Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Nguyễn Văn Lục - NGUYÊN SA CỦA MỘT ĐỜI VÀ CỦA MỘT THỜI (1)

05 Tháng Mười Một 20219:09 CH(Xem: 7058)
GS. Nguyễn Văn Lục - NGUYÊN SA CỦA MỘT ĐỜI VÀ CỦA MỘT THỜI (1)

Nguyên Sa bài Nguyễn văn Lục. Tựa

 

 Phần 1


 

Về một cõi thơ tình đột sáng chất ngất

Nguyên Sa là một tên tuổi quá quen thuộc. Nhất là trong lãnh vực thơ tình kéo dài cả hơn 10 năm. Trước ông và sau ông, có nhiều thi sỹ thế hệ tiền chiến. Như Nguyễn Bính (1918-1966) với những mối tình vu vơ và đầy lãng mạn. Và những đàn anh như Đinh Hùng với Đường vào tình sử; Hoặc cao sang như Vũ Hoàng Chương trong tập Mây.

Tiếp đến là thế hệ thi sĩ đồng thời, ngồi cùng chiếu với ông như Quách Thoại (mất sớm, ngay từ những ngày đầu của báo Sáng tạo. NVL) Thanh Tâm Tuyền, Du Tử Lê, Diễm Châu, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng. Và nhiều thi sĩ khác.

Và có thể nói, mỗi người một phong cách thơ. Mỗi người một vũ trụ thơ như một cõi riêng.

Thật vậy, cùng làm thơ Tự do, đều là «thơ hôm nay» nhưng có điều gì khác giữa Nguyên Sa và Thanh Tâm Tuyền?

Phải nói một lần là số người khởi nghiệp cầm bút ở Việt Nam thường bắt đầu làm thơ nên con số hàng trăm thi sĩ đủ loại. Nhưng được nhìn nhận và mến mộ thì không nhiều như Trần Long Hồ (bác sĩ y khoa) đã nhận xét.

Tác giả Trần Long Hồ trong bài viết: Nguyên Sa, Thơ Tình giữa hai đầu thế kỷ cho rằng: «Từ cổ chí kim, không có thơ nào như thơ Nguyên Sa được lứa tuổi học trò yêu thích đến mức độ gần như đam mê. Họ trân quý chép thơ Nguyên Sa, ghi khắc trong tim, chuyền tay nhau đọc và tha hồ mơ mộng, rồi thả hồn bay khỏi lớp, phiêu diêu khắp bốn phương».  Và tác giả kết luận: «Nếu thơ tình Việt Nam như một dòng sông, Nguyên Sa không ở đầu sông, mà ông chẳng ở cuối sông, thơ tình Nguyên Sa chính là cả một dòng sông chảy suốt hơn bốn thập niên». (Trần Long Hồ. 05/98)

 

Giải thích hiện tượng Thơ Tình của Nguyên Sa có thể có nhiều lẽ lắm.

Về hình thức, có thể là phong cách tự sự, nghiêng về văn xuôi, như một thứ văn vần, thường dùng thể thơ lục bát - một thứ «lục bát Nguyên Sa », hay đầy âm hưởng ca dao. Hoặc nó đầy nhạc điệu. Hoặc nó còn được người ta gọi là thơ phá thể. Thơ ấy, còn dùng nhiều điệp khúc, láy đi láy lai mà không nhàm chán.

Về nội dung, Thơ Nguyên Sa gần gũi, mới, lạ lùng, hấp dẫn, ngôn từ tuôn chảy tự nhiên mà không gò ép, mà cũng không có những tiếng khóc than, tiếng thở dài với nước mắt hoặc day dứt đứt gánh, hoặc tuyệt vọng, gẫy đổ.

Nó quen thuộc mà lạ quá như thể lần đầu tinh khôi, chưa một lần được nghe đến.

Nói đúng ra là sự sáng tạo không giả tạo, không bắt chước. Nó cũng không làm dáng trí thức với từ ngữ triết lý bởi vì ông vốn là giáo sư Triết. Ông thong dong trong cõi thơ mà không bị luẩn quẩn trong các từ ngữ triết học như một số người thường làm.

