăn nhúm bấm máy viết về kỷ niệm xưa chẳng khiến cho bầy cháu ngoại, cháu nội ngạc nhiên sao?

Tụi nó ngạc nhiên là phải, bởi vì rời khỏi ngôi trường dường như chúng bỏ lại sau lưng quá khứ và chỉ hướng  tới tương lai. Thầy chẳng qua đưa chúng một đoạn đường rồi chia tay, chúng quên hết mọi việc khi bước vào một toa tàu mới.

Người học trò Việt Nam bước đi tới nhưng vẫn không quên con đường mình đi, người thầy dạy mình và một tuổi học trò trong veo hạnh phúc.

Có lẽ ngày đó với một nền giáo dục nhân bản, thầy ra thầy, trò ra trò, bổn phân đối với cha mẹ, xã hội và tổ quốc đã in sâu vào tâm trí những con người được ví là "Tương lai của đất nước"

Muốn sang phải bắt cầu kiều
Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy.

Mỗi ngày đi học, trên bảng đen, thầy cô đã ghi một câu tục ngữ hay ca dao về đạo đức để học trò hiểu nghĩa và thấm nhuần. Cho nên học trò chúng tôi giữ mãi trong lòng câu nói: "Trọng Thầy mới được làm Thầy" Người Thầy tượng trưng cho sự thanh khiết, cao thượng và trí thức. Người học trò kính trọng thầy không phải là lễ mễ chào thầy mà phải biết áp dụng lời thầy dạy trong cuộc sống hàng ngày.

Ở nhà tôn trọng hiếu kính ông bà cha mẹ, anh em thuận hòa, kính trên nhường dưới, chia sẻ trách nhiệm, bảo bọc lẫn nhau.

Ra đường phải biết kính già yêu trẻ, giúp đỡ người khó khăn, trẻ con, người đau yếu, người tàn tật.

Ngoài xã hội phải biết quý người lao động, tôn trọng người chết, không tham lam, ăn nói lịch sự, tôn trọng luật pháp...

Biết bao nhiêu điều thầy đã giáo huấn in vào óc, đã thấm vào máu để lưu giữ một con người có đạo đức, có trách nhiệm với gia đình, xã hội, đất nước. "Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời". Do đó người thầy ảnh hưởng thật lớn trong đời sống hàng ngày. Thầy không ra gì, kiến thức sai lạc, đạo đức không có sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của cả một dân tộc.

Ngày lễ Thanksgiving của Mỹ, mỗi năm chúng tôi đều vào trang "Một Góc Thầy Trò" để tri ân thầy cô. Những người đã gieo hạt giống tốt lành cho chúng tôi vào đời. Những người đã lái con đò đưa chúng tôi vượt qua sự dốt nát của mình.

Tôi không bao giờ quên ông thầy giáo già dạy lớp nhì trường làng. Thầy nói tiếng Tây như gió, viết chữ rất đẹp và dạy học trò nghiêm khắc vô cùng. Tuy nhiên thầy cũng rất văn minh, không phân biệt trai gái. Ai trả bài tình nguyện sẽ được thầy khen thưởng và truy bài mấy đứa không chịu học.Thầy phân từng nhóm để người khá kèm người yếu. Thầy mở ra cho làm toán chạy để kích thích sự nhạy bén và thông minh của học trò. Khi cho vẽ một món đồ, thầy đem nó để lên bàn và học trò phải vẽ cho thật giống. Lớp nhì nhưng trường do chủ Tây thành lập nên học trò phải học tiếng Pháp. Thầy truy bài hàng ngày, hướng dẫn rõ ràng văn phạm và chia động từ tiếng Pháp rắc rối. Các quan giám học của Tây lâu lâu về kiểm tra học trò hỏi bằng tiếng Pháp mới đáng sợ. Sai một từ coi chừng bị thầy cho nằm dài xuống đánh đòn thật đau.

Thời đó cha mẹ gửi con đi học đều nói một câu y chang như nhau:

- Xin thầy cứ đánh thẳng tay dùm cho chúng tôi.

Cho nên ông thầy giáo già có nhiều chiêu đánh học trò rất lợi hại mà tôi không thể nào quên.

- Nếu không thuộc bài, làm biếng, đánh lộn sẽ nằm dài xuống đất thầy đánh bằng roi mây đau điếng.

- Đứa nào làm toán sai, viết chính tả sai, móng tay, bàn tay dơ, vỡ dơ sẽ bị khẻ tay bằng cây thước kẻ to bản bằng gỗ mun.

