NÂNG CAO KIẾN THỨC THỜI CHƯA CÓ INTERNET
Những ngày nghỉ lễ cuối năm, tôi và đứa cháu trai tình cờ xem một chương trình khá hào hứng: "Đường lên đỉnh Olympia" của VTV3. Đây là một cuộc thi leo núi bằng kiến thức trên truyền hình dành cho học sinh trung học mà người lên đỉnh núi đầu tiên sẽ giành được vòng nguyệt quế. Xem các cháu học sinh tranh tài, chúng tôi khâm phục cách phản ứng nhanh nhẹn và ngưỡng mộ kiến thức tuyệt vời của các "cậu bé Google" này. Để có được kiến thức sâu rộng như vậy, tôi nghĩ các cháu đã phải nỗ lực học hành tốt ở nhà trường, cũng như tự trau dồi thêm kiến thức bên ngoài với sự trợ giúp đắc lực và hiệu quả của Internet.
Thật vậy, ngày nay lượng thông tin mà internet cung cấp cho mọi người là không giới hạn. Khi cần tìm hiểu về bất kỳ vấn đề nào, chúng ta chỉ cần click nhẹ vào Google và đưa nội dung, thì mọi thắc mắc của chúng ta sẽ được giải quyết nhanh chóng trong vòng... một nốt nhạc.
Bất chợt cháu tôi nêu thắc mắc: ”Ngày xưa thời của bác chưa có Internet, vậy ngoài việc học ở trường, bác tìm kiếm thông tin để bổ sung thêm kiến thức mới bằng cách nào? "
Câu hỏi khá bất ngờ của cháu đã đưa tôi trở về quá khứ của hơn 45 năm về trước, khi tôi còn là một nam sinh của trường Trung học Ngô Quyền Biên Hòa.
Thế hệ chúng tôi thời ấy, đa phần kiến thức thu thập được đến từ hai nguồn: từ phương tiện truyền thông ngoài xã hội (TV, Radio, sách báo) và chủ yếu là từ môi trường học tập ở trường.
Trước tiên, xin đề cập đến kiến thức có được từ TV- Radio: Thế hệ chúng tôi may mắn là được xem TV ngay từ những năm đầu tiên khi Vô tuyến truyền hình VN phát hình vào những năm 1966-1967. Ngoài các chương trình giải trí hấp dẫn như: thoại kịch, ca nhạc, cải lương... Đài truyền hình còn mang đến cho chúng tôi nhiều chương trình lành mạnh, bổ ích khác giúp làm giàu thêm kiến thức lứa tuổi học trò như Chương trình Đố Vui Để Học, do trung tâm học liệu Bộ giáo dục tổ chức vào chiều Chủ Nhật hàng tuần. Tôi xem không bỏ sót một chương trình nào và có thói quen chuẩn bị sẵn một tờ giấy, vừa theo dõi câu hỏi, vừa tự đưa ra câu trả lời và ghi kết quả, so sánh để đo lường kiến thức của mình. Những câu hỏi và đáp án của chương trình đã giúp tôi học hỏi rất nhiều để làm giàu thêm kiến thức.
Ngoài ra, TV còn có các chương trình rất hay như: Em yêu khoa học, Thế giới trẻ em (Lê Văn Khoa), Chương trình thiếu nhi Hoa Thế Hệ, Tuổi Xanh (Kiều Hạnh), Hoa Bách Hợp (của Hướng đạo), Thế giới động vật, Thời sự quốc tế… đã bổ sung cho học sinh chúng tôi thời ấy nhiều kiến thức tổng quát rất bổ ích.
Bên cạnh TV, đài phát thanh Sài Gòn, cũng là nguồn cung cấp thông tin để bổ sung kiến thức cho chúng tôi qua các chương trình Phát Thanh Học Đường, Chương trình Gia Đình bác Tám...
Tiếp đến, kiến thức đến từ sách: Cho đến nay, không ai có thể phủ nhận việc làm giàu kiến thức qua việc đọc sách. Ngày xưa, Ba tôi rất thích đọc sách, ông luôn khuyến khích chúng tôi đọc thật nhiều sách, nhưng ông vẫn cẩn thận chọn lọc những loại sách phù hợp với lứa tuổi của chúng tôi.
