Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Trần Diệu Hương - NHẬT KÝ "CẤM TÚC" TUẦN 32

31 Tháng Mười 202010:54 CH(Xem: 8574)
Nguyễn Trần Diệu Hương - NHẬT KÝ "CẤM TÚC" TUẦN 32
 
NHẬT KÝ "CẤM TÚC" TUẦN 32 



Thứ hai 19 tháng 10


Trong lúc đại dịch đang hoành hành, người ta chỉ thấy ảnh hưởng nghiêm trọng đến hai mặt sức khỏe, và kinh tế. Phải "đầu bù tóc rối" nghỉ cách đối phó với tác hại của cúm Tàu trong hai lãnh vực này, ít người có thì giờ, và tâm trí nghĩ đến những tác hại xã hội mà Coronavirus đang thầm lặng gây ra. 


Nhà Tâm Lý Học Martie Haselton, cũng là Giáo sư của trường Đại học UC ở Los Angeles (UCLA) vừa công bố nghiên cứu của bà và một số đồng nghiệp về viễn cảnh của đời sống nhân loại sau thời đại dịch.

Theo đó, đại dịch càng kéo dài càng gây rất nhiều thay đổi, trong đó ba thay đổi quan trọng và ảnh hưởng lâu dài: tỷ lệ sinh đẻ sẽ giảm nhiều; người ta sẽ kéo dài đời sống độc thân, lập gia đình muộn hơn; và phái nữ sẽ không cần đến phái nam như trước, sẽ càng lúc càng độc lập hơn.


Tất cả những điều này sẽ dẫn đến dân số thế giới, dân số các quốc gia đều giảm mạnh, sau một thời gian rất dài tăng đều, làm người ta sợ không đủ lương thực để ăn.

Ở một số quốc gia, quan niệm người đàn ông là cột trụ của gia đình, là nguồn cung cấp vật chất cho gia đình cũng sẽ thay đổi sau đại dịch.


blankblank

         Courtesy of aegonlife.com


Nếu không có nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý, phải mất ít nhất là vài năm sau khi đại dịch chấm dứt, người ta mới thấy những tác hại âm thầm của nó. Rất thầm lặng, Coronavirus không chỉ gieo rắc bệnh tật, cướp đi cả triệu con người, mà còn có khả năng thay đổi xã hội ngay cả khi kẻ thù vô hình này đã bị khống chế.


***


Thứ ba 20 tháng 10


Chủ nhật tuần qua, một chuyến bay của Spirit Airlines từ Newark, New Jersey của Mỹ đến San Juan, Puerto Rico là một chuyến bay có "bão táp trên đất liền" giữa một ngày mùa thu nắng đẹp của quần đảo nằm ở Đông Nam của Cuba, nhưng thuộc lãnh hải của Hoa kỳ. 

Khi chuyến bay đã chạm bánh và giảm tốc độ trên phi đạo của phi trường San Juan thì chuyện đáng xấu hổ xảy ra trong thời đại dịch giữa một số hành khách thừa năng lượng nhưng thiếu kiên nhẫn.


blank

 Courtesy of Spirit Airlines - Takes my spirit away (Animated) -youtube


Trong lúc máy bay đang "chạy chậm" ở phi đạo, đèn hiệu đeo dây an toàn vẫn sáng, cô Nyasy Veronique Payne, với ba người đi cùng đã đứng lên, mở compartment lấy hành lý. Vì họ đứng lên nên mọi người đều thấy "face mask" của họ bỗng dưng thành "neck mask" (cả bốn người đã kéo khẩu trang xuống cổ, không biết tự lúc nào).


Một vài hành khách lên tiếng vì cả hai điều đó đều vi phạm an toàn, và ảnh hưởng đến sức khỏe của tất cả hành khách trên chuyến bay, đặc biệt là những người ngồi gần hàng ghế của cô Nyasy và ba người đi cùng.


Một người đàn ông lên tiếng nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng Nyasy hùng hổ tiến tới "ăn thua đủ" vừa bằng ngôn ngữ vừa bằng nắm đấm.

