Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Phan Phú Hiệp - NÂNG CAO KIẾN THỨC THỜI CHƯA CÓ INTERNET

09 Tháng Giêng 202212:16 SA(Xem: 6331)
Phan Phú Hiệp - NÂNG CAO KIẾN THỨC THỜI CHƯA CÓ INTERNET

 

NÂNG CAO KIẾN THỨC THỜI CHƯA CÓ INTERNET

 

Những ngày nghỉ lễ cuối năm, tôi và đứa cháu trai tình cờ xem một chương trình khá hào hứng: "Đường lên đỉnh Olympia" của VTV3. Đây là một cuộc thi leo núi bằng kiến thức trên truyền hình dành cho học sinh trung học mà người lên đỉnh núi đầu tiên sẽ giành được vòng nguyệt quế. Xem các cháu học sinh tranh tài, chúng tôi khâm phục cách phản ứng nhanh nhẹn và ngưỡng mộ kiến thức tuyệt vời của các "cậu bé Google" này. Để có được kiến thức sâu rộng như vậy, tôi nghĩ các cháu đã phải nỗ lực học hành tốt ở nhà trường, cũng như tự trau dồi thêm kiến thức bên ngoài với sự trợ giúp đắc lực và hiệu quả của  Internet.

duong len dinh olympia

Thật vậy, ngày nay lượng thông tin mà internet cung cấp cho mọi người là không giới hạn. Khi cần tìm hiểu về bất kỳ vấn đề nào, chúng ta chỉ cần click nhẹ vào Google và đưa nội dung, thì mọi thắc mắc của chúng ta sẽ được giải quyết nhanh chóng trong vòng... một nốt nhạc.

Bất chợt cháu tôi nêu thắc mắc: ”Ngày xưa thời của bác chưa có Internet, vậy ngoài việc học ở trường, bác tìm kiếm thông tin để bổ sung thêm kiến thức mới bằng cách nào? "

Câu hỏi khá bất ngờ của cháu đã đưa tôi trở về quá khứ của hơn 45 năm về trước, khi tôi còn là một nam sinh của trường Trung học Ngô Quyền Biên Hòa.

Thế hệ chúng tôi thời ấy, đa phần kiến thức thu thập được đến từ hai nguồn: từ phương tiện truyền thông ngoài xã hội (TV, Radio, sách báo) và chủ yếu là từ môi trường học tập ở trường.

Trước tiên, xin đề cập đến kiến thức có được từ TV- Radio: Thế hệ chúng tôi may mắn là được xem TV ngay từ những năm đầu tiên khi Vô tuyến truyền hình VN phát hình vào những năm 1966-1967. Ngoài các chương trình giải trí hấp dẫn như: thoại kịch, ca nhạc, cải lương... Đài truyền hình còn mang đến cho chúng tôi nhiều chương trình lành mạnh, bổ ích khác giúp làm giàu thêm kiến thức lứa tuổi học trò như Chương trình Đố Vui Để Học, do trung tâm học liệu Bộ giáo dục tổ chức vào chiều Chủ Nhật hàng tuần. Tôi xem không bỏ sót một chương trình nào và có thói quen chuẩn bị sẵn một tờ giấy, vừa theo dõi câu hỏi, vừa tự đưa ra câu trả lời và ghi kết quả, so sánh để đo lường kiến thức của mình. Những câu hỏi và đáp án của chương trình đã giúp tôi học hỏi rất nhiều để làm giàu thêm kiến thức.

dovuidehoc

Ngoài ra, TV còn có các chương trình rất hay như: Em yêu khoa học, Thế giới trẻ em (Lê Văn Khoa), Chương trình thiếu nhi Hoa Thế Hệ, Tuổi Xanh (Kiều Hạnh), Hoa Bách Hợp (của Hướng đạo), Thế giới động vật, Thời sự quốc tế… đã bổ sung cho học sinh chúng tôi thời ấy nhiều kiến thức tổng quát rất bổ ích.

Bên cạnh TV, đài phát thanh Sài Gòn, cũng là nguồn cung cấp thông tin để bổ sung kiến thức cho chúng tôi qua các chương trình Phát Thanh Học Đường, Chương trình Gia Đình bác Tám...

Tiếp đến, kiến thức đến từ sách: Cho đến nay, không ai có thể phủ nhận việc làm giàu kiến thức qua việc đọc sách. Ngày xưa, Ba tôi rất thích đọc sách, ông luôn khuyến khích chúng tôi đọc thật nhiều sách, nhưng ông vẫn cẩn thận chọn lọc những loại sách phù hợp với lứa tuổi của chúng tôi.