Ở bậc tiểu học, Ba cho chúng tôi đọc nhiều loại truyện tranh, truyện cổ tích, Truyện ngụ ngôn, Tâm hồn cao thượng, Tấm lòng vàng... Lên bậc trung học, Ba cho chúng tôi đọc các tuần báo Thiếu Nhi, Thằng Bờm, Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc… Lớn lên một tý, ông cho tôi làm quen với bộ sách học làm người như: Đắc nhân Tâm, Quẳng gánh lo đi và vui sống, Rèn nhân cách...
Một điều khá lý thú là ông anh cả của tôi cũng là một tín đồ của sách. Ông có hẳn một bộ sưu tập bán nguyệt san Thời Nay từ số phát hành đầu tiên, nên tôi có cơ hội đọc rất nhiều về ấn phẩm giá trị này. Từ đó, tôi được biết đến các bài phóng sự sôi động, các bài viết mang đầy ý nghĩa nhân văn của nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh và các tác giả khác, biết đến các câu chuyện thời sự qua mục: "Người tạo thời cuộc" và vô vàn những câu chuyện thú vị xảy ra khắp nơi trên thế giới.
Ngoài ra, tôi cũng có dịp đọc Bán Nguyệt san Phổ Thông, ấn phẩm này đã cung cấp cho tôi thêm nhiều kiến thức phong phú trong và ngoài nước. Trong đó, tôi thích nhất là các mẫu chuyện tựa đề "Mình ơi". Đây là những bài viết giả định kể về đôi vợ chồng trẻ rất tình tứ và lãng mạn là ông bà Tú. Ông Tú trong câu chuyện được mô tả là một học giả uyên bác về nhiều lĩnh vực. Bà Tú thì lúc nào cũng khao khát kiến thức, nên bà thường đặt ra những câu hỏi về đủ mọi đề tài mang tính thời sự. Bà thường bắt đầu câu chuyện bằng cách nũng nịu hỏi ông Tú "Mình ơi! Tại sao..." Thế là ông Tú tận tình giải thích cặn kẻ cho vợ để làm sáng tỏ vấn đề. Mỗi câu chuyện là một đề tài mới lạ, cung cấp thêm nhiều kiến thức bổ ích cho độc giả .
Gần nhà tôi có một nhà sách lớn, có cách phục vụ khách niềm nở lịch sự như nhà sách Khai Trí ở SG, những lúc rỗi rảnh, tôi thường la cà đến hiệu sách này để xem, mua về hoặc đọc "cọp" sách, như là một cách để tự làm giàu thêm kiến thức của mình.
Kiến thức đến từ báo chí. Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, khi mà tiếng đại bác đêm đêm vẫn vọng về thành phố, báo chí là nguồn cung cấp những tin tức thời sự nóng bỏng nhất. Thời ấy, Ba tôi mua rất nhiều báo để theo dõi tình hình, nhờ vậy, tôi có cơ hội đọc và hiểu thêm được nhiều nội dung khác nhau trên mặt báo, từ chính trị, văn hóa, giáo dục, kinh tế, xã hội, các bài nghị luận, phiếm luận...
Sau cùng quan trọng nhất vẫn là kiến thức đến từ nhà trường: Ở trường, thầy cô đã tận tình truyền đạt kiến thức cho chúng tôi qua các môn: Toán, Lý Hoá, Vạn Vật, Công dân Giáo dục, Âm nhac, Hội hoạ, Sử địa, Kim văn, Cổ văn, Sinh ngữ… để trang bị cho chúng tôi các kiến thức nền tảng cần thiết cho một học sinh trung học.