Chiến tranh bùng nổ giữa nhóm bốn người của Cô và tất cả các hành khách khác bằng miệng và cả bằng tay chân, dễ dàng một cách khó hiểu như các em bé ở trường Tiểu học đánh nhau ở sân trường trong giờ ra chơi.


Một vài hành khách còn lên tiếng bằng những lời lẽ kỳ thị chủng tộc và kỳ thị những người đồng tính với nhóm của cô Nyasy Veronique Payne.


Một trong các tiếp viên hàng không âm thầm gọi điện thoại cho cảnh sát ở phi trường.

Khi máy bay ngừng hẳn ở cổng (gate), nhân viên công lực lên máy bay còng tay Nyasy và ghi giấy phạt cho ba người bạn của cô.


Hòa bình và trật tự được vãn hồi với sự can thiệp của cảnh sát. Thiên đường cũng cần cảnh sát thì trái đất không thể thiếu những người mặc sắc phục của pháp luật.


Cầu mong không ai bị nhiễm Coronavirus vì "cuộc chiến tranh" khá vô lý chỉ kéo dài vài phút nhưng đã để lại một bài học đáng nhớ cho rất nhiều người, kể cả những người không có mặt trên chuyến máy bay buồn nhiều hơn vui cuối tuần qua.


***


Thứ tư 21 tháng 10


Erin Bates đúng là một "em bé của phép màu" (miracle baby). Chỉ mới 6 tháng, em đã "thường trú" ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà.

Ông bà Emma và Wayne Bates trải qua mười năm dài tìm đủ mọi cách (từ khoa học đến tôn giáo) để có con. Vào ngày 8 tháng 10 năm 2019, bé gái Erin chào đời như một phép màu, một "lời cầu nguyện đã có Người nghe"


Chỉ một tháng sau đó, họ được hung tin Erin bị bệnh tim bẩm sinh (Tetralogy of Fallot). Chưa đến hai tháng, Erin phải vào bệnh viện để mổ tim. Ca giải phẫu quan trọng, đầu đời của Erin thành công, em hồi phục sức khỏe, trở về nhà trong hạnh phúc của cha mẹ.


Vào trung tuần tháng 4, Erin bị sốt và khó thở, em được đưa đến để Bác sĩ chẩn đoán, và lấy COVID-19 test. Hai ngày sau, mọi người ngạc nhiên và lo lắng khi kết quả xét nghiệm dương tính.

Khác với những bệnh nhân nhiễm cúm Tàu khác, bệnh nhân tí hon Erin được cách ly cùng với mẹ trong bệnh viện Alder Hey Children’s Hospital ở Liverpool của nước Anh, nơi em được mổ tim chỉ vài tháng trước. Dù bà Emma không có triệu chứng của COVID-19, và chưa hề có xét nghiệm nhưng bà phải ở cùng con, vì bệnh nhân Erin quá nhỏ, rất khó cho các bác sĩ theo dõi bệnh tình của em.


blank

                        Courtesy of  Emma and Wayne Bates & Alder Hey Children’s Hospital


Ngày 24 tháng 4, chỉ sau hơn một tuần nằm bệnh viện, cả hai mẹ con Erin đều có COVID-19 test âm tính. Một lần nữa, "miracle baby" thắng được bệnh tật. Khi cái nôi của Erin được đẩy ra khỏi phòng cách ly, nhân viên bệnh viện  Nhi đồng Alder Hey đứng dọc theo hành lang, vỗ tay mừng em bé đã thắng được kẻ thù Coronavirus vô hình, nguy hiểm của nhân loại.

Erin không biết gì, chỉ mở đôi mắt to tròn màu nâu xám nhìn những chiếc bong bóng đủ màu trên tay các "thiên thần áo trắng" của bệnh viện, nhưng bà Erin, mẹ của em, bước theo sau cái nôi thì long lanh nước mắt cảm động, hạnh phúc .