Ở bậc tiểu học, Ba cho chúng tôi đọc nhiều loại truyện tranh, truyện cổ tích, Truyện ngụ ngôn, Tâm hồn cao thượng, Tấm lòng vàng... Lên bậc trung học, Ba cho chúng tôi đọc các tuần báo Thiếu Nhi, Thằng Bờm, Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc… Lớn lên một tý, ông cho tôi làm quen với bộ sách học làm người như: Đắc nhân Tâm, Quẳng gánh lo đi và vui sống, Rèn nhân cách...

Một điều khá lý thú là ông anh cả của tôi cũng là một tín đồ của sách. Ông có hẳn một bộ sưu tập bán nguyệt san Thời Nay từ số phát hành đầu tiên, nên tôi có cơ hội đọc rất nhiều về ấn phẩm giá trị này. Từ đó, tôi được biết đến các bài phóng sự sôi động, các bài viết mang đầy ý nghĩa nhân văn của nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh và các tác giả khác, biết đến các câu chuyện thời sự qua mục: "Người tạo thời cuộc" và vô vàn những câu chuyện thú vị xảy ra khắp nơi trên thế giới.

KT3

Ngoài ra, tôi cũng có dịp đọc Bán Nguyệt san Phổ Thông, ấn phẩm này đã cung cấp cho tôi thêm nhiều kiến thức phong phú trong và ngoài nước. Trong đó, tôi thích nhất là các mẫu chuyện tựa đề  "Mình ơi". Đây là những bài viết giả định kể về đôi vợ chồng trẻ rất tình tứ và lãng mạn là ông bà Tú. Ông Tú trong câu chuyện được mô tả là một học giả uyên bác về nhiều lĩnh vực. Bà Tú thì lúc nào cũng khao khát kiến thức, nên bà thường đặt ra những câu hỏi về đủ mọi đề tài mang tính thời sự. Bà thường bắt đầu câu chuyện bằng cách nũng nịu hỏi ông Tú "Mình ơi! Tại sao..." Thế là ông Tú tận tình giải thích cặn kẻ cho vợ để làm sáng tỏ vấn đề. Mỗi câu chuyện là một đề tài mới lạ, cung cấp thêm nhiều kiến thức bổ ích cho độc giả .

Gần nhà tôi có một nhà sách lớn, có cách phục vụ khách niềm nở lịch sự như nhà sách Khai Trí ở SG, những lúc rỗi rảnh, tôi thường la cà đến hiệu sách này để xem, mua về hoặc đọc "cọp" sách, như là một cách để tự làm giàu thêm kiến thức của mình.

Kiến thức đến từ báo chí. Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, khi mà tiếng đại bác đêm đêm vẫn vọng về thành phố, báo chí là nguồn cung cấp những tin tức thời sự nóng bỏng nhất. Thời ấy, Ba tôi mua rất nhiều báo để theo dõi tình hình, nhờ vậy, tôi có cơ hội đọc và hiểu thêm được nhiều nội dung khác nhau trên mặt báo, từ chính trị, văn hóa, giáo dục, kinh tế, xã hội, các bài nghị luận, phiếm luận...

Sau cùng quan trọng nhất vẫn là kiến thức đến từ nhà trường: Ở trường, thầy cô đã tận tình truyền đạt kiến thức cho chúng tôi qua các môn: Toán, Lý Hoá, Vạn Vật, Công dân Giáo dục, Âm nhac, Hội hoạ, Sử địa, Kim văn, Cổ văn, Sinh ngữ… để trang bị cho chúng tôi các kiến thức nền tảng cần thiết cho một học sinh trung học.

Một kỷ niệm là vào năm lớp 9 (1974) , thầy dạy môn công dân giáo dục tập cho chúng tôi thuyết trình. Thầy giao cho Team của tôi đề tài thuyết trình về quyền Tự do kinh doanh. Thời gian chuẩn bị là 2 tuần. Nhận đề tài, chúng tôi rất lo. Chúng tôi không ngại những câu hỏi từ thầy vì nếu không trả lời được, thầy cũng sẽ gợi ý giúp. Chúng tôi chỉ ngại những câu chất vấn của các "ông thần nước mặn" trong lớp thích "hỏi xoáy, đáp xoay" để không ngừng làm khó cho bạn. Do vậy, chúng tôi buộc phải chuẩn bị đề tài cho thật kỹ như tìm tài liệu bổ sung ngoài sách giáo khoa. Tài liệu về quyền tự do kinh doanh lúc ấy không nhiều, tôi phải đi hỏi thêm từ những người lớn có kinh nghiệm. Tôi đã từng phỏng vấn ông thầy ký (đại diện hãng nước ngọt SEGI thường hay đến giao hàng cho nhà tôi) hơn một giờ để nhờ ông giải thích và minh họa rõ thêm về đề tài thuyết trình. Cuối cùng, buổi thuyết trình của chúng tôi cũng đạt yêu cầu và thành công tốt đẹp.