- Đứa nào nói chuyện trong lớp sẽ bị cú đầu từ xa bằng gốc cây roi mây thật dài thầy cầm trong tay.

- Đứa nào nhiều lần không làm bài, thuộc bài sẽ bị quỳ xơ mít.

Tuổi còn nhỏ nên học trò sợ đòn. Tôi nhát đòn nên học chăm chỉ, ngoan ngoãn và được thầy thương nhất trong lớp. Dáng uy nghi của thầy, sự hiểu biết của thầy khiến tôi mơ ước sau này được đi dạy học ngay từ hồi còn nhỏ.

Qua khỏi trường làng, tôi lên học trường Quận. Cô Ba Xuân là cô giáo lớp nhất tôi vô cùng kính yêu và sợ. Nhờ cô, tôi đã được tiếp tục đi học ở bậc trung học đệ nhất cấp.

 

Hồi tôi đi học trường Trung Học Long Thành thầy Nguyễn Thế Kiệt dạy vạn vật. Tôi là một học sinh giỏi nên tôi không ngại thầy khảo bài.

 

Tuần đó má dẫn tôi đi núi Thị Vải vì nghe nói có Cô hay Bà gì đó linh lắm. Dì Bảy tôi có một đứa con bệnh đau hoài không thuốc thang nào trị hết bệnh được. Má tôi thương em thương cháu nên dẫn đi. Đêm trên núi người đông như kiến. Hễ nghe Bà lên bên nào là chạy tới để nhờ làm phép. Theo chân Bà nhập, cả  đêm thức trắng có thì giờ đâu mà học bài. Về ngang Long Thành xe ghé trường luôn để tôi đi học.

 

Giờ đầu là giờ Vạn Vật thầy Kiệt. Tôi buồn ngủ mắt mở không lên. Phen này chắc chết, thầy kêu lên không thuộc bài sẽ bị điểm thấp còn phải chép phạt. Trong lớp tranh nhau từng nửa điểm, bị cú này sẽ ảnh hưởng cả năm hết còn lãnh thưởng. Nghĩ tới nghĩ lui tôi quyết định liều một phen. Hên xui may rủi.

 

Thầy vừa vào lớp tôi đi thẳng lên gặp thầy và thú tội. Tôi xin thầy cho tôi khỏi trả bài hôm nay và được…ngủ trong lớp một chút. Tuần sau tôi sẽ tình nguyện trả bài trước.

Thầy Kiệt là vị Giáo sư khó nhất nhì trường vậy mà thầy đồng ý mới hú hồn.

Tôi về chỗ ngồi, gục xuống bàn và quên cả đất trời.

Cám ơn thầy về sự rộng lượng và thấu hiểu học trò mình.

 

Thầy Phạm Hữu Ân về Trung Học Long Thành dạy có lẽ bắt đầu từ ngày trường mới thành lập. Bởi vì tôi học khóa hai mà đã học thầy rồi. Thầy khá cao, gầy gầy, phong thái nhẹ nhàng sang cả của một anh công tử Bạc Liêu. Nếu mà thầy đứng gần thầy Nguyễn văn Phúc hay thầy Nguyễn Mạnh Hùng hoặc thầy hiệu trưởng Huỳnh Trung Trực thì ta sẽ thấy hai con số rõ ràng . Số 1 và số 0.

 

Thầy Ân có giọng đọc thơ sang sảng, giảng bài rõ ràng và lôi cuốn. Cũng bởi vì vậy tụi tôi mấy đứa khóa 2 đứa nào cũng thuộc mấy bài cổ văn hoặc kim văn mà thầy đã dạy. Thầy đeo đôi kiếng trắng, miệng cười mím chi làm điệu và nhất là hai ngón tay ưa búng búng thành thói quen rất tài tử. Thầy còn có cái tài giựt giựt một bên vành tai rất lạ. Khi nào vui vui, thầy biểu diễn cho cả lớp cùng xem. Tụi tôi vỗ tay vang trời.

 

Khi tôi đã rời xa ngôi trường Long Thành thì thầy đã lên chức. Thầy không còn đứng trước bảng đen để dạy mà mang chùm chìa khóa trường to tổ bố để làm Tổng Giám Thị. Nghe nói lúc này thầy khó đăm đăm hay la rầy và phạt học trò. Cho nên học trò trong trường đặt cho thầy biệt danh là "Tư Chìa Khóa." 