Dù đã "thắng" Coronavirus một cách oanh liệt, vẻ vang, Erin vẫn phải "thường trú" ở bệnh viện thêm vài tháng để được chăm sóc theo tiêu chuẩn y tế cho một trong những bệnh nhân trẻ nhất có "bệnh sử" đặc biệt, trước khi được về nhà trong vòng tay chăm sóc của cha mẹ.


Erin Bates đúng là một em bé diệu kỳ được bàn tay của Thượng đế, được các Bác Sĩ, Y tá của Bệnh viện Nhi đồng Alder Hey ở Liverpool, England chăm sóc đặc biệt, và là suối nguồn hạnh phúc của ông bà Bates.


***


Thứ năm 22 tháng 10


Michael Lang là sinh viên thứ ba ở Mỹ vừa bị Coronavirus lấy mất cuộc đời ở còn rất trẻ.

Michael vừa bắt đầu cuộc đời sinh viên năm nay ở trường Đại học tư Dayton của Thiên chúa giáo ở Ohio.


blank

In memory of Michael John Lang (2002-2020) Courtesy of University of Dayton, Ohio


Michael đến Ohio nhập học vào ngày 8 tháng 8 năm nay, rồi trở về nhà ở LaGrange, Illinois khi trường chuyển qua học online.

Vài ngày sau khi về đến nhà, Michael vẫn khỏe mạnh. Sau đó, em bị nhiễm Coronavirus, và được đưa vào bệnh viện. Sau một thời gian khá dài nằm bệnh viện, mặc dù được chăm sóc chu đáo, và hãy còn có sức khỏe của "tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu", Michael vĩnh biệt đời sống hôm nay, ngày 22 tháng 10.


Cho đến bây giờ, không ai biết Michael Lang bị lây Coronavirus từ trường hay từ nhà? Điều đó bây giờ không còn quan trọng nữa khi em đã bỏ lại cha mẹ và cuộc đời còn rất trẻ sau lưng vì đại dịch cúm Tàu. 


Đến cuối tháng 10, Michael là sinh viên thứ ba ở Mỹ đã thiệt mạng vì đại dịch cúm Tàu. Trước đó, Jamian Stephens cầu thủ của đội Football của một trường Đại học ở Pennsylvania bị Coronavirus đánh cắp cuộc đời ở tuổi 20 vào ngày 8 tháng 9. Và Chad Dorill, cũng bỏ lại cha mẹ và bạn bè ở trường Đại học  Appalachian State University ở North Carolina ngày 28 tháng 9 khi em chưa kịp mừng sinh nhật lần thứ 20 của mình vào cuối năm nay.


Chỉ mong các sinh viên đọc những tin tức rất  buồn này để cẩn thận hơn, thường xuyên đeo khẩu trang, và nghĩ đến những người bạn cùng trang lứa đã bị đại dịch lấy mất cuộc đời còn rất trẻ, trước khi quyết định tụ tập vui chơi.


Cầu mong Michael John Lang yên nghỉ ở nơi miên viễn bình yên.


***


Thứ sáu 23 tháng 10


Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết vào tuần lễ thứ 3 của tháng 10 năm 2020 , Châu Âu và vùng Trung Á đã có 2.8 triệu bệnh nhân mới nhiễm cúm Tàu, gần một nửa (5.6 triệu) tổng số nạn nhân mới của COVID-19 ở địa cầu.

Tất cả các quốc gia Châu Âu đang chìm trong làn sóng tấn công lần hai của Coronavirus. Thậm chí, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Châu Âu (European CDC), Bỉ đã, và Tây Ban Nha sắp, "qua mặt" Hoa kỳ về số người nhiễm bệnh và tử vong trên một triệu người (per capita).


Tổng Thống Emmanuel Macron khi ban hành lệnh lockdown toàn quốc từ hôm nay đến ngày 1 tháng 12 đã nói với người Pháp qua TV: 


..."Coronavirus đang lan truyền với tốc độ mà ngay cả những dự báo bi quan nhất cũng không lường trước được. Như các nước láng giềng, chúng ta đang bị chìm trong tốc độ tấn công nhanh chóng một cách đột ngột của Coronavirus"...