Từ đó, tôi nghiệm ra rằng, qua việc suy nghĩ, trăn trở về một để tài nào đó,  rồi nỗ lực tìm kiếm tài liệu, sau đó nghiền ngẫm, đào sâu, phân tích, so sánh, đối chiếu, giúp các kiến thức chúng tôi thu thập được về đề tài đó sẽ rất sâu, rất vững và ở lại trong "bộ nhớ" rất lâu, để trở thành ký ức không thể nào quên.

Ngày nay, khi muốn tìm hiểu về một vấn đề gì, tôi thường hay dựa vào "chị Google" để tra cứu, nhưng không hiểu tại sao thông tin thu thập được thường không giữ được lâu mà lại nhanh chóng ra đi như cơn gió thoảng, để rồi trả về lại hết cho Google. Tôi cảm thấy rất dễ quên ngay sau khi nghiên cứu tìm hiểu một vấn đề gì trên mạng Internet.

Nhiều lần, tôi tự hỏi không biết có phải "bộ nhớ" của mình bị hao mòn theo thời gian khi tôi đang ở bên kia dốc của cuộc đời, hay vì tôi đã quá ỷ lại vào sự đáp ứng nhanh nhẹn và hào phóng của "chị Google", nên đâm ra lười suy nghĩ, để rồi mất đi cái cảm giác hào hứng tìm tòi thông tin bằng cách truyền thống như đã từng thực hiện khi xưa?  Cũng có thể là do cả hai (!)


Nhưng dù sao, tôi vẫn có thể hãnh diện để trả lời câu hỏi của cháu tôi rằng:

Tuy không giỏi giang xuất chúng như các bạn trẻ ngày nay, nhưng thế hệ tuổi học trò của chúng tôi ngày xưa - khi chưa có Internet – thông qua việc chuyên cần học tập trong trường học, cũng như qua các nỗ lực tìm tòi để làm giàu kiến thức từ các nguồn thông tin đa dạng ngoài xã hội, chúng tôi tự hào là vẫn theo kịp với thời đại (lúc bấy giờ) mà không bị bỏ rơi lại phía sau.  

Tuy rằng không quá xuất sắc để chinh phục được đỉnh Olympia huyền thoại ở nước Hy Lạp xa xôi như các "cô cậu Google" ngày nay, nhưng các bạn trẻ thế hệ chúng tôi ngày xưa dù không có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, nhưng bằng sự nỗ lực, cần mẫn, kiên trì học hỏi , tự mày mò nâng cao kiến thức bằng những phương tiện sẵn có, làm giàu tri thức để ít nhất, cũng vươn lên được đến đỉnh núi Fanxipan hoặc núi Yên Tử ở Việt Nam, chứ nào có kém cạnh chi?

Mỗi thế hệ đều có bối cảnh đặc thù riêng, vấn đề là mọi người thuộc thế hệ ấy có lựa chọn việc chuyên cần học hỏi, nghiên cứu, cập nhật kiến thức để đi kịp với thời đại hay không, hoặc là chấp nhận tụt hậu để mãi mãi ở lại phía sau. Đó là đó quyết định riêng của mỗi người.

(Ảnh sưu tầm)