Thầy mất đi cái dáng nho nhã dịu dàng như công tử ngày xưa mà biến thành một ông Tổng Giám Thị già khó tánh. Học trò đôi đứa rất ghét thầy. Có đứa còn mang trong lòng nỗi uất ức không biết tỏ cùng ai. Nhưng chúng có biết đâu để giữ cho trường lớp nề nếp, học sinh chăm chỉ là một điều khó khăn. Thầy đã làm tròn nhiệm vụ giữ gìn trật tự, kỷ luật để các em trở nên những học sinh giỏi giang, mạnh dạn bước vào đời với mảnh bằng tốt nghiệp.

 

Sau 1975 thầy ở luôn tại quận Long Thành và sống hết đời mình với những học trò và kỷ niệm của ngôi trường THLT. Tất cả những buổi họp mặt, lễ lạc hay thăm viếng cứu trợ gì cũng có thầy. Thầy là trụ cột là biểu tượng tình thương yêu đoàn kết của trường. Thầy không quản ngại khó khăn, đường xá xa xôi. Nơi nào học sinh mời, thầy đều có mặt với một nụ cười thật hoan hỉ. Có những vị thầy, sau khi rời cổng trường đã xếp lại tất cả những ràng buộc một thời trên bục giảng. Thầy Ân không như vậy. Thầy vẫn là điểm tựa cho tất cả học trò cũ. Nhà thầy là điểm hẹn cho từng đợt cựu học sinh Long Thành về thăm lại quê hương. Thầy liên lạc và cùng các học sinh giúp đỡ các thầy cô khó khăn đau yếu. Các vụ quan hôn tang tế cần thiết thầy đều có mặt để nối kết Thầy trò cũ.

Cám ơn thầy đã khuyến khích em làm thơ, viết truyện để hãnh diện về  những cái đẹp, cái hay của văn chương VN. Đã cho chúng em 60 năm sau còn thích thú thách nhau đọc lại những bài thơ thầy dạy từ hồi còn nhỏ.

 

Nữ giáo sư Long Thành tôi không quên là cô Nguyễn Thị Hảo dạy toán ở trường. Gia đình cô ba đời làm nghề dạy học. Nền giáo dục trong gia đình mô phạm khiến cô thật nghiêm và khó tính. Cô đến trường đi thẳng vào lớp dạy, dạy xong là ra về không la cà chuyện trò giao thiệp với ai. Cô rất đẹp nhưng khô khan như toán, không thầy nào hay học sinh nào dám đùa với cô. Sau này cô chuyển về dạy tại trường Nữ Trung Học Gia Long.

Vậy mà về thăm lại Việt Nam tôi không thể nào tưởng tượng cô Hảo bây giờ như vậy. Chồng cô (Thầy Ngọc) đã mất từ lâu. Trong căn nhà nhỏ, dưới ánh sáng yếu ớt cô Hảo lưng còng xuống tội nghiệp. Nét trang đài quý phái ngày xưa đã mất, cô đang sống rất nghèo khó với các con đang là gánh nặng của chính cô.

Thật lòng tôi rất bi ai khi viết về cô Hảo. Con trai cô bị bệnh tâm thần cứ đi ra ngoài lượm rác về bỏ đầy trong nhà. Tuy tuổi chưa cao mấy, nhưng cô đã rất già và còm cõi. Các em cựu học sinh trường THLT phải mở một tài khoản tiếp tế định kỳ, đặt người nấu và đem cơm hộp hàng ngày cho hai mẹ con cô. Mỗi năm phải kết hợp với hội phụ nữ và các ban ngành nơi cô sinh sống mở chiến dịch làm vệ sinh nhà cô. Căn nhà mà rác chất cao như núi, mùi hôi thối bốc lên cả xóm không chịu được.

Đời người vô thường là như vậy. Học sinh rất lo cho sức khỏe của cô, cũng tính dọn đường đem cô đến viện dưỡng lão để có người chăm sóc. Nhưng còn con cô và ...nhiều thứ phức tạp trong gia đình mà người ngoài không thể giải quyết được.

Nghĩ về cô Hảo ngày xưa - bây giờ tôi càng quý trọng thiên chức làm thầy. Sự biết ơn, đền trả của những người học trò được thầy cô dạy dỗ.