Nói đến Nguyên Sa, thơ ông đắt giá là ở chỗ ây nên người ta không thể không nhắc đến:

 Nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát

 Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông

 Anh vẫn thương màu áo ấy vô cùng

Nhắc đến áo lụa Hà Đông thì có gì mới lạ? Nhưng trong ngữ cảnh toàn bài thơ thì nó trở thành quyến rũ, say mê lòng người. Tôi cũng muốn nhấn mạnh là Thơ Tình Nguyên Sa - dù ở Paris - thì bối cảnh vẫn là khung trời Sài gòn. Nắng Sàigòn, tháng sáu trời mưa Sàigòn, áo Sàigòn, em Sàigòn. Ông vẫn quay quắt với Sài gòn theo cái kiểu «Sài gòn đẹp lắm, Sài gòn ơi!...”

Vì thế trong một trong vài bài thơ tình nổi tiếng của Nguyên Sa đã được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc. Thơ và nhạc như có cơ duyên cùng cất cánh bay lên. Đó là các bài Áo lụa Hà Đông, Paris có gì lạ không em, Tuổi mười ba, Tháng sáu Trời mưa.

Chỉ trừ một lần. Một lần thôi: Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng (Áo lụa Hà Đông). Hay «Paris có gì lạ không em?».

Thơ ấy nó như bất chợt, như khởi đầu. Như một khối tinh nguyên, tinh vẹn hình hài. Nó vượt trên tất cả. Nó ới gọi tuổi trẻ mà không phải như một khích động. Mà như một tiếng thì thầm êm dịu. Mặc dầu vậy - một mâu thuẫn nội tại - Tôi chưa từng nghe rộn ràng một cô gái nào, dù yêu thơ Nguyên Sa lại là người tình của thi sĩ?

Cuối cùng thì nói bao nhiêu cũng không vừa. Càng biện biệt, phân tích, càng phân lìa. Có khi ta chỉ đọc và ta cảm nghiệm thôi.

Nhưng có lẽ hay hơn cả là hãy để Nguyên Sa tự giãi bầy về thơ ông. Trong cuốn sách Hành Trình Đức Tin. Những trường hợp về Đạo Chúa, 2014. Ông lý luận như sau:

·         Về phép làm thơ – Vần thơ có vần chính, vần thông, vần cưỡng áp và lạc vận. Vần chính không cần sự hỗ trợ, không cần sự phối âm, nhưng việc xử dụng những nền âm thanh khác biệt có khả năng làm cho vần thông thành vần chính. Vần cưỡng áp ngay cả vần lạc vận cũng được nắm tay giữ được trong khoảng không gian giữa trời đất mênh mông» (sách Nguyễn Đức Tuyên đã dẫn, trang 247).

·         Chủ đề Tình yêu - Đề tài tình yêu thường thay đổi theo thời gian. Trước năm 1963, tình yêu đó thuần túy những cảm xúc, những đam mê. Đó là niềm đam mê lúc tin tưởng mạnh mẽ, lúc rụt rè hãi sợ, lúc ngỏ lời, lúc không dám ngỏ. Nhưng về sau, lúc người ta 50, 60 tuổi, đam mê tình ái không còn nữa, như xao xuyến về một vạt áo trong sân trường, như bồi hồi vì một mái tóc xõa ngang vai không còn nữa. Thời gian xóa bỏ nhiều thứ. (sách Nguyễn Đức Tuyên đã dẫn, trang 248)

Cuộc đời và nhân thân của Nguyên Sa

Có một chi tiết cần viết thêm ở đây là. Trong cuốn Hành Trình Đức Tin của tác giả Nguyễn Đức Tuyên có ghi chú theo lời kể của Nguyên Sa thì ông không phải người gốc Bắc chính hiệu, dù sinh đẻ ở Hà Nội. Ông cố Nội ông là Thượng Thư Trần Trạc, giữ chức Hiệp tá Đại Học Sĩ trong triều đình Tự Đức. Đời ông Nội mới ra Hà Nội. Năm chiến tranh 1946, gia đình ông tản cư về Hà Đông, ông bị Việt Minh bắt cóc lúc 15 tuổi.

Ông có kể lại chi tiết việc bắt giam này như sau: Ông bị giam tại trại Văn Đình. Trại giam Hòa Bình, rồi trại giam Sơn Tây. Ông phải vào rừng ăn trộm củ sắn và được phép cán bộ cho ăn cùng bạn tù. Khi máy bay Pháp tới oanh tạc, mỗi toán ba người trói tay vào nhau do lính cộng sản dắt đi, súng kề vào đầu phòng hờ khi phi cơ Pháp thả dù xuống nơi đó là bắn bỏ các tù nhân trước khi rút lui. (Trích bài Kính mừng Maria in ở hải ngoại).