Hơn một nửa số phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) của các bệnh viện ở Pháp đã đầy bệnh nhân cúm Vũ Hán. Chính phủ phải điều động cả máy bay quân sự lẫn dân sự để chuyển bệnh nhân COVID-9 đến ICU của các bệnh viện còn trống.

Khi số người chết (thuộc đủ mọi lứa tuổi) lên đến con số 520 trong một ngày (với dân số chưa đến 67 triệu người), Tổng thống Pháp cho biết "national lockdown" là biện pháp duy nhất để ngăn chận làn sóng đại dịch lần thứ hai ở Pháp. 


Cùng ngày, Đức cũng ban hành lệnh "national lockdown" đến cuối tháng 11. Các nhà hàng, bars, rạp chiếu phim, và câu lạc bộ bị đóng cửa. Riêng nhà hàng chỉ được bán thức ăn mang về nhà. Khách sạn không bị đóng cửa nhưng không được phép cho khách du lịch thuê phòng, chỉ được phép cho những người đi công tác, hay các nhân viên làm trong các ngành dễ bị lây bệnh thuê phòng vì muốn tránh lây lan đến thân nhân ở cùng nhà.

Thủ tướng  Angela Merkel và các Thống đốc 16 tiểu bang của Đức đều đồng ý "Chúng ta phải hành động, ngay bây giờ, để tránh tình trạng khẩn cấp về y tế "


Khác với lệnh lockdown đợt một, đầu mùa Xuân năm nay, trường học ở cả Pháp lẫn Đức vẫn mở cửa.


Bỉ, Hòa Lan, Tây Ban Nha, Anh, Tiệp Khắc... đều có con số bệnh nhân tăng cao đều đều mỗi ngày trong hai tuần qua.


 Chừng như nhân loại đang phải tập "sống cùng COVID-19" khi chưa chiến thắng được trận chiến với kẻ thù vô hình, vô cùng nguy hiểm Coronavirus.

 

***


Thứ bảy 24 tháng 10


COVID-19 kéo dài càng lâu, càng có ảnh hưởng xấu đến tất cả mọi mặt, không chỉ tác hại đến sức khỏe, kinh tế mà còn làm người ta mất đi sự kiên nhẫn, trở nên say sưa và có nhiều hành động tổn hại đến người khác.


Matt Grant, một thanh niên 26 tuổi, đang ôm đàn hát rong trên đường phố Edinburgh ở Bradford, Scotland, (the UK), bị một người phụ nữ say rượu trên đường phố đập vỡ cây đàn guitar thùng đã giúp anh kiếm sống trong thời đại dịch.


Thay vì lắng nghe tiếng đàn điêu luyện, và tiếng hát trầm ấm của Matt như nhiều người qua lại trên đường phố Edinburgh, người phụ nữ say giữa ban ngày, đến gần Matt buông ra những lời thô tục. Matt nhỏ nhẹ mời người phụ nữ đi chỗ khác. Không những không đi, người say rượu này còn đập vỡ cây đàn guitar thùng bằng gỗ của Matt.

Cảnh sát đến can thiệp, và bắt người đàn bà "trouble maker" vì những tội: gây náo loạn đường phố, phỉ báng người khác vô cớ, và phá hoại tài sản cá nhân của người khác. 


blank blank

 The broken guitar       The gifted new guitar from Jack White (courtesy of Matt Grant)


Matt hụt hẫng vì hành động hung hăng này, nhưng điều làm anh lo nhất là cây đàn guitar của anh, dụng cụ giúp anh kiếm sống trong thời đại dịch đã bị nát một phần.

Không có tiền, anh lập một trang quyên tiền trên trang GoFundMe chỉ mong xin đủ tiền mua lại cây đàn khác, vào khoảng £300 (USD 390)


Chưa đến một ngày, chỉ trong 20 tiếng đồng hồ, cả trăm người đã vào đóng góp giúp anh nhạc sĩ trẻ mua lại cây đàn bị đập vỡ. Số tiền lên đến £4,196 (USD5,450). Quá nhiều và quá nhanh hơn anh dự tưởng, Matt đóng lại trang quyên tiền với lời cảm ơn từ tận lòng thành đến những ân nhân anh không hề quen biết.