 

Tôi học Ngô Quyền chỉ hai năm rồi hết lớp phải bị chuyển trường. Nơi đây tôi có rất nhiều thầy cô nổi tiếng và dạy lâu năm. Ngày đó được đi học trường tỉnh là sự cố gắng của cha mẹ đối với tôi, cho nên tôi chỉ biết tập trung để học với chương trình khá khó khăn của ban C mà mình đã chọn. Tôi đi học cũng chỉ có vài bộ áo dài cũ kỹ, tiền ăn cha mẹ lo, mỗi tháng được cho ít tiền vừa đủ chi dụng tiết kiệm và đón xe lô về thăm nhà. Muốn học thêm Pháp văn ở nhà thầy Thạc tôi phải nhận giặt đồ Mỹ và ủi đồ Mỹ để trang trải học phí. Cho nên tôi ít giao thiệp, thân thiết với các bạn nhà giàu là dân tỉnh lỵ. Mặc cảm nhà nghèo khiến tôi khép kín để theo đuổi việc học của mình.

 

Đối với tôi thầy Hiệu Trưởng Phạm Đức Bảo thật là cao cao tại thượng, các thầy cô Ngô Quyền thật sang cả và tài năng. Nếu các bạn nam cùng khóa với tôi theo các thầy qua Cù Lao Phố hay thỉnh thoảng rủ nhau đi nhậu thì tôi chỉ là một cô nữ sinh nhỏ bé nhìn các thầy một cách kính trọng, e dè. Các thầy cô có lẽ cũng không có nhiều kỷ niệm với một nữ sinh không nổi bật như tôi. Tôi ráng học, học chuyên cần để thi đậu cho cha mẹ vui lòng. Vậy thôi.

 

Sau này, khi tham gia trong hội AHCHSTHNQ tôi mới nhận lại được tình thương mến thương từ ngôi trường nổi tiếng này. Các thầy cô thật bao dung, gần gũi và đáng kính.

Tôi biết đến cô Trí người Mẹ đở đầu của Ngô Quyền. Cô Minh Nguyệt hát hay, múa dẻo rất yêu đời. Cô Nhã Ý, cô Lê thị Thu xinh đẹp làm thơ, viết văn rất hay. Thầy Nguyễn Xuân Hoàng là một nhà văn nổi tiếng của cộng đồng VN. Thầy Hà Tường Cát một nhà báo, một người du ca tâm huyết với quê hương. Thầy Phạm Gia Hưng là nhà thơ Thái Hưng. Thầy Nguyễn Văn Lục là một học giả tài ba. Thầy Lê Quý Thể, thầy Huỳnh Công Ẩn và rất nhiều thầy cô là những cây viết đáng kính trọng. Thầy Phan Thanh Hoài, thầy Hoàng Phùng Võ, Mai Kiến Phúc, Nguyễn Thất Hiệp, Nguyễn Văn Phố, Phạm Ngọc Quýnh là những người thầy tôi được tiếp xúc trong những lần họp mặt khiến tôi thấy ấm áp và dù có dạy tôi hay không tôi cũng thật tri ân.

 

Năm nay Thanksgiving lại rơi đúng vào mùa World Cup. Chương trình thi đấu bắt đầu từ 2 giờ sáng Cali. Em tin chắc các thầy cũng nôn nao theo dõi. Em cứ nhớ đến lần họp mặt năm 2018 tại Bắc Cali. Cả đoàn Nam Cali hồi hộp ngồi quây quần trong đại sảnh khách sạn để bình luận và theo dõi trận đấu của đội tuyển Nữ Hoa Kỳ.

Những cặp mắt mở to, những cái đầu nghiêng nghiêng chăm chú và những tiếng la "Dô Dô" vui quá đi thôi.

 

Tiệc Tạ Ơn 2022 tưng bừng thêm với những pha sút banh ngoạn mục và tranh luận về đội banh các nước sôi nổi. Em nhớ đến Trần Hữu Phúc quá các thầy ơi! Đâu rồi phần bình luận bóng đá hấp dẫn gửi đến trang Web Ngô Quyền sớm nhất. Đâu rồi Người Xứ Bưởi gửi hết tâm tư vì Biên Hòa và ngôi trường Ngô Quyền.

 

Ngày mai là ngày lễ Thanksgiving. Em thành thật tri ân các Thầy Cô đã cho chúng em được là học sinh của một nền giáo dục nhân bản VNCH. Chúng em kính chúc các thầy cô một lễ Tạ Ơn vui vẻ, sức khỏe, hạnh phúc an lạc bên gia đình, con cháu.