Hồi cư về Hà Nội, ông mới được gia đình gửi sang Pháp, học Trung Học năm 1949. Năm 1953, đậu tú tài Pháp. Ông ghi danh học đại học Sorbonne về triết học. Hầu hết các bài thơ Tình đều làm trong thời gian này. Năm 1955, ông lập gia đình với Trịnh Thúy Nga. Được biết đám cưới cực đơn giản.- Không ai cưới. Không nhà hàng. Không bố mẹ đôi bên. Chỉ một nhóm nhỏ bạn bè rủ nhau ra quán cà phê.

Vậy mà họ đã nên vợ chồng, sống trọn đời bên nhau.

Đầu năm 1956, hai người mới về Việt Nam.

Ông sinh ra ngày 1-3-1932, tại Hà nội trong một gia đình khá giả. Có đến 6 người con. Ông là anh cả. Còn lại là gái và trừ người em út là em trai. Lần lượt là các em ông là Trần Thị Kim Thoa, Trần Thị An, Trần Thị Kim Cang, Trần Thị Kim Anh và Trần Văn Chang.

Phần ông bà có ba người con hai nam, một nữ. Trần Minh Triết, Trần Văn Học, Trần Nương Thơ.( Triết-Học-Thơ. Quả là khéo đặt tên).

Ông mất ngày 18-4-1998 tại California với tên nhà thơ Nguyên Sa. Giuse Trần Bích Lan.

Xin ghi lại đôi lời tạm biệt trước giờ hạ huyệt ngày 22-04-1998 của người em kết nghĩa Trần Dạ Từ - Nhã Ca.

Là đứa em trong tinh thần gia đình và đời sống văn học của nhà thơ Nguyên Sa, tôi xin có đôi lời về người anh lớn của tôi.

Thi sĩ có tài phân thân thành muôn mảnh. Chàng phân thân vào hạt cát, vào giọt nước, hợp lại thành núi non, sông biển. Chàng phân thân vào hơi gió, vào nắng, vào mưa, hòa tan cùng lòng người.

Muôn mảnh phân thân của nhà thơ hôm nay, gom lại đôi bờ.

Âm dương hai ngã. Như thơ Phân Thân của Nguyên Sa:

“Này đây, tả ngạn làm thơ

Còn kia hữu ngạn ngồi chờ tin em

Cái người năm ấy em quen

Phân thân nửa ở bên em, nửa về”

Nửa về của nhà thơ là thể phách, chúng ta đang đưa tiễn.

Thưa chị Nga và các anh chị em.

“Nửa ở bên em” của nhà thơ là tinh anh, là tình yêu, ở mãi bên chị, ở mãi cùng chúng ta, ở mãi cùng sự sống.

Thưa anh Nguyên Sa,

Cám ơn anh đã tới trong đời em, như người thầy, người bạn, người anh...

Xin tạ ơn trên cho gia đình chúng ta có anh, và thời đại chúng ta có Nguyên Sa thi sĩ.

Trần Dạ Từ   

 

Phải nói sống đẹp và chết đẹp. Nguyên Sa của một đời và của một thời

Đôi dòng khép lại và tiếp tục hành trình Nguyên Sa của cả một thời

Hành trình thơ cũng như trí thức của Nguyên Sa là một đoạn đường dài. Bắt đầu từ ngoài nước đến về Việt Nam cho đến 1975. Sau đó chặng đường cuối là tại hải ngoại.

Mỗi chặng đường là một cột mốc, đánh dấu một thời kỳ dựa trên các câu hỏi: Viết ở đâu, viết lúc nào, viết cho ai, viết để làm gì và tại sao viết.

Nắm bắt được những tiêu chí đó sẽ giúp giải đáp được một phần sự đóng góp cũng như đánh giá công bằng về tác giả.

Cứ cho rằng, ông bắt đầu làm thơ trong những năm du học trung học, rồi đại học Sorbonne. Và cuộc gặp gỡ bà Nga, một sinh viên theo ngành toán học, còn ông triết học. Mối tình đầu đã nở hoa và với vô số bài thơ viết riêng cho Nga mà không đăng như kỷ niệm giữ riêng cho mình. Và chỉ phổ biến sau này khi đã kết đôi lứa.

Đây là những bài thơ tình tưởng chỉ dành cho hai người, trở thành một thứ hiện tượng văn học muôn thuở đi vào văn học bằng cửa chính mở toang.

Thơ ấy mỗi thời điểm là mỗi khác biệt len lỏi vào tâm tư, tình cảm của lớp người trẻ. Cái chính là đọc thơ Nguyên Sa, người trẻ thấy mình trong đó, một gia tài chung mà lại riêng cho từng người.