Một kỷ niệm là vào năm lớp 9 (1974) , thầy dạy môn công dân giáo dục tập cho chúng tôi thuyết trình. Thầy giao cho Team của tôi đề tài thuyết trình về quyền Tự do kinh doanh. Thời gian chuẩn bị là 2 tuần. Nhận đề tài, chúng tôi rất lo. Chúng tôi không ngại những câu hỏi từ thầy vì nếu không trả lời được, thầy cũng sẽ gợi ý giúp. Chúng tôi chỉ ngại những câu chất vấn của các "ông thần nước mặn" trong lớp thích "hỏi xoáy, đáp xoay" để không ngừng làm khó cho bạn. Do vậy, chúng tôi buộc phải chuẩn bị đề tài cho thật kỹ như tìm tài liệu bổ sung ngoài sách giáo khoa. Tài liệu về quyền tự do kinh doanh lúc ấy không nhiều, tôi phải đi hỏi thêm từ những người lớn có kinh nghiệm. Tôi đã từng phỏng vấn ông thầy ký (đại diện hãng nước ngọt SEGI thường hay đến giao hàng cho nhà tôi) hơn một giờ để nhờ ông giải thích và minh họa rõ thêm về đề tài thuyết trình. Cuối cùng, buổi thuyết trình của chúng tôi cũng đạt yêu cầu và thành công tốt đẹp.
Từ đó, tôi nghiệm ra rằng, qua việc suy nghĩ, trăn trở về một để tài nào đó, rồi nỗ lực tìm kiếm tài liệu, sau đó nghiền ngẫm, đào sâu, phân tích, so sánh, đối chiếu, giúp các kiến thức chúng tôi thu thập được về đề tài đó sẽ rất sâu, rất vững và ở lại trong "bộ nhớ" rất lâu, để trở thành ký ức không thể nào quên.
Ngày nay, khi muốn tìm hiểu về một vấn đề gì, tôi thường hay dựa vào "chị Google" để tra cứu, nhưng không hiểu tại sao thông tin thu thập được thường không giữ được lâu mà lại nhanh chóng ra đi như cơn gió thoảng, để rồi trả về lại hết cho Google. Tôi cảm thấy rất dễ quên ngay sau khi nghiên cứu tìm hiểu một vấn đề gì trên mạng Internet.
Nhiều lần, tôi tự hỏi không biết có phải "bộ nhớ" của mình bị hao mòn theo thời gian khi tôi đang ở bên kia dốc của cuộc đời, hay vì tôi đã quá ỷ lại vào sự đáp ứng nhanh nhẹn và hào phóng của "chị Google", nên đâm ra lười suy nghĩ, để rồi mất đi cái cảm giác hào hứng tìm tòi thông tin bằng cách truyền thống như đã từng thực hiện khi xưa? Cũng có thể là do cả hai (!)
Nhưng dù sao, tôi vẫn có thể hãnh diện để trả lời câu hỏi của cháu tôi rằng:
Tuy không giỏi giang xuất chúng như các bạn trẻ ngày nay, nhưng thế hệ tuổi học trò của chúng tôi ngày xưa - khi chưa có Internet – thông qua việc chuyên cần học tập trong trường học, cũng như qua các nỗ lực tìm tòi để làm giàu kiến thức từ các nguồn thông tin đa dạng ngoài xã hội, chúng tôi tự hào là vẫn theo kịp với thời đại (lúc bấy giờ) mà không bị bỏ rơi lại phía sau.
Tuy rằng không quá xuất sắc để chinh phục được đỉnh Olympia huyền thoại ở nước Hy Lạp xa xôi như các "cô cậu Google" ngày nay, nhưng các bạn trẻ thế hệ chúng tôi ngày xưa dù không có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, nhưng bằng sự nỗ lực, cần mẫn, kiên trì học hỏi , tự mày mò nâng cao kiến thức bằng những phương tiện sẵn có, làm giàu tri thức để ít nhất, cũng vươn lên được đến đỉnh núi Fanxipan hoặc núi Yên Tử ở Việt Nam, chứ nào có kém cạnh chi?
Mỗi thế hệ đều có bối cảnh đặc thù riêng, vấn đề là mọi người thuộc thế hệ ấy có lựa chọn việc chuyên cần học hỏi, nghiên cứu, cập nhật kiến thức để đi kịp với thời đại hay không, hoặc là chấp nhận tụt hậu để mãi mãi ở lại phía sau. Đó là đó quyết định riêng của mỗi người.
(Ảnh sưu tầm)
Hiệp Phan SJ - Jan 2022