 

Trân Trọng.

Nguyễn thị Thêm


 
NGô quyền

 

 

 

29 Tháng Sáu 2010(Xem: 89204)
Vào hạ tuần tháng 5/2010, từ Cali em đã gửi email báo trước cho tôi biết tin em sẽ về thăm quê nhà ở Nha Trang khoảng hai tuần lễ kể từ ngày 23/05/2010, nhưng trong email em đã kín đáo không cho tôi biết là thân phụ em vừa mất và mục đích chuyến về Việt Nam lần này của em là để lo tang Cha.
18 Tháng Sáu 2010(Xem: 92203)
Một trong hai tai nạn lớn nhất đời người vừa xảy ra với chúng tôi khi Ba vĩnh viễn bỏ cuộc đời, bỏ Mẹ và chúng tôi, Những năm gần đây, nhiều người bạn cùng thời với Ba, những người sinh vào cuối thập niên 20s đến cuối thập niên 30s của thế kỷ hai mươi lần lượt bước sang thế giới vĩnh hằng, chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần cho ngày Ba về với ông bà, nhưng lòng vẫn đau như cắt.
12 Tháng Sáu 2010(Xem: 152605)
Cùng với Mẹ, Cha là người có công sinh thành nuôi nấng và dạy dỗ các con dù trải qua nhiều khó nhọc. Nhưng khác với Mẹ, Cha là đàn ông nên tính trầm lặng, ít biểu lộ tình cảm hay gần gủi con cái, nói chung, nên con cái thường ít cảm nhận lòng thương yêu từ Cha như cảm nhận tình thương từ trái tim người Mẹ. Xin bấm vào các tựa bài bên dưới để thưởng thức:
11 Tháng Sáu 2010(Xem: 91781)
chợt nhớ ba tôi đã qua đời hơn 23 năm qua, tôi chỉ là một đứa con bất hiếu để quảng đời còn lại của tôi bao ân hận và tiếc nuối vì chưa một lần nói với ba rằng “con thương ba lắm ” trong việc làm hay trong tâm tưởng…
05 Tháng Sáu 2010(Xem: 101169)
Tôi là học sinh trung học Ngô Quyền, BH từ NK 1970-71 đến nay, 2010, cũng 40 năm rồi, nếu có chi tiết nào sai sót về ngày tháng, họ tên xin các anh, chị khóa trước và các bạn cùng khóa 1970 -77 giúp sửa lại cho chính xác.
07 Tháng Năm 2010(Xem: 140039)
Mẹ là đề tài xưa cũ nhưng không bao giờ lỗi thời trong Thơ Văn; nhờ thế mà hôm nay, nhân Ngày Lễ Mẹ 9/5/2010, chúng ta có dịp giới thiệu trên Trang Web Nhà những bài viết ngắn qua lời văn chân thật, những vần thơ giản dị mà tràn ngập hình ảnh, hồi ức, kỷ niệm thân thương về Mẹ . Xin bấm các tựa bài bên dưới để thưởng thức:
07 Tháng Năm 2010(Xem: 91134)
Ngày nay, má tựa như ngọn đèn dầu trước gió, nếu một mai ngọn đèn tắt đi, e rằng cuộc đời còn lại của tôi sẽ mang nhiều ân hận và tiếc nuối. Ân hận vì không có những giây phút kề cận bên má lúc tuổi già, tiếc nuối vì không còn được một lần ăn lại món thịt nọng kho, cá trê chiên dầm nước mắm mỡ hành và nghe giọng nói của má với “ Hương vị ngọt ngào”.
06 Tháng Năm 2010(Xem: 80325)
Chúng ta hãy cài một hoa hồng cho những ai còn Mẹ! và một đóa bạch hồng cho những ai mất mẹ. Dù Mẹ còn hay mất, chúng ta cũng phải nên nhớ cho rằng, tất cả ai sống trên đời nầy, thân thể nầy cũng chỉ là một phần tách rời từ thân thể Mẹ mà ra.
25 Tháng Tư 2010(Xem: 93711)
Đầu thập niên tám mươi, trước những bế tắc không lối thoát, Mẹ thu xếp gởi anh chị em chúng tôi, từng đứa, vượt đại dương để đến một vùng đất tự do, ở đó không có khủng bố tinh thần, ở đó không có trại cải tạo giam giữ những người hoàn toàn lương thiện, và ở đó chúng tôi sẽ được học hành thành người.