Nó như thể đốn ngã và lấp kín một cách ngoài ý muốn các nẻo đường văn học khác theo cái nghĩa “vượt trội” hay thì người ta tìm đọc của đám đông.

Chẳng hạn Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng vẫn có chỗ đáng kính dành cho các ông. Thanh Tâm Tuyền, Quách Thoại, Cung Trầm Tưởng cũng vậy. Mỗi người là một đặc sản.

Và điều đó cũng là cá tính làm nên văn học, nghệ thuật miền Nam. Sự đa dạng và sự cá biệt bao hàm tự do. Và thơ Nguyên Sa là biểu tượng cho một thời miền Nam khó phủ nhận. Và khó quên đối với mọi người.

Thơ ông đi vào lòng người và ở lại như chốn quê nhà mà không là quán trọ.

Và đã có lần Nguyên Sa tự nhận mình một cách “hài ước” là Công tử Nguyên Sa. Bài thơ ý lạ, hiếm mà ít người biết đến nên tôi ghi lại (Hoàng Hải Thủy có danh hiệu là “công tử Hà Đông” cũng cùng một lẽ chăng?)

Ta là công tử đời xưa

Nàng xuống ngựa đứng chờ rất ngoan

Tay cầm chiếc lọng vua ban

Vai mang võng tía có nàng nằm trên

Ta đi giữ phố Sài gòn

Với thơ với nhạc với làng mạc quen

Với trăng trên áo hoa vàng

Với chim thần thoại chỗ gần cuối môi

Ban mai ở chỗ nàng ngồi

Buổi chiều bên suối đêm dài dưới chân

Chín lần ở dưới gót chân

Chín con rồng đỏ có hình dáng ta

Nhẹ nhàng áo gấm hòa hoa

Xin trời biển với chiều tà chút mây».

(Bài thơ này nhiều người không hay, trích trong trang bìa Nguyên Sa (1956-1975). Nxb Nam Sơn. Montréal, Juillet 2004)

Và cứ thế, cứ thế, ông nhẹ đi vào đời với những bài thơ như «Tháng sáu trời mưa» trong tập thơ Nguyên Sa một. những năm 1950. Tỏ tình ngọt «như uống ly chanh đường». Với những điệp khúc láy đi láy lại trong mỗi dòng mà không thừa, nhàm chán. Nó có vẻ như phảng phất trong ngôn từ của họ nhạc sĩ họ Trịnh. Phải chăng các đấng thiên tài có một điểm đồng quy. Giống mà khác?

Tháng sáu trời mưa không ngớt

Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa

Anh lạy trời mưa phong tỏa đường về

Và đêm ơi xin cứ dài vô tận.

 

Và một bài thơ vỏn vẹn có chữ «Nga», làm tại Pháp năm 1954.

«Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm

Như con mèo ngái ngủ trên tay anh

Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình

Để anh giận sao chả là nước biển

Tại sao Nga ơi, tại sao?...

Đôi mắt em nghẹn như sát từng lần vỏ hến

Hơi thở trũng như sợi chỉ không căng.

Bước chân không đều như thước kẻ làm cong

Ai dám để ngoài mưa, ngoài nắng!»

 

Đọc một đoạn khác trong bài «Tuổi mười ba» mà bất cứ ai cũng phải thuộc

Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc

Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường

Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương

Tôi thay mực cho vừa mầu áo tím...

(Còn Tiếp)