Còn hơn thế nữa, Nhạc sĩ lừng danh Jack White của ban nhạc The White Stripes nhờ một tờ báo địa phương liên lạc với Matt và tặng anh một cây guitar điện, có cả hệ thống loa tự điều chỉnh âm thanh thích hợp, "một cây đàn trong mơ" Matt vẫn ao ước nhưng không có tiền mua.


Dù chỉ là một người hát rong, nhưng Matt rất yêu âm nhạc và đầy tự trọng, anh dùng số tiền được tặng để mua những nhạc cụ khác.

Xin gởi lời chúc lành từ California, Mỹ qua Bradford, Anh đến Matt Grant. Mong con đường âm nhạc của anh sẽ thênh thang rộng mở.

Thượng Đế đã gởi một người thiếu kiên nhẫn, say sưa trong thời đại dịch đến đóng cánh cửa sổ của Matt, nhưng đã mở rộng cửa lớn gởi Jack White và  những người có lòng đến giúp người hát rong trẻ tuổi trên đường phố. 


***

 

Chủ Nhật 25 tháng 10


Có ít nhất là 25 quốc gia trên thế giới tổ chức lễ hội Halloween sau khi mặt trời lặn vào ngày cuối cùng của tháng 10 dương lịch hàng năm. Chỉ riêng Mễ Tây Cơ có lễ hội Halloween kéo dài đến 3 ngày (OCT 31- NOV 2). Ngoài ra còn các quốc gia khác kỷ niệm ngày lễ ma quỷ bằng một cái tên khác, vào một ngày khác trong năm. Chẳng hạn như ngày 14 tháng 7 âm lịch, người Việt Nam có tục lệ cúng cô hồn.


 Cũng như tất cả mọi thứ, lễ hội ma quỷ trong mùa đại dịch sẽ khác thường, không được tổ chức rầm rộ như thường lệ. Người buồn nhất có lẽ là các em bé mất dịp hóa trang đi xin kẹo, và các nhà sản xuất, các tiệm bán kẹo, bán đồ trang trí, hóa trang cho Halloween. 


Từ đầu tháng 10, các chuyên gia y tế có uy tín đã lên tiếng khuyên các bậc cha mẹ không nên cho con cái đi xin kẹo như hàng năm, mà chỉ nên tổ chức Halloween ở trong nhà năm nay.

Cảm nhận nguy hiểm lây lan của Coronavirus, đa số người Mỹ không trang trí sân nhà bằng những trái bí màu cam, những bộ xương người treo lủng lẳng ở các gốc cây, những mộ bia, và hình ảnh tử thần với cái lưỡi hái đặc trưng như những năm trước.


Các em từ lớp sáu trở lên hẳn cũng hiểu tại sao mình sẽ có một Halloween lặng lẽ năm nay. Các em chưa đi học thì thậm chí không biết là Halloween đang đến gần. Chỉ có các em ở bậc Tiểu học thì cần phải được giải thích để các em hiểu cha mẹ đang bảo vệ mình, và các em sẽ có nhiều Halloween khác trong đời để bù đắp cho thiệt thòi năm nay.


Các bậc cha mẹ được khuyên tổ chức thi hóa trang cho các em ngay từ nhà qua Zoom trên màn hình computer, và giấu kẹo trong nhà để các em đi tìm(tương tự như giấu trứng luộc, hay trứng nhựa  trong lễ Phục sinh). Đó là cách an toàn nhất để các em vẫn có thể vui chơi Halloween trong mùa... mắc dịch.


blankblank

Courtesy of David Concepcion                        Courtesy of The Iola Register


Giáo sư Bill Hanage của Phân khoa Public Health, trường Đại học Harvard đã có lời khuyên "avoiding the three C's: Crowds, Closed spaces and Close contact.”  vào mùa lễ Halloween năm nay để tránh bị lây nhiễm Coronavirus. Theo ông, người ta nên tránh xa đám đông, tránh xa những không gian kín trong nhà, và tránh xa những tiếp xúc gần hơn hai mét.