11 Tháng Tư 2010(Xem: 72918)
Bài viết như một nén nhang tưởng niệm người đã khuất. Ở môt nơi bình an nào đó, tôi tin rằng anh đang mĩm cười. Không phải nụ cười khinh bạc, ngạo mạn mà là nụ cười hồn nhiên, vô tư của tuổi học trò...
06 Tháng Tư 2010(Xem: 83797)
Ngày đầu bước vào ngưỡng cửa Trung học của tôi không được đẹp và dễ thương như các nhà văn đã miêu tả. Tuy nhiên nó vẫn cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên.
31 Tháng Ba 2010(Xem: 94471)
Đêm qua thức giấc một mình, nhìn trăng sáng tôi chợt nhớ đến ánh trăng ở VN, nhất là trăng miền biển, trông rất hiền hòa và trong sáng, nơi tôi đã sống 2 năm với nghề “gõ đầu trẻ” sau năm 1975, khi tôi vừa tốt nghiệp trường Sư phạm Sài Gòn, thời gian này đã để lại trong tôi một dấu ấn khó quên.
30 Tháng Ba 2010(Xem: 84408)
Thế rồi hoàn cảnh đẩy đưa, vận người đưa đẩy, tôi xa luôn quê nhà, xa luôn cái bàn học con con cạnh cửa sổ đêm đêm được dỗ dành bởi một loài hoa quen thuộc, không vương giả, không quê muà, chỉ đủ làm xao xuyến lòng tôi khi nhớ đến.
02 Tháng Ba 2010(Xem: 65283)
Cái kinh nghiệm khổ đau của kiếp người có phải là một ấn chứng để tâm hồn vượt lên trên bão dông, để ngôn ngữ yêu nhau vẫn còn dù đã nhiều nghịch cảnh. Và, theo tôi, Nguyễn Tất Nhiên là một thi sĩ thực sự mang đời sống mình làm ví dụ cho một trường hợp của khoan dung và từ ái?
18 Tháng Hai 2010(Xem: 87460)
Xuân Con Cọp lại sắp đến rồi. Mà ở cái nơi "phong trần luân lạc" nầy, Tết nhất cũng chả có gì vui. Thôi thì xin mời bạn cùng tôi nhâm nhi dăm ba câu thơ cũ, để gọi là tạm "mua vui" trong khoảnh khắc chờ đợi đón giao thừa nơi xứ lạ.
16 Tháng Hai 2010(Xem: 79942)
Trước hết, bước qua năm mới, Thủy xin kính chúc mọi người được một năm an khang, hạnh phúc và thịnh vượng. Nhân đây, với tư cách là mẹ của hai đứa con của anh Nguyễn Tất Nhiên, Thủy xin trân trọng gửi đến quý Thầy, quý Bạn lời tri ơn chân thành sâu đậm nhất.
06 Tháng Hai 2010(Xem: 89810)
Xin tạm biệt Xuân xưa, ngày tháng cũ. Hy vọng những chồi non, lộc mới… mang hết những ưu phiền của tôi đi thật xa, đi vĩnh viễn. Tình yêu của tôi ơi, xin ngủ yên!
06 Tháng Hai 2010(Xem: 84374)
Tôi chỉ nhớ mong manh rằng buổi trưa hôm ấy đứng ở sân thượng với gói quầ n áo trong tay nhìn ra phía xa, ngọn đồi huyền bí của tôi nay chỉ còn là một bóng mờ, chập chờn sau những đám khói đen mù mịt.
30 Tháng Giêng 2010(Xem: 91374)
Vậy khi một nhà thơ, nhà văn nào đã qua đời, thì, làm ơn, nếu không vì nhu cầu nghiên cứu tiểu sử để tìm hiểu cặn kẽ về bối cảnh và điều kiện sáng tác của họ, xin đừng khai thác đời tư của họ để phục vụ cho bất kỳ một mục đích nào khác hơn là góp phần cống hiến cho đời ba điều thật đơn giản, nghe rất nhàm tai, nhưng vô cùng cao quý, đó là: Chân, Thiện và Mỹ.
25 Tháng Giêng 2010(Xem: 97666)
Tôi nhớ câu nói của một ông anh trong vùng tôi đang sống, rằng sau khi hoàn tất một công việc, bao giờ người ta cũng thấy hai túi áo chứa đầy những lời cảm tạ và những lời xin lỗi.