Hiệp Phan  SJ - Jan 2022

19 Tháng Hai 2023(Xem: 4852)
Cả hai con chim bằng đã gãy cánh trên vòm trời lửa đạn miền Đông khi tuổi đời chưa đến 25. Thương cho những kiếp sống ngắn ngủi trong thời chinh chiến.
19 Tháng Hai 2023(Xem: 6897)
Trong lúc Kansas City Chiefs vui mừng trong rừng confetti thì đội Philadelphia buồn vì vừa đánh mất chức vô địch trong tầm tay khi chỉ còn 8 giây nữa là kết thúc trận đấu.
19 Tháng Hai 2023(Xem: 5182)
Đến với tiệm Nam Tạo, dân ghiền đọc sách có thể tìm được bất kỳ thể loại sách nào, thậm chí khan hiếm ở các nhà sách lớn.
19 Tháng Hai 2023(Xem: 4033)
Nàng đọc thầm những câu thơ Nam vừa gửi vào email: “Những rung động trong ngực thầm chan chứa/ Xin trao em làm tặng vật mùa xuân”.
16 Tháng Hai 2023(Xem: 3984)
Ở một nơi không phải đất nước tôi, tôi chứng kiến được nhiều bài học đạo nghĩa của chính dân tộc Ukraine, thay vì đào tẩu khỏi chiến tranh, trốn ở một đất nước yên bình khác,
12 Tháng Hai 2023(Xem: 4463)
Xin được thắp một nén hương lòng để tưởng nhớ về một đàn anh NQ hiền hòa, điềm đạm và có hoài bão chung sức xây dựng hội ái hữu cựu HS của trường xưa
10 Tháng Hai 2023(Xem: 4474)
Chẳng biết từ lúc nào tôi đã thương mến thầm anh Phượng hàng xóm, anh hơn tôi chừng 7-8 tuổi, hát hay đàn giỏi, thỉnh thoảng buổi tối anh ngồi trước cửa nhà đàn hát,
10 Tháng Hai 2023(Xem: 6398)
Nàng chợt nhận ra… Ồ! bức tường nghiêng! Sao đêm nay nàng mới nhận ra bức tường của nàng đã nghiêng?!
05 Tháng Hai 2023(Xem: 4786)
Cuộc đời của Ba là sống cho người khác, cho gia đình, và giúp ích cho mọi người, xã hội, đúng với tên ông bà Nội đã đặt cho.Ba là thứ sáu trong gia đình, nên mọi người quen biết đều biết đến Ba là ông Sáu Nhơn.
01 Tháng Hai 2023(Xem: 3862)
Ngày Tết, thật trang trọng đốt nén hương trên bàn thờ gia tiên. Ta sẽ cảm nhận được những người muôn năm cũ đang hiện diện trong tâm ta.
30 Tháng Giêng 2023(Xem: 4638)
Vậy là đã rõ, chính mấy con mèo được cho là mẫn cán và đã được rèn luyện-tu dưỡng... của ông chánh đã làm nên những chuyện này.
28 Tháng Giêng 2023(Xem: 4036)
Những tưởng người cùng thời so bề tài sắc, so bề tài năng, so bề thời vận, có thể có cái gì giống nhau vậy mà cũng khác nhau.
24 Tháng Giêng 2023(Xem: 5222)
Đối với tôi, mùa Xuân sẽ kém phần lãng mạn, tươi vui và mất đi ý nghĩa rất nhiều khi thiếu vắng những bản nhạc Xuân.
22 Tháng Giêng 2023(Xem: 4238)
rằng từ lúc ông quản lý được bọn mèo rồi thì kho lúa nhà ông không hề có con chuột nào dám bén mảng đến nên chẳng một hột lúa nào bị thất thoát!
19 Tháng Giêng 2023(Xem: 4116)
Thế Chiến II xảy ra như nó đã xảy ra và chúng ta cũng đã chứng kiến, nhưng những ước mơ khanh tướng còn vương vấn nơi những tấm lòng trần tục thì chắc chắn đường trần còn mang nhiều gió cuốn mưa bay.
13 Tháng Giêng 2023(Xem: 4526)
Dù không khí và cách đón Tết mỗi thời, mỗi nơi, mỗi khác nhưng trong tâm hồn của mỗi người dân Việt lúc Xuân về, Tết đến vẫn luôn có cảm xúc lâng lâng khó tả.
13 Tháng Giêng 2023(Xem: 5802)
Tôi thèm thưởng thức cái mùi hăng hắc, nồng nồng của một loài hoa dân dã mà miền Nam tôi gọi là BÔNG VẠN THỌ.
12 Tháng Giêng 2023(Xem: 4301)
Tài liệu quý quá, mình hảnh diện được làm một Hướng Đạo Sinh với truyền thống hào hùng của các bậc tiền nhân huynh trưởng ...
11 Tháng Giêng 2023(Xem: 4669)
Rồi những cái Tết tha hương ở “xứ lạnh tình nồng” Canada với bên ngoài tuyết trắng phủ đầy vạn vật khiến tôi thèm những cái Tết quê nhà ấm áp.
11 Tháng Giêng 2023(Xem: 8012)
Đang vào những ngày đầu năm Dương lịch và tiếp đến sẽ là một cái Tết cổ truyền thiêng liêng rộn rã... . Xin có vài dòng ghi lại buổi họp mặt “ Cựu học sinh Trung học Ngô Quyền - Biên Hòa “