Bác sĩ Nhi khoa, cũng là giảng viên của trường Đại học Y khoa Northwestern University Feinberg, Taylor Heald-Sargent  thì cho là nếu muốn tổ chức lễ Halloween thì những thành viên tham dự phải là người ở cùng nhà. Đó là cách an toàn nhất để bảo vệ bản thân và gia đình tránh khỏi dịch bệnh.

Với riêng bà Taylor, tiền để mua kẹo phát cho các em nhỏ gõ cửa nhà mình vào đêm Halloween sẽ dùng để mua face mask dành cho trẻ con, và bà sẽ dán các khẩu trang đó trước cửa nhà mình vào đêm Halloween là "treat" cho các em thay cho kẹo chocolate.


Rất riêng, xin được chia xẻ, tiền mua kẹo và mua đồ hóa trang cho hóa trang Halloween hàng năm ở sở năm nay, chúng tôi sẽ dành để gởi cho đồng bào ở quê nhà đang chìm trong thiên tai "trời hành cơn lụt mỗi năm”  và nhân tai "phá rừng, xây hệ thống thủy điện bừa bãi" qua hai trang GoFundMe được hai bạn trẻ Việt Nam ở Mỹ và ở Anh  lập ra hướng về nạn nhân bão lụt miền Trung trong tinh thần "lá lành đùm lá rách"  


https://www.gofundme.com/f/the-love-boat-vietnam-flood-relief

https://www.gofundme.com/f/charity-to-the-poor-affected-by-flood-in-vietnam


Bất cứ một ánh lửa nào dù nhỏ nhoi, cũng soi sáng được đêm đen triền miên của những người bất hạnh. 