29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76184)
  Hỡi cô Cựu Nữ Sinh Ngô Quyền, hỡi cô bạn hàng xóm của tôi ơi!   Tôi rất cảm phục và trân quí cô.   Nếu giữa cô và tôi không có thứ tình cảm nào khác thì trong tôi sẵn có có một thứ tình keo sơn gắn bó với cô từ lâu, từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, kéo dài cho đến tuổi…sồn sồn bây giờ và tuổi già sắp tới, đó là tình bạn.   Còn cô thì sao?
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76773)
Từ chia tay ở Tân Mai, tôi không hề biết Th giờ ra sao? Cuộc chiến qua đi thật xa. Bao thăng trầm trãi xuống cho quê hương, cho đời người. Thì thôi, hãy là những lời cầu nguyện bình an cho nhau. Dẫu mai đời có thế nào?
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73825)
  “Muốn sang phải bắt cầu Kiều, Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy”  
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73924)
( Tựa bài được đặt theo hai câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên “ Người muôn năm cũ bây giờ ở đâu?” để thành kính thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến các Thầy Cô đã về với “hạc nội mây ngàn”, và các Cựu học sinh NQ đã vĩnh viễn “bỏ cuộc chơi”).
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72650)
    Có lẽ mọi người đang thắc mắc tại sao lại gọi là đứa con nuôi của trường Ngô Quyền? Bởi vì hầu hết các học sinh được vào học bắt đầu từ lớp 6 và trưởng thành ở lớp 12 rồi vào đại học, nên được xem như con đẻ...
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 71999)
    * Bài viết cho linh hồn thầy Nguyễn Phong Cảnh, một tinh thần đáng học hỏi cho toàn thể hội viên Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền Biên Hòa.      
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 75523)
  Qua những hình ảnh, các bài viết của thầy cô bạn bè, chúng ta đang thấy lại từng khuôn mặt, dáng hình, tính cách của các ân sư, đưa chúng ta trở về con đường phát triển của mái trường xưa. Qua đó, câu nói “Cơm Cha-Áo Mẹ-Công Thầy” càng mang ý nghĩa sâu đậm hơn!
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 74202)
Dẫu cho ngày tháng có phôi pha, buồn vui dù ít hay nhiều đều là những kỷ niệm đẹp của một thời áo trắng…Hy vọng những cuộc tương ngộ, trùng phùng của ngày hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta một quá khứ ươm bằng mật ngọt, và mãi cầu mong một tương lai đến cho vừa đẹp lòng người.
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 80491)
  Có những sự việc tình cờ suy gẫm lại hình như được sắp xếp sẵn. Y và tôi ngồi cạnh nhau, từ ngày học Thất 2 cho đến khi ra trường. Ban đầu tôi rất ghét cái tính thật thà   thẳng tánh của Y, vì nó dám nói rằng trường tiểu học Trần Quốc Tuấn ở Tam Hiệp, nơi tôi đi học, chưa hề nghe nói đến. Trái lại Y là học sinh giỏi của trường Nữ Tiểu Học Biên Hòa .
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 74061)
Học sinh Ngô Quyền ngày xưa, lưu lạc bốn biển năm châu, với đời sống rất riêng của mỗi người, nhưng hình như chúng tôi vẫn có một tập hợp giao, giống nhau ở chỗ chúng tôi vẫn kính trọng và biết ơn tất cả các thầy cô như từ thuở nào, chúng tôi còn nhỏ dại, ngồi ở ghế học trò của trung học Ngô Quyền.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 75829)
Thật ra, nói bạn tôi là bà mai không đúng mà cũng không sai. Không đúng vì làm gì có chuyện Ngọc Dung giới thiệu tôi với anh Nhiên. Nhưng không sai vì nếu không chơi thân với Dung thì không chắc tôi vướng lụy lưới tình...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69089)
  Những thằng bạn ấy bây giờ ra sao rồi nhỉ? Mới chỉ có hơn ba mươi năm, lớp Tứ Bốn giờ đây có bạn sắp sữa hồi hưu, có bạn đã làm ông nội, ông ngoại, có bạn đã vĩnh viễn ra đi, nhìn lại mình, mái tóc muối đã có phần nhiều hơn tiêu.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 73722)
         Ngày vui sao qua mau!   Cuộc vui rồi cũng đến lúc chia tay. Những ngày qua, bọn chúng tôi như sống lại thuở học trò vui vẻ, vô tư không chút gì vướng bận. Có lẻ không ai phủ nhận thiên đường học sinh trong mỗi chúng ta ai cũng có...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69332)
  Đến rồi đi, đó là lẽ vô thường sống động nhất của tạo hoá không dành một biệt lệ cho ai.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 66502)
  “Hãy đến với nhau một lần vì sợ rằng sẽ không còn được thấy nhau nữa” .  
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 73060)
Hãy cho Tôi lại ngày xưa ấy Tôi sẽ là Tôi của dạo nào, Để nhìn Em khuất sau khung cửa, Để làm lưu bút, mỗi Em ghi .  
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 65421)
Thắm thoát mà thời gian qua nhanh thật. Tôi tưởng như mới ngày nào đây thôi, bọn chúng tôi còn vô tư vui vẻ với những niềm vui bất tận của tuổi học trò ngây thơ...
17 Tháng Mười Hai 2008(Xem: 76737)
Những kỷ niệm đời xin mãi như ngọn nến hồng của ngày sinh nhật cứ thắp sáng lên để làm tươi thắm thêm tuổi đời chẳng còn được là bao!