Nguyễn Trần Diệu Hương

Halloween 2020 - Weekend before Election Day 2020





06 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 49388)
(lan man theo “Không Còn…” của Tưởng Dung ... Nghi ôm đầu gục xuống bàn. Hai vai nàng rung lên. Âm thanh của những tiếng nấc như tiếng thì thầm, tắc nghẹn:” bóng em tìm bóng anh đến cuối đời, có gặp?”
05 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 43879)
Tôi hay tin trễ, Thầy Trần Văn Tài qua đời không lâu, sau ngày tôi tình cờ gặp lại Thầy ở Trảng Bom. Những dòng chữ muộn màng này, thay nén nhang thơm tôi và các bạn lớp 10B4 năm xưa kính nhớ Thầy.
01 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 49065)
* Xin đính chính đây không phải là bài viết của Giáo sư, Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng hiện cư ngụ tại Hoa Kỳ mà là của một tác giả khác cùng tên. Xin thành thật cáo lỗi cùng tác giả và Thầy Nguyễn Xuân Hoàng. (Ban Điều Hành WebNQ)
30 Tháng Mười Một 2013(Xem: 53589)
Viết về anh cũng như tôi đang nhớ tới những kỷ niệm đầu tiên của tôi với cây bút. Bài viết ngắn này cũng ngắn ngủi như mối giao tình (chưa hề gặp mặt nhau) của hai anh em mình...
29 Tháng Mười Một 2013(Xem: 46680)
Con gái Ba đây chỉ muốn nói với Ba lòng biết ơn Ba đã nuôi dạy con khôn lớn, đã yêu con bằng tình yêu không điều kiện, đã để lại cho con một di sản tinh thần vô cùng quí báu.
29 Tháng Mười Một 2013(Xem: 38930)
Lễ Tạ Ơn là một dịp để gia đình họp mặt, những người đi làm xa nhà đều trông đợi vào ngày này để cùng về nhà xum họp, quây quần bên bữa cơm gia đình.
21 Tháng Mười Một 2013(Xem: 41324)
Tôi lặng lẽ dọn dẹp nhà cửa từng ngõ ngách... tôi sắp xếp lại đời tôi từng góc cạnh... và bắt gặp mình vẫn miên man mong nhớ, mân mê từng mảnh kỷ niệm… thật chẳng muốn buông tay... thật không nỡ rời xa.
21 Tháng Mười Một 2013(Xem: 50864)
Nguyễn Chí Thiện và Nguyễn Đắc Kiên. Hai nhà thơ. Hai thế hệ- Hai hoàn cảnh một từ trong cảnh tù đầy 27 năm cộng lại tại miền Bắc- một trong hoàn cảnh đất nước đã độc lập với tư cách nhà báo-.
15 Tháng Mười Một 2013(Xem: 41897)
Nếu tôi phải làm một tuyển tập những truyện ngắn hay nhất ở hải ngoại sau năm 1975, trong số các tác phẩm được chọn, nhất định phải có truyện ngắn “Tự truyện một người vô tích sự” của Nguyễn Xuân Hoàng.
15 Tháng Mười Một 2013(Xem: 54322)
Nghe Hoàng đau, nhóm anh em báo Người Việt nóng lòng muốn đi thăm. Chuyến đi đã được thực hiện ngày thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013, chúng tôi sáu người từ quận Cam đi San Jose lúc 6 giờ sáng, phải đi sớm vì còn phải lái xe về trong ngày.
14 Tháng Mười Một 2013(Xem: 56112)
Hàng chữ nhảy nhảy, bay bay, múa múa, nhợt nhạt rồi nhòe nhòe dần dần. Tôi lẩm bà lẩm bẩm "Trí sún ơi! Tao ngàn lần xin lỗi, xin lỗi và cám ơn mày".
14 Tháng Mười Một 2013(Xem: 40148)
Riêng Nguyễn Thế Hùng, đây là lần gặp lại sau 43 năm, khi bè bạn rời ghế học của trường trung học Ngô Quyền, để bước chân vào giảng đường đại học.
09 Tháng Mười Một 2013(Xem: 42212)
Cái ranh giới giữa hiện tại và quá khứ nhỏ quá, mỏng quá, nhanh quá, nhanh còn hơn một cái chớp mắt. “Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.”
08 Tháng Mười Một 2013(Xem: 44099)
Dù biết rằng vui mừng có giới hạn nhưng đau khổ vô bờ bến. Ước chi… ước chi…sương đã tan và nắng đã lên ở cuối đường.
01 Tháng Mười Một 2013(Xem: 52888)
Biết cùng ai chia sẻ sự suy nghĩ riêng mình, chỉ biết nhìn lên bầu trời âm u bên kia đồi, để rồi ước mong, mong một ngày nắng lên...
25 Tháng Mười 2013(Xem: 67044)
Cảm ơn tình bạn anh cho tôi, như cánh diều bay êm ả trên những tầng mây khi tụ khi tan, khi gần khi xa, như có như không, một tình bạn chân thật, giản dị,...
17 Tháng Mười 2013(Xem: 49633)
Mỗi lần tan học, ở các lớp cuối Trung học, chắc là cũng có các em học sinh mới lớn ngâm nga "em tan trường về anh theo Ngọ về" như chúng tôi...
17 Tháng Mười 2013(Xem: 36549)
Dường như đã thành người nhà dù màu da có khác, tiếng nói có khác, phong tục có khác mà sao thật quyến luyến vô cùng.
14 Tháng Mười 2013(Xem: 56338)
Nhớ điều này nha anh Hoàng, như anh đã viết năm nào. “Sau cái chết là gì? Là không gì hết. Có chăng là những ngọn gió. Ngọn gió thổi những lời bay đi. Ngọn gió thổi trả những lời trở lại.”
14 Tháng Mười 2013(Xem: 55482)
Xem lịch mới biết hôm nay là ngày đầu thu. Từng mùa thu đến, từng mùa thu đi. Đến rồi đi, đi rồi lại đến như bao kiếp người luân lạc trên dòng đời chảy miên man.